BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 7

Kinh Ví dụ Tấm vải
Vatthùpama sutta- Discourse on the simile of the Cloth

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

- Ví dụ tấm vải: với ý nghĩa như tấm vải bẩn khó có thể nhuộm thành màu tinh sạch như ý; cũng thế, tâm cấu uế khó có thể tu tập thành tựu phạm hạnh.

- Các tâm cấu uế: (tương tự như bản liệt kê ở kinh trưóc).

- Sáu đặc tính của giáo lý Phật giáo:

1. Pháp được Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng: Svàkkhàto Bhagavà dhammo (Dhamma is well taught by Lord Buddha): Pháp dạy đúng như sự thật, khế cơ dẫn đến giải thoát.

2. Thiết thực hiện tại: Sanditthiko (it is self-realized): được tự thể nhận .

3. Vượt thời gian: Akàliko (Timeless): đúng qua ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai.

4. Đến để mà thấy: Ehipassiko (it is a come and see thing): mỗi người cần thực hành Pháp mới thấy diệu dụng của nó.

5. Có khả năng hướng thượng: Opanayiko (Leading onwards): có tác dụng phát triển tâm và tuệ .

6. Được người trí chứng hiểu: Paccatam veditabbo vinnùhi (is understood individually by the wise): chỉ có trí tuệ dẫn dắt công phu thực hành thì hành giả mới có thể giải thoát khổ.

- Diệu hạnh: Supatipanno (Good conduct): thiện hạnh; hạnh lành.

- Trực hạnh: Ujupatipanno (Upright conduct): hạnh chánh trực; thẳng thắn.

- Như lý hạnh: Nyapatipanno (wise conduct): hạnh trí tuệ.

- Chánh hạnh: Sàmìcipatipanno (Right conduct Dutiful conduct): đúng nghĩa phạm hạnh, chân chính tự độ và độ tha.

- Bốn đôi tám vị:

1. Tu đà hoàn đạo --> Tu đà hoàn quả (Nhập lưu)
2. Tư đà hàm đạo --> Tư đà hàm quả (Nhất lai)
3. A na hàm đạo --> A na hàm quả (Bất lai)
4. A la hán đạo --> A la hán quả (Ứng cúng)

- Nghĩa tín thọ: Atthaveda (Knowledge of the goal): theo nội dung bản kinh, Attha có nghĩa là mục đích; Veda là trí, hiểu biết: trí tuệ thấy rõ mục tiêu phạm hạnh.

- Pháp tín thọ: Dhammaveda (Knowledge of dhamma): trí tuệ thấy rõ sự thật của các hiện hữu (dhamma ở đây có nghĩa là existing things).

Ghi chú: Do vì hành giả thấy rõ mục tiêu phạm hạnh, và thấy rõ sự thật của vạn hữu mà tâm sanh hân hoan, do hân hoan mà hỷ sinh, lạc sinh, khinh an sinh, định sinh.

- Từ vô lượng: Mettà (Friendliness): mong cho tất cả chúng sinh hạnh phúc.
- Bi vô lượng: Karunà (Compassion): quan tâm đến nỗi khổ đau của chúng sinh.
- Hỷ vô luợng: Mudità (Sympathetic joy): vui vẻ đối với sự thành đạt hạnh phúc của
chúng sinh.
- Xả vô lượng: Upekkha (Equanimity): nhìn vạn hữu với tâm chính xác, vô tư, không thiên vị.

II. NỘI DUNG BẢN KINH

1. "Ví dụ tấm vải" giới thiệu hai giai đoạn công phu giải thoát:

a) Giai đoạn đầu và rất là nền tảng là tẩy sạch các tâm cấu uế như "Ngũ cái", các ác, bất thiện tâm phát sinh do "Ngũ cái". Đây là bước công phu giữ tâm tịnh như một tấm vải tinh sạch. Định và Tuệ chỉ có thể phát triển tốt từ tâm này.

b) Giai đoạn tiếp là nhờ tâm tịnh mà thấy rõ mục tiêu phạm hạnh và thấy rõ sự thật của vạn hữu; từ thành tụu này, hành giả phát khởi lòng tin bất thối vào ngôi Tam bảo; từ tín, hân hoan sinh, hỷ sinh, khinh an sinh, định sinh. Tại đây, ở đệ tứ Sắc định, hành giả hành Tứ vô lượng tâm, vượt qua hết thảy các ngã tưởng, lần lượt đoạn trừ dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, đắc quả A la hán, thành tựu phạm hạnh.

2. Có rất hiếm bản kinh trong 5 Nikàyas giới thiệu pháp môn "Tứ vô lượng tâm" như là pháp môn để đoạn tận lậu hoặc. Chỉ có vài bản kinh đề cập "Tứ vô lượng tâm" là pháp môn tu của các Chuyển Luân Thánh Vương vào cuối đời để thác sinh về Phạm Thiên (cõi Trời thứ nhất của Sắc giới). Nét giáo lý này rất đặc thù, rầt cần được tìm hiểu kỹ qua các công trình biên khảo công phu.

3. "Ví dụ tấm vải", ngoài hai điểm giáo lý nêu trên, xác quyết rằng giải thoát nghiệp là công phu tu tập tâm, chuyển hóa tâm do mỗi người tự thực hiện cho chính mình, không thể, không bao giờ ngoại cảnh (sông, núi v.v...) hay các nghi lễ, chú thuật loại trừ được khổ nghiệp thay thế con người.

III. BÀN THÊM

1. Lòng tin bất thối của một Tỷ kheo nói riêng, của một Phật tử nói chung, chỉ được thiết lập vững chắc khi tâm thức vị ấy không còn cấu uế, khi nghi tâm bị loại trừ; nghi tâm bị loại trừ khi dục vọng và tà kiến (các ngã tưởng) vắng mặt; chỉ có khi này thì giáo lý vô ngã và con đường phạm hạnh đi vào vô ngã mới hiển lộ như trăng thoát mây che. Đây là điểm giáo lý, qua "Ví dụ tấm vải" được minh thị mà người đọc dễ cảm nhận. Tại đây, "Nghĩa tín thọ", Atthaveda, và "Pháp tín thọ", Dhammavedà, tự tâm phát khởi.

2. Bấy giờ hành giả cảm nhận mạnh mẽ và tin tưởng bất động rất tự nhiên đối với Phật bảo, đấng đầy đủ thập hiệu Như Lai, đối với Pháp bảo. Với 6 đặc tính rất thật, rất chân và rất trí tuệ, đối với Tăng bảo đầy đủ đức hạnh hướng đến thành tụu giải thoát. Lòng tin bất thối này mở đầu sự thành tựu tánh Phật bảo, tự tánh Pháp bảo và tự tánh Tăng bảo.

3. Rất đặc biệt ở bản kinh số 7 này là pháp môn "Tứ vô lượng tâm" được giới thiệu thực hành nối tiếp bước thành tụu Định uẩn, đạt đến Tứ sắc định để thành tựu hoàn toàn tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Điểm giáo lý đặc biệt khai mở trí tuệ cho hành giả rằng:

a) Bước tu tẩy sạch cấu uế của tâm là thành quả chế ngự các căn, chế ngự Sắc uẩn (thuộc Giới học).

b) Bước tu vào đại định, Tứ sắc định là thành quả chế ngự các cảm thọ (chế ngự thọ uẩn, thuộc Định học).

c) Bước thứ ba phải là bước chế ngự Tưởng uẩn (hay Tưởng, Hành và Thức uẩn). Chế ngự tưởng uẩn là chế ngự các ngã tưởng. Chế ngự các ngã tưởng là ý nghĩa chế ngự luôn Hành uẩn và Thức uẩn (vốn vận hành trên các ngã tưởng). Phương cách hay kỹ thuật chế ngự các ngã tưởng thì có hai cách chính:

Với nhiều bản kinh Nikàyas, bước tu này thường là hành thiền quán (Vipassana) Duyên khởi-vô ngã hoặc thiền quán Vô ngã, Vô thường của các pháp để cắt đứt 10 kiết sử, đắc đại tuệ. Tác dụng của pháp quán này là dập tắt các ngã tưởng; dập tắt các ngã tuởng là dập tắt vô minh khiến minh khởi. Điểm này gợi cho người đọc liên tưởng đến kinh Kim Cang Bát Nhã: cũng đoạn trừ 8 loại ngã tưởng, cũng thiền quán vô ngã, vô thường theo lời dạy của bài kệ cuối kinh.

Cách thứ hai là thay thế công phu thiền quán về Duyên sinh bằng công phu quán tưởng rải tâm từ, bi, hỷ, xả khắp mười phương chúng sinh. Công phu này ở thời điểm nhuần nhuyễn cũng dập tắt tất cả các ngã tưởng (theo "Ví dụ tấm vải") .

Ở một vài kinh khác, thuộc 5 Nikàyas, thì "Tứ vô lượng tâm" được hành giả thực hiện ở cảnh giới định "Vô sở hữu xứ", với mục đích là vượt qua khỏi tưởng, đi vào định "Diệt Thọ Tưởng" để đắc Chánh trí (Tam minh, Lục thông).

Thật là đại trí tuệ trong các dòng kinh ngắn ngủi trên, kinh Ví dụ tấm vải.

(trích Nguyệt san Giác Ngộ số 73, 04-2002)


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 10-03-2005