BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


SỐNG TRONG HIỆN TẠI
(Live now)

Ananda Pereira
Buddhist Publication Society - Ceylon

Dịch giả: Phạm Kim Khánh
Kỳ Viên Tự
P. L. 2507 - D.L. 1963


Không có ngày mai
Không có ngày hôm qua,
Không có lý do để phiền muộn âu sầu
V
à cũng không cần phải nói:
"Tôi nhớ lại chuyện này"
Hay: "Tôi khấn vái cầu xin chuyện kia"
Chỉ có ngày hôm nay.

-- Ananda Pereira

-ooOoo-

Những tài liệu thu thập trong quyển sách nhỏ này là những bài xã thuyết đã đăng tải trong tạp chí bán nguyệt san "The Buddhist World" vào khoảng năm 1951 và 1952. Cố chủ nhiệm tạp san trên là một nhân vật đã từng phục vụ đắc lực Phật Pháp. Đến nay chúng ta vẫn còn kính cẩn nhắc đến tên Ngài với tấm lòng thán phục và tri ân.

Tác giả những bài này là ông Ananda Pereira, một nhân viên của Bộ Tư Pháp Tích Lan, con của Bác sĩ Casius A. Pereira -- nay là Đại Đức Kassapa Thera.

Buddhist Publication Society
CEYLON

-ooOoo-

SỐNG TRONG HIỆN TẠI

Hãy chú tâm vào ngày hôm nay.
Nghiệp báo, Từ bi, Vô thường,
Tất cả chân lý trong đời sống đều nằm vỏn vẹn trong giây phút ngắn ngủi này.
Hôm qua chỉ là giấc mộng và ngày mai, nào ai biết sẽ ra sao?
Hãy sống trong hiện tại! -- Kassapa Thera.

Bí quyết của một đời sống thành công và an vui hạnh phúc là luôn luôn làm những việc cần phải làm trong hiện tại. Không thắc mắc cho tương lai. Không hối tiếc cho quá khứ. Ta không thể đi ngược dòng thời gian để sắp đặt mọi việc theo ý muốn. Ta chỉ sống từng khoảnh khắc và chỉ kiểm soát tâm được trong một khoảnh khắc: hiện tại.

Đây là một chân lý mà tất cả các bậc đại tư tưởng gia trên thế giới đều nhìn nhận. Các Ngài thấy rằng tưởng nhớ quá khứ, mơ ước tương lai đều là vô ích; lãng quên hiện tại và không quan tâm đến những cơ hội trong hiện tại là đáng tiếc. Thời gian luôn luôn trôi chảy. Ta không nên dừng bước bên đàng, khoanh tay tưởng vọng những thành công mà ta mơ ước để thấy nó dần dần trở thành những thảm bại trong ký ức. Chính trong tay của ta có đủ phương tiện để xây đắp trong ngày hôm nay những gì sẽ tồn tại trong nhiều ngày mai, những gì vững chắc hơn mộng đẹp ảo huyền.

Đức Phật đã vạch cho ta con đường. Chính chúng ta phải quyết định khởi hành từ hôm nay, trong giây phút này.

TINH THẦN BẤT KHUẤT

Chúng ta là chiến sĩ của Người đã từng nói: "Ta có đủ lòng tự tin, đủ sáng suốt, đủ năng lực để tự giải thoát, để làm tất cả mọi việc.

"Dầu máu có cạn, thịt có mòn dần và tan rã, dầu chỉ còn xương với da, ta sẽ không rời chỗ ngồi này trước khi Thành Công.
"Trong cuộc chiến đấu cuối cùng này ta quyết phải thắng.
"Mãi kéo dài đời sống khốn khổ, vô tận này có ích lợi gì?
"Thà ngã gục trên bãi chiến trường một cách anh hùng còn hơn.
"Không nên rụt rè trước mục phiêu cao cả như kẻ hèn nhát.

Người đã nói lên những lời trên đây là Đấng Tôn Sư Vô thượng của chúng ta.

Dưới ngọn cờ của Ngài, chúng ta là những người đã biết con đường phải đi, con đường mà tự Ngài tìm ra không thầy chỉ dẫn. Ngài đã bạo dạn, bền gan, kiên chí, vững bước trên con đường ấy cho đến ngày đạt thành mục phiêu cuối cùng.

Là những người thuộc dòng cao thượng của Ngài, chúng ta phải vui vẻ chiến đấu và chiến đấu không ngừng cho Công lý, Chân lý, Hòa bình, cho Từ bi và cho Đạo quả Vô thượng.

Thà chết chúng ta nguyện không bán đồ nhi phế. -- KASSAPA THERA

Đức Phật không hề chủ trương thuyết Định mệnh. Lý Nghiệp báo của nhà Phật cũng không phải thuyết Tiền định. Quá khứ có ảnh hưởng đến hiện tại nhưng không hoàn toàn chi phối hiện tại vì Nghiệp là hành vi tạo tác trong quá khứ và hiện tại, cả quá khứ lẫn hiện tại.

Quá khứ và hiện tại ảnh hưởng đến vị lai. Quá khứ là căn nguyên xuất phát đời sống liên tục tiếp diễn từ chập này đến chập khác. Còn vị lai thì chưa đến. Chỉ có giây phút hiện tại là thực hữu. Mỗi chúng ta phải lãnh lấy trách nhiệm về cách sử dụng giây phút ấy, trong việc phải cũng như trong việc quấy, lành hay dữ. Không có chúng sanh nào có thể trốn tránh và không có chúng sanh nào biết lẽ phải mà mong trốn tránh nhiệm vụ ấy.

Đức Phật thường lặp lai và thiết tha nhắc nhở chúng ta những đặc tính như Tưởng niệm, Quyết định, Tinh tấn và không ỷ lại nơi ai khác hơn ta. Điều mà Ngài không bao giờ dạy là thuyết Định mệnh. Ngài dạy rằng vạn vật biến đổi không ngừng, tất cả những vật hữu lậu (Sankhāra) đều vô thường (Anicca). Tâm tính là một vật hữu lậu. Vậy tâm tính là vô thường, nghĩa là biến đổi. Chính sự biến đổi, vô thường ấy là then chốt của sự giải thoát cuối cùng. Cái gì nhơ bẩn có thể trở thành trong sạch. Cái gì yếu có thể trở nên mạnh. Cái gì không thành thục có thể rèn luyện để trở nên thành thục.

Muốn lên cao ta không thể nhảy vọt lên mà phải bền gan, trì chí và liên tục nổ lực tiến lên. Chính nhờ bước từ bước mà ta có thể đi xa ngàn dặm. Có một đức tính tốt đẹp có thể giúp ta thành công trong mọi việc. Đức tính ấy là động lực thúc đẩy ta đi tới mãi, vững chắc, liên tục, không nản chí, không sờn lòng, không khựng bước trước chướng ngại, không chịu thất bại trong bất cứ trường hợp nào và luôn luôn chiến đấu, đạt cho kỳ được mục phiêu.

Đó là đức tính mà Đức Phật mong muốn cho hàng Phật tử chúng ta cố gắng trau giồi: Tính Bất khuất.

Tinh thần bất khuất rực rỡ hơn mặt trời, đáng được tín nhiệm hơn các vì tinh tú và hùng hậu hơn tất cả các năng lực khác trên thế gian.

Tinh thần bất khuất luôn luôn chiến thắng.

NGHIỆP

Trong việc thiện cũng như trong việc ác, có ba cánh cửa mở đường cho ta lên hay xuống.
Khẩu là cánh cửa thứ nhất, kế đó là Thân. Tâm vô cùng quan trọng và có năng lực hùng mạnh nhất.
Hành động nào mà các bậc thiện trí thức khiển trách là thấp hèn. Những lời tốt đẹp nào không đi đôi với việc làm là vô ích.
Hành động nào không hợp với tinh thần đạo đức của các bậc thiện trí thức là sai.
Những tư tưởng tham dục và những tư tưởng sân hận điên rồ đều là tai hại.
Hành động cao thượng là những hành động nào được các bậc thiện trí thức tán dương.
Lời nói cao quý là những lời tốt đẹp đi đôi với việc làm.
Hành động cao cả phát sanh từ một tâm sáng suốt và trong sạch.
Tư tưởng thanh cao phát sanh từ một tâm lành không vị kỷ. -- KASSAPA THERA

"Sau khi giết mẹ (tham dục), cha (ngã mạn), hai nhà vua hiếu chiến (thường kiến và đoạn kiến), và sau khi tiêu diệt một quốc gia (lục căn và lục trần) và tất cả kho tàng trong xứ (ái dục), vị A-La-Hán ra đi, lòng không phiền não". -- PHÁP CÚ (294)

Phật Pháp là một Giáo lý dũng khái, thích hợp với người cương quyết. Một tâm hồn ương yếu, lãng mạn sẽ thấy Phật giáo là vô ích, vì Giáo lý này chỉ hợp với người thực tiển, dám nhìn ngay vào thực tế để đối phó và sẵn sàng tận dụng khả năng mình trong việc ấy. Hiện hữu là Tham, Sân, Si. Đâu đâu cũng có tham, sân, và si. Từ trong đền đài cung điện đến hang cùng ngõ hẻm, nhà giàu cũng như nhà nghèo, trong các bệnh viện, các nơi du lịch cũng như trước pháp đình. Mỗi khi nhìn thấy chúng là ta phải nhận ra ngay vì ta không thể chiến thắng một kẻ thù mà ta không nhận ra.

Tham, Sân, Si là kẻ thù cố hữu của chúng ta. Để chống cự lại bộ ba xấu xa này, có ba thứ khí giới rất hữu hiệu nằm sẵn trong tay những ai có đủ năng lực để xử dụng.

Thứ khí giới để tiêu diệt Tham là Bố thí (Dāna), tức lòng quảng đại, tính hào hiệp. Thật vô cùng giản dị, vô cùng đẹp đẽ! Nhưng đó là một thứ khí giới nặng nề, chỉ những người thật tráng kiện mới xử dụng nổi. Hãy mạnh dạn lên để bố thí, cũng như chư vị Bồ Tát xưa kia đã mạnh dạn ban ra của cải, chân, tay, mắt, mũi, v.v… cho đến cả đời sống quý báu của các Ngài. Lòng quảng đại không bờ bến cũng như tính hào hiệp của người anh hùng, không có giới hạn.

Thứ khí giới để tiêu diệt Sân là Tâm từ (Mettā). Tâm từ không phải tình thương ích kỷ, luyến ái mà ta thường gặp trong các tiểu thuyết hoặc trên màn ảnh. Tâm từ không chứa đựng một mảy may ý tưởng vị kỷ, không chứa đựng một mảy may luyến ái. Tâm từ vô lượng, vô biên, bao trùm tất cả chúng sanh không phân biệt người này với người kia và xem tất cả là bằng hữu thân thuộc. Thật ra không dễ gì có được tình thương cao thượng như thế ấy, nhưng ta hãy tập cố gắng. Cố gắng từ giây phút này trong hiện tại.

Thứ khí giới để tiêu diệt Si là Thiền định (Bhāvana). Thiền định theo Phật giáo không phải mơ mơ màng màng, suy nghĩ viễn vông hoặc xây dựng mộng đẹp trong không không. Thiền định là một phương pháp tu tập tích cực để trau giồi tâm trí bằng cách gom tư tưởng vào một điểm và hướng về thể chất đời sống. Thấy rõ chân tướng sự vật tức là thấy vô thường, khổ não và vô ngã. Thiền định là một khí giới rất khó xử dụng. Muốn thành thục trong việc xử dụng khí giới này ta phải năng luyện tập để tạo nên một tinh thần tự giác kỹ luật cần thiết cho tất cả mọi người. Và bắt đầu là gìn giữ trong sạch năm giới căn bản. Giới hạnh trong sạch tạo tâm tính vững chắc, mạnh mẽ, đủ năng lực để xử dụng khí giới Thiền định.

Hãy cố gắng để trở nên tráng kiện. Luôn luôn mang theo mình ba thứ khí giới hữu hiệu (Bố thí, Tâm từ và Thiền định) và sẵn sàng tấn công kẻ địch như một tay thiện chiến hân hoan xông pha trên bãi chiến trường.

LÝ TƯỞNG VÀ CHỦ NGHĨA

Tôi tìm cái gì cao siêu nhất cho tôi và cho những ai tin tưởng nơi tôi.
Tôi sẽ không hạ thấp ý muốn xuống mức những người chỉ tìm vật chất thô kịch, nghèo nàn, theo một giải pháp tiêu bình hòa giải trên thế gian.
Có ích chi, nếu một ngày kia con đường sẽ lu mờ và tối dần đi!
Tôi sẽ nở một nụ cười từ ái để rọi sáng con đường và tiếp tục lặn lội đi tìm …
Tôi tìm cái gì cao siêu nhất! -- KASSAPA THERA

Biết bao sự kiện trong lịch sử nhân loại đã chứng tỏ rằng khi một nhóm người thảo ra một chủ nghĩa và quyết định tạo một xã hội thích hợp với chủ nghĩa ấy tức nhiên có người khác bị phiền khổ. Những người đứng lên sửa đổi xã hội có thể và thường là những nhân vật lý tưởng, hiểu biết và thông minh. Nhưng, trái ngược thay, chủ tâm càng thành thật và tốt đẹp kết quả lại càng tàn khốc và đau thương.

Sớm hay muộn, vô tình hay cố ý, những "Con người của Định Mạng" ấy đồng ý chấp thuận nguyên tắc "Cứu cánh biện minh phương tiện", dùng tất cả thủ đoạn miễn đạt được mục đích, do đó, một lần nữa, cái mà mọi người đã nhìn nhận là khốn khổ và khả ố lại biểu hiện một cách dễ dàng nhanh chóng. Khẩu hiệu thay thế lý lẽ. Cảm kích lấn áp lý trí. Con người say đắm. Người này bổng nhiên thấy mình đang siết cổ người kia mà không biết đích xác tại sao.

Người Phật tử, dầu tầm thường đến mức nào, không để mình lầm lạc có những thái độ dại dột và khiếm nhã dường ấy. Người Phật tử tìm Chân lý và không nhận những "Chân lý nửa mùa", những sự thật phân nửa. Người Phật tử phải tự tìm chân lý trong chính bản thân mình. Không có ai, dầu là một vị Phật đi nữa, có thể truyền cho một người khác sự giác ngộ hoàn toàn. Mỗi người Phật tử chỉ noi theo gương Đức Phật và Chư vị A-La-Hán để cố gắng tự giải thoát cho mình.

Vì lẽ ấy, người Phật tử không thấy cần phải có một chủ nghĩa, một học thuyết và không thấy cần phải đòi hỏi một cứu cánh biện minh cho phương tiện. Chúng ta không tìm cách bắt buộc người khác phải theo con đường của ta và sống theo lối sống của ta. Lịch sử Phật Giáo không tìm cách thâu nạp tín đồ. Người Phật tử không tin tưởng có ai có thể kéo lôi chúng sanh, từng đoàn, vào cảnh Niết Bàn. Khi lặp lại cho một người nào nghe Phật Pháp, ta hành động như một người tự do đối với một người tự do.

Theo Phật Giáo, Chân lý cuối cùng là cứu cánh. Tự kiểm soát, tự trau giồi tâm trí và có những ý tưởng trong sạch là phương tiện. Cứu cánh hướng dẫn phương tiện mà không cần biện minh phương tiện. Tự kiểm soát, tự trau giồi tâm trí và có những ý tưởng trong sạch tự mình chứng minh lấy mình và là một phước lành trong mỗi từng, một ân đức trong mỗi giai đoạn mà chúng sanh lần hồi đạt đến trên đường tiến bộ đến nơi giác ngộ hoàn toàn.

BỐ THÍ CAO THƯỢNG

Bố thí vì lòng từ bi,
Cho những người thiếu thốn, với tấm lòng thương xót…
Đó là mầm giống quý báu, cao thượng hơn những gì rực rỡ, huy hoàng mà vô bổ.
Dâng cúng, với tấm lòng thành kính, đến bậc thầy tổ, mẹ cha, đến bậc thân nhân và bậc thiện tri thức,… lại càng cao quý.
Cho ra để gieo duyên lành, truyền bá Chân lý và mở đường dẫn lối đến giới hạnh, tu niệm và ánh sáng của Trí tuệ.
Đó là bố thí cao thượng! -- KASSAPA THERA

"Cho" là một nghệ thuật, và cũng như các nghệ thuật khác, ta có thể trau giồi nghệ thuật "cho" bằng cách thực nghiệm hàng ngày. Người hà tiện, người chỉ nghĩ đến mình, cảm thấy khó lòng mà cho ra. Đối với hạng người này, dầu cho đến bà con thân thuộc cũng là rất khó. Không phải vì kém tình thương, nhưng vì quá thương mình. Lòng luyến ái gắn bó vào quyền lợi riêng của mình quá mạnh, đàn áp tất cả mọi cảm tình.

Hơn một chút nữa là những người sẵn lòng cho ra để giúp bà con thân thuộc. Ngoài ra không thích cho ai khác. Cho cha mẹ, con cái và một số thân nhân, quyến thuộc nhưng không nới rộng lòng quảng đại ra khỏi vòng nhỏ hẹp ấy. Họ giống như ngọn đèn trong một hộp kín, chỉ rọi bên trong. Không một tia sáng nào lọt được ra ngoài. Hạng người này cũng bị luyến ái và tình thương đối với cái "Ngã" của mình quá mạnh. Nhưng "Ngã" ở đây không chỉ có nghĩa là "Ta". Ngã đây là "cái gì của Ta".

Phần đông chúng ta thuộc về hạng người này. Có khác nhau chăng nữa chỉ ở bẩm tính vị kỹ cao hay thấp, ít hay nhiều. Ai đông bạn, nhiều thân thuộc và cho ra dễ dàng, vui vẽ, được kể vào hạng người rộng rãi, quảng đại. Người có giới hạn thân cận eo hẹp hơn, cho ít hơn, bị liệt vào hạng keo kiệt bủn xỉn. Thật ra, keo kiệt hay quảng đại, rộng rải hay bủn xỉn, chúng ta vẫn ở trong một cái vòng hạn định, nhỏ hay to, rộng hay hẹp.

Cao thượng hơn tất cả là ít người bố thí không giới hạn, nới rộng lòng quảng đại ra mãi mãi và tỏ rạng như ánh thái dương, bao trùm tất cả chúng sanh vạn vật.

Người bố thí đến mức cao thượng hơn tất cả là Đức Phật. Không phải trong kiếp chót, mà khi còn là một vị Bồ Tát, từ vô lượng tiền kiếp Ngài đã ban ra bao nhiêu của cải, tài sản, đến cả mắt, mũi, tay, chân và cả thân mạng. Trong kiếp cuối cùng, Ngài đã bố thí vật quý báu và cao cả nhất trên đời là Pháp Bảo. Ngài ban ra dễ dàng cho tất cả những ai có tai muốn nghe và có trí muốn hiểu.

Sẵn có gương sáng dắt dẫn, mỗi chúng ta phải lãnh lấy trách vụ thực nghiệm nghệ thuật "cho". Ta phải kiên tâm cố gắng, tăng gia mãi mãi số người mà ta có thể cho. Từng phút ta hãy cố gắng phá tan bức tường vị kỹ để lòng quảng đại của ta có thể rọi đến những người bên ngoài. Một ngày kia nó sẽ trở nên vô lượng, vô biên.

TIN TƯỞNG

Để vượt qua trận thủy tai tràn ngập đời sống với dục vọng, sanh tử, tà kiến, và si mê.
Ta không thể đứng yên một chỗ,
Cũng khôngthể bó tay chịu chìm đắm một cách ngông cuồng.
Ta phải có đủ quả cảm, cương quyết, và …
một niềm tin tưởng hoàn toàn vững chắc. -- KASSAPA THERA

Có gì khác biệt giữa một người biết bơi lội và một người không biết? Cả hai đều có thể là người tuổi tác, ốm yếu và thiếu vận động. Tuy nhiên, nếu một ngày kia rủi ro cả hai cùng té xuống sông sâu, người biết bơi lội sẽ không sao, còn người không biết lội sẽ bị chìm nếu không ai đến cứu. Tại sao? Vì do kinh nghiệm thâu thập từ trước, người biết bơi lội vững tâm tin tưởng rằng nước sẽ nâng đỡ mình nên không vùng vẫy, không phí sức, mà chỉ cố giữ thân nổi trên mặt nước. Anh tin chắc như vậy và buông trôi để nghỉ. Anh cũng biết chắc chắn không bị chìm đắm xuống sâu. Chỉ giữ mũi và miệng trên mặt nước là được. Người không biết bơi lội, không thể tin tưởng như vậy. Người không biết bơi thì không tin rằng nước có thể nâng đở thân mình, cũng không tin rằng mình có thể nổi trên mặt nước, nên không buông trôi để nghỉ. Anh cố hết sức vùng vẫy và tranh đấu để sống, nhưng luống công vô ích. Sau cùng anh thất bại.

Đây chỉ là một thí dụ cho ta thấy tầm quan trọng của niềm tin tưởng. Tin tưởng phát sanh do sự hiểu biết, căn cứ nơi trí tuệ. Đó là đức tính chánh yếu giúp ta thành công trong mọi hoạt động, mọi cố gắng, từ việc xỏ sợi chỉ qua lỗ kim đến việc tham thiền nhập định. Đó là tất cả sự khác biệt giữa thành công và thất bại (xúc tiến một việc làm với lòng tự tín, tức nhiên để thành tựu mỹ mãn). Lắm khi đó là sự khác biệt giữa sống và chết.

Có người gọi tính ấy là "Đức tin", một danh từ cũng tốt đẹp như bất luận danh từ nào khác. Nhưng đức tin bao hàm một ý nghĩa không mấy thích hợp với tinh thần tự chủ, tự lập của những người muốn tự mắt thấy, tự tai nghe, tự trí hiểu biết.

Vô phúc thay, có nhiều việc ta không thể tự ta chứng nghiệm một cách châu toàn. Như nếm chất cy-a-nua (cyanure) chẳng hạn. Người xưa có câu: "Kinh nghiệm giống như một cái lược mà người ta chỉ có khi đầu đã rụng hết tóc". Thật vậy, khi thâu thập đủ kinh nghiệm thì đã già, không còn cơ hội để thực nghiệm nữa.

Người trí tuệ biết hưởng kinh nghiệm của kẻ khác.

Tín nhiệm căn cứ trên sự hiểu biết không bắt buộc phải là niềm tin tưởng phát sanh do kinh nghiệm bản thân. Vì lẽ đó có người bằng lòng xuất ra nhiều tiền để nhờ thầy dạy dỗ. Thầy là những chuyên viên đã thâu thập kinh nghiệm cần thiết, hiểu biết đầy đủ, để truyền lại cho người khác, lấy đó làm kế sinh nhai. Người trí tuệ kinh cẩn lãnh giáo và tin tưởng, thực hành lời dạy. Có phải đó là đức tin mù quáng không hay phải chăng đó là tín nhiệm căn cứ trên sự hiểu biết?

Đối với người Phật tử, Đức Phật là bậc Tôn sư cao quý nhất tự cổ chí kim. Tuy nhiên, cũng có người đã tự coi là Phật tử mà không tín nhiệm nơi Đức Phật và không hành động theo lời dạy của Ngài, trong lúc họ đặt hết niềm tin tưởng nơi một bác sĩ gia đình hay một huấn luyện viên thể thao. Họ ngờ vực một bậc vĩ nhân đạo đức nhưng khiêm tốn nhìn nhận trí tuệ của một phàm nhân.

TÂM LỰC

Từ vùng nhiệt đới, một bậc Thánh Nhân đơn độc rãi khắp bốn phương, bên trên, bên dưới, một ánh đạo Từ bi rực rở, linh hiệu, vô lượng.
Và, ở một phương trời xa xăm, nơi tuyết phủ sương rơi, Tử thần xuất hiện…
Chung quanh giường, tiếng khóc lời than,
"Người" đương cơn tuyệt vọng, gắng sức, niệm niệm chỉ quán hướng theo: "Tâm Từ nhẹ nhàng êm dịu như cánh hoa hồng!" và mĩm cười, thở hơi cuối cùng. -- KASSAPA THERA

Điện là một năng lực, Tâm cũng là một năng lực. Không ai phủ nhận năng lực của điện. Nhưng có người còn ngờ vực năng lực tâm vì thiếu khí cụ đo lường tâm lực. Tuy nhiên, những ai đã chứng nghiệm được một vài tốc lực của tâm sẽ nhận thấy rằng tâm lực thật có hiển nhiên và đôi khi cũng phải kinh ngạc vì sự hiển nhiên ấy.

Từ ngàn xưa người Đông Phương đã nhận biết tâm lực. Lúc người Tây Phương đang chăm chú sưu tầm và tiến triển khá xa trong việc khai thác năng lực của vật chất thì ở Phương Đông người ta chú trọng về tâm lực tế nhị và cũng bước một bước khá dài. Những pháp siêu hình như thần giao cách cảm, thôi miên, huệ nhãn và huệ nhĩ từ xa xưa vẫn thường xãy ra ở Đông Phương. Đối với người Tây Phương thật là hy hữu.

Cũng như tất cả năng lực, Tâm tự nó không tốt cũng không xấu, có thể giết chết cũng có thể cứu sống, có thể tiêu diệt cũng có thể sáng tạo. Và, một lần nữa, cũng như tất cả các năng lực khác, tâm lực thực hiện theo một vài định luật thiên nhiên. Nhiều người đã khảo cứu các định luật ấy hầu khai thác năng lực lặng lẽ và vô hình kia. Một vài người dùng tâm lực trong việc ác và đã gặt hái những quả khổ. Cũng có hạng người dùng năng lực ấy trong việc lành. Đến nay người đời vẫn còn nhắc nhở đến danh thơm lưu hậu với tấm lòng thành kính tôn sùng.

Đức Phật cao quý hơn tất cả các giáo chủ tinh thần. Hiểu biết thấu đáo và hoàn toàn những định luật thuần lý chi phối hiệu lực của tâm, Đức Phật khuyên các môn đệ nên tận dụng tâm lực của mình trong việc tốt đẹp, cao thượng nhất là sự giải thoát cuối cùng. Theo Phật giáo, giai đoạn đầu tiên trên đường tiến bộ đạo đức là Giới (Sīla). Người muốn kiểm soát tâm trước tiên phải biết kiểm soát lời nói và hành động của mình.

Giai đoạn kế là Định (Samādhi) tức là tham thiền nhập định. Thật ra, không phải dễ. Đức Phật có dạy 40 đề mục tham thiền. Trong trường hợp không có thiền sư, hành giả phải tự mình phân tích bản tánh mình và chọn một đề mục thích hợp. Trong các đề mục thiền định, niệm "Tâm Từ" rất hữu hiệu và thích hợp với mọi người. Tâm Từ là tình thương không vị kỹ, lòng từ ái bao trùm tất cả chúng sanh. Niệm "Tâm Từ" là một phương pháp thiền định an toàn và hữu ích cho tất cả, dầu là người giới hạnh không được trong sạch hoàn toàn. Niệm "Tâm Từ" là một phương pháp thiền định tinh khiết và công hiệu, bổ dưỡng thân thể và giúp tâm thanh tịnh, an trụ dễ dàng.

Đối với đại chúng quá vội vã, khi thấy người niệm "Tâm Từ" ngồi trầm lặng một mình thì cho rằng người ấy không hoạt động gì hết. Nhưng ai đã hiểu biết hiệu nghiệm của tâm lực có thể xác nhận rằng hành giả kia là một máy phát điện toàn hảo đang phóng ra những làn tư tưởng từ bi trong bầu vũ trụ mà hầu hết hình như không còn biết phải làm cách nào để thể hiện lòng thương. Mong sao có được một số đông người thiền định như vậy để cùng chung phối hợp một năng lực hùng hậu khả dĩ cứu vãng nhân loại thoát khỏi nạn tự sát, tự diệt.

"Thật vậy, không thể lấy thù oán để dập tắc sân hận.
Chỉ có Tâm Từ mới diệt l
òng sân.
Đó là nguyên tắc đạo lý từ ngàn xưa". -- PHÁP CÚ (5)

GIỚI

"Người giữ giới trong sạch được yên vui và có năng lực hùng hậu.
Trong một tâm hồn chính trực không có chỗ nương tựa cho sự sợ sệt lo âu,…
Chỉ có giới hạnh." -- KASSAPA THERA

Giới (Sīla) là giai đoạn đầu tiên trên đường tiến bộ tinh thần và đạo đức. Trong lúc tham thiền nhập định ta học tập gôm tâm lực vào một điểm. Nhưng, muốn gôm tâm lực vào một điểm, trước tiên phải biết làm thế nào cho năng lực của tâm có công hiệu.

Nếu giữa ban trưa, đứng ngoài trời ta dùng một ống kính lồi để gom ánh sáng mặt trời vào một điểm nhỏ trên bàn tay, trong khoảnh khắc ta sẽ nghe nóng. Trái lại, ban đêm cũng đứng chỗ ấy và cũng dùng ống kính lồi ấy để gôm ánh sáng một ngọn đèn điện 40 watts (thay ví ánh sáng mặt trời) ta sẽ không nghe nóng trên tay, ngoại trừ khi nào ta có một xúc giác đặc biệt nhạy nóng.

Tâm lực cũng vậy, khi an trụ, tâm càng mạnh, tâm lực càng hùng hậu. Tâm yếu, dầu có an trụ cũng không sao tạo được năng lực mạnh. Vì thế, cùng an trụ như nhau, tâm lực của mỗi người mạnh yếu khác nhau, và quan trọng hơn, tâm lực an trụ của một người, từng lúc, cũng không bằng nhau. Một bẩm tính dũng mãnh cũng có lúc yếu ớt, một bẩm tính yếu ớt lắm khi cũng hùng hậu.

Vậy, giai đoạn đầu tiên trong việc trau giồi tâm lực là kiên tâm cố gắng rèn luyện cho tâm được thuần thục và trở nên một nguồn sinh lực dồi dào. Nói cách khác, phải rèn luyện ý chí. Để nung đúc một ý chí sắt đá, phương thức hữu hiệu nhất là tự kiểm soát từng phút, từng giây, từng chập tư tưởng, không ngừng. Giới (Sīla) là phương tiện hoàn hảo nhất để tự kiểm soát. Giới có nhiều bậc, từ năm giới căn bản của hàng cư sĩ đến không biết bao nhiêu quy tắc mà các bậc cao tăng (Upasampada Bhikkhu) phải giữ tròn. Tức nhiên là có rất nhiều phương pháp để tự kiểm soát. Ta có thể giữ thế quân bình, đầu cắm xuống đất chân chỏng lên trời, như thế luôn mấy tiếng đồng hồ. Ta có thể để bụng đói, đi bộ ngày này qua ngày kia hay giơ tay lên trời cho đến lúc chết khô. Luyện như thế để có một ý chí cương quyết nhưng các phương pháp ấy không giúp ta có tâm trong sạch.

Những nhà phê bình quá vội vã, không kịp suy nghĩ, cho rằng giới luật nhà Phật là tiêu cực, chỉ cấm chế những việc xấu xa tội lỗi mà không khuyến khích làm điều lành. Phê bình như vậy là hiểu lầm chữ Giới (Sīla) và mục đích của Giới. Giới (Sīla) tự nó không phải là mục phiêu mà chỉ là một phương tiện để đi đến mục phiêu. Người Phật Tử chỉ có một mục phiêu và hết sức cố gắng đạt cho kỳ được mục phiêu ấy là đạo quả Niết Bàn, là sự giải thoát cuối cùng ra khỏi biển khổ trầm luân đáng ghê tởm, khỏi vòng phiền não luân hồi, sanh, lão, bệnh, tử.

Nhiệm vụ của người cư sĩ Phật giáo là giữ tròn năm giới (Panca Sīla) tức là kiêng cữ năm điều bất thiện: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, và dùng chất say có hại đến tinh thần. Ai bền chí giữ tròn năm giới nầy sẽ có một chí lực mạnh mẽ, tâm dễ an trụ và khi đã an trụ tâm này trở thành một nguồn sinh lực vô cùng hùng hậu.

ĐỊNH

"Anh muốn có pháp thần thông không?
"Vậy, hãy giữ tròn giới hạnh và cố gắng định tâm vào một điểm trong sạch.
"Kết quả thâu gặt sẽ là sự hiểu biết sâu rộng của vị trời.
"Thật vậy, còn hơn các vị trời, vì các vị này không bao giờ hiểu biết gì ngoài vũ trụ."
-- KASSAPA THERA

Với pháp tham thiền nhập định (Bhāvana) ta đã bước vào trung tâm giáo lý của nhà Phật. Thiền định là phương thức cao quý nhất để phát triển tâm lực và để tạo nên những tâm trạng phỉ lạc và những năng lực thần thông (Iddhi).

Trạng thái phỉ lạc và năng lực thần thông chỉ là những quả lành mà hành giả có thể thâu được trên đường tiến bộ tinh thần chớ không phải mục tiêu cuối cùng của người Phật Tử, vì chính những tâm trạng và những năng lực kia cũng là vô thường, sanh rồi diệt. Một môn đệ chân chánh của Đức Như Lai Chánh Giác chỉ có một mục ihiêu là sự giải thoát cuối cùng. Ngoài ra, tất cả là giả tạm, là vô thường, là ảo mộng.

Tuy nhiên, ta hãy thành thật với ta. Mặc dù những năng lực thần thông như huệ nhãn, huệ nhĩ v.v…không phải là mục đích tối thượng của người Phật Tử chân chánh, ta vẫn thích và mong mỏi đạt được đến từng ấy. Và, cũng như tất cả việc khác, những năng lực ấy lắm khi cũng hữu ích. Ta hãy tưởng tượng ảnh hưởng sâu rộng đến đâu của một nhà truyền giáo, vừa thuyết về những cảnh vui buồn trong đời sống, vừa làm cho mọi người thấy hiển hiện trước mắt những trạng thái khổ sở hoặc vui sướng, y như lời nói.

Là Phật Tử, ít nhiều tiến bộ hơn những người chỉ mang suông danh Phật Tử, ta đã tiêu phí bao nhiêu năng lực và thì giờ để chạy theo những mục phiêu hoàn toàn vật chất, ta không nên giả dối, tự đắc cho rằng ta không màng đến những năng lực thần thông vì đó không phải là cứu cánh của chúng ta. Trên thực tế, lý do không phải xa lạ. Ta nói như vậy chỉ vì ta cảm thấy không có đủ thì giờ và năng lực cần thiết để thành tựu các phép ấy. Ta cũng có ý nghi ngờ, vì thực ra những phép ấy rất là hiếm hoi trong đời sống thường ngày của ta. Tóm lại, chúng ta hoàn toàn là tai phàm mắt thịt.

Đời sống thường ngày của chúng ta là gì? Chỉ có một vòng quanh quẩn đáng chán và đáng sợ. Chúng ta mãi lo quây quần theo công việc sinh nhai hằng ngày mà không còn thì giờ để sống. Chúng ta tận lực củng cố địa vị xã hội. Chúng ta gia công, gắng sức bước lần lên, trên bước thang vật chất, để hưởng chút mồi danh bả lợi và tự lấy làm quan trọng khi thành công. Gặp thất bại, vì phần đông chúng ta phải bị thất bại, ta không quan tâm đến cho đó là việc thường tình của thế sự. Trong khoảng thời gian ấy cái chết lặng lẽ đi đến mỗi người chúng ta, càng lúc càng gần, và, câu chuyện đáng thương tâm lai xảy ra. Trang nhật ký đã lật qua. Một trang khác bắt đầu… trong kiếp sống mới. Và như vậy tiếp diễn mãi mãi, không cùng, kiếp này đến kiếp khác, như những mẫu chuyện khốn khổ triền miên diễn đạt.

Ngoảnh mặt đi, không nhìn thấy những việc phù phiếm, sớm sanh tối diệt ấy có phải là trốn đời không? Bây giờ ta đã trưởng thành, bộ y phục của ta lúc còn thơ ấu đã trở thành quá bé nhỏ, vậy bỏ nó đi với các món đồ chơi trẻ con có phải là trốn đời không? Trong pháp thiền định, trạng thái phỉ lạc và năng lực thần thông chỉ là những kết quả phụ thuộc, những giải thưởng dọc đường vô cùng quý giá hơn tất cả những gì mà ta có thể hưởng thụ trong đời sống vật chất. Ta có thể đạt được, và có người đã đạt được các giải thưởng ấy. Đó không phải là những giả định chỉ có trong trí tưởng tượng. Thiền định dẫn dắt ta đến nơi giải thoát cuối cùng.

Tâm an trụ càng ngày càng yên lặng, càng hùng mạnh và đến mức cùng tột, thấy được chân tướng sự vật. Đến tầng Minh Sát sáng suốt ấy hành giả sẽ có một ý chí cương quyết mau mau thoát ra cho khỏi đời sống và những gì thuộc về đời sống. Cũng như một người vừa thức tỉnh, thấy mình từ lâu nay nặng mang một thây ma hôi thối mà vẫn quý trọng như một bảo vật. Tức nhiên người ấy mau mau quăng bỏ thây ma. Với phản ứng tự nhiên ấy hành giả đã chứng đạo quả Niết Bàn.

 

TUỆ MINH SÁT

Thấy rõ chân tướng sự vật
Hoàn toàn trong sạch
An toàn
Đó là mục phiêu của bậc Thánh nhân -- KASSAPA THERA

Sau khi dọn tâm trong sạch (trì giới) và tham thiền nhập định (Bhāvana) để phát triển tâm lực, hành giả hướng tâm trong sạch, cương quyết và sáng suốt về đời sống. Người hành pháp chỉ quán Minh Sát (Vipassanā bhāvana) thường sống một mình nơi rừng sâu vắng vẽ hay động đá hoang vu vì sự yên tĩnh của ngoại cảnh giúp ích cho sự yên tĩnh của nội tâm.

Hạng người tầm thường, không thích suy nghĩ, xem các nhà tu ẩn sĩ như những người hèn nhát, trốn tránh nhiệm vụ. Sự thật chẳng phải vậy. Đó là lối sống trực tiếp gần nhất với đời sống. Trong thế gian người bận việc nhất chính là người luôn luôn trốn tránh đời sống vướng vít theo công việc này đến công việc khác và không khi nào có đủ thì giờ để thấy rỏ mặt thật của đời. Phải có đủ can đảm để được yên tĩnh.

Có bảy đức tánh, khi tác động phối hợp, giúp ta thành tựu Minh Sát Tuệ. Bảy đức tánh ấy là bảy nhân sanh quả bồ đề (bojjhanga) hay là bảy yếu tố đưa ta đi trên con đường sáng suốt (Giác Đạo): Niệm (Sati), Trạch Pháp (Dhamma vicaya), Tinh Tấn (Viriya), Lạc (Piti), Khinh an (Passadhi), Định (Samādhi), và Xả (Upekkha).

Thực hiện đầy đủ bảy đức tính ấy ta sẽ ý niệm được thế nào là tâm và trí của một người thuần thục, đủ trưởng thành để hành pháp Minh Sát. Chừng ấy ta mới quan niệm được thế nào là một nhà ẩn sĩ chân chánh, luôn luôn chú ý đến các hoạt động của tâm như người lính canh trong tình trạng báo động, luôn luôn kiểm soát tâm không để một tư tưởng dầu nhỏ nhen nào thoạt qua mà không hay biết, không một phút thối chí, luôn luôn bền gan, kiên dạ, vui vẻ, trầm tĩnh, an trụ và bình thản. Nhà ẩn sĩ chân chánh là một bậc anh hùng, can đảm, không ngại nhìn thẳng vào thực tế, dám đương đầu với đời sống, việc mà ít người dám làm. Nhà ẩn sĩ không phải là người hèn nhát, trốn tránh nhiệm vụ. Ngài không còn là hạng người chỉ biết nhìn xem bề ngoài của sự vật và cho vậy là thỏa mãn. Ngài đi sâu vào đời sống.

Khi hành giả cương quyết liên tục hành pháp Minh Sát, một ngày kia sẽ đến, trong một chớp nhoáng mà hành giả trực chứng chân tướng của đời sống là vô thường (Anicca), khổ não (Dukkha) và vô ngã (Anatta).

Pháp Minh Sát không phải là một phương pháp suy luận. Suy luận không thể giúp ta thành tựu Minh Sát. Minh Sát Tuệ là một chứng nghiệm trực tiếp có hiệu nghiệm sâu xa thâm diệu. Khi đạt được tia sáng Minh sát, hành giả đã đắc quả Tu-Đà-Hườn và bước vào dòng suối của hàng Thánh. Hành giả đã thoát ra ngoài tam giới và không còn là phàm nhân nữa. Từ đấy một cuộc biến đổi bắt đầu, tuần tự và chắc chắn cũng như đêm tàn là ngày phải đến. Hành giả trì chí, cố gắng tham thiền và khám phá những tia sáng của Minh Sát Tuệ, dần dần bước lên bậc Tư-Đà-Hàm, A-Na-Hàm, và cuối cùng, khi đã hoàn toàn sáng suốt, thành tựu đạo quả A-La-Hán.

"Những ai hoàn mãn đầy đủ bảy giác chi (Bojjhanga) (*) tức là bảy yếu tố tinh thần đưa đến tầng giác ngộ cuối cùng; những ai không còn tham dục, biết vui hưởng đời sống xuất gia, những ai hoàn toàn đức hạnh, dầu sống trong thế gian này cũng đã đắc được đạo quả Niết Bàn." -- PHÁP CÚ (89)

(*) Danh từ Bojjhanga do hai căn nguyên: Bodhi là giác ngộ hay người cố gắng, quyết tâm tu tập để đạt quả vô thượng bồ đề. Anga là yếu tố, nguyên động lực (A Manual of Abhidhamma - Narada Maha Thera).

Vậy Bojjhanga hay thất giác chi là bảy yếu tố hay bảy pháp tu tập giúp cho ta thành tựu đạo quả Chánh Giác.

Dhamma-vicaya (Trạch pháp hay Niết Bàn) là thấy vạn pháp -- danh và sắc -- như thực. Thấy rỏ chân tướng sự vật (A Manual of Abhidhamma - Narada Maha Thera).

XUẤT GIA (I)

Ai dứt bỏ được những khác vọng của mình để ra đi như người không nhà cửa.
Ai đã tận diệt tham dục và từ bỏ những thích nghi của đời sống vật chất:
Ta gọi người ấy l
à thiện tri thức (brahamana). -- PHÁP CÚ (415)

Xuất gia là nguyện vọng đầu tiên trong sáu nguyện vọng cao thượng (Ajjhavayas) của Bồ Tát. Đúng ra, Bồ Tát là người đã được một vị Phật cho biết rằng một ngày kia trong tương lai mình sẽ thành Phật. Trong một tiền kiếp của Đức Phật Gotama, Ngài đã được Đức Phật Dipankara thọ ký rằng một ngày kia Ngài sẽ đắc quả Phật. Chính trong kiếp ấy Ngài là một nhà ẩn sĩ tên Sumedha, cũng đã tu đến trình độ có thể chứng quả A-La-Hán. Nhưng Ngài là một bậc dũng cãm và anh hào. Với lòng từ bi vô lượng bao trùm tất cả chúng sanh, Ngài đã chọn con đường vô cùng kham khổ, vô cùng khó khăn, con đường Bồ Tát, để tế độ vô số chúng sanh.

Đó là xuất gia cao thượng (ba-la-mật).

Từ lúc ấy, xuyên qua vô lượng kiếp, Ngài không ngừng chiến đấu và không ngừng xây dựng đạo quả tối cao của quả vị Phật Tổ. Mục tiêu chính của Ngài -- lúc Ngài có thể nhớ đến -- là đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác. Để đến mục tiêu cuối cùng ấy Ngài luôn luôn thực hành mười Pháp Ba-la-mật (Paramis) có khi hy sinh đến cả tánh mạng. Nhưng trong khoảng thời gian dài đăng đẳng, lắm lúc không có Phật Pháp, Bồ Tát cũng có những kiếp sống lu mờ, quên cả mục tiêu cao cả của mình.

Bồ Tát là một tâm lực vô cùng hùng hậu, mà năng lực có thể dẫn dắt thật xa trong đường thiện cũng như trong đường ác. Nếu sai lầm hướng tâm lực ấy về chiều ác nó sẽ rơi xuống thật sâu với một tốc lực khủng khiếp, khó mà lường trước được. Có cái chi giữ Bồ Tát vững bước trên con đường dài thăm thẳm, kiếp này sang kiếp khác, bằng triệu kiếp sống nối tiếp nhau như vậy? Cái ấy chỉ có thể là bản tính cố hữu dính liền với nhân cách Ngài.

Vì lẽ ấy sáu nguyện vọng của Bồ Tát, của tất cả các vị Bồ Tát, rất quan trọng với ta là hàng Phật tử. Xuyên qua những điều ước mong của một người, ta có thể đoán chừng nhân cách của người ấy. Nguyện vọng của Bồ Tát là xuất gia (Nekkhamma), ẩn dật (Paviveka), không tham (Alobha), không sân (Adosa), không si (Amoha) và tự do (Nissarana). Từ kiếp này sang kiếp khác, Bố Tát luôn luôn có khuynh hướng đặt lối sống của mình trên sáu điều ấy.

Đối với người thường trong dân gian danh từ "đủ" chỉ có nghĩa là thèm, no nê, chán chường. Bản tính con người là tham ăn và chỉ chịu là "đủ" tạm thời trong một lúc, khi không còn cách gì nuốt vào được nữa. Trong quyển sách nhỏ này, tác giả lặp đi lặp lại tỷ dụ của người tham ăn thô kịch. Vì đói bụng là một mẫu chứng cụ thể, thiết thực. Nhưng có nhiều chỗ khác dùng những hình ảnh bóng bẩy và trừu tượng hơn, như lòng khao khát tiền của chẳng hạn. Một người thường không khi nào thấy mình có đủ tiền bởi lý do rất giản dị là lòng tham không có đáy. Dù giàu sang đến đâu ta cũng còn muốn "" thêm nữa và luôn luôn ráng sức để trở nên giàu hơn, hơn mãi. Nói "đủ" hình như là một cách nói điên rồ.

Bồ Tát thì khác hẳn. Ngài có một bản năng tự nhiên hướng về sự xuất gia. Mặc dù cha mẹ giàu sang, quyến thuộc quyền quý, mặc dù đời sống vật chất tương lai huy hoàng rực rỡ, đầy đủ tiền của và thế lực, bản tính tự nhiên của Ngài luôn luôn hướng về sự xuất gia. Ngài nói "đủ" không phải vì chán chê, mà vì đối với Ngài "xuất gia" có một ý nghĩa sâu xa, hoàn toàn cao quý.

Đối với một bản tính dũng cảm như Bồ Tát, quan niệm đời sống như thế ấy không có gì là lạ. Từ kiếp sống này sang kiếp sống khác, bản tính dũng cảm ấy có khuynh hướng tránh xa các cuộc rượt bắt, chạy theo những mục tiêu ít nhiều đê tiện của thế gian. Từ kiếp này sang kiếp khác Ngài dần dần vứt bỏ xiềng xích của thế gian để tự do ra đi, sống đời sống không nhà cửa của người ẩn sĩ, mặc dù trong nhiều kiếp Ngài không bao giờ được biết Phật là gì. Bản tính dũng cảm ấy hẵn là tay lái dắt dẫn Bồ Tát ngay đường thẳng lối đến mục tiêu cuối cùng.

XUẤT GIA (II)

Người đã trưởng thành, người đã vượt lên trên các món đồ chơi trong đời sống,
Người ấy đ
ã qua thời kỳ ấu trĩ.
Nguời không còn cầu mong gặt hái
Người ấy không phải là người gieo giống. -- KASSAPA THERA

Người đời thường hiểu rằng xuất gia là từ bỏ đời sống vật chất. Trong Phật Giáo, xuất gia (Nekkhamma) là một sự trưởng thành hơn là một sự từ bỏ.

Ta có thể từ bỏ một vật gì của ta, hay đúng hơn, một vật gì mà ta tưởng rằng của ta vì nhiều lý lẽ: để thâu phục cảm tình của người có thế lực, để được tiếng tốt v.v… Có rất nhiều lý do khiến cho ta cho ra một sở hữu, Các lý do ấy có khi tốt, lắm lúc cũng xấu. Nhưng động lực thúc đẩy một người xuất gia chân chánh thật giản dị, thật là cao quý: chỉ là ý muốn ra đi.

Để lấy một tỷ dụ, ta hãy quan sát một em nhỏ giữa đống đò chơi của em. Đôi khi em khứng chịu đưa ra một món đồ chơi để cho một em khác vì lòng tốt. Lắm khi em làm vậy để lấy lòng em kia. Cũng có khi em ý thức được rằng đó là một hành động tốt đẹp và em muốn trở nên tốt. Nhưng trong thâm tâm em vẫn còn ưa thích món đồ chơi ấy.

Hành động từ bỏ kể trên không giống thái độ ra đi của người xuất gia chân chánh.

Nhưng rồi em bé kia lớn dần lên, tầm mắt em mở rộng ra và một ngày nọ em tự nhiên cảm thấy rằng những món đò chơi yêu quý kia chỉ còn là một gánh nặng cho em. Thường ngày em phải cất công chăm sóc lau chùi và sắp xếp, trái lại nó không còn tạo cho em một thích thú nào nữa. Rồi em đâm ra suy nghĩ: "Tại sao ta còn phải gắn bó đeo níu các vật ấy nữa? Hãy để cho ai muốn chơi với nó cứ lấy". Nghĩ vậy nên em không ngó ngàng đến các món đồ chơi trẻ con ấy nữa, không cần biết nó sẽ ra sao, cũng không màn đến việc có ai chơi với nó. Em đã trưởng thành. Em đã vượt qua khỏi thời kỳ chơi với các đồ chơi ấy.

Đó là thái độ của người xuất gia chân chính.

Trong suốt đời sống và trải qua tiến trình của sự trưởng thành đã biết bao lần chúng ta có thái độ của người xuất gia chân chánh. Biết bao lần ta bỏ rơi lại sau lưng ta những món đồ chơi yêu quý trong một thời nào.

Có những vật sở hữu mà ta quý chuộng và thiết tha khắng khít bao nhiêu ngày hôm qua, hôm nay đã trở thành một gánh nặng vô ích mà ta mau mau quăng đi, không cần biết nó sẽ ra sao, cũng không màng đến người nào dùng nó. Nhưng đối với chúng ta là người phàm tục, có một thời gian đình trệ, trong khoảng ấy, ta không thể tiến triển không trưởng thành hơn nữa được. Do đó, có nhiều vật mà tất cả chúng ta, những ai còn là phàm nhân, vẫn luôn luôn quý chuộng và thiết tha khắng khít, mãi đến một ngày nào Tử thần lặng lẽ đến và nói khẽ vào tai chúng ta: "Hãy rời bỏ tất cả và đi theo ta". Chừng ấy chúng ta vật mình, đau khổ, luyến tiếc những vật quý giá, bám bíu thân bằng quyến thuộc, đeo níu đời sống; và do những đeo níu, bám bíu và luyến tiếc ấy, đã gieo mầm cho đời sống mới với những vật sở hữu mới và những phiền não mới. Rồi như thế, đời sống tiếp diễn mãi mãi.

Nếu ta biết cố gắng phát triển tâm lực, trưởng thành thêm nữa để trở nên thuần thục, một ngày kia ta sẽ cảm thấy rằng những vật quý giá của hạng người trưởng thành trong thế gian nầy cũng chỉ là một gánh nặng vô ích, những món đò chơi mà ta không còn ưa thích nữa. Chừng ấy, ta sẽ nhận định rõ ràng rằng những vật sở hữu mà ta gọi là của ta thực ra không phải là của ta hay chỉ tạm thời là của ta đến lúc có một sự kiện nào xảy ra như cái chết chẳng hạn, sau đó ta không còn kiểm soát được nữa. Chừng ấy ta sẽ thấy rằng ta chỉ là một nạn nhân đang bị giam hãm trong một đống đồ vô giá trị. Không hơn không kém.

Đấy, trước mắt hạng người xuất gia chân chính, những vật sở hữu trên thế gian này là như vậy. Ta còn lấy làm ngạc nhiên mà thấy các Ngài từ bỏ địa vị cao sang và cuộc đời vương giả nữa không? Dứt bỏ gánh nặng, các Ngài mỗi lúc mỗi trưởng thành trên con đường thuần thục. Thuần thục, thuần thục hơn, và mãi mãi đến mức cùng tột, đến lúc không còn mang gánh nhỏ bé nào trên vai, đến ngày Giải thoát cuối cùng.

ẨN DẬT

Người ngồi một mình, nằm một mình, đi một mình, người bền chí cố gắng, người biết tự chế ngự lấy mình: "Người ấy biết tìm thích thú nơi chốn rừng sâu". -- PHÁP CÚ (305)

Sống ẩn dật (Paviveka) là nguyện vọng thứ nhì của chư vị Bồ Tát (*).

Bồ Tát tự nhiên có khuynh hướng tìm nơi vắng vẻ. Không phải vì ghét bỏ người khác, nhưng vì trong đời sống ẩn dật các Ngài nhận thấy có một cái gì cao quý xác thực và trong sạch. Từ kiếp này sang kiếp khác, Ngài lánh xa chốn phồn hoa đô hội để một mình ra đi, sống thanh đạm và tự toại đời sống của người ẩn sĩ.

Phần đông chúng ta có bản năng ưa thích đám đông. Chúng ta thích được luôn luôn sống chung với người khác. Chúng ta thấy thích ứng, thuận chìu khi hành động như phần đông hành động, nói những gì phần đông nói và suy luận giống như phần đông suy luận. Khi bắt buộc phải lánh xa đám đông, dầu trong một thời gian ngắn, ta lấy làm khó chịu và hết sức cố gắng để mau mau trở lại đám đông.

Hiện nay, ở nhiều nơi trên thế gian, hình như có rất nhiều người lớn tuổi mà hành động như trẻ con. Người ta chấp nhận mọi tín điều và gia nhập mọi trào lưu tư tưởng, mà không bao giờ hiểu biết chính xác vì sao, cũng không cần tìm hiểu. Một nhóm người ủng hộ một chủ nghĩa với tấm lòng nồng nhiệt và thành thật trong khi một nhóm người khác chống lại chủ nghĩa ấy cũng hết sức thành thật và nhiệt tâm. Cả đôi bên đều sẵn sàng hy sinh tất cả, một đàng ủng hộ, một đàng chống lại một chủ nghĩa mà cả hai đều không biết đích xác là gì. Người ta cố gắng hành động theo đúng đường lối một học thuyết, cố gắng chiến đấu, dầu phải chết cũng vui lòng, cho một chủ nghĩa, thay vì suy luận và tìm hiểu học thuyết hay chủ nghĩa ấy. Người ta "mang" vào mình một thứ đức tin cũng dễ dàng và vô ý thức như người ta mang vào người một chứng bệnh, bịnh ban đỏ chẳng hạn.

Sống ẩn dật thật là một thái độ tách rời khỏi đám đông, một thái độ tinh thần hơn là vật chất. Như Ngài Honder đã từng nói, sống ẩn dật là thỉnh thoảng thâu hồi, rút tâm trí ra khỏi những sự bận rộn của đời sống. Phần đông chúng ta luôn luôn quá bận rộn với những việc không đáng. Đôi khi ta cần phải thoát ra khỏi vòng phiền phức ấy để nhìn lại đời sống mà trong ấy có cả ta. Chỉ đến lúc ấy ta mới ý thức được sự cách biệt giữa thực tế và những nhận xét của ta xuyên qua giác quan, chừng ấy ta mới nhận thức được sự sai lầm của ta quan trọng thế nào.

Thỉnh thoảng ta cần phải tự hỏi: "Tại sao?" Chỉ lúc sống ngoài đám đông, ta mới trả lời được.

Bồ Tát luôn luôn đi tìm Chân lý, khi một tâm trí tìm tòi, chăm chú hướng về Chân lý thì chỉ biết có một Chân lý và cương quyết gạt bỏ ra ngoài tất cả những gì không phải Chân lý. Bồ tát đập tan cho kỳ được cái vỏ cứng "tín điều" để tận tường quan sát bên trong. Nếu ở trong là những gì đã hư thối, Ngài không ngần ngai vứt bỏ luôn cái vỏ. Khi Bồ Tát đồng ý với đám đông về một điểm nào tức là tự Ngài đã nghĩ như thế ấy. Ngài không bao giờ chấp nhận vì sợ sệt, lười biếng hoặc vì một lý lẽ nào khác.

Vô phúc thay, nhận xét của đám đông thường là sai lầm! Cho đến những hành động được gọi là đứng đắn cũng thường là những hành động thúc đẩy bởi những lý lẽ sai lầm. Do đó, người muốn tìm chân lý tất nhiên phải bước ra đi một mình, Bồ Tát thản nhiên đi trên con đường của mình, tâm trí không bị quyền lợi trói buộc và không vướng mắc trong dư luận quần chúng. Mỗi khi có thể giúp ích người khác, Ngài rất sẳn sàng và vui vẻ. Tuy nhiên, Ngài cũng biết rằng xen vào công việc của người khác, thường có hại nhiều hơn lợi, vì thế lắm khi Bồ Tát buộc lòng đứng ngoài để nhìn.

Trong đời sống ẩn dật Bồ Tát tìm thấy sự an lành và sức mạnh. Lúc người khác tìm an cư giữa đám đông, Ngài chỉ thấy yên ổn khi sống vắng vẻ một mình. Rừng sâu không làm cho Ngài sợ sệt. Những chuyện lặt vặt nhỏ nhen trong đời sống không làm bận rộn Ngài nữa. Tâm càng lúc càng yên lặng, càng ngày càng an trụ, thiêu đốt tất cả các dây trói buộc của đời sống vật chất. Tâm trí nhẹ nhàng, trong trẻo, yên tĩnh, thanh tịnh, không chút bợn nhơ, luôn luôn tìm tòi, khảo sát và luôn luôn hướng về Chân lý.

(*)…Không thể hoàn toàn trong sạch ngoài lối sống ẩn dật. Không thể hoàn toàn chế ngự nội tâm và chiến thắng tình dục ngoài cuộc chiến đấu đơn độc. Tuy nhiên, sống ẩn dật và hưởng những thú thanh tao do đời sống ẩn dật tạo nên không phải là mục tiêu cuối cùng của đời tu sĩ như mọi người lầm tưởng, mà chỉ là một phương tiện để đạt được mục tiêu cuối cùng. Những nổ lực không ngừng của Phật Tổ Gotama và bao nhiêu đệ tử của Ngài đã chứng minh điều đó.

"Ta nên nhận định rằng những người ấy (những người sống ẩn dật để thiền định) đang thực hiện một công trình vô cùng hữu ích. Hữu hạnh thay cho ai biết quay nhìn trở lại vào bên trong mình vì trong khoảnh khắc có thể thâu thập lợi ích muôn phần vững bền hơn những người chỉ biết xây dựng hạnh phúc ở bên ngoài" (Master Eckehart)

Có người lầm tưởng rằng bao nhiêu cố gắng của nhà tu ẩn sĩ đều tựu trung vào một mục tiêu ích kỷ. Sự thật không phải như vậy. Một nhà tu ẩn sĩ chân chánh, đã đem hết tâm trí tìm đường giải thoát, phải biết rằng khi tiến đến mức cùng tột, chứng quả Niết Bàn, không còn cái chi gọi là TA, cũng không có cái chi gọi là CỦA TA. Không sắc, thọ, tưởng, hành, thức trong một nơi nào trường tồn bất biến bởi vì tất cả đều là vô thường, khổ não và vô ngã. Vì lẽ ấy, người đã quyết tâm tiến bước trên đường giải thoát không khi nào còn nghĩ đến cái TA, không thể ích kỷ. Vậy, ta không thể gọi những nhà tu sĩ ẩn dật chân chánh là ích kỷ.

KHÔNG THAM

Người nào kiểm soát được lòng tham vô độ và phức tạp của mình, phiền não không tìm được chỗ nương tựa nơi người ấy và sẽ rời bỏ người ấy như giọt nước trên lá sen phải trợt xuống vì không bám được vào lá. -- PHÁP CÚ (336)

Alobha, không tham, là nguyện vọng thứ ba của tất cả các vị Bồ Tát cho đến ngày giải thoát cuối cùng, trong những kiếp sống liên tục dài đằng đẳng (*).

Có người tưởng rằng Alobha, không tham, là quảng đại, rộng rãi. Nghĩ như thế là lầm. Giữa hai ý niệm không tham và quảng đại có sự khác biệt rõ rệt. Một người có lòng quảng đại muốn có thêm và luôn luôn tích trữ để giúp kẻ khác. Người trau giồi đức tính "không tham" không hề ước mong có thêm và không vì một lý do gì mà tích trữ. Nếu người có tánh quảng đại đi giữa sa mạc mà gặp được một đống vàng, người ấy ắt nhặt lấy, bụng nghĩ rằng với số vàng này mình có thể sẽ giúp ích cho kẻ khác. Người trau giồi đức tính "không tham" đến cao độ sẽ không động đến đống vàng mà thản nhiên vững bước trên con đường của mình, nghĩ rằng không ví lý do gì mình phải mang thêm gánh nặng trên vai.

Phần đông chúng ta có rất nhiều lý lẽ thích đáng để tích trữ của cải đủ loại. Ta tự lấy làm vui thích và hãnh diện với lòng vị tha của ta để thâu thập càng nhiều và càng mau chóng càng hay. Càng bị giam hãm trong tiền tài của cải, ta càng tự thấy khôn ngoan hơn người khác. Tất nhiên ta cũng thành thật muốn rộng rãi, quảng đại và cho ra để giúp ích ai cần đến lòng từ thiện của ta. Nhưng, muốn cho ra trước tiên ta phải có và, vì muốn có, chúng ta tiêu hao hầu hết thì giờ của chúng ta. Đến lúc cho ra ta lại rất thận trọng, phân vân, cân nhắc từng ly từng tí, suy nghĩ, phân tách đủ mọi phương diện.

Người đã tự nguyện diệt bỏ tham dục ắt phải thấu đáo tận nguồn gốc của lòng tham. Tích trử cho thật nhiều tiền của để giúp đỡ kẻ khác không khác nào cố ăn vào thật no để có thể ọc ói lộn ra. Vài con vật làm vậy để nuôi con. Nhưng ta phải nhìn nhận rằng hành động ấy ẩn khuất ý niệm "Ta" và "Của Ta". Đó vốn là một hành động vị kỷ. Một người cha quảng đại tích trử tiền của để cho con. Dĩ nhiên, khi một người được một số tiền hay một món đồ là có người khác bị mất một món đồ hay một số tiền tương đương. Người đã có tình thương rộng rãi đồng đều tất cả chúng sanh sẽ nhận thấy rằng thâu thập tiền của trong thế gian để cho riêng một vài người là một hành động không hợp lý.

Còn hơn là không hợp lý, đó là một hành động nguy hiểm, là con đường đi đến mọi hình thức tội lỗi hèn hạ. Vì lẽ ấy, đức tính "không tham" vô cùng quan trọng đối với Bồ Tát. Đức tính ấy giúp Bồ Tát luôn luôn được trong sạch để ngay đường thẳng lối tiến mãi đến mục tiêu. Nhờ đức tính ấy Bồ tát vững vàng vượt qua tất cả cạm bẫy dẩy đầy dài theo con đường thăm thẳm mà Ngài phải trải qua.

Bồ Tát là một năng lực vô cùng hùng hậu. Trong cuộc chạy đua theo tài sản, mặc dù với mục đích vị tha, năng lực ấy có thể dẫn dắt thật xa trên đường tội lỗi.

Những nhà độc tài tàn bạo cũng có những mục đích vị tha và tốt đẹp. Cọp mẹ cũng có những lý lẽ vững chắc khi tha con chúng ta về để nuôi sống con nó.

Một vị Bồ Tát không khi nào để cho lòng tham chi phối. Ngài sống như một chủ nhân và luôn luôn dùng trí tuệ để kiểm soát chặc chẽ những ý muốn của mình. Con đường của Ngài thật dài và rất là cam khổ, nhưng đồ hành lý của Ngài thật nhẹ và Ngài luôn luôn hân hoan tiến bước và tiến bước không ngừng.

(*) Viết bài này, tác giả hoàn toàn đứng về quan điểm luân lý. Sau đây là một đoạn trích dịch trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma).

"Lobha do căn nguyên Lubh là bám níu, lưu lyuến. Vậy có thể phiên dịch Lobha là sự luyến ái, đeo níu, cố tâm bám chặc vào những gì ưa thích. Vài học giả dùng danh từ "tham vọng". "Khát vọng" cũng được kể như đồng nghĩa với Lobha. (Ta thường gọi Lobha là lòng Tham).

"Chúng ta thường luyến ái và cố tâm bám chặc vào những gì ưa thích. Khi gặp những việc không ưa, ta cảm thấy bất mãn và gớm nhờm việc ấy.

"Phạn ngữ gọi sự không ưa thích ấy là Dosa hay Patigha. Dosa do căn nguyên dus là không ưa thích, không vừa ý. Patigha do căn nguyên Pati là nghịch lại, đối chọi, đụng chạm (Ta thường gọi Dosa là lòng Sân).

"Moha do căn nguyên Muh. Muh là lầm lạc. Moha là lầm lạc, si mê, lạc hướng. Moha như đám mây mờ bao phủ và làm tâm mất sáng suốt. Đôi khi Moha cũng được phiên dịch là không biết, ngu dốt. (Ta thường gọi Moha là lòng Si).

…"Đối chiếu với tham, sân, si (Lobha, Dosa, Moha) là ba nguyên do của tất cả những hành vi bất thiện (Akusala), thì có ba nguyên do của những hành vi tạo nghiệp tốt (Alobha, Adosa, Amoha). Alobha, Adosa, Amoha không chỉ có nghĩa là không Tham, không Sân, không Si mà đồng thời cũng có nghĩa là ba nguyên do của hành vi thiện (Kusala). Vậy, Alobha không phải chỉ là không tham, không luyến ái mà còn có nghĩa là không quảng đại, rộng rải. Adosa không chỉ có nghĩa là không sân, không oán thù mà còn có nghĩa là thiện chí, hảo tâm hay tâm từ (Metta). Amoha không chỉ có nghĩa là không si mà còn có nghĩa là trí tuệ, sáng suốt, giác ngộ (Naha, panna). -- (A Manual of Abhidhamma, Narada Maha Thera, Quyển I, trang 14 và 15).

KHÔNG SÂN

Kẻ nào tìm hạnh phúc trong sự đau khổ của người khác, kẻ ấy bị trói buộc trong vòng thù hận.
Người như thế ấy không thể thoát khỏi lửa sân. -- PHÁP CÚ (291)

Adosa, không sân là nguyện vọng thứ tư của chư vị Bồ Tát.

Trong những kiếp sống liên tục, không phải Bồ Tát lúc nào cũng làm việc thiện. Ngài có thể không phải là người đứng ra cải cách xã hội và không phải là hội viên trong một phong trào chống các tội ác mà là người chỉ biết chăm lo công việc riêng của mình. Nhưng không khi nào Ngài khứng chịu làm nô lệ và không có sự nô lệ nào điên rồ, không có hành động nào vô lý bằng tự mình tình nguyện đút tay vào gông cùm của lòng sân hận.

Không ai có thể oán ghét người khác mà không mất một phần tự do của mình. Thì giờ và năng lực là hai vật sở hữu quý báu nhất trong đời. Nhưng lắm khi, vì mất lý trí, chúng ta phung phí bao nhiêu thì giờ cho những người mà chúng ta gọi là thù nghịch. Phung phí một cách vô lý và ngông cuồng cũng như trong những lúc say đắm chúng ta phung phí thì giờ cho người thân yêu.

Sân hận là một cảm xúc có sức phá hoại. Sân hận là một loại súng có sức giật lùi vô cùng nguy hiểm. Sự thiệt hại do viên đạn gây ra ở phía trước nòng súng khó sánh được với sự hao tổn ở phía sau.

Đã là Phật tử, chúng ta phải nhận định rằng con đường thù hận là con đường nô lệ, phiền não và đau khổ. Không oán ghét không phải là dung thứ kẻ thù. Nếu thấy được rõ ràng chân tướng của vạn vật -- thật ra ít người thấy được -- ta sẽ biết rằng chúng ta không thể làm hại ai được. Đôi khi chính tay ta đã làm cho một người thù đau khổ. Sự đau khổ ấy chỉ là kết quả của nghiệp xấu mà người ấy đã gây ra một lúc nào đó trong quá khứ. Ta chỉ là người tình nguyện đứng ra làm tay sai cho cái nghiệp của người thù để gây nên một nhân xấu mới mà, trong một lúc khác, đến lược ta phải trả. Như vậy tiếp diễn mãi mãi, kiếp này sang kiếp khác, cho đến ngày ta nhận định được sự ngu xuẩn của ta và cố gắng chấm dứt nỗi khổ tâm mà ta đã tự tạo cho ta.

Phân tích đến mức cùng tột, không oán ghét một người thù rõ thật là dung thứ cho ta, là tha cho ta khỏi phải chịu những cực hình rùng rợn do sự oán ghét gây ra, là tránh cho ta khỏi phải tham gia một cách dại dột vào những việc trả quả của người khác, chỉ có người thích chịu đau khổ mới khư khư ôm lấy lòng sân.

Cũng như con đường thù hận là đường nô lệ và phiền não, con đuờng không thù hận là con đường tự do và hạnh phúc, là con đường của chư vị Bồ Tát. Các Ngài luôn luôn đi trên con đường dài thăm thẳm ấy, từ kiếp nầy đến kiếp kia, và luôn luôn cố gắng nhắm thẳng mục tiêu là đạo quả Phật. Không khi nào Ngài khứng chịu làm lợi khí cho nghiệp xấu của một người khác. Không khi nào tìm bước tiến trong vật chất. Ngài chỉ sống và để cho người khác sống. Không khi nào Ngài chịu dấn thân vào những cuộc chiến tranh vì tôn giáo.

Người Phật tử chúng ta nên luôn luôn ghi nhớ: "thù hận là bỉ ổi". Thù hận lại có thể dễ dàng biến dạng núp sau sự "công phẫn chánh đáng" để chổi dậy như một cảm xúc chánh đáng.

Ta phải luôn luôn thận trọng.

KHÔNG SI

Người ngu mà biết rằng mình ngu là đã khôn phần nào.
Ngu mà tưởng là mình khôn, đó mới là thiệt là người ngu. -- PHÁP CÚ (63)

Amoha, không si, là nguyện vọng thứ năm của chư vị Bồ tát.

Trong mỗi kiếp sống Bồ tát không phải đều là nghệ sĩ hay là nhà bác học. Bồ tát cũng không hẵn là một học giả theo định nghĩa thông thường. Nhưng Bồ tát luôn luôn cố gắng để triệt thấu cái "thực tướng" của vạn vật. Ngài gạt bỏ ra ngoài tất cả những gì có thể làm cho mình lầm lạc. Ngài không viện cớ này hay cớ khác để tách ra khỏi con đường đã vạch, cũng không bị lối ngụy biện của người khác làm lạc đường.

Phần đông chúng ta sống trọn kiếp sống với một tinh thần quá dè dặt đến nổi không dám nêu ra những câu hỏi tối quan trọng. Chúng ta sống như trẻ con, những đứa trẻ dễ dạy. Chúng ta tin tưởng nơi nhiều việc. Chúng ta nhắm mắt đặt tất cả tín nhiệm vào những "tiếng nói có thẩm quyền". Những "tiếng nói có thẩm quyền" ấy bảo ta rằng hồn yêu nước là một đức tính tốt đẹp và những thành công trên thế gian là đáng được tán dương, rằng phong trào hướng đạo giúp ta xây dựng những con người hữu ích, rằng học đường đào tạo cho trẻ con một tinh thần đạo đức v.v… Thế rồi ta ra sức chiến đấu trong thời loạn, mỗi người cho quốc gia của mình, rồi ta cố gắng thành công trên đường danh lợi trong thời bình, rồi chúng ta gởi con cái chúng ta vào những cơ quan hướng đạo, và nếu có thể được, gởi chúng vào những học đường. Một ngày nào, nếu có ai đường đột hỏi gì về sự khôn ngoan trong những hành động của ta, chúng ta nên biết rằng người ấy không phải là hạng người ngu xuẩn cũng không phải là hạng người gian xảo tinh quái.

Một vị Bồ tát không để ý đến việc người khác có thể phê phán mình là ngu xuẩn hay gian xảo. Nếu không nghĩ rằng quốc gia mình luôn luôn hành động hợp lý là ngu xuẩn thì Bồ tát là ngu xuẩn? Nếu có cơ hội làm ra nhiều tiền mà không mau mau chụp lấy cơ hôi ấy là gian xảo, thì Ngài là gian xảo. Nếu cố gắng để thấu triệt chân tướng của vạn pháp mà có kẻ gọi là hèn hạ thì Ngài vui lòng cam chịu làm người hèn hạ nhất trên thế gian.

Bồ tát nêu lên những câu hỏi của mình và tự tìm ra những câu trả lời cho mình. Bấy nhiêu đó cũng đủ bảo đảm Ngài.

Từ kiếp này đến kiếp khác, một trong những câu mà Bồ tát luôn luôn tự hỏi là "có hiện tượng nào tồn tại vĩnh viễn không?" Từ kiếp này đến kiếp khác, Ngài nhận thấy rằng tất cả đều vô thường và luôn luôn biến đổi. Ngài cũng nhận thấy rằng không thể tìm sự an lành hạnh phúc trong đời sống vô thường. Và Ngài nổ lực tìm cái gì ở ngoài những sự vật mà Ngài đã biết. Ngài tìm cái gì không biến đổi, cái gì thực hữu và thường tồn. Dĩ nhiên đó phải là một công trình dài hạn và câu trả lời chỉ đến khi đắc quả Phật. Công trình ấy nhứt định không phải là một cuộc thăng thiên mà là một sự tìm tòi, một cố gắng để đến chỗ sáng suốt. Cố gắng, nổ lực, nổ lực mãi mãi cho đến ngày tìm ra ánh sáng Chân lý.

Bao nhiêu người trong chúng ta đủ khôn ngoan để nhìn nhận sự ngu xuẩn của ta? Người Phât tử chúng ta nói rằng vạn vật đều vô thường. Nhưng nhìn kỹ lại những hành động, những kế hoạch, những nguyện vọng của chúng ta, ta sẽ nhận thấy rằng lời nói trên chưa hẳn thuyết phục tâm trí ta. Vì sao? Vì Moha, lòng si mê, còn chế ngự tâm ta.

TỰ DO

"Người đã cởi bỏ gông cùm trong cỏi người và đã vượt hẵn ra ngoài xiềng xích của cỏi trời, người ấy đã hoàn toàn thoát ra khỏi sự trói buộc. Như Lai gọi người ấy là bậc sa môn (Brahmana)". -- PHÁP CÚ (417)

Nissarana, tự do, là nguyện vọng cuối cùng trong sáu nguyện vọng của chư vị Bồ tát và chính là nguyện vọng thiết tha nhất của các Ngài. Vì thiết tha mong muốn nên Ngài quyết tâm tìm cho được và dạy người khác đạt tự do. Ngài là nhà lãnh đạo -- đúng theo định nghĩa của danh từ lãnh đạo. Ngài dẫn dắt chúng sanh đến chỗ giải thoát thay vì tìm cách thống trị.

Ta hãy nhìn kỹ lại những dây xiềng xích đã trói chặt chúng ta. Thật ra ít người chịu nhìn. Chúng ta sẵn sàng nhận rằng các sắc thuế, như thuế lợi tức chằng hạn là một mối ràng buộc, nhưng ta không thích phô bày và nhìn kỹ số lợi tức của ta thu hoạch hàng năm. Nợ nần dĩ nhiên cũng là một loại dây trói buộc. Nhưng cái gì làm cho ta có ý muốn vay hỏi? Ta thường nói một tội nhân bị giam cầm là kẻ mất tự do nhưng phần đông chưa sa lưới pháp luật là một người tự do.

Bồ tát luôn luôn sáng suốt. Ngài thấy được sự ràng buộc ở nơi mà người khác cho là hạnh phúc. Tài sản, vợ con, oai quyền, uy thế và bao nhiêu danh lợi khác trên thế gian, chúng ta đều cho là phước báu, Bồ tát chỉ thấy đó là những dây trói buộc. Những cái mà ta gọi là phước báu chỉ tạo cho ta đôi chút thích thú trong chốc lát. Bồ tát vui lòng từ khước, không chịu liếm giọt mật trên mũi một con trăn đói, sẵn sàng quấn lấy bất cứ ai đến gần nó.

Chính vì lẽ ấy mà Bồ tát, trong kiếp làm Hoàng tử Themiya, cam chịu đủ loại cực hình để tránh khỏi phải lên ngôi vua. Ngài đã làm vua trong một tiền kiếp và vẫn còn nhớ những cảnh khổ mà Ngài phải chịu do Nghiệp xấu đã tạo ra trong lúc còn ở ngai vàng. Theo dõi một cuộc vận động bầu cử nghị sĩ -- dầu trong những xứ Phật giáo -- xuyên qua lòng nhiệt thành của các ứng cử viên ta đủ thấy tinh thần của Bồ tát Themiya không có trong ấy. Dĩ nhiên là mỗi chánh trị gia đều có những lý lẽ cao quý để mong được đắc cử. Mỗi người đều muốn phục vụ quốc gia. Nhưng người có trí suy luận cảm thấy khó lòng hiểu được tại sao tinh thần phục vụ và "tinh thần Themiya" lại có thể biểu hiện một cách sai biệt dường ấy.

Lúc nào ta cũng có thể tìm ra những lý lẽ để biện minh hành động của ta. Trong lúc dễ duôi làm một điều bất thiện để thỏa mãn lòng tham muốn, nếu là người ngay thật ta có thể nhìn nhận điều ấy là quấy. Cũng có thể ta lừa dối lấy ta, ngụy biện để khỏa lấp lỗi lầm, cũng có thể ta mù quáng đến đổi không trông thấy gì hết. Dầu sao, khi đã bị lòng tham chế ngự ta không còn tự do. Tự do có nghĩa là thư thái nhẹ nhàng, thoát ly, không vướng mắc, không bị trói buộc.

Bồ tát rất yêu chuộng tự do, Ngài không muốn đổi tự do để lấy bất luận một vật quý báu nào khác trên thế gian. Hơn tất cả mọi người, Ngài đã thấm nhuầm tinh thần phục vụ, nhưng bản năng của Ngài cho Ngài biết rằng không có sự phục vụ nào cao quý và đáng cho ta làm mà phải hy sinh tự do. Ngài tránh xa những dây trói buộc mới và ráng sức cởi mở những xiếng xích cũ. Bồ tát tìm đủ mọi cách để giúp đỡ kẻ khác, không phải như một ông chủ giúp người dưới tay cũng không phải như người nô lệ phục vụ chủ nghĩa mà như một bạn hiền đối với bằng hữu.

ĐÀO TẨU

Không phải bay lên tận trời cao hay lặn xuống đại dương,
cũng không phải trốn sâu trong hang núi…
M
à ta có thể thoát khỏi những quả dữ do hành động ác của ta đã tạo. -- PHÁP CÚ (127)

Có nhiều người tìm thấy trong Phật Pháp một giáo lý chủ trương đào tẩu. Thấy như thế là lầm. Đào tẩu là lẫn trốn, không dám ứng phó với những điều bất hạnh của đời. Như vậy là khác hẳn với thái độ của người biết suy luận đang cố chạy thoát hoặc đang tìm đường chạy thoát ra khỏi cảnh hiểm nguy, khỏi vòng đau khổ. Ở trong một căn nhà cháy, nếu ta lấy rượu mạnh ra uống cho say mèm rồi chui vào giường ngủ, tin tưởng rằng khi tỉnh dậy đâu đó sẽ an lành tốt đẹp như thường, đó mới là đào tẩu, đó mới là không dám đương đầu với thực tế. Thấy nhà cháy, lật đật chạy ra khỏi nhà trước khi quá trể chắc chắn không phải là đào tẩu.

Phật giáo dạy ta ứng phó với thực tế. Phật giáo không hề có ý định thuyết phục chúng ta phải tin rằng mọi việc trên đời nầy đều tốt đẹp, trong kiếp sống này hay kiếp tới. Phật giáo không khuyến dụ chúng ta tin tưởng nơi một Thần linh toàn quyền định đoạt số mạng của chúng ta; cũng không chủ truơng có sự cứu rỗi nếu ta nhắm mắt tin càng một vị Thần linh nào. Phật giáo không mê hoặc con người bằng những liều thuốc ngủ: "Con hãy uống viên thuốc nầy. Khi Tử thần đến liều thuốc này sẽ cứu con tỉnh dậy và con sẽ sống vĩnh viễn, mãi mãi đẹp đẽ và vẽ vang".

Phật giáo dạy chúng ta tận dụng năng lực để quan sát, suy luận và đối phó với thực tế. Lý vô thường (Anicca) không phải là một giáo lý huyền bí cũng không phải cái gì mà ta phải nhắm mắt tin càn. Hằng ngày ta có thấy tánh cách vô thường của vạn vật. Hoa nở rồi tàn. Con người sanh ra, trưởng thành rồi chết. Mọi vật đều luôn luôn biến đổi. Không có cái chi tồn tại vững chắc trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Đôi khi ta thấy có những vật dường như bền vững, không biến đổi. Đó chỉ là tiến trình biến đổi của vật ấy tương đối chậm mà thôi.

Do lý vô thường, lý khổ não nối tiếp, Phạn ngữ Dukkha có nghĩa là khổ não và khổ não là một việc dĩ nhiên trong đời sống luôn luôn biến đổi. Không một người hữu cảm hữu giác nào nhìn lại thời niên thiếu mà không chút bồi hồi. Không có một người hữu cảm hữu giác nào có thể không bùi ngùi trước nổi khổ của người đau ốm, nghèo nàn, mặc dầu chính mình và thân bằng quyến thuộc mình vẫn mạnh khỏe và giàu sang. Sức khỏe của ta cũng là một trạng thái có thể thay đổi dễ dàng và mau chóng. Người mạnh khỏe nhất ngày hôm nay ngày mai có thể đau trầm trọng. Bịnh hoạn, già nua và cái chết luôn luôn chực sẵn bên ta.

Do nơi hai chân lý Vô thường và Khổ não, chân lý Vô ngã (Anatta) phát sanh. Không có cái chi mà ta có thể nói rằng "cái nầy là của tôi, đây là tôi, cái này là tinh thần của tôi". Đi tìm một linh hồn thường tồn bất biến trong tiến trình của đời sống tựa hồ như lột vỏ cây chuối ra từng lớp để tìm lõi cây ở bên trong. Không có lõi cây mà chỉ có sự kết hợp những hiện tượng luôn luôn biến đổi, những thành phần không ngừng biến chất và cái hình thể cứng và bền mà ta thấy chỉ là những biểu hiện bề ngoài mà thôi.

Phật giáo dạy ta ứng phó với định luật tái sanh. Nếu hiểu rằng chết là hết thì cứ việc tận hưởng đời sống với lòng tin tưởng rằng sau kiếp sống là một giấc ngũ triền miên vô tận. Được vậy thì đời sống thật dễ dàng, thật tốt đẹp và mọi việc đều được giản dị hóa. Bất hạnh thay, thực tế không phải vậy. Đời sống tiếp diễn mãi mãi trong một tiến trình không gián đoạn, hết kiếp nầy đến kiếp khác. Chúng ta sống rồi lại sống nữa, sống mãi, không ngừng luôn luôn gặt hái những gì ta đã gieo. Hiện tại là kết quả của quá khứ và tương lai là kết quả của hiện tại và quá khứ.

Đức Phật dạy ta ứng phó những định luật trên một cách ngay thật thẳng thắn. Ngài dạy ta không nên thối chí ngã lòng mà phải luôn luôn phấn đấu vì đã có một con đường dẫn dắt ta đến chỗ giải thoát. Ta phải mạnh dạn vững bước trên con đường ấy với một lòng quả cảm một ý chí bất khuất. Con đường ấy là Giới, Định, Tuệ (Sīla, Samādhi, Pañña).

Có phải như vậy là đào tẩu chăng?

Ý NIỆM VỀ TẠO HÓA

Người không nhẹ dạ tin càn,
người hiểu được cảnh vô sanh bất diệt (Niết Bàn),
người đã cắt đứt tất cả các dây trói buộc,
người đ
ã chấm dứt mọi cơ duyên (thiện và ác),
người đã dập tắt lòng tham dục.
Người ấy mới thật là người cao quý. -- PHÁP CÚ (97)

Lắm khi có người hỏi chúng ta, là Phật tử, có tin tưởng Tạo hóa không? Nếu chúng ta không tin tại sao?

Nếu chúng ta trả lời, và chúng ta phải trả lời như vậy, rằng Đức Phật không nhìn nhận có một vị Tạo hóa như một Thần linh tối cao dựng nên muôn loài vạn vật, người ta liền đưa ra luận cứ cổ điển gọi là "Luận cứ người thợ đồng hồ".

Luận cứ ấy như thế này: Mọi vật trên đời, dầu nhỏ nhen như cái máy đồng hồ chẳng hạn đều phải có người làm ra. Không có cái gì bỗng nhiên mà có. Như không có người thợ đồng hồ thì chắc chắn không có cái đồng hồ. Vậy thì cái vũ trụ bao la này với tất cả những sự rung động điều hòa và những năng lực phức tạp của nó, với tất cả các vệ tinh, các hành tinh và tất cả các hiện tượng kỳ diệu xoay chuyển trong vòng trật tự hoàn toàn ắt phải có người sáng tạo.

Câu trả lời chia làm ba phần:

1) "Không có cái gì bỗng nhiên mà có". Vậy anh thợ đồng hồ kia cũng không thể bỗng nhiên mà có. Để không mâu thuẩn với ta, ta cũng phải áp dụng định luật ấy trong thí dụ của người sáng tạo nên vũ trụ và nói rằng Tạo hóa cũng không thể bỗng nhiên mà có. Theo lập luận trên, phải có một người sanh ra Tạo hóa, rồi phải có một người sanh ra người sanh Tạo hóa và cứ như vậy diễn tiếp mãi mãi. Đến chỗ nào phải ngừng?

2) Không có người thợ đồng hồ nào có thể làm ra cái đồng hồ với hai bàn tay không. Vậy Tạo hóa làm cách nào với cái không tạo nên vũ trụ. Nếu cho rằng Tạo hóa cũng có đầy đủ vật liệu như người thợ đồng hồ để dựng nên vũ trụ, vật liệu ấy ở đâu mà ra vì không có cái chi bỗng nhiên mà có.

Hay là vật liệu ấy luôn luôn có sẵn?

3) Nếu "Luận cứ người thợ đồng hồ" đứng vững tất nhiên ta phải kết luận rằng không phải có một Tạo hóa mà có nhiều vị Tạo hóa. Như một cái máy đồng hồ nhỏ nhen và giản dị như vậy mà còn cần phải có nhiều thợ gia công hiệp sức mới được và mỗi người thợ là một chuyên viên. Nếu vũ trụ được tạo ra do một tổ chức nầy sẽ chia ra làm nhiều ngành, nhiều toán thợ chuyên môn chớ không phải một người. Chúng ta không cố tình giữ vững kết luận này. Chúng ta chỉ muốn nói rằng một luận cứ như trên muốn được hợp lý tức nhiên phải đi đến kết luận như vậy.

Đức Phật cũng có đề cập đến các vị Phạm Thiên. Không phải một vị Phạm Thiên viết bằng chữ hoa mà nhiều vị. Đức Phật gọi là Devas, chư thiên.

Ngài cũng cho ta biết một sự thật đáng buồn là các vị chư thiên kia cũng như ta, cũng phải sanh ra, trưởng thành rồi chết. Luật vô thường ở cỏi trời cũng giống như ở cỏi người. Các vị chư thiên có tuổi thọ nhiều hơn con người thật nhiều nhờ nghiệp tốt của các Ngài. Các vị chư thiên có nhiều năng lực, rất nhiều, cũng nhờ nghiệp tốt của các Ngài. Chính tuổi thọ và năng lực ấy đã làm cho chúng ta lầm tưởng rằng các Ngài trường thọ vĩnh viễn và toàn năng. Đó là một lầm lạc vĩ đại. Khi thời cơ đến, khi nghiệp tốt chấm dứt, các Ngài cũng phải chết như con người phải chết, như trâu bò phải chết. Và sau khi chết các Ngài cũng phải tái sanh bởi vì các Ngài chưa thoát hẳn ra khỏi vòng sinh tử, tử sanh.

Tất cả các vị chư thiên, dầu cao đến đâu, dầu có năng lực hùng hậu thế nào cũng đều là những chúng sanh trong vòng luân hồi (Samsāra)đều là sự phối hợp của danh và sắc trong một tiến trình không dứt. (Chư thiên trong cảnh vô sắc giới, Arūpavacara deva, thì chỉ có danh mà thôi). Danh và sắc luôn luôn biến đổi. Trong tiến trình biến đổi ấy Tạo hóa là gì? Đức Phật dạy rằng chỉ có một Tạo hóa: lòng tham dục. Chính lòng tham dục là động lực thúc đẩy chúng sanh lặn hụp trong vòng luân hồi, hết kiếp này đến kiếp khác.

Đó là định luật chung cho tất cả, là Chân lý căn bản. Nếu có vị Tạo hóa, vị Tạo hóa ấy cũng luôn luôn tự tạo do lòng tham dục. Ngài chỉ có thể sáng tạo cái Nghiệp của Ngài và cái Nghiệp của Ngài là tất cả cái gì Ngài có thể dựng nên.

Như vậy, có cái gì không tạo mà nên không? Đức Phật dạy: có. Đối với chúng ta là người phàm (Puthujanas) trong vòng Tam giới -- cái đó chỉ là một danh từ: Niết Bàn. Danh từ ấy nghĩa là hạnh phúc, an vui, là sự giải thoát cuối cùng ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Trong tất cả Giáo lý cao quý của Đức Phật không có một Tạo hóa, không có một vị thần tối cao mà ta phải sợ sệt van lơn. Ta đứng vững trên hai chân của ta: chính ta là Tạo hóa sanh ra ta, ta là chủ của ta. Chính ta là đấng cứu khổ của ta.

Ý NIỆM VỀ LINH HỒN

Tất cả đều không có Linh hồn
Chừng n
ào ta nhận thức rõ ràng điều ấy ta sẽ chán nản đời sống vô cùng,
Đó là Thanh Tịnh Đạo. -- PHÁP CÚ (279)

Mặc dù đã được giải thích rành rẻ và chứng minh nhiều lần (*), có người vẫn còn khư khư lầm tưởng rằng trong vấn đề tin hay không tin có một linh hồn, Đức Phật giữ một thái độ mập mờ, không cương quyết. Sự kiện ấy không có chi là lạ. Dầu thông minh và học rộng đến đâu ta cũng có thể tin nơi một Linh hồn bất hoại. Thật ra vai trò của lý trí có giới hạn trong việc tin hay không tin có một linh hồn trường cửu. Tuy nhiên, dầu lý trí xui ta tin hay không tin có một Linh hồn, cũng phải chờ khi nhập lưu, đắc tầng đầu của bậc tứ thánh -- Tu-Đà-Huờn -- ta mới gội bỏ được ý niệm riêng của ta. Chừng ấy ta mới dứt được Tà kiến và lòng tin tưởng nơi một Linh hồn tự nhiên biến mất, không bao giờ trở lại.

Chính do nơi hai nhận thức khác biệt giữa phàm và thánh vừa kể trên -- và Đức Phật đã dạy như vậy -- người có lý trí kết luận rằng ý niệm có một linh hồn là sai lầm. Ta không cần phải lên cao đến bậc Tu-Đà-Huờn mới có thể dứt bỏ được ý niệm sai lầm ấy. Nếu ý niệm Linh hồn là đúng và thật có một Linh hồn thường tồn bất diệt thì ra -- so với lời dạy của Đức Phật -- nguời phàm chúng ta đã sáng suốt hơn bậc Tu-Đà-Huờn; hơn cả các vị A-La-Hán. Không thể được, vì Đức Phật đã dạy ta con đường tiến hóa lên từng bậc và khi lên một bậc, trình độ hiểu biết cũng tăng lên một mức.

Trình độ hiểu biết nói đây là là kết quả của sự trưởng thành hơn là của lý trí. Theo Phật Giáo sự trưởng thành của một chúng sanh từ phàm đến thánh là một tiến trình hết sức chậm chạp. Không thể có sự đốt giai đoạn, không thể có những bước tiến nhảy vọt, không thể có những tiến bộ giả tạo. Nói cho đúng ta phải đo thời gian bằng vô ngần chu kỳ (eons).

Tuy nhiên Phật Giáo không phủ nhận có sự thay đổi mau lẹ từ phàm ra thánh như trường hợp tên tướng cướp sát nhân Angulimala đột nhiên trở nên một vị A-La-Hán. Nhưng sự thay đổi mà ta thấy mau chóng kia chỉ là một biểu hiện phát lộ ra ngoài. Chúng ta là những quan sát viên phàm tục, chỉ thấy sự thay đổi trước mắt mà không thấy được quá trình của Angulimala trong dĩ vãng, cái khả năng chứng đạo quả của một người như Angulimala đa tiềm tàng nằm sẵn trong bản tính của Ngài, chỉ chờ có ai gọi đến là xuất hiện thành một thực lực. Chỉ có Đức Phật là có đủ uy lực để gợi lên một tiềm năng như vậy. Vì lẽ đó ta thành kính tôn Ngài là bậc Anutaro purisadhamma sarathi (vô thượng điều ngự trượng phu).

Đôi khi chúng ta cũng quên những lý do thúc đẩy người có ước vọng trở thành Phật phải luôn luôn cố gắng trong vô lượng kiếp, để thành tựu mục tiêu. Chắc chắn không phải các Ngài cố gắng như vậy để tìm ra một học thuyết mới hầu thỏa mãn nhu cầu trí thức hay để tạo nên những vấn đề bàn cải cho giới học giả. Lý do duy nhất là các Ngài cố tìm cho ra con đường giải thoát cho mình và giúp kẻ khác ra khỏi vòng sanh tử, khỏi cảnh trầm luân. Đức Phật giúp ta bằng Giáo lý của Ngài. Pháp của Ngài (Dhamma), trường tồn vĩnh viễn, là con đường giải thoát mà các vị Phật Tổ khác đã dạy trước Ngài. Lý vô ngã (Annatta), nằm trọn vẹn trong Pháp ấy. Giáo thuyết vô ngã không phải cái chi chỉ để thỏa mãn lý trí mà là một thực tế. Chân lý vô ngã là những gì mà hàng phàm tục như chúng ta chỉ có thể dùng lý trí nhận thấy thoáng qua nhưng mà các bậc thánh thì chứng nghiệm một cách đích xác.

(*) Theo Phật Giáo, chúng sanh do Danh và Sắc cấu thành. Ngoài hai phần, tinh thần (danh) và vật chất (sắc) Phật Giáo không nhìn nhận có những nguyên do huyền bí tạo nên một linh hồn bất diệt hay một bản ngã trường tồn.

Để biện minh rằng có đời sống tối đại hạnh phúc trên một thiên đàng trường cửu và có những cực hình vô tận trong một địa ngục vĩnh viễn, một linh hồn bất di bất dịch là tối cần. Nếu không có một linh hồn trường tồn bất diệt thì cái gì làm tội trên thế gian và cái gì phải chịu khổ hình ở địa ngục.

Nhà học giả trứ danh, Ông Bertrand Russel có viết: "Đúng lý ra ta phải nói rằng sự phân biệt cũ kỹ giữa linh hồn và thể xác từ lâu đã tiêu tan như mây khói vì vật chất đã mất dần đặc tính cứng rắn và vững bền, mà linh hồn cũng đã mất một phần thần tính của nó. Tâm lý học vừa bắt đầu trở thành một ngành khoa học và trong tình trạng hiện hữu của Tâm lý học sự tin tưởng nơi một linh hồn trường cửu không thể đòi hỏi khoa học tán trợ".

Theo nhà học giả uyên bác, tác giả quyển "The Riddle of Universe" (Sự Bí ẩn của Vũ trụ): "Biện chứng Thần Linh Học chủ trương có một Đấng Tạo hóa thổi vào con người một linh hồn bất diệt (linh hồn của con người thường được xem là một phần của một Đại Hồn của Tạo hóa). Đó là một câu chuyện thần thoại.

"Biện chứng Vũ Trụ Luận cho rằng muốn tạo một thế gian điều hòa trong vòng trật tự tinh thần đạo đức, cần phải có một linh hồn trường tồn bất diệt. Đó là một giáo điều vô căn cứ.

"Biện chứng Chung Quả Luận chủ trương rằng do sự tiến triển không ngừng của con người để cải thiện vận mạng mình, những khuyết điểm của linh hồn phải được cải tiến mãi mãi trong đời sống và sau kiếp sống. Đó là một lối hiểu sai lầm của thuyết Sinh Vật Đồng Nhân (Anthropomorphisme) cho rằng tất cả sinh vật đều có những hành động và tư tưởng như người.

"Theo Biện Chứng Đạo Đức Luận những khuyết điểm và những tham vọng chưa được thỏa mãn trong đời sống phải được bổ khuyết và đền bù một cách công bằng và vĩnh viễn sau đời sống. Đó chỉ là một điều mong ước cuồng nhiệt.

"Biện Chứng Nhân Chủng Luận cho rằng sự tin tưởng nơi tính cách bất diệt của linh hồn cũng như sự tin thưởng nơi một Đấng Tạo hóa là một chân lý cố hữu trong toàn thể nhân loại. Đó hiển nhiên là một sai lầm.

"Biện Chứng Bản Thể Luận chủ trương rằng linh hồn đã là một thực thể vô hình và bất khả phân chia tất không thể bị liên quan đến sự vong hoại do cái chết gây ra. Điều này căn cứ trên quan niệm sai lạc của hiện tượng tâm linh, một ảo mộng của Duy Thần Luận.

"Tất cả những biện chứng kể trên cũng như tất cả những giả thuyết tương tự về bản ngã đã lâm vào tình trạng nguy ngập trong vòng mười năm nay và đã bị khoa học chỉ trích và bác bỏ hoàn toàn.

Một nhà Bác học khác, ông Hume, sau khi gia công tìm kiếm một linh hồn bất diệt đã viết trong quyển "Religion and Science" (Tôn giáo và Khoa học) như vầy: "Có vài triết gia tưởng tượng rằng trong mỗi chập tư tưởng chúng ta mật thiết nhận thức cái mà chúng ta gọi là ta và chúng ta cảm giác rằng cái Ta có thật và thật sự tồn tại. Các triết gia ấy, ngoài sự hiển nhiên của mọi luận chứng, cũng quả quyết rằng cái Ta hoàn toàn không biến đổi và không thể phân chia.

"Riêng về phần tôi, khi thâm nhập mật thiết vào cái mà tôi gọi là tôi thì luôn luôn tôi vấp phải một vài tri giác đặc biệt như nóng hay lạnh, sáng hay tối, thương hoặc ghét, vui hoặc buồn. Tôi chưa từng bắt được cái Tôi ngoài những tri giác ấy và tôi chưa hề chiêm nghiệm được cái gì ngoài tri giác …"

Về vấn đề linh hồn, Giáo sư William James có viết trong quyển "Principles of Psychology" (Những Nguyên tắc về Tâm lý học, trang 351): "…Cái Ta (dùng như một túc từ, complément) là một sự kết hợp do kinh nghiệm cấu tạo với sự vật đã được biết một cách khách quan. Vậy cái Ta (dùng như một chủ từ, sujet) biết được sự vật ấy không thể là một sự kết hợp. Không thể dùng cái Ta ấy trong những mục tiêu thuộc về tâm lý và xem nó như một thực thể siêu hình không biến đổi, một linh hồn trường tồn bất biến cũng không thể xem nó như một nguyên lý, một bản ngã siêu việt vượt ra ngoài thời gian. Cái Ta chỉ là một tư tưởng biến đổi từng chập không một tư tưởng nào giống chập tư tuởng trước kế đó, nhưng luôn luôn thuận ứng theo chập tư tưởng trước để cùng chung hợp lại thành một tư tưởng riêng biệt.

Trên hai ngàn năm trăm năm về trước Đức Phật Gotama đã từng thuyết minh những điều này khi Ngài chu du hoằng pháp trong lưu vực sông Hằng (Gange).

Phật Giáo dạy một thứ Tâm lý học trong đó không có tâm linh. Phật Giáo giải thích rằng con người do danh (Nāma) và sắc (Rūpa) cấu tạo và hai phần nầy ở trong một trạng thái luôn luôn biến đổi như một dòng suối trường lưu bất tận.

Phần sắc (Rūpa) gồm có những năng lực và đặc tính phát sanh do bốn yếu tố: Nghiệp (Kamma), Tâm Vương (Citta), sự biến đổi của vật chất (Utu) và vật thực (Ahara). Sắc luôn luôn biến đổi, sanh rồi diệt từng chập và không ngớt.

Danh là phần quan trọng nhất trong guồng máy vô cùng phức tạp của con người. Danh do 52 Tâm Sở hợp thành. Thọ (Vedana), cảm giác, là một Tâm Sở. Tưởng (Sanna), tri giác, là một Tâm Sở khác. Năm mươi Tâm Sở còn lại gọi chung là Hành (Sankhara). Những tâm trạng ấy đều phát sanh trong Thức (Vinnana).

Bốn hiện tượng tâm linh ấy (Thọ, Tưởng, Hành, Thức) phối hợp với hiện tượng vật chất (sắc) tạo nên năm yếu tố là ngũ uẩn (Panca Khanda). Vật cấu tạo phức tạp ấy là con người.

Cá tính của mỗi người đều do sự phối hợp của năm uẩn ấy.

Để cho mọi người được hiểu dễ dàng đôi khi Đức Phật gọi toàn thể tiến trình của những hiện tuợng tâm vật lý ấy là cái TA (Atta) vì đó là danh từ ước định đã được thông dụng. Thực ra, trong biến đổi của danh và sắc chỉ có sự tiến trình là đồng nhất (không biến đổi) mà không có vật chất đồng nhất (không có cái chi là trường tồn bất biến).

TA VÀ CỦA TA

Những đứa con này của ta, tài sản kia của ta
Người thiểu trí khăng khăng cố chấp như thế nên phải đi đến chỗ bại vong,
Trong khi chính bản thân n
ày còn không phải của ta
Thì con nào là của ta, tài sản nào của ta?-- PHÁP CÚ (62)

Trong chương trước, chúng tôi cố gắng giải thích phần nào lý vô ngã trong Phật Giáo và dĩ nhiên đó chỉ là những điều nhận xét thô sơ mà chúng tôi thấy cần phải bổ túc để vấn đề được thêm đầy đủ và rõ ràng.

Trước tiên ta phải nhận định rằng lý vô ngã không phải là một lý thuyết suông mà là một Chân lý do chính Đức Phật dạy mà Đức Phật là người đã thấy rõ chân tướng của sự vật. Khi giảng về lý vô ngã,Đức Phật không dùng những danh từ ức đoán hay nói một cách giả định mập mờ vì một lý lẽ rất giản dị là Giáo lý này không nhận thức được bằng lý trí mà hẳn là một sự chứng nghiệm trực tiếp.

Chúng ta nên biết rằng lý vô ngã phải được suy nghiệm trong mọi hành động hằng ngày của chúng ta. Lý vô ngã không phải cái gì chỉ đem lại cho ta những lợi ích trên đường học vấn cũng không phải cái gì mà ta phải thành kính giữ kín trong một ngăn nào trong trí óc.

Đức Phật hết lòng ước mong ta thể hiện Giáo lý ấy trong đời sống. Thực nghiệm, thử thách và sau cùng chính ta chứng nghiệm. Thực ra, phải đạt thành đạo quả của các bậc thánh mới chứng nghiệm được một cách đích xác. Tuy nhiên, trong lúc chưa được đến từng ấy chúng ta cũng có thể căn cứ trên kinh nghiệm bản thân để suy nghiệm và lĩnh hội phần nào.

Kinh nghiệm dạy rằng có rất nhiều chứng bệnh, tinh thần và thể xác, phát sanh do sự âu lo sợ sệt. Khoa y học tân tiến ngày nay đã xác nhận rằng nhiều chứng bệnh như bệnh tiểu đường, bịnh tăng huyết áp, bệnh ung thư dạ dày, v.v… có thể vì lo âu phiền não mà trở nên trầm trọng nếu không phải do lo âu phiền não sanh ra. Các bác sĩ cũng dần dần thiên về thuyết chữa các bệnh kể trên bằng những phương pháp thuộc về tinh thần như là tạo cho bệnh nhân một nếp sống tĩnh dưỡng tâm trí cho yên tĩnh.

Trong tất cả những nguyên do làm tinh thần mất yên tĩnh, trạng thái ôm ấp âu sầu lo sợ là nguy hiểm nhất. Tại sao ta lo sợ? Phân tích đến mức cùng tột chỉ có một câu trả lời: chúng ta lo sợ vì những tư tưởng "ta và của ta". Chúng ta trông mong đợi chờ, bồn chồn muốn cho ta và cho những gì ta yêu quý được chu toàn trong một thế gian biến đổi. Kẻ nào dùng cát để cất lâu đài trên bãi biển phải luôn luôn lo sợ sóng biển. Kẻ nào lấy tiền của làm vật bảo đảm phải luôn luôn làm nô lệ cho tiền của. Kẻ nào tìm lẽ sống trong công cuộc làm ăn và để hết tâm trí vào đấy như một việc nhất quyết phải thành tựu cho kỳ được, kẻ ấy không thể yên ổn trong lòng. Vậy là ta lo sợ cho "ta", cho tiền của ta, cho con cái ta, cho bạn bè ta, cho cái gì gọi là của ta. Ta cố giữ bền vững những gì vốn sẵn có tánh chất không bền vững.

Đức Phật không cho rằng mọi việc trên đời đều bền vững thường tồn. Vì lẽ ấy có người lập luận rằng Ngài bi quan. Nếu ta nói với một đứa trẻ đang cất nhà trên bãi biển rằng nhà ấy không thể tồn tại nó cũng cho là ta bi quan. Đức Phật mách bảo cho ta những gì chắc chắn là cao quý hơn sự bền vững mà kẻ thiểu trí cố tìm trong những hiện tượng vô thường. Ngài cho ta một phương pháp để thành tựu sự bền vững cùng tột, sự chu toàn tuyệt đối, vững chắc miên trường và hoàn toàn vĩnh viễn. Đức Phật dạy: "Không nên tưởng tượng rằng có một linh hồn hay một cái gì thường tồn trong danh và sắc. Tưởng như vậy là đi trên con đường lo âu và phiền não. Hãy nhận thức rằng tất cả đều là những hiên tượng vô thường và hãy cố gắng đạt cho kỳ được cái gì không biến đổi". Hằng ngày tưởng niệm lời dạy này là đã bước một bước tiến khá dài trên con đường "chánh đạo". Có thể ta không đắc được quả Niết Bàn ngay bây giờ hay trong chốc lát, nhưng ít nữa ta cũng có thể nhận định rằng không có chi bằng Niết Bàn và bớt lo sợ những biến đổi của cảnh giới chung quanh ta và sự vô thường của đời sống.

DU LỊCH

"Thật ít người qua được bờ bên kia,
Ngoài ra, chỉ quanh quẩn chạy trên bờ bên này". -- PHÁP CÚ (85)

Xác thân bằng thịt, máu và xương này chỉ là tạm bợ. Cái mà ta gọi là bản tánh cá nhân dính liền với thịt máu và xương ấy cũng chỉ là một hiện tượng tạm bợ, luôn luôn biến đổi. Trên thế gian này không có cái gì là trường tồn, không có cái gì gọi là "Linh hồn". Đức Phật dạy rằng cái mà ta gọi một cách ước định là chúng sanh hay là con người chỉ là kết quả của một sự phối hợp của nhiều hiện tượng trong một tiến trình và tiển trình ấy không bắt đầu khi con người sanh ra, không chấm dứt lúc chết mà luôn luôn tiếp diễn từ kiếp này sang kiếp khác, luôn luôn biến đổi.

Tất cả chúng ta đều đi đến đây trên một con đường thật dài. Không ai thấy được khởi điểm của con đường ấy. Mỗi chúng ta đều đã già, thật là già. Chúng ta già hơn mặt trời, mặt trăng và các tinh tú.

Đức Phật dạy rằng trong cuộc du lịch xa xôi của chúng ta, mỗi người trong chúng ta đã từng nếm trải tất cả các cảnh ngộ có thể tìm thấy "bên bờ bên này", chúng ta đã nếm đủ mùi trên thế gian ba giới này. Chúng ta đã có thương yêu và thù ghét, đã vui sướng và buồn khổ, đã sống ở mọi nơi, thấy mọi vật, làm mọi việc, nhiều thật nhiều lần. Và ta vẫn còn lập đi lập lại những công việc ấy mãi mãi. Nếu nhớ được những gì ta đã nếm trải trong dĩ vãng chắc ta không thể chịu nổi. Nhưng ta không nhớ. Vì lẽ ấy mà hết kiếp này sang kiếp khác chúng ta vẫn lập đi lập lại những việc đã cũ mềm. Hiện giờ chúng ta vẫn còn quanh quẩn chạy tới chạy lui và đùa giỡn trên bờ bên này.

Chúng ta chạy từ cảnh trời cao nhất đến cảnh khổ thấp nhất. Nếu có người nào, như Đức Phật chẳng hạn, khuyên ta nên chấm dứt những hành động ngu xuẩn và điên rồ của ta để cố gắng sang bờ bên kia, ắt ta không để ý đến.

Ngày nào ta còn muốn ở bờ bên này là ta còn ở. Nhưng sang bờ bên kia thì không dễ gì vì bờ bên kia là Niết Bàn của chư vị Phật, chư vị Độc Giác Phật và chư vị A-La-Hán. Muốn qua bờ bên kia ta phải không ngừng trưởng thành cũng như các Ngài đã không ngừng trưởng thành. Đó là cuộc du lịch duy nhất mà ta chưa từng tham gia và là cuộc du lịch duy nhất đáng được tham gia.

Khi đi từ một điểm này đến một điểm kia trên mặt quả địa cầu, chúng ta tưởng như vậy là du lịch. Thực ra, ta chỉ hành động như những con sâu bò quanh quẩn trong một quả cam thối. Người có nhiều tham vọng và nhiều tưởng tượng hơn mơ ước đi từ quả địa cầu này sang mặt trăng hay một hành tinh khác, nghĩ rằng đó mới thật là du lịch. Họ chỉ giống loài ruồi, lằn, bay từ quả cam thối này đến quả cam thối khác. Đức Phật dạy rằng trong dĩ vãng vô tận, chúng ta đã có nhiều lần sống trên những quả cam thối ấy rồi. Những quả cam thối ấy vẫn còn ở bờ bên này và không có chi là mới lạ.

Ngoài ra, thật xa trên không trung, xa đến nổi ta không thể quan niệm được khoảng đường có rất nhiều tinh tú, đếm hàng triệu triệu. Quanh mỗi tinh tú, các hành tinh vận hành như quả địa cầu vận hành quanh mặt trời. Với lòng ích kỹ sẵn có trong mỗi người chúng ta, ta sẵn sàng phủ nhận giả thuyết chủ trương có sự sống trên hành tinh, tại sao lại không có một loài người? Rất có thể có loài người trên ấy. Ví như có thì có gì khác lạ? Như vậy trên ấy chỉ có tham, sân, si như ở địa cầu nầy. Vậy ta thấy có cần phải lên trên ấy không? Ta có thấy cần phải đi xa thật xa để gặp lại những bộ mặt ngu xuẩn, nghe lại những tiếng xấu xa, ngửi lại những mùi hôi thối không? Riêng phần chúng tôi, chúng tôi không khi nào muốn tạo cho chúng tôi bao nhiêu phiền não và khó nhọc để gặp lại những điều bỉ ổi mà hằng ngày ở đây chúng tôi vẫn gặp.

Khoảng cách từ ta đến những điều xấu xa khỏi phải đo bằng cây số. Một quyển sách tốt, trong chốc lát, có thể đưa ta đến đó. Thiền định, nếu ta biết, cũng có thể đưa ta đến đó. Muốn thiền định có kết quả, sự yên lặng thật là tối cần. Dĩ nhiên, ta không nên ngồi bên đường sắt khi xe lửa chạy ngang, cũng không nên ngồi giữa phố phường thị tứ. Tâm an trụ dễ dàng trong sự yên lặng.

Đó mới là chuẩn bị để bắt đầu một cuộc du lịch mới mẻ, một cuộc mạo hiểm thích thú.

Mục tiêu của cuộc hành trình? - "Bờ bên kia"!

Cầu chúc may mắn.

-ooOoo-

Không phiền muộn, than khóc vì những lỗi lầm trong quá khứ
Không tò mò tìm hiểu tương lai
Hãy sống trong hiện tại
Nhờ đó sức khỏe sẽ được dồi dào.

Thắc mắc cho tương lai
Than khóc vì quá khứ
Là thái độ của người thiểu trí
L
à cắt ngang ngọn cỏ xanh (mong tận diệt cỏ)

-- SAMYUTTA NIKA (Quyển I, Sagatha Vagga No. 10)

-ooOoo-

Ðầu trang

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Tăng Định, chùa Kỳ Viên, Sài Gòn, đã gửi tặng bản photocopy,
và anh Vương Đình Trí, USA, đã giúp đánh máy vi tính (Bình Anson, 12-2004).


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 30-12-2004