Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Tạng Luật
Vinaya Pitaka

Đại Phẩm
Mah
āvagga

Tỳ-khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


TẠNG LUẬT - ĐẠI PHẨM

TẬP HAI

Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!

******

V. CHƯƠNG DA THÚ
(CAMMAKKHANDHAKAṂ)

[1] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha (Vương Xá) trên núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu). Vào lúc bấy giờ, đức vua Seniya Bimbisāra (Bình Sa Vương) xứ Magadha (Ma Kiệt Đà) cai trị vương quốc bằng quyền thống lãnh tối cao trong tám mươi ngàn ngôi làng. Vào lúc bấy giờ, ở trong xứ Campā, con trai nhà đại phú tên Soṇa Koḷivisa là người (có vóc dáng) mảnh mai. Ở các lòng hai bàn chân của vị đó có lông mọc.

Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāsa xứ Magadha sau khi cho triệu tập tám mươi ngàn người trưởng làng ấy lại vì công việc cần làm nào đó rồi đã sai sứ giả đi đến gặp Soṇa Koḷivisa (nói rằng):

- Soṇa hãy đến. Trẫm muốn Soṇa đến.

Khi ấy, cha mẹ của Soṇa Koḷivisa đã nói với Soṇa Koḷivisa điều này:

- Này Soṇa yêu quý, đức vua muốn xem hai bàn chân của con. Này Soṇa yêu quý, con chớ có duỗi thẳng hai bàn chân về hướng đức vua, con hãy ngồi kiết già phía trước đức vua, đức vua sẽ thấy được hai bàn chân của con trong tư thế ngồi.

Rồi họ đã đưa Soṇa Koḷivisa đi bằng kiệu. Sau đó, Soṇa Koḷivisa đã đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã cung kính chào đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha rồi đã ngồi kiết già phía trước đức vua. Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nhìn thấy lông mọc ở các lòng hai bàn chân của Soṇa Koḷivisa. Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã giảng giải về các điều lợi ích trong thời hiện tại đến tám mươi ngàn người trưởng làng ấy rồi khuyến khích rằng:

- Này các khanh, ở đây các khanh đã được ta giảng giải về các điều lợi ích trong thời hiện tại. Giờ hãy đi và ngồi quanh đức Thế Tôn, ngài sẽ giảng giải cho chúng ta về các điều lợi ích trong thời vị lai.

Sau đó, tám mươi ngàn người trưởng làng ấy đã đi đến núi Gijjhakūṭa.

Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāgata là thị giả của đức Thế Tôn. Khi ấy, tám mươi ngàn người trưởng làng ấy đã đi đến gặp đại đức Sāgata, sau khi đến đã nói với đại đức Sāgata điều này:

- Thưa ngài, tám mươi ngàn người trưởng làng này đi đến đây để diện kiến đức Thế Tôn. Thưa ngài, tốt đẹp thay nếu chúng tôi có thể diện kiến đức Thế Tôn.

- Này quý vị, nếu vậy thì các vị hãy ở ngay tại đây trong chốc lát chờ tôi báo cho đức Thế Tôn biết.

Sau đó, đại đức Sāgata đã biến mất ở nơi bậc cấp trước tám mươi ngàn người trưởng làng ấy đang chăm chú nhìn rồi đã hiện ra ở trước đức Thế Tôn và đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, tám mươi ngàn người trưởng làng này đi đến đây để diện kiến đức Thế Tôn. Bạch ngài, giờ đây xin đức Thế Tôn hãy suy nghĩ về thời điểm của việc ấy.

- Này Sāgata, nếu vậy thì ngươi hãy sắp đặt chỗ ngồi ở nơi có bóng râm của trú xá.

- Bạch ngài, xin vâng.

Đại đức Sāgata nghe theo đức Thế Tôn đã cầm lấy chiếc ghế rồi biến mất ở trước đức Thế Tôn và hiện ra ở bậc cấp trước tám mươi ngàn người trưởng làng đang chăm chú nhìn, rồi đã sắp đặt chỗ ngồi ở nơi có bóng râm của trú xá. Sau đó, đức Thế Tôn đã từ trú xá đi ra và ngồi xuống trên chỗ ngồi đã được sắp đặt ở nơi có bóng râm của trú xá. Khi ấy, tám mươi ngàn người trưởng làng ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Sau đó, tám mươi ngàn người trưởng làng ấy chỉ hướng tâm đến chính đại đức Sāgata, còn đức Thế Tôn thì không được như thế. Khi ấy, đức Thế Tôn đã dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của tám mươi ngàn người trưởng làng ấy nên đã bảo đại đức Sāgata rằng:

- Này Sāgata, nếu vậy thì ngươi hãy phô bày sự diệu kỳ của thần thông là pháp thượng nhân với nhiều hình thức hơn nữa.

- Bạch ngài, xin vâng.

Rồi đại đức Sāgata nghe theo đức Thế Tôn đã bay lên không trung, đi qua lại ở khoảng không trên bầu trời, rồi đứng lại, ngồi xuống, nằm xuống, phun khói, phát sáng, rồi biến mất. Sau đó, khi đã phô bày sự diệu kỳ của thần thông là pháp thượng nhân bằng nhiều hình thức ở khoảng không trên bầu trời, đại đức Sāgata đã đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn rồi nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, đức Thế Tôn là bậc đạo sư của tôi, tôi là người đệ tử. Bạch ngài, đức Thế Tôn là bậc đạo sư của tôi, tôi là người đệ tử.

Khi ấy, tám mươi ngàn người trưởng làng ấy (nghĩ rằng): “Thật kỳ diệu thay! Thật phi thường thay! Bởi vì vị đệ tử còn có đại thần lực như thế này, đại oai lực như thế này, ắt hẳn vị đạo sư sẽ còn hơn thế nữa!” rồi đã hướng tâm đến chính đức Thế Tôn, còn đại đức Sāgata thì không được như thế.

Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của tám mươi ngàn người trưởng làng ấy rồi đã thuyết Pháp theo thứ lớp. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của những người ấy đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến tám mươi ngàn người trưởng làng ấy: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, những người ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): “Những ai có mắt sẽ thấy được các hình dáng;” tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, chúng con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận chúng con là những nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.

[2] Khi ấy, Soṇa Koḷivisa đã khởi ý điều này: “Theo như ta hiểu về Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch, hay là ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà?” Sau đó, khi đã được hoan hỷ đã được hài lòng với lời giảng dạy của đức Thế Tôn, tám mươi ngàn người trưởng làng ấy đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, khi tám mươi ngàn người trưởng làng ra đi không lâu, Soṇa Koḷivisa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Soṇa Koḷivisa đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, theo như con hiểu về Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Bạch ngài, con muốn cạo bỏ râu tóc, khoác các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy cho con xuất gia.

Rồi Soṇa Koḷivisa đã được xuất gia với đức Thế Tôn và đã được tu lên bậc trên.

Và khi đã được tu lên bậc trên không bao lâu, đại đức Soṇa sống ở khu rừng Sīta. Trong khi vị ấy đang đi kinh hành với sự tinh tấn nỗ lực cao, các bàn chân đã bị rách. Đường kinh hành trở nên vấy đầy máu như là chỗ giết trâu bò. Sau đó, đại đức Soṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Ta là một trong số các vị đệ tử của đức Thế Tôn sống có sự tinh tấn nỗ lực cao, nhưng tâm của ta vẫn còn chấp thủ và không được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Hơn nữa, ở gia đình của ta lại có các tài sản, có thể thọ dụng những tài sản (ấy) và làm các việc phước báu; hay là ta nên quay về cuộc sống thấp kém rồi thọ dụng những tài sản (ấy) và làm các việc phước báu?” Khi ấy, sau khi dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đại đức Soṇa, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế đức Thế Tôn đã biến mất tại núi Gijjhakūṭa và hiện ra ở khu rừng Sīta. Sau đó, trong khi cùng với nhiều vị tỳ khưu đi dạo quanh các chỗ trú ngụ, đức Thế Tôn đã đi đến đường kinh hành của đại đức Soṇa. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đường kinh hành của đại đức Soṇa bị vấy đầy máu, sau khi nhìn thấy đã nói với các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, đường kinh hành này của vị nào lại bị vấy đầy máu giống như là chỗ giết trâu bò vậy?

- Bạch ngài, đại đức Soṇa trong khi đi kinh hành với sự tinh tấn nỗ lực cao nên hai bàn chân đã bị rách. Đường kinh hành bị vấy đầy máu này là của vị ấy, giống như là chỗ giết trâu bò vậy.

Sau đó, đức Thế Tôn đã đi đến trú xá của đại đức Soṇa, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Đại đức Soṇa đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã nói với đại đức Soṇa đang ngồi một bên điều này:

- Này Soṇa, có phải ngươi trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Ta là một trong số các vị đệ tử của đức Thế Tôn sống có sự tinh tấn nỗ lực cao, nhưng tâm của ta vẫn còn chấp thủ và không được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Hơn nữa, ở gia đình của ta lại có các tài sản, có thể thọ dụng những tài sản (ấy) và làm các việc phước báu; hay là ta nên quay về cuộc sống thấp kém rồi thọ dụng những tài sản (ấy) và làm các việc phước báu?”

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

- Này Soṇa, ngươi nghĩ thế nào về điều này: Có phải trước đây khi còn là kẻ tại gia ngươi rành rẽ về âm điệu của sợi dây ở đàn tỳ bà? [1]

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

- Này Soṇa, ngươi nghĩ thế nào về điều này: Khi những sợi dây ở đàn tỳ bà của ngươi là căng thẳng, phải chăng vào lúc ấy cây đàn tỳ bà của ngươi là có âm thanh hoặc thích hợp để sử dụng?

- Bạch ngài, điều ấy không đúng.

- Này Soṇa, ngươi nghĩ thế nào về điều này: Khi những sợi dây ở đàn tỳ bà của ngươi là quá chùng, phải chăng vào lúc ấy cây đàn tỳ bà của ngươi là có âm thanh hoặc thích hợp để sử dụng?

- Bạch ngài, điều ấy không đúng.

- Này Soṇa, ngươi nghĩ thế nào về điều này: Khi những sợi dây ở đàn tỳ bà của ngươi không là căng thẳng và cũng không quá chùng, được đặt vào đúng vị thế, phải chăng vào lúc ấy cây đàn tỳ bà của ngươi là có âm thanh hoặc thích hợp để sử dụng?

- Bạch ngài, đúng vậy.

- Này Soṇa, cũng tương tợ như thế sự tinh tấn nỗ lực cao đưa đến sự loạn động, sự tinh tấn quá uể oải đưa đến sự biếng nhác. Này Soṇa, do đó ở đây ngươi phải xác định mức đều đều trong sự tinh tấn, phải hiểu rõ được sự cân bằng của các quyền (indriya), và vào lúc ấy ngươi phải nắm giữ ấn chứng.

- Bạch ngài, xin vâng. Đại đức Soṇa đã trả lời đức Thế Tôn.

Sau đó, khi đã giáo huấn cho đại đức Soṇa bằng lời giáo huấn ấy, rồi giống như một người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế tại khu rừng Sīta đức Thế Tôn đã biến mất trước mặt đại đức Soṇa rồi hiện ra ở núi Gijjhakūṭa.

Sau đó, đại đức Soṇa đã xác định mức đều đều trong sự tinh tấn, hiểu rõ được sự cân bằng của các quyền (indriya), và vào lúc ấy đã nắm giữ được ấn chứng. Khi ấy, đại đức Soṇa đã tách riêng một mình, và sống không lười biếng, nỗ lực, quyết tâm nên chẳng bao lâu sau ngay trong kiếp hiện tại này đã tự mình nhận thức, chứng đạt, và an trú vào thắng trí, mục đích tối thượng của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà. Vị ấy biết rằng: “Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã sống, việc cần làm đã làm, không còn (đưa đến) bản ngã nào khác (tương tợ) như vầy nữa.” Và trong số các vị A-la-hán có thêm một vị nữa là đại đức Soṇa.

[3] Sau đó, khi đã chứng đạt quả vị A-la-hán đại đức Soṇa đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên công bố sự chứng ngộ này trong sự hiện diện của đức Thế Tôn?” Khi ấy, đại đức Soṇa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Soṇa đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, vị tỳ khưu nào là bậc A-la-hán, có các lậu hoặc đã diệt tận, đạt đến hoàn thiện, việc cần làm đã làm, gánh nặng đã được đặt xuống, mục đích của bản thân đã đạt được, sự ràng buộc vào việc tái sanh đã được phá hủy, đã được giải thoát nhờ vào trí tuệ chân chánh, vị ấy đã thành tựu sáu sự việc: vị ấy đã thành tựu sự từ bỏ, vị ấy đã thành tựu sự tĩnh lặng, vị ấy đã thành tựu sự không còn hãm hại, vị ấy đã thành tựu sự hoại diệt của chấp thủ, vị ấy đã thành tựu sự hoại diệt của ái dục, vị ấy đã thành tựu sự không còn si mê.

Bạch ngài, ở đây có thể một vị đại đức nào đó sẽ khởi ý như vầy: “Không lẽ vị đại đức này đã thành tựu sự từ bỏ chỉ hoàn toàn nhờ vào đức tin?” Bạch ngài, điều ấy không thể được xem xét như thế. Bạch ngài, vị tỳ khưu có lậu hoặc đã được diệt tận, đạt đến hoàn thiện, việc cần làm đã làm xong, không còn quán xét đến việc cần phải làm của bản thân hoặc (quán xét) đến sự tích lũy của (việc) đã làm, nhờ vào sự hoại diệt của tham ái và bản thân không còn tham ái mà vị ấy đã thành tựu sự từ bỏ, nhờ vào sự hoại diệt của sân hận và bản thân không còn sân hận mà vị ấy đã thành tựu sự từ bỏ, nhờ vào sự hoại diệt của si mê và bản thân không còn si mê mà vị ấy đã thành tựu sự từ bỏ.

Bạch ngài, ở đây có thể một vị đại đức nào đó sẽ khởi ý như vầy: “Không lẽ vị đại đức này đã thành tựu sự tĩnh lặng trong khi còn thèm muốn lợi lộc, vinh quang, và danh vọng?” Bạch ngài, điều ấy không thể được xem xét như thế. Bạch ngài, vị tỳ khưu có lậu hoặc đã được diệt tận, đạt đến hoàn thiện, việc cần làm đã làm xong, không còn quán xét đến việc cần phải làm của bản thân hoặc (quán xét) đến sự tích lũy của (việc) đã làm, nhờ vào sự hoại diệt của tham ái và bản thân không còn tham ái mà vị ấy đã thành tựu sự tĩnh lặng, nhờ vào sự hoại diệt của sân hận và bản thân không còn sân hận mà vị ấy đã thành tựu sự tĩnh lặng, nhờ vào sự hoại diệt của si mê và bản thân không còn si mê mà vị ấy đã thành tựu sự tĩnh lặng.

Bạch ngài, ở đây có thể một vị đại đức nào đó sẽ khởi ý như vầy: “Không lẽ vị đại đức này đã thành tựu sự không còn hãm hại trong khi quay về lại với giới cấm và tập quán từ bản chất?” Bạch ngài, điều ấy không thể được xem xét như thế. Bạch ngài, vị tỳ khưu có lậu hoặc đã được diệt tận, đạt đến hoàn thiện, việc cần làm đã làm xong, không còn quán xét đến việc cần phải làm của bản thân hoặc (quán xét) đến sự tích lũy của (việc) đã làm, nhờ vào sự hoại diệt của tham ái và bản thân không còn tham ái mà vị ấy đã thành tựu sự không còn hãm hại, nhờ vào sự hoại diệt của sân hận và bản thân không còn sân hận mà vị ấy đã thành tựu sự không còn hãm hại, nhờ vào sự hoại diệt của si mê và bản thân không còn si mê mà vị ấy đã thành tựu sự không còn hãm hại.

Nhờ vào sự hoại diệt của tham ái và bản thân không còn tham ái mà vị ấy đã thành tựu sự hoại diệt của chấp thủ, nhờ vào sự hoại diệt của sân hận và bản thân không còn sân hận mà vị ấy đã thành tựu sự hoại diệt của chấp thủ, nhờ vào sự hoại diệt của si mê và bản thân không còn si mê mà vị ấy đã thành tựu sự hoại diệt của chấp thủ. Nhờ vào sự hoại diệt của tham ái và bản thân không còn tham ái mà vị ấy đã thành tựu sự hoại diệt của ái dục, nhờ vào sự hoại diệt của sân hận và bản thân không còn sân hận mà vị ấy đã thành tựu sự hoại diệt của ái dục, nhờ vào sự hoại diệt của si mê và bản thân không còn si mê mà vị ấy đã thành tựu sự hoại diệt của ái dục. Nhờ vào sự hoại diệt của tham ái và bản thân không còn tham ái mà vị ấy đã thành tựu sự không còn si mê, nhờ vào sự hoại diệt của sân hận và bản thân không còn sân hận mà vị ấy đã thành tựu sự không còn si mê, nhờ vào sự hoại diệt của si mê và bản thân không còn si mê mà vị ấy đã thành tựu sự không còn si mê.

Bạch ngài, đối với vị tỳ khưu có tâm đã được hoàn toàn giải thoát, nếu các hình dáng (cảnh sắc) được nhận biết bởi mắt, dầu cho nổi bật, đi vào nhãn giới cũng không xâm chiếm được tâm của vị ấy bởi vì tâm của vị ấy không còn bị xáo trộn, bền vững, đạt đến bất động, và vị ấy quan sát sự diệt đi của điều ấy.[2] Nếu các âm thanh (cảnh thinh) được nhận thức bởi tai ... các mùi hương (cảnh khí) được nhận thức bởi mũi ... các vị nếm (cảnh vị) được nhận thức bởi lưỡi ... các sự xúc chạm (cảnh xúc) được nhận thức bởi thân ... các pháp (cảnh pháp) được nhận thức bởi ý, dầu cho nổi bật, đi vào ý giới cũng không xâm chiếm được tâm của vị ấy bởi vì tâm của vị ấy không còn bị xáo trộn, bền vững, đạt đến bất động, và vị ấy quan sát sự diệt đi của điều ấy. Bạch ngài, cũng giống như hòn núi đá không có kẽ nứt, không có lỗ hổng, liền lặn một khối, nếu có cơn mưa bão dữ dội đi đến từ hướng đông cũng không thể làm nó rung chuyển, lay động, chấn động. Nếu có cơn mưa bão dữ dội đi đến từ hướng tây ... Nếu có cơn mưa bão dữ dội đi đến từ hướng bắc ... Nếu có cơn mưa bão dữ dội đi đến từ hướng nam cũng không thể làm nó rung chuyển, lay động, chấn động. Bạch ngài, tương tợ như thế đối với vị tỳ khưu có tâm đã được hoàn toàn giải thoát, nếu các hình dáng (cảnh sắc) được nhận thức bởi mắt, dầu cho nổi bật, đi vào nhãn giới cũng không xâm chiếm được tâm của vị ấy bởi vì tâm của vị ấy không còn bị xáo trộn, bền vững, đạt đến bất động, và vị ấy quan sát sự diệt đi của điều ấy. Nếu các âm thanh (cảnh thinh) được nhận thức bởi tai ... các mùi hương (cảnh khí) được nhận thức bởi mũi ... các vị nếm (cảnh vị) được nhận thức bởi lưỡi ... các sự xúc chạm (cảnh xúc) được nhận thức bởi thân ... các pháp (cảnh pháp) được nhận thức bởi ý, dầu cho nổi bật, đi vào ý giới cũng không xâm chiếm được tâm của vị ấy bởi vì tâm của vị ấy không còn bị xáo trộn, bền vững, đạt đến bất động, và vị ấy quan sát sự diệt đi của điều ấy.

[4]

Vị giải thoát từ bỏ
tâm đạt đến tĩnh lặng
vị giải thoát không hại
và diệt tận chấp thủ.
Vị đạt được ái diệt
và tâm không si mê
nhận thức nguồn sanh khởi
tâm giải thoát hoàn toàn.
Tâm tỳ khưu thanh tịnh
vị hoàn toàn giải thoát
không gì nữa phải làm
việc cần làm không có.
Như đá liền một khối
gió không lay chuyển được
cũng vậy sắc, thinh, vị,
và hết thảy hương, xúc,
các pháp thích, không thích
không lay động các vị
tâm bền vững, giải thoát
vị ấy quán sự diệt.

[5] Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, những người con trai của các gia đình danh tiếng công bố sự chứng ngộ như thế ấy. Kết quả đã được nói lên nhưng bản thân (cơ thể) còn chưa khắc phục được. Hơn nữa, ở đây ta nghĩ rằng có một số kẻ rồ dại công bố sự chứng ngộ như là việc đùa giỡn, những kẻ ấy sau này sẽ bị rơi vào bất hạnh.

Sau đó, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Soṇa rằng:

- Này Soṇa, ngươi là người (có vóc dáng) mảnh mai. Này Soṇa, đối với ngươi ta cho phép (sử dụng) dép (upāhanā) loại một lớp.

- Bạch ngài, con đã từ bỏ vàng được chứa đầy tám mươi xe hàng với bầy voi gồm bảy con và đã rời nhà xuất gia sống không nhà. Sẽ có những người nói về con rằng: “Soṇa Koḷivisa đã từ bỏ vàng được chứa đầy tám mươi xe hàng với bầy voi gồm bảy con và đã rời nhà xuất gia sống không nhà. Giờ đây, chính vị ấy lại bám víu vào những đôi dép loại một lớp.” Nếu đức Thế Tôn cho phép hội chúng tỳ khưu thì con sẽ sử dụng; nếu đức Thế Tôn không cho phép hội chúng tỳ khưu thì con cũng sẽ không sử dụng.

 Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) dép loại một lớp. Này các tỳ khưu, không nên mang những đôi dép loại hai lớp, không nên mang những đôi dép loại ba lớp, không nên mang những đôi dép loại nhiều lớp; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[6] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư mang những đôi dép toàn màu xanh, ...(như trên)... mang những đôi dép toàn màu vàng, mang những đôi dép toàn màu đỏ, mang những đôi dép toàn màu đỏ sậm, mang những đôi dép toàn màu đen, mang những đôi dép nhuộm toàn màu nổi bật, mang những đôi dép nhuộm toàn màu sáng chói. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên mang những đôi dép toàn màu xanh, không nên mang những đôi dép toàn màu vàng, không nên mang những đôi dép toàn màu đỏ, không nên mang những đôi dép toàn màu đỏ sậm, không nên mang những đôi dép toàn màu đen, không nên mang những đôi dép nhuộm toàn màu nổi bật, không nên mang những đôi dép nhuộm toàn màu sáng chói; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư mang những đôi dép có dây buộc màu xanh (nīlavaddhikā), mang những đôi dép có dây buộc màu vàng, mang những đôi dép có dây buộc màu đỏ, mang những đôi dép có dây buộc màu đỏ sậm, mang những đôi dép có dây buộc màu đen, mang những đôi dép có dây buộc nhuộm màu nổi bật, mang những đôi dép có dây buộc nhuộm màu sáng chói. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên mang những đôi dép có dây buộc màu xanh, không nên mang những đôi dép có dây buộc màu vàng, không nên mang những đôi dép có dây buộc màu đỏ, không nên mang những đôi dép có dây buộc màu đỏ sậm, không nên mang những đôi dép có dây buộc màu đen, không nên mang những đôi dép có dây buộc nhuộm màu nổi bật, không nên mang những đôi dép có dây buộc nhuộm màu sáng chói; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư mang những đôi dép phủ gót chân (khallavaddhā), mang những đôi dép trùm đến gối (puṭavaddhā), mang những đôi dép trùm đến ống chân (pāliguṇṭhimā), mang những đôi dép lót bông gòn (tūlapuṇṇikā), mang những đôi dép giống cánh của gà gô (tittirapattikā), mang những đôi dép có gắn sừng cừu (meṇḍavisāṇavaddhikā), mang những đôi dép có gắn sừng dê (ajavisāṇavaddhikā), mang những đôi dép có gắn đuôi bọ cạp (vicchikāḷikā), mang những đôi dép có khâu lông công (morapiñjaparisibbitā), mang những đôi dép đủ các loại. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên mang những đôi dép phủ gót chân, không nên mang những đôi dép trùm đến gối, không nên mang những đôi dép trùm đến ống chân, không nên mang những đôi dép lót bông gòn, không nên mang những đôi dép giống cánh của gà gô, không nên mang những đôi dép có gắn sừng cừu, không nên mang những đôi dép có gắn sừng dê, không nên mang những đôi dép có gắn đuôi bọ cạp, không nên mang những đôi dép có khâu lông công, không nên mang những đôi dép đủ các loại; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư mang những đôi dép làm bằng da sư tử, mang những đôi dép làm bằng da cọp, mang những đôi dép làm bằng da beo, mang những đôi dép làm bằng da hươu, mang những đôi dép làm bằng da rái cá, mang những đôi dép làm bằng da mèo, mang những đôi dép làm bằng da sóc, mang những đôi dép làm bằng da cú mèo. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên mang những đôi dép làm bằng da sư tử, không nên mang những đôi dép làm bằng da cọp, không nên mang những đôi dép làm bằng da beo, không nên mang những đôi dép làm bằng da hươu, không nên mang những đôi dép làm bằng da rái cá, không nên mang những đôi dép làm bằng da mèo, không nên mang những đôi dép làm bằng da sóc, không nên mang những đôi dép làm bằng da cú mèo; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[7] Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi vào thành Rājagaha để khất thực với vị tỳ khưu nào đó làm sa-môn hầu cận. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đi khập khiễng theo sát phía sau đức Thế Tôn. Có nam cư sĩ nọ sau khi mang vào đôi dép loại nhiều lớp đã nhìn thấy đức Thế Tôn từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã tháo đôi dép ra rồi đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đi đến gần vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã đảnh lễ vị tỳ khưu ấy rồi nói điều này:

- Thưa ngài, vì sao ngài đi khập khiễng?

- Này đạo hữu, hai bàn chân tôi bị rách.

- Thưa ngài, hãy nhận lấy đôi dép.

- Này đạo hữu, thôi đi. Những đôi dép có nhiều lớp đã bị đức Thế Tôn cấm đoán.

(Đức Thế Tôn đã nói rằng):

- Này tỳ khưu, hãy thọ lãnh đôi dép ấy.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) dép loại nhiều lớp đã bị bỏ đi. Này các tỳ khưu, không nên mang những đôi dép loại nhiều lớp còn mới; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[8] Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đi kinh hành ngoài trời không mang dép. (Nghĩ rằng): “Bậc Đạo Sư đi kinh hành không mang dép” nên các tỳ khưu trưởng lão đi kinh hành không mang dép. Trong khi bậc Đạo Sư đi kinh hành không mang dép và trong khi các tỳ khưu trưởng lão đi kinh hành không mang dép, các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại đi kinh hành có mang dép. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao trong khi bậc Đạo Sư đi kinh hành không mang dép và trong khi các tỳ khưu trưởng lão đi kinh hành không mang dép, các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại đi kinh hành có mang dép?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói trong khi bậc Đạo Sư đi kinh hành không mang dép và trong khi các tỳ khưu trưởng lão đi kinh hành không mang dép, các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại đi kinh hành có mang dép, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao trong khi bậc Đạo Sư đi kinh hành không mang dép và trong khi các tỳ khưu trưởng lão đi kinh hành không mang dép, những kẻ rồ dại ấy lại đi kinh hành có mang dép? Này các tỳ khưu, ngay cả những người tại gia choàng vải trắng thực hành nghề nghiệp để nuôi mạng vẫn sống có sự tôn kính, có sự phục tùng, có sự quan tâm đến các vị thầy. Này các tỳ khưu, ở đây hãy làm rạng rỡ việc các ngươi đã được xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy, các ngươi nên sống có sự tôn kính, có sự phục tùng, có sự quan tâm đến các vị thầy dạy học, đến các vị tương đương thầy dạy học, đến các vị thầy tế độ, đến các vị tương đương thầy tế độ. Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, trong khi các vị thầy dạy học, các vị tương đương thầy dạy học, các vị thầy tế độ, các vị tương đương thầy tế độ đang đi kinh hành không mang dép, không nên đi kinh hành có mang dép; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, trong khuôn viên tu viện không nên mang dép; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[9] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh khối u ở bàn chân. Các tỳ khưu khiêng vị ấy đưa ra bên ngoài cho việc tiểu tiện, đại tiện. Đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã nhìn thấy các tỳ khưu ấy đang khiêng vị tỳ khưu ấy đưa ra bên ngoài cho việc tiểu tiện, đại tiện, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần các tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với các tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu này có bệnh gì vậy?

- Bạch ngài, đại đức này có bệnh khối u ở bàn chân. Chúng con khiêng vị này đưa ra bên ngoài cho việc tiểu tiện, đại tiện.

[10] Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị có các bàn chân bị đau, hoặc có các bàn chân bị rách, hoặc có bệnh khối u ở bàn chân được mang dép.

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu bước lên giường ghế với các bàn chân chưa rửa khiến y và chỗ nằm ngồi bị dơ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép mang dép khi nghĩ rằng: “Bây giờ ta sẽ bước lên giường hoặc ghế.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu trong khi đi đến nhà hành lễ Uposatha (Bố Tát) và buổi hội họp vào ban đêm đã đạp nhằm gốc cây, (đạp nhằm) gai nhọn khiến các bàn chân bị đau. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trong khuôn viên tu viện ta cho phép sử dụng dép, cây đuốc, cây đèn, và cây gậy để chống.

Vào lúc bấy giờ, sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm các tỳ khưu nhóm Lục Sư mang các đôi guốc gỗ (kaṭṭhapādukā) đi kinh hành ở ngoài trời, trong khi nói chuyện to giọng, lớn tiếng, với âm thanh ồn ào về các chuyện nhảm nhí liên quan đến nhiều vấn đề như là: chuyện đức vua, chuyện kẻ trộm, chuyện quan đại thần, chuyện binh lính, chuyện ghê rợn, chuyện vũ khí, chuyện thức ăn, chuyện nước uống, chuyện vải vóc, chuyện giường nằm, chuyện vòng hoa, chuyện hương thơm, chuyện thân quyến, chuyện xe cộ, chuyện làng xóm, chuyện thị trấn, chuyện thành thị, chuyện quốc gia, chuyện đàn bà, chuyện đàn ông, chuyện người hùng, chuyện đường xá, chuyện về chỗ có hũ (của cải chôn giấu), chuyện ma quỷ, chuyện linh tinh, chuyện tiên đoán về thế gian, chuyện tiên đoán về đại dương, chuyện sẽ xảy ra và sẽ không xảy ra như vầy hay là như vầy, các vị vừa dẫm đạp giết chết côn trùng vừa làm cho các tỳ khưu không tập trung được thiền định.

Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm lại mang các đôi guốc gỗ đi kinh hành ở ngoài trời còn nói chuyện to giọng, lớn tiếng, với âm thanh ồn ào về các chuyện nhảm nhí liên quan đến nhiều vấn đề như là: chuyện đức vua, chuyện kẻ trộm, ...(như trên)..., chuyện sẽ xảy ra và sẽ không xảy ra như vầy hay là như vầy, các vị vừa dẫm đạp giết chết côn trùng vừa làm cho các tỳ khưu không tập trung được thiền định?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Lục Sư sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm lại mang các đôi guốc gỗ đi kinh hành ở ngoài trời còn nói chuyện to giọng, lớn tiếng, với âm thanh ồn ào về các chuyện nhảm nhí liên quan đến nhiều vấn đề như là: chuyện đức vua, chuyện kẻ trộm, ...(như trên)... chuyện sẽ xảy ra và sẽ không xảy ra như vầy hay là như vầy, các vị vừa dẫm đạp giết chết côn trùng vừa làm cho các tỳ khưu không tập trung được thiền định, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

...(như trên)... Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

-Này các tỳ khưu không nên mang các đôi guốc gỗ; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[11] Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Bārāṇasī (Ba La Nại). Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Bārāṇasī Tại nơi ấy trong thành Bārāṇasī, đức Thế Tôn ngự tại Isipatana, ở khu vườn nai. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Những đôi guốc gỗ đã bị đức Thế Tôn cấm đoán” nên đã cho chặt những cây thốt nốt (tāla) còn non rồi mang những đôi guốc làm bằng lá cây thốt nốt. Những cây thốt nốt còn non bị chặt đã héo úa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại cho chặt những cây thốt nốt còn non rồi mang những đôi guốc làm bằng lá cây thốt nốt khiến những cây thốt nốt còn non bị chặt đã héo úa? Các sa-môn Thích tử hãm hại mạng sống của loài có một giác quan.

Các tỳ khưu đã nghe được dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã cho chặt những cây thốt nốt còn non rồi mang những đôi guốc làm bằng lá cây thốt nốt khiến những cây thốt nốt còn non bị chặt đã héo úa, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại kia lại cho chặt những cây thốt nốt còn non rồi mang những đôi guốc làm bằng lá cây thốt nốt khiến những cây thốt nốt còn non bị chặt đã héo úa. Này các tỳ khưu, bởi vì dân chúng nghĩ rằng có mạng sống ở trong thân cây. Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên mang những đôi guốc làm bằng lá cây thốt nốt; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Những đôi guốc làm bằng lá cây thốt nốt đã bị đức Thế Tôn cấm đoán” nên đã cho chặt những cây tre còn non rồi mang những đôi guốc làm bằng lá cây tre. Những cây tre còn non bị chặt đã héo úa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các sa-môn Thích tử lại cho chặt những cây tre còn non rồi mang những đôi guốc làm bằng lá cây tre khiến những cây tre còn non bị chặt đã héo úa? Các sa-môn Thích tử hãm hại mạng sống của loài có một giác quan.

Các tỳ khưu đã nghe được dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, không nên mang những đôi guốc làm bằng lá cây tre; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[12] Sau đó, khi đã ngự tại thành Bārāṇasī theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Bhaddiya. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Bhaddiya. Tại nơi ấy trong thành Bhaddiya, đức Thế Tôn ngự tại khu rừng Jātiyā. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu ở Bhaddiya sống say mê và gắn bó với việc trang hoàng đôi giày bằng nhiều cách. Các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cỏ (tiṇa), các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cỏ tranh (muñja), các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cỏ sậy (pabbaja), các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cây dừa nước (hintāla), các vị tự làm và bảo người làm giày bằng lá sen (kamala), các vị tự làm và bảo người làm giày bằng len. Các vị xao lãng việc trì tụng, việc học hỏi, tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ.

Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu ở Bhaddiya lại sống say mê và gắn bó với việc trang hoàng đôi giày bằng nhiều cách. Các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cỏ, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cỏ tranh, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cỏ sậy, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cây dừa nước, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng lá sen, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng len. Các vị xao lãng việc trì tụng, việc học hỏi, tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ở Bhaddiya sống say mê và gắn bó với việc trang hoàng đôi giày bằng nhiều cách. Các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cỏ, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cỏ tranh, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cỏ sậy, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cây dừa nước, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng lá sen, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng len. Các vị xao lãng việc trì tụng, việc học hỏi, tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại này lại sống say mê và gắn bó với việc trang hoàng đôi giày bằng nhiều cách. Chúng làm và bảo người làm giày bằng cỏ, chúng làm và bảo người làm giày bằng cỏ tranh, chúng làm và bảo người làm giày bằng cỏ sậy, chúng làm và bảo người làm giày bằng cây dừa nước, chúng làm và bảo người làm giày bằng lá sen, chúng làm và bảo người làm giày bằng len. Chúng xao lãng việc trì tụng, việc học hỏi, tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên mang giày làm bằng cỏ, không nên mang giày làm bằng cỏ tranh, không nên mang giày làm bằng cỏ sậy, không nên mang giày làm bằng cây dừa nước, không nên mang giày làm bằng lá sen, không nên mang giày làm bằng len, không nên mang giày làm bằng vàng, không nên mang giày làm bằng bạc, không nên mang giày làm bằng ngọc ma-ni, không nên mang giày làm bằng ngọc mắt mèo, không nên mang giày làm bằng pha-lê, không nên mang giày làm bằng đồng thau, không nên mang giày làm bằng thủy tinh, không nên mang giày làm bằng thiếc, không nên mang giày làm bằng chì, không nên mang giày làm bằng đồng đỏ; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, không nên mang bất cứ loại giày nào dùng cho việc đi lại; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép ba loại giày đặt ở chỗ nhất định, không thể mang đi (nơi khác) là: giày ở nhà tiểu, giày ở nhà tiêu, giày ở chỗ súc miệng.

[13] Sau đó, khi đã ngự tại thành Bhaddiya theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Sāvatthi. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi ấy trong thành Sāvatthi, đức Thế Tôn ngự tại Jetavana (Kỳ Viên), tu viện của ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư nắm lấy các sừng của những con bò cái đang lội qua sông Aciravatī, các vị nắm lấy tai, các vị nắm lấy cổ, các vị nắm lấy đuôi, các vị cỡi lên lưng, các vị sờ vào bộ phận sinh dục do tâm dâm dục, các vị dìm nước các con bò cái tơ và giết chết. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại nắm lấy các sừng của những con bò cái đang lội qua sông Aciravatī, các vị nắm lấy các tai, các vị nắm lấy các cổ, các vị nắm lấy các đuôi, các vị cỡi lên lưng, các vị sờ mó bộ phận sinh dục do tâm dâm dục, các vị dìm nước các con bò cái tơ và giết chết giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các tỳ khưu đã nghe được dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên nắm lấy các sừng, không nên nắm lấy các tai, không nên nắm lấy các cổ, không nên nắm lấy các đuôi, không nên cỡi lên lưng của những con bò cái; vị nào cỡi lên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Không nên sờ mó bộ phận sinh dục do tâm dâm dục; vị nào sờ mó thì phạm tội thullaccaya (trọng tội). Không nên giết chết những con bò cái tơ; vị nào giết chết thì nên hành xử theo Pháp.[3]

[14] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư di chuyển bằng xe được kéo bởi các con bò cái với con bò đực ở giữa, hoặc được kéo bởi các con bò đực với con bò cái ở giữa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như lễ hội ở vùng Gaṅgā và Mahī vậy.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên di chuyển bằng xe; vị nào di chuyển thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, ở trong xứ Kosala có vị tỳ khưu nọ đang đi đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn, ở giữa đường bị bệnh. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã rời đường đi và ngồi xuống ở gốc cây nọ. Dân chúng đã nhìn thấy rồi nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

- Thưa ngài, ngài sẽ đi đâu vậy?

- Này các đạo hữu, tôi sẽ đi Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn.

- Thưa ngài, hãy đến đây, chúng ta sẽ cùng đi.

- Này các đạo hữu, tôi không thể (đi được). Tôi bị bệnh.

- Thưa ngài, hãy đến đây. Hãy leo lên xe.

- Này các đạo hữu, thôi đi. Xe đã bị đức Thế Tôn cấm đoán.

Trong khi ngần ngại, vị ấy đã không leo lên xe.

Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã đi đến thành Sāvatthi và kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) xe đối với vị bị bệnh.

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Vậy được kéo bởi bò cái? Hay được kéo bởi bò đực?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) toa xe được kéo bởi bò đực.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đã bị khó chịu dữ dội vì sự dằn xóc của xe. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) kiệu khiêng, ghế khiêng.

[15] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sử dụng chỗ nằm cao và chỗ nằm rộng lớn như là: ghế cao, ghế nệm lông thú, thảm lông cừu, thảm nhiều màu, thảm màu trắng, thảm thêu bông hoa, thảm bông gòn, thảm dệt có nhiều hình vẽ, thảm lông rái cá, thảm có lông một góc, tấm lụa có kết ngọc quý, thảm lụa, thảm lớn để nhảy múa, thảm da voi, thảm da ngựa, thảm lót xe, thảm da beo, thảm da nai giống quý, thảm có che phủ ở trên, thảm có màu đỏ ở cả hai đầu.

Dân chúng trong lúc đi dạo quanh các trú xá nhìn thấy nên phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên sử dụng chỗ nằm cao và chỗ nằm rộng lớn như là: ghế cao, ghế nệm lông thú, thảm lông cừu, thảm nhiều màu, thảm màu trắng, thảm thêu bông hoa, thảm bông gòn, thảm dệt có nhiều hình vẽ, thảm lông rái cá, thảm có lông một góc, tấm lụa có kết ngọc quý, thảm lụa, thảm lớn để nhảy múa, thảm da voi, thảm da ngựa, thảm lót xe, thảm da beo, thảm da nai giống quý, thảm có che phủ ở trên, thảm có màu đỏ ở cả hai đầu; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[16] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Chỗ nằm cao và chỗ nằm rộng lớn đã bị đức Thế Tôn cấm đoán” nên sử dụng những tấm da thú lớn là da sư tử, da cọp, da beo. Các tấm da được cắt theo kích thước của giường, chúng được cắt theo kích thước của ghế, chúng được xếp đặt ở giường phía bên trong, chúng được xếp đặt ở giường phía bên ngoài, chúng được xếp đặt ở ghế phía bên trong, chúng được xếp đặt ở ghế phía bên ngoài. Dân chúng trong lúc đi dạo quanh các trú xá nhìn thấy nên phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên sử dụng những tấm da thú lớn là da sư tử, da cọp, da beo; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[17] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Những tấm da thú lớn đã bị đức Thế Tôn cấm đoán” nên sử dụng những tấm da bò. Những tấm da bò được cắt theo kích thước của giường, chúng được cắt theo kích thước của ghế, chúng được xếp đặt ở giường phía bên trong, chúng được xếp đặt ở giường phía bên ngoài, chúng được xếp đặt ở ghế phía bên trong, chúng được xếp đặt ở ghế phía bên ngoài. Có vị tỳ khưu xấu xa nọ thường hay lui tới với người cư sĩ xấu xa nọ. Khi ấy vào buổi sáng, vị tỳ khưu xấu xa ấy đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến nhà ở của người cư sĩ xấu xa ấy, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Sau đó, người cư sĩ xấu xa ấy đã đi đến gặp vị tỳ khưu xấu xa ấy, sau khi đến đã đảnh lễ vị tỳ khưu xấu xa ấy rồi ngồi xuống ở một bên. Vào lúc bấy giờ, con bê của người cư sĩ xấu xa ấy còn nhỏ, đẹp đẽ, xinh xắn, duyên dáng, có nhiều màu như là con beo con vậy. Khi ấy, vị tỳ khưu xấu xa ấy chăm chú nhìn con bê con ấy một cách kỹ lưỡng. Sau đó, người cư sĩ xấu xa ấy đã nói với vị tỳ khưu xấu xa ấy điều này:

- Thưa ngài, vì sao ngài lại chăm chú nhìn con bê con ấy một cách kỹ lưỡng vậy?

- Này đạo hữu, ta có việc cần dùng với da của con bê này.

Khi ấy, người cư sĩ xấu xa ấy đã giết chết con bê ấy, lột tấm da, rồi dâng cho vị tỳ khưu xấu xa ấy. Sau đó, vị tỳ khưu xấu xa ấy dùng y hai lớp (saṅghāṭi) che đậy tấm da ấy rồi ra đi. Khi ấy, con bò cái ấy nhớ đến con bê nên đã đi theo phía sau vị tỳ khưu xấu xa ấy. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này đại đức, vì sao con bò cái này cứ đi theo phía sau đại đức vậy?

- Này các đại đức, tôi cũng không biết vì sao con bò cái này cứ đi theo phía sau tôi nữa?

Vào lúc bấy giờ, y hai lớp của vị tỳ khưu xấu xa ấy đã bị vấy máu. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này đại đức, điều gì đã xảy ra cho cái y hai lớp này của đại đức vậy?

Khi ấy, vị tỳ khưu xấu xa ấy đã kể lại sự việc ấy cho các vị tỳ khưu.

- Này đại đức, có phải đại đức đã xúi kẻ khác giết hại mạng sống?

- Này các đại đức, đúng vậy.

Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao vị tỳ khưu lại xúi kẻ khác giết hại mạng sống? Không phải sự giết hại mạng sống đã bị đức Thế Tôn khiển trách bằng nhiều phương cách và việc từ bỏ giết hại mạng sống đã được khen ngợi hay sao?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

[18] Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi vị tỳ khưu xấu xa ấy rằng:

- Này tỳ khưu, nghe nói ngươi đã xúi kẻ khác giết hại mạng sống, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại xúi kẻ khác giết hại mạng sống? Không phải sự giết hại mạng sống đã bị ta khiển trách bằng nhiều phương cách và việc từ bỏ giết hại mạng sống đã được khen ngợi hay sao? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên xúi kẻ khác giết hại mạng sống, vị nào xúi thì nên được hành xử theo Pháp.[4] Và này các tỳ khưu, không nên sử dụng da bò; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Và này các tỳ khưu, không nên sử dụng bất cứ loại da nào; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, giường và ghế của dân chúng được bọc da và được phủ da. Các vị tỳ khưu ngần ngại không ngồi lên. Các vị đã trình sự việc lên đức Thê Tôn.

- Này các tỳ khưu, Ta cho phép ngồi lên chỗ đã được làm sẵn bởi cư sĩ nhưng không được nằm lên.

Vào lúc bấy giờ, các trú xá được buộc lại bằng những sợi dây da. Các vị tỳ khưu ngần ngại không ngồi lên. Các vị đã trình sự việc lên đức Thê Tôn.

- Này các tỳ khưu, Ta cho phép ngồi lên vật được buộc lại (bởi các sợi dây da).

 [19] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đi vào làng có mang những đôi dép. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên đi vào làng có mang dép; vị nào đi vào thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh không thể đi vào làng không có mang dép. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đi vào làng có mang dép đối với vị tỳ khưu bị bệnh.

[20] Lúc bấy giờ, đại đức Mahākaccāna (Đại Ca Chiên Diên) ngụ tại xứ Avanti, ở Kuraraghara, núi Papāta. Vào lúc bấy giờ, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa là người hộ độ cho đại dức Mahākaccāna. Khi ấy, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã đi đến gặp đại đức Mahākaccāna, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāna rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã nói với đại đức Mahākaccāna điều này:

- Thưa ngài, theo như con hiểu về Pháp đã được ngài Mahākaccāna thuyết giảng thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Thưa ngài, con muốn cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà. Thưa ngài, xin ngài đại đức Mahākaccāna hãy cho con xuất gia.

Khi được nói như vậy, đại đức Mahākaccāna đã nói với nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa điều này:

- Này Soṇa, việc khó làm là thực hành Phạm hạnh, ngủ một mình, ăn một bữa cho đến trọn đời. Này Soṇa, vậy thì ngay chính ở chỗ này, trong khi còn là người tại gia ngươi hãy thực tập lời dạy của chư Phật tức là Phạm hạnh, ngủ một mình, ăn một bữa trong một khoảng thời gian quy định.

Khi ấy, ước muốn xuất gia của nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã được dịu đi.

Đến lần thứ nhì, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa ...(như trên)...

Đến lần thứ ba, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã đi đến gặp đại đức Mahākaccāna, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāna rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã nói với đại đức Mahākaccāna điều này:

- Bạch ngài, theo như con hiểu về Pháp đã được ngài Mahākaccāna thuyết giảng thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Bạch ngài, con muốn cạo bỏ râu tóc, khoác các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà. Bạch ngài, xin ngài đại đức Mahākaccāna hãy cho con xuất gia.

Khi ấy, đại đức Mahākaccāna đã cho nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa xuất gia.

Vào lúc bấy giờ, ở xứ Avanti và khu vực phía nam có ít tỳ khưu. Khi ấy, đại đức Mahākaccāna trải qua ba năm với nỗi cực nhọc khó khăn đã triệu tập được hội chúng tỳ khưu gồm mười vị từ nơi này nơi khác rồi đã cho đại đức Soṇa tu lên bậc trên. Sau đó, khi đã sống qua mùa (an cư) mưa, đại đức Soṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Ta đã được nghe rằng: ‘Đức Thế Tôn ấy là vị như vầy và như vầy,’ nhưng ta chưa được nhìn thấy tận mặt, vậy ta nên đi để diện kiến đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác nếu thầy tế độ cho phép ta.” Sau đó vào lúc chiều tối, đại đức Soṇa đã xuất khỏi thiền tịnh rồi đi đến gặp đại đức Mahākaccāna, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāna rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Soṇa đã nói với đại đức Mahākaccāna điều này:

- Thưa ngài, trường hợp con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Ta đã được nghe rằng: ‘Đức Thế Tôn ấy là vị như vầy và như vầy,’ nhưng ta chưa được thấy tận mặt, vậy ta nên đi để diện kiến đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác nếu thầy tế độ cho phép ta.” Thưa ngài, con có nên đi để diện kiến đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác nếu thầy tế độ cho phép con?

- Này Soṇa, tốt lắm, tốt lắm. Này Soṇa, ngươi hãy đi để diện kiến đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Này Soṇa, ngươi sẽ thấy đức Thế Tôn ấy nhã nhặn, tạo nên niềm hoan hỷ, giác quan thanh tịnh, tâm ý thanh tịnh, đã đạt đến mức tột đỉnh trong sự thu thúc và tĩnh lặng, là đấng voi chúa có các giác quan đã được huấn luyện và bảo vệ. Này Soṇa, nếu vậy thì ngươi hãy đê đầu đảnh lễ ở chân của đức Thế Tôn với lời của ta rằng: “Bạch ngài, thầy tế độ của con là đại đức Mahākaccāna xin đê đầu đảnh lễ đức Thế Tôn.” Rồi ngươi hãy nói như vầy: “Bạch ngài, xứ Avanti và khu vực phía nam có ít tỳ khưu. Con trải qua ba năm với nỗi cực nhọc khó khăn mới triệu tập được hội chúng tỳ khưu gồm mười vị từ nơi này nơi khác và đã thành tựu việc tu lên bậc trên. Có lẽ ở xứ Avanti và khu vực phía nam đức Thế Tôn nên cho phép việc tu lên bậc trên bằng nhóm (có nhân sự) ít hơn. Bạch ngài, ở xứ Avanti và khu vực phía nam, mặt đất sẫm màu hơn, rắn chắc, bị dẫm đạp bởi móng chân bò, có lẽ ở xứ Avanti và khu vực phía nam đức Thế Tôn nên cho phép (sử dụng) dép có nhiều lớp. Bạch ngài, ở xứ Avanti và khu vực phía nam dân chúng xem trọng việc tắm và được sạch sẽ nhờ nước, có lẽ ở xứ Avanti và khu vực phía nam đức Thế Tôn nên cho phép việc tắm rửa thường xuyên. Bạch ngài, ở xứ Avanti và khu vực phía nam các loại da thú như là da cừu, da dê, da nai là vật dùng để trải lót. Bạch ngài, cũng giống như ở các xứ ở trung tâm (các loại cỏ) eragu, moragu, majjāru, jantu (là vật dùng để trải lót), bạch ngài, tương tợ như thế ở xứ Avanti và khu vực phía nam các loại da thú như là da cừu, da dê, da nai là vật dùng để trải lót; có lẽ ở xứ Avanti và khu vực phía nam đức Thế Tôn nên cho phép các loại da thú như là da cừu, da dê, da nai là vật dùng để trải lót. Bạch ngài, hiện nay dân chúng dâng y đến các vị tỳ khưu đã đi ra khỏi ranh giới (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng y này cho vị tên (như vầy).’ Các vị ấy khi trở lại được (các tỳ khưu) thông báo rằng: ‘Này các đại đức, y đã được dâng cho các đại đức bởi những người tên (như vầy),’ các vị ấy ngần ngại không nhận (nói rằng): ‘Chớ để chúng tôi bị phạm tội nissaggiya (ưng xả);’ có lẽ đức Thế Tôn nên giải thích chi tiết về vấn đề y.”

- Bạch ngài, xin vâng.

Sau khi lắng nghe đại đức Mahākaccāna, đại đức Soṇa đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đại đức Mahākaccāna, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi thu xếp chỗ trú ngụ, cầm y bát, ra đi về phía thành Sāvatthi. Tuần tự vị ấy đã đi đến thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika, gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, hãy sắp đặt chỗ trú ngụ cho vị tỳ khưu vãng lai này.

 Khi ấy, đại đức Ānanda (suy nghĩ rằng): “Liên quan đến vị nào mà đức Thế Tôn ra lệnh cho ta rằng: ‘Này Ānanda, hãy sắp đặt chỗ trú ngụ cho vị tỳ khưu vãng lai này’? Có phải đức Thế Tôn muốn ngụ trong cùng một trú xá với vị tỷ kheo ấy? Có phải đức Thế Tôn muốn ngụ trong cùng một trú xá với đại đức Soṇa?” rồi đã sắp đặt chỗ trú ngụ cho đại đức Soṇa trong trú xá đức Thế Tôn đang ngự.

[21] Sau đó, khi đã trải qua gần trọn đêm ở ngoài trời đức Thế Tôn đã đi vào trú xá. Đại đức Soṇa sau khi trải qua gần trọn đêm ở ngoài trời cũng đã đi vào trú xá. Sau đó, khi đã thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm, đức Thế Tôn đã yêu cầu đại đức Soṇa rằng:

- Này tỳ khưu, hãy thuyết giảng Pháp mà ngươi biết rõ.

- Bạch ngài, xin vâng.

Rồi đại đức Soṇa nghe theo đức Thế Tôn đã thuyết lại theo trí nhớ đầy đủ toàn bộ phẩm Nhóm Tám (Aṭṭhakavaggikāni). Sau đó, vào lúc chấm dứt việc thuyết lại theo trí nhớ của đại đức Soṇa đức Thế Tôn đã khen ngợi rằng:

- Này tỳ khưu, tốt lắm, tốt lắm. Này tỳ khưu, phẩm Nhóm Tám đã được ngươi khéo học tập, khéo suy nghĩ, khéo ghi nhớ. Ngươi có giọng nói êm dịu, rõ ràng, không có khó nghe, làm rõ được ý nghĩa. Này tỳ khưu, ngươi (xuất gia) được bao nhiêu năm?

- Bạch đức Thế Tôn, con được một năm.

- Này tỳ khưu, tại sao ngươi thực hiện (việc tu lên bậc trên) chậm trễ như vậy?

- Bạch ngài, từ lâu con đã thấy được sự tai hại trong các dục, nhưng vì cuộc sống tại gia có nhiều cản trở, có nhiều phận sự, có nhiều việc cần phải làm.

Sau đó, khi đã hiểu ra sự việc ấy, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Thấy hiểm họa ở đời,
sau khi hiểu rõ Pháp,
không đam mê, chấp thủ,
bậc Thánh không thích ác,
không thích thú điều ác,
vị ấy được trong sạch.

[22] Khi ấy, đại đức Soṇa (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn hoan hỷ với ta, lúc này chính là lúc của việc mà thầy tế độ ta đã căn dặn kỹ càng” nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn rồi nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, thầy tế độ của con là đại đức Mahākaccāna xin đê đầu đảnh lễ ở hai chân của đức Thế Tôn và nói như vầy: “Bạch ngài, xứ Avanti và khu vực phía nam có ít tỳ khưu. Con trải qua ba năm với nỗi cực nhọc khó khăn mới triệu tập được hội chúng tỳ khưu gồm mười vị từ nơi này nơi khác và đã thành tựu việc tu lên bậc trên. Có lẽ ở xứ Avanti và khu vực phía nam đức Thế Tôn nên cho phép việc tu lên bậc trên bằng nhóm (có nhân sự) ít hơn. Bạch ngài, ở xứ Avanti và khu vực phía nam mặt đất sẫm màu hơn, rắn chắc, bị dẫm đạp bởi móng chân bò, có lẽ ở xứ Avanti và khu vực phía nam đức Thế Tôn nên cho phép (sử dụng) dép có nhiều lớp. Bạch ngài, ở xứ Avanti và khu vực phía nam dân chúng xem trọng việc tắm và được sạch sẽ nhờ nước, có lẽ ở xứ Avanti và khu vực phía nam đức Thế Tôn nên cho phép việc tắm rửa thường xuyên. Bạch ngài, ở xứ Avanti và khu vực phía nam các loại da thú như là da cừu, da dê, da nai là vật dùng để trải lót. Bạch ngài, cũng giống như ở các xứ ở trung tâm (các loại cỏ) eragu, moragu, majjāru, jantu (là vật dùng để trải lót), bạch ngài, tương tợ như thế ở xứ Avanti và khu vực phía nam các loại da thú như là da cừu, da dê, da nai là vật dùng để trải lót; có lẽ ở xứ Avanti và khu vực phía nam đức Thế Tôn nên cho phép các loại da thú như là da cừu, da dê, da nai là vật dùng để trải lót. Bạch ngài, hiện nay dân chúng dâng y đến các vị tỳ khưu đã đi ra khỏi ranh giới (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng y này cho vị tên (như vầy).’ Các vị ấy khi trở lại được (các tỳ khưu) thông báo rằng: ‘Này các đại đức, y đã được dâng cho các đại đức bởi những người tên (như vầy) ,’ các vị ấy ngần ngại không nhận (nói rằng): ‘Chớ để chúng tôi bị phạm tội nissaggiya (ưng xả);’ có lẽ đức Thế Tôn nên giải thích chi tiết về vấn đề y.”

[23] Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, xứ Avanti và khu vực phía nam có ít tỳ khưu. Này các tỳ khưu, trong tất cả các xứ thuộc vùng biên địa (sabbapaccantimesu janapadesu) ta cho phép việc tu lên bậc trên với nhóm có vị thứ năm là vị rành rẽ về Luật (vinayadharapañcamena). Trong trường hợp này, các xứ thuộc vùng biên địa là: Ở hướng bắc có thị trấn tên là Kajaṅgala, xa hơn chỗ đó là Mahāsālā, từ đó trở đi là các xứ thuộc vùng biên địa, từ đó trở lại là thuộc trung tâm. Ở hướng nam, có thị trấn tên là Setakaṇṇika, từ đó trở đi là các xứ thuộc vùng biên địa, từ đó trở lại là thuộc trung tâm. Ở hướng tây, có làng bà-la-môn tên là Thūna, từ đó trở đi là các xứ thuộc vùng biên địa, từ đó trở lại là thuộc trung tâm. Ở hướng đông, có ngọn núi tên là Usīraddhaja, từ đó trở đi là các xứ thuộc vùng biên địa, từ đó trở lại là thuộc trung tâm. Này các tỳ khưu, trong các xứ thuộc vùng biên địa như thế ta cho phép việc tu lên bậc trên với nhóm có vị thứ năm là vị rành rẽ về Luật.

Này các tỳ khưu, ở xứ Avanti và khu vực phía nam mặt đất sẫm màu hơn, rắn chắc, bị dẫm đạp bởi móng chân bò. Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) dép có nhiều lớp trong tất cả các xứ thuộc vùng biên địa. Này các tỳ khưu, ở xứ Avanti và khu vực phía nam dân chúng xem trọng việc tắm và được sạch sẽ nhờ nước. Này các tỳ khưu, ta cho phép việc tắm rửa thường xuyên trong tất cả các xứ thuộc vùng biên địa. Này các tỳ khưu, ở xứ Avanti và khu vực phía nam các loại da thú như là da cừu, da dê, da nai là vật dùng để trải lót. Này các tỳ khưu, cũng giống như ở các xứ ở trung tâm (các loại cỏ) eragu, moragu, majjāru, jantu (là vật dùng để trải lót), này các tỳ khưu, tương tợ như thế ở xứ Avanti và khu vực phía nam các loại da thú như là da cừu, da dê, da nai là vật dùng để trải lót. Này các tỳ khưu, ta cho phép các loại da thú như là da cừu, da dê, da nai là vật dùng để trải lót trong tất cả các xứ thuộc vùng biên địa. Này các tỳ khưu, trường hợp dân chúng dâng y đến các vị tỳ khưu đã đi ra khỏi ranh giới (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng y này cho vị tên (như vầy).’ Này các tỳ khưu, ta cho phép nhận lãnh, khi nào chưa đến tay thì chưa tính việc đếm (ngày đã cất giữ) ấy.

Chương Da Thú là chương thứ năm.

Trong chương này có sáu mươi ba sự việc.

******

Tóm lược chương này:

[24]

Vua xứ Magadha
và thanh niên Soṇa,
trưởng làng tám muôn vị,
ở Gijjhakūṭa,
Sāgata phô bày
nhiều Pháp bậc thượng nhân,
xuất gia rồi nỗ lực,
(các bàn chân) bị rách,
cây đàn, dép một lớp.
Màu xanh, vàng, và đỏ,
đỏ sậm, và đen nữa,
màu nổi bật, sáng chói,
và cấm đoán dây buộc,
phủ gót, gối, ống chân,
lót bông, giống cánh gà,
gắn sừng cừu, và dê,
đuôi bọ cạp, lông công,
và có đủ các loại.
Dép bằng da sư tử,
da cọp, và da beo,
da hươu, rái cá, mèo,
da sóc, và cú mèo.
Đôi dép, chân bị rách,
bị khối u, chân rửa,
gốc cây, tiếng ồn ào.
Cây thốt nốt, cây tre,
và cỏ, tranh, cỏ sậy,
dừa nước, lá sen, len,
vàng, bạc, ngọc ma-ni,
ngọc mắt mèo, pha lê,
đồng thau, và thủy tinh,
thiếc, chì, và đồng đỏ.
Bò cái, xe, vị bệnh,
bò đực kéo, ghế nệm.
Chỗ nằm, da loại lớn,
da bò và kẻ ác.
Của cư sĩ, dây da,
họ đi vào, vị bệnh.
Soṇa và đại đức
Mahākaccāna,
“Nhóm Tám” bằng trí nhớ,
tu lên với năm vị,
dép nhiều lớp, tắm đều,
cho phép thảm bằng da,
không tính việc đếm ngày,
vị Lãnh Đạo đã ban
đến trưởng lão Soṇa
năm điều đặc ân ấy.


[1] Vīṇā là một loại đàn dây, tạm dịch là đàn tỳ-bà.

[2] Ở đây, điều ấy tức là sự ghi nhận bởi mắt (tâm nhãn thức). Theo khả năng hiểu biết của chúng tôi dựa vào lời giải thích của ngài Buddhaghosa thì vị tỳ khưu này chỉ ghi nhận tâm nhãn thức (sự ghi nhận bởi mắt) sanh lên và diệt đi, và không sanh khởi sự thích thú (tham), sự chán ghét (sân), hay sự thờ ơ (si) đối với cảnh sắc đã ghi nhận được.

[3] Liên quan đến tội pācittiya (ưng đối trị) 61.

[4] Liên quan đến tội pārājika (bất cộng trụ) 3 và tội pācittiya (ưng đối trị) 11, 61, 62.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01a | 01b | 01c | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indacanda Nguyệt-Thiên đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 04-06-2005