Hoang phap cua Phat to Gotama - 02

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trên đường hoằng pháp của Phật tổ Gotama

Trùng-Quang Nguyễn Văn Hiểu


A. Từ Buddha-Gaya (Bồ-đề đạo-tràng) đến vườn Isipatana (Lộc giả)

50- Sau cuộc gặp-gở hai vị thương-gia, Ðức-Phật định đi truyền đạo cho ai trước nhất?

Ðức-Phật rời khỏi rừng Uruvela đi về hướng Tây-Bắc đến rừng Isipatana (Lộc-giả), hiện giờ là Sarnath cách Bénarès tám cây số để tìm năm Thầy Kondanna (Kiều-Trần-Như), là năm người đồng tu khổ-hạnh cùng Ngài và đã rời bỏ Ngài khi thấy Ngài không còn tu pháp hành-xác nữa.

51- Tại sao Ðức-Phật không trở về Kapilavastu, truyền đạo cho Vua cha trước nhất?

Vừa khi đắc đạo Ðức-Phật đã nhớ Cha-Mẹ và hai vị Ðạo-sĩ AlaraUddaka. Ngài thấy duyên-kỳ của Vua cha và quyến-thuộc của Ngài chưa đến, nên chưa vội trở về quê-hương. Ngài biết hai ông AlaraUddaka đã từ trần: Ông thứ nhất vừa được một tuần-nhựt, ông thứ nhì trong ba ngày vừa qua. Người đầu tiên được Ðức-Phật tế-độ là Hoàng-Hậu Maya. Tại Buddha-Gaya còn một tháp kỷ-niệm ghi dấu chỗ Hoàng-Hậu Maya từ cung trời xuống thọ-giáo với con Bà (Theo một nguồn lịch-sử khác, Hoàng-Hậu Maya được Ðức-Phật tế-độ bảy năm sau).

52- Trên đường đi từ chỗ đắc đạo-quả (Buddha-Gaya) đến vườn Isipatana (Lộc-giả), Ðức-Phật có gặp ai không?

Trên khoảng đường 10 cây số, từ Buddha-Gaya (Bồ-Ðề Ðạo-Tràng) tới thành phố Gaya, Ðức-Phật gặp một thầy Bà-La-Môn tên Upaka. Ông nầy thấy dung-mạo của Ðức-Phật rất phong-nhã và trầm-tỉnh, đứng lại kêu hỏi:

-"Thầy của Ngài là ai? "

Ðức-Phật trả lời:

- "Ta không có Thầy và cũng không ai bằng Ta; Ta là một vị Phật".

Ông Upaka ngạc-nhiên nói lớn lên:

-"Không lẽ Ngài quá-quắt đến đổi tự xưng là một bậc Thánh-nhân nữa sao?"

Ðức-Phật đáp lời:

-"Chính ta đây là bậc Thánh-nhân, bậc Thầy Tối-thượng của Thế-gian".

Ðạo-sĩ Upaka càng ngạc-nhiên hỏi rằng:

-"Không lẽ Ngài quá-quắt đến đổi tự xưng là một Ðấng Toàn-thắng? "

Ðức-Phật liền đáp:

-"Thật vậy, Ta là Ðấng Toàn-thắng, thắng tất cả những thị-dục trụy-lạc suy-đồi".

Tới đây thầy Bà-La-Môn trở giọng:

"Thầy đi đâu mà hối-hả vậy?"

-"Ta đi đến Bénarès (Ba-La-Nại), đem giáo-lý mới ra giảng để thức-tỉnh người đời trong giấc mê-mộng".

"Tốt lắm, tốt lắm, Thầy cứ đi đi, nói rồi Ðạo-sĩ Upaka đi thẳng về hướng Nam, Ðức-Phật trực-chỉ về hướng Bắc".

53- Ðến rừng Isipatana (Lộc-giả), các vị Ðạo-sĩ khổ-hạnh có vui lòng tiếp rước Ðức-Phật chăng?

Các vị Ðạo-sĩ không muốn tiếp rước Ðức-Phật vì họ không còn tin-tưởng nơi Ngài. Nhưng tướng hảo quang-minh của Ngài làm cho các thầy phải xúc-động, cảm-giác hân-hoan, khiến họ phải nghiêng mình chào hỏi và cung-kính nghe Ngài thuyết-giáo.

54- Lần mở đạo đầu tiên nầy kêu là chi?

Danh từ thường dùng trong Phật-Giáo là "Ngày Ðức Gotama chuyển Pháp-luân". Ðây có thể gọi là lễ khai-mạc của nền Giáo-Pháp đạo-đức cho thế-gian, hay là lễ đặt nền-tảng của định-luật công bình vĩnh-viễn, hoặc là ngày "Bánh xe Pháp bắt đầu luân chuyển trên thế-gian".

55- Ðức-Phật dạy những chi mà gọi là Chuyển Pháp- luân?

Ðức-Phật đặt nền-tảng của đạo. Khởi đầu Ðức-Phật dạy phải xa lánh hai điều thái-quá:

1. Chẳng nên say-đắm theo cuộc đời vui-sướng, khoái-lạc vì đó là đường lối thấp-hèn, thô-bỉ, phàm-tục, không xứng đáng, vô-ích, không đưa đến chỗ giải-thoát.

2. Chẳng nên sống một cuộc đời kham-khổ, hành thân hoại-thể, làm cho hao-mòn sức-khỏe vì đó là đường khổ-hạnh, vô-ích, không đem lại kết-quả tốt đẹp.

Như-Lai đã tránh hai cực-đoan ấy và nhờ đi trên đường trung-đạo, không lợi-dưỡng, không hành-xác, nên Như-Lai tìm được sự an-tịnh, sự hiểu biết, sự sáng-suốt. Như-Lai được hoàn-toàn giải-thoát khỏi nẻo sanh, già, đau, chết. Như-Lai đã chứng đạo-quả Niết-Bàn.

Như-Lai đã tìm ra bốn điều xác thật (Tứ-Diệu-Ðế: Catuãyasacca):

a) Khổ-Diệu-Ðế: Dukkha Ariyasacca
b) Tập-Diệu-Ðế: Samudaya Ariyasacca
c) Diệt-Diệu-Ðế: Nirodha Ariyasacca
d) Ðạo-Diệu-Ðế:
Magga Ariyasacca

a) Khổ-Diệu-Ðế: Dukkha Ariyasacca

Ðây là sự xác-thật cao-thượng về cái khổ: Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ; hiệp với nhân-vật mà mình không ưa là khổ; xa lìa nhân-vật mà mình yêu-mến là khổ. Tóm lại đời sống là khổ.

b) Tập-Diệu-Ðế: Samudaya Ariyasacca

Ðây là sự xác-thất cao-thượng về khởi-nguyên của cái khổ: Sự khao-khát được sinh-tồn mãi mãi, hằng đem lại sự tái-sanh nầy đến sự tái-sanh khác với bao nhiêu sự vui-thích, ái-dục, mong tìm kiếm đây đó vật vừa lòng đ?p-ý. Tóm lại tất cả những khát-vọng vui-sướng, khát-vọng sống còn, khát vọng thay đổi triền-miên là nguyên-nhân đem lại sự khổ.

c) Diệt-Diệu-Ðế: Nirodha Ariyasacca

Ðây là sự xác-thật cao-thượng về sự diệt khổ: Dập tắt sự khao-khát ấy bằng cách tiêu-diệt hoàn-toàn ái-dục, khai-trừ ái-dục, từ bỏ, thoát-ly ái-dục, không còn dư sót chút nào.

d) Ðạo-Diệu-Ðế: Magga Ariyasacca

Ðây là sự xác-thật cao-thượng về con đường diệt-khổ: Ấy là Thánh-Ðạo (Atthangikã Magga), con đường siêu-việt có tám chi:

- Chánh-Kiến (Sammã Ditthi)
- Chánh-Tư-Duy (Sammã Sankappa)
- Chánh-Ngữ (Sammã Vãcã)
- Chánh-Nghiệp (Sammã Kammanta)
- Chánh-Mạng (Sammã Ãjĩva)
- Chánh-Tin-Tấn (Sammã Vãyãma)
- Chánh-Niệm (Sammã Sati)
- Chánh-Ðịnh (
Sammã Samãdhi).

56- Pháp Tứ-Ðế là nền-tảng của Phật-Giáo nhưng Ðức-Phật giải tóm-tắt quá, liệu chúng-sanh có hiểu được không? Vậy xin lược-giải theo thông thường để thấy rỏ đó là pháp cần yếu của người tu-Phật.

Ðức-Phật dạy rằng đời sống là khổ. Sự đau khổ của con người có nhiều hình thức khác nhau; trước nhất là bốn đại-khổ về xác-thân: sanh, già, đau, chết. Ngoài những nổi khổ không ai nhớ được từ lúc ở trong bụng mẹ đến ngày mở mắt chào đời, xác-thân là nơi phát-sanh đủ thứ bệnh-hoạn, không nhiều cũng ít; càng sống càng già, ngũ-tạng lục phủ càng suy-nhược, lụn-bại, để rồi phải chết, phải tan-rả. Không một chúng-sanh nào không sợ chết. Sợ chết tức là muốn sống. Muốn sống nên luôn luôn phải đề-phòng ngăn-ngừa bệnh-hoạn, để bảo-tồn xác-thân, săn-sóc cho nó lâu già; nhưng càng cố-gắng duy-trì xác-thân, càng thấy ta bất-lực: đau nó vẫn đau, già nó vẫn già, chết nó vẫn chết.

Ngoài cái khổ của xác-thân, con người còn nhiều cái khổ về tinh-thần: sống chung-chạ với kẻ mình không ưa-thích, xa-lìa những nhân-vật thân-yêu, muốn giàu sang, muốn có hạnh-phúc, mà muốn không được; đó là khổ tinh-thần. Trong khi khao-khát món nầy vật nọ, cùng danh-lợi quyền-tước, phải khổ-tâm lao-trí, tìm ra mưu nầy chước nọ, lắm khi không chánh đáng, trái ngược với luân thường đạo-lý với pháp-luật. Ðạt được mục-đích rồi, chưa kịp toại-hưởng hạnh-phúc, đã phải lụy mình vì nó. Nếu mục-đích ấy là chánh đáng, khi đạt được rồi, cũng phải khó-khăn cực-nhọc, tận-tụy bảo-tồn nó.

* * *

Kết cuộc đời người hẳn thật khổ nhiều vui ít. Vì bám vào cái vui ngắn-ngủi khó kiếm ấy, mà người sang kẻ hèn đều quên hết nổi khổ. Không thấy khổ nên mọi người cho đời là sướng và luôn luôn muốn sống. Sống để hy-vọng tìm đôi chút thú vui giữa muôn ngàn nổi khổ.

Ðó là Khổ-Diệu-Ðế, cái khổ hiển nhiên không chối cải được.

* * *

Muốn sống tức là tự cột trói mình vào guồng máy vô hình của bánh xe luân-hồi. Dầu muốn dầu không, dầu tin hay không tin, bao nhiêu khát-vọng danh-lợi phù-ba, bao nhiêu thèm thuồng hạnh-phúc giả tạm; gọi chung là Ái-Dục, là nhân đem lại sự khổ.

Ðây là Tập-Diệu-Ðế, nguồn gốc hiển-nhiên của cái khổ là Ái-Dục.

* * *

Ðời sống của mỗi người luôn luôn bị xao-xuyến, bị đau khổ, bị quấy-nhiễu, không giờ khắc nào yên-ổn, do nộc-độc của Ái-dục. Muốn dập tắt cái tham tâm vô độ ấy, chỉ có cách xa lìa thế sự, dứt bỏ cái khổ của đời. Người nào tự thấy không chịu đựng nổi với cái khổ ấy thì cứ trút bỏ nó đi. Ðang cơn đau gặp thuốc điều trị, còn muốn gì nữa, còn chờ gì nữa?

Diệt-Diệu-Ðế tức là diệt Ái-Dục.

* * *

Khổ bệnh đã tiết lộ, căn bệnh đã khám phá, phương pháp giải độc đã tìm ra, bây giờ tới lúc phục-dược để trừ căn. Luơng dược nầy không ai bán, cũng không tốn kém chi cả. Nó là một thứ thuốc đạo-đức, có tám vị:

- Chánh-Kiến (Sammã Ditthi): Hiểu biết chân-chánh, ngay thẳng, đúng đắn, xác-thật, đề tìm chân-lý.

- Chánh-Tư-Duy (Sammã Sankappa): Quyết định đúng đắn, ý chí cương-quyết, suy-xét tường-tận, để bước lên con đường giải-thoát, lập-hạnh từ-bi hỷ-xả, không lo nghĩ đến oán-thù nhiểu-hại chúng-sanh.

- Chánh-Ngữ (Sammã Vãcã): Dùng lời nói chánh-trực, chân-thật, nhất-định, không nói dối, không nói hành, không nói lời thô-lỗ, không nói chuyện vô-ích.

- Chánh-Nghiệp (Sammã Kammanta): Làm mọi việc lành, tránh mọi điều ác, không sát-sanh, không trộm cắp, không tà-dâm.

- Chánh-Mạng (Sammã Ãjĩva): Nuôi mạng bằng những phương-pháp chân-chánh; tránh nghề hung-ác như đồ tể, thợ săn, bán thuốc độc, bán khí giới.

- Chánh-Tin-Tấn (Sammã Vãyãma): Sốt-sắng dập tắt khuynh-hướng xấu-xa sẵn có hoặc sắp có, tăng-cường khuynh-hướng tốt đẹp đã có hoặc sắp có.

- Chánh-Niệm (Sammã Sati): Phải làm chủ lấy mình, lanh trí, ghi nhớ và luôn luôn biết mình, chú-ý đến hành-động, cảm-giác, tư-tưởng của mình.

- Chánh-Ðịnh (Sammã Samãdhi): Thực-hành thiền-định, từ thấp lên cao, để rèn-luyện tâm-trí, khai thông trục-giác.

Ðây là Ðạo-Diệu-Ðế, con đường đi đến nơi diệt tận những thống-khổ, tức là Niết Bàn.

57- Buổi lễ khai đạo có đem lại kết quả chi cho năm thầy Kiều-Trần-Như chăng?

Năm thầy nhìn nhận Ðức-Phật là đuốc-Tuệ để soi-sáng thế-gian và xin thọ-giáo làm đệ-tử. Ðức-Phật liền thâu nhận họ vào hàng Thinh-văn đầu tiên trong Giáo-đoàn Tăng-lữ và phán rằng: "Nầy chư môn-đệ, đạo pháp đã được minh-khai, từ nay các thầy đã hoàn-toàn là bậc Thánh-nhân giải-thoát mọi điều khổ-não".

58- Vị nào được chứng quả trước nhất?

Ông Kondanna (Kiều-Trần-Như). Tuệ-nhãn viên-minh thấu rõ chân-lý, ông đã chứng quả thứ tư, cùng tột trong hành Tứ-Thánh gọi là Ðại A-La-Hán.

Bốn vị sau, lần lượt cũng đồng chứng quả như ông, sau khi Ðức-Phật thuyết ba lượt pháp Tứ-Ðế cho các thầy nhận thức rõ rệt.

59- Ngoài mục đích tế-độ năm thầy Kiều-Trần-Như, Ðức-Phật còn có ý định chi khác chăng?

Ðức-Phật nhắm vào hai mục đích: Khai đạo và thành lập Giáo-Hội Tăng-già. Sau khi chuyển Pháp-luân, Ðức-Phật thâu nhận năm vị đệ-tử A-La-Hán vào hàng Tỳ-Khưu (Bhikkhu) để chung lo việc Hoằng-pháp của Ngài.

Từ nay trong Phật-Giáo có ba ngôi chí-tôn:

- Ngôi Phật chính là Ðức-Phật vị Giáo chủ sáng lập đạo-Phật.
- Ngôi Pháp là Giáo-Pháp của Ngài
- Ngôi Tăng là Hàng Thinh-Văn trong bốn bậc Thánh:

* Tu-Ðà-Hườn
* Tu-Ðà-Hàm
* A-Na-Hàm
* A-La-Hán

Ba ngôi ấy cũng gọi là Ngôi Tam-Bảo, rất quí báu, đáng cho chúng-sanh nương nhờ để tìm đường giải-thoát, đáng cho chúng-sanh lễ bái cúng-dường. Người nào gặp duyên may, phát tâm tín-ngưỡng, dâng cúng vật thực, thuốc men, y-bát, chỗ ở đến các Ngài thì sẽ được hưởng nhiều phước báu. Các Ngài đã hoàn toàn giải-thoát, thân tâm trong sạch, không còn một bợn trần-nhơ, một tí tội-lỗi, ví như phước điền để cho chúng-sanh gieo trồng giống lành, dọn đường thẳng tiến đến Niết-Bàn.

60- Ðịnh nghĩa của các danh từ như Tỳ-Khưu, Thinh-Văn, Thánh-Tăng, khác nhau thế nào?

a) Tỳ-Khưu (Bhikkhu) là thầy tu chánh thức trong Phật-giáo, thường ngày đi trì-bình khất-thực để nuôi mạng. Xin được món chi ăn món nấy, không được đòi hỏi cùng khen chê và mỗi ngày chỉ được phép ăn trước giờ Ngọ. Có hai hạng Tỳ-Khưu:

1. Trong thời kỳ Ðức-Phật còn tại thế, những người đã có tu-hành nhiều kiếp, được duyên-dầy quả-đủ, khi nghe Ðức-Phật thuyết-pháp liền chứng đạo-quả Tứ-Thánh, từ Tu-Ðà-Hườn đến A-La-Hán và những người có nhiều duyên-lành, gần đến thời kỳ chứng đạo-quả, phát-tâm trong sạch xin xuất-gia theo Phật, liền được Ðức Thế-Tôn cho xuất-gia. Lúc ấy chưa có điều-luật. Ðức-Phật chỉ nói: "Vào đây thầy Tỳ-Khưu, để thực-nghiệm đời sống phạm-hạnh hầu diệt tận nguồn-khổ". Liền khi ấy người xin xuất-gia, nhiều ít chẳng hạn, dầu là người cư-sĩ hay ngoại đạo giàu sang hay nghèo hèn, mất hẳn sắc tướng trần-tục của họ, trở thành vị Tỳ-Khưu xuất-gia từ lâu. Các vị nầy có cái biệt-danh là Èhi Bhikkhu: Thiện-lai Tỳ-Khưu.

2. Sau lại số người xin vào đạo rất đông và có nhiều người không đủ điều-kiện, Ðức-Phật phải chế-định ra qui-tắc gắt-gao: Người muốn xuất-gia ít nhất phải đúng 20 tuổi, phải có cha mẹ cho phép, phải là người có đầy-đủ sức-khỏe, không bệnh-hoạn, truyền-nhiểm, như phong cùi, ho lao, vv..., không thiếu nợ-nần, không bị án-tiết, không trốn-xâu lậu-thuế và phải trải qua một thời-gian tập sự, ít nhất là 4 tháng học giới-luật, trau-giồi hạnh-kiểm phải được một thầy Tỳ-Khưu kỳ-cựu ít nhất 10 năm kinh-nghiệm, thông suốt kinh-luật đứng ra bảo-đảm và trình-diện, để chịu khảo-thí trước một Giáo-Hội có từ 10 vị Tỳ-Khuu sấp lên thông hiểu Phật-Pháp. Khi được Ban Giám khảo chấp-nhận thì vị thầy tu liền được đặt vào một địa vị cao-thượng. Ðịa vị ấy luôn luôn phải biểu hiện bằng cử-chỉ, hạnh-kiểm, hành-động, lời nói, tư-tưởng cao đẹp hơn người thế-tục.

Trong Phật-giáo còn hạng Sa-di (Samanera) là những đạo-tiểu từ 7 tuổi sắp lên, được các vị Trụ-trì thâu nhận vào học kinh-luật, chờ đúng tuổi xuất-gia Tỳ-Khưu.

b) Thinh-Văn là những thầy Tỳ-Khưu hoặc Sa di chỉ nghe lời thuyết pháp của Ðức-Phật mà chứng ngộ được Chân-lý, đắc đạo-quả Tứ-Thánh.

c) Thánh-Tăng là các vị Tỳ-Khưu đã vào dòng Thánh như Chư Thinh-Văn nói trên.

 

B. Từ IsipaTana (Lộc-Giả) đến thành Bénarès (Ba-La-Nại)

61- Ðộ được năm thầy Kiều-Trần-Như rồi, Ðức-Phật đi đâu?

Từ rừng Lộc-giả, Ðức-Phật và năm thầy Kiều-Trần-Như sang qua thành Bénarès, cách đó 8 cây số về hướng Nam. Ðến nơi có một thầy Bà-La-Môn xin xuất-gia vào hàng Tỳ-Khưu để phục-vụ Ðức-Phật. Ông ấy tên Naradatta, con của người chị ruột và học trò kế-nghiệp của Ðạo-sĩ Asita.

Ba mươi lăm năm trước về trước, lúc Bồ-Tát Siddhattha ra đời, có ứng-hiện điềm-lành. Ðạo-sĩ Asita cùng một chú tiểu là cháu của ông đương tu trên núi Hy-Mã-Lập-Sơn, đoán biết có quế-nhân xuất hiện, nên hai cậu cháu hạ san tìm đến thành Kapilavastu, xin ra mắt Hoàng-tử để xem tướng cho tường tận. Xem rồi Ðạo-sĩ Asita cho Ðức Vua Suddhodanna biết rằng Hoàng-tử lớn lên sẽ xuất-gia tu-hành đến quả vị Phật. Xét lại thấy tuổi ông đã già không thể sống đến thời kỳ Bồ-Tát thành đạo, để nhờ Ngài tế-độ, ông tủi-phận than khóc. Trở về núi, trước khi qua đời, Ðạo-sĩ Asita khuyên cháu lo trau-giồi thiền-định và dọn mình chờ ngày thọ-giáo với Ðức-Phật. Ông Naradatta đoán biết Ðức-Phật sẽ đến Bénarès, nên chực đón Ngài. Ðược nghe giáo-lý của Ðức Thế-Tôn, ông Naradatta liền ngộ-đạo, chứng quả A-La-Hán. Ông lấy pháp-danh là Maha Kãtyãyana. Về sau ông là một sứ-đồ quan-trọng giúp Ðức-Phật rất đắc-lực; chính ông lãnh sứ-mạng đem Phật-Pháp đi truyền bá về miền Tây và Bắc Ấn-Ðộ, tận xứ Pamirs (Nga và A-Phú-Hản).

62- Ðức-Phật còn độ được ai nữa chăng?

Trong một trường hợp khác thường, Ðức-Phật độ một gã thanh-niên danh-tiếng, tên Yasa (Cũng gọi Yasas hay Yosada), con duy nhất của một nhà triệu-phú tại Bénarès. Gã thanh niên nầy sống một cuộc đời đầy hạnh-phúc, chẳng thua kém một vị Hoàng-tử, trong một tòa lầu cực-kỳ sang-trọng, với một người vợ đẹp và một nhóm hầu-thiếp. Một đêm nọ, thức-giấc, chàng dòm thấy những người yêu của chàng, đương say-mê trong giấc-điệp, nằm sóng-sượt như những thây ma, chàng liền phát tâm ghê-gớm, nhờm-chán; rồi nghĩ đến cuộc đời, chỉ có cái dạng bề ngoài làm cho chàng mê-đắm, quên tìm một lẽ sống cao-thượng, khác thường, thích hợp với phẩm-cách của người thiện trí-thức. Suy-tính đến đó, dường như có một mãnh-lực vô hình thúc đẩy, chàng phải mau mau tẩu-thoát khỏi nhà, để tìm hạnh-phúc siêu-việt vĩnh-viễn. Chàng liền mở cửa xuống lầu ra đi. Trên buớc đường vô-định, chàng đến bờ sông Vãnãrã; thấy nước cạn, cát phơi trắng trẻo, chàng bỏ dép, xăn quần lội qua sông, đến xóm Vãrãnãsi, thuộc về ngoại ô của thành Bénarès, ở giữa hai ngọn rạch VãnãrãAsĩ, rất thanh-vắng lại có nước trong gió mát. Chính nơi đây là chỗ Ðức-Phật và 6 vị đồ-đệ tạm-trú dưới cội cây cổ-thọ. Ði trờ tới chàng gặp Ðức-Phật và 6 vị A-La-Hán đương ngồi tỉnh-tọa, hào-quang sáng rở. Chàng mừng gặp được Thánh-Nhân, liền đến quỳ lạy đảnh-lễ và xin thọ-giáo. Ðức-Phật biết duyên-lành của chàng Yasa đã đến, nên cho xuất-gia làm Thiện-lai Tỳ-Khưu (Èhi Bhikkhu), rồi giảng đạo cho nghe; trong chốc lát thầy Yasa chứng đạo-quả A-La-Hán.

Sáng ngày, thấy mất chàng, cả nhà tuôn ra đi kiếm cùng khắp mọi nơi. Cha mẹ chàng tới bờ sông Vãnãrã gặp đôi dép của chàng, lội qua sông thấy chàng đã xuất-gia đầu Phật. Cha mẹ khóc-lóc khuyên-nhủ bảo trở về cọng hưởng gia-tài đồ-sộ, mà chàng là người kế-nghiệp duy-nhất. Ðức-Phật cho biết chàng Yasa đã đắc quả Thánh-Nhân rồi, không còn sống chung với gia-đình được nữa và thuyết-pháp giảng đạo cho cha mẹ chàng nghe. Hai ông bà thức-tỉnh xin quy-y thọ-giới làm người cận-sự nam và cận-sự nữ chánh-thức trong Phật-giáo. Vợ và hầu-thiếp của chàng cũng đến xin quy-y thọ-giới và buộc lòng phải để cho chàng theo hầu Ðức-Phật.

Gia-đình của Ðại-Ðức Yasa là người thiện-nam tín-nữ đầu tiên, chánh thức quy-y Tam-Bảo và thọ-trì Ngũ-giới nghĩa là người xin nương nhờ nơi Phật-Bảo, Pháp-Bảo, Tăng-Bảo và nguyện trọn đời không sát-sanh, không trộm cắp, không tà-dâm, không nói dối và không uống rượu.

63- Tại sao ông Yasa, một thanh niên giàu có, hạnh-phúc dồi-dào, tương-lai tốt đẹp, lại có tư-tưởng và chí-hướng khác thường như thế?

Theo lịch sử, ông Yasa là người đã tạo nhiều duyên lành trong tiền-kiếp để làm nền tảng cho chí-nguyện giải-thoát, người như thế trong đời thật hy-hữu. Ông là một trong 33 người đồng tâm đã làm nhiều công-tác từ-thiện, giúp khó trợ-bần, tu-kiều bồi-lộ, cất nhà nghỉ mát nơi các ngã ba đường, bố-thí nước cho người đi đường, thí cơm, thí cháo cho người thiếu hụt. Khi mãn-kiếp, 33 người ấy được siêu-sanh về cõi trời, cọng hưởng hạnh-phúc lâu dài. Người làm đầu chính là Vua trời Ðế-Thích Sakka.

Thưở Bồ-Tát Siddhattha ra đời, có hai vợ chồng vị triệu-phú thương-gia tại Bénarès, không con kế-nghiệp, ông chồng buồn rầu. Bà vợ khuyên chồng đến cây đa cổ-thọ, kế-cận bên nhà, khấn-vái với vị Thọ-thần cho bà sanh được một mụn con trai. Ông chồng nghe lời, sắm lễ-vật đến gốc đa cầu-khẩn và nguyện sẽ cất một ngôi chùa xứng-đáng để thờ vị Thọ-thần. Bà vợ nghe lời van-vái quan-trọng của chồng, sợ nếu ông Thọ-thần làm lơ, thì chồng bị mắc lời thề oan-uổng, nên bà lật-đật thêm rằng nếu lời cầu-khẩn của chồng bà không được kết-quả, bà sẽ đốn cây đa.

Ông Thọ-thần nghe vậy lo sợ, biết rằng đàn bà có đức-tin, nhưng khi họ không được vừa lòng, họ cũng dám trả thù; mà ý muốn của hai ông bà triệu-phú nầy lại vượt khỏi quyền-lực của mình; nếu lo không kham sẽ mất chỗ ở. Ông Thọ-thần lật-đật lên cầu-khẩn Vua trời Ðế-Thích. Trời Ðế-Thích bảo ông an-tâm trở về. Chính lúc ấy, một trong 33 vị trời sắp mãn tuổi thọ, phải hạ-sanh xuống trần. Trời Ðế-Thích khuyên bạn mình nên thọ-sanh vào nhà vị triệu-phú ở Bénarès. Ông nầy chối từ vì ông đã lập nguyện giải-thoát trong kiếp chót ở thế-gian; nếu sanh vào nhà giàu có, ắt khó bề xuất-gia tu-hành. Trời Ðế-Thích hứa sẽ giúp bạn trong lúc cần thiết, để hướng dẫn bạn tìm đường giải-thoát. Ông liền chịu xuống làm con nhà triệu-phú ở Bénarès, nên khi dứt tuổi thọ ở cung trời Ðế-Thích, ông hạ sanh làm con của vợ chồng ông trưởng-giả và được dặt tên là Yasa.

Lúc Ðức-Phật đến ngụ tại xóm Vãrãnãsi, chính Trời Ðế-Thích đã thức-tỉnh ông Yasa và giục ông nửa đêm thức-giấc đi tìm Ðức Thế-Tôn. Nhờ vậy ông được nghe pháp và chứng Ðạo-quả A-La-Hán.

64- Tại Bénarès còn ai xuất-gia theo Phật nữa chăng?

Tin đồn một vị thanh-niên triệu-phú nửa đêm bỏ nhà đi tìm Ðức-Phật xin xuất-gia và đắc quả A-La-Hán, làm chấn-động cả thành Bénarès. Năm mươi bốn (54) bạn thanh-niên trí-thức của ông Yasa, trong hàng Bà-La-Môn, công-khanh, vương-tôn, rủ nhau đến xin thọ-giáo xuất-gia theo Phật, tinh-tấn thực-hành thiền-định theo phương-pháp dạy bảo của Ðức Thế-Tôn, lần lượt kẻ trước ngưòi sau đều chứng quả A-La-Hán.

65- Tại sao các thanh-niên trí-thức ấy không chịu hưởng giàu sang, lại ly-gia cắt ái một cách dễ-dàng và chứng quả A-La-Hán mau lẹ như thế?

Các bạn của ông Yasa cũng như ông là hạng người đã tu-hành nhiều kiếp và đã tạo nhiều phúc-hậu, nên được sanh-trưởng trong gia-đình giàu sang, lại sẵn có bẩm-tính thông-minh, thường suy-xét thấy cuộc đời là giả-tạm, hằng nuôi chí-nguyện giải thoát. Gặp được Ðức-Phật làm thầy hướng-dẫn, các ông ly-gia thoát-tục một cách dễ-dàng. Người sẵn có Trí-Tuệ, khác thường lại được Ðấng Giác-Ngộ khai tâm truyền đạo, thì đường vào Niết-Bàn hẳn thật không xa, đối với bậc đại-căn ấy.

66- Ðức-Phật có giao phó nhiệm vụ chi cho các vị đệ-tử A-La-Hán của Ngài chăng?

Sau 5 tháng khai đạo, kể luôn 3 tháng Kiết-hạ (trụ lại một chỗ trong mùa mưa) tại Bénarès, tính ra Ðức-Phật đã độ được 60 vị đại đệ-tử đắc quả A-La-Hán, thông rõ giáo-lý cao-siêu mầu-nhiệm về đạo giải-thoát. Mùa mưa vừa chấm dứt, Ðức-Phật nhóm 61 vị A-La-Hán bảo phải tách ra đi riêng từ vị, cùng khắp mọi nơi, đem đạo giải-thoát phổ-cập trong dân-gian.

67- Ðức-Phật nói chi với chư vị A-La-Hán ấy?

"Nầy chư môn đệ, các thầy đã hoàn-toàn giải-thoát khỏi vòng sanh-tử luân-hồi; các thầy nên khởi hành châu du từ xứ nầy sang xứ khác, đem giáo-lý giải-thoát truyền bá cho tất cả chúng-sanh; vì lòng từ-bi đối với đời, mỗi thầy tách ra đi mỗi nơi, ban-bố an-vui hạnh-phúc, cứu-độ Chư-Thiên và nhân-loại. Nhiều người sẵn có tâm đạo và thiện-ý, nếu họ không nghe được giáo-lý giải-thoát của Như-Lai, họ sẽ sa-đọa. Bằng nghe được họ sẽ thọ-giáo với các thầy và sẽ liễu-ngộ được chân-lý."

 

C. Từ Bénarès trở lại Buddha-Gaya (Bồ-đề đạo-Tràng)

68- Sau khi giao phó nhiệm vụ Hoằng-pháp cho chư vị A-La-Hán, Ðức-Phật đi đâu?

Sau khi các vị Thánh-Tăng chia nhau mỗi vị đi mỗi hướng. Ðức-Phật lên đường trở lại rừng Uruvela (Chỗ Ngài thành đạo).

Chưa ra khỏi địa-phận Bènarès, Ðức-Phật gặp một nhóm 30 thanh niên hơ hải chạy đến hỏi Ngài:

- "Bạch Sa-môn, Ngài có gặp người phụ-nữ nào đi về ngỏ nầy chăng? Chúng tôi 30 anh em cùng đi du-ngoạn với một người kỵ-nữ theo ca hát giúp vui; lúc chúng tôi tấm sông, mãng vui chơi đùa giỡn với nhau, cô ấy trộm hết đồ trang sức và lén trốn mất dạng".

Ðức-Phật vui-vẻ đáp lại:

-"Nầy các cậu, tại sao các cậu luống-công đi tìm một người phụ-nữ, mà các cậu không chịu khó tìm cho ra các cậu?"

Lời nói của Ðức-Phật làm rung-động tâm-hồn các gã thanh niên; họ chợt tỉnh hối-hận và hân-hoan thỉnh cầu Ðức-Phật giảng pháp cho nghe, rồi cả bọn thỏa-thích xin xuất-gia, theo hầu Ðức-Phật. Thầy trò vầy-đoàn trực-chỉ đến rừng Uruvela.

69- Ðức-Phật nói cách nào mà cảm-hóa được dễ-dàng 30 thanh niên đang trụy-lạc?

Những thanh niên nầy cũng là hạng người có tu-hành nhiều kiếp, như ông Yasa và các bạn của ông. Những người sống vào thời kỳ Ðức-Phật ra đời, lại được gặp Ðức-Phật khai-tâm điểm-đạo là người đại-căn thượng-trí, có nhiều duyên-lành được tế-độ. Ðức-Phật chỉ thốt một câu vắn-tắt, mà họ đã thấu-triệt được ý-nghĩa kim-ngôn và nhận-thức chân-lý; tìm cái chân-tâm siêu-việt bên trong, ấy mới là tìm sự an-lạc cao-thượng của đạo giải-thoát. Với bậc Trí-Tuệ, không cần phải nói nhiều; Ðức-Phật biết chỗ khai-sáng của người, nên Ngài chỉ nhấn mạnh một vài lời, đủ cho họ tỉnh-ngộ.

70- Ðức-Phật trở lại Uruvela với mục-đích chi?

Ðức-Phật biết trong vùng Uruvela có nhóm Bà-La-Môn quan-trọng, thuộc phái Jatila thờ thần lửa; người cầm đầu là 3 anh em ruột, nổi tiếng là người kế-nghiệp cho một vị Ðạo-sĩ tiền-bối đại tài tên Kassapa. Ba vị đầu sư nầy chiếm một vùng rộng lớn, dọc theo bờ sông Ni-Liên, ẩn-dật dưới những chòi tranh với rất nhiều đệ-tử và súc-vật chuyên-tu khổ-hạnh, cúng-tế phức-tạp, thông-suốt các khoa thần học, vũ trụ-luân, lại rất giỏi về triết-học văn chương (Sanscrit), nên được dân-chúng cảm-mộ sùng kính.

Muốn cảm-hóa 3 nhóm nầy không phải là chuyện dễ, bởi Ðức-Phật chủ-trương thuyết "Vô-Ngã", trái ngược với chủ-nghĩa "Hữu-thần" của 3 anh em ông Kassapa. Bằng khuất-phục được họ thì hẳn thật là một sự vẻ-vang cho Phật-Giáo. Ðức-Phật tin-tưởng nơi sứ-mạng cứu-thế của Ngài, nên Ngài trở lại Uruvela, khôn khéo đến xin tá-túc với người anh cả. Ông Kassapa anh, vị trưởng lão rất hiền-từ, không thể từ-chối được, nên cho Ðức-Phật vào ở với ông. Nhưng sau khi biết vị Sa-Môn trẻ tuổi nầy được dân-chúng ở vùng lân-cận sùng kính, ông đem lòng ngờ-vực rằng Ðức-Phật là một người đối thủ nguy-hiểm. Thấy không thể dùng lý-thuyết để cảm hóa ông Kassapa, Ðức-Phật định phải dùng phép thần-thông mới có thể thắng-phục lòng ngã-mạn cứng rắn của ông nầy. Nhờ Tha-Tâm-Thông nên lúc nào biết ông Kassapa cố ý muốn xua-đuổi Ngài thì Ngài biến mất; khi biết, ông hối-hận, Ðức-Phật hiện ra. Trong đêm khuya thanh-vắng thường có Trời Phạm-Thiên (Braham) và Trời Ðế-Thích (Indra) đến viếng Ðức-Phật; hào-quang của 2 vị Thiên-Vương chiếu sáng rực-rở cả một góc trời, ông Kassapa biết Ðức-Phật có khách quí, nhưng trong bụng vẫn đinh-minh rằng Sa-Môn Cồ-Ðàm không thể sánh bằng ông. Khi ông Kassapa muốn dùng đồ-đạc trong nhà như ghế ngồi, hoặc chén dĩa, hoặc đồ tế-lễ thì đồ-đạc ấy biến mất. Khi lấy củi đem ra chẻ để đốt lửa cúng thần, củi ấy lại cứng như đá, chẻ không bể. Khi muốn đốt lửa, lửa lại không cháy; khi múc rượu đổ vào lửa, rượu lại dính trong muỗng không rớt ra; rồi thình-tình trật-tự trở lại như xưa. Mỗi khi xảy ra những chuyện lạ-thường phiền-phức như thế ấy, các thầy Bà-La-Môn nghi cho thầy Sa-Môn Gotama đứng xa dùng phép lạ phá-khuấy nhưng họ vẫn thấy thầy Cồ-Ðàm thản-nhiên. Tuy vậy các thầy cũng tự tin rằng các thầy có pháp-thuật cao-siêu không ai bằng và họ là bậc Thánh-nhân siêu-quần trác-tuyệt hơn thầy Sa-Môn Gotama.

Ðức-Phật thấy cần phải dùng một phép thần-thông khích-động hơn nữa, nên Ngài xin ông Kassapa cho Ngài ngủ trong chòi đốt lửa cúng thần. Ông Kassapa thành-thật khuyên thầy Sa-Môn Gotama chớ nên dễ-duôi vì nơi ấy có con rồng dữ-tợn thường hay vãng-lai, mà ai ai cũng ghê-sợ. Ðức-Phật cố nài-nỉ xin cho được. Vào đến nơi quả thật con quái vật hiện ra dương oai với Ðức-Phật. Khói lửa bốc cháy rần rần, tuôn ra mấy lỗ cửa, làm cho nhóm Bà-La-Môn kinh hồn, xúm nhau đem gào chuyền nước chửa lửa. Kết cuộc Ðức-Phật cảm thắng được con ác-thú ấy và để nó trong bình-bát, đem ra cho các thầy Bà-La-Môn xem. Tuy nhiên bọn Bà-La-Môn cũng chưa chịu qui-phục Ðức-Phật.

Kế đó một trận bảo-lụt làm cho nước sông Ni-Liên tràn bờ và lôi cuốn các chòi tranh. Ông Kassapa lo sợ cho số-phận của thầy Sa-Môn Gotama, chèo thuyền đến tiếp-cứu. Ðến nơi thấy Ðức-Phật đương lặng-lẽ đi kinh-hành trên dòng nước cuộn chảy như thác đổ. Chừng ấy ông Kassapa mới chịu nhìn-nhận tài-năng siêu-việt của vị Sa-Môn trẻ tuổi và mọp lại dưới chân Ðức-Phật. Năm trăm đồ-đệ của ông cũng đều qui-phục. Trong lúc nhiệt-tâm hoan-hỷ, các vị tân tín-đồ khuân liệng tất cả y-phục và vật dùng để thờ cúng thần lửa xuống sông Ni-Liên. Hai ông Kassapa-Em, ở vào phía hạ-lưu, thấy đồ-đạc thường dùng của anh mình trôi lênh-đênh giữa dòng, hốt hoảng kéo hết 500 đồ-đệ đến tiếp cứu. Ðến nơi thấy anh mình và cả bọn đã xuất-gia theo Phật, hai ông Kassapa-Em và 500 tín-đồ cũng đồng xin thọ-giáo làm Tỳ-Khưu.

 

D. Từ Uruvela đến thành Rajagaha (Vương-Xá)

71- Thắng-phục được ba anh em ông Kassapa rồi Ðức-Phật định đi đâu nữa?

Cả ngàn thầy Bà-La-Môn đã trở thành những vị Tỳ-Khưu khất-sĩ du-phương, vấn-đề sinh sống cần phải giải-quyết mau lẹ, bởi dân-chúng ở các xóm chung-quanh rừng Uruvela và trong thành Gaya kế-cận không đủ sức cung-cấp vật-thực mỗi ngày. Ðức-Phật và đoàn tân khất-sĩ lên đường nhắm hướng Ðông-Bắc trực chỉ đến thành Rahagaba (Vương-Xá), kinh-đô- xứ Magadha (Ma-Kiệt-Ðà) của vua Bimbisãra (Tần-Bà-Sa), là nơi phong-phú và dân-cư đông-đảo. Vã lại 7 năm về trước, lúc mới xuất-gia tìm đạo, Bồ-Tát Gotama đã được vua Bimbisãra hứa chia hai giang-san, nếu Bồ-Tát chịu trở lại trong đời trị-vì thiên-hạ; nhưng Bồ-Tát từ-khước. thấy không thể cầm-cọng vị Sa-Môn trẻ tuổi đương hăng-hái tìm đạo, vua Tần-Bà-Sa yêu cầu Bồ-Tát, khi thành công đắc quả, xin trở lại tế-độ. Ngày nay đã chứng quả Chánh-Giác rồi, Ðức-Phật phải tìm gặp Ðức vua cho khỏi thất hứa. Ðến nơi, Ðức-Phật và đoàn tùy-tùng tạm trú ngoài thành, trong cụm rừng Yatthivana (Rừng tre cao lớn thường dùng để làm sào, nên gọi là Rừng sào).

Hay tin Ðức-Phật đến, vua Bimbisãra cùng bá-quan trong trào, các thân-hào phú-gia, ra nghinh-tiếp rất trọng-thể và thỉnh Ðức-Phật cùng Chư-Tăng vào đền thọ-thực. Sau buổi trai-tăng, vua Bimbisãra ngỏ ý dâng vườn thượng-uyển "Trúc-Viên" cho Ðức-Phật để tiện bề làm nơi Hoằng-pháp, bèn lấy bình vàng dựng nước, rót trên tay Ðức-Phật và bạch rằng: "Bạch Ðức Thế-Tôn, trẫm xin dânh cúng vườn Trúc-Lâm đến Ngài và Chư-Tăng". Ðức-Phật thọ-nhận, rồi giảng-đạo và phúc-chúc cho Ðức vua; sau cùng Ngài dùng lời dịu-ngọt khuyến-khích làm cho phấn-khởi đạo-tâm của vua Bimbisãra. Vua liền xin qui-y làm thiện-nam trong Phật-Giáo.

Lần đầu tiên Giáo-đoàn Tăng-lữ được làm chủ một vuông đất rộng lớn, nơi ngoại-ô Vương-Xá, tiện bề cho các thầy Tỳ-Khưu du-phương tạm-trú và cho tín-đồ tới lui nghe pháp học đạo.

Ðức-Phật nhập hạ thứ nhì nơi vườn Trúc-Lâm (Veluvana), trong mùa mưa sấp tới và trải qua thời-gian Hoằng-pháp Ðức Thế-Tôn thường trú ngự nơi đây.

72- Tại Rajagaha (Vương-Xá), Ðức-Phật còn thâu-phục được ai?

Tại Vương Xá, Ðức-Phật thâu được hai vị Ðại Ðệ-tử là ông Sariputa (Xá-Lợi-Phất) và ông Moggalãna (Mục-Kiền-Liên).

73- Xin cho biết tiểu-sử của hai vị Ðại Ðệ-tử ấy và nhân-duyên đưa hai Ngài đến gặp Ðức-Phật?

Ông Oupatissa thường kêu là Sariputa (tên của mẹ ông) và ông Kolita thường kêu là Moggalãna (tên của họ ông) đều sanh trưởng trong một làng kế-cận kinh-đô Vương-Xá gọi là làng Nalanda. Hai ông là con nhà Bà-La-Môn giàu có, lại là bạn đồng-môn, tài-năng xuất chúng, học-thức uyên-thâm. Ðịa-vị xã-hội của hai thanh niên dành sẵn cho họ một tương-lai rực-rở. Một ngày nọ, hai anh em rủ nhau đi dự một cuộc lễ hành-hương, có bày bố buôn-bán một đám chợ-phiên. Giữa lúc thiên-hạ vui mừng ăn lễ, ông Sariputa lại nảy sanh trong trí một tư-tưởng lạ thường: "Trong vòng 100 năm nữa, đám đông có mặt tại đây sẽ hóa ra người thiên-cổ. Không nhận-thức mình là người đương đi đến chỗ chết, nhóm người nầy thản-nhiên vui-say theo trò chơi thế-sự; thật đáng thương, đáng buồn giùm cho họ". Nghĩ như vậy, ông Sariputa liền tỏ ý-tưởng ấy cho bạn mình nghe. Ông Moggalãna cho biết rằng ông cũng đương suy-nghĩ như thế và đương bối-rối trước cảnh phù-hoa của thế-gian. Hai người bạn tâm-đồng ý-hiệp liền rủ nhau đến xin thọ-giáo với Ðạo-sĩ Sanjaya, một trong sáu vị Lục-sư danh tiếng đương tu-luyện với 250 đồ-đệ; trong khu rừng gần thành Vương-Xá. Khi vào tu rồi, hai ông thấy học-thuyết của Ðạo-sĩ Sanjaya không thích hợp với trình độ mình, nên định đi tìm một vị Minh-sư cho xứng-đáng và cam-kết với nhau, khi một trong hai anh em người nào gặp được Minh-sư, phải mau mau báo tin cho biết.

Vì sẵn có tiền-duyên, nên chẳng bao lâu họ gặp Ðức-Phật.

74- Hai ông Sariputa Moggalãna gặp Ðức-Phật trong trường-hợp nào?

Trên đường đi Hoằng-pháp, vị A-La-Hán trẻ tuổi trong nhóm năm thầy Kiều-Trần-Như là ông Assaji (ắt-bệ: Mã-thắng) đến Vương-Xá gặp Ðức-Phật tại Trúc-Lâm, tạm trú nơi đó ít ngày. Một bữa nọ, sáng sớm Ðại-Ðức Assaji vào thành Vương-Xá khất-thực. Tình cờ ông Ðạo-sĩ Sariputa đi tới gặp Ðại-Ðức Assaji, thấy sắc diện của Ngài sáng-rở, y-phục chỉnh-tề, đi đứng trang-nghiêm. Ông Sariputa tự nói: "Hẵn thật đây mới là một vị Sa-Môn, nếu chưa đắc đạo quả Thánh-nhân thì cũng là một bậc đuơng tiến vào dòng Thánh, chẳng sai vậy; ta nhất định phải đến gần Ngài để dò-la cho tường-tận". Ðạo-sĩ Sariputa chậm-rãi theo sau, chờ cho Ðại-Ðức Assaji khất-thực xong, quay bước trở về, ông mới lại gần cung kính xá-chào và hỏi:

"Bạch Ngài tinh-thần của Ngài đầy vẻ trầm-mặc, sắc diện trong trắng sáng-rở; chẳng hay Ngài nương nơi sự hướng dẫn của ai, mà được giải-thoát ra khỏi trần-tục? Tôn-sư của Ngài là ai? Ngài theo Giáo-Pháp của ai?"

-"Nầy ông bạn, thầy của tôi là vị Ðại Sa-Môn, thuộc dòng Sakya (Thích Ca) là người đã hoàn-toàn giải-thoát. Chính nhờ sự hướng-dẫn của Ngài, mà tôi được xuất-gia thoát-tục. Tôn-sư của tôi là Ðức-Phật Gotama".

"Bạch Ðại-Ðức, Tôn-sư của Ngài nói những chi? Dạy điều chi? "

-"Nầy ông bạn, tôi chỉ là một đồ-đệ sơ-cơ, xuất-gia chưa được bao lâu; tôi không thể trình bày trọn cả Giáo-Pháp của thầy tôi cho ông bạn được; nhưng tôi có thể tỏ cho ông biết sơ-lược phần chủ-yếu thôi".

"Bạch Ngài, như vậy cũng được; dầu Ngài nói ít, nói nhiều cũng không sao, tôi cần thấu rõ phần chủ yếu thôi".

Ðại-Ðức Assaji liền trả lời vắn-tắt rằng:

"Các pháp đều sanh ra bởi một nhân;
Ðức Thế-Tôn đã chỉ cho thấy rõ nhân của nó.
Ngài cũng dạy cho biết sự diệt-tắt của nó.
Chính đó là Giáo-Pháp của vị Ðại Sa-Môn
".

Ðại-Ðức Assaji vừa dứt lời, Tuệ-nhãn của ông Ðạo-sĩ Sariputa liền bật sáng (chứng quả Tu-Ðà-Hườn) thấu rõ chân-lý; biết rằng cái chi sanh thì phải diệt. Ông liền nói: "Bạch Ðại-Ðức, mặc dầu chân-lý chỉ lược giải có bấy nhiêu lời, nhưng Ngài cũng đã tuyệt-diệt phiền-não, chứng được đạo-quả chưa từng thấy, từ triệu ức kiếp".

Sau khi từ tạ Ðại-Ðức Assaji và biết Ðức-Phật đương ngự tại Trúc-Lâm (Veluvana), ông Sariputa liền đi báo tin cho ông Moggalãna.

Thấy ông Sariputa từ xa tiến tới, ông Moggalãna mừng rở chào hỏi: "Mừng Sư-huynh, hôm nay khí-sắc của Sư-huynh rất trầm-tỉnh, khiết bạch khác thường, chắc hẳn Sư-huynh đã tìm ra được con đường giải-thoát rồi, phải chăng? "

-"Quả thật như vậy, đạo-hữu".

"Vậy thì Sư-huynh cho tiểu-đệ biết với".

Ông Sariputa thuật lại sự gặp gở giữa ông và Ðại-Ðức Assaji, rồi đọc bốn câu kệ tóm lược phần cương-linh của đạo giải-thoát cho ông Moggalãna nghe.

Vừa nghe qua Tuệ-nhãn của ông Moggalãna bật mở (đắc Tu-Ðà-Hườn) thấu rõ chân-lý; biết rằng cái chi sanh thì phải diệt. Ông liền thốt lời: "Thưa Sư-huynh, mặc dầu chân-lý chỉ lược giải có bấy nhiêu nhưng Sư-huynh đã diệt được phiền-não, thấu đáo tâm trạng chưa từng thấy, từ triệu ức kiếp. Vậy thì chúng ta mau mau đi tìm Ðức Thế-Tôn, chính Ngài là thầy của chúng ta".

Ông Sariputa liền nói: "Nầy đạo-hữu, còn 250 bạn đồng-môn của chúng ta, phải tính sao với họ? Vì cảm mến chúng ta mà họ còn ẩn-náo nơi đây. Vậy chúng ta nên cho họ biết ý-định của chúng ta, để tự họ liệu lấy". Ông Moggalãna đồng ý, hai ông liền triệu tập 250 Ðạo-sĩ, thuật rõ đầu đuôi cho họ nghe, rồi ông Sariputa nói rằng: "Hai anh em chúng tôi nhất định đi tìm Ðức-Phật để xin làm đệ-tử của Ngài ...". Ông Sariputa chưa kịp dứt lời, cả 250 Ðạo-sĩ rộ lên xin đi theo. Họ nói: "Chúng tôi vì cảm mộ tài đức của hai thầy mới ẩn-náo lại đây, nay hai thầy đi xuất-gia dưới sự hướng dẫn của vị Ðại Sa-Môn, xin hai thầy hoan-hỷ cho chúng tôi cùng theo với".

Ông SariputaMoggalãna đồng nói: "Vậy thì chư đạo-hữu, chờ anh em chúng tôi đi báo tin cho thầy Sanjaya hay đã". Ðến nơi hai ông trình bày ba lượt cho Ðạo-sĩ Sanjaya: "Bạch thầy, chúng tôi định đi tìm Ðức-Phật để thọ-giáo, học đạo với Ngài". Ông Sanjaya cũng ba lượt trả lời: "Khoan đã, hai bạn chẳng nên đi, ở lại đây ba anh em chúng ta chung lo cai quản giáo đoàn". Hai ông Sariputa Moggalãna cùng 250 Ðạo-sĩ nhất định đi tìm Ðức-Phật, đồng từ tạ thầy Sanjaya ra đi. Ông nầy câm giận, đến đổi phải thổ-huyết.

Từ xa Ðức Thế-Tôn thấy hai ông SariputaMoggalãna hướng dẫn 250 Ðạo-sĩ đến, Ngài kêu các thầy Tỳ-Khưu mà nói rằng: "Kìa các thầy, hai người đạo-hữu KolitaUpatissa đã đến. Trong hàng đệ-tử của Như-Lai, hai người ấy sẽ là một cập hướng-đạo và có duyên lành nhiều nhất".

75- Tài đức của hai ông Sariputa Moggalãna ra thế nào?

Hai ông Sariputa Moggalãna cùng đoàn tùy-tùng vào đảnh-lễ Ðức-Phật và xin xuất-gia. Ðức Thế-Tôn hoan-hỷ thâu nhận làm đệ-tử và ân-cần chỉ dạy phương-pháp tham-thiền quán-tưởng. Sau một tuần-nhựt, ông Moggalãna đắc Ðaọ-quả A-La-Hán. Qua tuần thứ hai, ông Sariputa cũng chứng quả A-La-Hán. Ðoàn tùy tùng của hai ông phải trải qua một thời gian tu học, rồi cũng lần lượt đắc đạo quả cả thẩy.

Trong hàng đệ-tử của Ðức-Phật chỉ có Ðại-Ðức Sariputa (hay Upatissa là bậc Trí-Tuệ viên thông tốt chúng. Ðức-Phật giảng-pháp cao sâu đến đâu, Ðại-Ðức Sariputa đều thấu hiểu cả; rồi lần-lượt giải-thích lại cho các thầy Tỳ-Khưu nghe. (Trái lại trong nhiều thế-kỷ về sau, tác-giả nhiều quyển sách lại liệt Ðại-Ðức Xá-Lợi-Phất vào hạng thấp-thỏi, Trí-Tuệ chậm-chạp, không đủ sức hiểu giáo-lý cao-thâm nên Ðức-Phật chỉ thuyết riêng cho ông những pháp cạn-cợt, gọi là pháp Tiểu-thừa).

Ðại-Ðức Moggalãna lại có một thiên-tài đặc biệt về pháp thần-thông. Ngài lên các từng trời và xuống các cảnh Ðịa-ngục một cách dễ-dàng và giúp Ðức-Phật trong nhiều xứ-mạng rất khó khăn.

Hai vị A-La-Hán nầy gọi là Ðại Ðệ-tử, bên mặt và bên trái của Ðức-Phật.

76- Ðức-Phật còn độ được vị Ðại Ðệ-tử nào nữa, tại xứ Magadha chăng?

Ngài còn độ được một vị Ðại Ðệ-tử thứ ba tên Maha Kassapa (Maha Ca-Diếp). Chẳng nên lầm-lộn ông nầy với 3 anh em ông Kassapa trong nhóm Jatila, tại Uruvela.

77- Xin cho biết sơ lược sử-tích của ông Maha Kassapa?

Ông Maha Kassapa là con của một triệu phú gia trong xứ Magadha. Tài sản, ruộng đất, tôi tớ của ông không thua kém sự nghiệp của Ðức Vua Bimbisãra. Ông Maha Kassapa là bậc Trí-Tuệ hiếm có trong đời. Vừa lớn lên, ông đã tỏ ra người không màng của cải, lại còn nhờm-gớm ái-tình nhục-dục. Vâng lời cha mẹ, ông buộc lòng phải cưới một người vọ rất xinh đẹp tại thành Vésali. Gặp cô nầy cũng đồng tánh nhờm ghét ái-tình như ông nên hai vợ chồng sống chung nhau trọn 12 năm mà không gần gủi nhau. Hai vợ chồng ông Maha Kassapa cũng đồng có chí-nguyện xuất-gia tìm đạo giải-thoát, nên hằng tập tánh ăn ở giản-dị. Ngũ chung trong một căn phòng rộng lớn, trên hai cái sạp nhỏ thấp; một đêm nọ, ông chồng thấy một con rắn đen vô phòng, lại xâm xâm phóng ngay tới cánh tay của bà vợ đang bỏ thòng xuống đất trong lúc ngũ quên. Ông Maha Kassapa lật đật chạy lại kéo tay vợ lên giường. Giật mình thức dậy, bà vợ nghi chồng mình có tư-tưởng không tốt. Hai vợ chồng mới nghĩ rằng nếu kéo dài sự sống chung như thế này, ắt có ngày sẽ nguy hại cho sự trinh-khiết đã gìn-giữ từ lâu, nên định tách ra mỗi người đi mỗi hướng, tìm nơi ẩn-dật tu-hành. Cha mẹ đã qua đời, vợ chồng ông Maha Kassapa giải-quyết cuộc xuất-gia rất dễ-dàng. Hai ông bà phóng thích tôi-trai tớ gái, bán hết gia-tài sự nghiệp lấy tiền bố-thí cho người nghèo khó, rồi chia tay nhau ra đi, mỗi người mỗi hướng tìm thầy học đạo.

Khi Ðức-Phật đến Vương-Xá, ông Maha Kassapa đến xin qui-y thọ-giáo chẳng bao lâu ông đắc quả A-La-Hán và trở thành một vị Ðại Ðệ-tử, tín-cẩn nhất của Ðức Bổn-Sư. Sau lại bà vợ được xuất-gia làm Tỳ-Khưu-ni đắc quả A-La-Hán. Kinh sách ghi rằng Ðức-Phật tặng y Ca-Sa của Ngài cho Ðại-Ðức Maha Kassapa và đối đải ông như người bạn thân. Ðại-Ðức Maha Kassapa có uy tín lớn, nên sau giờ Niết-Bàn của Ðức-Phật, Ngài đảm đương nhiều trọng-nhiệm: chủ-tọa lễ hóa-táng Ðức-Phật tại Kurinara và sau đó 100 ngày, chủ-tọa Ðại-hội Thánh-Tăng, kết-tập Tam-Tạng lần đầu tiên tại Rajagaha (Vương Xá).

78- Tại xứ Magadha, Ðức-Phật còn thâu nhận ai nữa?

Rất nhiều thanh-niên, thuộc gia đình giàu sang trong xứ Magadha xin xuất-gia theo Ðức-Phật.

79- Có sự phản-đối của dân chúng không?

Có. Dân chúng cho rằng Ðức-Phật cảm-hóa thanh-niên, làm cho chồng xa vợ, cha mẹ xa con, tan nát gia đình, nên khi gặp các thầy Tỳ-Khưu họ chê báng mĩa-mai rất khó chịu:

Ông Sa-Môn đã đến trong kinh đô xứ Magadha (Ma-Kiệt-Ðà). Ông đã cải hóa trọn cả đệ-tử của Ðạo-sĩ Sanjaya.

"Chờ xem hôm nay ông còn cảm hóa ai nữa?"

Các thầy Tỳ-Khưu nghe vậy cũng xầm-xì bàn-tán, rồi đem câu chuyện bạch lại cho Ðức-Phật nghe. Ðức-Phật phán: "Nầy các thầy Tỳ-Khưu, dư-luận xôn-xao ấy không kéo dài đâu, trong vòng 7 ngày sẽ chấm dứt. Nếu có ai kiếm chuyện với các thầy, các thầy nên trả lời cho họ như vậy:

"Những trang hào-kiệt, những bậc Vĩ-Nhân,
Cảm hóa vì đạo chân-chánh,
Ai có thể oán-trách cho đúng lý,
Những người cảm-hóa vì đạo chân-chánh chăng?"

80- Rồi Ðức-Phật có làm chi cho các gia đình được thỏa-mãn chăng?

Người ta nóng lòng vì chồng con bỏ nhà đi tu; thật ra Ðức-Phật đâu có ép-buộc ai phải xuất-gia theo Ngài. Từ đó về sau Ngài đặt ra những điều kiện để hạn-chế sự thâu nhận giới tử, với mục đích chủ-yếu là bảo vệ quyền lợi và uy-tín cho Giáo-đoàn Tăng-lữ:

Những người có bệnh nan-y, truyền-nhiễm, kẻ sát-nhân, kẻ có tiền án và những người mà sự xuất-gia làm tổn-hại quyền-lợi kẻ khác như: những trẻ vị thành niên, những người tôi-tớ, những quân-nhân, những người trốn nợ, đều không được thâu nhận vào hàng Tỳ-Khưu. Các thanh thiếu niên muốn xuất-gia phải có cha mẹ cho phép và bảo đảm tánh-h?nh.

Ðiều luật nầy đã làm vừa lòng mọi người.

81- Tại sao Ðức-Phật chưa định về Kapilavastu phổ-độ thân quyến của Ngài?

Ðến Magadha là một quốc-gia cường thạnh, Ðức-Phật được Bimbisãra (Tần-Bà-Sa-Vương) nhiệt thành sùng kính ủng hộ, nên Ngài thừa cơ-hội thuận lời, phổ-biến Giáo-Pháp sâu rộng trong dân-gian, Tăng-đồ và Tín-Ðồ học thức và giàu có, càng ngày càng đông, thanh danh của Ðức-Phật lẩy-lừng, nền tảng Phật-Giáo đã vững-chắc, nhưng Ngài cũng chưa vội trở về Kapilavastu (Ca-bì-la-vệ). Hành động của bậc Trí-Tuệ phải khác hơn thường tình thế-gian: dưới cội Bồ-đề tại Uruvela, trước khi đem đạo giải-thoát ra truyền bá. Ðức-Phật đã định sẵn một lộ trình khai đạo đầy đủ. Nơi mục 50 chúng ta đã thấy người đầu tiên mà Ngài muốn tế-độ là mẹ cha và các bậc ân-nhân của Ngài và Ngài cũng đã tự biết rằng duyên kỳ của Vua cha và quyến thuộc của Ngài chưa đến.

82- Vua Sudhodana (Tịnh-Phạn) có hay con của Ngài thành Phật chưa?

Thanh danh của Ðức-Phật lẫy-lừng tại xứ Magadha, dĩ-nhiên đã vang-dội đến Kapilavastu, nên đồng bào và quyến tuộc của Ngài nóng lòng trông đợi. Bá-quan trong triều đệ sớ yêu cầu Ðức vua phái khâm sai sang tận Rajagaha (Vương-Xá) triệu thỉnh Ðức-Phật.

83- Ai lãnh sứ-mạng đi thỉnh Ðức-Phật và kết quả ra sao?

Triều thần đề nghị giao trọng trách ấy cho ông Udayi, con của vị Lể-bộ Thượng-Thơ. Người ta hy-vọng nơi sự thành công mau chóng của ông Udayi, bởi ông nầy là bạn thân trong thưở thiếu thời của Hoàng-tử Siddhattha.

Trong hoài không thấy ông Udayi trở về, Ðức vua nóng lòng phái ông Channa (Sa-Nạc) là người tâm phúc luôn luôn ở bên cạnh Hoàng-tử trong các buổi dạo chơi và cũng là người đưa Hoàng-tử trốn đi xuất-gia. Ông Channa đi rồi củng bặt tin nhàn-cá.

Hai vị khâm sai, kẻ đến trước người đến sau, chưa tỏ được lời nào, đã ngoan-ngoản vâng lời Ðức-Phật xuất-gia làm Tỳ-Khưu. Mặc dù hai người đều không muốn xuất-gia nhưng vì Ðức vua đã ra lệnh phải hết lòng chiều-chuộng Hoàng-tử, nên họ tạm thời hứa chịu xuất-gia cho vừa ý Ðức-Phật, tưởng rằng chẳng phải là một điều cam-kết quan-trọng; hơn nữa dòm quanh ngó-quất chẳng thấy thợ cạo lại cũng không sắm sẵn y bát, câu chuyện ắt còn trì hưởn, không dè sau khi Ðức-Phật kêu họ nói: "Lại đây, hỡi thầy Tỳ-Khưu, Chánh-Pháp đã truyền dạy, thầy hãy sống theo Thánh-nhân để diệt tận nguồn khổ". Vừa dứt lời, râu tóc họ sạch trụi, y phục trở thành ca-sa màu vàng; họ đã hóa ra thầy Thiện-Lai Tỳ-Khưu (Èhi Bhikkhu) [*], giữa giáo đoàn Tăng-chúng. Người trước gặp người sau cười với nhau rồi mạnh ai nấy lo tu, không còn nhớ thế-sự luôn cả xứ-mạng của mình.

Cách một thời-gian sau, Vua Suddhodana (Tịnh-Phạn) phái liên-tiếp 9 vị Ðại-thần qua thỉnh Ðức-Phật. Chín vị nầy và cả đoàn tùy-tùng của họ, kẻ trước người sau, cũng xuất-gia theo Phật và cũng quên sứ-mạng của họ.

Thỉnh-thoảng ông Udayi nhắc-nhở người bạn cũ của mình, bảo phải về thăm Vua cha, Ðức-Phật vẫn làm thinh.

[*] Tục truyền rằng các vị Èhi Bhikkhu, trong tiền-kiếp có dùng y-bát cho Chư-Phật và Tăng-chúng, nên qua đời sau gặp Phật cho xuất-gia khỏi lo sắm chi cả. Nên hiện giờ người ta đua nhau dâng y-bát đến Chư-Tăng để mong được làm Thiện-Lai Tỳ-Khưu trong buổi vị lai. Nên thêm rằng phải dâng dao-cạo mới đủ cho.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05

Chân thành cám ơn Bác sĩ Nguyễn Tối Thiện đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 04-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 14-04-2002