[BuddhaSasana]

[Unicode Fonts]


       

Phật giáo Việt Nam và hướng đi nhân bản đích thực
Trần Thạc Ðức, 1967


Con đường nhân bản Phật giáo
Hướng đi của văn hóa


Từ thời thượng cổ, con người đã phải tranh đấu. Do một nghiệp cảm từ vô thỉ, con người có một sắc thân sinh họat trong một vũ trụ, giữa một xã hội loài người, và vô số các loài hữu tình khác.

Có sinh mạng thì phải bảo tồn sinh mạng, hoặc bằng một ý thức, hoặc bằng một bản năng.

Nóng, lạnh, mưa, gió, đói, rét, thú dữ, tai họa...., bao nhiêu cái mà con người cần phải chiến thắng để sống còn. Thiên nhiên là kẻ thù, nhưng cũng là người bạn. Yếu kém thì thiên nhiên dọa nạt, khôn khéo thì thiên nhiên cung phụng. Con người nhờ hai bàn tay và một khối óc, đã khai thác thiên nhiên, đã lợi dụng thiên nhiên, đã bắt buộc thiên nhiên cung cấp cho mình những thứ cần dùng cho cuộc sống.

Từ hình thức sinh hoạt kinh tế lượm hái, cho đến hình thức kinh tế sinh hoạt chăn nuôi, canh tác, con người quả đã tiến bộ rất nhiều.

Nhưng từ hồi khỡi thủy, đối tượng của sự tranh đấu không phải chỉ là thiên nhiên và thú dữ. Người đã ăn thịt người như thú dữ đã ăn thịt người, cho nên con người từ xưa đã phải lo tìm phương thế đối phó với đồng loại. Năm bảy người hợp quần lại, dùng sức mạnh đoàn kết để bảo vệ lẫn nhau. Các bộ lạc được thành lập, và nhờ đó, sự tranh đấu với thiên nhiên càng thêm phần hiệu quả.

Chế độ bộ lạc đánh dấu một bước tiến của con người trên đường tranh đấu sinh tồn. Các đoàn thể người ấy đã có những luật lệ, những tập tục, những lễ nghi, những trò tiêu khiển, những phương thức sinh tồn riêng biệt. Họ đã có văn hóa.

Từ hình thức tỗ chức bộ lạc, con người đi dần đến hình thức tổ chức quốc gia. Trong khoảng thời gian ấy, trí óc mở mang, ý thức đồng loại nẩy nở mau chóng. Hiện tượng người ăn người không còn hay xảy ra nữa: con người bây giờ hướng tất cả tâm lực và thân lực vào việc khai thác thiên nhiên.

Nhưng càng được khai thác, thiên nhiên càng cung cấp nhiều nguyên liệu và nhiều thực phẩm.

Ðồng thời kỹ thuật tiến bộ, phẫm liệu khai thác và sản xuất tăng lên theo một đà tiến triển không ngờ. Vấn đề kinh tế bỗng trở thành trọng đại. Sự tranh chấp diễn ra giữa các quốc gia và giữa các giai cấp. Chiến tranh bùng nổ dữ dội. Khoa học kỹ thuật xoay ra phụng sự chiến tranh, sản xuất bom đạn, khí giới. Ðang tranh đấu với thiên nhiên, con người quay khí giới lại, tranh đấu với đồng loại.

Người chết, máu đổ, thịt rơi. Ngày xưa, phương tiện sản xuất ít ỏi, khí cụ sản xuất thô lậu, loài người vẫn không chết nhiều như bây giờ. Tất cả tham lam, sân giận của con người đã được đánh thức dậy; con người đã dùng bao nhiêu mưu hiểm độc ác để đối phó với con người.

Giết đồng loại? Mặc. Miễn là đạt được mục đích phụng sự giai cấp, thỏa mãn dục vọng bản thân. Người ta giết người dưới chiêu bài lý tưỡng: giết để trừ ung độc, để kiến tạo hòa bình. Ðể đối phó với sát hại, cố nhiên đối phương cũng phải dùng sự sát hại...

Ngày xưa, một tên mọi da đen ăn thịt người da trắng, ta gọi là dã man. Ngày nay, một nước nào có thứ bom đạn giết được nhiều người hơn hết, ta lại gọi là văn minh. Kỳ thực, đó là một sự dã man mọi rợ không gì ghê sợ hơn nữa.

Trước kia, hướng đi của văn hóa là tranh đấu với thiên nhiên. Giờ đây, hướng đi của văn hóa là tranh đấu với đồng loại.

Trong một trường tranh đấu khốc liệt và bao la, "dùng sát hại để ngăn sát hại" là một ảo tưởng không thể thực hiện được.

Luật nhân quả không sai chạy bao giờ: gieo gió gặt bão; trồng ngô được ngô, trồng đậu được đậu; và gây nhân sát hại thì chịu quả sát hại.

Con người phải ý thức được điểm hệ trọng đó và phải nhận rằng văn hóa đả đi lạc đường.

Con người cần thấy rằng dục vọng tham sân đã gây loạn cho thiên hạ, phải quay về tự thân để mở một cuộc thanh trừng vĩ đại bên trong nội giới. Phải ý thức rằng bản thân mình chứa đựng những yếu tố trí tuệ, tình thương, mà cũng chứa đựng cả những yếu tố si mê dục vọng,

Dục vọng si mê đã che lấp tình thương và trí tuệ. Con người phải tranh đấu để diệt trừ chúng, để nuôi dưỡng trí tuệ và tình thương. Có trí tuệ tình thương thỉ con người mới có thể đoàn kết sâu rộng để tạo một đời sống chung cùng tươi đẹp.

Văn hóa xưa kia đã từ hướng tranh đấu với thiên nhiên mà xoay sang hướng tranh đấu với đồng loại.

Hướng đi của nền văn hóa mới của nhân loại phải là tranh đấu với dục vọng bản thân vậy.


[Mục lục][Chương kế]


[Thư Mục chính]

Last updated: 31-01-2000

Web master: [email protected]
[email protected]