Niem an duc Phat - 09

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


NIỆM ÂN ÐỨC PHẬT

Susanta Nguyễn
Montreal, Quebec, 2002


9. ÂN ÐỨC THẾ TÔN - BHAGAVA

Người có những tính chất tuyệt đỉnh vượt lên trên tam giới.

Danh hiệu Bhagava (Thế Tôn) là một danh từ dùng đễ phát biểu sự tôn kính và lòng sùng bái của chúng sanh đối với đức Phật vì Ngài là bậc tối thượng hơn các chúng sanh và có những ân đức không ai bì. Sự thật, ân đức này là do Ngài, khi còn là Ðức Bồ tát, đã từng phát nguyện trong tâm là sẽ trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác và hành pháp hạnh Ba la mật suốt 7 A tăng kỳ. Ðến thời kỳ Ngài phát nguyện bằng lời cho chúng sinh được nghe biết rõ ý định Ngài sẽ trở thành bậc Chánh đẳng Giác, Ngài tiếp tục hành pháp hạnh Ba la mật suốt 9 A tăng kỳ. Ðến kiếp Ngài là đạo sĩ Sumedha đến hầu Ðức Phật Dipankara (Nhiên Ðăng) tạo duyên lành. Biết rõ ý định của Ngài, Ðức Phật Pidankara thọ ký cho ngài, trong vị lai còn 4 A tăng kỳ 100 ngàn đại kiếp nữa, đạo sĩ Sumedha này sẽ trở thành bậc Chánh Ðẳng giác có danh hiệu là Ðức Phật Gotama (Cồ Ðàm). Ngài đương nhiên trở thành Ðức Bồ tát cố định, bất thoái chí, tiếp tục bồi bổ 30 pháp hạnh Ba la mật trải qua 24 Ðức Phật thọ ký, Ðức Phật thọ ký cuối cùng là đức Phật Kassapa.

Kiếp chót của Bồ tát là Thái tử Siddhattha xuất gia hành đạo tại đại cội Bồ đề vào canh chót của ngày rằm tháng tư âm lịch. Ngài đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Ðế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh quả trỏ thành bậc Thánh A La Hán đầu tiên trong toàn thế giới chúng sinh. Ðồng thời Ngài cũng trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác nên có Ân Ðức Bhagava hay Ðức Thế Tôn.

Ðức Phật có danh hiệu là Bhagava vì Ngài là[i]:

I. BẬC CÓ PHẦN (Bhaga): Phần đây có nghĩa là số phận may mắn, thánh thiện và cao cả. Phần thiện quí báu cao thượng của Ðức Thế Tôn là 30 pháp Ba la mật mà Ngài đã đào tạo trong 4 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp của quả địa cầu, có năng lực đem lại sự an vui đến cho Ngài và cả chúng sanh trong thế gian và xuất thế gian.

II. BẬC CHIA PHẦN (Bhagi): Ðức Phật phân chia phần thiện quý báu cao thượng của Ngài như sau:

a. Ngài phân chia cho chư tăng tứ vật dụng (y phục, vật thực, chỗ cư ngụ, y dược) do các thí chủ cúng dường Ngài.

b. Ngài phân chia lương vị của giáo lý là các pháp đem lại sự lợi ích và cứu cánh giải thoát cho chúng sanh.

c. Ngài phân chia các pháp từ phần, từ loại cho rõ ràng minh bạch. Thí dụ: 3 phần là Pháp thiện, Pháp ác, và Pháp không thiện, không ác. 4 loại là tâm vương, tâm sở thuộc về thế gian và xuất thế gian v.v... Ngài phân tách các pháp ấy ra: Uẩn, bản chất, căn, trần, diệu đế, duyên khởi v.v...

III. BẬC CẢM THẮNG (Jaya): Cảm thắng đây có nghĩa là người chiến thắng. Sau khi thành đạo, chứng Chánh đẳng chánh giác, Ngài đem giáo lý truyền bá cho chúng sanh thấm nhuần những pháp vi diệu cứu khổ. Có hàng chúng sanh phát tâm chán nản thế sự phù du, cắt ái ly gia sống cuộc đời phạm hạnh của Tăng già. Có hàng chúng sanh trở nên có đức tin trong sạch, tín thành Tam bảo. Tăng đồ và thiện tín trong giáo pháp của Ngài trở nên đông đảo không kể xiết.

Thêm một lẻ nữa, trên con đường hoằng pháp cứu độ chúng sanh, nhiều lúc có người ngoại đạo quyết tâm chất vấn và tranh luận với ngài. Nhưng ngài không bao giờ nao núng, e ngại. Ngài điềm tĩnh bắt bẻ lập luận sai lầm của họ và giảng cho họ hiểu rõ đâu là chánh và đâu là tà. Chỉ có Ngài mới có trí tuệ thậm thâm, đầy đủ oai lực cảm thắng bọn ngoại đạo kích bác ngài. Nhiều khi sau các buổi tranh luận, có người thấy mình lầm lạc từ bấy lâu nay, phát tâm quy y Tam bảo và trở thành môn đệ của Ngài.

IV. BẬC ÐÃ DIỆT TẬN (Bhagga): Ngài đã tàn phá, diệt tận tất cả phiền não trọng đại và vi tế, bắt nguồn từ Tham, Sân, Si. Nói một cách khác, Ngài đã chiến thắng và diệt trừ Ngũ ma (Pancamara)khi Ngài ngự dưới cội bồ đề trước khi thành đạo.

Ngũ ma hay 5 bọn ma vương là:

A. Ngũ Uẩn Ma Vương (Khandha mara): Chính vì có thân ngũ uẩn này, chúng sanh mới có những sự thống khổ và cũng vì lầm lạc chấp rằng: Trong ngũ uẩn nầy có ta, cho sắc uẩn là ta, là của ta, là thân ta... và chấp thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn... cũng như thế ấy, nên các sự khổ não mới phát sinh lên được. Cả 5 điều chấp (ngũ uẩn) Upadanakkhandha ấy ví như 5 tên đạo tặc theo dính chúng sanh để chờ có dịp hãm hại, nên gọi là ngũ uẩn ma vương.

B. Phiền Não Ma Vương (Kisela mara): Phiền não có 10 hoặc 1.500.

10 phiền não (kisela) là: Tham (Lobha), Sân (Dosa), Si (Moha), Mạn, cống cao (Mana), Nghi về nhân quả (Vicikiccha), Tà kiến (Ditthi), Hôn trầm, uể oải, dụ dự (Thina), Phóng tâm (Uddhacca), Vô tàm hay không hổ thẹn tội lỗi (Arihika), Vô Úy hay không ghê sợ tội lỗi (Anottappa).

1.500 phiền não là 81 tâm phàm (Lokiyacitta), 52 tâm sở (Citasika), 18 sắc thành lập (Nipphanna rupa), 1 hư không (Akasa), 1 sanh (Jati), 1 già (Jara), 1 tiềm thức (Bhavanga) thành 150 phiền não. Trong đó có 75 phiền não bên trong và 75 phiền não bên ngoài. Ðem nhơn cho 10 phiền não vưà kể trên thành 1.500 phiền não. 18 sắc thành lập nầy là đất (pathavi), nước (apo), lửa (Tejo), gió (Vayo), nhãn (Cakkhu), nhĩ (Sota), tỉ (ghana), thiệt (Jivaha), thân (kaya), sắc hay cảnh (rupa), thinh (sadda), hương (Gandha), vị (Rasa), xúc (Photthabba), nữ căn (Itthindriya), nam căn (Purisindriya), tâm chất hay căn của tim (Hadaya Vatthu), mạng căn (Jivitindriya).

C. Pháp hành ma vương (Abhisankhara mara):

Hành vi tạo tác do thân, khẩu, ý dầu ác hay thiện đều gọi là pháp hành.

1. Pháp hành ác (Apunnabhisankhara) có 12: 8 nhân tham lam (Lobha mula), 2 nhân sân hận (Dosa mula) và 2 nhân si mê (Moha mula).

2. Pháp hành thiện (Punnabhisankhara) có 17; 8 hành thiện về Dục giới (Kamavacara kusala), 5 hành thiện về sắc giới (Rupacavara Kusala) và 4 hành thiện Vô sắc giới (Arupavacara Kusala).

Các pháp hành ác và hành thiện trên đây đều gọi là ma vương vì pháp hành ác thường xúi dục, xô đẩy chúng sanh tạo những nghiệp dữ, phải chịu khổ trong kiếp hiện tại và bị sa đọa trong 4 đường ác đạo. Còn pháp hành thiện thì thường rủ ren chúng sanh làm những việc phước thiện (bố thí, trì giới, tham thiền v.v...) để được hưởng nhơn thiên phước báu, hết làm trời đến làm người v.v... xoay vần mãi trong ba cõi không thoát được vòng sanh tử luân hồi.

D. Chư thiên ma vương (Devaputta mara):

Có một hạng Chư thiên ghanh ghét những người lành cứ theo ngăn cản không cho làm những điều thiện. Cầm đầu hạng chư thiên nầy là Ma vương (Mara) thường ở một nơi riêng biệt (Maradheyya) trong cõi trời Tha hóa tự tại (Paranimitavasavatti). Chính Ma vương này đã đến khấy rối và cám dỗ đức Phật nơi cội Bồ Ðề nhưng bị Ngài cảm thắng do nhờ Pháp thập độ nhất là pháp bố thí Ba La Mật.

Lợi khí của Chư thiên ma vương là 3 tấm lưới tình dục (Raga), lưới sân hận (Dosa) và lưới ái dục ngũ trần (Tanha). Chúng sanh nào bị sa vào 3 tấm lưới ấy rồi luôn luôn phải chịu khổ sở đau đớn, đều cố vùng vẫy cũng không sao thoát khỏi, ví như loài phi cầm tẩu thú đã dính mắc trong lười của thợ săn rồi không dễ gì thoát thân được.

E. Tử thần ma vương (Maccu mara):

Gọi Tử thần Ma vương vì sự chết có quyền lực cắt dứt tuổi thọ chúng sanh. Không có cái khổ nào lớn bằng cái khổ chết. Dầu không muốn xa lìa những nhân vật thương yêu trìu mená, dầu tâm còn những tham luyến tiền của sản nghiệp, song khi tử thần đã đến, vua chúa hay thường dân, sang cả hay bần cùng, trí hay ngu, ai ai cũng không thể cưỡng lại được tử thần.

Ðức Phật đã chiến thắng và diệt trừ cả 5 hạng Ma vương ấy, nên Ngài được hoàn toàn giải thoát.

V. BẬC ÐẠI PHƯỚC ÐỨC:

Ngài là bậc đại phước đức vì hai lý do:

A. Sắc thân hoàn mỹ: đầy đủ 32 tướng tốt và 80 tướng phụ.

B. Ðức hạnh toàn thiện: Ngài đã thực hành trọn đủ các pháp thiện và diệt tận các pháp ác không dư sót.

Các hạng chúng sanh ngưỡng mộ sắc thân hoàn mỹ phát tâm có đức tin trong sạch nơi ngài. Có hạng tin tưởng nơi đức hạnh toàn thiện, ly gia cắt ái trở thành môn đệ và vâng lời giáo huấn của ngài. Cả hai hạng chúng sanh ấy, sau khi tin tưởng Ngài rồi, đều được giảm bớt khổ não nơi tâm và tùy theo thiện duyên và sự tinh tấn, được hưởng hạnh phúc thế gian và xuất thế gian.

VI. BẬC CÓ HẠNH PHÚC:

Ðức Phật có 6 hạnh phúc như sau:

A. Năng Lực Kiểm Soát Ðược Tâm Ý Của Mình Và Biến Ðổi Theo Tâm Ý Của Mình Hay Tâm Tự Chủ (Issariya):

Năng lực tối thượng kiểm soát được tâm ý của mình và biến sự vật theo ý của mình của Ðức Phật được sử dụng ở cả hai cõi: cõi thế gian và cõi siêu thế gian. Ở cõi siêu thế, Ðức Phật có thể nhập đại định bất cứ lúc nào và kiểm soát những tiến trình tâm thức của mình để thực hành những pháp thần thông như làm nước chảy tuôn ra hoặc lửa bốc cháy từ bất cứ nơi nào trên cơ thể của ngài. Ở cõi thế gian, Ðức Phật có thể biến mình nhỏ bằng một nguyên tử khi thì tài tàng hình với thần Phạm thiên Baka (Anima); có thể biến mình lớn thành núi Siseru mà vẫn duy trì sự cân đối của cơ thể khi thi tài hóa nhỏ thành lớn với thần khổng lồ Asura (Mahima); có thể biến thân nhẹ như tâm để bay trên không (Laghima); có thể đi đến cõi trời Chư thiên và Phạm thiên trong tích tắc (Patti); có thể sử dụng tiếng nói và biến thành hình dạng của các vị vua ở các cảnh giới khác để giảng Pháp (Pakamma); có thể nhiếp phục người khác tuân theo ý mình (Isita); có thể dùng đại định và thần thông để phun lửa và hơi nước chế ngự những kẻ mạnh bạo và hung dữ như rồng chúa Uruvela(Vasita); có thể nhuần nhuyễn kiểm soát các tầng định để thực hành các pháp thần thông theo ý của mình như biến lửa thành nước và ngược lại ở bất cứ nơi nào trên cơ thể của ngài (Yatthakamavasayita)

B. Ðạt Ðược 9 Ðạo Và Quả Vị Cõi Siêu Thế Hay Tâm Chánh Pháp (Dhamma):

Ðức Thế Tôn đã chứng đắc 9 siêu tam giới pháp gồm 4 thánh đạo (Magga hay Nhập lưu, Nhất Lai, Bất Lai, và A La Hán), 4 thánh quả (Phala hay Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm, A La Hán ), và Niết bàn đầu tiên trong toàn thế giới chúng sanh, diệt đoạn tất cả 1.500 phiền não, 108 loại tham ái, và tất cả mọi tiền khiên tật do tích lũy vô lượng kiếp quá khứ.

C. Nổi Tiếng Tốt Lành Trong Tam Giới Và Ðược Chúng Sanh Trong Tam Giới Ngưỡng Mộ (Yasa):

Trí tuêï và đức độ của Ðức Phật là thật sự siêu việt và trong sáng, không phải do người khác ca ngợi hay thêu dệt lên. Vì thế, Ngài được chúng sanh trong tam giới biết đến và hết sức ngưỡng mộ, từ cõi người cho đến cõi long vương, đến chư thiên ở cõi trời dục giới, đến chư phạm thiên ở 15 cõi trời sắc giới (trừ cõi vô tưởng thiên), và thậm chí ngay cả chư phạm thiên ở cõi vô sắc giới cũng niệm tưởng đến Ân đức Phatä. Ðây là điều hiếm có vì cùng thời với đức Phật cũng có nhiều tu sĩ ngoại đạo nổi tiếng nhưng oai lực của họ không vượt qua khỏi thế giới loài người.

Ð. Có Tướng Mạo Huy Hoàng Và Ðẹp Ðẽ (Siri):

Ðức Phật có 32 tướng tốt và 80 tướng phụ của một bậc thượng nhân, có hào quang mát mẽ phát ra từ kim thân của ngài. Nên nhân loại, chư thiên, phạm thiên đến hầu đảnh lễ cúng dường Ðức Thế Tôn, lúc nào cũmg cảm thấy hạnh phúc an lạc phát sanh hỷ lạc. Cho nên, chúng sinh đến hầu Ðức Thế Tôn bao nhiêu lần cũng không cảm thấy đủ.

E. Năng Lực Thực Hiện Ðược Tất Cả Những Gì Ngài Có Tâm Nguyện Thực Hiện Hay Nguyện Ước Thành Tựu (Kama):

Khi Ðức Phật còn là Bồ Tát Sumedha và được Ðức Phật Nhiên Ðăng (Dipankara) thọ ký là Ngài sẽ thành vị Phật trong tương lai, Ðức Phật đã phát nguyện là Ngài sẽ giúp loài người giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Theo các chú giải, đây là những lời phát nguyện của Ngài:

"Như Lai tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Ðế trở thành Ðức Phật rồi, sẽ giáo hóa chúng sanh cùng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế để trở thành bậc Thánh Nhân (tự giác-giác tha) (Buddho bodheyyan)."

Ðiều ước nguyện ấy đã thành tựu.

"Như Lai tự mình giải thoát khổ sinh tử luân hồi trong ba giới bốn loài rồi, sẽ giáo huấn chúng sanh cũng được giải thoát cảnh khổ sanh tử luân hồi trong ba giới bốn loài (tự độ - độ tha) (Mutto moceyyam)."

Ðiều nguyện ước ấy đã thành tựu.

"Như Lai tự mình vượt qua biển luân hồi, đạt đến Niết Bàn an lạc rồi, sẽ dẫn dắt chúng sinh cùng vượt qua biển khổ luân hồi đạt đến Niết bàn an lạc (tự đáo - đáo tha) (Tinno tareyyam)."

Ðiều nguyện ước ấy đã thành tựu.

Tâm nguyện và lý tưởng cao cả trên đã trở thành oai lực thúc đẩy Ðức Phật không ngừng nghỉ tu tập để giác ngộ, giải thoát, đi đến nơi an lạc cho chính mình và đồng thời hướng dẫn cho vô số chúng sanh hiểu và thấy được Tứ Diệu Ðế, và đạt được đạo quả Niết bàn.

F. Năng Lực Siêng Năng, Tinh Tấn, Và Cần Mẫn Không Mệt Mõi Hay Tinh Tấn Không Ngừng (Payatta):

Năng lực siêng năng, tinh tấn, và cần cù vô song của Ðức Phật thể hiện rõ rệt ở vịêc Thế Tôn tinh tấn không ngừng hành 5 phận sự gọi là Buddhakicca (Phận sự của Ðức Phật hay Phật sự).

1. Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ (purebhattakicca): Mỗi buổi sáng đến giờ đi khất thực, đôi khi Ðức Phật ngự đi khất thực một mình để tế độ chúng sinh nào đó. Ðôi khi Ðức Phật cùng với chư Tỳ kheo Tăng ngự đi vào các làng xóm hoặc thành phố để khất thực. Khi Ðức Phật thọ thực xong, có số dân chúng thỉnh Ðức Phật thuyết pháp; có số xin quy y Tam bảo thọ trì ngủ giới, có số xin Ðức Phật cho phép xuất gia xong, Ðức Phật trỡ về chùa.

2. Phận sự sau khi độ ngọ (pacchabhattakicca): Khi Ðức Phật ngự trở về chùa, rửa chân xong, đứng trên bục giảng, Ngài khuyên dạy chư Tỳ kheo:

"Bihkkhave appamadena sampadetha
Dullabho Buddhuppado lokasmim
Dulabho manussattapatilabho
Dullabha khanasampatti
Dullabha paabbajja
Dullabham saddammassavanam"

"Này chư Tỳ kheo! Các con hãy nên cố gắng hoàn thành mọi phận sự Tứ thánh đế, bằng pháp không dễ duôi, tiến hành Tứ niệm xứ.

Ðức Phật xuất hiện trên thế gian là một điều khó.
Ðược sinh làm người là một điều khó.
Có được cơ hội hành phạm hạnh cao thượng là một điều khó.
Ðược xuất gia trở thành Tỳ Kheo là một điều khó.
Ðược nghe chánh pháp là một điều khó."

Ðó là những điều khó mà Ðức Phật hằng ngày thường khuyên dạy chư Tỳ kheo chớ nên dễ duôi.

Ðức Phật ngự vào cốc Gandhakuti, còn chư Tỳ kheo mỗi vị, mỗi nơi tiến hành thiền định hoặc tiến hành thiền tuệ tùy theo trình độ phát triển tâm thức của mỗi người. Ngài nghỉ trưa rất ngắn. Sau đó, Ngài dùng thần lực nhìn xem trong thế giới có những chúng sanh nào sẵn sàng tu tập giải thoát và tìm cách độ cho các chúng sanh đó. Cuối chiều, Ngài giảng pháp cho các cư sỉ đến vấn đạo.

3. Phận sự canh đầu đêm (Pathamayama):

Tối đến, Ngài tắm rửa sạch sẽ, nghỉ ngơi một chút, rồi giảng Pháp cho tăng đoàn. Có một số hỏi pháp, luật. Có số xin thọ pháp hành thiền chỉ, pháp hành thiền minh sát. Có số nghe pháp. Qua hết canh đầu, chư Tỳ kheo đảnh lễ Ðức Phật trở về chỗ ở của mình.

4. Phận sự canh giữa đêm (Majjhimayama):

Ðến khuya, Ngài cho phép chư thiên, phạm thiên trong 10.000 thế giới đến hầu Ngài, đảnh lễ xong, đứng một nơi hợp lẽ bạch hỏi pháp. Ðức Phật giảng giải những câu hỏi của chư thiên, phạm thiên xong, hết canh giữa đêm, chư thiên và phạm thiên đảnh lễ Ðức Phật trở về cảnh giới của mình.

5. Phận sự canh chót đêm (Pacchimayama): Ðức Phật chia canh chót đêm ra làm 3 giai đoạn:

- Giai đoạn đầu: Ðức Phật đi kinh hành.

- Giai đoạn giữa: Ðức Phật ngự vào cốc Gandhakuti nghỉ ngơi, nằm nghiêng bên phải, có chánh niệm biết mình tỉnh thức.

- Giai đoạn chót: Ðức Phật nhập Ðại bi định, khi xả định quán xét chúng sinh trong 10.000 thế giới bằng Phật nhãn tuệ, xem xét chúng sinh nào đã có gieo duyên lành, đã từng tạo ba la mật từ chư Phật quá khứ đến kiếp hiện tại này, có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo- Thánh quả, Ngài ngự đến để tế độ chúng sinh ấy, dầu ở gần hay xa, ở thế giới này hay thế giới khác.

Mỗi ngày đêm, Ðức Thế Tôn hành trọn đủ 5 phận sự đó không ngừng nghỉ.

VII. BẬC NĂNG LAI VÃNG:

A. Ngài thường lai vãng nơi thâm sơn cùng cốc là nơi thanh vắng xa tiếng ồn ào, để tham thiền nhập định.

B. Ngài năng lai vãng các pháp hành thế gian là các pháp thiền định về Sắc giới và Vô sắc giới, các pháp minh sát theo 3 tướng Vô thường, Khổ não, Vô ngã và 8 thánh đạo thánh quả và Niết bàn.

VIII. BẬC ÐÃ DỨT NẺO TAM GIỚI:

Ngài đả dứt nẻo Tam giới có nghĩa là cuộc hành trình của Ngài từ bao A tăng kỳ kiếp trong Tam giới đến kiếp hiện tại đã đến mức cùng rồi, vì nhân sanh ái dục đã hoàn toàn diệt tất thì bánh xe luân hồi cũng ngừng xoay. Nói một cách khác, Ngài đã siêu xuất ra thỏi Tam giới và không còn tái sanh lại nữa.

Nhờ 8 đức tính cao thượng vô song trên mà chúng sanh trong ba cõi đồng tôn vinh Ngài là Ðức Thế Tôn (Bhagava).

-ooOoo-


[i] Ðại đức Bửu Chơn. Sách đã dẫn, trang 87 - 92

-ooOoo-

Ðầu trang | 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 01-2004)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 18-01-2004