BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật giáo Nguyên thủy

PHÁP TRÍCH LỤC - 2

Huỳnh Văn Niệm soạn dịch

Phật Bảo Tự tái bản
Pagode  Buddharatanarama
3, Rue Broca
91600  Savigny Sur Orge - France
Tel: 01 69 96 49 34


Tập I

-ooOoo-

Năm điều lo sợ của hành giả ngụ nơi rừng vắng

Ðức Thế Tôn có thuyết như vầy:

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Ðây là năm điều lo-ngại về buổi tương-lai; thầy tỳ-khưu ngụ nơi rừng thanh-vắng, có tâm thành-thật, hăng-hái, cương-quyết, cần phải quán tưởng đến năm điều ấy, phải biết ăn ở cách nào để đạt mục-đích cao-thượng mà mình chưa có, để làm chủ các pháp mà mình chưa đắc và để thực-hành những đức-tính nào mình chưa thành-tựu. Mà năm điều lo-sợ ấy như thế nào?"

1. Ðiều lo-sợ thứ nhứt

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Các ngươi nên nghĩ rằng có một bậc hành-giả ngụ nơi rừng vắng phát tâm quán tưởng như vầy: "Hiện nay, ta ngụ tại rừng đây chỉ có một mình, và trong lúc sống cô-độc tại chốn này, ta có thể bị các loài rắn, rít, bò cạp, mổ cắn chết được; mà nếu ta phải chết vì những lẽ ấy, tất-nhiên bề hành đạo của ta phải bị ngưng-trệ. Vậy ta hãy tinh-tấn, nỗ-lực thêm lên, để đạt mục-đích cao-thượng nào mà ta chưa đạt được, để làm chủ các pháp nào mà ta chưa có, để thực-hành những đức-tính nào mà ta chưa thành-tựu".

"Ðó là điều lo-sợ thứ nhứt".

2. Ðiều lo-sợ thứ nhì

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Hoặc-giả các ngươi nên nghĩ rằng có một bậc hành-giả ngụ nơi rừng vắng, phát tâm quán tưởng như vầy: "Ta có thể vấp té, vật thực ta đã dùng có thể làm cho sanh bệnh; mật đàm có thể làm cho ta phát lên rung-rẩy, nghẹt thở, một luồng gió độc có thể xâm-nhập vào ngũ-tạng làm cho ta phải lung-lạc; mà nếu ta phải chết vì những lẽ ấy, tất-nhiên bề hành đạo của ta phải bị ngưng-trệ. Vậy ta hãy tinh-tấn, nỗ-lực thêm lên, để đạt mục-đích cao-thượng nào mà ta chưa đạt được, để làm chủ các pháp nào mà ta chưa có, để thực-hành những đức-tính nào mà ta chưa thành-tựu".

"Ðó là điều lo-sợ thứ nhì".

3. Ðiều lo-sợ thứ ba

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! hoặc-giả các ngươi nên nghĩ rằng có một bậc hành-giả ngụ nơi rừng vắng, phát tâm quán tưởng như vầy: "Lúc ta đang sống cô-độc trong rừng này, ta có thể gặp các loài ác thú, như: sư tử, cọp, beo, gấu, chó sói, chúng nó có thể hãm-hại ta được; mà nếu ta phải chết vì những lẽ ấy, tất-nhiên bề hành đạo của ta phải bị ngưng-trệ. Vậy ta hãy tinh-tấn, nỗ-lực thêm lên, để đạt mục-đích cao-thượng nào mà ta chưa đạt được, để làm chủ các pháp nào mà ta chưa có, để thực-hành những đức-tính nào mà ta chưa thành-tựu".

"Ðó là điều lo-sợ thứ ba".

4. Ðiều lo-sợ thứ tư

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Hoặc-giả các ngươi nên nghĩ rằng có một bậc hành-giả ngụ nơi rừng vắng, phát tâm quán tưởng như vầy: "Lúc đang sống cô-độc trong rừng này, ta có thể gặp kẻ trộm cướp, chúng nó có thể giết hại ta được; mà nếu ta phải chết vì lẽ ấy, tất-nhiên bề hành đạo của ta phải bị ngưng-trệ. Vậy ta hãy tinh-tấn, nỗ-lực thêm lên, để đạt mục-đích cao-thượng nào mà ta chưa đạt được, để làm chủ các pháp nào mà ta chưa có, để thực-hành những đức-tính nào mà ta chưa thành-tựu".

"Ðó là điều lo-sợ thứ tư".

5. Ðiều lo-sợ thứ năm

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Hoặc-giả các ngươi nên nghĩ rằng có một bậc hành-giả ngụ nơi rừng vắng, phát tâm quán tưởng như vầy: "Hiện nay ta ngụ tại rừng đây chỉ có một mình, giữa chốn này có nhiều hạng phi-nhân rất hung-ác, chúng có thể hãm-hại ta được; mà nếu ta phải chết vì lẽ ấy, tất-nhiên bề hành đạo của ta phải bị ngưng-trệ. Vậy ta hãy tinh-tấn, nỗ-lực thêm lên, hầu đạt mục-đích cao-thượng nào mà ta chưa đạt được, để làm chủ các pháp nào mà ta chưa có, để thực-hành những đức-tính nào mà ta chưa thành-tựu".

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Ðó là điều lo-sợ thứ năm về buổi tương-lai".

"Thầy tỳ-khưu ngụ nơi rừng vắng có tâm thành-thật, hăng-hái, cương-quyết, cần phải quán tưởng đến năm điều ấy, phải biết ăn ở cách nào để đạt mục-đích cao-thượng mà mình chưa có, để làm chủ các pháp mà mình chưa đắc và để thực-hành những đức-tính mà mình chưa thành-tựu".

-- ANGUTTARA NIKÃYA, III, 100-102

Lời của soạn-giả:

Bậc hành-giả chân-chánh, quyết-chí thành-tựu trong đạo giải-thoát, hằng luôn-luôn sáng-suốt tinh-tấn trong mỗi giờ, mỗi phút thoáng qua. Các ngài thường lo-sợ về sự chết có thể xảy đến bất-ngờ, trong nhiều trường-hợp khác nhau, làm trở-ngại cho bề hành đạo của mình. Vì lẽ ấy, các ngài cố-gắng thâu-thập những pháp cao-thượng nào mà mình chưa đắc, hầu thâu ngắn con đường sanh tử luân-hồi mau chừng nào hay chừng nấy, và không chịu bỏ qua thời-giờ quí-báu mà người đời thường phung-phí trong ngũ-trần lục-dục, tới khi cái chết đến gần, ăn-năn đã muộn. Chừng đó, chỉ có nước khóc than, sợ-hãi vô-ích trước bốn con đường ác-đạo rộng-rãi đang chờ đón lấy con người mà trong lúc thiếu-thời hằng hững-hờ, khinh rẽ bề đạo-đức.

Mãnh-lực của Thiền định

Ðức Phật có thuyết như vầy: "Thuở ấy, nam-nhân Pukkusa, thuộc dòng Malla, học trò của đạo-sĩ Alara Kalama, đang hành-trình trên đường cái, từ Kusinãra để sang thành Pava. Pukkusa gặp Ðức Thế Tôn đang ngồi dưới cội cây. Thấy vậy, chàng ta đi lần đến chỗ Ðức Phật ngự; khi tới nơi, đảnh lễ Ðức Thế Tôn, rồi cung-kính ngồi gần một bên. Ngồi xong, Pukkusa bạch với Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn, rất lạ thay, rất tuyệt-diệu thay cho sự định-tâm của các bậc đã ra khỏi thế-gian! Bạch Ðức Thế Tôn, trong hồi xưa kia, một ngày nọ, thầy Alara Kalama, đang lúc viễn-hành trên đường cái, nhằm buổi trưa nóng-nực, tách ra bên đường và đến ngồi dưới cội cây để an-nghỉ. Bạch Ðức Thế Tôn, khi ấy có năm trăm cỗ xe đi ngang qua, gần bên thầy Alara Kalama. Một lữ-khách đang đi phía sau đoàn xe, lần đến chỗ ngụ của thầy; khi tới nơi, anh ta liền hỏi thầy Alara Kalama như vầy: "Bạch ngài, vậy chớ ngài có thấy 500 cỗ xe vừa đi qua ngang đây không?"

- "Này bạn, ta không có thấy".

- "Bạch ngài, vậy chớ ngài có nghe tiếng ào-ạt của những cỗ xe ấy không?"

- "Này bạn, ta không có nghe chi cả".

- "Bạch ngài, chắc ngài đang ngủ thì phải?"

- "Không đâu bạn, ta nào có ngủ".

- "Bạch ngài, vậy chớ ngài còn đầy đủ giác-quan chăng?"

- "Còn nguyên vẹn".

- "Bạch ngài, như thế thì có lẽ nào, với lục-căn đầy đủ và tỉnh-thức, mà ngài lại không thấy đoàn xe, không nghe tiếng 500 cỗ xe, cái này nối gót cái kia, ào-ạt đi ngang qua gần bên ngài? Ðây này, xin ngài dòm lại cái y của ngài bị dính bụi do đoàn xe tung lên".

- "Thật đúng như vậy đó bạn".

Người lữ-khách bèn nghĩ rằng: "Rất lạ thay, rất tuyệt-diệu thay cho sự định-tâm của những bậc đã ra khỏi thế-gian. Sự tĩnh-tâm ấy có mãnh-lực đến nỗi một nhân-vật đang tỉnh-thức và có đầy đủ giác-quan, mà vẫn không thấy 500 cỗ xe đi ngang qua cận bên mình".

Sau khi tỏ lòng khâm-phục và sự tin-tưởng của mình đối với thầy Alara Kalama, người lữ-khách bèn lui gót".

Nghe xong, Ðức Phật hỏi thầy Pukkusa như vầy: "Này Pukkusa, vậy chớ đối với một nhân-vật đang tỉnh-thức, có đầy đủ giác-quan mà không thấy 500 cỗ xe, không biết gì đến 500 cỗ xe đi ngang qua cận bên mình, và một nhân-vật khác, cũng tỉnh-táo, có đầy đủ lục-căn mà vẫn không thấy, không nghe biết chi cả về một đám mưa tuôn dữ-dội, tiếp theo đó những làn chớp-nhoáng đỏ trời và những tiếng gầm, tiếng sét vang-rền khủng-khiếp, nhà ngươi cho nhân-vật nào kỳ-diệu, phi-thường hơn?"

- "Bạch Ðức Thế Tôn, nếu so-sánh như vậy, thì không những là 500 cỗ xe ấy, mà cho đến 600, 700, 800, 900, hoặc hàng trăm ngàn cỗ xe đi nữa, thì bậc huyền-diệu phi-thường hơn, tức-nhiên là nhân-vật đang tỉnh-thức, có đầy đủ giác-quan, mà vẫn không thấy, không nghe biết gì cả về đám mưa tuôn dữ-dội tiếp theo đó, những làn chớp-nhoáng đỏ trời và tiếng gầm tiếng sét vang-rền khủng-khiếp vậy".

Ðức Phật nói rằng: "Này Pukkusa, ngày nọ, Như Lai đang ngự trong một nhà trọ[1] tại vùng Atuma. Lúc ấy, mưa bắt đầu tuôn xuống dữ-dội, tiếp theo đó những làn chớp-nhoáng đỏ trời, tiếng gầm, tiếng sét vang rền khủng-khiếp. Hai anh em người nông-phu đang cày ruộng và bốn con bò phải bị sát hại. Lúc bấy giờ, những dân-cư tại vùng Atuma họp lại đông-đủ, kéo nhau đến tại chỗ hai anh em người nông-phu cày ruộng và bốn con bò đã bị sát hại".

"Này Pukkusa, khi ấy Như Lai đang đi kinh-hành, trước cửa nhà trọ, tâm-trí chăm-chú vào phép thiền-định. Này Pukkusa, có một người kia tách ra khỏi đám đông, đi ngay đến chỗ Như Lai đứng, khi tới nơi người ấy đảnh lễ rồi đứng kế bên. Thấy vậy, Như Lai liền hỏi người ấy rằng: "Này bạn[2], tại cớ chi mà có sự hội-họp như vầy?"

- "Bạch Ðức Thế Tôn, vì khi nãy mưa tuôn dữ-dội, tiếp theo đó những làn chớp-nhoáng đỏ trời, tiếng gầm tiếng sét vang rền khủng-khiếp, có hai anh em người nông-phu và bốn con bò đã bị sát hại. Ðó là nguyên-nhân phát-sinh cuộc hội-họp này. Bạch Ðức Thế Tôn, vậy lúc ấy Ngài ở đâu?"

- "Này bạn, Như Lai đang ở tại chỗ này".

- "Bạch Ðức Thế Tôn, vậy chớ Ngài có thấy gì không?"

- "Này bạn, Như Lai chẳng thấy chi cả".

- "Bạch Ðức Thế Tôn, vậy chớ Ngài có nghe chi không?"

- "Này bạn, Như Lai chẳng nghe biết chi cả".

- "Bạch Ðức Thế Tôn, vậy chớ Ngài đang ngủ chăng?"

- "Này bạn, Như Lai đâu có ngủ".

- "Bạch Ðức Thế Tôn, vậy chớ Ngài có đầy đủ giác-quan không?"

- "Còn nguyên vẹn".

- "Bạch Ðức Thế Tôn, như thế có lý nào, với giác-quan tỉnh-thức và đầy đủ, mà Ngài không thấy, không nghe chi cả về đám mưa tuông dữ-dội, tiếp theo đó những làn chớp-nhoáng đỏ trời, tiếng gầm, tiếng sét vang rền khủng-khiếp?"

- "Thật đúng như vậy đó bạn".

"Này Pukkusa, lúc bây giờ người ấy nghĩ rằng: "Rất lạ thay, rất tuyệt-diệu thay cho sự định-tâm của những bậc đã ra khỏi thế-gian. Sự định-tâm ấy có mãnh-lực đến nỗi một nhân-vật có đầy đủ giác-quan và đang tĩnh-thức mà vẫn không thấy, không nghe biết gì đến làn chớp-nhoáng đỏ trời và tiếng gầm, tiếng sét, vang rền khủng-khiếp". Sau khi tỏ lòng khâm-phục và tin-tưởng đối với Như Lai, người ấy liền đãnh lễ và lui gót".

Khi Ðức Thế Tôn nói vừa xong, thầy Pukkusa, thuộc dòng Malla, bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn, sự tin-tưởng của tôi đối với thầy Alara Kalama đã bị luồng gió cuốn đi, đã bị dòng rạch lôi đi mất. Bạch Ðức Thế Tôn, cao-siêu thay, những lời châu ngọc tự kim khẩu Ngài thốt ra!".

"Như người ta đỡ đứng dậy vật chi đã bị ngã, tìm được vật gì bị giấu kỹ, chỉ nẽo cho người lạc lối, đem ngọn đuốc vào chỗ tối-tăm cho người có mắt thấy rõ mọi vật thế nào? Bạch Ðức Thế Tôn, cũng như thế ấy, Ngài đã giải rõ cho tôi nghe giáo pháp bằng nhiều cách. Bạch Ðức Thế Tôn, vậy tôi xin nương nhờ nơi Phật, nơi Pháp, nơi Tăng. Xin Ðức Thế Tôn nhận tôi là người thiện-nam kể từ nay cho đến trọn đời".

-- MAHÃ PARINIBÃNA SUTTA

Lời của soạn-giả:

Trong nhiều chi đạo, vị giáo-chủ sáng-lập thường lấy phép thiền-định làm căn-bản. Mãnh-lực của thiền-định lớn hay nhỏ, tốt hay xấu, đều tùy theo sự cố gắng ít hay nhiều, tà hay chánh của hành-giả. Theo chúng ta được biết thì thiền-định có hai: tà-định và chánh-định. Chánh-định lại chia ra làm hai nữa, là: phàm-định và thánh-định.

- Phàm-định là nói về các bậc sa-môn hay đạo-sĩ, cố công trì-chí, thành-tựu được nhiều bậc thiền, nhưng chưa diệt-tận phiền-não. Vì đó, phàm-định cũng vẫn ở dưới thế-lực của sự vô-thường như các pháp khác.

- Trái lại, thánh-định là nói về pháp định-tâm của các bậc thánh-nhân đã thấy rõ lý "Tứ Diệu Ðế", đã bước vào vòng thánh-vức. Tâm-trí của các ngài rất vững chắc, như dãy núi cao, không hề bị lay-chuyển dưới cơn giông tố. Các ngài đang tiến bước một cách vững-vàng trên con đường về nơi cực-lạc.

Bốn cách hành-động của chúng-sinh

Ðức Phật có thuyết cho các thầy tỳ-khưu nghe như vầy: "Hỡi các thầy tỳ-khưu! đây là bốn cách hành-động của chúng-sinh:

1) Cách hành-động làm cho người vui sướng trong kiếp này, mà đem lại sự khổ-não về kiếp vị-lai;
2) Cách hành-động làm cho khổ-cực trong kiếp này, mà cũng đem lại sự đau-đớn về kiếp vị-lai;
3) Cách hành-động khổ-sở trong kiếp này, mà đem lại sự an vui cho kiếp sau;
4) Cách hành-động làm cho an-lạc trong kiếp hiện-tại và luôn đến các kiếp sau.

"Này các thầy tỳ-khưu, như thế nào gọi là: cách hành-động làm cho vui sướng trong kiếp này, mà chỉ đem lại sự khổ-não về buổi tương-lai?"

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! có nhiều hạng đạo-sĩ xuất-gia tu-hành rồi lại phát tâm suy-nghĩ như vầy: "Sự ham muốn về ngũ-trần không có hại chi đâu". Nghĩ như thế, nên họ hằng để cho ngũ-trần lôi cuốn. Vì sự hờ-hững ấy nên sau khi thác, họ phải bị sa vào đường ác đạo, phải khổ-não vô-hồi trong cảnh địa-ngục".

"Này các thầy tỳ-khưu, ví-dụ như trong lúc cuối mùa hè, một hột giống của loài dây bìm-bìm rơi xuống gốc một cây cổ-thụ (cây da). Vị chư-thiên ngự trên ấy phát tâm lo-sợ, mất sự an vui của mình nếu ngày sau hột giống dây bìm-bìm sẽ sinh-sản, cao lớn lên và làm hại thân cây. Khi ấy, những vị chư-thiên khác, cũng ở vào vòng thân-bằng quyến-thuộc của ngài, ngụ chung quanh đó, như những vị chư-thiên ở trong rừng, ở khắp huê-viên, ngụ trên cây to, trong đồng cỏ, trong các kho-tàng ngũ-cốc, vân-vân ... đều tề-tựu lại chỗ cây cổ-thụ mà an-ủi, khuyên-lơn vị chư-thiên ấy như vầy: "Này ngài ơi! ngài chẳng nên sợ-hãi vô-ích vì chuyện nhỏ-nhặt ấy. Có thể cái hột giống dây bìm-bìm đang nằm tại chốn này sẽ bị chim chóc nuốt đi, hoặc-giả nó sẽ bị loài hưu nai ăn mất, bị lửa rừng thiêu-hủy, bị kẻ tiều-phu lượm đi, bị kiến tha đi nơi khác, hoặc-giả nó không nẩy nở được".

"Nhưng thí-dụ không có chim chóc nào, hoặc-giả chẳng có hưu nai, lửa rừng, tiều-phu, kiến bọ gì đến làm tiêu-hoại giống ấy; trái lại, nó vẫn được sinh-sản, nẩy-nở như thường. Mùa mưa đến, đem sự mát mẻ và giúp sức cho dây bìm-bìm kia mau tấn-hóa, to lớn. Lúc ấy, nó là một dây bìm-bìm tươi-tắn, tốt xinh, mềm-mại, đâm vòi, quấn chung quanh thân cây cổ-thụ. Vị chư-thiên ngự trên cây ấy bèn nghĩ như vầy: "Vì lẽ gì mà các hàng thân-quyến của ta có ý nghĩ rằng hột giống dây bìm-bìm đó không làm hại đến ta, và họ muốn cho nó bị chim chóc, hưu nai, lửa rừng, tiều-phu, hoặc-giả các loài côn-trùng khác làm cho tiêu hoại, hay là nó không nẩy nở được? Thật ra, dây bìm-bìm này rất đẹp đẽ, xanh tươi, vòi và lá nó ôm lấy thân cây một cách dịu-dàng, mát mẻ".

"Này các thầy tỳ-khưu, nhưng thí-dụ thêm nữa rằng dây bìm-bìm tơ kia, không phải chỉ quấn dính vào thân cây cổ-thụ mà thôi. Lần hồi nó bò lên tới ngọn cây, đâm vòi trổ lá thêm và bao-phủ tất cả tàn cây cổ-thụ, làm cho ánh-sáng khó lọt vào. Vì lẽ đó, lần-lần các nhánh cây phải bị khô-khan, mục nát. Lúc bấy giờ, vị chư-thiên ngự trên cây cổ-thụ mới nghĩ rằng: "Các vị chư-thiên thân-thích với ta thấy rõ sự tai-hại về buổi tương-lai của hột giống dây bìm-bìm đó. Nhưng họ muốn an-ủi ta, nên mới bày-vẽ rằng nó có thể bị nhiều trường-hợp làm cho tiêu hoại, hoặc giả nó không nảy nở; song hiện bây giờ đây, chính hột giống ấy mà ta phải chịu khổ-sở vô cùng".

"Này các thầy tỳ-khưu, cũng như thế ấy, có nhiều hạng đạo-sĩ xuất-gia không dòm thấy tội-lỗi của ngũ-trần, hờ-hững để cho nó lôi cuốn. Sau khi xác thân ngũ-uẩn tan rã, sẽ gặp nhiều điều khổ-não, tai-hại. Chừng đó, họ mới biết rằng chính ngũ-trần là nguyên-nhân làm cho họ phải khổ-não như thế ấy".

"Ðó là cách hành-động làm cho vui sướng hiện-thời, nhưng sẽ đem lại điều thống-khổ về buổi tương-lai vậy".

"Này các thầy tỳ-khưu, như thế nào là sự hành-vi khổ-sở trong kiếp này, mà cũng đem lại điều tai-hại về buổi vị-lai?"

"Ví-dụ có hạng đạo-sĩ thực-hành triệt-để cách tu khổ-hạnh, lang-thang vất-vả, không màng chi đến sự bố-thí, không chịu thọ-dụng những vật thực của người đem đến dâng cúng, không chịu tìm nơi phù-hợp để khất-thực, chỉ ăn một hoặc hai vắt cơm trong mỗi ngày, hay chỉ thọ-lãnh vật thực của một hoặc hai thí-chủ trong mỗi buổi. Họ mặc y-phục bằng vải bô bẩn-thỉu, rách rưới, hoặc bằng vỏ cây, bằng cỏ, bằng lông chim ... chằm vá lại với nhau, hoặc-giả họ dùng bất cứ vật hèn-hạ nào có thể che thân cho kín đáo. Họ không ngồi ghế, nằm trên gai, hành thân hoại thể đủ điều".

"Sau khi chết, những hạng đạo-sĩ ấy, vì lầm-lạc theo tà đạo, nên phải bị sinh vào cảnh khổ".

"Ðó là cách hành-động khổ cực trong kiếp này, mà cũng đem lại sự khổ-não về buổi tương-lai vậy".

"Này các thầy tỳ-khưu, còn thế nào là sự hành-động khổ-cực trong kiếp này, mà đem đến sự an vui trong kiếp sau?"

"Ví-dụ có một người kia biết rằng vì các tiền-nghiệp nên ngày nay phải bị sanh vào cảnh thấp-hèn, phải gặp nhiều nỗi khó-khăn trong sự nuôi mạng. Tuy vậy, người vẫn luôn-luôn cố gắng tu tập, ăn ở hiền-lành, ngay thẳng. Sau khi lâm-chung, người ấy được thọ-sinh về cõi trời, an-hưởng hạnh-phúc lâu dài".

"Ðó là hành-động khó-nhọc trong kiếp này, nhưng sẽ đem lại điều an vui cho kiếp vị-lai vậy".

"Này các thầy tỳ-khưu, như thế nào là sự hành-động làm cho an vui trong buổi hiện-tại và luôn đến các kiếp sau?"

"Ví-dụ có một người kia thấy đời là giả tạm, rời bỏ gia-đình để tìm nơi tu tập, cố công hành theo chân-lý và đắc được bốn bậc thiền. Sự kết-quả trong pháp thiền-định đem lại cho hành-giả nhiều điều an-lạc về kiếp hiện-tại. Sau khi chết, người ấy được sanh về cõi thiên-đàng, vui-thú trong phước-báu của mình".

"Ðó là cách hành-động làm cho an vui trong kiếp này và luôn đến các kiếp về sau".

-- MAJJHIMA NIKÃYA

Quán tưởng về sự già, đau, chết, chia lìa và luật nhân quả

Ðức Thế Tôn có thuyết như vầy: "Hỡi các thầy tỳ-khưu! Có năm điều mà các hàng tại-gia, hoặc những bậc xuất-gia, đã rời bỏ gia-đình để tìm sống trong cảnh vô gia-đình, cần phải quán tưởng luôn-luôn. Năm điều ấy là thế nào?

Nên quán tưởng:

1- "Ta phải già, ta không sao tránh khỏi sự già nua đặng". Những hàng tại-gia hoặc các bậc xuất-gia nên quán tưởng thường-thường như vậy.

2- "Thế nào ta cũng phải mang bệnh tật ốm đau, ta không sao tránh khỏi được". Những hàng tại-gia hoặc các bậc xuất-gia nên quán tưởng thường-thường như vậy.

3- "Thế nào ta cũng phải chết, ta không sao tránh khỏi sự chết đặng". Những hàng tại-gia hoặc các bậc xuất-gia nên quán tưởng thường-thường như vậy.

4- "Thế nào ta cũng phải bị chia lìa những vật thương yêu, tríu-mến, ta không sao tránh khỏi sự phân chia ấy được". Những hàng tại-gia hoặc các bậc xuất-gia nên quán tưởng thường-thường như vậy.

5- "Ta phải chịu quả-báo của các sự hành-vi do ta gây nên, cái nghiệp là gia-tài, sự-sản của ta, là cái thai-bào (để bảo-trợ xác thân ta), là cha mẹ ta; ta phải chịu sự kết-quả và những hành-động đó. Bất cứ nghiệp lành hay dữ mà ta đã tạo, ta phải lãnh hậu-quả về buổi tương-lai". Những hàng tại-gia hoặc các bậc xuất-gia nên quán tưởng thường-thường như vậy.

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! sự quán tưởng rằng: "Ta phải già, ta không sao tránh khỏi sự già nua đặng", của các hàng tại-gia hoặc các bậc xuất-gia sẽ đem lại lợi-ích như thế nào?"

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! các chúng-sinh trong thời thanh-niên trai trẻ, hằng kiêu-căng, tự-đắc về chỗ trẻ-trung; vì say mê trong sự kiêu-căng, tự-đắc ấy, họ gây nên nhiều tội-lỗi, do thân, do khẩu, do ý. Bởi cớ ấy, kẻ nào cố tâm quán tưởng cho thường về sự già thì tánh kiêu-căng, tự-đắc, của buổi thiếu-niên, dầu cho tánh ấy có mãnh-lực, to lớn, thế nào, cũng bị diệt-tận, hay ít ra cũng bị giảm-sút".

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Bởi có sự lợi-ích như vậy, các ngươi nên quán tưởng cho thường (về sự già)".

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Sự quán tưởng rằng: "Thế nào ta cũng phải bệnh-hoạn, ốm đau; ta không sao tránh khỏi sự đau ốm được" của các hàng tại-gia hoặc các bậc xuất-gia, sẽ đem lại sự lợi-ích như thế nào?"

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Các chúng-sinh trong lúc khoẻ-mạnh, hằng kiêu-căng, tự-đắc về sức-khỏe; vì say-mê trong sự kiêu-căng, tự-đắc ấy, họ gây nên nhiều tội-lỗi do thân, do khẩu, do ý. Bởi cớ ấy, kẻ nào cố tâm quán tưởng cho thường về sự đau, thì tánh kiêu-căng, tự-đắc của hồi khỏe-mạnh, dầu cho tánh ấy có mãnh-lực, to lớn đến thế nào, cũng bị diệt-tận, hay ít ra cũng bị giảm sút".

"Này các thầy tỳ-khưu, bởi có sự lợi-ích như vậy, các ngươi nên quán tưởng cho thường về sự đau ốm".

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! sự quán tưởng rằng: "Thế nào ta cũng phải bị chia lìa cùng những vật thương yêu, tríu-mến, ta không sao tránh khỏi sự phân chia ấy được". Sự quán tưởng ấy của các hàng tại-gia, hoặc các bậc xuất-gia, sẽ đem lại điều lợi-ích như thế nào?"

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! chúng-sinh hằng có lòng ham muốn, si-mê về những người và vật mà mình thương yêu, tríu-mến. Vì mê-muội, say-đắm trong những người và vật ấy, nên họ gây ra nhiều tội-lỗi do thân, do khẩu, do ý. Vì lẽ ấy, kẻ nào cố tâm quán tưởng cho thường về sự chia lìa cùng những vật thương yêu, tríu-mến, thì lòng ham muốn, si-mê kia, dầu cho nó có mãnh-lực, to lớn đến đâu, cũng bị diệt-tận, hay ít ra cũng phải giảm sút".

"Này các thầy tỳ-khưu, bởi có sự lợi-ích như vậy, các ngươi nên quán tưởng cho thường về sự chia lìa của vạn-vật".

"Hởi các thầy tỳ-khưu! còn sự quán tưởng rằng: "Ta phải chịu quả-báo của những hành-vi do ta gây nên; cái nghiệp là gia-tài, sự sản của ta, là cái thai-bào để bảo-trợ xác-thân ta, là cha mẹ ta; ta phải chịu ảnh-hưởng của nó. Bất cứ nghiệp lành hoặc dữ mà ta đã tạo, chính ta phải nhận hậu-quả của nó về buổi tương-lai". Sự quán tưởng ấy của những hàng thiện-nam, tín-nữ, hoặc các bậc xuất-gia, sẽ đem lại điều lợi-ích như thế nào?"

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! những chúng-sinh, vì không tin, hoặc chẳng thấu rõ luật nhân-quả, nên thường làm những điều tội-lỗi do thân, do khẩu, do ý. Những ai chú tâm quán tưởng cho thường (về những điều tai-hại do sự hành-động xấu-xa gây nên), thì những tật xấu kia, dầu có mãnh-lực, to lớn đến đâu, cũng bị diệt-tận, hay ít ra cũng phải giảm sút".

"Này các thầy tỳ-khưu, bởi có sự lợi-ích như vậy, các ngươi nên quán tưởng cho thường như vầy: "Ta phải chịu quả-báo của những hành-vi do ta gây nên; cái nghiệp là gia-tài, sự sản của ta, là cái thai-bào để bảo-trợ xác thân ta, là cha mẹ ta; ta phải chịu ảnh-hưởng của nó. Bất cứ nghiệp lành hoặc dữ mà ta đã tạo ra, chính ta phải nhận lấy hậu-quả về buổi tương-lai".

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Bậc xuất-gia hành theo pháp cao-thượng suy xét như vầy: "Chẳng phải riêng một mình ta chịu sự già nua, không tránh khỏi sự già ấy đâu; vì bất cứ tại chốn nào, hễ có đi thì phải có về, có sanh thì có diệt. Tất cả chúng-sinh đều phải chịu sự già như nhau, không ai tránh khỏi. Chẳng phải riêng một mình ta chịu sự đau ốm, sự chết, sự chia lìa cùng những người và vật thân yêu, tríu-mến, sự quả-báo của hành-vi do ta gây nên đâu, mà tất cả chúng-sinh đều phải chịu khổ-não như nhau trong những hoàn-cảnh ấy ...". Quán tưởng thường-thường như vậy, đường đạo-đức của hành-giả sẽ được mở sáng tỏ rõ. Bậc đó hằng luôn-luôn tinh-tấn, chăm chú, tấn-hoá thêm trên đường hành đạo, cho đến khi diệt-tận được mười điều chướng-ngại và năm ác pháp".

-- ANGUTTARA NIKÃYA, III

Lời của soạn-giả:

Trong pháp trên đây, Ðức Phật khuyên những hàng tại-gia, hoặc xuất-gia, nên quán tưởng cho thường về sự già, sự đau, sự chết, sự chia lìa các vật thương yêu, tríu-mến, sự quả-báo của các nghiệp lành hoặc dữ. Sở-dĩ chúng-sinh tạo ra nhiều nghiệp xấu-xa đáng tiếc, là vì hay quên mình, ỷ-lại rằng mình luôn-luôn còn trẻ, còn mạnh, còn sống, còn sum-họp với những vật mình ưa thích và không thông-thấu luật nhân-quả công-bình. Nếu con người cố công trì-chí quán tưởng về những pháp ấy lâu năm chầy tháng, ắt diệt được những điều khổ-não, bất cứ trong hoàn-cảnh nào, vì tự hiểu rằng cái già, cái đau, cái chết, cái sanh tử biệt-ly không phải chỉ dành riêng cho mình thôi, mà cả thảy chúng-sinh đều phải chịu khổ như nhau. Cũng nhờ đó mà tấm lòng kiêu-căng, ngã-chấp không sao tấn-triễn được. Tâm từ-bi, bác-ái được phấn-khởi dễ-dàng và con người sẽ nhìn xem vạn-vật trong thế-gian với cặp mắt bình-đẳng, không còn muốn hơn thua, tranh-đấu với ai cả.

Giới hạnh của người tu tại gia

Ðức Thế Tôn có thuyết cho nhóm người tại-gia cư-sĩ trong xóm Pãtali nghe như vầy: "Hỡi các người tại-gia cư-sĩ! Có năm điều hại thường xảy đến cho kẻ tại-gia nào không biết nghiêm-trì giới hạnh:

1. thường bị hao tài mất của vì sự hờ-hững của mình;
2. thường có tên tuổi không tốt do người khác đồn-đãi;
3. tâm-trạng thường bất an, rụt-rè, sợ-hãi giữa chỗ đông người;
4. thường có tâm bối-rối trong khi gần chết;
5. sau khi chết, phải bị sanh vào cảnh khổ, là cõi điạ-ngục".

"Hỡi các người tại-gia cư-sĩ! Còn dây là năm điều lợi thường xảy đến cho kẻ nào biết giữ gìn (nghiêm-trì) giới hạnh cho trong sạch:

1. thường được giàu có thêm vì sự siêng-năng của mình;
2. được tiếng-tăm tốt do kẻ khác đồn-đãi;
3. thường có tánh bình-tĩnh trong lúc đàm-luận giữa chỗ đông người;
4. không sợ-hãi, bối-rối trong khi gần chết;
5. sau khi thác, được sinh về cảnh vui, nhất là cõi thiên-đàng".

-- UDÃNA

Trí xét đoán chân-chánh của các bậc thiện-trí-thức

Đức Thế Tôn có thuyết cho Tôn-giả Ananda nghe như vầy: "Này Ananda, thuở trước kia, chổ này là một đô-thị to-tát, phồn-thịnh, có dân-cư đông-đúc và gần bên là nơi trú-ngụ của Ðức Chánh-Ðẳng Chánh-Giác Ca Diếp (Kassapa).

Ðồng khi ấy, có thầy đạo-sĩ Gavesin là môn-đệ của Ðức Phật Ca Diếp; nhưng ông ta không nghiêm-trì giới-luật. Tuy vậy, cũng nhờ sự dạy-dỗ của Thầy Gavesin mà có nhiều hàng tại-gia cư-sĩ được cảm-hoá. Nhưng họ đều không gìn giữ giới-luật chi cả. Thầy Gavesin bèn phát tâm suy-nghĩ như vầy: "Chính ta đã giúp ích cho những người tại-gia cư-sĩ kia nhiều; ta là kẻ cầm đầu, mà tất cả những người ấy và ta đều chẳng nghiêm-trì giới-luật. Bởi cớ ấy, ta và họ đều như nhau; ta không có chi hơn họ cả. Vậy ta phải cố gắng thêm một chút". Nghĩ xong, thầy Gavesin liền đi tìm nhóm tại-gia cư-sĩ mà nói rằng: "Xin cho các người biết, bắt đầu từ bữa nay, tôi là kẻ đã thọ-trì giới-luật". Này Ananda, khi ấy những người cư-sĩ liền phát tâm tự nghĩ rằng: "Nếu thầy Gavesin biết gìn giữ giới-luật, thì lẽ nào chúng ta lại không làm theo". Rồi đó, cả thảy đều xin thọ-trì giới-luật như thầy Gavesin vậy.

Thấy thế, thầy Gavesin lại nghĩ rằng: "Nếu vậy, thì ta và những hàng cư-sĩ kia đồng nhau; ta không có gì hơn họ cả. Vậy ta phải cố gắng thêm một chút". Rồi thầy Gavesin nói với họ như vầy: "Xin cho các người biết rằng bắt đầu từ bữa nay, tôi ăn ở theo bậc Phạm-hạnh, ngụ nơi thanh-vắng và lánh xa tình-dục". Nhóm cư-sĩ kia lại tự nghĩ rằng: "Lẽ nào chúng ta lại chẳng làm theo". Rồi cả thảy hành theo Phạm-hạnh pháp, ngụ nơi vắng-vẻ và lánh xa tình-dục.

Thầy Gavesin bèn nghĩ rằng: "Nếu thế, thì ta và nhóm cư-sĩ kia đồng nhau; ta không có chi hơn họ cả. Vậy ta nên cố gắng thêm một chút". Rồi thầy Gavesin nói với họ như vầy: "Xin cho các người biết rằng bắt đầu từ bữa nay, tôi chỉ ăn mỗi ngày chỉ có một lần thôi; tôi bỏ ăn chiều và ăn sái giờ". Nhóm cư-sĩ bèn tự nghĩ rằng: "Lẽ nào chúng ta lại chẳng làm theo". Rồi cả thảy đều làm như vậy.

"Hỡi này Ananda! Thầy Gavesin liền ôn lại những hành-vi của mình và của nhóm cư-sĩ đều giống nhau, bèn nghĩ rằng: "Nếu vậy thì ta và họ đồng nhau cả; ta không có chi hơn họ. Vậy ta phải cố gắng thêm một chút". Thầy Gavesin liền đến bạch với đức Phật Ca Diếp, xin Ngài cho phép xuất-gia tu-hành theo chánh giáo. Thấy vậy, tất cả nhóm cư-sĩ cũng xin phép xuất-gia hành đạo theo. Không bao lâu thầy Gavesin đắc được đạo quả A La Hán. Thầy ta bèn nghĩ rằng: "đây là một điều rõ-rệt vậy; ta có thể đạt được sự an vui giải-thoát theo sở-nguyện, không có chi khó-khăn cả. Ta mong cho tất cả hàng xuất-gia kia cũng được toại-nguyện như ta vậy". Trong một thời-gian sau, nhóm tỳ-khưu kia, do thầy Gavesin hướng-dẫn, cố gắng tinh-tấn, để hết năng-lực vào các pháp hành cao-thượng cho đến khi được hoàn-toàn giải-thoát".

"Này Ananda, bởi cớ ấy, ngươi nên trau-giồi các pháp cao-thượng cho được cao-thượng thêm, các pháp tinh-tấn cho được tinh-tấn thêm, phải cố gắng tấn-hoá luôn-luôn cho đến khi được hoàn-toàn giải-thoát".

"Này Ananda, ngươi nên trau-giồi giới-hạnh như thế ấy".

-- ANGUTTARA NIKÃYA, III, 215-218

Lời của soạn-giả:

Khác hơn các phàm-nhân, bậc thiện-trí-thức thường dùng trí-huệ của mình để xét đoán, so-sánh những điều lành, lẽ phải. Các ngài chẳng để lơ-đễnh, bỏ mất cơ-hội đặng tìm sự lợi-ích cho mình và cho kẻ khác, luôn-luôn chăm chú về mỗi hành-vi của mình, để chừa cải những tật xấu-xa, cố gắng tìm các phương-tiện tinh-tấn thực-hành những pháp cao-thượng hơn cho đến khi được hoàn-toàn giải-thoát.

Cách dạy bảo của những bậc thiện-trí-thức

Ðức Phật hỏi người giữ ngựa tên là Kesi như vầy: "Này Kesi, nhà ngươi phải làm thế nào để điều-khiển con ngựa (cho nó trở nên thuần-thục, dễ dạy)?"

- "Bạch Ðức Thế Tôn, tôi hằng dùng cách dịu ngọt dỗ-dành nó, hoặc-giả dùng cách cứng-cỏi, cương-quyết, hay dùng cả hai cách ấy một lượt".

Ðức Phật hỏi nữa rằng: "Mà nếu cả ba cách dạy dỗ ấy đều vô hiệu-quả, thì nhà ngươi phải làm sao?"

- "Bạch Ðức Thế Tôn, lúc ấy tôi sẽ giết chết con ngựa cho xong. Bạch Ðức Thế Tôn, còn Ngài là bậc dìu dắt hàng nhân-loại, vậy chớ Ngài dùng cách-thức nào để dạy dỗ họ?"

- "Này Kesi, Như Lai thường dùng cách hoà-nhã hay là phương-pháp nghiêm-khắc, hoặc-giả dùng cả hai phương-pháp ấy một lần:

1. Ðây là cách dịu ngọt dỗ-dành; Như Lai nói với những kẻ ấy như vầy: "Ðây là thiện nghiệp do nơi thân, do nơi khẩu, do nơi ý, nó sẽ đem lại kết-quả như thế nào; những chư-thiên được an hưởng lạc-thú nơi cõi trời như thế nào, hàng nhân-loại có nhiều sự hạnh-phúc ra sao".

2. Còn đây là cách dạy-dỗ nghiêm-khắc hơn; Như Lai nói với họ như vầy: "Thế này là ác nghiệp do nơi thân, do nơi khẩu, do nơi ý, nó sẽ đem lại kết-quả ra sao; thế này là các điều thống-khổ trong cảnh điạ-ngục; thế này là điều tai-hại khi phải thọ sinh làm cầm-thú; thế này là các sự đói khát, khổ-não trong cõi ngạ-quỉ".

3. Còn đây là cách khuyến-hoá bằng cả hai phương-pháp dịu ngọt và nghiêm-khắc; Như Lai nói với họ như vầy: "Thế này là thiện thân nghiệp, thế này là ác thân nghiệp, thế này là thiện khẩu nghiệp, thế này là ác khẩu nghiệp, thế này là thiện ý nghiệp, thế này là ác ý nghiệp, và quả-báo của những nghiệp lành và dữ ấy ra sao; thế này là chư-thiên; thế này là nhân-loại; thế này là điạ-ngục; thế này là cảnh giới súc-sinh; thế này là cõi ngạ-quỉ".

Người giữ ngựa Kesi hỏi tiếp Ðức Phật thêm rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn, mà nếu dùng cả ba phương-pháp ấy, nhưng họ không chịu nghe theo, thì Ngài sẽ làm thế nào?"

- "Như Lai sẽ diệt họ".

- "Bạch Ðức Thế Tôn, mà hành-vi ấy sẽ sái với giới hạnh của Ngài chăng? Không lẽ Ðức Thế Tôn có thể nói rằng: "Như Lai sẽ diệt họ"?"

- "Này Kesi, cách diệt bỏ mà Như Lai thông-báo ra đây có ý-nghĩa là Như Lai sẽ làm ngơ, không nói điều gì nữa, nếu một kẻ nào cần học hỏi đường chân-lý mà có tánh khó dạy, chẳng chịu nghe theo ba phương-pháp kể trên. Ðó là sự diệt bỏ đúng theo phẩm-hạnh của các bậc thiện-trí-thức vậy".

-- ANGUTTARA NIKÃYA, II, 112 -113

-ooOoo-

Đầu trang | 00 || 11 | 12 | 13 | 14 | 15 || 21 | 22 | 23 | 24 | 25 || 31 | 32 | 33 | 34 | 35


[Trở về trang Thư Mục]

updated: 19-04-2002



[1] Trong kinh nói cái kho chứa đồ.

[2] Ðức Phật không dùng tiếng ngươi đối với kẻ ngoại-đạo.