BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Chú Giải Luật Thiện Kiến
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la - Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh


  

Quyển thứ mười lăm

-ooOoo-

Giới thứ 7 ( N.P 7)

Bấy giờ, đức Phật ở tinh xá Cấp Cô Ðộc, vườn Kỳ Ðà, nước Xá Vệ.

Nhiều người bạch y cùng nhau: nghe tỳ kheo bị mất y, các thí chủ cùng nhau cúng dường y.

Thỉnh tùy ý: thí chủ bảo tỳ kheo rằng nếu ngài cần gì hãy tùy ý lấy dùng . Ðây gọi là thỉnh tùy ý.

Y trên và dưới: nhận được (2 y) là An-đà-hội (y nội) và Uất-đa-la-tăng (y vai trái) (thì không được nhận) y tăng-già-lê. Do đó, trong luật nói rằng tỳ kheo nào mất ba y thì được phép nhận hai y trên và dưới (ở một nơi). Y còn lại thì xin ở chỗ khác. Nếu mất hai y thì được phép nhận một y. Nếu mất một y thì không được nhận thêm nữa.

Tỳ kheo ny nào mất năm y thì được phép nhận hai y (ở một chổ) . Nếu bị mất bốn y thì được phép nhận một y. Nếu bị mất ba y thì không được phép nhận nữa. Nếu có bạn thân hay thí chủ thỉnh được yêu cầu, hay vật của mình thì được phép nhận tùy ý.

Giới này đủ cả sáu sự việc...(như giới 4) chẳng phải tưởng mà được thoát (phạm tội). Giới này được chế với cả nghiệp thân và miệng, đủ cả ba thọ.

Hết phần giải thích về xin hai y thượng hạ.
(Tatuttarisikkhàpada-vannanà Nitthita).

 

Giới thứ 8 (N.P 8)

Bấy giờ, đức Phật ở tại tinh xá Cấp-cô-độc, rừng Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Giá trị y là chi phí (may y) tính bằng vàng, bạc, tiền.

Nếu thí chủ hay vợ của họ muốn đem (vật có) giá trị kia làm y cho tỳ kheo. Biết như vậy, tỳ kheo đến nói rằng nếu quý vị làm y cho tôi, hãy làm cho dài rộng, thật tốt.

Bảo họ tăng thêm chi phí làm y: cho đến tăng thêm một phần mười sáu (chi phí đã dự định).

Bảo dệt cho tốt đẹp: nếu họ dệt thêm một sợi chỉ thì khi nhận được y, phạm tội ưng xả đối trị.

Nếu thí chủ muốn làm y lớn, tỳ kheo khuyên làm nhỏ lại; thí chủ muốn làm y với giá trị cao, tỳ kheo khuyên hạ thấp giá trị và thí chủ làm theo như vậy thì tỳ kheo nhận y này vô tội.

Nếu tỳ kheo khuyên người bà con hay thí chủ thỉnh tỳ kheo được yêu cầu thì không phạm.

Nếu khuyên tăng giá y cho người khác thì mình không phạm.

Pháp sư nói: - tuần tự các câu văn dễ hiểu, không cần giải rộng

(Pathamaupakkhatasi kkhàpadavannanànitthità)

 

Giới thứ 9 (P.N 9)

Giới tiếp theo là cư sĩ không bà con làm y cho tỳ kheo vì có nhiều cư sĩ nên (chổ phát sinh y) khác nhau. Những câu văn khác được nói như giới trước.

(Dutiyaupakkhatasikkhàpadavan-nanà nitthità).

 

Giới thứ 10 ( P.N 9 - 10?)

Bấy giờ, đức Phật ở tinh xá Cấp Cô Ðộc, rừng Kỳ Ðà, nước Xá Vệ.

(có người Gahapati - nam gia chủ) bảo cư sĩ khác rằng ông hãy đem giá trị này mua y và dâng cho tỳ kheo... Nói rõ như vậy.

Năm mươi phạt: (một) phạt giá trị bằng năm mươi Ca-lê-sa-bàn (Kahàpara - đồng tiền Aán Ðộ thời bấy giờ).

Ðại đức chờ: (như thưa rằng) đại đức, hôm nay con có việc, xin đại đức chờ qua hôm nay và ngày mai con sẽ đưa

Người phục vụ của vua: người nhận hưởng bổng lộc của vua gọi là người của vua.

Sai sứ giả:sai người đưa đến.

Ðưa đến: đem (giá trị làm y) đến chỗ tỳ kheo.

Nhận lấy (vật) thanh tịnh: nếu là vật thanh tịnh thì ta được nhận lấy.

Vật thanh tịnh (Kappaya - thích hợp đúng luật): y phục, thuốc trị bệnh được gọi là vật thanh tịnh.

Nếu giữ phòng cho tăng (Veyyàvaccakara - người phục vụ): là người được tăng sai khiến làm việc.

Ðã bảo cho biết: tôi đã bảo người giữ phòng, nếu đại đức cần y thì đến gặp họ và (họ) sẽ đưa y cho đại đức.

Này cư sĩ, tôi cần y: bảo cho họ biết, tùy theo trường hợp mà nói cho họ hiểu. Ðòi đến hai, ba lần thì cũng như vậy. Ðòi được thì tốt, nếu đòi không được thì được đòi một, hai, ba cho đến lần thứ sáu. (và khi ấy thì) Lần này, tỳ kheo đứng im lặng trước họ. Im lặng như thế nào? Miệng không nói và chỉ được đứng, không được ngồi; nếu mời ăn uống cũng không nhận lời. Nếu họ thỉnh thuyết pháp, chú nguyện, đều không được làm cho họ.

Nếu đàn việt hỏi: - Tại sao Ngài đến đây?

Ðáp: - Cư sĩ tự biết lấy.

Ðòi được thì tốt, nếu không đòi bằng miệng (nói ra lời) thì được đòi bằng cách im lặng đến mười hai lần. Cứ mỗi lần đòi bằng miệng thì giảm đi hai lần đòi bằng im lặng. Hai lần đòi bằng lời thì giảm bốn lần đòi bằng im lặng. Ba lần đòi bằng lời thì giảm sáu lần im lặng...cho đến sáu lần đòi bằng miệng thì giảm mười hai lần im lặng đòi. (Sau những lần quy định trên) tiếp tục đòi nữa, được y, phạm ưng xả đối trị.

Một ngày đến đòi một lần thì được đến sáu ngày. Nếu một ngày đến một lần mà đòi đến sáu lần bằng lời thì không được đến đòi nữa và cũng không được (đòi bằng cách) im lặng.

Nếu không được y, vị này đến chỗ đưa ra chi phí làm y, bảo họ rằng: tôi hoàn toàn không được sử dụng tài vật của ông, ông hãy biết rõ và đừng để thất lạc.

Nếu không được y, tỳ kheo nên đích thân đến báo với chủ y, không nên sai người đến nói. Nếu sai người đi báo thì phạm tội Ðột-cát-la.

Pháp sư nói: - Có hai hạng người chấp sự: một: chỉ thị; hai: không chỉ thị.

Hạng chỉ thị có hai: một là do tỳ kheo chỉ thị; hai là do sứ giả chỉ thị.

Hạng không do chỉ thị có hai: một là tự mình không hiện diện; hai là người khác không hiện diện.

Ðây là bốn hạng người chấp sự (kappiyakàraka)

Pháp sư nói: - Thế nào là sứ giả chỉ thị?

Ðáp: - Cư sĩ nào đó mua y cho tỳ kheo, (sai) sứ giả đến gặp tỳ kheo. Ðến nơi, sứ giả nói với tỳ kheo rằng đại đức, cư sĩ...sai tôi đem chi phí làm y đến, xin đại đức nhận cho.

Tỳ kheo đáp: - Ðây là vật bất tịnh nên tỳ kheo không được nhận.

Sứ giả lại nói rằng: - Ðại đức, ngài có người chấp sự không?

Tỳ kheo đáp: - Không có.

Sứ giả tự tìm người chấp sự. Sau khi tìm được người chấp sự, đưa đến gặp tỳ kheo, sứ giả nói rằng người này có thể làm người chấp sự cho đại đức.

Sứ giả đem giá trị chi phí làm y giao cho người chấp sự. Và ngay trước mặt tỳ kheo, sứ giả bảo người chấp sự rằng ông hãy dùng chi phí này mua y và đưa cho tỳ kheo.

Nếu đã có người chấp sự, tỳ kheo bảo sứ giả rằng: người chấp sự đang ở thôn..., ở nơi..., tên là...

Sứ giả đến gặp người chấp sự ấy và bảo rằng ông hãy đem giá trị này mua y và đưa cho tỳ kheo...

Sau khi giao chi phí xong, sứ giả trở lại gặp tỳ kheo và nói rằng tôi đã giao chi phí làm y cho người chấp sự mà đại đức đã cho biết. Ðại đức cần y thì đến lấy.

Sau khi giao chi phí làm y cho người chấp sự, nếu không đích thân trở lại báo với tỳ kheo thì sứ giả phải sai người đến báo với tỳ kheo rằng tôi đã giao chi phí làm y cho người chấp sự mà đại đức đã chỉ định, nếu cần y thì ngài hãy đến lấy. Họ sẽ giao y cho đại đức.

Trên đây là bốn hạng người chấp sự. Do đó, trong luật nói rằng: này tỳ kheo, nếu có người chấp sự có tín tâm và kính pháp thì đem giá trị (làm y) giao cho họ. Các vị cần y thì đến họ lấy, được nhận vật thanh tịnh chứ không được nhận vàng, bạc. Với sự việc này thì có thể phương tiện nhận vàng, bạc (giao cho người chấp sự); trừ trường hợp này, không được phép nhận vàng, bạc.

Nếu sứ giả bảo với người chấp sự rằng hãy đem giá trị này mua y và giao cho tỳ kheo...

Sau khi giao chi phí may y cho người chấp sự rồi, sứ giả không báo với tỳ kheo thì tỳ kheo không được đến gặp người chấp sự để đòi y. Nếu đòi được y, tỳ kheo phạm tội Ðột-cát-la.

Nếu có cư sĩ đem vàng, bạc đến gặp tỳ kheo và bảo rằng họ đem vàng, bạc này cúng cho chúng tăng, xin đại đức nhận cho, để làm trú xứ cho tăng, làm nhà ăn, hay làm vườn ruộng thì tỳ kheo không được nhận. Nếu nhận thì phạm Ðột-cát-la. (Trường hợp này) tỳ kheo bảo họ giao cho tịnh nhân, sau đó mới được đem ra xử lý chi dụng (số vàng, bạc ấy). Nếu sứ giả không hiểu thì tỳ kheo được phép sai tịnh nhân nhận cho rồi sau đó tùy trường hợp mà phân chia sử dụng.

Nếu cư sĩ đem vàng, bạc dâng cho chúng tăng để làm thức ăn, y phục, thức uống, ngọa cụ thì không được tự nhận lấy.

Nếu chúng tăng nhận lấy vàng bạc (để) sau đó được thức ăn, y phục xử dụng thì bị tội Ðột-cát-la.

Nếu chúng tăng không nhận, cư sĩ lại không hiểu nên đem về, trên đường đi gặp vị tỳ kheo biết luật và vị này hỏi rằng ông đem cúng cho tăng tại sao đem về?

Nghe hỏi, hiểu ra, cư sĩ đem số vàng bạc ấy giao cho tịnh nhân.

Nếu cư sĩ bố thí gì thì sử dụng vật ấy. Tỳ kheo không được bảo đem đổi (vật ấy) cho mình. Nếu đem đổi vật dụng khác thì phạm Ðột-cát-la.

Nếu thí chủ cúng để làm nhà ở, trú xứ, nhưng không còn thức ăn uống nên chúng tăng sắp bỏ đi, không có người giữ chùa thì được cắt giảm chi phí sửa chùa để chi dụng ăn uống, cung cấp cho người giữ gìn phòng xá. Người chuyển đổi vô tội.

Ðối với vật dụng làm phòng ở của tứ phương tăng, nếu trú xứ ấy không có thức ăn, chúng tăng muốn bỏ đi thì được giảm (chi phí dùng làm) phòng ở để sung vào việc ăn uống cho tăng. Tại sao? Vì để giữ gìn trú xứ, nhưng không được sử dụng hết.

Nếu cư sĩ cúng dường ruộng, ao thì tỳ kheo không được nhận. Làm sao nhận được? Tỳ kheo bảo cư sĩ rằng pháp tỳ kheo không được nhận ruộng, ao.

Nếu cư sĩ bảo tỳ kheo rằng (nhờ vào) ruộng ao này thường sinh ra bốn vật dụng thanh tịnh, để cúng dường chúng tăng thì được nhận.

Nếu cư sĩ nói rằng xin dâng ao nước này cho tăng chúng để tắm rửa giặt và tất cả chúng sanh khác được uống tùy ý thì tăng được phép nhận ao ấy.

Nếu cư sĩ không biết nói (như trên), chỉ nói dâng ao nước thì tỳ kheo đáp rằng pháp của người xuất gia không cho phép nhận ao nước, nếu dâng nước thanh tịnh thì được nhận.

Cư sĩ đáp: - Lành thay, đại đức, ý của con là dâng nước.

Nếu họ nói như vậy thì được nhận. Nếu cư sĩ vẫn không rõ lời nói ấy mà chỉ nói dâng cúng mà thôi, rồi sau đó họ qua đời thì tỳ kheo cũng không được nhận dùng.

Nếu cư sĩ có con cháu, tỳ kheo nên dạy con cháu ấy bố thí. Nếu họ không còn con cháu kế thừa, tỳ kheo nên nói với các vị trưởng thượng trong làng rằng cư sĩ ấy không biết lời nói dâng cúng mà đã qua đời nên tỳ kheo không được nhận dùng, quý vị hãy tự biết.

Các vị trưởng thượng ấy nói với tỳ kheo rằng đệ tử đem nước (ấy) dâng cho chúng tăng. Nếu họ dâng cúng như vậy thì tỳ kheo được nhận dùng, vô tội. Ngoại trừ vàng, bạc, tiền thì không được nhận, nếu cư sĩ đem gạo dâng cúng cùng trái ngọt, y phục, thức ăn uống...tất cả đều được nhận.

Nếu cư sĩ tự dâng vật thực thanh tịnh thì tỳ kheo được nhận. Tỳ kheo không được vì mình mà bảo cư sĩ và tịnh nhân làm thức ăn uống cho mình. Nếu nhận được thức ăn uống ấy cũng không được ăn.

Pháp sư nói: - Trước đây, có một tỳ kheo trú ở núi Chất Ða La (Cittalapabbata) muốn ăn bánh. Ra trước hiên, thấy các cư sĩ, vị này dùng nước rưới trên đất (vẽ) hình cái bánh và nói rằng làm sao có cái bánh thế này để ngày mai cúng dường cho chúng tăng. Hiểu ý tỳ kheo, các cư sĩ về nhà làm bánh như vậy và sáng hôm sau đem cúng dường chúng tăng. Biết sự việc này, thượng tọa không nhận. Thấy thượng tọa không nhận, các hạ tọa cũng không nhận.

Ngày xưa, các vị tỳ kheo biết đủ không chịu ăn chỉ vì sự biểu hiện tướng trạng như vậy, huống chi ngày nay lại cầu xin thức ăn cho mình chỉ vì thân thể.

(Ðược) bố thí vườn ruộng cho mình, không được nhận: giống như trước.

Nếu được dâng chỗ A-lan-nhã hay rừng thì được nhận. Sau đó, có người phá rừng làm thành ruộng, trồng được gạo, trái ngọt để ăn uống thì được nhận. Nếu họ không đưa, không được cố cầu xin.

Nếu người trước đây đã phá rừng thành ruộng rồi bỏ đi, người sau (tăng) đến làm, nên bồi thường theo giá trị. Vì sao? vì họ đã làm thành ruộng.

Nếu có người muốn thuê ruộng thì không được nhận bằng vàng bạc, vật thanh tịnh thì được nhận.

Nếu người thuê ruộng không biết rõ vị trí, nên hỏi tỳ kheo rằng ai biết phạm vi của ruộng ấy, xin chỉ rõ cho. Nếu tỳ kheo không biết rõ thì không được chỉ bậy.

Nếu có người bố thí người ở thì không được nhận. Nếu họ nói dâng cúng tịnh nhân hoặc người chấp sự thì được nhận.

Tịnh nhân của chúng tăng, vào buổi sáng làm thức ăn cho chúng tăng, trưa và chiều tự mưu sinh cho mình thì trước bữa ăn trưa được cho họ thức ăn, sau bữa trưa không được cho. Y phục và tất cả các vật khác đều không được cho.

Nếu họ làm việc do tăng sai khiến trong nữa tháng thì tăng cung cấp thức ăn và y phục (trong nữa tháng ấy). Trong nữa tháng họ làm việc riêng thì chúng tăng không cung cấp y phục và lương thực.

Nếu họ không làm gì cho tăng và cũng không được tăng sai khiến mà tự mình làm việc riêng, sau đó lại được thu nhập rồi đem dâng cho tăng, tăng được nhận. Nếu họ không dâng thì không được đến đòi.

Nếu được dâng bò, dê thì tỳ kheo không được nhận. Nếu họ nói dâng sữa, bơ...năm loại thì được nhận. Ðối với tất cả loại súc vật khác cũng vậy.

Pháp sư nói: - Thứ tự các câu văn dễ hiểu. Giới này phát sinh do vua và người làm việc cho vua, đủ cả ba nghiệp thân, miệng, ý và ba thọ. Ðây là tội do chế định, nhưng không thể không biết mà thoát được.

(Ràjasikkhàpadava-nnanà nitthità).

 

Giới thứ 11 (P.N 11)

Bấy giờ, đức Phật ở thành Ca-la-tỳ (Àlàvi).

Phu cụ Kiêu-xa-da (Kasiyamissaka santhata) là (tấm) trải trên đất bằng.

Dùng nước dấm (chất chua?) rưới xen vào: Cho đến xen lẫn một sợi lông Kiêu-xa-da thì phạm ưng xả đối trị.

Lông Kiêu-xa-da (Kasiyamsu) là loại lông mịn nhỏ. Loại phu cụ này là vật được đan bằng len chứ không phải dệt thành.

Pháp sư nói: - Thứ tự câu văn dễ hiểu.

(Kosiyasikkhàpa-davannanà nitthita).

 

Giới thứ 12 (P.N 12)

Bấy giờ, đức Phật ở giảng đường Lầu Cao (Kùtàgàra-sàlà) thuộc thành Tỳ-xá-ly.

Thuần là lông dê den (Suddhakàlaka elakaloma):nghĩa là không pha lẫn loại lông khác.

Pháp sư nói: - Thứ tự các câu văn dễ hiểu, không cần phải giải thích.

Hết phần giải về giới dùng toàn lông dê đen.
(Suddhakàlakasikkhàpadavannanà nitthità).

 

Giới thứ 13 (P.N 13)

Bấy giờ, đức Phật ở tinh xá Cấp-cô-độc, rừng Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

(May) lên ở bìa (ngọa cụ) (àdiyitvà): dùng một ít (nỉ bằng) lông trắng đắp lên bìa.

Pháp sư nói: - Trong luật đã nói rõ, không cần phải giải thích rộng.

(Dvebhàgasikkhàpadavannanà nitthità).

 

Giới thứ 14 (P.N 14)

Bấy giờ, đức Phật ở tinh xá Cấp-cô-độc, rừng Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Ngoại trừ tỳ kheo bệnh. Tỳ kheo nào bị bệnh muốn đi đến trú xứ khác, ngại vì ngọa cụ nặng nên không mang đi được, được tăng yết ma cho phép thì được làm tọa cụ mới. Nếu bệnh chưa hết thì được làm tùy ý. Nếu bệnh đã hết lại tái phát thì không cần phải yết ma nữa mà được phép làm theo yết ma trước đây.

Pháp sư nói: - Thứ tự câu văn dễ hiểu, không cần giải thích rộng.

(Chabbassasikkhàpadavannanà nitthità).

 

Giới thứ 15 (P.N 15)

Bấy giờ, đức Phật trú ở tinh xá Cấp-cô-độc, rừng Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Ðây thuộc giới làm tọa cụ: - Này các tỳ kheo, Ta (Phật) muốn vào chỗ yên tĩnh sống ba tháng.

Pháp sư nói: - Tại sao Thế Tôn đi vào chỗ yên tĩnh sống ba tháng? Thế Tôn quán sát khắp chúng sanh và thấy rằng trong ba tháng này không có ai đắc đạo cả. Thế nên Ngài đi đến nơi yên tĩnh để sống ba tháng.(Thế Tôn nói:) Sau khi Ta đi rồi sẽ xảy ra việc như vậy. Các tỳ kheo nghe lời nói của Ta xong, liền lập ra quy chế phi pháp. Ưu-ba-tư-na Bằng-kiền-đà-tử (Upasenavan-gataputta) sẽ phá tan quy chế (phi pháp ấy) và đi vào thất nơi Ta ở. Thấy vị ấy, Ta rất khen ngợi. Nhờ Ưu-ba-tư-na Bằng-kiền-đà-tử mà nhiều tỳ kheo thọ pháp đầu-đà cũng đến gặp Ta. Sau ba tháng ở chỗ yên tịnh, Ta sẽ dẫn các tỳ kheo đi xem xét các phòng, thấy các tọa cụ bị vứt bỏ bừa bãi. Căn cứ vào đó, Ta sẽ chế định giới về tọa cụ cho các tỳ kheo.

Sau khi suy nghĩ như vậy, Thế Tôn ở nơi yên tịnh trong ba tháng.

Khi ấy, Ưu-ba-tư-na bằng-kiền-đà-tử đi đến chỗ Phật ở. Trưởng lão Ưu-ba-tư-na cho đệ tử chưa đủ hai mươi tuổi thọ giới cụ túc, nên phạm tội Ðột-cát-la. Trong Kiển-đà-ca có quở trách rằng ngươi là kẻ ngu si, ngươi chưa đủ mười tuổi hạ, tại sao lại cho người chưa đủ hai mươi tuổi được thọ cụ túc. Ngươi lại không biết dạy bảo, phải sai người dạy bảo.

Sau khi nhận sự quở trách, Ưu-ba-tư-na làm lễ Phật rồi từ giã. Vị này suy nghĩ rằng ta là người đàn ông xuất gia với tâm tốt chứ không phải với tâm xấu, tại sao phải vì đệ tử mà bị quở trách. Ta sẽ đi ở nơi cách xa mười do tuần (khoảng 200 km), dạy bảo đệ tử làm cho họ có uy nghi tề chỉnh giống như ta vậy, sau đó sẽ dẫn về thăm hỏi Thế Tôn. Nhờ những đệ tử với uy nghi đúng pháp, ta sẽ được Phật khen ngợi.

Hỏi: - Do đó, trong luật nói rằng: Phật hỏi tỳ kheo rằng ông có thích mặc y xấu không?

Ðáp: - Thật không thích mặc, chỉ vì vâng theo thầy nên phải mặc.

Ðức Phật liền khen ngợi: Lành thay, lành thay! Ưu-ba-tư-na khéo léo dạy đệ tử được đầy đủ uy nghi.

Phật bảo các tỳ kheo: Thấy các tọa cụ bị vứt bỏ khắp nơi, đức Phật bảo các tỳ kheo rằng (vật) được dâng cúng bằng tín tâm, cần phải sử dụng một cách thích đáng chớ để bị hư, mất.

Phật dùng vô số cách: đức Phật bằng nhiều cách thuyết giảng cho các tỳ kheo.

Tọa cụ cũ là loại đã từng được ngồi qua ít nhất là một lần.

Lấy một phần nhỏ: lấy một mảnh vuông hay tròn ở một bìa trong bốn bìa (của tọa cụ cũ) may lên (tọa cụ) mới. Nếu không thể may đắp lên thì nối thêm vào cái mới cũng được.

Pháp sư nói: - Các câu văn khác đã nói rõ trong luật, không cần giảng giải. Nguyên nhân phát sinh giới này như ở trước.

Hết phần giải thích về giới tọa cụ.
(Nisìdanasanthanasikkhàpadavannanà nitthità).

 

Giới thứ 16 (N.P 16)

Bấy giờ, đức Phật ở tinh xá Cấp-cô-độc, rừng Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

(Ðây là) giới về vác lông dê.

Chọc ghẹo khinh lờn: Trên đường đi, thấy tỳ kheo vác lông dê, các cư sĩ hỏi đại đức vác lông dê này đi đâu và bán nơi nào, giá cao nhất là bao nhiêu?

Nghe các cư sĩ khinh lờn đùa cợt như vậy, đi về đến chùa, tỳ kheo rất tức giận ném lông dê ra đất. Các tỳ kheo khác hỏi rằng đại đức đem lông dê này ở đâu về đây mà tức giận ném xuống đất vậy.

Tỳ kheo đáp: - Vì lông dê này mà ta bị các cư sĩ chế diễu nên tức giận ném xuống đất.

Tự vác đi: dùng y vai trái (y mặc trên) bọc (lông dê) lại và tự vác đi.

Quá ba do tuần: tự mình vác đi xa ba do tuần, không người vác thay thế, số lông dê nhiều hay ít đều bị phạm tội ưng xả đối trị.

Ðến đúng ba do tuần rồi vứt bỏ xuống đất, (sau đó) dùng cây đẩy đi, hay dùng chân đá, vượt qua ba do tuần cũng phạm ưng xả đối trị.

Ðến ba do tuần, nếu gặp phải các nạn như cọp, sói, giặc... nên vượt qua ba do tuần, đều phạm ưng xả đối trị.

Trong phạm vi ba do tuần, bị giặc cướp đoạt; sau đó chúng trả lại cho tỳ kheo, thì tỳ kheo được vác đi trong ba do tuần (nữa), không phạm tội.

Các trường hợp vô tội: vác tọa cụ dệt bằng lông dê; tấm thảm bằng lông dê; trong phạm vi ba do tuần; vừa đến ba do tuần thì có người vác thế quá ba do tuần.

Vác lông dê dù cho số lượng ít dưới mép tai đi qua ba do tuần cũng phạm tội.

Pháp sư nói: - Các câu văn khác dễ hiểu, không cần phải giải thích rộng. Giới này phát sinh từ thân tâm, không thể vì không biết mà thoát tội.

Hết phần giải thích giới vác lông dê.
(Elakalomadhovàpanasikkhàpada-vannanà nitthità).

 

Giới thứ 17 (P.N 17)

Bấy giờ, đức Phật trú ở vườn Ny-câu-luật, thành Ca-duy-la-vệ của dòng họ Thích (Skkesu kapilavatthusmim Nigrodhàràme). Ðây là giới về nhuộm lông dê.

E rằng chẳng chịu tọa thiền tụng kinh:vì bận giặt, nhuộm lông dê cho nhóm sáu tỳ kheo nên tỳ kheo ny phế việc (thiền tụng)...

Pháp sư nói: - Các câu văn khác dễ hiểu.

Hết phần giải thích giới giặt nhuộm lông dê.
(Ekalalomadhovàpa-nasikkhàpadavannanà nitthità).

 

Giới thứ 18 (P.N 18)

Bấy giờ, đức Phật ở trong núi Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá. Ðây là giới về vàng bạc.

Vàng: ngọc kha, lưu ly, san hô... tất cả các thứ báu và vật (để) trao đổi mua bán đều thuộc vào loại vàng bạc. Do đó trong luật nói rằng với tiền làm bằng mủ cây được xử dụng trong nước, đều không được cầm nắm, cũng không được bảo người khác cầm nắm, đều phạm. Nếu vì mình mà cầm nắm (vàng ... như trên) thì phạm xả đọa; nếu vì tăng, vì nhiều người cho đến một người, vì tượng... mà cầm, đều phạm tội Ðột-cát-la.

Các trường hợp vô tội: tự mình không nhận, không bảo người khác nhận. Có cư sĩ đem vàng bạc đến dâng cho tỳ kheo, tỳ kheo đáp rằng không nhận được. Cư sĩ lại nói rằng đại đức, con đã quyết tâm đem vật ra dâng cúng nên không thể đem về lại. (Nói xong) họ bỏ (vật) xuống đất rồi trở về.

Thấy cư sĩ đi rồi, tỳ kheo ở lại trông chừng (vật ấy). Lại có cư sĩ thấy tỳ kheo đang ở đó nên đến hỏi rằng: - Ðại đức, tại sao ở đây?

Tỳ kheo đáp rằng có cư sĩ dâng cúng vàng bạc này; theo pháp tỳ kheo thì không được nhận vật này.

Cư sĩ nói với tỳ kheo rằng đại đức, thầy đã không được nhận vật bố thí cho đệ tử. Tỳ kheo im lặng.

Do đó, cư sĩ lấy vật ấy đi, sau đó đem đổi lấy các vật thanh tịnh như thức ăn, y phục.v.v... đem dâng cho tỳ kheo, tỳ kheo được nhận.

Nếu gặp người không hiểu pháp thì (tỳ kheo) để vàng bạc ấy trong phòng, khóa cửa lại, không cho thất lạc. Nếu có người bán y bát, tỳ kheo gọi họ lại và chỉ vàng bạc bảo với người bán y bát rằng: bần tăng cần y bát này, đây là vàng bạc cư sĩ hãy tự biết lấy.

Nếu không có người bán y bát nhưng lại có người bán nước uống phi thời, thuốc bảy ngày, thuốc trọn đời. Tỳ kheo đưa người bán đến chỗ vàng bạc ấy và nói rằng có số vàng bạc này, chúng tăng cần thuốc này, cư sĩ hãy tự biết lấy.

Sau khi được thuốc ấy rồi, chúng tăng được ăn dùng, tỳ kheo chủ vàng bạc ấy không được ăn dùng (riêng), các người cư sĩ, tịnh nhân cho đến súc sinh cũng không được ăn. Tại sao? Vì là vật của tăng.

Không có thuốc, chủ vàng bạc bỏ lại rồi đi mất, lại không có phương tiện gì được nhận (xử dụng), nếu thấy nam Phật tử thì gọi lại bảo đem bỏ đi.

Nam Phật tử nói: - Tại sao vứt bỏ vàng bạc này đi, con sẽ nhận lấy.

Tỳ kheo đáp:- Tùy ý.

Nếu nam Phật tử hiểu pháp, đem (vàng bạc ấy) đổi y bát, đem đưa đến chúng tăng thì được nhận.

Nếu không có nam Phật tử để sai họ đem vứt đi, thì chúng tăng nên bạch nhị yết ma (sai) một tỳ kheo biết rõ năm pháp đem số vàng bạc này (và) nhắm mắt lại rồi ném đi, không được biết chỗ rơi của nó. Nếu biết chỗ rơi (xác định) thì phạm tội Ðột-cát-la.

Nhận dùng của thí chủ có bốn trường hợp:

1. Dùng như kẻ trộm.
2. Dùng như mắc nợ.
3. Dùng như của bạn thân.
4. Dùng như ông chủ.

Hỏi: - Thế nào dùng như kẻ trộm?

Ðáp: - Nếu tỳ kheo không có giới, theo thứ lớp của tăng, thọ hưởng sự cúng dường ăn uống của thí chủ thì gọi là dùng như kẻ trộm.

Hỏi: - Thế nào dùng như mắc nợ?

Ðáp: - Tỳ kheo nhận thức ăn uống, y phục của người cúng dường, trước hết phải chánh niệm quán tưởng, nếu không quán tưởng trước mà hưởng thọ thức ăn y phục thì gọi là dùng như mắc nợ. Tỳ kheo nào thông minh trí tuệ, xuất gia với lòng tin, đến khi thọ thực, mỗi miếng ăn phải quán tưởng. Nếu là người kém trí tuệ, khi chưa ăn phải quán tưởng một lần. Nếu tỳ kheo kém trí tuệ, khi thọ dụng y phục, vào sáng sớm phải quán tưởng một lần. Tỳ kheo thông minh cứ mỗi lần mặc lại phải quán tưởng. Ðối với nhà ở, giường ghế, ngọa cụ... tất cả những vật dụng của tín thí, cần phải quán tưởng trước khi dùng. Nếu không quán tưởng trước thì gọi là dùng như mắc nợ. Nếu không vì sự ngăn ngừa nóng, lạnh, sự xấu hổ mà sử dụng y phục; không vì sự đói khát bệnh tật mà sử dụng thức ăn uống thuốc thang thì cũng gọi là mắc nợ. Ai dùng thức ăn uống, y phục mà không quán tưởng trước thì phạm tội Ðột-cát-la.

Hỏi: - Thế nào là dùng như của bạn thân?

Ðáp: - Bảy bậc thánh hữu học dùng vật của thí chủ như con hưởng thọ vật của cha nên gọi là dùng của bạn thân.

Hỏi: - Thế nào là dùng như người chủ?

Ðáp: - Bậc chân nhân A La Hán nhận và dùng vật của thí chủ.

Pháp sư nói: - Trong bốn trường hợp nhận dùng trên, dùng như kẻ trộm là rất ác. Lại có bốn trường hợp nhận dùng:

1. Dùng có tàm quý.
2. Dùng không tàm quý.
3. Dùng đúng pháp.
4. Dùng không đúng pháp.

Thế nào là dùng có tàm quý?

Người không tàm quý có thân cận người có tàm quý, nhận dùng không tội.

Thế nào là dùng không tàm quý?

Người có tàm quý có thân cận với người không tàm quý, nhận dùng thì có tội.

Người có tàm quý thân cận người không tàm quý, sau đó chắc phải tùy thuộc vào người kia mà làm ác, nên gọi là người không tàm quý.

Người không tàm quý thân cận với người có tàm quý, sau đó chắc phải bỏ ác làm thiện nên gọi là người có tàm quý.

Thế nào dùng đúng pháp?

Người có tàm quý dùng đúng như pháp mà được vật nên gọi là dùng có pháp.

Thế nào dùng không pháp?

Người không có tàm quý không dùng (cách) đúng pháp mà được. Nếu được vật ấy thì cũng như được độc dược. Ðây gọi là dùng không pháp.

Pháp sư nói: - Các câu văn khác đã nói rõ trong luật, không cần giải thích rộng. Ðây là tội do chế định, đủ cả ba nghiệp thân, miệng, tâm, cả ba thọ.

Hết phần giải thích về giới nhận vật quý.
(Rùpiyasikkhàpadavannanà nitthità)

 

Giới thứ 19 (P.N 19)

Giới mua bán, đổi vật quý.

Chẳng phải làm một loại: hoặc vật đã làm xong, hoặc vật chưa làm xong.

Vật (dùng) trên đầu: như trâm hoa... tất cả vật dùng trang sức trên đầu.

Tất cả những vật trang sức trên thân như vòng, xuyến, dây lắc vàng... đều gọi là vật đã thành.

Ðem vật đã thành đổi lấy vật chưa thành, đem vật chưa thành đổi lấy vật đã thành, đem tội ác tác đổi tội xả đọa, đem tọâi xả đọa đổi tội ác tác.

Hỏi: - Thế nào là đem tội ác tác đổi tội xả đọa?

Ðáp: - Ðem tiền bằng đồng đổi lấy tiền bằng vàng cũng phạm tội xả đọa nên gọi là đổi tội ác tác lấy xả đọa. Ðem tiền bằng vàng đổi lấy tiền bằng đồng gọi là đem xả đọa đổi lấy ác tác. Nếu (cầm) vật quý đem đổi lấy sắt, dùng sắt này làm bát, búa, bất cứ làm ra vật gì cũng không được xử dụng. Nếu dùng thì bị tội tác ác.

Pháp sư nói: - Các câu văn khác dễ hiểu, nguyên nhân phát sanh giới này giống như trước.

(Rùpiyasamvaharasi-kkhàpadavannanà nitthità).

 

Giới thứ 20 - 23 (N.P 20 - 23)

Giới mua bán các vật, trong luật đã nói rõ, không thêm ý nghĩa gì khác nên không cần nêu ra nữa. (Kayavikkhà-padavannanà nitthità).

Nếu chứa bát dư quá 10 ngày thì phạm ưng xả đối trị. Bát phạm tội này không xả, không sám hối mà dùng thì phạm đột cát la.Trường hợp không phạm tội: chưa đủ 10 ngày, có thuyết tịnh, hoặc thọ trì.

Pháp sư nói: - Bát mới phải (đốt) xông khói bao nhiêu lần mới được thọ trì?

Ðáp: - Bát sắt thì xông năm lần, bát đất xông hai lần thì dùng được. Nếu mua bát của người khác, chưa trả chi phí cho họ thì không được thọ trì. Nếu chủ của bát nói rằng hãy dùng đi, trả chi phí sau, tuy có nói như vậy nhưng cũng không được đem ra thọ trì, sau khi trả chi phí cho họ rồi mới được thọ trì.

Nếu sau khi đã đồng ý giá cả mua bát xong, chủ bát đem bát (đốt) xông hoàn tất và báo với tỳ kheo, tỳ kheo không đến lấy, quá mười ngày, phạm xả đọa. Nếu bát đã (đốt) xông rồi, có người biết đã xông rồi,truyền lời nói đến cho tỳ kheo, tuy tỳ kheo có nghe lời nói ấy, quá mười ngày vẫn không phạm, cần phải có chủ bát báo cho biết. Sau mười ngày, đối trước người khác mà nói thọ trì. Nếu không có người thì được tự mình nói thọ trì.

Mất sự thọ trì: Bỏ đạo, chết, chuyển căn, xả bát, bị lủng chảy thì gọi là mất sự thọ trì. Bát nứt, lủng lớn như hạt lúa thì mất sự thọ trì. Nếu dùng sắt vụn vá lại thì được thọ trì. Nguyên nhân phát sanh giới này giống như trước.

Hết phần giải thích giới về bát.
(Pattasikkhàpadavanna-nà nitthità &
Unapanacabandhanasikkhàpadavannanà nit-thità).

 

Năm loại thuốc ở nước Xá Vệ: bơ lỏng, bơ đặc, dầu, mật, đường cục. (Sappi, Navanita, Tela, Madhu, Phànita).

Bơ: tất cả loại sữa thuộc tịnh nhục đều có thể uống. Bơ cũng thuộc loại để làm thuốc.

Hỏi: - Thuốc bảy ngày có ruồi, kiến rơi vào trong được phép uống không?

Ðáp: - Lọc bỏ đi, được dùng.

Nếu hôm nay đã thọ sữa xong, vậy bơ trong sữa có phải là thuốc bảy ngày không?

Góp bơ trong sữa lại trong bảy ngày, số bơ góp được này được dùng đến ngày thứ bảy, qua ngày thứ tám (mà dùng) thì phạm xả đọa. Ðối với dầu và đường cục cũng vậy. Nếu thọ sữa phi thời, váng sữa phi thời, bơ phi thời (quá bảy ngày)thì không được dùng; đối với dầu, đường cục cũng vậy.

Nếu bị bệnh lạ cần phải dùng thịt sống, máu sống mới hết bệnh thì cho phép dùng nhưng không được dùng máu người.

Khi được bơ đã thuyết tịnh xong, bỏ vào trong hủ. Hủ này đã đầy bơ, trong hủ lại có bơ chảy ra, hòa lẫn vào bơ mới, phải thuyết tịnh lại. Nếu để bơ đến ngày thứ bảy, nếu bị mất (phép thọ nên đem) cho cư sĩ, sa di... được họ cho bơ lại, hay sa di dâng cúng thì được phép dùng, không phạm tội. Chưa đủ bảy ngày (đem bơ) cho sa di, đến ngày thứ tám, có việc cần phải dùng, được đến sa di xin lại dùng, vô tội.

Pháp sư nói: - Các câu văn khác trong luật (đã nói rõ), không cần giải thích. Giới này thuộc chế tội không phải tánh tội, phát sinh từ thân và tâm.

Hết phần giải thích về giới thuốc dùng bảy ngày.
(Bhesajjasikkhàpadavanna-nà nitthità).

 

Giới thứ 24 (P.N 24)

Tại nước Xá Vệ, đức Phật cho dùng y tắm mưa. Theo trong Kiển Ðà Ca, nhân vì mẹ Tỳ Xá Khư (nên Phật) cho phép dùng y tắm mưa. (Vassikasàtikà).

Còn một tháng nữa mới đến mùa hạ, nên làm y tắm mưa, giặt, nhuộm, may hoàn tất. Từ ngày 16 tháng 4, y tắm mưa được giặt, nhuộm, cắt, may xong, không cần phải thuyết tịnh và cũng không được dùng. Ngày 1 tháng 5 phải thọ trì và dùng, được dùng trong bốn tháng mùa hạ và mười lăm ngày cuối mùa xuân, cộng lại là 135 ngày. (trường hợp này là nhập hạ vào 16 tháng 5 đến 16 tháng 8 + 1 tháng Ca Ðề và thêm 15 ngày trước hạ là mồng 1 đến 15/5 -- người dịch).

Nếu trong tháng cuối mùa xuân không tìm được y tắm mưa, vào mùa hạ mới có thì thọ trì và sử dụng ngay.

Không đúng thời gian tìm y tắm mưa: trong thời gian từ nửa tháng 9 cho đến nửa tháng 4 là không phải thời gian tìm y tắm mưa, nếu tìm (y) thì phạm xả đọa.

Nếu đã có y tắm mưa mà không sử dụng, tắm ở truồng, phạm tội tác ác.

Vào 16 tháng 4 tìm y tắm mưa nhưng không đủ, nếu hy vọng sẽ có thì được để dành cho đủ số. Nếu đã tìm đủ thì nên thọ trì, không đủ thì để lại chờ, cho đến nửa tháng 9 không cần phải thuyết tịnh. Nếu có thọ y Ca-hy-na thì được để chờ đến nửa tháng giêng, không cần thuyết tịnh. Nếu ba y không đủ thì được phép (lấy vải y tắm mưa) dùng làm ca sa. Nếu thiếu không đủ, hy vọng có chỗ có, được để đến một tháng. Nếu đủ thì làm y, nếu không đủ thì thuyết tịnh hay thọ trì. Nếu không thuyết tịnh hay thọ trì, đến ngày thứ 31, phạm xả đọa.

Các trường hợp vô tội: Bị thiếu nên xin với bà con, xin với thí chủ có yêu cầu được dâng cúng.

Pháp sư nói: - Các câu văn khác, trong luật đã nói rõ, không cần trình bày lại.

(Vassikasàtikasikkhàpadavanna-nà nitthità).

(Thiếu 4 giới: từ giới 25 đến giới 28)

(Xin xem tiếp Phần 15.b)

-ooOoo-

Chương trước | Ðầu trang | Mục lục | Chương kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 01-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 10-02-2001