Ba ngay luan dao - 04

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Ba Ngày Luận Ðạo
Maha Thong Kham Medhivongs

PL. 2506 - TL. 1963
Tái bản: PL. 2539 - TL. 1996


  

[04]

Vấn: Thật đức Phật dạy rất là chu đáo. Từ bao giờ đến bây giờ tôi có cái thành kiến là đức Phật chỉ dạy người xuất gia thôi, không dè Ngài dạy người cư sĩ một cách chu đáo như thế này. Bạch Ngài, đây là đức Thế Tôn dạy người tại gia đối với gia đình còn như chúng tôi đối với xã hội phải làm thế nào? Xin Ngài vui lòng chỉ bảo.

Ðáp: Ðối với xã hội, đức Thế Tôn dạy người cư sĩ phải có đủ bốn pháp là:

1/ SACCA, nói lời chân thật.
2/ DAMA, tự dạy tâm mình. Ý nói phải biết suy nghĩ mọi việc trước khi hành động.
3/ KHANTI, nhẫn nhịn.
4/ CÀGA, dứt. Ý nói đem của ra bố thí. Tiếng nói CÀGA nghĩa là dứt có ý nghĩa cao thượng hơn tiếng nói DÀNA có nghĩa là BỐ THÍ. Vì tiếng CÀGA nghĩa là dứt ý nói rằng khi làm một việc gì cũng không bao giờ nghĩ gì như muốn được phước để kiếp sau sang giàu v.v... Dứt đây có ý nói dứt lòng tham lam, và muốn giải thoát thôi.

Vấn: Bạch Ngài, xin Ngài hoan hỷ giải rộng cho chúng tôi hiểu thêm những lý lẽ cao siêu ấy.

Ðáp:

1/ SACCA, sự chơn thật. Ý nói mọi việc hành động đều thành thật không lừa dối nghĩa là làm gì cũng đúng đắn không lẫn điều gì bí ẩn. Ví như người tu không làm dáng bên ngoài để tín đồ nghĩ rằng: Mình là người có Giới đức, nhưng kỳ thật không có gì hết. Còn theo lý thì cố ý nói rằng: Ðối với ai cũng đều thành thật, không có ý lừa dối hay làm chuyện bất chánh.

2/ DAMA, tự dạy tâm. Nghĩa là biết đè nén khi tâm bị phiền não ám ảnh làm cho nhơ đục. Người có pháp DAMA không bao giờ chịu để tâm bị ảnh hưởng của phiền não. Ý nói rằng người biết cách làm chủ tâm không khi nào chịu làm nô lệ, pháp đàn áp được tâm không cho làm ác ấy là GHI NHỚ và BIẾT MÌNH.

3/ KHANTI, nhẫn nhịn. Nghĩa là làm cho tâm không bực tức trong các trường hợp bị uất ức và không cho nó làm những tội lỗi Tham lam, Sân hận hay Si mê.

4/ CÀGA, dứt đã có giải ở đoạn trên rồi. Hơn nữa câu này có nghĩa là giúp đỡ người nghèo khổ trong khi thiếu thốn mà không bao giờ mong người ấy trả ơn.

Ðây là những biện pháp để đối với người đời, khi mà ta cư xử y như lời dạy trên thì sẽ được tất cả mọi người trong mọi từng lớp yêu mến kính vì.

Vấn: Bạch Ngài Phật pháp thì dạy rằng: người tu Phật phải tin nơi nghiệp của mình, vì nghiệp nào thì quả ấy, mà tại sao tôi thấy có câu này: "Tận nhân lực mới tri thiên mạng". Câu này có đúng theo Phật ngôn hay không?

Ðáp: Câu ấy không sai lời Phật đấy. Vì tôi hiểu như thế này. Chữ THIÊN có nhiều nghĩa: THIÊN có nghĩa là Trời. THIÊN có nghĩa là Tự nhiên (thiên nhiên). THIÊN nghĩa tất cả vạn vật hay là mọi việc phải nhờ vào nơi ấy. Còn nói về nghiệp thì cũng có nghĩa là vạn vật, vì vạn vật đều phải nhờ nơi nghiệp mới sanh ra được. Vì có câu Phật dạy rằng: Nghiệp là nơi sanh ra ta, Nghiệp là cha mẹ ta, Nghiệp là quyến thuộc ta. Câu Phật ngôn này làm cho rõ lý: Nghiệp là một sức mạnh, nhưng ta không nên ỷ lại vào Nghiệp mà không ráng sức mình.

Hơn nữa đức Phật có dạy rằng: VIRIYENA DUKKHAMACCETI. Tinh tấn làm việc là nguyên nhân làm cho ta thoát khổ. Khi ta cố làm việc mà không được kết quả mới thật là nghiệp của ta; chớ ta ở không đợi nghiệp thì chưa hiểu rõ đạo lý. Như có một kiếp nọ đức Bồ Tát tiền thân của đức Thích Ca sanh làm con sóc ở ven rừng gần bờ biển, khi ấy con của sóc ấy bị té xuống biển chết. Hai vợ chồng nhà sóc cố gắng tát cho cạn biển để tìm con, hai vợ chồng sóc chạy xuống biển nhúng đuôi xuống nước rồi đem lên rải trên bờ. Làm như thế từ ngày này đến ngày nọ làm động lòng đức Ðế Thích, khiến Ngài không thể yên được nên hiện xuống hỏi sóc rằng: "Các người tát biển làm gì?". Sóc đáp: "Tìm con." Ngài nói: "Các người thiếu trí không biết biển rộng lớn là dường nào làm sao tát cho cạn?". Sóc đáp: "Ðành rằng biển rộng nhưng sức cố gắng của chúng tôi ngày kia cũng có thể làm cho biển cạn được." Ðức Ðế Thích nghĩ rằng đây không phải là chúng sanh thường, chắc là đấng Bồ Tát, vì vậy nên Ngài phát tâm tín thành trong sạch, vớt con lên trả cho đức Bồ Tát.

Sau khi Bồ Tát thành Phật, Ngài thường dạy chúng sanh rằng: Con người nên cố tinh tấn làm việc thì sẽ được kết quả. Người tu biết cái nghiệp, tin cái nghiệp, nhưng không bao giờ để cho cái nghiệp chi phối, nghĩa là luôn luôn chống với cái nghiệp, lúc nào cũng cố gắng thoát nghiệp, không nói đây là nghiệp mà nhắm mắt để mặc tình cho nghiệp đẩy đưa tới đâu thì tới. Vì những lý tôi nói trên nên tôi nghĩ rằng: Câu của ông hỏi ấy cũng đúng theo Phật ngôn.

Vấn: Bạch Ngài người tại gia cư sĩ hành theo những lời của Ngài dạy ấy đã đủ rồi hay còn hành những gì khác nữa?

Ðáp: Còn không biết bao nhiêu pháp mà người tại gia cư sĩ phải hành, nhưng những pháp mà tôi đã giải cho ông nghe chỉ là những pháp đối với đời thôi, chưa phải là pháp sanh làm chư Thiên, Phạm Thiên hay là đến Niết Bàn. Người tại gia cư sĩ muốn cho hoàn toàn hơn phải tránh bốn điều gọi là APÀDAMUKHA nghĩa là bốn điều tiêu hoại là:

1/ ITTHÌDHUTTO, người mê sắc (nghĩa là người mê theo đàng điếm).
2/ SURÀDHUTTO, người thích uống rượu (nghĩa là người say sưa cả ngày).
3/ AKKHADHUTTO, người mê say cờ bạc.
4/ PÀPPMITTÀ, người có bạn ác (ý nói người chỉ biết giao tiếp với các bạn không tốt như kẻ cờ bạc, đàng điếm, rượu chè, v.v...).

Bốn pháp này để ngăn ngừa người thiện tín không cho làm điều tội lỗi hay phung phí tiền bạc vô ích.

Vấn: Bạch Ngài trong lắm gia đình người vợ không biết kiêng nể chồng hay nói cho dễ nghe là không sợ chồng mà còn ăn hiếp chồng.

Ðáp: Có nhiều nguyên nhân. Nhưng có bảy điều làm cho người vợ coi thường chồng là:

1/ Ỷ có sắc đẹp.
2/ Ỷ có nghề có thể tự làm sanh sống được không nhờ vả ở chồng.
3/ Ỷ có của cải và quyến thuộc nhiều.
4/ Ỷ có con, vì khi có con, chồng thương không dám bỏ.
5/ Thấy chồng không có nghề nghiệp gì đáng kể, hằng sống nhờ nơi vợ.
6/ Người chồng thường bịnh hoạn không nhờ gì được.
7/ Người chồng bỏ bê gia đình không làm tròn phận sự của cha và chồng. Hoặc chồng là người vũ phu lỗ mãng, thường hay chưởi mắng vợ con.

Vấn: Bạch Ngài ngoài những pháp kể trên, người tại gia cư sĩ còn phải lo tu bổ những gì thêm?

Ðáp: Ngoài ra người tại gia cư sĩ không nên buôn bán năm thứ là:

1/ SATTHAVANIJJÀ, bán vũ khí.
2/ SATTAVANIJJÀ, bán thú.
3/ MAMSAVANIJJÀ, bán thịt.
4/ MAJJAVANIJJÀ, bán chất say (rượu).
5/ VISAVANIJJÀ, bán thuốc độc.

Ngoài ra người tu Phật phải có năm pháp này trong tâm ta là:

1/ SADDHÀ HOTI, có đức tin, tin ân đức Tam Bảo.
2/ SÌLAVÀ HOTI, trì giới trong sạch.
3/ MAKOTUHALAMANGALIKO HOTI, không tin những chuyện dị đoan như đồng bóng v.v...
4/ KAMMAM PACCETI NO MANGALAM, tin nghiệp của chúng sanh trả của lại cho chúng sanh chớ không tin sự an lành do nơi thần Thánh nào ban bố cho.
5/ NA ITO BAHIDDHÀ DAKKHINEYYAM GAVESATI IDHACA PUBBAKÀ RAM KAROTI, không tầm kiếm những bậc Thánh nhơn nào ngoài các bậc Thánh nhơn trong Phật pháp.

Ngoài ra, đức Thế Tôn có dạy người tu Phật phải hành bốn pháp để thắng người thù và làm cho gia đình được hạnh phúc là:

1/ AKODHENA JINEKODHAM, thắng người giận dữ bằng sự không giận dữ của mình.
2/ ASÀDHUM SÀDHUNO JINE, thắng người xấu bằng lòng tốt và sự hành động tốt của mình.
3/ JINE KATARIYAM DÀNENA, thắng người bỏn xẻn bằng sự cho của mình.
4/ SACCANÀKAVÀDIKAM, thắng người giả dối bằng sự chân thật của mình.

Khi người có bốn pháp kể trên thì được an vui mặc dầu ở nơi nào.

Vấn: Bạch Ngài một khi người như chúng tôi còn trong đời phải tiếp xúc với mọi người vậy đáng sợ hạng nào hơn hết?

Ðáp: Nên sợ người ác nhiều hơn hết.

Vấn: Bạch Ngài tại sao lại sợ người ác nhiều hơn hết; theo tôi thì tôi phải sợ nhà cầm quyền nhiều hơn hết.

Ðáp: Ðó là theo ông nghĩ chớ không phải Phật dạy, nếu ta là người làm ăn lương thiện thì không có gì đáng lo ngại về nhà cầm quyền làm khó dễ ta, vì nhà cầm quyền là người cầm đòn công lý không bao giờ làm tội người vô can.

Còn người ác họ không có lương tâm hay nói cho đúng là họ không biết thương hại ai cả, khi họ trông thấy gia đình ta có an vui hạnh phúc thì ganh ghét, thấy ta được lợi lộc thì họ khó chịu tức giận, rồi tìm phương kiếm kế hại ta, hay họ làm cho những người quanh ta không ưa ta hay nói cho đúng là ghét ta. Họ cũng dám phao vu hay giết hại, hoặc cướp của của ta. Tôi xin hỏi ông người như thế ấy có đáng sợ hơn nhà cầm quyền không?

Vấn: Bạch Ngài làm sao ta biết được người ấy ác hay thiện mà làm bạn với họ?

Ðáp: Ông chịu khó coi tướng họ thì ông sẽ thấy rõ thiện hay ác chớ có khó gì.

Vấn: Bạch Ngài tôi xin thú thật với Ngài là tôi rất dốt về khoa tướng số ấy rồi.

Ðáp: Tôi nói đây không ngụ ý coi tướng như các ông thầy xem tướng, mà là coi sự hành vi của người bạn mà mình sắp giao tiếp với họ. Ta phải coi từ lời nói, việc làm, và tư tưởng của họ. Coi từ lời nói là khi người hung ác nói thì toàn những sự giết chóc, chưởi mắng, lời nói mà người trí thức không bao giờ nói. Coi về sự hành động của người ác thì phần nhiều họ đánh đập kẻ khác, hay làm khổ thú hoặc trộm cướp, nghĩa là lúc nào người ác họ cũng làm những điều đi ngược với điều lành lẽ phải, điều mà các bực trí thức không bao giờ dám làm. Còn coi về sự tư tưởng của họ thì người ác thường có những tư tưởng tham lam, nóng giận và nhiễu hại người khi họ không thích gì ngoài quyền lợi của họ. Những tư tưởng ấy thường phát hiện cho ta trông thấy ở hành động và lời nói.

Xa người ác vẫn còn chưa đủ, phải thân thiện giao tiếp với người trí thức nữa. Nếu muốn biết ai là người trí thức thì ta cũng phải coi ở sự hành động, lời nói và tư tưởng như ta đã coi người ác vậy, khác hơn là bực trí thức luôn luôn hành động, nói năng và tư tưởng đều là lành, làm cho người chung quanh được nhiều lợi ích và hạnh phúc.

-ooOoo-

Vấn: Bạch Ngài ngoài ra những lời Ngài đã chỉ bảo, chúng tôi phải còn hành những pháp nào nữa chăng?

Ðáp: Nếu ông có đức tin nhiều và muốn giải thoát mau hơn thì nên thọ thêm Bát Quan Trai Giới.

Vấn: Bạch Ngài Giới Bát Quan Trai ấy có những gì?

Ðáp: Giới Bát Quan Trai có tám điều mà người tại gia cư sĩ hành theo cũng gọi là Phạm hạnh. Tôi xin giải luôn tiếng Phạm hạnh cho ông rõ. Phạm hạnh là hạnh của các bậc Phạm Thiên có nghĩa là hạnh cao thượng, mà người tại gia cư sĩ khó hành được trong sạch. Tám điều ấy là:

1/ Không sát sanh.
2/ Không trộm cắp.
3/ Không hành dâm.
4/ Không nói dối.
5/ Không uống chất say.
6/ Không ăn sái giờ (nghĩa là sau khi trời xế bóng qua hơn một cọng tóc cũng không được ăn một thức ăn gì hết).
7/ Không xem múa hát, nghe đờn kèn, tự mình múa hát nghe đờn kèn, thoa vật thơm, dồi phấn và đeo tràng hoa.
8/ Không nằm ngồi nơi cao ráo rộng lớn và xinh đẹp.

Vấn: Bạch Ngài, tà dâm và thông dâm khác nhau như thế nào?

Ðáp: Không tà dâm là không trộm lấy vợ con người, còn không hành dâm là trong ngày mình thọ Bát Quan Trai Giới không được phép chung đụng với vợ nhà, ý nói rằng khi thọ Bát Quan Trai Giới phải cữ sự ân ái vợ nhà.

Vấn: Bạch Ngài còn Giới thứ sáu, Ðức Phật cấm như thế có lợi ích chi cho người thọ trì?

Ðáp: Có ích là: làm cho ta bớt được sự tham ăn, mê ngủ, làm cho thân mình được nhẹ nhàng thơ thới, làm cho ta tham thiền niệm Phật dễ dàng.

Vấn: Giới thứ bảy có ích chi cho người thọ trì?

Ðáp: Ðức Thế Tôn xét rằng: Những sự chơi bời kể trên không có bổ ích chi mà còn phải tốn kém tiền bạc, sự tốn kém tiền bạc không đáng kể bằng sự tốn tuổi thọ tức là giảm kỷ. Ý nói rằng: Khi ta mê chơi theo những điều ấy, ta phải thức khuya hao tốn tinh thần làm cho ta bịnh hoạn mau chết.

Vấn: Tại sao đức Thế Tôn không cho ngồi nơi cao đẹp lộng lẫy?

Ðáp: Vì khi ta ngồi nơi cao đẹp thì lòng ta có cái cảm xúc thỏa thích sung sướng và mê theo những cái ấy lại chạy theo tìm kiếm cái đẹp mãi làm cho khổ thân mệt tâm, không tu hành gì được. Vì vậy nên Ngài cấm, cốt để cho người từ từ biết thu thúc và tri túc, xa lần những cám dỗ của trần cảnh.

Vấn: Bạch Ngài pháp Tham thiền là pháp dành để cho các bậc xuất gia tâm trí yên tịnh thôi chớ làm gì chúng tôi hành được. Nếu có pháp nào hạp cho người tại gia cư sĩ xin Ngài vui lòng chỉ dạy cho chúng tôi.

Ðáp: Trong pháp Chỉ Quán có bốn mươi đề mục về Tham thiền, sở dĩ mà có tới bốn mươi đề mục là để tùy theo sở thích, hay nói cho đúng là tùy theo tánh của hành giả. Nhưng sự chọn lọc cho hợp theo tính nết là một chuyện khó cho ông thầy dạy thiền định, nên đức Thế Tôn có dạy cách niệm có thể phù hợp với tất cả mọi tính nết gọi là ARAKKHAKAMMATTHÀNA nghĩa là Thiền định mà người phải thực hành theo hằng ngày là:

1/ BUDDHÀNUSATI, niệm ân đức Phật.
2/ METTÀ, rải lòng từ bi, hay là niệm lòng từ.
3/ ASUBHA, niệm về thể trược.
4/ MARANANUSATI, niệm về sự chết.

Người ta có thể chọn một pháp trong bốn pháp này để hành theo tùy theo sở thích của mình. Bốn pháp này hợp theo các tánh nết.

Vấn: Bạch Ngài xin Ngài vui lòng giảng giải cho tôi hiểu rõ cả bốn chi Ngài đã dạy, tôi sẽ chọn một điều nào để tự hành theo cho dễ.

Ðáp:

1/ Niệm ân đức của Phật là ta chọn một trong mười hồng danh là: ARAHAM nghĩa là Ứng Cúng. SAMMÀSAMBUDDHO nghĩa là Chánh Biến Tri. VIJJÀCARANASAMPANNO nghĩa là Minh Hạnh Túc. SUGATO nghĩa là Thiện Thệ. LOKAVIDÙ nghĩa là Thế Gian Giải. ANUTTARO nghĩa là Vô Thượng Sĩ. BURISADAMMASÀRATTHI nghĩa là Ðiều Ngự Trượng Phu. SATTHÀDEVAMANUSSÀNAM nghĩa là Thiên Nhơn Sư. BUDDHO nghĩa là Phật. BHAGAVÀ nghĩa là Thế Tôn.

Ta chọn trong mười hồng danh ấy một hồng danh nào mà ta thấy thích vì hiểu nghĩa hay là âm thanh của tiếng ấy làm cho ta cảm thấy ưa thích.

Ngồi niệm Phật cần phải chọn nơi vắng vẻ như dưới cội cây hay trong nhà vắng, hoặc trước kim thân của Ðức Phật, nếu được ở nơi rừng vắng thì càng quý. Khi ngồi, lưng cho ngay thẳng, ngồi kiết già hay bán già hoặc là ngồi xếp bằng thường, tùy theo sở thích. Còn riêng quý bà thì ngồi sao gọi là thanh nhã đối với quý bà là được. Khi ngồi, nếu tiện thì day mặt về hướng Ðông, bằng không, day về hướng nào tùy tiện.

Khi nằm thì nằm nghiêng về tay mặt, tay mặt lót dưới nhưng không cho bịt tai, còn tay trái thì để xuôi theo mình, chân mặt duỗi thẳng, còn chân trái hơi co lên một chút.

Khi ta ngồi niệm Phật không cần nhớ đến nghĩa của danh hiệu mà mình đang niệm, chỉ cố nhớ một danh hiệu ấy làm cho tâm không vọng động và bám chắc vào một đề mục mà thôi.

2/ METTÀ. Niệm từ. Tâm từ là tâm mà tất cả bậc trí thức nhứt là Ðức Phật hằng hành trong mỗi kiếp mà cũng là một trong ba mươi pháp Ba La Mật. Người muốn hành pháp này trước nhất phải nghĩ đến mình như vầy: Ta ghét sự đau khổ, thích sự an vui, thì tất cả chúng sanh cũng muốn và ghét như ta. Vậy điều nào ta không thích thì người khác cũng chẳng ưa, nếu điều nào mình ưa thì người khác muốn, ta cũng nên ráng đừng tạo oán thù và oan trái với người khác.

Khi người muốn niệm lòng từ phải nghĩ như thế đó thì mới có thể làm cho lòng từ phát sanh lên được. Rồi tuần tự rải lòng từ cho cha mẹ, quyến thuộc, rồi đến người mình không thích, lại đến người không ưa, rồi đến người mình ghét, kế đến người mình thù. Khi mà mình rải lòng từ đến người mình thù mà mình thấy lòng mình không có cảm tưởng muốn làm hại người ấy nữa thì chừng ấy lòng từ của mình tạm gọi là đã nhóm mọc. Hay ta có thể nói rằng: Người hành như vậy là người đi trên bước đường tiến hóa của tâm Từ, hay đang hành một hạnh thanh cao là Từ Ba La Mật.

Sau cùng người niệm lòng từ, nên rải lòng từ cho tất cả chúng sanh theo lời Phật dạy như vầy:

SABBA SATTÀ AVERA ABHYAPAJJHÀ ANIGHÀ SUKKHÌ ATTÀNAM PARIHARANTI

Nghĩa là tất cả chúng sanh là người đừng có thù oán nhau, không có khổ, không có sự phiền phức khó khăn, không giết hại nhau. Khi người có tâm trong sạch muốn niệm từ để tiêu trừ nghiệp chướng như là oan trái, oán thù của mình và cầu nguyện cho tất cả chúng sanh thì nên học thuộc lòng câu Phật ngôn nói trên và luôn luôn miệng niệm tưởng không hề xao lãng thì tâm người ấy sẽ được yên lặng dứt được sự giận dữ, nóng nảy, oán thù. Pháp này là nguyên nhân tiêu trừ lòng sân hận. Người mà hành được pháp này thì trong giấc ngủ cũng được an vui không nằm ác mộng, khi ngủ cũng dễ, cũng không trằn trọc, vì lo sợ oán thù hay suy nghĩ sự trả oán cột thù. Chư Thiên hằng hộ trì người có hạnh này, và người, ai ai cũng mến yêu kính nể.

3/ Niệm về thể trược. Pháp này là nguyên nhân để diệt trừ lòng Tham ái. Người đời thường trông thấy thân này đẹp, sạch sẽ, thơm tho, nên thương mến và chấp rằng: Ðây là thân ta nó đẹp, sạch, thơm v.v... Người đời không bao giờ trông thấy rằng: Thân này cấu tạo bởi những thể trược của cha và mẹ, và nó được lớn lên cũng bằng những vật bất tịnh như vật thực nếu chúng ta không tin thì đừng súc miệng trong một hai ngày, không tắm trong đôi ba ngày, thì chúng ta sẽ thấy trong người của chúng ta sẽ phát tiết ra một mùi hôi hám khó ngửi. Thử hỏi khi ta đi đại tiện nó phát tiết ra những gì, có thơm tho không? Thật không và rất ghê gớm. Những vật bài tiết ra ấy là do nơi những vật thực mà ta đã dùng trong ngày. Nếu ta nghĩ thêm rằng: Những vật thực ấy không được sạch nên cặn bã nó như thế; khi chúng ta nghĩ thấy vầy thì chúng ta phải nhìn nhận rằng: Thân này do vật bất tịnh của cha mẹ mà sanh ra và lớn lên cũng bằng vật thực không sạch. Vì vậy nên Ðại đức BUDDHAGHOSÀ viết bộ chú giải tên là VISUDDHIMAGGA có nói rằng: Con người bao nhiêu tuổi thì bên trong cái dạ dày cũng ví như cái cầu tiêu mà bao nhiêu năm ta không rửa.

Khi hành giả đem pháp này lại quán tưởng như đã nói đây thì sẽ bớt chấp thân này, không thương mến cái thân này, thì đâu còn lòng nào thương yêu một cái thân thứ nhì là vợ, thân thứ ba là con v.v... Khi ta bớt thương yêu thì sẽ thấy phần tâm thần của ta nhẹ nhàng, bớt lo lắng kinh sợ vì bị mất thân này hay cái thân thứ nhì, thứ ba v.v...

4/ Niệm về sự chết. Hành giả nên suy nghĩ rằng: Khi người sanh ra rồi, thì không khi nào chạy khỏi cái chết. Vì như tay nấm mọc từ dưới đất lên thì không sao tránh khỏi đất, cũng như ta có sanh ra thì có cái chết dính bên mình. Tôi còn nhớ có một lúc nọ đức Thế Tôn hỏi đức A Nan Ðà rằng: một ngày người quán tưởng cái chết bao nhiêu lần? Ðức A Nan Ðà bạch: "Bạch hóa đức Thế Tôn, đệ tử quán tưởng nhiều lần." Ðức Thế Tôn bảo rằng: "Như thế hãy còn ít lắm. Người phải suy tưởng rằng: Nếu có thở ra không có thở vào là chết".

Câu Phật dạy trên đây để cho ta thấy rằng: Ðời sống của con người rất mỏng manh, như một hơi thở, bao giờ không còn hơi thở ra vào là người đã chết. Cái chết ở kề bên ta, hay nói cho dễ hiểu là nó ở trong người của ta.

Bộ chú giải VISUDDHIMAGGA (Thanh tịnh đạo) có dạy rằng: Nếu con người có thể chống với tử thần được thì nhà vua không chết, vì nhà vua có đủ điều kiện để chống với tử thần. Nếu cần đánh với tử thần thì nhà vua có quân binh; còn như tử thần cần đồ quý giá như ngọc ngà châu báu thì nhà vua cũng có cho tử thần để đổi cái chết; hay nếu tử thần cần người thế mạng thì nhà vua cũng sẵn sàng có người chết thế cho. Nhưng không có một mãnh lực nào, một quân đội nào, một thứ khí giới nào chống nổi với tử thần, không có vật gì làm cho tử thần ham muốn hay làm lung lạc tử thần được, nên tử thần không bao giờ ăn lo, ăn lót vật gì của ai cả. Vì vậy nên các vua chúa không thế nào chống với tử thần được, mà cũng không thể dùng món gì để lo lót cho tử thần được. Khi chúng ta suy nghĩ như thế thì chúng ta thấy rằng: nhà vua còn không chống nổi với tử thần thay, phương chi là ta. Khi ấy chúng ta thấy chán với đời sống này, và kinh sợ không dám làm tội lỗi lo tu hành để mau giải thoát khỏi cõi trầm luân này.

Hành giả cần phải có bốn pháp này trong tâm, khi ta có bốn pháp này khắn khít trong tâm ta, thì ta sẽ thấy rõ rằng: Các Pháp ác lần lần bị tiêu diệt, các pháp Thiện lại tăng trưởng. Ðây là con đường tiến của người tu Phật.

Vấn: Bạch Ngài người không hành đạo có thể thành đạo được hay không?

Ðáp: Phải hành mới thành chớ, như đức Thế Tôn là đấng đã tạo đủ ba mươi pháp Bà La Môn mà vẫn còn phải hành trong sáu năm khổ hạnh.

Vấn: Bạch Ngài trong nhiều đoạn kinh mà tôi đã xem thấy có nhiều vị thiện tín nghe pháp rồi lại đắc quả này, quả nọ nghe ham quá, không thấy hành chi hết. Vậy cũng có người không hành đạo cũng thành vậy?

Ðáp: Thật ông hỏi nhiều cái ít ai từng hỏi. Chắc ông nghe nói có hai hạng đệ tử Phật đắc đạo quả khác nhau như hạng THINH VÀN và DUYÊN GIÁC. Thinh Văn là hạng chỉ nghe pháp mà đắc được đạo quả như chúng ta đã thấy nhiều sự tích nhứt là trong Pháp Cú kinh. Hạng này thuở quá khứ làm điều phước thiện rồi phát nguyện xin gặp được đức Chánh đẳng Chánh giác, được nghe pháp mà thành đạo khỏi phải hành. Hạng này phần nhiều khi thành đạo rồi đợi ngày nhập diệt chớ không biết thuyết pháp hay dạy đạo cho người nào cả, mà cũng không có Thần thông như các vị tự hành đạo đắc đạo. Vì các vị ấy hành thiền định ít ra phải đắc Tứ thiền nền tảng của Thánh quả.

Vấn: Bạch Ngài chuyện ấy hãy còn rắc rối, tôi muốn biết tại sao các vị Thinh Văn không hành mà đắc được dễ dàng như vậy?

Ðáp: Chúng ta nghe sơ qua thấy dễ dàng như vậy, chớ sự thật không như vậy đâu, mà chúng ta phải tìm biết hai nguyên nhân làm cho đắc đạo như vậy là:

A) Người muốn đắc đạo như thế phải làm nhiều phước báu và phải hành Ba La Mật đến bờ bên kia hàng A tăng kỳ kiếp và phát nguyện rằng: Xin cho tôi gặp Phật nghe Pháp rồi đắc từng loạt quả. Vị ấy không thiết gì đến sự tế độ chúng sanh miễn là tự mình giải thoát là đủ.

B) Khi vị ấy gặp được vị Chánh đẳng Chánh giác hay chư đại đệ tử Phật nghe pháp đắc quả Tu Ðà Huờn hay cao hơn ấy tùy theo duyên lành đã sẵn dành trong kiếp trước.

Nguyên nhân thứ nhì nghe coi như rất dễ, nhưng trong thời gian tuy ngắn vậy mà người đắc ấy phải làm rất nhiều chuyện là: phải cố tâm để nghe pháp được phát sanh phỉ lạc; có phỉ lạc rồi, dùng Minh-Sát Tuệ quán tưởng về ba tướng, thấy rõ ba tướng, đắc trí tuệ tận diệt phiền não rồi đắc được một quả nào tùy theo duyên lành đã sẵn dành trong kiếp trước.

Khi ta xem kinh sách thấy nói đắc một cách dễ dàng như thế thì ta thích quá nhưng không phải là không tu, mà phải tu thật nhiều trong những kiếp trước, và tu thật nhanh trong một thời gian ngắn của kiếp này mới được đến mức ấy.

-ooOoo-

Vấn: Bạch Ngài tôi thường nghe và gặp người ta tranh luận nhau về vấn đề Bồ Tát và A La Hán.

Ðáp: Chuyện gì phải tranh luận giữa hai bực ấy?

Vấn: Bạch Ngài có người bảo rằng: Bồ Tát lớn hơn A La Hán. Còn có người bảo rằng: A La Hán lớn hơn Bồ Tát. Vậy theo ý kiến của Ngài thì Ngài nghĩ sao về hai bực ấy?

Ðáp: Như chúng ta đã biết Phật giáo chia ra làm hai phái là Tân Tiến và Bảo Thủ; Tân Tiến là Bắc Tôn, còn Bảo Thủ là Nam Tôn. Bắc Tôn truyền bá về miền Bắc như: Tàu, Cao Ly, Nhựt Bổn, Tây Tạng và Việt Nam. Còn Nam Tôn truyền bá về miền Nam như: Miến Ðiện, Tích Lan, Thái Lan, Lào và Cao Miên. Hai phái ấy có nhiều quan điểm khác nhau, một trong những quan điểm ấy là Bồ Tát và A La Hán. Bắc Tôn cho vị Bồ Tát là một vị có nhiều pháp huyền diệu hay tế độ chúng sanh, Ngài là một vị đức cao, hạnh lớn không có một ai cao bằng, ngoại trừ đức Chánh đẳng Chánh giác.

Còn Nam Tôn thì lại cho rằng: Ðức Bồ Tát là đấng rất đáng kính nể, Ngài đang hành theo ba mươi pháp Ba La Mật để ngày kia thành đạo hầu tế độ chúng sanh; nhưng khi Ngài còn là một vị Bồ Tát, còn luân hồi, thì Ngài chỉ là bậc cao thượng hơn chúng sanh, Ngài còn phải lễ bái cúng dường chư Thánh Nhơn là A La Hán.

Vì hai quan niệm trên đây, nên người ta thường tranh biện về hai địa vị ấy. Là người đang tu học và khảo cứu Nam Tôn nên tôi trình bày với ông theo lý thuyết của Bảo Thủ. Chính tôi, tôi rất kính nể và mến hạnh ấy, vị nào là vị Bồ Tát mà tôi biết được, tôi cũng kính nể, vì vị đó là đấng có nhiều công đức; còn nói vị ấy lớn hơn các bực Thánh Nhơn thì không bao giờ tôi dám nói và cũng không dám nghĩ như vậy nữa. Vì tôi thấy khi đã là vị Thánh Nhơn thì hoàn toàn hơn vị Bồ Tát.

Ðây là lý của tôi tin chắc chắn như vậy còn sự tin hay không là tùy ông; nếu không tin thì xin ông cũng chớ nên buồn.

Vấn: Bạch Ngài tại sao Ngài lại nói buồn, ý Ngài muốn nói sao?

Ðáp: Ý tôi sợ ông đinh ninh rằng: Vị Bồ Tát lớn hơn A La Hán, ông sẽ buồn khi nghe tôi giải khác ý của ông. Vì có nhiều người tin rằng: Ðức Bồ Tát là vị cứu khổ cứu nạn, nên người ta thường niệm danh hiệu Bồ Tát, chớ không niệm danh hiệu Phật. Vì lẽ ấy nên Phật giáo bị chia rẽ. Bên Nam Tôn chỉ dạy cho tín đồ niệm Ân Ðức Tam Bảo thôi.

Vấn: Bạch Ngài tôi thường thấy trong Kinh và các vị Ðại đức nói: Khi đức Thế Tôn gần nhập diệt, Ngài có dạy rằng: Sau khi Ngài nhập diệt, hàng tứ chúng nên lấy Kinh Luật làm thầy. Tại sao, sau này lại còn có thêm Tạng Luận nữa? Bạch Ngài có phải Tạng Luận là của các vị Tổ sau này viết hay dạy thêm hay không?

Ðáp: Sự thật, Tạng Luận là một tạng chính đức Thế Tôn thuyết tại cung Trời Ðao Lợi độ Phật mẫu trót ba tháng hạ chớ không phải của một vị Thánh Nhơn hay các vị Ðại đức sau này. Nhưng sau đó có nhiều vị Ðại đức không hiểu rõ về Tạng Luận, các Ngài muốn cho chư Tỳ Khưu học cho dễ, nên có vị nương theo Tạng Luận ấy viết ra hoặc tóm tắt hoặc giảng thêm cho tiện bề học tập. Vì Tạng Luận, đức Thế Tôn dạy nhiều lý thuyết thật uyên thâm khó cho những bực căn cơ thấp kém như ta hiểu biết, nên các Ngài tùy phương tiện giải thêm, hoặc thâu ngắn lại bằng câu kệ ngôn cho chúng ta dễ nhớ, nhưng các Ngài không dám đi ra ngoài phạm vi của Phật ngôn. Tạng Luận là một trong ba Tạng chính đức Thế Tôn thuyết.

Vấn: Tại sao mỗi bộ luận của một vị Ðại đức lại có khác nhau nhiều đoạn?

Ðáp: Có khác nhau do nơi mỗi vị có sở trường mỗi bộ khác nhau, vì Tạng Luận có tới bảy bộ và nhiều đến bốn mươi hai ngàn Pháp môn.

Vấn: Tại sao lời di huấn của đức Thế Tôn giờ chót cũng không thấy đề cập đến Tạng Luật chỉ nói Kinh Luận không mà thôi?

Ðáp: Khi đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài gồm Kinh và Luận lại một bộ, vì lẽ Kinh và Luận hai bộ này chuyên dạy về cách chế ngự Tâm, còn Tạng Luật thì chuyên dạy về cách chế ngự Thân và Khẩu.

Sau khi Ðức Phật tịch diệt được ba tháng có kết tập lần thứ nhất, chư A La Hán trông thấy và hiểu rõ rằng: Chúng sanh sau này căn cơ thấp kém không thể không thấu được triết lý của Tạng Luận, nếu các Ngài không chia thì sau này các bậc học Phật cảm thấy khó khăn và thối chí nên các Ngài đồng chia ra làm ba bộ là Kinh, Luật và Luận.

Vấn: Bạch Ngài nhờ Ngài dạy tôi không còn nghi ngờ nữa. Nhưng trước đây Ngài có giải cho chúng tôi nghe rằng: Tội và Phước mà ta đã làm đều cất trong tâm ta. Bạch Ngài nếu cất trong tâm nó không lộn nhau sao?

Ðáp: Ông nghĩ sao, nếu người kia biết nhiều thứ tiếng, khi gặp dịp dùng một thứ tiếng nào, mấy thứ tiếng kia chắc là nó rủ nhau chạy ra làm cho người ấy lộn xộn, chắc người ấy bực lắm phải không ông?

Vấn: Mỗi lần tôi hỏi Ngài tôi đều bị Ngài hỏi dồn tôi vào chỗ bí. Sự thật những thứ tiếng ấy nó không giành nhau chạy ra như Ngài hỏi; nó tùy trường hợp mà ra, tùy theo sự sử dụng của người chủ.

Bạch Ngài tôi không còn nghi ngờ về vấn đề tội và phước ở trong tâm nữa. Nhưng tôi còn nghi ngờ rằng: không biết khi mình chết ba cái Tâm, Phước và Tội, cái nào ra trước, cái nào ra sau? Xin Ngài chỉ cho.

Ðáp: Ba pháp ấy không ra trước mà cũng chẳng ra sau, mà đồng ra một lượt, ví như ta cầm chai nước trong hoặc đục đổ ra, hỏi vậy nước ra trước hay là chất trong hoặc đục ra trước?

Vấn: Nước và chất trong hoặc đục ấy cùng ra một lượt với nhau.

Ðáp: Cũng như tội và phước. Khi chúng sanh sắp chết bắt lấy đề mục Thiện hay Ác mà mình đã thường làm rồi, lúc ấy cảnh giới do nơi nghiệp Thiện hay Ác hiện ra. Nếu nghiệp Thiện thì được sanh về cõi an vui như cõi Trời hay người, còn nghiệp Ác thì phải sanh vào bốn đường ác. Tâm ví như nước, tội là chất đục, còn phước là chất trong vậy.

Vấn: Bạch Ngài, Ngài dạy thật là chu đáo, nhưng tôi vẫn còn nghi rằng: Khi ta sanh vào địa ngục thì phước mà ta đã tạo ra ta có đem vào địa ngục được hay là gởi cho ai? Ai là người lãnh giữ giùm phước cho ta?

Ðáp: Không có ai lãnh giữ giùm phước tội cho ta cả. Chính ta phải đem theo mình.

Vấn: Nếu vậy càng thêm rắc rối nữa, vì đức Phật có dạy rằng: Cõi Trời hoàn toàn trong sạch, còn cõi địa ngục hoàn toàn nhơ bẩn. Không khi nào phước lại vào ở trong Ðịa ngục mà tội lại ở cõi Trời được, trường hợp này, Ngài nghĩ sao?

Ðáp: Khi chúng sanh được sanh vào cõi Trời thì phước đang trả quả cho hưởng sự an vui, nghĩa là lúc ấy phước có một mãnh lực che đậy hết những tội lỗi. Tội không có sức nào chen vào trả quả được. Còn khi chúng sanh đang bị cái quả ác phải sanh vào địa ngục thì mặc dầu phước có nhiều tới chừng nào cũng không thể trả quả được. Vì hai pháp ấy không thể lẫn lộn nhau trong cõi Trời và địa ngục. Vậy đây tôi xin hỏi ông: mỗi người đều có một cái bóng? Và bóng ấy luôn luôn theo bên hình, có phải vậy không?

Vấn: Bạch Ngài phải vậy.

Ðáp: Vậy tại sao tôi và ông ngồi đây lại không thấy bóng của ai hết vậy?

Vấn: Bạch Ngài cái bóng của chúng ta đang bị cái bóng lớn bên ngoài che trùm nên không thấy cái bóng nhỏ của chúng ta được.

Ðáp: Ðiều này cũng ví như khi ta tạo nhiều phước báu thì được sanh về cõi Trời, trong khi ta được sanh về cõi Trời và đang hưởng hạnh phúc ở cõi ấy cũng như chúng ta nhờ cái bóng lớn bên ngoài bao trùm làm như chúng ta không có bóng, nhưng kỳ thật cái bóng nhỏ bị che khuất đi. Cũng như tội không trả quả được trong khi người ở nơi hoàn toàn trong sạch là cõi Trời.

Vấn: Bạch Ngài tôi có xem trong bài kinh Niết Bàn nói trước giờ nhập diệt đức Thế Tôn có dạy rằng: Chúng sanh không nên dễ duôi, câu này là câu tối hậu. Theo tôi thiết tưởng chắc là câu quan trọng lắm, vậy bạch Ngài câu ấy có nghĩa thế nào? Có ích lợi cho chúng sanh thế nào đức Phật mới dạy vậy?

Ðáp: Ðiều ấy có ý dạy rằng: Ðừng bỏ qua thì giờ quý báu của mình. Ðức Phật có dạy rằng chẳng nên bỏ qua hay là dễ duôi vì năm điều sau đây:

1/ Ta chưa già.
2/ Ta chưa đau.
3/ Ta chưa chết.
4/ Ta giàu có.
5/ Ta có nhiều quyến thuộc và quyến thuộc có thế lực.

Vì chúng sanh quên mình không hay suy nghĩ đến những điều trái với năm điều kể trên, nên dễ duôi làm những điều tội lỗi, say mê theo ngũ trần, lục dục. Khi người mảng mê theo Tài, Sắc, Lợi, Danh như thế lại lầm tưởng đời là hạnh phúc bền bỉ lâu dài, cứ muốn chiếm mọi việc mình ưa thích về cho mình. Khi người mong mỏi như thế là khổ, khi mong mỏi mà không được về cho cũng khổ, khi được phải cố công giữ đừng cho mất cũng khổ, khi giữ nó không được bị mất đi cũng khổ, mà cái khổ nhứt là không vừa lòng, muốn dứt bỏ mà dứt bỏ không được càng khổ. Chung quy lại, vì ta quá say đắm trong mùi phú quí, bả lợi danh nên phải bị khổ như vậy.

Ðức Thế Tôn có dạy rằng: Những cái say nào trong đời này các vị lương y đều chữa được, nhưng cái bịnh say trong Tài, Tình, Danh, Lợi thì không ai chữa cho hết. Vì nguyên nhân dễ duôi rằng: Ta chưa già v.v... làm cho con người dám làm những điều tội lỗi. Vì lẽ ấy nên đức Thế Tôn dạy người nên diệt trừ sự dễ duôi bằng quán tưởng thấy vô thường, khổ não và vô ngã để tâm chán với mọi việc ở đời mới lánh dữ, làm lành được. Ðức Phật có dạy rằng: Không có pháp nào tàn phá các thiện pháp bằng sự dễ duôi, mà cũng không có pháp nào làm cho pháp ác phát sanh lên dễ dàng như pháp DỄ DUÔI này. Vì hai Pháp này quan trọng như thế nên đức Thế Tôn không quên nhắc lại cho chư đệ tử nhớ trong khi Ngài sắp nhập diệt. Vậy nếu ta là một đệ tử chân chánh nên nhớ lời giáo huấn tối hậu này và thực hành theo.

-ooOoo-

Vấn: Bạch Ngài xin Ngài dạy cho biết rằng: Tại sao sau khi đức Thái tử Sĩ Ðạt Ta xuất gia đức Tịnh Phạn Vương không cho đem xa giá rước Ngài trở về hoàng cung? Vì Thái tử là đấng chí hiếu lẽ nào lại dám trái ý vua cha không về. Vậy theo Ngài có một ý gì ẩn bên trong không?

Ðáp: Ðức Tịnh Phạn Vương không cho xa giá rước Thái tử về vì bốn nguyên nhân là:

A) Ðức vua nghe rằng: Thái tử Sĩ Ðạt Ta đã thí phát nên Ngài không rước về bởi thời ấy người ta rất kiêng sự cạo đầu, cho rằng người đã thí phát là người rất xui xẻo, ở đâu hại đó; người thời ấy mà cạo đầu thì đi tới đâu người ta đuổi tới đó, vì coi sự thí phát như là một tội tầy trời, không còn có chỗ nào dung tha được. Vì vậy nên đức vua không rước về.

B) Trong thời ấy nếu vị nào muốn làm vua Chuyển luân Thánh vương thì phải bỏ Ngai vàng xuất gia một thời gian. Vì vậy nên đức Tịnh Phạn Vương nghĩ rằng: Chắc đây là ứng nghiệm theo lời thầy tướng năm xưa bảo rằng: Thái tử sẽ thành Chuyển luân Thánh vương, phải đi xuất gia một lúc như vậy. Vì lẽ Ngài tin như thế nên không đem xa giá rước Thái tử về.

C) Còn điều thứ ba Ngài không cho rước về vì đức vua Tịnh Phạn Vương nhớ và tin theo lời bàn của thầy số năm xưa rằng: Thái tử chắc chắn sẽ đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì vậy nên Ngài nghĩ rằng: Mặc dầu Ngài có rước đức Thái tử về cũng không ích gì bởi tâm Ngài đã không còn ham nhiễm hồng trần nữa.

D) Ðiều thứ tư là đức Tịnh Phạn Vương ỷ lại rằng: Ngài đã có cháu nội nối ngôi cho Ngài.

Vì bốn nguyên nhân kể trên nên đức vua không cho xa giá rước Thái tử về.

Vấn: Bạch Ngài tại sao trong khi Ngài hành đạo khổ hạnh như thế mà không thành đạo được?

Ðáp: Vì trong khi Ngài hành như thế thì thân hình Ngài vất vả tiều tụy, tâm không được an vui nên khó dùng Minh, Sát, Tuệ diệt trừ phiền não để đoạt Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác được.

Vì lẽ ấy sau này Ngài thường khuyên giải những hành giả nên theo con đường Trung Ðạo, không nên thiên về khổ hành mà cũng không nên thiên về lợi dưỡng.

Vấn: Như thế tôi đã hiểu rồi. Nhưng bạch Ngài sự hành khổ hạnh sáu năm của Ðức Bồ Tát không có ích lợi gì cho Ngài sao?

Ðáp: Sau khi Ngài thành đạo rồi pháp Khổ hạnh trở nên hữu ích cho Ngài về sự giáo hóa tín đồ. Vì người trong thời ấy rất ưa chuộng khổ hạnh. Họ cho rằng: Khổ hạnh mới là con đường duy nhứt của sự giải thoát. Khi đức Thế Tôn truyền đạo, nhiều người đến khoe với Ngài về cách hành khổ hạnh của họ. Trong lúc ấy đức Thế Tôn mới chỉ cho họ thấy những sự khổ hạnh của họ không bằng một phần trăm của Ngài hành, mà cái hành ấy không đem gì lợi ích lại cho Ngài, và chỉ có sự hành theo Trung Ðạo mới đắc quả được, nhờ vậy mà biết bao nhiêu hạng ngoại đạo chuyên hành khổ hạnh bỏ khổ hạnh trở về với Trung Ðạo. Còn nói về mặt giáo lý thì Ngài dạy cho thiện tín trông thấy gương của Ngài rằng: Trong khi Ngài hành khổ hạnh như thế mà không thành đạo được vì nó là con đường sai lầm, không phải con đường giác ngộ, nhờ vậy mà sau này các vị hành về hạnh khổ hạnh không vị nào chỉ trích đức Phật được vì mặc dầu họ khổ hạnh nhưng cũng không bằng Ngài, vì từ vô thủy đến vô chung không một vị nào khổ hạnh hơn Ngài.

Vấn: Theo ý tưởng của tôi là khi Ngài hành khổ hạnh ấy là lúc Ngài hành để chuộc tội cho chúng sanh, có phải vậy chăng?

Ðáp: Ý tưởng ấy không đúng với tôn chỉ của Phật giáo, đức Thế Tôn có dạy rằng: Ngài là một vị hướng đạo chớ không phải người bồng bế chúng sanh đem ra khỏi vòng thống khổ. Hơn nữa Ngài cũng có dạy rằng: Ngài không phải một vị thần hộ mạng chúng sanh, mà cũng không ban phước hay giải tội đến một chúng sanh nào hết. Nếu nói rằng: Ngài khổ hạnh để chuộc tội chúng sanh sao hiện giờ chúng sanh vẫn còn khổ mãi? Nếu người hỏi như vậy ta biết trả lời sao? Có phải là làm tổn thương cho đức Phật không? Sở dĩ đức Phật xuất gia và hành đạo là vì lòng Từ bi muốn cứu khổ cho chúng sanh, nhưng chúng sanh phải hành theo phương pháp của Ngài chớ không phải Ngài ban phước giải tội cho chúng sanh. Ngài chỉ dạy chúng sanh làm lành lánh dữ.

Vấn: Bạch Ngài nếu đức Bồ Tát không sanh vào dòng vua không thành Phật được sao phải sanh vào dòng ấy?

Ðáp: Sanh vào dòng nào cũng có thể thành đạo được.

Vấn: Nếu được, tại sao trong kinh dạy rằng: Trước khi giáng sanh xuống trần đức Bồ Tát phải chọn dòng mới sanh?

Ðáp: Vì Ngài đã tạo nhiều Ba La Mật nên phước báu ấy phải đưa Ngài tới chỗ cao quí. Nếu Ngài sanh làm nhà nghèo cũng được song bất tiện cho sự hoằng pháp sau này. Người sẽ ít tin tưởng và kính trọng Ngài vì nhiều lẽ:

Vì lẽ nghèo khổ không thể nuôi mình nổi nên mới xuất gia chớ không phải vì lẽ kinh khủng sự khổ của bể luân hồi mà xuất gia, và cũng không phải vì nhân loại mà xuất gia.

Trái lại, nếu Ngài là một vì vua xuất gia thì có nhiều sự lợi ích là:

1/ Ðối với các nhà vua vào hầu Ngài cũng dễ. Vì nhà vua nghĩ rằng: Nếu Ngài còn ở ngai vàng cũng là bạn với ta, ta vào hầu Ngài cũng không mất thể thống.

2/ Còn đối với vị Bà La Môn muốn vào hầu Ngài cũng dễ vì họ nghĩ rằng: Nếu Ngài còn tại ngai vàng ta cũng phải vào hầu Ngài, thì bây giờ mà ta hầu Ngài cũng không ai chê bai ta được.

3/ Còn hạng giàu sang muốn vào hầu Ngài họ cũng nghĩ rằng: Nếu Ngài còn ở tại vì thì Ngài cũng giàu sang và có binh quyền lớn hơn ta, ta vào hầu Ngài thì cũng có sao?

4/ Còn những hạng người nghèo khó họ cũng nghĩ rằng: Khi Ngài còn ở ngai vàng chúng ta đều là thần dân của Ngài, Ngài có quyền sanh sát trong tay, thì nay ta vào hầu Ngài thì càng quí chớ có sao?

Khi mỗi hạng người đều suy nghĩ như thế thì sự hoằng pháp của đức Phật rất dễ dàng.

Theo tôi, thì tất cả tín đồ Phật giáo lấy làm hãnh diện mà được đấng Giáo chủ là người ở trong giai cấp cao tột đỉnh lại dứt bỏ sự cao quí vật chất để đi tìm sự cao quí tinh thần, được mục tiêu ấy, rồi không nề hà cực nhọc ráng lo truyền bá giáo lý thanh cao cho chúng sanh. Ðây là một hy sinh vô cùng cao cả mà từ cổ chí kim chỉ có đức Phật mới thực hành được mà thôi.

Vấn: Bạch Ngài tại sao đức Phật lại nhập diệt ở xứ KUSINÀRÀ; không nhập diệt ở các xứ lớn như Vương Xá v.v...?

Ðáp: Ðức Thế Tôn biết rằng tất cả các Quốc vương trong thời ấy đều sùng bái Ngài, khi Ngài nhập diệt tất họ tranh nhau chia Xá lỵ. Nếu Ngài nhập diệt ở các cường quốc thì chắc chắn sẽ có chiến tranh, vì các cường quốc tất nhiên không bao giờ chịu nhượng bộ nhau, nên Ngài nhập diệt ở xứ nhỏ để tránh chiến tranh vì nắm xương tàn của Ngài. Quả vậy sau khi nghe Ngài nhập diệt rồi thì các Quốc vương đem binh đến đòi chia Xá lỵ, nhờ có vị Bà La Môn tên DONA phân giải, nếu không thì chiến tranh đã nổ bùng.

Vấn: Bạch Ngài tôi muốn nhờ Ngài giải về Niết Bàn.

Ðáp: Tôi thấy đoạn chót của bộ kinh MILINDA PANHÀ nghĩa là MI LAN ÐÀ, vua Lan Ðà hỏi về Niết Bàn, Ðức Na Tiên Tỳ Kheo đáp như vầy:

"Thưa Ðại vương, Niết Bàn ví như bông sen, vì bông sen ở trong bùn nhưng không nhiễm mùi bùn, và bên trong không có nước đọng lại được, cũng như Niết Bàn không có phiền não vậy. Niết Bàn ví như nước. Vì nước có đặc tánh là giải sự nóng nảy, nực nội, Niết Bàn dập tắt được sự nóng nảy là lửa phiền não và lửa khổ. Nước là chất giải khát, cũng như Niết Bàn là chất giải được sự thèm khát là ái dục".

NIẾT BÀN VÍ NHƯ THUỐC TRỊ BỊNH. Vì thuốc có ba điều đại khái là:

1/ Trị bịnh của người vướng phải nọc độc. Niết Bàn là phương thuốc trị được nọc độc là phiền não.

2/ Thuốc là vật trừ sự đau khổ của bịnh, cũng như Niết Bàn là phương thuốc trừ khổ là phiền não.

3/ Thuốc là món ngừa được các thứ bệnh nguy hiểm truyền nhiễm, cũng như Niết Bàn là pháp ngừa được cái chết.

NIẾT BÀN VÍ NHƯ BIỂN CẢ. Vì biển cả có bốn điều đại khái là:

1/ Biển cả không bao giờ có tử thi, cũng như Niết Bàn không bao giờ có tử thi là phiền não.

2/ Biển cả rộng mêng mông không thấy bờ bến, cũng như Niết Bàn là nơi rộng rãi mênh mông không cùng tột, chúng sanh sanh vào bao nhiêu cũng không chật.

3/ Biển cả là nơi cư ngụ của loài cá lớn, cũng như Niết Bàn là nơi cư ngụ của các bậc Thánh Nhơn.

4/ Biển cả là nơi có nhiều sóng to, gió lớn, cũng ví như Niết Bàn là nơi có pháp huyền diệu.

NIẾT BÀN CŨNG VÍ NHƯ ÐỒ VẬT THỰC. Vì vật thực có năm điều đại khái là:

1/ Vật thực có thể giúp con người sống được, cũng như Niết Bàn là pháp chiến thắng tử thần, chúng sanh nào được sanh vào nơi này không còn sanh tử luân hồi nữa.

2/ Chúng sanh nhờ vật thực nên được an vui và mạnh khỏe, cũng như Niết Bàn là pháp làm cho người sanh vào nơi ấy được an vui, nghĩa là không còn sanh tử luân hồi.

3/ Vật thực có thể làm cho người trường thọ được, cũng như Niết Bàn làm cho người sanh vào nơi ấy được trường tồn.

4/ Vật thực trừ được bịnh đói, cũng như Niết Bàn trị bịnh thèm khát do ái dục gây nên.

5/ Vật thực có thể trừ được sự xót ruột vì đói bụng, cũng như Niết Bàn trừ được sự xót ruột là sự nóng nảy của ái dục.

NIẾT BÀN VÍ NHƯ HƯ KHÔNG. Vì hư không có mười điều đại khái là:

1/ Không sanh.
2/ Không biết già.
3/ Không biết đau.
4/ không biết chết.
5/ Không biết tiêu hoại.
6/ Không dưới quyền sở hữu của ai hết.
7/ Ở một mình không nương dựa theo ai hết.
8/ Là nơi bay đi bay lại của giống phi cầm.
9/ Không vật chi ngăn cản được.
10/ Không có nơi cùng tột.

Niết Bàn cũng có mười điều ấy.

NIẾT BÀN VÍ NHƯ SỮA BÒ TƯƠI. Vì sữa bò tươi có ba điều đại khái là:

1/ Có màu đẹp.
2/ Có mùi thơm.
3/ Có vị ngọt.

NIẾT BÀN VÍ NHƯ ÐẢNH NÚI. Vì đảnh núi có bốn điều đại khái là:

1/ Nơi không bao giờ có vật gì làm lay chuyển được.
2/ Là nơi mà khó có người đi đến được.
3/ Là nơi cao nhất của quả núi.
4/ Là nơi không bao giờ có Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Dục, Lạc.

Niết Bàn cũng có bốn biện chứng pháp như thế.

Vấn: Bạch Ngài lấy làm hân hạnh cùng Ngài luận đạo trót ba ngày, tôi cảm thấy học nhiều điều cao cả và dứt được mọi sự nghi ngờ. Những lời chân chánh của Ngài dạy, tôi xin nguyện ghi nhớ trong lòng và cố hết sức mình để hành theo.

Lời cuối cùng của tôi xin Ngài nhớ cho là: Mong được gặp lại Ngài, và thấy Ngài là vị Pháp sư lỗi lạc, một vị hướng đạo đủ khả năng. Tín đồ sẽ được nghe những lời hay, lẽ phải của Ngài đã dày công thâu thập.

Tàu đã cập bến rồi, một lần nữa tôi xin thành thật đa tạ tấm lòng tốt của Ngài không nệ cực nhọc chỉ dạy những điều tôi thiếu kém. Xin Ngài vui lòng tha thứ cho tôi những lầm lỡ khi tôi biện luận với Ngài.

Ðáp: Phần tôi, tôi rất hài lòng được trao đổi ý kiến về Phật pháp với ông. Tôi không bao giờ có ý nghĩ chấp nhứt, vả lại ông có lỗi gì đâu? Và xin phép ông tôi sẽ ghi lại những câu vấn đáp của chúng ta, dưới nhan đề là BA NGÀY LUẬN ÐẠO. Nếu thuận tiện tôi sẽ in ra thành sách để làm kỷ niệm. Trước khi xa nhau tôi xin cầu chúc cho ông được nhiều hạnh phúc, sức khỏe dồi dào nhứt là không dễ duôi để tu hành tinh tấn thoát biển luân hồi.

Vấn: Xin đội ơn Ngài và tôi cũng mong Ngài được nhiều hạnh phúc, như Ngài đã chúc tôi.

Maha Thongkham Medivongs
Vientiane 1-12-1942
Sao lục, Vientiane 13-6-1962
Bản sửa lại và đánh máy xong, Sài Gòn ngày 8-3-1963

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04


Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 8-2001)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 14-08-2001