Mi Tien Van Dap - 08

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Mi Tiên Vấn Ðáp
(Milinda Panha)

Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm
(Maha Thera Thita Silo)

Tỳ kheo Giới Ðức hiệu đính, ấn bản 2003


 

114. Tại sao chư Tăng không được cúng dường nhục thân Như Lai?

- Thưa đại đức! Có phải trước khi nhập diệt, ở Kusinàrà, dưới hai cây song thọ, Đức Thế Tôn có dạy ngài Ànanda rằng: "Các ngươi không nên mất công tốn sức, phí thì giờ tìm kiếm lễ vật để cúng dường nhục thân của Như Lai; cho chí xá-lợi của Như Lai sau này, các ngươi cũng không nên quan tâm quá đáng vào việc lễ bái, cúng dường..." ?

- Đúng là Đức Thế Tôn có thuyết như thế, tâu đại vương!

- Rồi sau đó, Đức Tôn Sư lại thuyết rằng: "Này Ànanda! Nếu các hàng cận sự nam nữ trong cõi người hoặc chư thiên trong các cõi trời, biết lễ bái, cúng dường nhục thân Như Lai hay xá-lợi của Như Lai thì họ sẽ có được nhiều phước báu, nhất là được thiện sanh vào các cõi trời an vui, hạnh phúc." Phải thế không, đại đức?

- Thưa vâng! Đó chính là lời Đức Tôn Sư thuyết.

- Vậy thì hai Phật ngôn ấy có gì ngược nhau không? Một bên thì ngăn không cho tìm kiếm lễ phẩm cúng dường, một đằng thì khuyến khích, sách tấn lễ bái, cúng dường? Hay Đức Đại Giác huấn thị như vậy là có lý do khác?

- Tâu đại vương! Lý do ấy rất là chính đáng, hợp với giáo pháp, hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi nhóm thành viên đệ tử của Đức Tôn Sư!

- Xin đại đức bi mẫn giảng cho trẫm nghe.

- Thưa vâng, điều ấy giản dị, dễ hiểu thôi! Các hàng xuất gia tu tập theo Giới, Định, và Tuệ. Tu tập theo Giới, Định, Tuệ là bổn phận, là chức năng, là nhiệm vụ của người xuất gia. Vậy thì các hàng xuất gia phải sống đời giới hạnh trang nghiêm, biết thu thúc lục căn, biết quán tưởng vật thực, biết tu Tứ niệm xứ để thấy rõ vô thường, vô ngã của pháp, phải thành tựu tuệ vô lậu để giải thoát khổ đau, phiền não. Việc làm ấy của bậc xuất gia là bổn phận thích đáng, xứng với phẩm hạnh của mình. Ngoài ra, các công việc khác dẫu là trọng đại, tôn quý... như việc cung kính, lễ bái, cúng dường nhục thân hoặc xá lợi của Đức Thế Tôn - cũng không nên làm!

Còn các hàng cư sĩ tại gia, chư thiên và nhân loại, họ tu tập theo bố thí, trì giới, tham thiền. Tu tập theo bố thí, trì giới, tham thiền là bổn phận, là chức năng, là nhiệm vụ của hàng cư sĩ tại gia! Vậy thì các hàng tại gia muốn tạo trữ phước báu, muốn tích lũy công đức, muốn hưởng quả hạnh phúc, an vui ở cõi người và trời - họ phải tu tập, bố thí, cúng dường. Việc các hàng cư sĩ tại gia lễ bái, cúng dường lễ phẩm, hương hoa đến nhục thân hoặc xá lợi của Đức Thế Tôn là bổn phận thích đáng, xứng với chức năng của họ. Ai có công việc nấy, đừng xen vào công việc của nhau - nói rõ là như thế, tâu đại vương!

- Trẫm không đồng ý với luận điểm của đại đức, mặc dầu mới nghe qua thì rất hợp lí. Nếu các bậc xuất gia mà tu tập thêm bố thí, cúng dường, không tốt hơn sao? Khi mà được phước báu hỗ trợ, có lẽ họ sẽ dễ dàng, thuận duyên hơn cho việc tu tập của mình, phải thế chăng, đại đức?

- Bần tăng cũng vậy, luận điểm của đại vương nghe rất hữu lí nhưng bần tăng vẫn thấy không thuận tai! Tại sao vậy? Ví như đại vương có một hoàng tử kế vị, muốn cho hoàng tử ấy sau này trở thành một bậc minh quân trị vì thiên hạ, oai danh bốn biển, vang lừng sử sách thì đại vương sẽ có một chương trình học tập cho hoàng tử như thế nào?

- Thưa đại đức, thì cũng như chương trình học tập của trẫm thuở nhỏ vậy thôi, nghĩa là phải trang bị cho hoàng tử những kiến thức hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Hoàng tử phải thành thục, thông thuộc binh pháp, binh thư, võ nghệ; phải biết cưỡi voi, cưỡi xe, cưỡi ngựa, biết sử dụng mọi loại binh khí để chiến đấu trên sa trường. Nói gọn, là hoàng tử phải có tài làm tướng. Ngoài ra, hoàng tử phải học cách trị thiên hạ, đòi hỏi nhiều kiến thức uyên bác; ví dụ triết học, toán học, thiên văn, địa lý, âm nhạc, y khoa, khảo cổ, lịch sửu, vật lý, văn học, thi ca v.v... Ngay cả thần chú, chiêm tinh, tử vi, bói toán; một vị hoàng tử cũng phải rành rẽ để sử dụng khi hữu sự, để khỏi bị các quan và dân chúng lừa bịp!...

Đại đức Na-tiên mỉm cười hỏi tiếp:

- Thế các việc như làm ruộng, làm vườn, buôn bán, nghề mộc, nuôi tằm, ươm tơ, chăn nuôi gia súc v.v..., vị hoàng tử không học sao?

- Không, hoàng tử sẽ không học, không đi sâu vào các nghề của dân chúng. Hoàng tử chỉ nghiên cứu thoáng qua cho biết vậy thôi. Bởi, ai có việc nấy, xen vào việc của nhau thì còn ra thể thống gì nữa? Hoàng tử mà đi học cày, còn nông phu thì học cách trị nước, nghe lọt tai sao được, đại đức?

- Cảm ơn đại vương đã trả lời câu hỏi của chính đại vương! Thật là còn "thể thống" gì nữa cho giáo pháp, khi mà bậc xuất gia thì đi làm cái việc của người cư sĩ, còn người cư sĩ lại đi làm cái việc của bậc xuất gia!

Đức vua Mi-lan-đà cười ha hả:

- Hay lắm! Thật chẳng có câu nói nào xác đáng hơn!

- Còn nữa, đại vương! Ví như một con trai gia chủ bà-la-môn, muốn trở thành một bà-la-môn hữu danh trong tương lai thì cần phải học những thứ gì cho thật sự thích hợp và thật sự lợi ích?

- Thưa đại đức! Họ cần học nhiều thứ lắm, những điều hữu ích và kể cả những điều dường như vô ích... Họ phải thông thuộc Tam-phệ-đà, biết phúng tụng, lễ nghi, đàn tế. Biết xem tướng, biết hướng ngồi ăn cơm và hướng đại tiểu tiện. Biết xem hướng nhà, xem hướng đất. Biết rành về các loại gỗ. Biết từ nguyên, cú pháp, văn phạm. Biết tiếng kêu của thú. Biết ngọn ngành, chi tiết của sáu nghề chính trong xã hội. Biết hướng mặt trời, mặt trăng chỗ nào là tốt xấu. Biết rõ lúc nào là nhật thực, nguyệt thực. Biết sao nào sanh ra chư thiên, sanh ra chiến tranh. Biết lúc nào sao chổi rơi. Biết tia lửa từ hư không rơi xuống rồi lại bay lên khỏi mặt đất sẽ báo điềm xấu gì. Biết xem khi nào trái đất xảy ra tai biến. Biết rõ mặt trời đỏ là hướng này hạnh phúc, hướng kia bất hạnh, tai họa. Biết rõ tất cả những bộ sách đời (thế học). Biết rõ phép bói "mitta cakkam"! Biết đoán chiêm bao, biết rõ tướng bí ẩn. Biết đoán mộng cát, hung. Biết đoán những hiện tượng tốt xấu xảy ra chung quanh. Biết xem và trị bệnh mắt. Nghe tiếng chim biết chuyện lành, dữ v.v...

Thưa đại đức! Những con trai gia chủ bà-la-môn hữu danh phải siêng năng học tập, nghiên cứu rành rẽ rất nhiều môn học, như thế mới xứng đáng ở trong tập cấp ấy.

- Vâng, còn người dân dã hạ tầng thì không thể học tập như vậy, phải không đại vương?

- Đúng thế, các tập cấp dưới chỉ thích hợp với các nghề bán buôn, làm ruộng, lập vườn, chăn nuôi trâu bò và các công nghệ khác.

- Cũng vậy, phận sự của các vị sa môn là thọ trì những điều học, phải tinh cần, chuyên tâm tu niệm, hành minh sát tuệ để giác ngộ, giải thoát. Còn phận sự của các hàng cư sĩ là lễ bái, bố thí, cúng dường... Vì lẽ ấy, Đức Thế Tôn ngăn cấm các vị xuất gia làm công việc của hàng tại gia... Các bậc xuất gia phải thực hành bổn phận mình, tức là tiến tu, chỉ tịnh, quán minh thì tốt hơn; nếu không muốn nói đấy là cách cúng dường quý báu, cao thượng hơn hết thảy: cúng dường tinh thần hay là cúng dường Pháp Bảo! Còn việc cúng dường vật chất hãy để dành cho các hàng tại gia. Có như vậy, Tăng Bảo mới duy trì Giáo Pháp lâu dài trên thế gian; và cư sĩ nam nữ lại hộ trì, hộ độ Tăng Bảo... thì đấy là lợi ích thù thắng mà Đức Tôn Sư muốn giáo giới, tâu đại vương!

- Trẫm rất hoan hỷ những lời giải đáp ấy, thưa đại đức!

* * *

115. Quả đất dường như có tâm thức?

- Thưa đại đức! Đức Thế Tôn ngự đến một quốc độ nào, một xứ sở nào - thì ở đấy mặt đất dường như có tâm thức? Chỗ nào đất thấp, khuyết lõm... tự dưng lại đầy bằng, dường như có ai đó mới đổ đất thêm! Chỗ nào gò cao, gồ lên thì chợt dưng phẳng lại như mặt trống lớn, tựa như ai mới cào bằng hoặc lấy đất đi! Chuyện ấy không biết có thực không, hay chỉ là giai thoại, là hư truyền, thưa đại đức?

- Điều ấy có thật, tâu đại vương!

- Nếu vậy thì trẫm rất hoài nghi. Trẫm hoài nghi rằng, đất thuộc đại địa, đá cũng thuộc đại địa; vậy sao đất dường như có tâm thức, mà đá lại không có tâm thức khi Đức Thế Tôn ngự đến, hở đại đức?

- Ý đại vương muốn nói gì?

- Vâng, ý trẫm muốn nói là, tại sao cục đá chạm vào chân Đức Tôn Sư lại không có tâm thức? Nếu nó có tâm thức thì phải như đất kia, gồ cao hoặc lõm xuống, phải tự biết để làm cho phẳng lại. Cũng vậy, lẽ ra cục đá ấy phải biết tránh né hoặc thụt lùi trở lại chỗ cũ của mình. Vậy, đại đức có lầm lẫn chăng khi bảo đại địa dường như có tâm thức ở trong trường hợp sau?

- Đất hay đá đều không có tâm thức, tâu đại vương! Sở dĩ đất chỗ khuyết lõm thì đầy lên, chỗ gò nỗng thì bằng phẳng xuống - không phải do đại địa có tâm thức mà bởi năng lực ba la mật bất khả tư nghì của Đức Thế Tôn, tâu đại vương!

- Có thể trẫm tin năng lực ba la mật phi thường của Đức Đại Giác đã làm cho mặt đất phẳng lại. Thế còn chuyện cục đá chạm chân làm Đức Tôn Sư chảy máu thì sao? Làm thế nào để giải thích về chuyện cục đá khó hiểu ấy?

Đại đức Na-tiên chợt mỉm cười:

- Thế đại vương không nhớ là Đề-bà-đạt-đa đã khởi tâm hung ác muốn hại Phật đó sao?

- Thưa, nhớ chứ!

- Ông ta đã tự kết oan trái với Đức Tôn Sư trước đây đã trăm nghìn kiếp rồi, tâu đại vương! Vì tham vọng mù quáng muốn thay Đức Tôn Sư lãnh đạo Giáo hội mà Đề-bà-đạt-đa đã lăn một tảng đá rất lớn từ sườn núi cheo leo, cốt ý là để giết Phật.

- Thưa, thế thì năng lực ba la mật của Đức Tôn Sư khi ấy ở đâu mà không đến để bảo vệ ngài?

- Có chứ, tâu đại vương! Khi tảng đá lớn từ sườn núi rơi xuống, thì năng lực ba la mật của Đức Tôn Sư làm cho hai tảng đá khác, lớn hơn, vụt trồi khỏi mặt đất, ngăn chặn và đỡ lấy tảng đá kia. Hai tảng đá ấy dường như có tâm thức, đỡ lấy và làm cho dính chặt tảng đá của Đề-bà-đạt-đa như dây leo quấn chặt cây! Không vậy thì như long vương đang lội trong biển, chợt nổi lên phùng mang, há miệng đớp lấy tảng đá của Đề-bà-đạt-đa! Hai tảng đá ấy do nhờ năng lực ba la mật nên dũng cảm như sư tử, làm cho tảng đá của Đề-bà-đạt-đa phải sợ oai, thu mình bẹp dí không dám động cựa nữa. Hoặc như bà mẹ khi thấy con mình sắp ngã, đã nhanh nhẹn một tay nắm cánh tay con, một tay xách hỏng thân con lên! Nếu không vậy thì như bạn bè sinh tử có nhau, khi bạn bị hoạn nạn không nỡ rời bỏ mà thường cận kề một bên để giúp đỡ, hộ trì bạn! Hoặc giống như một viên quan mẫu mực, trung thành; luôn túc trực sẵn sàng bên cạnh đức vua để tiếp rước, hộ giá, phụng sự bất kể ngày hay đêm. Cũng có thể giống như chư thiên chưng lọng vàng, lọng xanh, tràng hoa, thiên nhạc... để cung nghinh trời Đế Thích. Nếu không thế thì như các vị trời phạm thiên cao quý, hành trình trong thiền để đến chầu hầu đức Đại Phạm Thiên tôn quý, v.v...

Tâu đại vương! Hai tảng đá lớn do năng lực ba la mật của Đức Tôn Sư vụt hiện lên, chặn đứng tảng đá của Đề-bà-đạt-đa, cốt bảo vệ cho Đức Tôn Sư cũng như những ví dụ nêu trên vậy!

- Trẫm có thể tin như thế lắm! Nhưng nghe nói rằng, tảng đá của Đề-bà-đạt-đa to bằng cái nhà, còn hai tảng đá do năng lực ba la mật của Đức Tôn Sư thì to bằng hai quả núi nhỏ. Như vậy thì tại sao hai tảng đá như hai quả núi nhỏ kia, vốn đã ngăn được tảng đá to như cái nhà, lại không ngăn được mảnh đá nhỏ làm chân Phật chảy máu? Kỳ lạ không chứ?

- Có gì kỳ lạ đâu đại vương! Đấy là chuyện bình thường thôi! Ví như người ta dùng bàn tay để hứng nước, nước sẽ lọt qua kẽ tay. Ví như người ta dùng bàn tay để vốc cát, một số ít cát sẽ lọt qua kẽ hở. Ví như dùng tay mà vốc một nắm cơm rời, thì sẽ có một số ít hạt sẽ rơi vãi. Hai tảng đá to chặn được tảng đá nhỏ, do sự va chạm, hàng chục mảnh nhỏ vỡ ra, có mảnh lọt qua kẽ hở và trúng nhằm chân Đức Tôn Sư! Chắc đại vương hiểu rồi chứ ạ?

- Vâng, hiểu! Nhưng do năng lực ba la mật của Đức Tôn Sư - thì dường như cả đại địa đều có tâm khi ngài ngự đến. Thế tại sao hai tảng đá lớn lại có tâm, biết nâng đỡ tảng đá nhỏ để bảo vệ cho Đức Tôn Sư, còn mảnh đá nhỏ lại không có tâm, không biết cung kính tránh xa bàn chân của Đức Tôn Sư, hở đại đức?

- Nói có tâm chỉ là cách nói - còn đất đá vô tri làm sao lại có tâm được, đại vương! Đất đá không có tâm thì làm sao nói đến chuyện không biết cung kính Đức Tôn Sư được, đại vương! Không biết cung kính Đức Tôn Sư, trên thế gian này có mười hai loại người, tức là không phải đất đá vô tri, vô giác - thưa đại vương!

- Xin đại đức giảng cho nghe.

- Vâng, mười hai loại người ấy là:

người quá nhiều tham luyến,
người quá nhiều sân hận,
người quá nhiều si mê,
người quá kiêu căng, ngã chấp,
người không có đức hạnh cao quý,
người quá cứng cỏi, không biết nhu thuận,
người xấu xa, hèn hạ, đê tiện,
người chuyên làm việc tội lỗi,
người nhiều tâm ác,
người nhiều hận thù,
người bị ham muốn đê hèn chi phối,
người quá tham lợi.

Đấy mới đúng là mười hai hạng người không biết cung kính, còn mảnh đá vô tri đụng vào chân Phật chỉ là năng lực tự nhiên thôi. Ví như một ngọn gió thổi mạnh cuốn hút lá khô, tung vào không gian, lá khô kia không biết sẽ rơi vào hướng nào; cũng như thế ấy, những mảnh đá nhỏ do năng lực va chạm cũng không biết là nó sẽ rơi vào đâu, tâu đại vương!

- Cảm ơn đại đức! Trẫm sẽ không thắc mắc về điều ấy nữa.

* * *

116. Đức Phật thuyết về bố thí là để nhận được lợi lộc cúng dường?

- Thưa đại đức! Có lần Đức Thế Tôn thuyết về đề tài "Như Lai cũng cày ruộng" để độ cho ông bà-la-môn Bhàradvàja, sau đó, Đức Thế Tôn đã không thọ nhận vật thực do người bà-la-môn ấy dâng cúng. Ngài cấm chế điều học rằng: "Vật thực phát sanh do thuyết kệ ngôn, thầy tỳ khưu không được thọ nhận". Điều ấy có đúng chăng, đại đức?

- Thưa, đúng ạ!

- Thế tại sao khi thuyết cho hàng cư sĩ tại gia, ở đâu, Đức Thế Tôn cũng tuần tự nói về bố thí, về phước quả của sự bố thí, cúng dường, sau đó mới nói về trì giới... Chư thiên và loài người khi nghe Đức Thế Tôn thuyết về phước báu của sự bố thí, họ phát tâm hoan hỷ, ùn ùn kéo đến bố thí tứ sự cho Đức Thế Tôn. Rồi Chư Tăng đệ tử của Đức Tôn Sư cũng thuyết về bố thí, trì giới... do vậy, đời sống của Đức Phật và Chư Tăng thường thịnh mãn về y áo, vật thực, chỗ ở, thuốc men...

Thưa đại đức! Ở trên thì ngăn vật thực sau khi thuyết pháp, ở dưới thì thuyết pháp để nhận sự cúng dường? Hai đằng sao lại mâu thuẫn nhau đến vậy? Rồi, sự cố ý thuyết về bố thí để cho hai hàng cư sĩ tại gia bố thí cho mình, dường như là đã rơi vào phi pháp, vào tà mạng, không đúng với việc làm của một giáo hội cao cả! Trẫm hoài nghi và khó hiểu điều ấy lắm, mong đại đức bi mẫn chỉ giáo cho!

- Vâng, câu hỏi của đại vương hay lắm. Có lẽ nhờ câu hỏi của đại vương mà bần tăng sẽ phá nghi cho tất thảy người học Phật thời hậu lai!

Tâu đại vương! Pháp bao giờ cũng phải được thuyết tuần tự, thứ lớp; ấy là thông lệ của chư Phật từ quá khứ chứ không riêng gì Phật Thích Ca. Khi quán nguyên nhân đau khổ của chúng sanh, chư Phật thấy rõ rằng, có những đau khổ thô thiển do thiếu thốn vật chất mà sinh nghèo nàn, đói khổ, thiếu cơm, rách áo...! Lại có những đau khổ vi tế thuộc về lãnh vực tinh thần như giận ghét, bực bội, bỏn xẻn, tham muốn, hận thù v.v...

Chư Phật thấy phần đông nhân loại đau khổ do thiếu thốn vật chất, vì rất nhiều kiếp họ không biết bố thí, xả ly mà là sống bỏn xẻn, keo kiệt, rít róng,tư lợi, ích kỷ v.v... Muốn giúp họ có một đời sống khá hơn, đầy đủ vật chất hơn, được làm người, làm trời, an vui, hạnh phúc hơn - nên chư Phật phải thuyết về bố thí, rồi sau mới thuyết về trì giới. Tại sao vậy? Vì sự hỗ trợ phước báu rất cần thiết cho chúng sanh, là món quà tặng mà chúng sanh thường rất yêu thích. Ví như đứa trẻ thích chơi đồ chơi, an vui, sung sướng vì đồ chơi ấy - nên cha mẹ chúng phải cho chúng đồ chơi! Chư Phật dạy cho chúng sanh bố thí để có nhiều phước báu, cũng giống như mua sắm cho đứa trẻ cái cày nhỏ, cái nồi cơm nhỏ, con búp bê, chén bát nho nhỏ và những cái đồ dùng nho nhỏ xinh xinh! Lại còn mua sắm thêm những đồ chơi như cái ná, cái xe v.v..., cốt ý cho trẻ ham vui mà đừng khóc. Khi đứa trẻ lớn lên một tí, các đồ chơi kia chúng không yêu thích nữa thì cha mẹ mới dạy cho chúng cách học ăn, học nói, học lễ phép, học chữ nghĩa v.v... Cũng vậy, sau khi dạy chúng sanh bố thí, chư Phật sẽ thuyết về trì giới, nghĩa là thọ năm giới rồi tám giới. Khi chúng sanh căn cơ đã khá hơn, chư Phật mới dạy về tham thiền!

Ví như một vị lương y chữa bệnh cho một bệnh nhân khí huyết suy kiệt. Nếu bệnh nhân khí huyết suy kiệt mà cho uống thuốc trị liệu, bệnh nhân sẽ chết ngay. Phải cần cho bệnh nhân uống thuốc bổ khí, bổ huyết trước đã rồi mới cho thuốc trị bệnh. Cũng vậy, chư Phật thấy chúng sanh đau khổ trầm kha nên phải bốc vài thang thuốc bổ cho chúng sanh thọ hưởng chút ít an lạc, hạnh phúc, bằng cách thuyết về bố thí, cúng dường rồi sau đó mới thuyết về ngũ giới, bát giới; như những phương thuốc trị liệu vậy.

Đức vua Mi-lan-đà gật đầu:

- Vấn đề ấy có thể tạm ổn, nhưng việc ngăn vật thực thì sao, trẫm vẫn chưa hiểu.

- Vâng, sở dĩ Đức Thế Tôn không thọ vật thực sau khi thuyết kệ ngôn là để ngăn ngừa những tệ trạng có thể xảy ra trong hàng Tăng lữ sau này, tâu đại vương!

- Ý đại đức nói là chư phàm Tăng có thể sinh ra tà mạng, làm hoen ố cộng đồng Tăng lữ?

- Vâng, vì vậy cho nên ngài đã thuyết giảng rằng thân cử động có hai, đó là: thân cử động có tộithân cử động vô tội!

- Thế nào là thân cử động có tội?

- Tâu đại vương! Có một số phàm Tăng ôm bát đến nhà cư sĩ, họ không hề để ý giờ nào nên đến, đường nào nên đi, chỗ nào nên đứng. Họ đã làm mất thể thống oai nghi, có thể làm cho hàng cư sĩ chê cười. Nhận vật thực để thọ dụng trong trường hợp ấy là thân cử động có tội! Nuôi mạng như vậy thật đáng bị chê trách, khinh bỉ, không đáng được kính trọng, không xứng gọi là tỳ kheo trong giáo pháp của Đức Thế Tôn!

- Còn thế nào là thân cử động vô tội?

- Là cung cách ôm bát đi khất thực của các bậc thánh nhân hoặc của những vị tỳ kheo nghiêm túc, đoan trang về giới hạnh. Họ cũng cử động thân, cũng đi đường lớn, đường nhỏ, cũng đứng trước cửa mọi nhà; nhưng bao giờ lục căn cũng thu thúc, bao giờ cũng chánh niệm, tỉnh giác, giữ oai nghi, tác phong phải lẽ. Đấy gọi là thân cử động không tội, tâu đại vương! Sự nuôi mạng như vậy đáng được cung kính, quý trọng, đáng được hoan hỷ, tán dương, đáng được khen ngợi, đấy là cách nuôi mạng của bậc thánh.

Còn về sự ngăn ngừa tà mạng trong tương lai thì Đức Thế Tôn không những quy định sau khi thuyết kệ ngôn mà còn quy định để ngăn ngừa bất kỳ sự cử động nào của khẩu, trong điều học được gọi là khẩu cử động có tội và khẩu cử động vô tội, tâu đại vương!

- Thế nào là khẩu cử động có tội?

- Ở đây nói về những vị tỳ kheo đi vào nhà các cư sĩ rồi "mở miệng" xin các vật dụng khác nhau, ví dụ: y bát, sàng tọa, thuốc men! hoặc nói ướm cách này cách kia để người ta dâng cúng vật thực vừa lòng! Khẩu cử động vì tà mạng như vậy không hợp giới luật của bậc thánh, là phi pháp, đáng bị khiển trách, chê bai; là gây nhân tội lỗi, nên gọi là khẩu cử động có tội, tâu đại vương!

- Về khẩu chỉ có bấy nhiêu thôi ư?

- Không, còn nữa, nó rộng rãi hơn nhiều. Ví dụ như thầy tỳ khưu mà cố ý xem bói để được lợi lộc, được nhiều vật thực. Hoặc nói tốt cho người để người hoan hỷ mà cúng dường. Hoặc nói xấu, dữ khiến người ta sợ hãi mà phải làm phước để hồi hướng, để tiêu trừ ách nạn. Hoặc xem hướng nhà, hướng cửa, chỗ đất... để đoán kiết, hung v.v... Tất thảy "sự mở miệng" ấy đều được nằm trong điều học khẩu cử động có tội, tâu đại vương!

- Trẫm đã hiểu.

- Còn nữa, các bậc thánh, dầu "mở miệng vô tình" mà có được vật thực, các ngài cũng không thọ dụng. Ví như bậc Tướng Quân Chánh Pháp, một lần nọ bị bệnh đau bụng dữ dội, Ngài Mục-kiền-liên thấy vậy bèn hỏi: "Thuở còn làm người tại gia, mỗi lần lên cơn đau cường liệt như vậy, tôn huynh thường sử dụng thuốc gì?" Đức Xá-lợi-phất đáp: "Mỗi lần lên cơn đau như thế, mẹ tội thường dùng cơm nấu với sữa tươi không có lẫn nước, uống vào là bệnh dứt ngay". Chư thiên nghe được lời nói vô tình của Ngài, nên khi Ngài Mục-kiền-liên đi bát, chư thiên đã ngầm mách thí chủ đặt món ăn như vậy vào bát cho Ngài. Khi Đức Mục-kiền-liên mang món ăn cơm sữa đến, Đức Xá-lợi-phất biết rằng, thuốc trị bệnh này đã do mình "mở miệng" mà có, là tà mạng nên không thọ dụng...

Đức vua Mi-lan-đà tán thán:

- Đúng là giới luật của bậc thánh, dầu mở miệng vô tình chứ không cố ý mà cũng không thọ dụng! Thuốc trị bệnh mà cũng ngăn huống hồ là vật thực, huống hồ là vật thực có được sau khi cố ý thuyết kệ ngôn! Trẫm đã hiểu điều ấy rồi, thưa đại đức! Còn thế nào là khẩu cử động không tội?

- Khi thí chủ yêu cầu Chư Tăng cho biết những nhu cầu về tứ sự, ví dụ: các ngài cần thuốc men gì, vật thực gì v.v..., trường hợp ấy gọi là thọ dụng do yêu cầu của thí chủ - thì không có tội! Tỳ khưu đau ốm thực sự, mở miệng xin thuốc men ở chỗ thí chủ hoan hỷ và sẵn sàng dâng cúng - cũng là khẩu cử động vô tội, tâu đại vương.

Đức vua Mi-lan-đà suy nghĩ một lát:

- Trẫm còn một hoài nghi, là khi Đức Thế Tôn quán căn duyên của bà-la-môn Bhàradvàja, xét thấy là ông bà-la-môn ấy có thể độ được - nên Đức Phật mới ôm bát đến gần thửa ruộng của ông ta. Ý của trẫm muốn nói rằng, cái tâm của Đức Thế Tôn lúc ấy là muốn độ người chứ đâu phải là vì vật thực mà Ngài lại ngăn vật thực? Vả lại, biết đâu sau thời Pháp, ông bà-la-môn hoan hỷ cúng dường thì sao? Lẽ nào Đức Thế Tôn lại ngăn luôn sự hoan hỷ của chúng sanh?

Đại đức Na-tiên mỉm cười:

- Câu hỏi ấy vi tế, sâu sắc lắm đấy! Nhưng thưa đại vương, nếu không ngăn thì sau này hàng trăm, hàng ngàn vị tỳ kheo còn phàm, ham muốn lợi dưỡng - nhân cớ ấy để đi từ nhà này sang nhà khác, mở miệng thuyết pháp, đọc kệ ngôn để kiếm tìm lợi lộc, đầy đủ tứ sự cho riêng mình. Họ sẽ không "mở miệng" xin vật dụng, vật thực nữa - mà họ được dịp mở miệng đúng Pháp - là mở miệng để dạy đạo, dạy Pháp cho người! Điều ấy không nguy hại cho Giáo Hội sao?

- Thưa vâng! Thế còn việc ngăn "hoan hỷ" thì sao?

- Biết đâu, ngăn hoan hỷ lúc ấy mà tín tâm, trí tuệ sau này của người bà-la-môn được tăng trưởng, được thành tựu vững chắc thì sao, hở đại vương?

- Vâng, có thể như vậy! Còn chư thiên họ dâng vật thực cho Đức Thế Tôn thì có liên hệ gì về thân, khẩu cử động không? Và họ chỉ dâng một lần khi Đức Thế Tôn thọ thực món thịt heo rừng của người thợ rèn Cunda, hay đã dâng nhiều lần như thế?

- Chư thiên họ dâng vật thực cho Đức Thế Tôn trong suốt cả bốn mươi lăm năm ngài hoằng Pháp, dâng tất cả những bữa ăn. Chư Thiên họ dâng không liên hệ gì về thân, khẩu cử động cả; họ tự ý làm, và làm một cách chăm chuyên, cần mẫn... rất khác với loài người, tâu đại vương!

- Xin đại đức giảng cho nghe.

- Vâng, họ không dâng một lần mà họ để vật thực vào trong mỗi miếng ăn của Đức Thế Tôn. Ví như đại vương có người hầu bếp tận tụy, trung thành. Khi đại vương ngự dụng, người hầu bếp gắp bỏ cho đại vương từng miếng ăn ngon, chờ cho đại vương ăn xong miếng này, người hầu bếp bỏ thêm món khác. Chư Thiên hầu hạ, phục vụ từng bữa ăn cho Đức Thế Tôn cũng như thế ấy, với tất cả tấm lòng như đứa con hiếu thảo đối với cha mẹ vậy. Vào hạ thứ mười hai, lúc Đức Thế Tôn an cư mùa mưa tại Veranjà, nhằm khi đói kém, ngài phải dùng vật thực của ngựa; nhưng chư thiên cũng đem trộn vật thực của cõi trời vào trong đấy, nên kim thân của Đức Thế Tôn lúc nào cũng tươi nhuận, hồng hào...

Đức vua Mi-lan-đà tán thán:

- Thật là kỳ diệu. Nhờ đại đức mà trẫm được mở rộng kiến văn.

* * *

117. Tại sao Đức Thế Tôn không muốn thuyết pháp sau khi đắc đạo?

Đức vua Mi-lan-đà hỏi tiếp rằng:

- Đức Thế Tôn đã trải qua bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp tu tập công hạnh Ba-la-mật - là do động cơ nào thúc đẩy, thưa đại đức?

- Vì thấy chúng sanh chịu mọi đau khổ trong ba cõi, sáu đường - nên Đức Thế Tôn phát tâm bi mẫn tìm phương thuốc để cứu độ chúng sanh, tâu đại vương!

- Nếu vì tâm đại bi muốn cứu độ chúng sanh là chính đáng, là nguyên động lực thúc đẩy - thì tại sao sau khi chứng ngộ đạo quả vô thượng dưới cội bồ đề, Đức Thế Tôn lại ngần ngừ không muốn Chuyển Pháp Luân? Có phải tâm Đức Thế Tôn đã chùn lại, chẳng còn hăng hái như thuở mới phát nguyện? Hay ngài đã quên hẳn nguyện lớn từ xưa? Hoặc Đức Thế Tôn đã trở nên tiêu cực, muốn an hưởng quả vị giải thoát Niết bàn cho khỏe?

Đại đức Na-tiên mỉm cười:

- Cái gọi là ngần ngừ, chùn lại, không còn hăng hái, quên nguyện lớn từ xưa hoặc tiêu cực, thụ động v.v... làm sao lại có thể có mặt trong tâm và tuệ của một đấng Đại Giác được, tâu đại vương!

- Thế tại sao ngài lại do dự, không chịu chuyển bánh xe Pháp để cứu độ chúng sanh? Ví như một công dân muốn phụng sự tổ quốc, y đã bỏ hết quãng đời niên trẻ, bôn ba tìm thầy học nghề cung nỏ. Khi thành tài, người công dân kia ứng thí và đỗ đầu chức võ quan. Trẫm tin cậy viên võ quan thiện xạ ấy lắm. Nhưng khi lâm trận, gặp địch, viên võ quan tài giỏi ấy có cái tâm chùn lại, có cái tâm tiêu cực, hãi sợ, rụt rè... không dám giương cung để cự địch. Thái độ của Đức Thế Tôn cũng giống như thái độ của viên võ quan ấy chứ nào có khác gì?

Lại ví như người học võ, ngày đêm tập luyện không mệt mỏi với nguyện vọng ngày kia sẽ vô địch trên các võ đài. Nhưng khi lên võ đài gặp đối thủ, người kia sợ hãi đến xanh mặt, cái tay chùn lại, cái chân run rẩy, quả tim trống đánh đổ hồi... rồi vì khiếp sợ mà y đã thối chí, không dám đương cự với địch thủ nữa; và ước muốn trở thành vô địch, ý chí quyết thắng ban đầu chợt tiêu tan như mây khói. Đức Thế Tôn với bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp tu tập bằng chí nguyện sắt đá, thành tựu công hạnh Ba-la-mật, đem ánh sáng trí tuệ soi đường chỉ lối cho chúng sanh đang bị vô minh che phủ trong đêm trường tăm tối...; nhưng khi thành tựu đạo lớn rồi, ngài lại thối chí, ngã lòng - chẳng khác gì người học võ ở ví dụ trên? Nếu vậy thì Đức Thế Tôn tu tập để làm gì? Thành tựu mười Ba-la-mật để làm gì? Ngài bố thí vật ngoại thân là tài sản, của cải, ngọc ngà, châu báu... là để làm gì? Lại còn bố thí cả vật nội thân như con mắt, quả tim, tay, chân... và luôn cả đầu, cổ, cả sanh mạng... là để làm gì mới được chứ?

Thưa đại đức! Đấy là những vấn nạn của trẫm, những vấn nạn nhức đau, khó hiểu, có ẩn bóng tối; mà chúng ngoại đạo dễ phanh ra để đàm tiếu, để bôi nhọ phẩm hạnh của Đức Đạo Sư, tâm và tuệ của ngài. Mong đại đức bi mẫn thương tưởng đến trẫm cùng những người học Phật thời hậu lai mà ra tay vén mở cho thì trẫm cám ơn lắm vậy!

- Tâu đại vương - đại đức Na-tiên chậm rãi nói - Xin đại vương hãy nhẫn nại, bình tĩnh, đâu còn có đó; rồi những nghi vấn của đại vương sẽ lần hồi được sáng tỏ, đại vương hãy từ từ mà nghe đây.

- Thưa vâng!

- Lời đầu tiên bần tăng muốn xác định là tâm Đức Thế Tôn vẫn khắng khít với lời phát nguyện ban đầu, nghĩa là tâm bi mẫn muốn cứu độ chúng sanh vẫn không suy giảm. Sở dĩ Đức Thế Tôn do dự không muốn thuyết pháp độ đời, là vì giáo pháp mà ngài vừa đại ngộ cao sâu quá, nhiệm mầu quá, vi tế quá, chỉ ngại chúng sanh vì vô minh, ái dục, vì chấp kiến quá sâu dày mà khó biết, khó thấy thôi!

- Dù sao, Đức Thế Tôn cũng đã do dự!

- Vâng, do dự và phân vân nữa! Nhưng là một sự do dự và phân vân hữu lý, vì ngài không ngờ rằng "sự thực" mà ngài chứng ngộ khác xa với dự tưởng thuở ngài còn là bồ tát!

- Vậy là có khác rồi, thay đổi rồi!

- Vâng, không khác, không thay đổi sao được, khi bồ tát thì còn vô minh mà bậc Chánh Đẳng Giác đã diệt tận vô minh? Tâm và tuệ của bồ tát khác xa với tâm và tuệ của vị Phật, tâu đại vương!

- Xin đại đức giảng rộng cho nghe.

- Thưa vâng, có thể trong thời gian trải qua bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp, bồ tát tu tạo công hạnh ba-la-mật với ý nghĩ rằng: sau khi thành Phật, ta sẽ cứu độ tất thảy chúng sanh! Nhưng khi thành Phật rồi, tâm và tuệ của ngài không còn giống với trình độ tâm và tuệ thuở còn là bồ tát - mà nó sâu sắc hơn, vi tế hơn, lợi thắng hơn. Nghĩa là Đức Phật có những khả năng mà bồ tát không có! Ngài có những sự thấy biết mà bồ tát khó thấy biết. Ví dụ như Đức Phật thấy, biết rằng: "Chúng sanh có những căn cơ sai khác dị, đồng rất khó mà giáo hóa; trình độ chúng sanh đa phần ngu si, tăm tối... khó mà cho chúng thấy được Giáo Pháp cao siêu mầu nhiệm ấy"! Tâu đại vương, điều mà bần tăng vừa trình bày đó nghe có hữu lý không?

- Có thể là hữu lý! Ý đại đức nói rằng, thuở còn là bồ tát thì tưởng là dễ độ chúng sanh; nhưng khi thành Phật, chứng ngộ Pháp rồi - thì thấy rằng Pháp ấy không dễ gì mà mang ra cho tất thảy chúng sanh cùng thấy, cùng biết được.

- Vâng!

- Nếu quả như vậy thì sự phân vân, do dự của Đức Thế Tôn là sự phân vân, do dự của bậc đại trí - trẫm hiểu rồi!

- Ví như một lương y đại tài thường không cau mày trước bất kỳ một bệnh nào. Nhưng hôm kia, vị lương y gặp phải một căn bệnh kỳ quái, hiểm nghèo mà suốt đời vị ấy chưa từng biết qua. Trường hợp ấy, vị lương y đại tài kia phân vân, do dự - có hữu lý không hở đại vương?

- Thưa, hoàn toàn hữu lý.

- Cũng giống như thế ấy, khi còn vô minh, còn tu tập mười công hạnh ba-la-mật, bồ tát nghĩ rằng có thể cứu độ tất thảy chúng sanh. Nhưng khi thành Phật rồi, hết vô minh rồi - ngài lại ngần ngừ, do dự trước những căn bệnh trầm kha của chúng sanh đấy, tâu đại vương!

- Hoàn toàn chính xác!

- Ví như có một vị hoàng tử trẻ tuổi, tài cao, chí lớn, thường suy nghĩ rằng: "Sau này làm vua, ta sẽ là một đấng minh quân. Ta sẽ trừng trị những tay gian thần, nịnh thần. Ta sẽ nghiêm khắc với chính mình, đối xử chừng mực, phải lẽ với hoàng hậu, thứ phi, cung nga, thể nữ. Ta sẽ ban thưởng trọng hậu cho các quan thanh liêm, chính trực, những bề tôi lương đống và kẻ có công. Ta sẽ thương dân như con. Ta sẽ bảo ban sau trước tất cả mọi công việc, chăm lo làm sao cho dân giàu, nước mạnh v.v..." Nhưng khi lên làm vua rồi, vị vua trẻ mới thấy rằng, không dễ gì thực hiện những ý nghĩ thuở còn hoàng tử được. Và không dễ gì trong một lúc mà làm hết các công việc như dự kiến ban đầu. Muốn làm đấng minh quân đâu phải chỉ trong một sớm, một chiều? Việc gì cũng phải cẩn thận, dè dặt, vì mỗi người là mỗi tâm, mỗi tánh, sở thích, tham muốn... khác nhau! Tâu đại vương, sự phân vân, cẩn thận, dè dặt của vị vua trẻ kia có hữu lý không?

- Thưa, rất hữu lý.

- Sự phân vân, do dự của Đức Thế Tôn sau khi đạt quả vị cũng như thế ấy.

- Vâng, trẫm đã thông suốt lắm rồi! Nhưng sau đó, tại sao phải đợi đến lúc vị Đại Phạm thiên thưa thỉnh ba lần, Đức Thế Tôn mới xuống núi độ đời, lăn bánh xe Pháp? Chuyện ấy có ý nghĩa gì không, thưa đại đức?

- Có ý nghĩa chứ, tâu đại vương! Một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác làm việc gì cũng đều quán căn, cơ, duyên... của chúng sanh cả! Đại Phạm thiên thưa thỉnh ba lần, đây là thông lệ của chư Phật quá khứ, tâu đại vương!

- Xin đại đức tuần tự mở thông lỗ tai cho trẫm.

- Thưa vâng! Sở dĩ chư Phật đợi đến lúc Đại Phạm thiên thưa thỉnh mới chuyển Pháp luân, là vì Đại Phạm thiên là bậc Tối Thượng Tôn, là bậc có quyền năng vô hạn theo truyền thuyết nhân gian và theo cả tín ngưỡng, lòng tin cổ truyền của người theo Bà-la-môn giáo. Không những loài người, mà cho chí chư thiên và các vị phạm thiên đều quy ngưỡng, kính trọng bậc Đại Phạm thiên. Vậy khi mà bậc Đại Phạm thiên ấy đến quỳ năm vóc sát đất, quy ngưỡng và cung thỉnh Đức Thế Tôn xuống núi độ đời, thì chắc hẳn sự lợi lạc cho Giáo Pháp, tăng tưởng lòng tin cho chư thiên và loài người như thế nào, chắc là đại vương có thể hiểu được rồi!

Đức vua Mi-lan-đà gật đầu:

- Đúng vậy, khi ông vua mà quy phục rồi thì bọn bề tôi dưới trướng phải nhất mực tuân theo. Lại nữa, khi mà ông vua cung thỉnh thuyết pháp, thì pháp ấy chắc hẳn phải tốt đẹp, phải lợi ích cho cả chư thiên và loài người, thưa đại đức!

- Lại nữa, tâu đại vương! Khi mà vị Đại Phạm thiên thưa thỉnh ba lần hợp pháp rồi, Đức Thế Tôn mới quán căn duyên của chúng sanh. Ngài thấy rằng, như hoa sen nở ở trong hồ, cái đang còn chìm ẩn trong bùn, cái đang còn chìm dưới nước, cái đã trồi ngang mặt nước, cái thì đã vươn lên khỏi mặt nước để đón nhận ánh sáng mặt trời, phô thắm sắc và tỏa ngát hương. Cũng vậy, chúng sanh ngu trí khác nhau. Có loại chúng sanh đang bị chìm sâu trong bùn dơ ngũ dục. Có loại chúng sanh tuy đã ra khỏi bùn nhưng còn chìm trong nước. Có loại chúng sanh đã trồi ngang mặt nước. Có loại chúng sanh căn cơ thượng đẳng, đã vươn lên khỏi mặt nước. Loại chúng sanh này ít bụi cát trong mắt, có thể phủi sạch để thấy được Giáo Pháp mầu nhiệm cao siêu, đón nhận được ánh sáng tuệ giác để giải thoát sinh tử trầm luân!

Tâu đại vương! Ý nghĩa thưa thỉnh ba lần của vị Đại Phạm thiên có duyên cớ và ý nghĩa thù thắng như thế, thì kẻ nhiều bụi cát trong mắt làm sao biết được, hiểu được, phải không đại vương?

- Vâng, vâng! Trước thì đầu óc trẫm rất nặng, đại đức đã làm cho nhẹ đi! Trước thì nghi kiến của trẫm rất rối ren, đại đức đã tháo gỡ cho từng dây, từng mối. Trẫm rất tịnh tín với đại đức, đại đức có biết thế không?

- Cảm ơn đại vương.

* * *

118. Ai là thầy của Đức Thế Tôn?

Đức vua Mi-lan-đà lại hỏi:

- Thưa đại đức! Trẫm nhớ không lầm là sau khi thành đạo, trên đường về vườn Lộc giả, Đức Phật có tuyên bố với một đạo sĩ thuộc phái Ni-kiền-tử rằng: "Như Lai không có ai là thầy tổ. Khắp trên thế gian này, Như Lai không thấy ai, dầu trong hàng chư thiên, ma vương hay phạm thiên, hay giữa loài người như sa môn, bà-la-môn... lại có thể sánh với Như Lai, hoặc là có ai đó có thể ngang bằng với Như Lai...!"

Rồi sau này, lúc thuyết pháp đến Chư Tăng ở đâu đó, Đức Thế Tôn lại nói rằng: "Này các thầy tỳ khưu, đạo sĩ Àlàrà thuộc dòng Kàlàma là người có học vấn, thông minh, là bậc thiện trí thức, là thầy của Như Lai"!

Thưa đại đức! Tại sao Đức Tôn Sư lại thuyết hai lưỡi? Nếu không thuyết hai lưỡi thì là thuyết hai lời đối chọi nhau? Nếu câu này đúng thì câu kia sai, và nếu thế thì làm sao biết được lời nào là đúng sự thật?

Đại đức Na-tiên đáp:

- Chỉ một hiểu lầm nhỏ thôi mà sinh ra vậy. Nghĩa là sau khi thành Phật rồi, Đức Thế Tôn không có ai là thầy; nhưng khi còn là Bồ Tát, chưa thành Phật, Ngài vẫn có nhiều vị thầy chứ, tâu đại vương!

- À ra thế! Chỉ đơn giản vậy thôi! Trẫm hiểu rồi.

- Cuộc đời Đức Tôn Sư từ nhỏ đến khi thành đạo, Ngài có năm vị thầy tất cả, tâu đại vương!

- Xin đại đức hãy kể cho trẫm nghe.

- Vâng, khi Ngài vừa đản sanh, tám vị thầy bà-la-môn đến làm lễ phúc chúc rồi đoán tướng cho Ngài, đó là những vị thầy đầu tiên. Đến khi tuổi vừa đi học, người bà-la-môn thông thái tên là Sabbanimitta dạy cho Ngài ba bộ kinh Phệ-đà cùng những môn học khác, đó là vị thầy thứ hai. Khi Bồ tát dạo chơi bốn cửa thành, chư thiên hiện hình làm người già, bệnh, chết và vị sa môn trong phẩm mạo xuất gia cao thượng, đó là những vị thầy thứ ba. Đạo sĩ Alàrà thuộc dòng Kàlàma hướng dẫn Bồ tát đắc thiền vô sở hữu là vị thầy thứ tư. Và cuối cùng, đạo sĩ Uddaka con dòng Ràma hướng dẫn Bồ tát thiền chứng phi phi tưởng là vị thầy thứ năm!

Tâu đại vương! Năm vị thầy ấy thuộc về thế gian. Dầu hai đạo sĩ sau cùng dạy Bồ tát chứng đắc thiền định cõi vô sắc giới thì cũng còn nằm trong tam giới. Còn pháp siêu thế, xuất thế gian là tự Đức Thế Tôn chứng nghiệm, tìm ra, quả thật không có ai là thầy Ngài cả. Đại vương đã tỏ tường chưa?

- Vâng! Trẫm đã tỏ tường!

* * *

119. Thế nào gọi là Sa-môn?

- Thưa đại đức! Có phải Đức Tôn Sư có thuyết rằng: "Bậc Thánh nhơn là người đã diệt tận phiền não, người diệt tận phiền não được gọi là sa-môn"?

- Thưa, đúng vậy!

- Ở nơi khác, Đức Thế Tôn lại thuyết rằng: "Này các thầy tỳ khưu! Người nào có đầy đủ bốn pháp:

- có sự nhẫn nhục,
- biết tri túc về vật thực,
- dứt bỏ sự đam mê,
- không vướng bận,

thì Như Lai gọi là sa-môn!"

Thưa đại đức! Ở trên thì diệt tận phiền não gọi là sa-môn; còn ở dưới, chỉ đầy đủ bốn pháp nêu trên cũng được gọi là sa-môn? Đầy đủ bốn pháp ấy thì một phàm tăng có tâm tu học, chưa chứng Thánh quả cũng có thể thành tựu được! Vậy thì biết tin định nghĩa nào là đúng, thưa đại đức?

- Định nghĩa nào cũng đúng cả, tâu đại vương!

- Thưa, không thể như vậy được. Một bên là diệt tận phiền não, một bên thì còn phiền não - sao đều cùng chung một tên gọi cao quý là sa-môn? Trẫm không đồng ý như thế!

Đại đức Na-tiên mỉm cười:

- Tâu đại vương! Trong các loài hoa có mặt trong quốc độ của đại vương, theo ý đại vương thì loài hoa nào quý báu hơn cả?

- Thưa, có lẽ bạch liên hoa là quý phái, sang trọng, tinh khiết và quý báu nhất!

- Quý báu, sang trọng nhất - cũng chỉ được gọi tên là hoa như các loài hoa tầm thường khác thôi sao, đại vương?

- Đấy là tên gọi gom chung lại, có tính tổng quát, thưa đại đức!

- Cũng như thế, sa-môn chỉ là tên gọi gom chung lại, có tính tổng quát như tên gọi hoa vậy, tâu đại vương! Cứu cánh của sa-môn hạnh là diệt tận phiền não, nên những ai diệt tận phiền não thì được gọi là sa-môn. Nhưng những vị tỳ khưu đang đi trên con đường ấy, kẻ thành tựu được bốn pháp, kẻ đang và sẽ thành tựu bốn pháp - đều được gọi là sa-môn cả thảy.

Nếu như trong loài hoa, bạch liên hoa là cao quý nhất, thì cũng thế, trong hàng sa-môn, các sa-môn diệt tận phiền não rồi - là cao quý nhất!

- Trẫm đã hiểu.

- Ví như trong quốc độ của đại vương có rất nhiều loại gạo, nhưng gạo Sàli ngon nhất, thơm nhất, quý báu nhất. Cũng vậy, bậc hữu học sa-môn đang tu tập bốn pháp để diệt phiền não không cao quý bằng bậc vô lậu sa-môn đã diệt tận phiền não - nhưng họ đều có tên chung là sa-môn cả, tâu đại vương!

- Cảm ơn đại đức.

* * *

120. Có nên hoan hỷ không khi người ta tán dương Tam Bảo?

Đức vua Mi-lan-đà hỏi tiếp:

- Thưa đại đức! Đức Thế Tôn có thuyết ở trong nhiều kinh, nhất là kinh Brahmajàla (Phạm võng), lúc Ngài ngự giữa thành Vương Xá và xứ Na-lan-đà, cố ý dạy cho Chư tỳ khưu Tăng, rằng: "Này các thầy, nếu có ai đó tán dương, khen ngợi Như Lai hoặc khen ngợi và tán dương Pháp và Tăng, các thầy đừng có hoan hỷ, thỏa thích, đừng để tâm rung động, xao động, bởi những lời khen ngợi ấy. Vì sao vậy? Bởi vì nếu các thầy hoan hỷ, thỏa thích, đắm trước vào những sự tán dương, khen ngợi, tâng bốc của người đời - thì tâm các thầy sẽ lao xao, rối loạn; và như thế các thầy khó an trú tâm, khó đắc định, khó chứng ngộ những pháp cao siêu là các đạo và các quả." Điều ấy có đúng không, đại đức?

- Tâu, đúng là lời của Đức Tôn Sư!

- Thưa, nếu đúng là lời của Đức Tôn Sư, thì lại càng khó hiểu khi Đức Thế Tôn lại tự tán dương, khen ngợi mình, có vẻ khoe khoang quá đáng trước mặt người ngoại đạo là bà-la-môn Sela rằng: "Giữa chốn chư thiên, ma vương, phạm thiên và loài người, Như Lai là bậc Tối Thượng Tôn, là bậc pháp vương cao quý. Không có ai có công đức bằng Như Lai. Như Lai đã chuyển Pháp luân toàn hảo ở chặng đầu, toàn hỏa ở chặng giữa và toàn hảo ở chặng cuối để cứu độ tất thảy chúng sanh, trời và người. Không ai có thể so sánh tương tợ với Như Lai, huống nữa là ngang bằng với Như Lai!"

Thưa đại đức! Một đằng thì Đức Thế Tôn cấm Chư tỳ khưu Tăng không được hoan hỷ, thỏa thích bởi những lời tán dương, khen ngợi. Đằng khác, Đức Thế Tôn lại tự khen ngợi, tự tán dương mình! Trẫm nghi lắm. Trẫm nghi rằng có cái gì đó rất mâu thuẫn, không được thích đáng cho lắm ở ngôn và hành của Đức Đạo Sư!

Đại đức Na-tiên mỉm cười:

- Lý do tại sao Đức Thế Tôn giáo giới không cho Chư tỳ khưu Tăng hoan hỷ, thỏa thích trước những lời khen ngợi, tán dương - đại vương có biết chăng?

- Thưa, vì ngại tâm Chư tỳ khưu bị xao động, khó an trú tâm, khó đắc định và khó đắc đạo quả!

- Đúng vậy! Còn đối với những người đã khéo an trú tâm, đã đắc định, đã chứng đắc Thánh quả - thì Đức Thế Tôn có cần thiết giáo giới như thế không?

- Dĩ nhiên là không cần thiết, thưa đại đức! Ví như kiêng cử không nên ăn món này, không nên ăn món kia và uống thuốc để chữa bệnh, nhưng bệnh lành rồi thì uống thuốc và kiêng cử làm gì nữa, đại đức?

- Vâng, Đức Thế Tôn cũng thế. Ngài đã an trú tâm, đã đắc định và đã đắc quả vị Chánh Đẳng Giác - thì lời khen, tiếng chê có ảnh hưởng gì đến tâm Ngài đâu, đại vương!

- À, đúng thế!

- Lại nữa, Đức Thế Tôn thuyết không phải mong được kẻ khác tôn trọng, không phải thuyết để tìm kiếm lợi lộc, danh vọng; không phải thuyết để tìm kiếm kẻ tùy tùng, đệ tử. Ngài thuyết chỉ vì lợi ích cho chúng sanh.

Đại vương! Đại vương có biết rằng, sau thời pháp mà đại vương bảo là Đức Thế Tôn tự khen ngợi và tự tán dương mình ấy, bà-la-môn Sela đã tăng trưởng đức tin, pháp nhãn phát sanh và chứng ngộ Sự Thật. Và ba trăm người nữa có mặt hôm ấy cũng chứng đắc đạo quả cao siêu! Đại vương nghĩ thế nào, thời pháp ấy là thù thắng hay không thù thắng?

- Thưa, rất vi diệu.

Đại đức Na-tiên nhấn mạnh:

- Đức Thế Tôn có "khoe khoang quá đáng" như lời đại vương khiển trách - thì mục đích cũng nhắm vào căn cơ của người đối thoại, nhắm vào lợi ích của chúng sanh thôi, tâu đại vương!

- Trẫm không dám nói thế nữa đâu!

* * *

121. Sao Đức Thế Tôn lại dùng lời ác khẩu, ác ngữ?

Đức vua Mi-lan-đà hỏi:

- Thưa đại đức! Đức Thế Tôn thường thuyết rằng: "Này các thầy tỳ khưu! Các thầy phải có tâm bi mẫn đối với chúng sanh, nên nói lời từ hòa, mát mẻ, phải thương xót chúng sanh mới xứng giữ phẩm hạnh cao thượng trong giáo pháp của Như Lai."

Một chỗ khác, Đức Thế Tôn lại thuyết: "Này các thầy tỳ khưu! Trong thế gian này cái gì đáng bị ngược đãi thì Như Lai ngược đãi, cái gì đáng được cất nhắc thì Như Lai cất nhắc! Cái gì đáng bị cắt tay, cắt chân thì Như Lai cắt tay, cắt chân! Cái gì đáng bị trói buộc thì Như Lai cho trói buộc! Cái gì đáng giết thì Như Lai bảo giết!"

Sao Đức Tôn Sư lại có thứ ngôn ngữ lạ lùng như thế? Ngôn ngữ ấy có xứng với phẩm hạnh của bậc Thánh? Đấy chính là ác khẩu, ác ngữ mà một hiền nhân trong thế gian này cũng không bao giờ sử dụng, huống nữa là Đức Đại Giác! Xin đại đức hoan hỷ phá nghi điều ấy cho trẫm!

- Tâu đại vương! Khi Đức Tôn Sư dạy rằng các thầy tỳ khưu phải có lòng từ, phải có lòng bi mẫn thương xót chúng sanh, ấy là lúc Ngài dùng thường ngữ, ai cũng có thể hiểu được. Nhưng khi Đức Tôn Sư dạy rằng, cái gì đáng bị ngược đãi thì Như Lai ngược đãi, cái gì đáng được cất nhắc thì Như Lai cất nhắc v.v..., ấy là lúc Ngài dùng Pháp ngữ. Pháp ngữ nghĩa là ngôn ngữ của Pháp! Xin đại vương hiểu cho như thế để khỏi hiểu lầm Pháp nghĩa mà Đức Tôn Sư muốn gởi gắm!

- Pháp ngữ, Pháp nghĩa ấy là thế nào, hở đại đức?

- Xin thưa! Ví dụ như chúng sanh hoặc chư vị tỳ khưu nào có tâm phóng dật, buông lung... thì hãy nên đè nén, ngược đãi, chế ngự, áp chế tâm ấy. Đó là Pháp ngữ, Pháp nghĩa của câu "Cái gì đáng bị ngược đãi thì nên ngược đãi (áp bức, đè nén...)".

Ví dụ, chư tỳ khưu hoặc chúng sanh nào có trạng thái tâm yên tĩnh, không bị lao xao, được vắng lặng thì nên cất nhắc, làm cho tốt hơn, viên mãn hơn, thanh tịnh hơn. Ấy là Pháp nghĩa, Pháp ngữ của câu "Cái gì đáng được cất nhắc thì cho cất nhắc".

Tương tự như thế, các trạng thái tâm bất thiện thì nên đè nén, áp chế...; các tâm thiện thì được cất nhắc. Khi khởi tâm đến đối tượng một cách sai lạc, không chân thực, không đúng với chân lý, sự thật thì nên ngược đãi, đè nén nó. Khi khởi tâm đến đối tượng một cách trong sáng, chân thật, đúng với chân lý, sự thật thì tâm ấy nên được cất nhắc, khen ngợi, làm cho phát triển.

Người nào thực hành giáo pháp sai thì nên đè nén, chế ngự... Người nào thực hành giáo pháp đúng thì nên cất nhắc, khen ngợi, tán dương, làm cho sung mãn v.v...

Tương tự như thế, kẻ ăn trộm thì cho đè nén, người không ăn trộm thì được cất nhắc!

Tất cả những điều ấy đều phải hiểu theo Pháp ngữ, pháp nghĩa cả, tâu đại vương!

Đức vua Mi-lan-đà nhăn mày:

- Thưa, đoạn trên thì trẫm hiểu, nhưng đoạn dưới, nơi chỗ "ăn trộm" thì trẫm không hiểu tới; "đè nén kẻ ăn trộm" phải được hiểu như thế nào, đại đức?

- Tâu, ở đây, phải hiểu thêm lý nhân quả, tùy tội trạng của tên ăn trộm ấy nữa. Ví như có những tên phạm pháp ăn trộm, tùy theo mức nặng hay nhẹ mà đại vương xử phạt. Có tội nhẹ thì khiển trách, tội đáng trói để răn đe thì nên trói để răn đe, tội đáng lưu đày thì lưu đày, tội đáng giết thì nên giết... Không ăn trộm thì không giết. Luật pháp thế gian là vậy, còn luật pháp của bậc thánh, khi nói như thế thì phải được hiểu theo Pháp ngữ, mong đại vương tỏ tường!

- Thưa, "đáng giết thì nên giết, giết phứt" đúng là câu nói của Đức Tôn Sư hay câu nói của đại đức?

- Tâu, Đức Thế Tôn không nói, mà bần tăng cũng không nói thế đâu!

- Vậy chữ "giết" kia do đâu mà có?

- Do nhân quả mà có. Ví dụ người ấy gây nhân quá nặng, đáng bị trọng hình, đáng bị giết - thì chính người ấy phải bị quả báo dữ! Chính quả báo dữ giết người ấy, tâu đại vương!

- Thưa, tạm thời trẫm hiểu, nhưng "không ăn trộm thì không giết" là nghĩa thế nào?

- Đại vương có khi nào sai lính đi lùng bắt những người dân lương thiện, những người vô tội... rồi đem về tra khảo, hành hình không?

Đức vua Mi-lan-đà lắc đầu:

- Có ông vua nào lại làm điều phi lý như thế!

- Cũng thế, những chúng sanh không làm điều sai quấy, không làm điều ác, điều dữ... thì quả báo nào lại đi lùng bắt kẻ ấy, phải thế không đại vương?

- Vâng.

- Tất cả những từ như đè nén, ngược đãi, cất nhắc, giết, ăn trộm... chúng ta phải hiểu theo Pháp ngữ, tâu đại vương!

- Trẫm hiểu rồi, cảm ơn đại đức!

* * *

122. Đức Thế Tôn còn bất bình, sân hận!

- Đức Thế Tôn chắc hẳn không còn sân hận, bất bình, phải không đại đức?

- Tâu, vâng!

- Thế sao có lần khi Đức Xá-lợi-phất và Đức Mục-kiền-liên dẫn năm trăm đệ tử đến hầu thăm Đức Thế Tôn; vì nhóm đệ tử ấy vừa mới xuất gia, thân khẩu ý chưa được kiểm soát, còn rất thô tháo nên đã tạo nên sự ồn ào, huyên náo... Đang độc cư thiền định, nghe thế, Đức Thế Tôn đã không chịu nổi, bảo Ngài Ànanda đuổi họ đi! Hành động ấy không phải do bất bình, sân hận là gì? Đuổi mà đuổi cả hai vị đại đệ tử, hai bậc thượng thủ của giáo hội thì đâu phải là chuyện bình thường? Đâu phải chuyện nói mà chơi? Đâu phải đuổi thế mà bảo là không bất bình, nổi sân một chút nào? Hay là Đức Thế Tôn đã đuổi bằng tâm từ ái, hoan hỷ? Có lẽ vậy mới phải lý, phải lẽ, phải nhân, phải quả chăng?

- Tâu đại vương! Có khi nào đại vương thấy quả đất có tâm bất bình, sân hận? Hoặc giả quả đất có tâm thương yêu hay thù oán chăng?

- Dĩ nhiên là không thể có.

- Vậy, ví như có người đi trên đất, bị té trên đất, gặp đá bị sưng đầu, vỡ trán - thì do người ấy bất cẩn hay do đất tạo tội hở đại vương?

- Chỉ tại người ấy chứ quả đất nào có tội gì!

- Tâm Đức Thế Tôn cũng an nhiên, bình lặng, không hoan hỷ, không thù oán, không bất bình, không hận, không thương, không ghét - ví như quả đất vậy. Người kia bất cẩn bị té sưng đầu, vỡ trán như thế nào thì năm trăm tỳ khưu có tội bị Đức Phật đuổi đi cũng như thế ấy, tâu đại vương!

- Ví dụ ấy không tương hợp rồi, thưa đại đức! Quả đất không khởi tâm, Đức Phật có khởi tâm, làm sao có thể giống nhau được?

- Tâu đại vương! Ngài phải hiểu rằng Đức Thế Tôn thường trú tâm xả. Tâm xả ấy thường bình lặng và an nhiên như quả đất vậy. Còn khi mà Đức Thế Tôn có khởi tâm - là khởi tâm muốn tế độ chúng sanh. Ngài đuổi họ là vì lợi ích cho họ chứ đâu phải do sân hận hoặc bất bình?

Ví như biển lớn không bao giờ dung chứa tử thi dù hàng trăm hằng ngàn tử thi bồng bềnh trôi nổi giữa đại dương, sóng cũng tìm cách đánh dạt những tử thi ấy vào bờ cho bằng được! Biển không hề có tâm hận, tâm hỷ, thương hoặc ghét như thế nào - thì Đức Thế Tôn khi đuổi năm trăm tỳ khưu vì hạnh động sái quấy của họ - cũng y như thế ấy.

- Vâng, nhưng nghe nói rằng, sau đó, Phạm thiên Sahampati và những người Thích tử đã đến qùy lạy xin Đức Thế Tôn đừng đuổi họ nữa.

- Quả vậy, nhờ thế, sau đó họ biết chăm chú nghe Pháp, tinh tấn thiền quán và năm trăm tỳ khưu kia đã đắc Thánh quả cả.

- Ồ! Hy hữu vậy thay. Còn trường hợp hai vị thượng thủ thì sao?

- Hai ngài Đại Đệ tử từ rày phải ý thức thêm trách nhiệm của mình: là phải tìm cách giáo giới nghiêm túc những kẻ sơ tu hơn nữa!

- Vâng, vậy thì trẫm không còn ngờ oan về tâm sân của Đức Thế Tôn nữa. Nhưng như vậy không có nghĩa là không còn mối nghi khác trong câu chuyện này.

Đại đức Na-tiên nói:

- Thôi được rồi, hẹn đại vương hôm khác.

* * *

123. Phải chăng Đức Thế Tôn không có tâm bi mẫn?

Đức vua Mi-lan-đà lại hỏi tiếp:

- Đồng ý là Đức Thế Tôn không có tâm sân hận, bất bình rồi; nhưng người ta có thể nghĩ rằng Ngài không có tâm bi mẫn, thưa đại đức.

- Tại sao đại vương lại nói thế?

- Có chứng cớ hẳn hòi, thưa đại đức. Trẫm còn nhớ, khi Đức Thế Tôn đuổi hai vị thượng thủ cùng năm trăm vị tỷ kheo, thì đại phạm thiên Sahampati và các Thích tử ở Càtuma đã lần lượt đến quỳ bên chân Đức Đạo Sư để năn nỉ, xin xỏ cho họ được ở lại. Họ đã nói rằng, năm trăm tỳ kheo ấy còn non dại, chưa biết gì, thật là tội nghiệp. Họ đã ví von rằng, như hạt mầm non trẻ, nếu thiếu nước, thiếu ánh sáng, thiếu đất tốt thì nó sẽ dần dần bị tiêu hoại; như những con nghé con, nếu thiếu bú mớm, thiếu chăm sóc, nuôi dưỡng thì những nghé con kia sẽ chết; và cũng vậy, năm trăm tỳ kheo kia mới sơ tu, họ cần phải được yết kiến Đức Thế Tôn, cần được nghe Pháp, dạy dỗ..., may ra họ mới được trưởng thành, lớn khôn trong Giáo Pháp của bậc Thánh! Sau đó, họ xin Đức Thế Tôn khởi lòng bi mẫn xót thương cho năm trăm vị tỷ kheo. Thưa đại đức, điều ấy chứng tỏ gì? Chứng tỏ rằng Đức Thế Tôn không có tâm bi mẫn, mà chính vị đại phạm thiên Sahampati và các Thích tử ở Càtuma mới có tâm bi mẫn!

- Tâu đại vương! Đức Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài là thầy của chư thiên và loài người, Ngài đã dạy giáo pháp cho chư thiên và loài người. Vậy thì cái tâm bi mẫn của phạm thiên Sahampati và các Thích tử ở Càtuma, họ học được từ đâu?

- Dĩ nhiên là họ học được từ Đức Thế Tôn.

- Đúng vậy. Họ học được tâm bi mẫn của Đức Thế Tôn, thế sao đại vương dám bảo Đức Thế Tôn không có tâm bi mẫn?

- Khi ấy có lẽ Đức Thế Tôn đã quên tâm bi mẫn của mình, đợi đến khi Đại phạm thiên Sahampati và các Thích tử Càtuna nhắc lại, Ngài mới nhớ chăng?

Đại đức Na-tiên bèn đưa ra ví dụ:

- Ví như có một người chồng vì thương vợ, bèn sắm đầy đủ các loại ngọc quý cho vợ trang sức. Lâu lâu, người vợ muốn làm vui lòng chồng, lấy đồ trang sức ấy trang điểm cho mình. Thấy vậy, người chồng có vui tươi, hoan hỷ không hở đại vương?

- Dĩ nhiên là phải vui chứ!

- Cũng như thế đó, đại vương! Tâm bi mẫn ấy do Đức Thế Tôn giáo huấn, dạy dỗ; và rất nhiều pháp khác nữa, Đại phạm thiên Sahampati và các Thích tử ở Càtuma học được từ Đức Thế Tôn. Lâu lâu, họ lấy giáo pháp ấy nói lại, trang điểm cho mình, làm cho Đức Thế Tôn cũng hoan hỷ, Ngài phải thốt lên rằng: "Sàdhu, lành thay!".

- Hay lắm!

- Lại nữa, ví như có người cận thần thân tín của đức vua, vào kho của đức vua lấy những ngọc ngà châu báu, những vòng kim cương, lưu ly để trang điểm ngai vàng cho đức vua, những mong cho đức vua thỏa thích, vừa dạ. Đại phạm thiên Sahampati và các Thích tử ở Càtuma cũng lấy giáo pháp của Đức Thế Tôn, những đoản ngôn, những ví dụ của Đức Thế Tôn... để nói lại - thì đâu có khác gì vị cận thần thân tín kia của đức vua?

- Vâng, hay lắm!

- Lại nữa, ví như có người học trò hầu hạ một vị hòa thượng, thường đem những lời hay ý đẹp mà vị hòa thượng ấy từng dạy bảo, nói lại cho hòa thượng nghe, làm cho vị hòa thượng vô cùng hoan hỷ, đẹp dạ. Đức Thế Tôn nghe lại giáo pháp của ngài do từ miệng của Đại phạm thiên Sahampati và các Thích tử thì cũng vừa lòng đẹp dạ như vậy đó, tâu đại vương!

Đức vua Mi-lan-đà bất giác mỉm cười:

- Đại đức bênh vực cho Đức Đạo Sư thật là hùng hồn; biết là có cái gì đó không được đúng lắm, nhưng trẫm cũng không biết y cứ từ kẻ hở nào mà tranh luận!

Đại đức Na-tiên cũng mỉm cười:

- Khi mà đấng Minh quân đã nói vậy thì rõ là không có chỗ nào sai sự thật rồi!

- Có lẽ vậy, cảm ơn đại đức!

* * *

124. Phẩm mạo xuất gia cao siêu đến cỡ nào?

Đức vua Mi-lan-đà lại hỏi:

- Thưa đại đức! Trước đây trẫm có cơ duyên hầu chuyện với trưởng lão Àyupala, được biết rằng, bậc xuất gia hay người tại gia đều có thể đắc quả cao thượng giống nhau. Mà chính Đức Tôn Sư cũng có thuyết như thế. Điều này trẫm còn có chỗ hoài nghi.

- Xin đại vương cứ nói.

- Thưa, người tại gia thọ dụng ái dục, ăn mặc bằng những y phục màu trắng có thêu hoa, nằm ngủ với vợ, mưu sinh bằng đủ mọi cách để nuôi vợ con; họ nhồi phấn, thoa vật thơm, trang sức, trang điểm mỹ lệ, chải chuốt mái tóc cho láng lẩy, gom góp tài vật đủ loại... Nghĩa là họ hưởng thụ dục lạc một cách đầy đủ, thỏa mãn...

Còn các bậc xuất gia phải cạo bỏ râu tóc, mặc những thứ vải thô, xấu, lại còn phải nhuộm nước chát cho ố màu đi. Họ còn phải thọ trì nghiêm khắc hai trăm hai mươi bảy giáo điều, mười ba pháp đầu đà khổ hạnh... Nghĩa là họ phải có một đời sống cơ cực, thiếu thốn đủ mọi bề...

Đại đức Na-tiên nói:

- Đúng như thế. Nhưng đại vương nghi ở chỗ nào?

- Thưa, thứ nhất là ai thực hành giáo pháp tốt cũng đắc đạo quả cao siêu. Vậy thì dại gì đi tu cho khổ, cho cơ cực, thà ở nhà hưởng thọ ngũ dục còn hơn vậy?

- Tâu đại vương! Sự thật là thế, nhưng người tại gia thực hành giáo pháp khó khăn hơn nhiều. Có thể nào một người cư sĩ thọ dụng ngũ dục, sống giữa cõi trần luôn luôn bị lửa tham sân thiêu đốt lại có thể chứng ngộ giáo pháp ly dục cao siêu được, hở đại vương?

- À ra thế!

- Còn các bậc xuất gia, do nhờ ghép mình vào các điều học, thọ mười ba pháp đầu đà, thu thúc lục căn thanh tịnh; nghĩa là luôn luôn sống đời lánh xa ngũ trần, tham sân ít có cơ hội thiêu đốt; nên bao giờ cũng dễ dàng chứng ngộ được giáo pháp ly dục, tâu đại vương!

- Vâng, vâng!

- Tuy nhiên, dẫu là xuất gia, nhưng họ buông lung phóng dật, không chịu thực hành những đề mục chỉ tịnh, quán minh - thì làm sao mà thấy được đạo quả hở đại vương?

- Vâng, vâng!

- Do vậy, phẩm mạo xuất gia hay tại gia quan trọng ở chỗ thực hành và không thực hành, tâu đại vương!

- Vâng! Và như vậy rõ ràng là bậc xuất gia vẫn cao thượng hơn tại gia! Nhưng trẫm không rõ là nó cao thượng đến cỡ nào?

- Không ai có thể định giá được ngọc ma-ni, tức ngọc như ý như thế nào, thì sự cao thượng của phẩm mạo xuất gia cũng y như thế, cái đức của bậc xuất gia cũng dường thế ấy!

- Các vị tỳ kheo trong giáo hội của đại đức thường giáo giới đến cận sự nam nữ hai hàng rằng đức của Chư Tăng như biển lớn, là ý đó chăng?

- Vâng, vì rằng biển rộng và sâu đến chừng nào thì chưa có ai đo lường được; thì sự cao thượng, cao siêu của phẩm mạo xuất gia cũng như biển vậy, khó lượng, khó dò!

- Thưa, vậy thì do đâu mà có được cái đức ấy, sự cao siêu, cao thượng ấy?

Đại đức Na-tiên nói:

- Dường như do đâu thì đại vương đã hiểu rồi.

- Xin đại đức cứ nói lại, có phải là do nhờ đời sống ghép mình vào giới hạnh?

- Vâng, sự thành tựu cao siêu ấy, thành tựu các đức lớn ấy là do đời sống viễn ly của chư tỳ khưu, chẳng hạn:

- Thiểu dục (ít ham muốn),
- Tri túc,
- Ưa thích nơi thanh vắng,
- Không thích đám đông, phe nhóm,
- Không chất chứa, không luyến tiếc,
- Sống đời vô trú,
- Đầy đủ giới hạnh,
- Biết rành rẽ giá trị, sự lợi ích trong việc thực hành các pháp đầu đà, v.v...

Tâu đại vương! Khi mà bậc xuất gia thực hành nghiêm túc các điều như đã kể ở trên, họ sẽ thành tựu đạo quả cao siêu rất dễ dàng, mau lẹ...; cũng giống như người kia xuống sông tắm, dễ dàng và mau lẹ kỳ cọ thân thể mình cho sạch sẽ vậy.

- Thật là rõ ràng, trẫm hiểu được do đâu mà cao thượng rồi.

-ooOoo-

Ðầu trang | 00 | 00.1| 01| 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Giới Ðức và Tỳ kheo Tuệ Tâm đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 03-2003)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 14-03-2003