[BuddhaSasana]

[Unicode Fonts]


       

Tìm hiểu ngôn ngữ kinh tạng Phật Giáo
Thích Tâm Thiện, Sài Gòn, 1998


Vào Ðề

Một trong những loại hình ngôn ngữ khó hiểu và uyên áo nhất trong kho tàng văn, triết học Phật giáo là ngôn ngữ kinh điển (canical languages). Theo truyền thống, tất cả giáo pháp do Ðức Phật truyền dạy cho hàng đệ tử của Ngài đều được gọi là kinh (sùtra) hay kinh điển nói chung. Và kinh là một tạng thư trong ba tạng: Kinh tạng (Sutta pitaka), Luật tạng (Vinaya pitaka) và Luận tạng (Abhidamma pitaka). Trong ba tạng này, nếu phân tích thì Kinh tạng và Luận tạng thuộc nhóm ngôn ngữ đa nghĩa (1) và Luật tạng thuộc nhóm ngôn ngữ đơn nghĩa. Tất nhiên ở đây, trong trường hợp đơn nghĩa vẫn có nhiều cách hiểu tùy theo ngữ cảnh (context) và ngữ nghĩa (semantics) (*).

Tương tự như thế, ngôn ngữ trong ba tạng của Phật giáo có thể nói là rất đa dạng, phong phú. Ở đây, nội dung của thảo luận này chỉ có thể đề cập đến thể tài và một số thể loại ngôn ngữ trong kinh điển Phật giáo.

 

I.1- Các Loại Thể Tài Kinh Ðiển

Theo cách phân loại của một số từ điển (2), kinh điển Phật giáo được chia thành 12 loại, tức 12 thể tài, bao gồm:

1- Khế kinh (Sùtra); 2- Trùng tụng (Gaya); 3- Thọ ký (Vyakarama); 4- Phúng tụng (Gàthà); 5- Tự thuyết (Udana); 6- Nhân duyên (Nidàna); 7- Thí dụ (Avadàna); 8- Bổn sự (Itivrtaka); 9- Bổn sanh (Jàtaka); 10- Phương quảng (Vaipulya); 11- Vị tằng hữu (Adbhutadharma); 12- Luận thuyết (Upadisa).

Theo cách phân loại này thì chỉ có Gaya (trùng tụng) và Gàthà (phúng tụng) là thể tài chính của ngôn ngữ kinh điển. Chín thể loại còn lại được phân bố theo từng loại sự việc được ghi trong kinh. Ở đây, Gaya có nghĩa là tản văn và Gàthà có nghĩa là thơ, kệ hay bài tụng theo thể thơ hoặc văn xuôi. Tuy nhiên, cách phân loại thể tài như trên dễ tạo ra sự nhầm lẫn. Ví dụ, khế kinh (Sùtra) có nghĩa là kinh điển do Ðức Phật dạy tùy theo năng lực, trình độ và hoàn cảnh của môỵi đối tượng riêng biệt. Khế có nghĩa là phù hợp, mà thuật ngữ Phật học gọi là khế lý (phù hợp với nguyên lý, chân lý) và khế cơ (phù hợp với khả năng, trình độ và hoàn cảnh [cơ] của mỗi người). Và, như chúng ta biết, những gì Ðức Phật nói và dạy đều mang rõ hai đặc tính khế lý và khế cơ. Do đó, khế kinh (bao gổm cả khế lý và khế cơ) đương nhiên bao hàm tất cả kinh điển của Phật giáo. Vì thế, nếu phân thành một loại là điều không hợp lý. Nhưng nếu dùng từ khế kinh để chỉ cho tính chất đặc thù trong tất cả giáo lý của Phật và do Phật nói là điều hoàn toàn hợp lý.

Hơn thế nữa, các thời thuyết giáo của Phật như được ghi lại trong toàn bộ kinh điển, thì không thời pháp nào mà Ðức Phật không dùng đến các hình ảnh, thí dụ, ẩn dụ, biểu tượng; hoặc là nói chuyện về tiền thân (Bổn sanh, Bổn sự ) của Ngài; hoặc là nói theo cách lý luận logic (luận thuyết), hoặc là nói đến những truyền thống Phật sử (vị tằng hữu) v.v... Do đó, sự phân loại thể tài ở đây chỉ có ý nghĩa về hình thức thuyết giáo của Phật được ghi lại trong kinh.

Theo một cách phân loại khác được ghi lại trong kinh Xà Dụ (Trung Bộ kinh) thì giáo pháp của Phật được phân loại thành 9 thể tài như sau:

  1. Kinh (cách gọi chung)
  2. Ứng tụng
  3. Giải thuyết
  4. Kệ tụng
  5. Cảm hứng ngữ
  6. Như thị ngữ
  7. Bổn sinh, Bổn sự
  8. Vị tằng hữu
  9. Phương quảng

Cách phân loại này xác thực hơn so với các thể tài. Tuy nhiên, như đã đề cập, sự phân loại thể tài thuyết giáo của Phật chỉ mang ý nghĩa khái quát về mặt thể loại văn học. Vì thế, vấn đề được đặt ra ở đây là sự tìm hiểu về các đặc trưng của ngôn ngữ kinh điển. Ðặt vấn đề như thế, bởi lẽ, ngôn ngữ kinh điển bao giờ cũng mang theo hai giá trị, đó là giá trị thông điệp và giá trị giải thoát. Và giá trị thông điệp chính là giá trị nội dung của kinh mà Ðức Phật muốn truyền đạt cho chúng sinh. Giá trị giải thoát là mục tiêu của sự truyền đạt. Nói một cách cụ thể, tất cả kinh điển của Phật đều có mục đích hướng dẫn chúng sinh đi đến giải thoát. Vì thế, khi đọc kinh, người đọc, dù ít hay nhiều, đều nhận được sự giải thoát tùy theo khả năng nắm bắt giá trị chân lý (nội dung thông điệp) của người đọc. Ở đây, ngôn ngữ là phương tiện truyền trao thông điệp. Do đó, sự sáng tỏ về ngôn ngữ càng cao, thì khả năng nhận diện chân lý càng sâu và mức độ giải thoát càng bao quát. Có thể nói, sự sáng tỏ về mặt ngôn ngữ, sự nhận diện chân lý và mức độ giải thoát luôn luôn mang tỷ lệ thuận. Tuy nhiên, cần ghi nhận rằng, sự sáng tỏ về ngôn ngữ ở đây có nghĩa là sự nắm bắt được những giá trị nội dung của thông điệp, chứ không phải là sự hiểu biết trên bề mặt của ngôn từ. Do đó, một kẻ vốn được xem là "man di", "thất học" như ngài Huệ Năng, nhưng với trái tim khát vọng Vô thượng Chánh giác tâm, chỉ trong một tích tắc, Ngài đã ngộ yếu chỉ của chân lý (3).

Từ đó, có thể nói rằng, cả giá trị thông điệp và giá trị giải thoát đều được xây dựng trên cơ bản của tâm thức. Và khi tâm thức sáng tỏ cũng là lúc mà ngôn ngữ hoàn thành công việc truyền tin. Bởi lẽ, theo quan điểm của ngôn ngữ học hiện đại, ngôn ngữ là hình thức của tư duy. Nó tổn tại một cách hiển nhiên sau khi đã và được trở thành những quy tắc công ước, và được cộng đổng chấp nhận. Khi ngôn ngữ được sử dụng, nghĩa là được nói ra trong giao tiếp thì nó bắt đầu gợi lên những khái niệm, hình ảnh, biểu tượng và những khái niệm, hình ảnh, biểu tượng đó luôn luôn thống nhất với ngôn ngữ. Tỷ dụ, khi nói đến nước (H2O), lập tức hình ảnh nước loãng, không màu, không mùi có thể đông đặc ở 0 độ C, và bốc hơi ở 100 độ C... liền hiện lên trên màn hình của tâm thức. Nhưng, nếu khi ngôn ngữ không được sử dụng, nghĩa là không được nói ra trong giao tiếp, thì ngôn ngữ sẽ lặng lẽ trôi theo sự vận hành của tư duy, nó trở thành một thứ, nói theo thuật ngữ Phật học, là độc ảnh cảnh (hiện tượng, sự vật trong tâm thức). Tỷ dụ, khi ngồi một mình trong cô liêu, không tịch, nếu bạn nghĩ đến ai, thì người đó sẽ hiện lên trong tâm thức của bạn, tùy theo cái kinh nghiệm mà bạn đã tích lũy từ trước. Như thế, dù ngôn ngữ được nói ra hay không, nó vẫn luôn luôn là hình thức của tư duy, là ảnh tượng của tư duy và là cái khoen xích nối tiếp, để qua đó, tư duy liên tục nối kết từ ảnh tượng này sang ảnh tượng kia, từ ý niệm này sang ý niệm khác. Và trên hết, cần được suy niệm rằng, ngôn ngữ là ảnh tượng của tư duy; do đó, nó cũng là ảnh tượng của tâm thức, và những gì được xây dựng trên cơ sở của tư duy và ý thức thì đều là vọng tưởng, nó không thật có, không phải là thực tại, và không bền vững. Có thể nói, ngôn ngữ là ảnh tượng của tư duy, nó tổn tại hiển nhiên trên sự vận hành của tâm thức, và như thế, nó là bóng dáng của thực tại, vì ảnh tượng của thực tại và tâm thức chỉ hiện hữu khi và chỉ khi chúng là đối tượng của nhau trong tương duyên giữa chủ thể (subject) và khách thể (object). Trong khi đó, thực tại - chân như thì không được biểu đạt bằng ngôn ngữ và không thể biểu đạt bằng ngôn ngữ.

Từ một vài khái niệm trên, chúng ta đi vào tìm hiểu đặc trưng của ngôn ngữ kinh điển Phật giáo.


[Mục lục][Chương kế]


[Main Index]

Last updated: 14-10-2004

Web master: [email protected]