Duong vao noi tam - 07

BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Ðường vào nội tâm
Thích nữ Trí Hải


32. GỌI PHẬT BẰNG BẠN

(Phỏng thuật theo kinh Giới Phân Biệt)

Một mùa an cư, sau khi mãn hạ, đức Thế tôn du hành một mình thăm viếng các trú xứ của những tỳ kheo, để biết lối sống của họ, việc tu hành tiến thoái của họ. Chính nhân những cuộc du hành này mà có lần Ngài đã tâm sự với thị giả Nàgita:

- Này Nàgita, mỗi khi đi ngang một làng mạc mà thấy một am cốc của tỳ kheo, thì dù vị ấy đang ráo riết thiền tọa, Như Lai cũng không hài lòng về trú xứ của vị ấy. Vì sao? Vì vị ấy có thể bị phụ nữ, trẻ con, người lớn trong làng đến phiền nhiễu, tán chuyện làm cho vị ấy không thể chứng đắc những pháp chưa chứng, và có thể thối thất những pháp đã chứng. Trái lại, mỗi khi trông thấy một vị tỳ kheo ở trong rừng, dưới gốc cây, thì dù vị ấy đang tựa gốc cây mà ngủ gục, Như Lai vẫn hài lòng, nghĩ rằng: tỳ kheo này sau khi hết cơn buồn ngủ, có thể tiếp tục tọa thiền không bị ai quấy rối. Y sẽ chứng đắc những pháp chưa chứng đắc.

Trong cuộc du hành chúng ta đang nói đến, khi đức Thế tôn đi ngang một làng nọ thì trời sẩm tối. Ngài ghé vào nhà một người thợ gốm xin trú ngụ. Không ai biết đấy là Ðấng giác ngộ, vì Ngài làm như một tỳ kheo thông thường giản dị, không có tùy tùng thị giả. Ngài ngỏ lời với thợ gốm:

- Này thợ gốm, tôi có thể nghỉ tại nhà người một đêm không ?

Thợ gốm nhìn Ngài đáp:

- Sa môn muốn ở lại cũng được, nhưng đã có một vị đến trước cũng đang nghỉ tại đây. Xin hiền giả (tiếng xưng hô với những vị tỳ kheo còn trẻ) hãy ngỏ lời với vị ấy, nếu ông ta đồng ý thì xin hiền giả cứ tự tiện.

Ðức Thế tôn bước vào. Gặp một vị tỳ kheo trẻ đang ngồi, Ngài hỏi:

- Hiền giả, tôi muốn ở lại đây một đêm, có phiền gì cho người chăng?

- Ồ thưa hiền giả, không có gì phiền. Nhà thợ gốm rất rộng.

Thế tôn bèn trải thảm cỏ ngồi kiết già. Vị tỳ kheo cũng ngồi thiền đến quá nửa đêm. Ðức Thế tôn quán sát cử chỉ tỳ kheo thanh niên ấy, lấy làm hài lòng. Ngài nghĩ: "Thanh niên này có những cử chỉ tín thành. Ta hãy hỏi chuyện y". Và Ngài mở lời:

- Này bạn, nhân danh ai mà bạn đã từ bỏ gia đình, sống đời khất sĩ? Ai là thầy của bạn?

Tỳ kheo đáp:

- Ồ bạn ơi, có sa môn dòng họ Thích Ca đã từ bỏ ngai vàng để trở thành một ẩn sĩ. Thiên hạ đồn rằng Ngài đã đạt chánh giác, được tôn xưng là Phật, Thế tôn. Chính nhân danh Con Người cao cả đó mà tôi đã xuất gia. Bậc Thế tôn ấy là đạo sư của tôi. Tôi thích sống như Người.

- Vậy con người cao cả đó, đức Phật, Thế tôn ấy, bây giờ ở đâu?

- Này bạn, có một đô thị ở phía Bắc gọi là Xá vệ, chính nơi đó đức Thế tôn đang ngự tòa.

- Bạn có khi nào thấy Ðấng Thế tôn ấy chưa? Bạn có nhận ra Ngài nếu gặp Ngài không?

- Bạn ơi! Làm sao tôi có được cái diễm phúc ấy? Tôi chưa bao giờ trông thấy Ngài, chỉ mới nghe danh Ngài thôi. Nhưng chính nhờ Ngài mà tôi bỏ tục xuất gia, sống đời không nhà. Tôi chưa được gặp Ngài thì làm sao nhận ra Ngài được?

Ðức Thế tôn suy nghĩ: "Thanh niên này đã nhân danh ta mà xuất gia. Vậy ta hãy thuyết pháp cho y". Rồi Ngài dạy:

- Hỡi khất sĩ, tôi sẽ giảng pháp cho bạn, hãy lắng nghe.

- Ðược, bạn cứ nói đi.

Ðức Thế tôn thuyết pháp cho vị tỳ kheo ấy về cấu tạo của con người gồm bốn đại, năm uẩn, trong đó không có cái gì là ta hay của ta, toàn là những kết hợp vay mượn từ bên ngoài, biến chuyển luôn luôn để đi đến hoại diệt. Do nhận thức chân chính ấy, khi mắt tiếp xúc với sắc, tai với âm thanh v.v... phát sinh ra cái thấy cái nghe, v.v... và những cảm thọ như dễ chịu, khó chịu v.v..., vị tỳ kheo không tham đắm, không ghét bỏ vì quán sát những cảm thọ ấy không phải là ta không phải của ta. Vị ấy có thái độ "huệ xả" (giải thoát nhờ trí tuệ), không còn vọng tưởng, được sự bất động. Khi dứt được những vọng tưởng như vậy, vị tỳ kheo ấy được gọi là ẩn sĩ tịch tịnh.

Ðức Thế tôn dùng âm thanh vi diệu như tiếng hót chim Ca lăng tần già để thuyết pháp cho vị tỳ kheo ấy; khích lệ ông, làm cho ông hân hoan phấn khởi với những lời pháp của Ngài, như thể được nếm vị cam lồ bất tử. Nghe xong thời pháp của Thế tôn, vị tỳ kheo biết ngay đấy chính là Ðấng A La Hán chánh đẳng giác ông đang ngưỡng mộ tôn thờ. Ông sửa lại y, quỳ gối chắp tay bạch:

- Bạch Thế tôn, con thật ngu si đã gọi Ngài là bạn. Xin Thế tôn cho con sám hối tội lỗi.

- Này tỳ kheo, vì ngươi không biết nên không gọi là tội lỗi.

LỜI BÀN:

Qua giai thoại này, ta thấy rõ khi vị tỳ kheo lắng nghe đức Phật và lãnh hội lời dạy của Ngài, ông không biết người đang nói với mình là ai, đấy là giáo lý của ai, nhưng ông thấy được chân lý qua những lời dạy ấy. Như thuốc hay thì bệnh sẽ lành, không cần phải biết ai làm nên vị thuốc hoặc nó từ đâu lại.

-ooOoo-

 

33. CON NHỀN NHỆN

Ngày xưa, có một vị sư tọa thiền rất chuyên cần tinh tấn. Trải qua nhiều năm tu tập, một ngày nọ trong lúc ngồi thiền, sư bỗng thấy một con nhện to bự giăng tơ trước mặt ông. Càng lúc nó càng lớn thêm và xích tới gần ông một chút, cho đến khi nó án ngữ cả vòm trời tâm thức. Tám cái chân của nó giăng ra đe dọa, như sẵn sàng vồ lấy nhà sư mà nuốt chửng. Bốn mắt nhìn nhau quái đản, kinh hoàng. Sư nhiếp tâm chánh niệm, nhưng hình ảnh con nhền nhện lại càng rõ thêm. Mở mắt ra đã thấy rõ, mà nhắm lại rõ hơn bội phần.

Sư toát mồ hôi hột, định thần quán Không, quán Giả. Nhưng quán Không mà con nhện vẫn sờ sờ ra đấy, quán Giả thì đã đành là giả nhưng mà... run vẫn cứ run. Sư bèn đổi pháp môn, quay ra niệm Phật, bắt ấn quyết, trì niệm thần chú, cầu mong chư Phật bồ tát, thiên long bát bộ đến cứu mình ra khỏi con nhền nhện ác ôn này. Nhưng, mặc dù sư đã bắt ấn đủ kiểu, mật niệm đủ thứ thần chú nổi tiếng trừ tà rất linh nghiệm, mà con nhền nhện vẫn cứ ỳ ra đấy, càng lúc càng gần nhà sư hơn, càng đe dọa hơn. Nhà sư đành chịu thua, xả thiền đứng dậy. Hình ảnh ghê rợn của con nhền nhện trong thời thiền định vẫn ám ảnh sư. Sư trở nên thẫn thờ suy nhược như người mất hồn. Quá đau khổ, nhà sư đi đến vị thầy trình bày tự sự. Vị thầy hỏi sư:

- Bây giờ ông tính thế nào?

- Bạch thầy, con đã làm đủ mọi cách, nhưng con nhền nhện vẫn trơ ra. Con nghĩ rằng phải giết quách nó đi mới tu hành được, con định bụng, sẽ để sẵn một con dao bén. Chờ nó tới, con sẽ đâm cho nó một dao là xong đời.

- Ông tính vậy cũng được, nhưng trước khi đâm con nhền nhện, ông hãy gạch dấu chữ thập bằng phấn trắng ở ngay cái chỗ mà ông định thọc con dao. Vào thời thiền tọa kế tiếp ông sẽ đâm nó cũng không muộn.

Vị sư nghe lời, cáo từ thầy trở về tọa thiền. Lần này ông thủ sẵn một viên phấn trắng, chờ con nhền nhện xuất hiện, ông cầm phận lên gạch ngay một dấu chữ thập vào bụng nó. Sau khi xuất định, ông trở lại yết kiến vị thầy, bày tỏ ý chí cương quyết giết con nhền nhện vào thời thiền tọa kế tiếp. Vị thầy bảo:

- Ðược, nhưng ông hãy vén áo đưa bụng cho tôi xem thử.

Vị đệ tử ngạc nhiên, nhưng đành vâng lời thầy. Ông mở áo ra cho thầy xem. Lạ thay, trên bụng mình, ông bỗng thấy một dấu chữ thập bằng phấn trắng... do chính ông đã vạch. Ông nhân đấy hoát nhiên đốn ngộ.

Câu chuyện đến đây là chấm dứt, song thiết tưởng nên thêm vài lời. Thông thường chướng ngại mà ta nghĩ ở ngoài tới, kỳ thật nó ở ngay trong ta. Khi tách biết nó và ta, xem nó như thù nghịch, muốn hủy diệt nó, thì coi chừng ta hủy diệt ngay chính mình, như nhà sư nọ, vì muốn đâm con nhền nhện mà suýt thọc mũi dao vào bụng mình.

-ooOoo-

 

34. NAN SƯ NAN ÐỆ

Ngày xưa có một vị thầy tu hạnh ngồi mãi không nằm. Thầy trụ trì một ngôi chùa lớn. Nhiều đệ tử theo học rất đông, nhưng không ai theo nổi khổ hạnh của thầy là chỉ giữ ba uy nghi: đi, đứng, ngồi, nhưng không nằm. Mặc dù vậy, khổ hạnh của thầy cũng ảnh hưởng sâu rộng trong hàng tứ chúng, khiến cho không một ai còn lòng dạ nào mà buông lung, biếng nhác.

Một hôm có một vị sa di tới xin nhập chúng. Thầy bằng lòng. Chú xin hầu cận bên thầy để học cái hạnh tinh tấn. Thầy chấp nhận, nhưng hàng đêm, khi thầy ngồi suốt tới sáng thì chú cũng nằm suốt tới sáng. Thầy để ý nhiều lần như vậy, nhưng xét ra vị sa di này không phải hạng tầm thường: chú ngủ rất tỉnh, một cái động nhẹ của thầy cũng làm cho chú thức dậy để đáp ứng những sai bảo. Cho nên thầy thấy không có lý do gì rầy chú. Chỉ có một điều thầy lấy làm tiếc, là một chú đệ tử thông minh tấn tụy như thế lại không chịu tịnh tọa thiền định như thầy, mà cứ nằm dài suốt đêm một cách tinh tấn. Cuối cùng thầy phải nói cho chú biết không nên tu cái hạnh "nằm" như vậy:

- Này sa di, chú nằm mãi coi chừng thành rắn đó.

Chú thưa :

- Bạch thầy, thầy ngồi mãi con cũng sợ thầy thành cóc mất thôi!

Vị thầy nhân đấy mà ngộ đạo.

LỜI BÀN: Có vị thầy như vậy mới có trò như vậy. Lời của chú đệ tử có tác dụng như một cái ấn nút, mở tung cửa kho tàng tâm linh của vị thầy đã sẵn sàng trong tư thế ngộ đạo. Cũng như câu kệ của Lục tổ Huế Năng:

Ðang sống, ngồi không nằm
Chết rồi, nằm không ngồi
Chỉ là cái xác thối
Có gì công với tội?

Câu kệ ấy là cốt để khai thị những người đã tinh tấn đến mức tối đa, cỡ như thiền sư Trí Hoàng ngồi nhập định tới 20 năm. Sau khi nghe lời kệ này, một vị như vậy mới thấy thấm thía cái lẽ rằng giải thoát không cốt ở nằm hay ngồi, liền hết chấp vào hạnh tu của mình, xả bỏ, vượt qua, và được hoát nhiên đốn ngộ. Còn chúng ta, chưa tinh tấn được đúng mức, mà vội bắt chước nói "phá chấp", "vô tu", thì chỉ như vẹt nói, không ích gì cho bản thân người nghe mà còn chuốc thêm tội đọa.

-ooOoo-

 

35. TAM NGHIỆP HẰNG THANH TỊNH

Một vị thiền sư đi hành cước ngang một thôn ấp nọ, tìm tới nghỉ tại một ngôi chùa bỏ vắng lâu năm. Dân làng kéo tới khuyên thầy đi nơi khác, thầy hỏi duyên cớ, họ kể:

- Bạch Thầy, ngôi chùa này có con quỷ xuất hiện vào lúc nửa đêm, khóc than thảm thiết rùng rợn, khiến chúng con phải dời nhà đi chỗ khác không dám ở gần. Nguyên do là ngày xưa nghe đâu có vị trụ trì ở đây chết hóa thành quỷ.

- Tại sao?

- Dạ bạch, vị sư ấy đã già khi ốm nặng, các đệ tử theo lời y sĩ đổ súp gà cho thầy lai tỉnh. Lúc tỉnh dậy thầy hỏi đã cho thầy uống thuốc gì và khi được biết họ đã đổ súp gà, thầy giận đến ngất đi và chết luôn. Từ đấy đêm nào cũng có quỷ xuất hiện ngâm lên hai câu:

Lâm bệnh ngọa tại sàng
Nhất Dạ ẩm kê thang
(Liệt giường bệnh hành ta
Nên uống phải súp gà).

rồi khóc lên tru tréo rất thê thảm.

Vị thiền sư nghe qua câu chuyện quyết định ở lại ngôi chùa hoang đêm ấy. Ngài thức chờ khi quỷ xuất hiện ngâm hai câu:

Lâm bệnh ngọa tại sàng,
Nhất dạ ẩm kê thang

Ngài bèn ngâm tiếp:

Tam nghiệp hằng thanh tịnh
Ðồng Phật vãng Tây phương.

(ý nói dù uống lỡ súp gà, nhưng ba nghiệp thân khẩu ý thường thanh tịnh, thì vẫn có thể sang Tây phương gặp Phật).

Quỷ nghe xong, biến mất, từ đấy không xuất hiện nữa.

-ooOoo-

 

36. TRƯ HÒA THƯỢNG

Ngày xưa, ở một ngôi chùa nọ, vị thiền sư trụ trì nuôi một con heo lâu năm. Tuổi heo xấp xỉ tuổi đạo của nhà sư, và cả đại chúng kể từ vị tri sự tăng trở xuống đều phải nhường heo về khía cạnh thâm niên nọ. Do đó vị trụ trì đặt cho heo một biệt danh là Trư Hòa Thượng.

Trư hòa thượng chỉ có việc ăn, nằm và bài tiết (để lấy phân bón cho vườn chùa) nên rất mập mạp đến không ngồi dậy nổi. Tuy nhiên mỗi khi tiếng hồng chung chùa vang lên vào chiều tối hoặc canh khuya, Trư hòa thượng đều cố ngóc đầu dậy một cách mệt mỏi. Nhân đấy mà thiền sư rất yêu mến Trư hòa thượng, thường chỉ cho chúng xem, bảo:

- Các con thấy đó, loài súc sinh cũng có Phật tánh, chớ khinh thường.

Một hôm thiền sư có việc phải đi xa vài hôm. Ngài cho họp chúng dặn:

- Trong khi tôi đi vắng, lỡ Trư hòa thượng có viên tịch, thì các ông hãy cắt thịt, chia cho láng giềng mỗi nhà một miếng. Hãy nhớ làm theo lời dặn của tôi.

Ðại chúng lấy làm quái dị về lời dặn của vị thầy, nhưng không dám hỏi, cứ vâng dạ lịnh tôn ý. Có lẽ họ nghĩ rằng thầy quá lo xa, Trư hòa thượng không bệnh hoạn gì, chưa chắc đến nỗi chết. Nhưng ngờ đâu thầy vừa đi vắng một hôm thì Trư hòa thượng ngã lăn ra chết. Ðại chúng bây giờ thật khó xử, nếu làm theo lời thầy dặn thì sợ đời dị nghị, nhất là trong khi vắng thầy. Lỡ người ta nghi chúng tăng nhân thầy không có nhà đã làm thịt con heo, rồi vì ăn không hết mà đem biếu thì sao? Thầy tri sự sau khi hội ý toàn thể đại chúng, quyết định đem mai táng Trư Hòa thượng sau vườn chùa, rồi thầy về sẽ sám hối sau.

Khi thiền sư trở về, hỏi ra mới biết chúng không làm theo lời dặn. Ngài dạy:

- Thế là các ông làm lỡ việc của ta rồi.

Khi đại chúng thưa hỏi, ngài kể:

- Trư hòa thượng chỉ còn một kiếp cuối cùng là giải thoát. Trong kiếp cuối ấy, Trư hòa thượng phải chết vì nạn "loạn đao phân thây". Nhờ có túc duyên mà Trư hòa thượng được thoát nghiệp ấy trong lúc sống. Nhưng định nghiệp không thể không trả. Do đó mà ta muốn giúp Trư hòa thượng trả xong định nghiệp bằng cách phân thây ông ta sau khi chết. Ðược vậy khỏi thọ sanh kiếp khác. Nhưng bây giờ vì các ông không làm theo lời ta, Trư hòa thượng sẽ phải luân hồi trở lại để trả cho xong định nghiệp.

Ðại chúng nghe lời thầy dạy đều lấy làm hối hận. Ðại sư an ủi:

- Không hề gì, rồi đây các ông lại còn duyên gặp lại Trư hòa thượng.

Thời gian trôi qua nhanh chóng. Thấm thoát đã hơn 20 năm kể từ ngày Trư hòa thượng viên tịch. Một hôm, vị trụ trì mới, đệ tử trưởng kế vị thiền sư sau khi ngài viên tịch, tiếp đón vị quan huyện trẻ vừa tới nhậm chức tại địa phận chùa nhà. Quan đi quanh chùa thăm viếng tỏ ý lưu luyến như một cố nhân. Quan có cảm tình đặc biệt với tất cả đại chúng, và từ đấy mỗi lúc rãnh rỗi việc quan, ông lại tới chùa đàm đạo với chư tăng. Mối đạo tình đằm thắm ấy kéo dài một thời gian cho tới một ngày quan huyện bị triệu về kinh đô...

Tin đồn quan huyện bị triệu về kinh đô vì một vụ án phản nghịch, và ngay sau đó bị đem ra chợ phân thây, được loan đi rất nhanh đến chùa. Chư tăng bàng hoàng sửng sốt, thương cho số phận quan huyện nhân từ, người bạn chí thiết của cả đại chúng. Tại sao một con người tốt như quan huyện lại phải chịu một cái chết thê thảm như vậy? Chư tăng ngậm ngùi tự hỏi. Nhất là vị trụ trì người kỳ cựu nhất ở chùa, người ngày xưa đã từng săn sóc Trư hòa thượng từ lúc tập sự xuất gia đến khi Trư chết, và bây giờ là người bạn thân của quan huyện, vị trụ trì buồn bã mất mấy ngày.

Vào một thời tọa thiền, ngài bỗng thấy bóng quan huyện mỉm cười hòa nhã, và một âm thanh nhẹ như hơi gió thoảng bên tai ngài:

- Tôi là Trư hòa thượng ngày xưa, xin đến vĩnh biệt thầy và tạ ơn tri ngộ.

Vị trụ trì bàng hoàng dụi mắt, nhớ lại tất cả chuyện xưa nay.

-ooOoo-

 

37. THAM Y HÓA RẮN

Thuở Phật còn tại thế, ở vườn Cấp cô độc, có một vị tân tỳ kheo (tỳ kheo mới thụ giới) được cúng một bộ y katê tuyệt đẹp. Thầy mân mê bộ y không rời, tối dùng làm gối ngủ. Ðêm ấy rủi thay thầy bị trúng gió nặng, cấm khẩu, các vị đồng phạm hạnh tìm đủ cách cứu chữa, nào cạo gió, nào thoa bóp dầu nóng, nào hô hấp nhân tạo... song đều vô hiệu. Thầy trút hơi thở cuối cùng. Vì tâm thức cuối cùng của thầy là ham thích bộ y mới, nên khi thoát xác, thần thức thầy thác sanh vào loài rắn đeo cứng vào bộ y katê. Con rắn khôn ngoan chui tuốt vào cái giải "Bần bà" (1) để mọi người khỏi thấy.

Sau khi vị tỳ kheo qua đời, y lệ nhà chùa chúng tăng chia đều cái tài sản nhỏ bé của thầy, trong đó có bộ y. Với Phật nhãn đức Thế tôn rõ vị tỳ kheo đã hóa làm con rắn đang ôm giữ chiếc y, nên ngài bảo đại chúng:

- Các ông có "quân tăng" (2) tài sản của tân tỳ kheo ấy, thì hãy chừa bộ y lại, để tuần sau hãy chia.

Các tỳ kheo không hiểu vì sao Thế tôn bảo chừa bộ y, nhưng không dám trái mệnh bèn đem bộ y ấy xếp để một nơi. Vừa khi bộ y bị dời chỗ, con rắn đã cuống cuồng la lối om sòm:

- Trời đất quỷ thần đi! Người ta cướp giựt của tôi bộ y nè! Ai cứu cho với! Bộ y này là của tôi, không phải của các người! Các người toan mang nó đi đâu, bớ làng nước đi, quân cướp giật!

Con rắn la khan cả cổ mà nào có ai hay! Có chăng chỉ đức Từ phụ thần thông quảng đại thấy nghe được nỗi khổ đau của nó. Trong tuyệt vọng con rắn chạy quanh cái giải bần bà để cầu cứu cảnh sát đến bắt bọn cướp đã cướp cái y của nó. Chạy rã giò chẳng có ma nào đến cứu, người ta vẫn ngang nhiên nhấc bổng bộ y mang theo khổ chủ không biết đi đâu. Ðức Phật thương xót gọi thị giả Anan đang ôm bộ y để cất vào tủ:

- Con hãy đem bộ y vào trong tịnh thất của ta.

Tôn giả Anan vâng lệnh. Ðức Thế tôn đến bên bộ y, thuyết pháp cho con rắn nhớ tiền kiếp của mình:

- Này rắn, con vốn là một vị tỳ kheo vừa thụ giới. Cái y này là của thí chủ cúng cho con. Con đã quên quán sát rằng "không có gì là ta, không có gì là của ta, thân này không phải là tự ngã của ta". Vì một phút bất giác cận tử nghiệp (nghiệp xẩy ra lúc lâm chung) đã khiến cho con phải sa đọa vào loài súc sinh. Con hãy tịnh tâm nhớ lại tiền kiếp, Ta đức Như Lai, đang ở trước mặt con.

Do mãnh lực từ tâm nơi Phật, con rắn thoạt nhớ lại kiếp vừa qua của mình, lòng trở nên nhẹ nhàng thanh thản. Rắn nằm im bảy ngày không ăn uống, rồi trút hơi cuối cùng. Thần thức rắn thác sinh lên cõi trời tứ thiền, chỗ thác sinh những vị tỳ kheo siêng tu thiền định.

Khi rắn thoát xác, đức Phật mới bảo tôn giả Anan đem bộ y cắt ra chia đều cho mỗi người một mảnh làm khăn mu soa. Các vị t? kheo hỏi lý do vì sao Ngài đợi đến bảy ngày mới phân chia bộ y, đức Thế tôn kể lại câu chuyện và dạy :

- Nếu các ông chia ngay lúc đó, con rắn sẽ nổi sân và bị đọa vào loài ngạ quỷ. Nay nhờ nghe pháp, nhờ thần lực của Như Lai, lại nhờ bản thân đã từng tu hành thanh tịnh, mà vị tỳ kheo hóa rắn ấy đã được sinh lên cõi trời.

Các vị tỳ kheo nghe xong, ai nấy toát mồ hôi hột, ngán ngẩm cho cái "cận tử nghiệp" ác ôn kia. Sợ thay, mà lại mừng thầm cho ai!

LỜI BÀN:

Cận tử nghiệp là cái nghiệp đến sát nút lúc gần chết mới xuất hiện. Làm sao để tránh được một cận tử nghiệp xấu xa, hiểm nghèo? Cách hay nhất là huân tập hồng danh của Phật A Di Ðà. Ði đứng nằm ngồi luôn luôn nhớ Phật, được vậy thì khi cái chết đến thình lình (kiểu bất đắc kỳ tử ) ta vẫn được an nhiên tự tại, dù dưới mắt người đời có vẻ là một tai họa, là "vô phước". Nếu suốt đời niệm Phật mà lâm chung không có người tiếp dẫn, không được chết trên giường, đó cũng là dư báo do ác nghiệp quá khứ. Cốt nhất là tâm niệm của ta hiện tại luôn luôn tưởng nhớ hồng danh đức Phật cho đến khi lâm chung thì quyết không đọa lạc vào ác đạo.

Chú thích:

(1) Tương truyền, khi nhiều người cúng vải để may y cho Phật, cái y sắp xong thì có một bà nghèo tới cúng một mảnh vải. Ðức Thế tôn thương xót nhận của hiện cúng muộn màng ấy để gieo phước cho bà, và bảo thị giả Anan may vào hai góc y để làm dây buộc y. Do đó sợi dây buộc y ngày nay có tên là "bần bà" để nhớ đến bà già nghèo khó đã cúng dường mảnh vải cho Phật.

(2) Chia đều cho tăng chúng.

-ooOoo-

 

38. DUYÊN XƯA NGHIỆP CŨ

Câu chuyện xẩy ra ở một nhà giàu tại Trung Quốc ngày xưa. Truyền thống "Cải gia vi tự" (biến nhà thành chùa) bắt nguồn từ đấy.

Một gia đình rất giàu sửa soạn nhà cửa đón dâu. Phú ông đang bận rộn với việc đám cưới thì gia nhân vào báo, có một vị sơn tăng đến khất thực hóa duyên. Vốn là người mộ đạo, phú ông vội vàng ra nghênh tiếp, mời Sư vào nhà, thỉnh ngồi ở ghế thượng khách. Nhưng vị Sư chỉ chống tích trượng đứng cười ha hả. Lạ lùng trước cử chỉ nhà Sư, nhưng phú ông không dám nghĩ đấy là người cuồng. Bởi trông mọi dáng vẻ Ngài đều có tiên phong đạo cốt, phú ông quyết đấy không phải là người tầm thường giả bộ. Ngước nhìn đôi mắt sáng như sao của nhà Sư, phú ông bất giác rơi lệ quỳ mọp xuống:

- Bạch hòa thượng, đệ tử ngu dốt, nay có phước duyên được người chiếu cố, xin người từ bi dạy bảo!

- Hà hà. Chúng sinh mê muội, làm tội ác tày trời còn hí hửng đánh trống thổi kèn.

Trong khi nhà Sư nói vậy, thì từ nhà sau vọng lên tiếng lợn kêu thống thiết. Vị Sư tiếp:

- Con heo đó là cha ngươi ngày trước. Vì tham tiếc cái gia tài, ông đã tái sinh làm con heo sau chuồng nhà ngươi.

Phú ông đầm đìa nước mắt bạch:

- Bạch hòa thượng, quả đúng như vậy, cha con khi sắp chết cứ thao thức tiệc cái gia tài của cải một đời mồ hôi nước mắt này, và dặn đi dặn lại chúng con phải giữ gìn đừng hoang phí.

Nói rồi vội bảo gia nhân đình chỉ việc giết heo. Nhà sư lại nói tiếp:

- Còn đứa con gái nhà ngươi sắp cưới cho con ngươi là ai biết không?

- Bạch hòa thượng, đó là con gái nhà láng giềng của con. Hai trẻ có cảm tình với nhau từ nhỏ, nên khi chúng thành niên con cho chúng tác hợp thì có gì sai quấy.

- Hà hà. Mới bà bà cháu cháu đó, mà nay là vợ vợ chồng chồng. Than ôi chúng sanh có mắt như mù.

- Bạch hòa thượng, xin hòa thượng từ bi khai thị cho kẻ ngu muội. Con không được rõ thánh ý.

- Có gì là mờ mịt đâu, chỉ vì ngươi không thấy! Ðứa con gái kia là mẹ ngươi ngày trước. Do vì khi sắp chết, người lưu luyến đứa cháu nội không nỡ rời, nên thần thức đầu thai lại cõi đời để sống gần nó.

Phú ông nhẩm lại, thì quả nhiên cô gái thua cậu 4 tuổi, nghĩa là cô ra đời đúng lúc bà mẹ ông mất, lúc con trai ông lên bốn.

- Bạch hòa thượng quả như ngài nói, mẹ con khi mất đã cầm chặt lấy tay đứa cháu nội, bà rất yêu cháu vì nó là đứa cháu trai duy nhất. Nay sự tình đã vậy thì con không dám làm việc ác tày đình thế kia. Xin hòa thượng chứng minh cho con được thế phát xuất gia, biến nhà thành chùa.

Rạp trang hoàng cho tiệc cưới trong chốc lát được sửa lại thành đạo tràng. Phú ông cung thỉnh vị sư lên tòa thuyết pháp cho bá tánh đến dự và coi đám cưới. Nghe xong thời pháp, mọi người đều xin quy y tam bảo, từ bỏ sát sinh. Chú rể xin cha theo vị hòa thượng về núi tu hành, còn cô dâu nguyện trọn đời ở vậy phụng dưỡng cha mẹ cho đến khi hai thân khuất núi, rồi cô cũng xuất gia.

LỜI BÀN:

Khi còn nhỏ xa cha mẹ lớn lên đã quên mất mặt mày, huống nữa là đời trước với đời sau. Trong vòng luân hồi vô tận, chúng ta đã trải qua vô số đời sống trên mặt đất, và đã có dịp làm con cái của tất cả mọi chúng sinh. Do đó kinh Bồ tát giới cấm sát sinh và dâm dục là vậy. Sát sinh thì không khác gì giết cha mẹ của mình, còn dâm dục cũng đồng nghĩa như loạn luân. Bởi lẽ đó, suy nghĩ cho cùng thì ... chỉ còn nước vô chùa tu là thượng sách, khỏi mắc tội. Hay ít nhất, không vô chùa tu hãy làm như Thúy Kiều ở đoạn cuối:

Từ rày khép cửa phòng thu,
Chẳng tu thì cũng như tu mới là
.

-ooOoo-

 

39. ÐẠO TRÀNG CỦA BỒ TÁT

(Theo chuyện kể của Hòa thượng Thiền Tâm)

Ngày xưa ở một ngôi chùa lớn tại Trung Quốc, có một vị sư nổi tiếng là khùng. Thầy không bao giờ ở chùa, quanh năm mặc cái áo rách đi lang thang la cà khắp các trà đình tửu điếm bạn với những kẻ côn đồ, xì ke, ma túy. Những kẻ này sau khi giao thiệp với thầy, phần lớn đâm ra hiền lương và trở thành những hiệp sĩ ưa giúp đời. Chúng tụ tập tại các bến xe, đỡ đần gánh nặng cho những người già yếu, sản phụ trẻ con. Sau những giờ làm việc nghĩa, chúng hội họp ôn lại những lời dạy bảo của vị sư khùng. Ðược biếu món gì ngon chúng để dành cúng dường vị thầy yêu mến vì lâu lâu chúng mới chúng mới thấy được bóng thầy ngất ngưỡng trở về đô thị một lần. Thầy đi đâu? Thì ra chỗ hóa duyên của thầy là một làng đánh cá ở ven biển. Thầy thường ở trong làng đó, thỉnh thoảng mới trở về chùa một vài ngày, vào các dịp giỗ lớn.

Chúng tăng trong chùa rất bực bội về bề ngoài của thầy khùng, thật là mất hết thể thống của một vị tăng. Nhất là khi họ thấy thầy không thường trai như quy luật nhà chùa. Thầy không đòi ăn gì khác hơn đại chúng mỗi khi về chùa, nhưng buổi sáng thầy về thì buổi chiều họ đã thấy "bổn đạo" của thầy ở biển gánh tới chùa một gánh cá biển, tôm, cua, đủ thứ sơn hào hải vị để cúng dường. Thầy quát mắng:

- Tiên sư tụi bay, ta ăn gì hết mà gánh tới nhiều dữ vậy? Lần sau có muốn đem cho thì chỉ cho tao một con cá là đủ.

Một điều quái lạ, mặc dù thầy đối với họ có vẻ thô lỗ cộc cản, những người đánh cá xem ra rất kính trọng thầy. Họ xoa tay cười nịnh:

- Dạ để thầy biếu bà con trong chùa... Chúng con nghĩ là chùa đông người.

- Ý, tụi bay ngu. Các thầy chùa không có hạp thứ này, hiểu chưa? Chỉ có tao. Thôi, về đi.

Họ riu ríu kéo nhau ra về, hớn hở sau khi được cúng dường thầy vài con cá, và được gặp thầy. Ðến giờ thọ trai, thầy ngồi vào bàn chư tăng, xách theo con cá biển mới luộc. Tăng chúng không chịu nổi mùi tanh, vác chén chạy, tránh ngồi gần thầy. Thầy cười hề hề điềm nhiên gắp cá luộc chấm nước tương ăn qua bữa.

Chỉ có vị phương trượng hình như rất hiểu và thương thầy, do đó tăng chúng không dám bàn ra tán vào mặc dù thái độ nghêng ngang của thầy. Vì lâu lắm thầy mới về chùa, nên phương trượng cùng ngồi chung bàn với các đệ tử vào những dịp ấy. Ðó là một biểu lộ rõ rệt của lòng ưu ái nơi bậc thầy khả kính. Có thầy, phương trượng vui hẳn lên. Hai thầy trò đàm đạo rất tương đắc. Phương trượng dường như không mấy may quan tâm tới mùi tanh nồng nặc của con cá thầy đang ăn, mặc dù chính ngài thì đang dùng rau muống luộc.

Trong bữa ăn ấy, thầy khùng lỡ đánh rắm kêu cái đùng. Thầy điềm nhiên bỏ đũa, ra trước đại chúng lạy ba lạy sám hối. Lạy xong, trở về chỗ cũ tiếp tục ăn. Vài người không nhịn cười được, vừa ăn vừa cười khúc khích. Thầy quắc mắt, mắng:

- Tiên sư tụi bay, ta đã lạy sám hối, còn cười cái gì? Ngồi ăn trước mặt thầy không được cười giỡn.

Bẵng đi một dạo khá lâu, thầy không trở về chùa. Một buổi chiều nọ, tăng chúng thấy thầy thất thểu bước lên đồi, dẫn đến chùa, mặt mày nghiêm trang khác hẳn mọi khi. Chúng ra chào thầy:

- Hôm nay sao sư huynh nghiêm trang thế?

- Ngày mai về giỗ tổ, ta về bái biệt thầy đây.

- Sư huynh đi đâu?

- Về chầu tổ.

Ðại chúng cười rộ, không tin lời thầy. Nhưng đến giờ ngọ hôm sau, tắm rửa xong thầy vào nhà lạy phương trượng ba lạy từ biệt và bảo đại chúng:

- Hãy lên chuông trống bát nhã đi. Tây phương tam thánh sắp đến rước ta rồi.

Ðại chúng chưa tin hẳn, nhưng nhìn ra thì thấy cả làng đánh cá ùn ùn kéo lên chùa tiễn đưa sư phụ của họ về Tây phương. Một mùi hương lạ xông khắp, và trên hư không, mọi người đều trông thấy ba luồng ánh sáng chói lòa của Tây phương tam thánh (Di Ðà, Quan Âm, Thế Chí) đến rước người con yêu dấu của các Ngài khi vị này đã mãn duyên hóa độ.

Ba hồi chuông trống vang rền, trong khi sư khùng điềm nhiên tọa tịch trong tư thế kiết già. Ðại chúng rơi lụy sặp lạy sám hối trước con người mà họ thường báng bổ vì không thể hiểu thấu hành tung của Ngài. Sau khi ngài thị tịch, đại chúng hỏi phương trượng:

- Bạch thầy, thì ra sư huynh chúng con tu mật hạnh khó nghĩ bàn. Nhưng tại sao người phải làm như vậy, sao không sống bình thường như những vị khác?

- Ðể hóa độ những dân dao búa, đệ tử ta phải là như vậy. Nhờ ông ấy mà cả làng đánh cá mới quy y theo Phật, đa số bỏ hẳn nghề ác. Cho nên xét người, các ông chớ nên chỉ xét bề ngoài. Ðức Phật đã dạy: "Nếu thấy tướng mà không chấp tướng mới thấy được Phật", các ông phải nhớ lấy điều ấy.

LỜI BÀN:

Ðừng bắt chước. Tây Thi đau bụng nhăn mặt thì đẹp như tiên, nhưng không đau bụng và không phải Tây Thi mà nhăn mặt thì chỉ đẹp như... khỉ.

-ooOoo-

 

40. TÌM THÁNH TĂNG

(Theo chuyện kể của Sư bà Thể Quán)

Tại một ngôi chùa Trung Quốc ngày xưa, có một vị sư nổi tiếng về hạnh ở dơ. Thầy không đủ điều kiện thân tướng trang nghiêm để thụ giới, vì thế mặc dù thầy ở chùa đã lâu, thầy vẫn giữ chức vụ của chú tiểu là làm các công việc ở nhà vệ sinh và trong bếp, ngoài vườn. Tất cả những công việc nặng nhọc dơ dáy đại chúng đều giao cho thầy phụ trách. Thầy làm tất cả mọi sự với tâm hoan hỉ, không phàn nàn, lúc nào nụ cười cũng nở trên môi. Mặc dù y phục rách rưới dơ dáy, nét mặt thầy luôn rạng rỡ. Có điều đáng phàn nàn nhất về thầy là mặc dù tuổi đã lớn, không còn bé bỏng gì, thế mà thầy luôn luôn để mũi chảy thò lò như một cậu bé, không chịu lau chùi, không bao giờ rửa mặt. Cho nên tuy thầy rất dễ thương, cũng ít ai dám đến gần vì nhờm gớm. Mỗi khi các bạn đồng tu đề nghị:

- Xin chú mày làm phúc quẹt mũi dùm đi. Dơ dáy lắm.

Thầy chỉ cười hề hề:

- Em không có thời giờ quẹt mũi, sư huynh ạ!

Rồi bỏ đi một nước. Một hôm nhân ngày lễ Vu Lan, nhà Vua thỉnh tất cả vị tăng trong chùa không chừa vị nào, vào cung để dự trai tăng. Nhà vua tha thiết yêu cầu vị hòa thượng đừng để vị nào ở lại chùa, vua sẽ cho người đến giữ chùa trong thời gian tăng chúng vào cung.

Sở dĩ nhà vua muốn như vậy là vì Ngài có dụng ý. Vua vốn là người mộ đạo tha thiết, cầu gặp Thánh tăng để khai thị cho mình yếu nghĩa bộ kinh Kim Cương. Do lòng chí thành, một hôm vua được thần nhân báo mộng trong ngôi chùa lớn ấy có một vị Thánh tăng, hãy thỉnh về cung thuyết pháp. Tỉnh dậy, nhà vua hoang mang không biết Thánh tăng ấy là ai, trong ngôi chùa đông cả ngàn tăng chúng đó. Sau một hồi bàn luận với cận thần, vua được bày một mưu kế hay ho, và vội thực hành ngay kế ấy để tìm gặp Thánh tăng. Thế là vua cho sửa soạn một buổi trai tăng cúng dường toàn thể tăng chúng trong ngôi chùa nọ.

Về phần tăng chúng trong chùa, họ bàn nhau:

- Hôm nay vua thỉnh toàn thể chư tăng vào cung thọ trai không chừa một vị nào ở lại giữ chùa. Nghĩa là phải cho cái chú ở dơ của mình đi theo. Chú ấy chưa thụ giới, vậy trong khi chúng ta đắp y đi có hàng ngũ chỉnh tề thì hãy để chú đi một mình sau rốt khỏi mất thể diện chúng tăng.

Tăng chúng bằng lòng theo sự sắp đặt ấy và báo tin cho chú ở dơ sửa soạn theo hầu chư tăng vào cung dự lễ. Họ không quên dặn chú làm phúc quẹt mũi dùm trước khi ra đi. Chú cười hề hề:

- Dạ được rồi, quý huynh đừng lo. Lần này em xin lau mặt mũi sạch sẽ để theo hầu quí sư huynh.

Vua và đình thần đứng xếp thành hàng rào danh dự đón chư tăng đang đủ uy nghi từ từ bước qua cổng chính để vào cung. Mặt nhà vua hơi lộ vẻ thất vọng khi thấy gần hết chư tăng đều điềm nhiên bước qua cổng lớn. Khi người cuối cùng của cả hàng dài tăng chúng đắp y đã đi qua cửa cung, sắp có lệnh đóng cửa, thì một vị sư không đắp y, ăn mặc dơ dáy ở đâu nhảy bổ tới, lộn nhào hai ba vòng để tránh dẫm chân lên ngưỡng cửa, vừa lẩm bẩm nói một mình:

- Chết chưa! Ai dám dẫm chân lên pháp bảo của đức Như Lai.

Vua và đình thần quỳ mọp xuống trước vị thánh tăng, dâng bộ y quý giá:

- Ngưỡng bạch Hòa thượng, đệ tử xin cung thỉnh người thăng pháp tòa, để chúng con được ân triêm pháp nhủ.

Thánh tăng bước lên pháp tòa dành sẵn, giảng kinh Kim Cương như nước chảy hoa bay cho tất cả đại chúng và triều đình. Ðến đoạn "Ly nhất thiết chư tướng tức danh chư Phật", nhà vua hoát nhiên đại ngộ.

Sau thời thuyết pháp, nhà vua quỳ sám hối trước đại chúng. Vì lòng tha thiết cầu gặp Tánh tăng, nhà vua buộc lòng phạm đến pháp bảo bằng cách chôn một quyển kinh Kim Cương ngay lối vào cung điện. Với kế đó nhà vua đã tìm ra vị thánh tăng trong hơn nghìn tăng chúng, ấy là vị có thần thông biết được chỗ chôn kinh và tránh dẫm lên pháp bảo bằng cách lộn nhào qua cửa ngọ môn.

LỜI BÀN:

Muốn bắt chước cũng khó.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | Mục lục

Chân thành cám ơn Ðại đức Giác Ðồng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, tháng 06-2001).


[Trở về trang Thư Mục]