Dhammananda - Hon nhan Hanh phuc - 02

BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Hôn Nhân Hạnh Phúc (A Happy Married Life)
Hòa thượng Sri K. Dhammananda - Tỳ kheo Thiện Minh dịch Việt


  

[Phần II]

-oOo-

6. AN TOÀN, KÍNH TRỌNG VÀ TRÁCH NHIỆM

Cảm giác bất ổn.

Xa xưa, không có những sự việc như là đăng ký kết hôn. Người đàn ông và người đàn bà hiểu biết nhau rồi quyết định chấp nhận là chồng vợ rồi sau đó họ sống chung với nhau. Hôn nhân của họ được tiến hành với sự hiện diện của một cộng đồng, và việc chia tay ít khi xảy ra. Ðiều quan trọng nhất là họ phát triển tình yêu thương chân thật và tôn trọng những trách nhiệm lẫn nhau.

Ngày nay, việc đăng ký kết hôn rất quan trọng để đảm bảo sự an toàn và bảo vệ tài sản cùng con cái. Do bởi cảm giác bất ổn, một cặp vợ chồng có hôn nhân hợp pháp chắc chắn rằng họ không thể lơ là với trách nhiệm, bổn phận và không đối xử tệ bạc với nhau. Thậm chí một số cặp vợ chồng soạn thảo một hợp đồng hợp pháp đối với tài sản của họ nếu họ đi đến ly dị!

Chồng và Vợ

Theo lời dạy của Ðức Phật, trong hôn nhân, người chồng có thể mong đợi những phẩm chất sau đây từ người vợ:

- Tình yêu thương
- Ân cần
- Bổn phận trong gia đình
- Chung thủy
- Chăm sóc con cái
- Tiết kiệm
- Lo việc ăn uống
- An ủi chồng khi chồngï buồn bực
- Vui vẻ với tất cả mọi điều

Ðổi lại, sự mong mỏi của người vợ từ nơi người chồng là:

- Dịu dàng
- Lịch sự
- Xã giao
- Một chỗ dựa an toàn
- Công bằng
- Chung thủy
- Chân thật
- Người bạn đời tốt
- Hỗ trợ đạo đức.

Ngoại trừ những khía cạnh cảm xúc và thể xác, đôi vợ chồng sẽ phải lo lắng những điều kiện sinh sống hằng ngày, ngân sách gia đình, và bổn phận xã hội. Như vậy, những cuộc trao đổi ý kiến với nhau giữa vợ và chồng tạo nên một bầu không khí tin tưởng và hiểu biết trong việc giải quyết bất cứ vấn đề gì có thể phát sinh.

Lời dạy của Ðức Phật cho đôi vợ chồng

1. Người vợ

Với lời khuyên phụ nữ về vai trò của họ trong cuộc sống gia đình, Ðức Phật đánh giá cao sự an vui và hòa thuận của một mái ấm gia đình phần lớn tùy thuộc vào phụ nữ. Lời dạy của Ngài thực tế và thực tiễn khi Ngài giải thích một số cá tính tốt hàng ngày mà người phụ nữ nên hoặc không nên trau dồi. Ở nhiều dịp khác nhau, Ðức Phật khuyên người phụ nữ nên thực hành như sau:

- Ðừng nuôi dưỡng những ý tưởng xấu xa chống lại chồng mình.
- Ðừng độc ác, tàn nhẫn.
- Ðừng phung phí nhưng phải tiết kiệm và sống tri túc
- Bảo vệ và tiết kiệm tài sản và tiền thu nhập vất vả của người chồng.
- Luôn luôn chú ý và giữ trong sạch thân tâm.
- Chung thủy và không nuôi dưỡng ý tưởng ngoại tình.
- Phải thanh lọc lời nói và hành động
- Phải tử tế, siêng năng và chăm chỉ.
- Phải ân cần, chu đáo, và thương xót chồng. Thái độ của người vợ phải tương tự như người mẹ hiền quan tâm bảo vệ người con trai duy nhất của mình.
- Khiêm tốn và kính trọng
- Dịu dàng, mát mẻ và hiểu biết - phục vu,ï không chỉ là một người vợ, mà còn là một người bạn, một người cố vấn cho chồng.

Vào thời Ðức Phật còn tại thế, những vị giáo chủ các tôn giáo cũng nói về bổn phận của người vợ sanh đẻ con cái để nối dõi giòng giống cho người chồng, chung thủy và đem lại hạnh phúc lứa đôi.

Một số cộng đồng đặc biệt quan tâm về việc có con trai trong gia đình. Họ tin rằng người con trai cần thiết để thực hiện nghi lễ tang chế để kiếp vị lai của họ sẽ là điều tốt lành. Khi người vợ cả không có được con trai kế nghiệp, người chồng có quyền tự do kiếm một người vợ khác để có con trai. Phật giáo không ủng hộ chủ trương này. Theo những gì Ðức Phật đã dạy về nghiệp, một người phải gánh chịu trách nhiệm về hành động họ gây nên và hậu quả của nó. Dù một người con trai hay con gái được sinh ra là không do ý muốn của người cha hay người mẹ mà do nghiệp của đứa bé. Và sự tốt lành của người cha không tùy thuộc vào hành động của đứa con trai hay cháu trai. Mỗi người phải gánh lấy trách nhiệm về hành động của mình. Như vậy thật sai lạc đối với những người đàn ông đổ lỗi cho vợ của họ hoặc cảm thấy không thỏa đáng khi người vợ không sinh ra cho ông ta một đứa con trai. Giáo pháp của đấng giác ngộ giúp chúng ta sửa đổi quan điểm sai lầm này và giải tỏa những mặc cảm của người phụ nữ không thể sinh những đứa con trai để thực hiện "Nghi lễ của tổ tiên".

Mặc dù các bổn phận của người vợ dành cho chồng được đặt ra trong những qui tắc của Khổng giáo, nhưng nó lại không lành mạnh hóa các bổn phận và trách nhiệm của người chồng đối với người vợ. Trong kinh Thi Ca La Việt (Sìgalovàda Sutta), Ðức Phật đề cập rất rõ ràng về bổn phận của người chồng đối với người vợ .v.v...

2. Người chồng.

Ðể trả lời một người gia trưởng là làm cách nào để người chồng chăm sóc người vợ mình, Ðức Phật tuyên bố rằng người chồng phải luôn luôn tôn trọng và quan tâm đến vợ mình, phải chung thủy với vợ, trao quyền cần thiết để quản lý công việc trong nhà vàtặng vợ những vật trang sức tốt đẹp. Lời dạy này được đưa ra trên 25 thế kỷ trước đây nay vẫn còn nhiều giá trị.

Biết được tâm lý của người đàn ông có khuynh hướng xem mình là kẻ cả, bề trên, Ðức Phật đưa ra một sự thay đổi đáng kể là nâng cao vị thế của người phụ nữ, là người chồng phải luôn luôn quan tâm và tôn trọng người vợ, có nghĩa là người chồng phải làm tròn bổn phận và duy trì những bổn phận đối với người vợ, như vậy mới giữ được lòng tin trong mối quan hệ hôn nhân bằng mỗi ý nghĩa của lời nói. Người chồng, là trụ cột của gia đình thường xa nhà, do vậy anh ta phải giao phó những bổn phận trông coi nhà cửa cho người vợ, người vợ được xem như là người thủ kho, người phân phối của cải và người quản lý kinh tế gia đình. Sự cung cấp những trang sức tốt quí cho người phụ nữ phải là biểu tượng tình yêu thương, sự lo lắng và quan tâm của người chồng đều dồn vào cho người vợ. Biểu tượng thực tiễn này đã được thực hành từ thời Ðức Phật còn tại thế. Rủi thay, nóđang trong nguy cơ chết dần, bởi vì ảnh hưởng của nền văn minh tân thời.

Quá khứ

Ngày xưa, do bởi cấu trúc xã hội của hầu hết những cộng đồng hoàn toàn khác biệt với những điều chúng ta nhận thấy ở ngày nay, người chồng và người vợ tương trợ lẫn nhau. Có một sự hiểu biết lẫn nhau, và một mối quan hệ vững chắc, bởi vì mỗi người biết chính xác vai trò của họ trong sự kết hợp lứa đôi."Tình yêu" mà một số cặp vợ chồng diễn ra cho người khác thấy bằng cách ôm nhau nơi công cộng, không cần thiết để chứng tỏ một tình yêu chân thật hoặc sự hiểu biết. Ngày xưa, mặc dù những cặp vợ chồng không phô bày những tình cảm thầm kín của họ một cách công khai nhưng họ rất yêu thương và đồng cảm với nhau, bằng chứng là ít có những cuộc ly dị nhau.

Ở một số quốc gia, có những phong tục cổ xưa bắt buộc người vợ phải hy sinh cuộc đời của mình theo cái chết của chồng và cũng có phong tục ngăn cấm người góa phụ tái giá. Phật giáo không xem thường địa vị của người phụ nữ và đặt họ vào hàng thấp kém hơn đàn ông.

Xã hội hiện đại.

Một số phụ nữ cảm thấy rằng, đối với họ sự tập trung trong việc quán xuyến gia đình là mất giá trị và bảo thủ. Sự thật là ngày xưa người phụ nữ đã bị đối xử tệ bạc, nhưng sự việc này do bởi sự ngu dốt của người đàn ông gây ra hơn là nhược điểm vốn có trong quan niệm dựa vào người để nuôi nấng con cái.

Người phụ nữ đã đấu tranh lâu dài để đạt được sự bình đẳng với nam giới trong giáo dục, chính trị và các lĩnh vực khác. Bây giờ họ bình đẳng với phái nam để vươn tới xa hơn. Người nam thường có bản chất xông xáo, năng nổ và người phụ nữ thiên về cảm xúc. Trong bối cảnh gia đình, đặc biệt ở phương Ðông, người nam nổi bật hơn với vai trò người chủ gia đình; trong lúc đó người nữ có khuynh hướng thụ động. Xin vui lòng nhớ rằng "thụ động" ở đây không có nghĩa là "mềm yếu". Chính xác hơn là một phẩm chất tích cực của sự dịu dàng và đa cảm. Nếu người đàn ông và đàn bà duy trì những phẩm chất nữ tính và nam tính ưu việt và nhận ra ưu điểm của nhau, sẽ giúp họ hiểu nhau hơn và hợp tác tốt đẹp hơn.

Lời nhận xét của Gandhi:

"Tôi tin tưởng vào sự giáo dục đúng đắn của người phụ nữ. Nhưng tôi thật sự tin rằng người phụ nữ sẽ không đóng góp cho thế giới bằng cách rập khuôn hoặc chạy đua với nam giới. Cô ta có thể chạy đua, nhưng cô ta sẽ không vươn những hoài bão lớn lao của mình. Cô ta có khả năng bằng một người nam bắt chước. Cô ta phải là phần bổ sung của người đàn ông".

Trách nhiệm của cha mẹ.

Ðiều cơ bản của xã hội loài người là mối quan hệ phức tạp giữa cha mẹ và đứa con. Bổn phận người mẹ là yêu thương, chăm sóc và bảo vệ con cái, với bất cứ giá nào. Ðây là tình thương bao la và cao cả như lời Ðức Phật dạy. Những người phật tử được dạy rằng bố mẹ phải chăm lo con cái như quả đất chăm lo cho tất cả cây cối và sinh vật.

Bố mẹ có trách nhiệm nuôi nấng và mang lại sự tốt lành cho con cái. Nếu đứa con lớn lên là một công dân khỏe mạnh và hữu ích, đó là kết quả của những nỗ lực của cha mẹ. Nếu đứa con lớn lên là một kẻ phạm pháp, bố mẹ chắc hẳn phải chịu trách nhiệm. Người ta không thể đổ lỗi cho người khác nếu trẻ em đi lệch hướng. Ðó là bổn phận của bố mẹ hướng dẫn con cái đi đúng con đường chính đạo.

Một đứa bé vào độ tuổi có nhiều ấn tượng nhất, cần đến tình thương yêu dịu dàng, sự lo lắng và quan tâm của bố mẹ. Không có tình thương và sự dẫn dắt của bố mẹ, một đứa bé sẽ trở nên hư hỏng và sẽ tìm thấy thế giới là một nơi lừa đảo để sinh sống. Tuy vậy việc dồn hết tình thương của bố mẹ, sự chăm sóc và quan tâm không có nghĩa là làm thỏa mãn tất cả những yêu cầu của đứa con dù hợp lý hay không! Việc thỏa mãn quá nhiều sẽ làm hư hỏng đứa con. Người mẹ khi ban bố tình thương và sự chăm sóc, cũng phải cần nghiêm khắc và cứng rắn. Nghiêm khắc và cứng rắn không có nghĩa là cay nghiệt với đứa bé. Hãy thể hiện lòng thương yêu của bạn, nhưng tôi luyện nó với bàn tay kỷ luật - rồi đứa bé sẽ hiểu ra.

Buồn thay, trong những bậc cha mẹ ngày nay, tình yêu thương của bố mẹ thì không có, thật hết sức đáng tiếc. Sự chạy đuổi theo vật chất, những phong trào giải phóng và sự khát khao bình đẳng, đã dẫn đến kết quả cả bố mẹ đều trải qua nhiều giờ làm việc ở văn phòng, cửa hàng, hơn là ở nhà trông nom chăm sóc con cái. Những đứa trẻ được giao cho người thân hoặc cho người giúp việc, chúng cảm thấy lạc lỏng vì thiếu tình thương và sự chăm sóc dịu dàng của mẹ. Bù lắp vào sự thiếu quan tâm đối với con, người mẹ cố gắng xoa dịu bằng cách thỏa mãn tất cả những đòi hỏi của trẻ để chúng được vui lòng. Mua sắm các loại đồ chơi hiện đại như là xe tăng, súng máy, tàu bay, và những thiết bị giống như thế, chỉ là một thứ đồ chơi làm cho khuây khỏa chứ không phải là một lối giáo dục tốt.

Nhồi nhét cho bé những thứ đồ chơi như thế không thay thế được tình thương và sự trìu mến của người mẹ. Không có tình thương yêu trìu mến và sự dẫn dắt của bố mẹ, chúng sẽ lớn lên và trở thành một tội phạm. Rồi như vậy, ai sẽ bị đổ lỗi về việc nuôi dạy một đứa con ngỗ nghịch? Lẽ đương nhiên là bố mẹ phải gánh chịu trách nhiệm thôi! Ðặc biệt đối với người mẹ đi làm việc sau một ngày vất vả ở văn phòng rồi tiếp theo những công việc lặt vặt trong nhà, hầu như không thể có đủ thời giờ dành cho việc chăm sóc và quan tâm đến con cái. Bố mẹ không dành thời giờ cho con cái họ nên khi về già những đứa con này không có thời giờ dành cho họ. Bố mẹ tự cho là vì quá bận rộn nên không có thì giờ chăm sóc chỉ biết chi tiêu nhiều tiền bạc cho con cái thì đừng than phiền khi những đứa con "bận rộn " của họ lần lượt bỏ họ cô đơn trong "căn nhà đắt tiền với tuổi già"!

Hầu hết những phụ nữ tham gia vào xã hội ngày nay để gia đình họ có thể hưởng thêm lợi ích vật chất. Nhưng họ phải nên quan tâm đến lời khuyên của Gandhi dành đối với người đàn ông đi tìm kiếm tự do bởi lòng tham hơn là sự thiếu thốn. Dĩ nhiên, căn cứ vào cơ cấu kinh tế ngày nay, chúng ta không thể phủ nhận một số người mẹ buộc phải bỏ gia đình để tham gia vào xã hội. Ở trong trường hợp như thế cha mẹ phải hy sinh thêm thời gian của họ để bù đắp vào những gì con cái của họ thiếu đi khi họ vắng nhà. Nếu bố mẹ dành những giờ không làm việc ở sở làm ở nhà với bọn trẻ, tất sẽ có một sự hiểu biết gắn bó hơn giữa bố mẹ và con cái.

Trong những bài pháp của ngài, Ðức Phật liệt kê một số nhiệm vụ và bổn phận chủ yếu như là những lời hướng dẫn cơ bản đó là, bằng đức tu tập và hành động, để dẫn dắt con cái tránh xa những điều xấu xa và bằng những lời động viên nhẹ nhàng, để dìu dắt chúng làm tất cả những điều cho gia đình, xã hội và tổ quốc. Trong sự liên kết này, bố mẹ chắc hẳn phải vận dụng sự chăm sóc tuyệt đối trong việc xử sự với con cái. Ðây không phải là điều bố mẹ bày tỏ nhưng đó là những gì thật sự phải như thế và cần phải thực hiện, đó là điều đứa trẻ tiếp thu một cách không ngờ đến và thật trìu mến. Ðứa bé bước vào thế giới được nặn lên bởi cách cư xử của bố mẹ. Nó đi theo sự việc là gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Bố mẹ dành nhiều thời gian với con cái mình sẽ truyền đạt những cá tính của họ một cách tế nhị với con cái của họ.

Bổn phận của cha mẹ

Bổn phận của cha mẹ là thấy được hạnh phúc của con cái. Thực tế những bậc làm cha mẹ luôn tận tụy gánh vác trách nhiệm với niềm vui. Ðể dìu dắt con trẻ trên con đường tốt đẹp, đầu tiên bố mẹ phải đưa ra những khuôn mẫu điển hình và sống cuộc sống có lý tưởng.Hầu như người ta không thể mong chờ những đứa con xứng đáng ở những người làm cha làm mẹ không đủ tư cách. Ngoại trừ những khuynh hướng của nghiệp, những đứa con thừa hưởng những ưu điểm và những khuyết điểm của bố mẹ. Những bậc cha mẹ có trách nhiệm cần phải có mọi biện pháp phòng xa tránh cho con cái tập nhiễm những đức tính xấu.

Theo kinh Thi Ca La Việt (Sìgalovàda Sutta), có năm bổn phận mà bố mẹ cần phải thực hiện:

1. Bổn phận thứ nhất là khuyên bảo con cái tránh xa điều xấu

Gia đình là trường học đầu tiên, và bố mẹ là những người thầy đầu tiên. Những đứa con thường học những bài học vỡ lòng về điều tốt và xấu từ bố mẹ chúng. Những bậc cha mẹ có trách nhiệm giáo dục con cái về sự hại thiệt của lời nói dối, lừa gạt và bất lương, vu khống, và hận thù, không sợ xấu hổ, và không biết sợ hãi với những hành động xấu xa và vô đạo đức.

Bố mẹ phải bày tỏ hạnh kiểm gương mẫu và đừng nên truyền đạt những hành vi bất lương vô đạo đức như thế thành những ấn tượng trong tâm của con trẻ.

2. Bổn phận thứ hai là khuyên bảo con cái làm điều tốt

Bố mẹ là những người thầy ở gia đình; thầy cô là những bố mẹ ở trường học. Cả cha mẹ lẫn thầy cô đều có trách nhiệm cho hạnh phúc của con cái, chúng sẽ trở thành những gì mà họ nhào nặn lên. "Chúng là, và chúng sẽ là", là những gì mà người lớn là như vậy. Chúng làm học trò của người lớn suốt độ tuổi dễ bị ấn tượng của chúng. Chúng tiếp thu điều gì thì phát ra điều đó. Chúng đi theo bước chân của chúng. Chúng ảnh hưởng bởi những ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng. Theo đúng nghĩa, bổn phận của cha mẹ tạo nên bầu không khí hòa hợp, cả nhà trường lẫn gia đình.

Hồn nhiên, vâng lời, hợp tác, đoàn kết, can đảm, hy sinh quên mình, lương thiện, thẳng thắn, phục vụ, tự lực, cần kiệm, bằng lòng, những tư cách tốt đẹp, sự mộ đạo, và những giới hạnh liên quan khác cần được khắc sâu vào tâm khảm non nớt của chúng từng bước một. Những hạt giống được gieo trồng cuối cùng sẽ trở thành những cây trĩu quả.

3. Bổn phận thứ ba là tạo cho con cái một nền giáo dục tốt

Một nền giáo dục khuôn phép là một tài sản thừa kế tốt nhất mà bố mẹ có thể để lại cho con cái của họ. Không có một tài sản nào có giá trị hơn. Ðó là hạnh phúc tuyệt vời mà bố mẹ có thể ban cho con cái. Cần phải tạo cho chúng một sự giáo dục thích hợp hơn với tuổi trẻ, trong một bầu không khí mộ đạo. Ðiều này có những ảnh hưởng sâu xa với cuộc đời của chúng.

4. Bổn phận thứ tư là tạo điều kiện cho chúng lập gia đình với những người phù hợp

Hôn nhân là một hành động nghiêm túc liên quan đến cả cuộc đời; cuộc hôn nhân này phải là một sự kiện mà không thể làm cho tan vỡ dễ dàng. Do đó, hôn nhân cần phải được xem xét kỹ lưỡng ở mọi khía cạnh và ở tất cả mọi khuynh hướng để làm hài lòng tất cả những người liên hệ trước khi đi đến việc làm lễ cưới.

Theo nền văn hóa Phật giáo, bổn phận phải đi đôi với quyền lợi. Hãy để hai bên đi đến quyết định, nhưng sử dụng sự suy xét sáng suốt khôn ngoan của họ để đi đến một giải quyết êm đẹp. Ngược lại, sẽ có sự xô xát chửi rủa lẫn nhau và những hậu quả khác. Sự tiêm nhiễm thói hư tật xấu cũng thường hay lan truyền đến con cái.

5. Bổn phận cuối cùng là trao tài sản thừa kế cho chúng vào thời điểm thích hợp

Bố mẹ không chỉ yêu thương và chăm sóc con cái theo đúng nghĩa vụ của mình, mà còn phải có sự chuẩn bị tiện nghi cho hạnh phúc tương lai của chúng. Bố mẹ tích trữ tài sản và trao cho con cái những tiện nghi chẳng hạn như tài sản thừa kế.

Lòng từ trong Phật giáo

Ðạo Phật là tôn giáo từ bi. Ðức Phật dạy giáo pháp vì lòng thương xót thế gian. Bố mẹ phải tu tập và dạy dỗ con cái thực hành "bốn trạng thái tâm cao quý" này. Ðó là:

- Tâm Từ (Metta)
- Tâm Bi (Karuna)
- Tâm Hỉ (Mudita)
- Tâm Xả (Upeka)

Tu tập tốt bốn loại tâm này sẽ giúp bố mẹ giữ được bình tĩnh trong suốt thời kỳ khó khăn nuôi nấng con cái.

Ðây là lối sống lý tưởng để hướng tâm đến tất cả chúng sinh. Bốn trạng thái tâm này mang lại một nền tảng vững chắc cho tất cả những tình huống phát sinh từ mối quan hệ xã hội. Chúng nó là những hình thức tuyệt vời để khắc phục sự căng thẳng, người tạo hòa bình xuất sắc trong sự mâu thuẫn thuộc về xã hội, những người chữa lành vết thương trong cuộc đấu tranh sống còn; những người san bằng những cách biệt trong xã hội, những người xây dựng những cộng đồng hòa hợp, những người đánh thức lòng bao dung độ lượng bị người ta quên lãng quá lâu, những người làm sống lại niềm vui và hy vọng bị ruồng bỏ quá nhiều, những người nâng cao tình huynh đệ con người chống lại những thế lực ngã mạn, tự cao tự đại.

Có lẽ điều thử thách lớn nhất mà một cặp vợ chồng phải đối mặt đó là sự nuôi nấng giáo dục thích hợp cho một đứa trẻ. Ðây là một khía cạnh khác để phân biệt chúng ta và loài thú. Trong khi một con vật chăm sóc con cái nó với sự tận tụy, nhưng một người cha hoặc mẹ có một trách nhiệm lớn lao hơn, đó là sự nuôi dưỡng cái tâm. Ðức Phật đã dạy rằng sự thử thách lớn lao nhất mà con người đối mặt là huấn luyện thuần thục cái tâm. Kể từ khi đứa trẻ chào đời, từ lúc còn bé qua thời niên thiếu rồi đến tuổi trưởng thành, người mẹ hoặc cha có trách nhiệm làm phát triển cái tâm của đứa bé. Một người trở thành một người công dân hữu ích hay không sự việc chủ yếu tùy thuộc vào sự mở rộng cái tâm của người ấy đã được tu tập. Theo nhà Phật, một người cha hay mẹ có thể tu tập bốn phẩm hạnh tuyệt vời để giúp họ vượt qua những sự thất vọng chán nãn mà chúng liên hệ hết sức mật thiết với tư cách làm cha mẹ.

Khi đứa con còn tập đi, tập bò, không thể diễn đạt được nhu cầu của nó, nó hầu như thỏa thích trong những cơn giận và la khóc. Người cha hoặc người mẹ tu tập phẩm hạnh tâm từ đầu tiên có thể duy trì sự an lạc trong tâm của họ để tiếp tục yêu thương đứa con trong lúc điều này thật hết sức khó khăn. Ðứa bé thích thú đón nhận tình thương của tâm từ, sẽ tự học hỏi và hình thành nhân cách tốt.

Khi đứa bé trưởng thành, bố mẹ phải đối xử với chúng bằng tâm bi (Karuna). Lứa tuổi sắp sửa bước vào thời kỳ trưởng thành, chúng thường hay ngỗ nghịch, với nhiều sự giận dữ và bất mãn hướng về bố mẹ. Với sự tu tập tâm bi, bố mẹ sẽ hiểu rằng sự ngỗ nghịch này là một phần tự nhiên của tuổi đang lớn và những đứa bé đó không có ý định làm tổn thương bố mẹ chúng. Một đứa bé có tâm từ và tâm bi sẽ tự tạo cho mình trở thành một người tốt đẹp hơn. Khi không bị đối xử ghét bỏ, đứa trẻ sẽ dùng lòng từ bi đối với những người khác. Ngay trước lúc trở thành người lớn, một đứa trẻ có thể thỏa mãn với một số thành công ở các kỳ thi hoặc những hoạt động ngoài gia đình. Ðây là thời điểm mà bố mẹ thực hành niềm vui đồng cảm (tâm hỉ). Có quá nhiều bậc cha mẹ ngày nay dùng con cái của họ để tranh đua với bạn bè. Họ muốn con mình làm thật tốt vì những lý do ích kỷ; tất cả bởi vì họ muốn người khác nghĩ tốt về họ. Bằng cách tu tập (tâm hỉ) ,bậc cha mẹ sẽ vui thích về sự thành công và hạnh phúc của con mình mà không có động cơ ích kỷ. Họ hạnh phúc bởi vì đứa con mình hạnh phúc! Một đứa trẻ đã thấm nhuần tâm hỉ, tự mình trở thành một người không ganh tỵ với kẻ khác và không đua tranh bất chánh trong gia tộc. Một người như vậy trong lòng họ sẽ không còn chỗ nào cho sự ích kỷ, tham hoặc sân.

Khi một đứa bé đến tuổi trưởng thành rồi, có sự nghiệp và gia đình riêng tư, bố mẹ sẽ tụ tập phẩm hạnh tuyệt vời cuối cùng là tâm xả. Ðây là một tư duy mới,một việc làm khó khăn đối với các bậc làm cha mẹ theo truyền thống Á Ðông. Họ thật khó chấp nhận con cái có cuộc sống độc lập. Khi cha mẹ tu tập tâm xả, họ sẽ không còn can thiệp vào những công việc của con cái và không còn ích kỷ đòi hỏi thêm nhiều thời gian và sự quan tâm của chúng vượt quá khả năng mà chúng có thể làm được. Lớp người trẻ trưởng thành trong xã hội ngày nay có nhiều trách nhiệm phải làm, nên các bậc cha mẹ không nên tạo thêm gánh nặng đối với con cái. Ðiều quan trọng nhất, là cha mẹ lớn tuổi, cố gắng đừng tạo cho con cảm thấy tội lỗi khi chúng không đủ thời giờ trong việc phụng dưỡng mẹ cha. Nếu cha mẹ tu tập tâm xả họ sẽ duy trì sự an lạc lúc tuổi già và trở thành đối tượng tôn kính của thế hệ trẻ hơn.

Khi cha mẹ sống với con bằng bốn phẩm hạnh cao thượng này, tình thương yêu và lòng hỷ xả sẽ thâu nhiếp những đứa con cùng tắm mình trong không khí thuận hòa, vui vẻ. Một gia đình có những phẩm hạnh từ bi, hỷ xả sẽ là một gia đình hạnh phúc. Những đứa trẻ lớn lên trong một môi trường như thế sẽ là những người công dân tri thức, bi mẫn, thiện chí và những người chủ nhân tận tụy. Ðây là tài sản lớn lao nhất mà bất cứ bậc cha mẹ đều có thể trao cho con cái họ.

Bậc cha mẹ trong xã hội đương đại

Một trong những điều buồn thảm nhất trong xã hội ngày nay là sự thiếu tình thương của cha mẹ gây nên những khổ đau cho con cái ở các quốc gia có nền công nghiệp tiến bộ cao. Khi một cặp vợ chồng kết hôn, họ có kế hoạch và chủ động trong việc sanh con, nên khi đứa bé ra đời, họ có đủ điều kiện và khả năng tốt nhất để lo cho con cái họ. Họ ý thức rõ về trách nhiệm tinh thần đối với con cái, chứ không xem chúng như là kết quả của sự thỏa mãn nhục dục.

Sự cung cấp vật chất đầy đủ là phần quan trọng thứ yếu; trong khi sự quan tâm và lòng thương yêu của cha mẹ mới là quan trọng. Chúng ta biết có nhiều bậc cha mẹ xuất thân từ những gia đình bình thuờng lại giáo dưỡng con cái tốt,. ngược lại, nhiều gia đình giàu có, cung cấp mọi tiện nghi vật chất cho con, nhưng lại tình thương và sự giáo dục của cha mẹ. Những đứa trẻ như thế sẽ trưởng thành về mặt thể xác, nhưng không có sự phát triển về mặt tâm lý lẫn đạo đức.

Một người mẹ phải khéo léo để đảm đang công việc ngoài xã hội vừa hoàn tất công việc của một người nội trợ, lại không đánh mất tình yêu thương, trìu mến và sự chăm sóc tốt cho đứa con đang lớn lên của mình.(Lạ lùng thay, một số người mẹ thời nay thường cho con cái của họ sử dụng súng và những dụng cụ giết người khác, thay vì phải âu yếm con cái và đào tạo chúng trở thành những người công dân tốt.)

Khuynh hướng dấn thân vào xã hội của những người mẹ ngày nay thường tạo nên sự cách biệt giữa mẹ con, và thường làm hao mòn lòng hiếu thảo, sự tôn kính của con cái đối với cha mẹ. Sự thay thế bú sữa mẹ bằng bú bình cũng có thể là một yếu tố khác đã góp phần vào sự bào mòn tình yêu thương, sự trìu mến giữa mẹ và con. Khi người mẹ cho con bú và ôm ấp đứa bé trong vòng tay,sự nâng niu trìu mến của người mẹ như sợi dây dẫn truyền sang con tất cả tình cảm và lòng yêu thương của mình, tạo cho con sự ấm áp và niềm tôn kính đối với cha mẹ. Những hành động này thường tạo nên sự tốt đẹp và hạnh phúc cho đứa con. Sự việc này tùy thuộc vào bố mẹ, đặc biệt là người mẹ. Người mẹ có trách nhiệm trực tiếp đối với sự tốt đẹp hoặc sự ngỗ nghịch của đứa bé. Lỗi lầm của con cái cũng sẽ bớt đi nhiều nếu cả bố mẹ hoàn thành trách nhiệm của mình.

Sự kiểm soát của cha mẹ

Nhiều bố mẹ cố gắng đặt những đứa con đã có gia đình dưới quyền kiểm soát của họ. Họ không cho con cái mình có quyền tự do và có huynh hướng can thiệp vào đời sống của cặp vợ chồng trẻ.Khi bố mẹ cố gắng áp đặt con cái của họ sống theo nếp sống của họ, điều này sẽ tạo nên nhiều hiểu nhầm giữa hai thế hệ cũng như sự bất hạnh giữa cặp vợ chồng trẻ. Bố mẹ có thể làm việc này do tình thương và niềm tin là đem lại sự tốt đẹp cho con cái, nhưng khi làm như vậy, họ đang tạo thêm nhiều vấn đề mâu thuẩn cho bản thân họ vaò con cái.

Bố mẹ phải để cho con cái của họ gánh vác những trách nhiệm về cuộc sống gia đình bên chồng. Ví dụ: nếu một số hạt giống được gieo dưới một gốc cây, chúng có thể nẩy mầm vươn lên sau một thời gian. Nhưng nếu bạn muốn những cây non này phát triển khỏe mạnh và độc lập, bạn phải chuyển chúng đến một khoảng đất trống, một nơi nào khác để mọc riêng rẽ, để chúng không bị che khuất bởi bóng cây mẹ.

Bố mẹ đừng quên: trí tuệ khôn ngoan của người xưa dựa trên những lời khuyên của những bậc giáo chủ đưa ra, những nhà thông thái và những bậc trưởng lão đã phát huy một sự hiểu biết rộng lớn qua chính những thử thách và lỗi lầm của họ.

Ly dị

Ly dị là một vấn đề tranh cãi giữa những tín đồ của nhiều tôn giáo khác nhau. Một số người tin rằng hôn nhân là do trời định, như vậy nó không có quyền chuyển nhượng bằng khế ước hay một cuộc ly dị. Nhưng nếu, vợ và chồng thật sự không thể sống với nhau, thay vì sống một cuộc sống khốn khổ và ấp ủ thêm lòng ghen tương, giận hờn và thù ghét, họ phải có quyền tự do chia tay và sống an vui.

Trách nhiệm đối với con cái

Tuy thế, sự chia tay của đôi vợ chồng phải được diễn ra trong bầu không khí hiểu biết bằng cách chấp nhận những giải pháp hợp lý chứ không bằng cách tạo thêm sầu hận. Nếu một cặp vợ chồng có con cái, họ nên cố gắng tạo cho việc ly dị gây ít đau buồn đối với con cái và giúp vợ chồng thích hợp với hoàn cảnh mới.Và điều quan trọng nhất là đảm bảo tương lai và hạnh phúc của con cái sẽ được hai bên quan tâm săn sóc. Nếu cặp vợ chồng ly hôn bỏ bê con cái và đưa đẩy chúng sống một cuộc sống khốn khổ. Ðó là một thái độ vô lương tâm.

Quan niệm của Phật giáo

Ðạo Phật không có giới luật để ngăn cấm người chồng và người vợ không được phép ly dị nếu họ không sống hòa thuận với nhau. Nhưng, nếu mọi người thực hiện lời khuyên dạy của Ðức Phật, có bổn phận và trách nhiệm đối với nhau thì những điều bất hạnh như ly dị hoặc ly thân chẳng bao giờ xảy ra.

Ngày xưa, nơi mà những giá trị tôn giáo được người ta đề cao, ở đó những cặp vợ chồng có những nỗ lực lớn lao hơn để đạt đến một sự hiểu biết thân thiện cho việc phát huy mối quan hệ hạnh phúc dựa trên sự kính trọng, tình yêu, và sự quan tâm với nhau đưa đến đời sống hôn nhân tốt đẹp. Ðó là đều mà họ luôn ấp ủ. Những trường hợp ly dị rất hiếm hoi và được xem là một sự nhục nhã bởi vì điều đó chứng tỏ họ là kẻ ích kỷ đứng về phương diện này hay phương diện khác.

Thực tế là cho tới nay những trường hợp ly dị vẫn còn ít xảy ra ở những quốc gia theo đạo Phật. Ðiều này chủ yếu do bởi những cặp vợ chồng quan tâm đến những bổn phận và trách nhiệm đối với nhau, và cũng là nét cơ bản vấn đề ly dị đã không được chấp nhận bởi cộng đồng cũng như toàn thể mọi người. Ở nhiều trường hợp, khi những cặp vợ chồng gặp những rắc rối, những bậc trưởng lão trong cộng đồng thường hội họp lại và đóng một vai trò quan trọng để cải thiện tình huống.

Ðáng thương thay, ở xã hội hiện đại ngày nay, ly dị đã trở thành một hiện tượng quen thuộc. Ở một số quốc gia, sự việc này thậm chí đã trở thành "mode". Thay vì xem ly dị là một điều xấu hổ thì đối với họ dường như có vẻ hãnh diện về điều này. Nguyên nhân chính của sự thất bại trong hôn nhân ở xã hội ngày nay là sự lạm dụng tự do quá nhiều và lối sống "chủ nghĩa cá nhân" đã góp phần làm rạng nứt tình cảm vợ chồng và dễ dàng đi lệch hướng.

[^]


7. TỤC LỆ ÐA PHU THÊ HAY CHẾ ÐỘ MỘT VỢ, MỘT CHỒNG

Trả lời câu hỏi về người Phật tử có thể có nhiều vợ hay chồng, câu trả lời trực tiếp là không có trong giáo pháp của Ðức Phật, bởi vì như chúng ta đã đề cập lúc đầu, Ðức Phật đã không đặt ra bất cứ luật lệ, tôn giáo nào đối với đời sống hôn nhân. Mặc dù Ngài đã đưa ra lời khuyên có giá trị về sự việc làm cách nào để sống một cuộc sống hôn nhân đáng tôn trọng.

Những truyền thống, nền văn hóa và cách sống dường như đã được công nhận bởi đại đa số người dân của một số quốc gia cũng cần phải được xem xét khi chúng ta thực hành những vấn đề có liên quan đến cuộc sống chúng ta. Một số tôn giáo nói rằng người đàn ông chỉ có duy nhất một vơ,ï trong khi đó những tôn giáo khác nói người đàn ông có thể có nhiều vợ. Mặc dù Ðức Phật đã không đề cập đến bất cứ điều gì về số vợ mà một người đàn ông có thể có, nhưng Ngài đã đề cập rõ ràng trong những bài pháp của mình rằng: "Nếu một người đàn ông có vợ đi với một người phụ nữ khác ngoài hôn thú, điều này có thể là nguyên nhân về sự sa sút của mình và chắc hẳn anh ta sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề khác và những sự việc phiền toái".

Ðường lối giáo pháp của Ðức Phật chỉ nhằm giải thích những tình huống và kết quả người ta có thể nghĩ cho bản thân điều nào tốt và điều nào xấu đối với họ. Ðức Phật không đặt ra những quy luật là nên có bao nhiêu người vợ hoặc không buộc họ phải tuân theo. Tuy thế nếu luật lệ của một xứ sở quy định rõ ràng rằng các cuộc hôn nhân phải là một vợ một chồng, thì những luật như thế cần phải được ban hành.Bởi vì Ðức Phật đã tuyên bố rõ ràng rằng những tín đồ của Ngài phải tôn trọng luật lệ của bổn quốc, nếu như những luật lệ đó mang lại lợi ích cho mọi người.

-oOo-

01 | 02 | 03 | Mục Lục | Ðầu trang

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh, Chùa Kỳ Viên, Quận 3, Sài Gòn,
đã gửi tặng phiên bản vi tính. (Bình Anson, 01-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 01-02-2001