BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật giáo Nguyên thủy

PHÁP TRÍCH LỤC - 2

Huỳnh Văn Niệm soạn dịch

Phật Bảo Tự tái bản
Pagode  Buddharatanarama
3, Rue Broca
91600  Savigny Sur Orge - France
Tel: 01 69 96 49 34


Tập III

-ooOoo-

Pháp Trích Lục

Ngắn-ngủi thay cái kiếp nhân-sinh! Nó thoáng qua và hầu như lẩn tránh.
Qui-luật của nó là cái chết, luôn-luôn ám-ảnh những niềm vui.

-- MAJJHIMA NIKAYA

Lời tựa

Tư-cách chẳng làm điều dữ
Tư-cách làm thêm việc lành
Tư-cách làm cho tâm trong sạch
Ðó là Giáo-Pháp của Chư Phật.

Cũng như vua Mi Lan Ðà muốn làm cho Ðức Na Tiên bí lối, một trí-giả có tánh hay ngụy-biện thời Trung Cổ hỏi nhà hiền-triết Hy-Lạp: "Vậy trên thế-gian này, việc gì khó làm nhất?"

Nhưng ông ta hết sức ngớ-ngẩn, không hiểu gì cả khi nghe nhà hiền-triết trả lời: "Việc khó làm nhất là học để tự biết lấy mình".

Câu này đồng nghĩa với câu "Tu để thấy tánh thành Phật" mà chúng ta thường được xem qua trong các kinh sách.

Mà thật vậy, đã trải qua nhiều thế-hệ, các bậc thánh-nhân, các nhà hiền-triết, các tư-tưởng gia đều không ngớt tìm hiểu cái thực chất của con người là thế nào?

Các ngài khám-phá trong con người có nhiều đặc-tính trái-nghịch nhau: Khi thì chìm đắm xuống tận đáy sâu của tội-lỗi, khi thì vượt lên điểm cùng tột của giới đức thanh-cao.

Trong mỗi cá-nhân thường có hai hạng người: lúc thì tượng-trưng cho loài yêu-quái hung-tàn, khi thì thánh-thiện như bậc đại-hiền cao-quý.

Những nghi-vấn về nhân-loại là bài toán rắc-rối nhất, suốt sáu ngàn năm lịch-sử thế-giới đã làm bận lòng biết bao nhà tâm-lý học, huyền-học, triết luận ... đã làm mệt mỏi biết bao ngòi bút đặc-sắc, đã làm rối-rắm những câu ngôn-ngữ hùng-hồn, đã làm điên-đảo nhiều trí óc thông-minh trong việc tìm kiếm một lời giải-đáp thích-nghi.

Trong mỗi con người đều có một điểm linh quang cứu-cánh, nhưng nó thường bị che lấp bởi vô-minh dày đặc được cái tâm ái-dục củng-cố từ vô-lượng kiếp.

Ðiểm linh quang đó (Trí-Tuệ Giải-Thoát) chỉ phát-hiện đến những con người dũng-cảm nhiệt-thành, biết nhận-thức đúng theo chân-lý ba tướng: Vô-thường - Khổ-não - Vô-ngã, của muôn loài.

Người đời cố duy-trì liên-tục những tư-tưởng về dục lạc và cũng ráng sa-thải đối-tượng của nó là sự khổ đau, nhưng đã vô-tình kéo dài niềm thống-khổ.

Phân-tách toàn-diện hiện-tượng sinh-tính giữa cái sống và cái chết cho thấy chúng ta biết cái sống, còn cái chết thì không biết. Ta sợ cái mình không biết và cũng sợ mất cái mà ta biết. Tuy-nhiên, sống và chết đều cũng nằm trong một chuỗi dài diễn biến nối-tiếp với nhau mà thôi.

Thật ra, sự sống chỉ là tư-cách lang-thang trôi giạt triền-miên của tâm thức, một hiện sinh làm bằng tranh-đấu, bằng lo-âu, bằng ái-dục, bằng sự bất an khốn-khổ để tìm một nơi yên nghỉ mà không sao đạt được.

Với nền văn-minh khoa-học hiện-đại, trên khắp mặt quả địa-cầu, từ chót cao tột của dãy Hi Mã Lạp Sơn đến vực sâu cùng-tận của Ðại Tây Dương, từ bãi sa-mạc Trung Phi nắng cháy đến miền tuyết-băng đông đặc của Bắc Cực, và còn hơn thế nữa ... đến cung trăng, chẳng một nơi nào thoát khỏi dấu chân của loài người.

Nhưng ai nấy đều thúc-thủ ngẩn-ngơ, vì không tài nào thám-hiểm nổi vực sâu của cái thế-giới thu hẹp bề cao không tới hai thước, là chính bản-thân.

Hạng phàm-phu thiểu-trí quan-niệm con người qua xác thân bằng xương bằng thịt với tứ-chi ngũ-tạng và chẳng thích thú gì khi thấy xác thân đó bị côn-trùng đục-khoét, tan rã sau khi chết, nhưng ráng tập quen với cảnh-tượng chán-chê này cho đỡ khổ.

Nhiều tôn-giáo, với lý-tưởng nông cạn, thô-sơ, cũng nhìn-nhận rằng thế-gian là khổ, nên cố suy tạo ra những cảnh-giới khác an vui, hạnh-phúc hơn, dành riêng cho con người sau khi chết. Ki Tô Giáo cho rằng con người là kẻ có tội. Hồi-Giáo nói rằng con người thuộc hạng xấu số và Bà La Môn Giáo thì dùng con người để trắc-nghiệm lý-thuyết Nhị-Nguyên.

Riêng Phật-Giáo lại có một lề-lối nhận định vi-tế, thuần-lý, về bản-chất bí-ẩn của tất cả chúng-sinh, cho rằng sở-dĩ chúng-sinh phải bị luân-hồi khổ hãi vì luôn-luôn đeo đuổi theo những hình-ảnh giả-tạo bên ngoài và bỏ rơi cái chân tánh thiêng-liêng đã sẵn có bên trong.

Căn-bản của đạo Phật là một cuộc cách-mạng triệt-để về tâm-lý để đưa con người từ ngoại-cảnh trở lại nội-tâm, từ lãnh-vực phàm-nhân sang lãnh-vực siêu-nhân, bằng những đường lối luân-lý, đạo-đức, rất thực-tiễn và khoa-học. Ðức Phật nói tâm ái-dục là người thợ tạo ra cái nhà ngũ uẩn và hân-hoan tuyên-bố khi vừa thành đạo: "Ta đã tìm ra người thợ cất nhà rồi! Từ nay ngươi chẳng còn tạo-tác nữa". Ngài thêm rằng chính cái thân ô-trược này là nguồn gốc của muôn vàn thống-khổ.

Các tôn-giáo khác cho rằng sự khổ chỉ có ở trong thế-gian này. Ðức Phật nói rằng nỗi khổ lan tràn khắp Tam Giới: Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Dù là chư-thiên trên cõi trời vô sắc, cũng vẫn chịu khổ nhỏ-nhen vì phải mang một thân xác tuy vô-hình nhưng sẽ tan biến trong thời-gian nào đó. Lẽ ấy, người hành đạo cần phải diệt trừ ái-dục, để phá vỡ cái nhà ngũ-uẩn thì mới mong thoát khổ.

Người đời cho rằng hơn là vui, thua là khổ. Phật-Giáo dạy rằng hơn hay thua cũng đều là khổ. Trong suốt quá-trình sanh tử, tử sanh, nhiều duyên nghiệp đã biến con người trở thành tham-lam ích-kỷ, hung-hăng, tàn-bạo, sống động, tranh-chấp, xung-đột, giết hại lẫn nhau, nước mắt đổ ra nhiều hơn nước trong biển cả và đã phơi xác trên khắp bãi tha-ma.

Ðúng theo tinh-thần Phật-Giáo, tư-cách an vui tuyệt-đối không phải là một cảnh-giới cố-định, cũng chẳng phải là cõi thiên-đàng hay cực-lạc, mà là một trạng-thái siêu-việt bất-di bất-dịch, như Ðức Thế Tôn đã thuyết trong kinh Udana:

"Thật ra, có một vương quốc mà tại đó không có gì là rắn chắc, lưu động, nung nóng, rung chuyển (Tứ-Ðại), không có quả địa-cầu này hay quả địa-cầu khác, không có cái mặt trời, mặt trăng, không cao, không thấp, không tới, không lui, không sanh, không diệt, không nền móng, không tiến triển, không hình thành. Ðó là trạng-thái chấm-dứt nguồn thống-khổ (Niết-Bàn)".

Phần lớn, những thánh kinh trong các tôn-giáo khác đều được dành cho vô-số giáo-điều và nghi-lễ phụng thờ khấn vái, cầu xin ân trên đoái-hoài cứu rổi.

Trái lại, Ðức Phật nói rất ít về bổn-phận ở đời của người Phật-Tử tại-gia, không dạy cúng kiến khẩn cầu và hầu hết tám muôn bốn ngàn Pháp Môn đều chú-trọng về đường lối hành đạo, trau-giồi giới đức, rèn luyện nội-tâm để mau thoát khổ.

Tất cả những Phật ngôn trong quyển "Pháp Trích Lục" đều nhắm về các Pháp Hành có tính-cách lợi-ích quan-trọng dành riêng cho bậc hành-giả nhiệt-thành dũng-cảm quyết-tâm đi tới mục-đích an vui cao-thượng.

Phần sau, có Thiên Khái Luận về "Minh Sát Tuệ" do Ðại-Ðức Thiền-Sư LEDI SAYADAW sáng-tác ra từ năm 1915 tại Mandalay (Miến-Ðiện), cống-hiến thêm nhiều tài-liệu và chi-tiết đặc-biệt để nâng-đở hữu-hiệu các Phật-Tử thiết-tha với Pháp tu Thiền-Ðịnh.

Huỳnh Văn Niệm

-ooOoo-

Ðức Phật và ma-vương có liên quan chặc-chẽ với nhau, nên cả hai đều xuất-hiện cùng một lúc.
Bên này là xây-dựng, là bảo-trì, là ánh-sáng, là cõi sống.
Bên kia là tàn-phá, là hủy-diệt, là bóng tối, là cõi chết.

-- MILINDA PANHA

Ba tháng trước khi  Ðức Phật Thích-Ca Gotama nhập Niết-Bàn

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambudhassa

Sáng sớm, Ðức Thế Tôn mặc y mang bát đi trì bình về phía thành Vesali. Sau khi trở về độ ngọ xong, Ngài dạy Ðại-Ðức Ananda như vầy: "Này Ananda, ngươi hãy mang theo một chiếc chiếu cho Như Lai vào nghỉ trưa tại thánh-địa Chapala". Ðức Ananda liền ôm chiếu đi theo sau Ðức Phật.

Khi đến nơi, Ngài an-tọa trên chiếu và Ðức Ananda cung-kính ngồi bên ngoài gần đó. Bỗng-nhiên Ðức Phật mở lời: "Này Ananda, thành Vesali thật tráng-lệ huy-hoàng làm sao! Lại còn nhiều thắng-cảnh khác rất hấp-dẫn, thú-vị biết bao! Như những thánh-địa Udena và Gotamaka, thánh-địa Bảy Cây Xoài, những thánh-địa Sarandada và Chapala".

Rồi Ðức Thế Tôn thuyết tiếp: "Này Ananda, người nào đã thực-hành, đã làm phát-triển, đã thành-đạt bốn pháp Tứ Như Ý Túc (hay là Tứ Thần Túc), đã vượt lên tới tột điểm của Pháp-Môn ấy và có khả-năng điều-khiển nó tùy theo sở-thích, thì người dùng đó làm một phương-tiện, làm căn-bản. Nếu muốn, người có thể kéo dài đời sống tới một kiếp trái đất hoặc suốt thời-gian còn lại của kiếp ấy".

"Này Ananda, Như Lai đã thực-hành và thành-đạt hoàn-toàn bốn pháp 'Tứ Như Ý Túc' và biết dùng chúng làm phương-tiện. Nếu muốn, Ta có thể kéo dài cuộc sống bằng một kiếp trái đất hay suốt thời-gian còn lại của kiếp đó".

Thật thấy rõ-rệt. Nhưng Ngài Ananda lại không nhận-thức được sự gợi ý của Ðức Thế Tôn nên vẫn im lặng, chẳng tỏ một lời thành khẩn: "Bạch Ðức Thế Tôn, xin Ngài rộng lòng từ-bi, bác-ái ở lại với chúng con cho tới hết kiếp quả địa-cầu. Ở lại vì hạnh-phúc của phần đông. Ở lại vì tình thương đối với chúng-sinh, vì lợi-ích an vui cho khắp chư-thiên và nhân-loại". Rủi thay, khi ấy tâm-trí của Ðức Ananda bị ma-vương ám-ảnh.

Ðức Phật lập lại những lời nói đó đến lần thứ nhì, lần thứ ba, nhưng Ngài Ananda vẫn lặng thinh.

Rồi Ðức Phật dạy Đại đức Ananda đi hành-sự tùy-ý, để cho Ngài an nghỉ. Đại đức Ananda đi vòng qua bên phải Ðức Thế Tôn, kính-cẩn đảnh lễ rồi tìm đến dưới một cội cây, ngồi cách xa nơi đó.

Vừa lúc ấy, ma-vương hiện đến, đứng trước Ðức Ðại Giác và khẩn cầu: "Kính bạch Ðấng Chí Tôn, xin Ngài hãy ra đi nội hôm nay. Ðã đến lúc Ngài nên diệt độ cho xong để giữ đúng lời hứa hẹn khi Ngài vừa thành đạo. Lúc đó Ngài có nói như vầy: "Này ma-vương xấu-xa tội-lỗi, Như Lai chỉ ra đi khi nào các đệ-tử khắp hàng tứ chúng: tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, thiện-nam, tín-nữ có đầy đủ đức tin cao cả và được thuần-thục trong giáo pháp. Khi nào chúng trở nên nhiệt-thành dễ dạy, học-thức uyên-thâm. Khi nào các đệ-tử thông-suốt giáo-lý, biết tẩy-trừ những điều xấu-xa tội-lỗi. Khi nào chúng biết sống theo lẽ phải, nghiêm-trì giới-luật, có đủ khả-năng làm phát-triển chân-lý, biết truyền-bá chánh pháp một cách giỏi-giắng, rành-mạch. Khi nào các đệ-tử có đủ tài-đức phổ-biến giáo-lý và làm cho chánh đạo được lan rộng khắp nơi".

Ma-vương tiếp: "Kính Bạch Ðấng Chí Tôn Chí Thánh, hiện nay các tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni trong tăng-hội, những môn-đệ nam nữ tại-gia đều có đầy đủ đức tin và thuần-thục trong giáo pháp, đều nhiệt-thành dễ dạy, học-thức uyên-thâm, đều suốt-thông giáo-lý, biết tẩy-trừ những tật xấu-xa tội-lỗi, đều biết sống theo lẽ phải, nghiêm-trì giới luật, có đủ khả-năng làm phát-triển chân-lý, truyền-bá chánh pháp một cách giỏi-giắng, rành-mạch, biết phổ-biến giáo-lý và khuếch-trương chánh đạo lan rộng khắp nơi. Kính Bạch Ðấng Chí Tôn Chí Thánh, vậy xin Ngài hãy ra đi nội hôm nay. Ðã đến lúc Ngài nên diệt độ cho xong, để giữ đúng lời cam-kết khi vừa thành đạo".

Khi ma-vương dứt lời, Ðức Phật đáp: "Này ma-vương xấu-xa tội-lỗi, vậy ngươi nên vững dạ, toại chí reo mừng đi. Ðấng Chánh Ðẳng Chánh Giác sẽ lìa bỏ trần-gian trong những ngày sắp tới. Kể từ hôm nay, hết ba tháng nữa, Như Lai sẽ nhập Niết-Bàn".

Tại thánh-địa Chapala, với tâm-trí hoàn-toàn sáng-suốt, Ðức Thế Tôn đã dứt-khoát về cuộc đời trên cõi thế.

Và lúc Ngài quyết-định vừa xong, quả địa-cầu chuyển-động vô-cùng khủng-khiếp, vòm trời tối sầm ảm-đạm, sấm sét tủa vang rền khắp bốn phương tám hướng.

Ðức Thế Tôn hân-hoan ngâm kệ:

Ðấng Ðại Hiền từ bỏ định-kỳ về lẽ sống,
Sa-thải căn-nguyên lớn nhỏ của kiếp nhân-sinh,
Với nội-tâm an-tĩnh nhẹ-nhàng, Ngài phá vỡ mảnh thiết-y,
Nguồn-gốc của cuộc đời huyền-ảo.

Khi ấy, Đại đức Ananda phát tâm suy-nghĩ: "Thật lạ thay! Tại sao quả địa-cầu chuyển-động khủng-khiếp như thế? Tại sao sấm sét lại bủa khắp vòm trời?". Nghĩ xong, Ngài đến nơi Phật ngự, cung-kính đãnh lễ, ngồi kế bên và nói: "Bạch Ðức Thế Tôn, thật lạ thay! Kỳ-diệu thay! Chẳng biết do duyên-cớ nào, do nguyên-nhân gần hay xa mà quả địa-cầu chuyển-động mạnh-mẽ và sấm sét bủa khắp vòm trời như thế?".

Ðức Phật đáp: "Này Ananda, có tám nguyên-nhân gần hoặc xa làm cho trái đất rung-chuyển vì quả địa-cầu hùng-vĩ này được thành-hình trên nước, nước ở trên gió và gió ở trên hư-không. Sau đây là tám nguyên-nhân đó:

1) Có lúc những ngọn cuồng-phong thổi mạnh, làm cho khối nước lay-động dữ-dội. Tiếp theo đó, các lượn sóng ba-đào tung bủa khắp nơi làm cho quả địa-cầu rung-chuyển. Ðây là nguyên-nhân gần hoặc xa thứ nhất làm cho quả địa-cầu chuyển-động.

2) Khác nữa là trường-hợp một đạo-sĩ hay Bà La Môn có nhiều năng-lực nhiệm-mầu do pháp Thiền-Ðịnh, biết chế-ngự nội-tâm, hoặc một thiên-thần nào đó tham-thiền về thành-phần nhỏ của chất đất rồi đem nó ra so-sánh với khối nước rộng lớn bao-la. Trạng-thái phân chia lớn nhỏ về các hiện-tượng vật-chất đó là một phương-tiện hữu-hiệu mà những hành-giả kể trên có thể áp-dụng để làm rung-chuyển quả địa-cầu. Ðây là nguyên-nhân gần hoặc xa thứ hai làm cho quả địa-cầu chuyển-động.

3) Khác nữa là trường-hợp một vị Bồ-Tát sáng-suốt biết mình rời khỏi cung trời Ðâu Xuất giáng-trần để kết vào thai-bào. Ðây là nguyên-nhân gần hay xa thứ ba làm cho quả địa-cầu chuyển-động.

4) Khác nữa là trường-hợp Ðức Bồ-Tát sáng-suốt biết mình rời khỏi lòng mẹ. Ðây là nguyên-nhân gần hay xa thứ tư làm cho quả địa-cầu chuyển-động.

5) Khác nữa là trường-hợp một Ðấng Như Lai được hoàn-toàn giác-ngộ, thành-đạt đạo quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ðây là nguyên-nhân gần hay xa thứ năm làm cho quả địa-cầu chuyển-động.

6) Khác nữa là trường-hợp một Ðức Phật Toàn Giác chuyển bánh xe Pháp để cứu độ chúng-sinh. Ðây là nguyên-nhân gần hay xa thứ sáu làm cho quả địa-cầu chuyển-động.

7) Khác nữa là trường-hợp một Ðấng Như Lai quyết-định rời khỏi thế-gian. Ðây là nguyên-nhân gần hay xa thứ bảy làm cho quả địa-cầu chuyển-động.

8) Khác nữa là trường-hợp một Ðấng Như Lai hoàn-toàn tịch-tịnh vào cõi Niết-Bàn, không còn dư sót gì trên cõi thế (ngũ-uẩn tuyệt-đối tan rã). Ðây là nguyên-nhân gần hay xa thứ tám làm cho quả địa-cầu chuyển-động".

I- Tám kiến-thức cao-thượng

"Này Ananda, còn đây là tám kiến-thức cao-thượng (liên quan đến sắc trần và các giác-quan):

1) Khi người giới-tử có tư-tưởng chủ-quan về sắc trần, nhìn thấy ở ngoài bản-thân vật chi cao-quý hay hèn-hạ, vừa lòng hay Phật ý, có tính-cách hữu-biên (có giới-hạn), mà biết chế-ngự nó (không chấp). Người sáng-suốt nhận-định đúng theo chân-lý về những gì mình đã thấy, đã biết. Ðó là kiến-thức cao-thượng thứ nhất (liên quan đến sắc trần và các giác-quan).

2) Khi người giới-tử có tư-tưởng chủ-quan về sắc trần, nhìn thấy ở ngoài bản-thân vật chi cao-quý hay hèn-hạ, vừa lòng hay Phật ý, có tính-cách vô-biên (không có giới-hạn) mà biết chế-ngự nó. Người sáng-suốt nhận-định đúng theo chân-lý về những gì mình đã thấy, đã biết. Ðó là kiến-thức cao-thượng thứ hai.

3) Khi người giới-tử không có tư-tưởng chủ-quan về sắc trần, nhìn thấy ở ngoài bản-thân vật chi cao-quý hay hèn-hạ, vừa lòng hay Phật ý, có tính-cách hữu-biên mà biết chế-ngự nó. Người sáng-suốt nhận-định đúng theo chân-lý về những gì mình đã thấy, đã biết. Ðó là kiến-thức cao-thượng thứ ba.

4) Khi người giới-tử không có tư-tưởng chủ-quan về sắc trần, nhìn thấy ở ngoài bản-thân vật chi cao-quý hay hèn-hạ, vừa lòng hay Phật ý, có tính-cách vô-biên mà biết chế-ngự nó. Người sáng-suốt nhận-định đúng theo chân-lý về những gì mình đã thấy, đã biết. Ðó là kiến-thức cao-thượng thứ tư.

5) Khi người giới-tử không có tư-tưởng chủ-quan về sắc trần, nhìn thấy ở ngoài bản-thân vật chi có màu xanh, hình-dáng xanh, phản-chiếu ra sắc xanh như bông cây gai mang màu xanh, có hình-dáng xanh, phản-chiếu ra màu xanh. Hoặc thứ nhung xanh làm tại thành Bénarès ửng ra màu xanh cả hai mặt. Người giới-tử sáng-suốt nhận-định đúng theo chân-lý về vật gì mang màu xanh mà mình đã thấy, đã biết và chế-ngự nó. Ðó là kiến-thức cao-siêu thứ năm.

6) Khi người giới-tử không có tư-tưởng chủ-quan về sắc trần, nhìn thấy ở ngoài bản-thân vật chi có màu vàng, hình-dáng vàng, phản-chiếu ra sắc vàng như bông Kanikara mang màu vàng, có hình-dáng vàng, phản-chiếu ra màu vàng. Hoặc thứ nhung vàng làm tại thành Bénarès ửng ra màu vàng cả hai mặt. Người giới-tử sáng-suốt nhận-định đúng theo chân-lý về vật gì mang màu vàng mà mình đã thấy, đã biết và chế-ngự nó. Ðó là kiến-thức cao- siêu thứ sáu.

7) Khi người giới-tử không có tư-tưởng chủ-quan về sắc trần, nhìn thấy ở ngoài bản-thân vật chi có màu đỏ, hình-dáng đỏ, phản-chiếu ra sắc đỏ như bông Bandhu Givaka mang màu đỏ, có hình-dáng đỏ, phản-chiếu ra màu đỏ. Hoặc thứ nhung đỏ làm tại thành Bénarès ửng ra màu đỏ cả hai mặt. Người giới-tử sáng-suốt nhận-định đúng theo chân-lý về vật gì mang màu đỏ mà mình đã thấy, đã biết và chế-ngự nó. Ðó là kiến-thức cao-siêu thứ bảy.

8) Khi người giới-tử không có tư-tưởng chủ-quan về sắc trần, nhìn thấy ở ngoài bản-thân vật chi có màu trắng, hình-dáng trắng, phản-chiếu ra sắc trắng như ánh sao mai mang màu trắng, có hình-dáng trắng, phản-chiếu ra màu trắng. Hoặc thứ nhung trắng làm tại thành Bénarès ửng ra màu trắng cả hai mặt. Người giới-tử sáng-suốt nhận-định đúng theo chân-lý về vật gì mang màu trắng mà mình đã thấy, đã biết và chế-ngự nó. Ðó là kiến-thức cao-siêu thứ tám".

Tám giai-đoạn thoát-ly ra khỏi ảnh-hưởng của tâm ái-dục về các sắc trần:

"Này Ananda, sau đây là tám giai-đoạn thoát-ly ra khỏi ảnh-hưởng của tâm ái-dục về các sắc trần:

1) Khi người mang một sắc-tướng (xác thân), biết nhìn xem những sắc-tướng khác. Ðây là giai-đoạn giải-thoát thứ nhất.

2) Khi người không biết mình mang một sắc-tướng, biết nhìn xem những sắc-tướng ở ngoài bản-thân. Ðây là giai-đoạn giải-thoát thứ hai.

3) Khi người có ý nghĩ: "Ðó là tốt tươi, đẹp đẽ" rồi hoàn-toàn bị cảm nghĩ đó thu hút. Ðây là giai-đoạn giải-thoát thứ ba.

4) Khi người vượt qua khỏi ý nghĩ về hình-sắc, không còn xúc-động bởi sự va chạm với sắc trần, chẳng quan tâm đến tư-cách khác biệt về hình-sắc và nghĩ rằng: "Toàn là hư-không vô-biên". Lúc đó người ở vào tình-trạng "Không Vô-Biên". Ðây là giai-đoạn giải-thoát thứ tư (Bậc Thiền Vô Sắc thứ nhất "Không Vô-Biên Thiên").

5) Vượt qua khỏi giai-đoạn Không Vô Biên, người suy nghĩ: "Chỉ toàn là Tri-Giác Vô-Biên" và bước vào trạng-thái "Thức Vô Biên". Ðây là giai-đoạn giải-thoát thứ năm (Bậc Thiền Vô Sắc thứ hai "Thức Vô-Biên Thiên").

6) Vượt qua khỏi giai-đoạn Thức Vô-Biên, người suy nghĩ: "Chẳng có gì cả" và bước vào trạng-thái "Vô-Hữu". Ðây là giai-đoạn giải-thoát thứ sáu (Bậc Thiền Vô Sắc thứ ba "Vô-Hữu Sở Thiên").

7) Vượt qua khỏi giai-đoạn Vô-Hữu, người suy nghĩ: "Chỉ toàn là trạng-thái Không Có Không Không về tư-tưởng" và bước vào lãnh-vực "Phi Phi Tưởng". Ðây là giai-đoạn giải-thoát thứ bảy (Bậc Thiền Vô Sắc thứ tư "Phi Phi Tưởng Thiên").

8) Vượt qua khỏi lãnh-vực Phi Phi Tưởng, người bước vào trạng-thái cuối cùng cao tột, chẳng còn tư-tưởng và cảm-giác gì cả: "Diệt Thọ Tưởng" (Giải-thoát hoàn-toàn). Ðây là giai- đoạn giải-thoát thứ tám".

II- Lời hứa với Ma-vương

"Này Ananda, một thuở nọ, vừa sau khi thành đạo và lúc Như Lai đang ngồi nghỉ dưới cội cây Nigrodha, trên bờ sông Neranjara (Sông Ni Liên), thì ma-vương xấu-xa tội-lỗi hiện đến trước mặt Ta và nói: "Hỡi Ðấng Chí Tôn Chí Thánh! Xin Ngài hãy ra đi nội hôm nay, hãy diệt độ nội hôm nay. Ðã đến lúc Ðấng Chí Tôn nhập Niết-Bàn".

"Này Ananda, Như Lai liền đáp: "Này ma-vương xấu-xa tội-lỗi, Ta không khi nào tịch diệt trước khi tăng-chúng và hàng thiện-nam, tín-nữ tại-gia có đầy đủ đức tin, trở nên thuần-thục dễ dạy, thông-suốt ghi nhớ giáo pháp từ phần phụ-thuộc tới phần chánh-yếu, và có đủ tài đức đem ra giảng-giải, chỉ giáo rành-mạch, phổ-biến rộng-rãi để đối-phó với những lý-thuyết sai-lầm, tà-vạy ... Ta không khi nào nhập-diệt trước khi giáo-lý trong trắng, toàn-hảo, của Ta xây-dựng chưa được khuếch-trương rộng-rãi đến hàng nhân-loại, chánh pháp chưa được thịnh-hành, phong-phú".

"Này Ananda, và hôm nay, tại thánh-địa Chapala, ma-vương cũng vừa hiện đến nhắc lại những lời Ta thốt ra khi trước. Như Lai cũng đã trả lời: "Hỡi ma-vương xấu-xa tội-lỗi! Ngươi hãy toại chí vui mừng đi. Ta sẽ ra đi trong những ngày sắp tới. Kể từ hôm nay, hết ba tháng nữa, Như Lai sẽ nhập Niết-Bàn".

"Này Ananda, và cũng trong hôm nay, tại thánh-địa Chapala, Ðức Như Lai đã sáng-suốt dứt-khoát cuộc đời trên cõi thế".

Sau khi Ðức Thế Tôn dứt lời, Đại đức Ananda mới thiết-tha thành khẩn: "Bạch Ðấng Ðại Giác, xin Ngài rộng lượng từ-bi, bác-ái ở lại với chúng con cho hết kiếp này. Ở lại vì tình thương đối với chúng-sinh. Ở lại vì lợi-ích an vui cho phần đông. Ở lại vì hạnh-phúc của chư-thiên và nhân-loại".

Ðức Phật đáp: "Này Ananda, không thể được, ngươi chớ khá khẩn cầu. Thời-kỳ van xin đã qua rồi".

Đại đức Ananda lập lại lời khẩn nguyện lần thứ nhì, lần thứ ba.

Ðức Phật nói: "Này Ananda, hỏi vậy ngươi có đức tin nơi Tuệ-Giác của Như Lai không?"

- "Bạch Ðức Thế Tôn, đệ-tử đã tin chắc".

- "Như vậy, tại sao ngươi còn làm rộn Ta đến lần thứ ba?"

- "Bạch Ðức Thế Tôn, chính đệ-tử có nghe từ cửa miệng Ngài thuyết ra như vầy: "Người nào đã thực-hành, đã làm phát-triển và đã thành-đạt bốn pháp 'Tứ Như Ý Túc', dã vượt lên tới tột điểm của pháp-môn ấy và có khả-năng điều-khiển nó tùy theo sở-thích, thì người dùng đó làm một phương-tiện, một căn-bản. Nếu muốn, người có thể kéo dài đời sống bằng một kiếp trái đất hoặc suốt thời-gian còn lại của kiếp đó. Và Ðức Như Lai cũng đã thực-hành và thành-đạt bốn pháp 'Tứ Như Ý Túc'. Nếu muốn, Ngài có thể kéo dài cuộc sống bằng một kiếp trái đất hay suốt thời-gian còn lại của kiếp đó".

Ðức Phật hỏi: "Ngươi đã nhớ chắc như vậy?"

- "Bạch Ðức Thế Tôn, phải".

- "Ðó là lỗi tại ngươi. Như Lai đã ngõ lời rõ-ràng minh-bạch. Nhưng vì quá tối-tăm, nên ngươi không suy đoán ra sự gợi ý và chẳng khẩn cầu Ta ở lại. Ðức Như Lai có thể khước-từ hai lượt trong lúc đó, nhưng tới lần thứ ba ắt đã nhận lời. Ðó là lỗi tại ngươi. Vì ngươi quá tối mê, lầm-lẫn".

"Này Ananda, và cũng trong hôm nay, tại thánh-địa Chapala, Như Lai có gợi ý như vầy: "Thành Vesali thật tráng-lệ huy-hoàng làm sao! Lại còn có nhiều thắng-cảnh khác rất hấp-dẫn thú-vị biết bao! Như những thánh-địa Udena và Gotamaka, thánh-địa Bảy Cây Xoài, hai thánh-địa Sarandada và Chapala". Rồi ta lại nói: "Người nào đã thực-hành, đã làm phát-triển, đã thành-đạt bốn pháp 'Tứ Như Ý Túc', đã vượt lên tột điểm của pháp-môn đó và có khả-năng điều-khiển nó tùy theo sở-thích, thì người dùng đó làm một phương-tiện, làm căn-bản. Nếu muốn, người có thể kéo dài đời sống bằng một kiếp trái đất hoặc suốt thời-gian còn lại của kiếp đó". Ta cũng có nói: "Như Lai đã thực-hành và thành-đạt hoàn-toàn bốn pháp 'Tứ Như Ý Túc' và biết dùng chúng làm phương-tiện. Nếu muốn, Ta có thể kéo dài đời sống bằng một kiếp trái đất hay suốt thời-kỳ còn lại của kiếp đó". Nếu không tối mê và suy-đoán được những điều ấy, hẳn ngươi đã thỉnh cầu Như Lai ở lại. Ta có thể khước-từ lần thứ nhất, lần thứ hai, nhưng chấp-nhận đến lượt thứ ba. Ðó là lỗi tại ngươi. Vì ngươi đã tối mê lầm-lẫn".

"Này Ananda, giờ đây Ta nhắc lại những lời đã công-bố trước kia rằng: "Bản-chất của những vật cấu-tạo thân yêu trìu-mến là vô-thường, khốn-quẩn. Thế nào cũng phải xa lìa chúng. Không sao khác được. Mỗi vật được thành-hình do sự phối-hợp, tất-nhiên phải có ngày tan rã. Làm sao tránh khỏi sự đổ vỡ đặng? Không tìm đâu ra một trường-hợp như vậy".

"Này Ananda, bởi lẽ đó Như Lai đã vất bỏ xác thân, đã thoát-ly ra khỏi quan-niệm về sắc-tướng và chẳng ngại gì đến sự kéo dài kiếp sống, nên Ta đã dứt-khoát công-bố: "Ðấng Như Lai sẽ ra đi trong những ngày sắp tới. Kể từ hôm nay, hết ba tháng nữa, Như Lai sẽ nhập Niết-Bàn". Không vì lẽ tham sống mà Như Lai chẳng giữ lời nói? Sự việc này được quyết-định với đầy đủ trí-tuệ, không sao thay đổi đặng".

Rồi Ðức Thế Tôn dạy Đại đức Ananda nhóm họp tất cả tăng-chúng tại phòng giảng Kutagara để nghe lời giáo-huấn trước buổi chia ly.

III- Những di-ngôn tối-hậu tại Vesali

Ðức Thế Tôn vào ngự trong phòng giảng Kutagara.

Ngài an-tọa trên bức thảm xong rồi thuyết:

"Hỡi này các tỳ-khưu! Những chân-lý đã được khám-phá, Như Lai đều đem ra chỉ dạy các ngươi. Các ngươi nên ráng học-hỏi suốt-thông, cố gắng thực-hành. Các ngươi nên chú-tâm quán xét về những chân-lý ấy, hãy phổ-biến rộng-rãi khắp gần xa, làm cách nào cho chân pháp được trường-tồn, vĩnh-cửu, bền-bỉ lâu dài vì lợi-ích của phần đông, vì tình thương chúng-sinh, vì hạnh-phúc an vui cho chư Thiên và nhân-loại".

"Này các tỳ-khưu, mà những chân-lý đã được khám-phá và Như Lai đem ra chỉ dạy các ngươi là thế nào? Ðó là:

- Tứ Niệm Xứ (Bốn Pháp Niệm Tưởng căn-bản).
- Tứ Chánh Cần.
- Tứ Như Ý Túc.
- Ngũ Căn.
- Ngũ Lực.
- Thất Giác Chi (Bảy nhân sanh quả Bồ Ðề).
- Bát Chánh Ðạo.

"Hỡi các tỳ-khưu! Vậy các ngươi hãy nghe đây:

"Tất cả những vật hữu-vi (cấu-tạo) đều phải hư hoại. Các ngươi nên đem hết sức mình để tìm lối thoát. Ðức Như Lai sẽ tịch diệt trong những ngày sắp tới. Kể từ hôm nay, hết ba tháng nữa, Như Lai sẽ nhập Niết-Bàn".

Rồi Ngài ngâm kệ:

Những năm dài nay đã tròn đủ.
Kiếp sống Ta cũng đã tới ngày chấm dứt.
Vĩnh-biệt các con, Như Lai sắp ra đi.
Và chỉ biết trông cậy nơi Ta.
Vậy các con hãy luôn-luôn chăm chú, ghi nhớ biết mình.
Hãy bền lòng niệm tưởng, quán xét nội tâm.
Kẻ nào một dạ chẳng sờn,
Sẽ vượt qua khỏi trùng-dương sanh tử,
Sẽ kết-thúc tất cả những điều thống-khổ.

-- MAHAPARINIBBANA SUTTA, XVI - DIGHA NIKAYA

Lời của soạn giả:

A.  Ẩn-ý của Ðức Phật về cảnh-vật

Cũng như phần đông hạng phàm-nhân, nhà sưu khảo Phật Học Pháp P. Oltramara nhận-định sai-lầm về đoạn kinh Ðại Niết-Bàn, cho rằng Ðức Phật còn có tâm tríu-mến thân-bằng quyến-thuộc và còn luyến-tiếc trần-gian, nên Ngài thường tìm cách cứu độ người thân và ca-ngợi những cảnh-vật đẹp đẽ, vân-vân ... Thật ra, Ðức Phật luôn-luôn hết lòng tế-độ những người hữu-duyên nên tế-độ. Ngài tiếp độ cha mẹ, vợ con, chẳng qua là những nhân-vật này đã có kết-duyên với Ngài trong vô-số kiếp quá-khứ. Bằng-cớ là Ðức Phật không thể độ cha vợ Ngài là đức vua Thiện Giác. Ngoài ra, khối người nhờ Ngài dạy bảo nên được giác-ngộ còn nhiều hơn gia-quyến Ngài gấp muôn triệu lần. Ngài độ từ kẻ cướp Angulimala đến những loài ác-thú vá các thiên-thần hung-hăng, ngoan-cố.

Tại đây, trường-hợp ca-ngợi thành Vesali và những thánh-địa chỉ là một gợi ý. Nếu Ðức Ananda suy đoán ra, thì đã thỉnh Ngài kéo dài kiếp sống để cứu độ chúng-sinh lâu hơn nữa.

B. Tám kiến-thức cao-thượng (nói về Minh Sát Tuệ)

Nói về bậc hành-giả nhiệt-thành, dù với kiến-thức riêng-tư hoặc xuyên qua trắc-nghiệm về những sự-việc bên ngoài bản-thân cũng biết nhận-định đúng theo chân-lý về các vật-thể hay màu sắc và cho rằng đó là những vật phối-hợp, không thực-tế, là vô-thường, chỉ thể hiện được là do hoạt-động sai-lầm của các giác-quan và tư-tưởng mà thôi.

Ðức Phật dùng những màu: xanh, đỏ, trắng, vàng, để giải-thích rằng khi nào trình-độ của hành-giả phát-triển cao tột thì người có thể bất chấp về màu sắc. Vì màu sắc có năng-lực va chạm mạnh-mẽ đối với giác-quan hơn những vật khác.

C.  Tám giai-đoạn giải-thoát ra khỏi ảnh-hưởng của tâm ái-dục về sắc trần

1) Hành-giả nhận-định thân mình là giả tạm và biết rõ tính-cách vô-thường của những hình-sắc khác ở ngoài bản-thân.

2) Hành-giả không còn để-ý tới xác thân và cũng không cho rằng những vật ở ngoài bản-thân là thực-tế (trạng-thái trong lúc tham-thiền).

3) Tới giai-đoạn này, hành-giả rất vui thích, hỉ, xả và an-tịnh (trạng-thái của Tam Thiền).

 

Chế-ngự nỗi kinh-hoàng nơi rừng vắng

Thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên Tịnh Xá của trưởng-giả Cấp Cô Ðộc, gần thành Xá Vệ, có người Bà La Môn tên Janussoni đến viếng.

Sau khi đảnh lễ, chào hỏi xã-giao và ngồi xong, ông ta hỏi Phật: "Thưa Thầy Gotama[1], có những thanh-niên con nhà cao-quý rất tin-tưởng và xin thọ giáo cùng Thầy. Họ rời bỏ gia-đình như kẻ hành-hương đi tìm sống lang-thang trong cảnh không nhà. Họ vất-vả theo đạo-sĩ Gotama, tôn ông là bậc thầy và chấp-nhận Giáo-Lý của ông".

Ðức Phật đáp: "Này Janussoni, chính phải vậy, có những chàng thanh-niên con nhà cao-quý, tin-tưởng Như Lai, nên đã rời gia-đình như kẻ hành-hương đi tìm sống lang-thang trong cảnh không nhà".

- "Thưa Thầy Gotama, như vậy thì chẳng có chi khốn-quẫn nông-nổi bằng cuộc sống nơi chốn rừng sâu hoang vắng, không người, xa thôn xa xóm. Cảnh quạnh-hiu như thế hẳn đè nặng lên thầy tỳ-khưu phải sống cô-đơn nơi u-tịch, kinh-hoàng làm cho tâm-trí người luôn-luôn xao-xuyến nếu chưa đạt tới mức-độ tâm cao cả".

- "Này người Bà La Môn, phải như vậy. Trước khi được giác-ngộ, Như Lai cũng sống trong tình-trạng lo-âu sợ-hãi như thế. Nhưng Ta lại suy-nghĩ: "Thật rất khó lòng sống nơi chốn rừng sâu âm-u vắng-vẻ, đối với thầy đạo-sĩ bỏ gia-cư điền sản ra đi tìm nơi ẩn-dật, cô-đơn, hiu-quạnh, nhưng tâm-trí không trong sạch, chứa đầy tham-dục, nên phải sợ-hãi kinh-hoàng. Những kẻ sống nơi rừng vắng, nhưng còn tham-lam, sân-hận, si-mê, lười-biếng, có tư-tưởng tà-vạy, tính-tình bôn-chôn, ngờ-vực, nhạy-cảm, nên phải sợ-hãi kinh-hoàng. Hoặc những kẻ ẩn-dật nơi rừng vắng mà còn cống-cao, ngã-mạn, ham muốn xấu-xa, mong tìm danh-lợi, vô nghề-nghiệp khi ở ngoài đời, tính-tình bất-cẩn, tìm vào rừng trú-ẩn nhất-thời, hoặc muốn ngao-du cho biết đây biết đó, hoặc điên-rồ, tọc-mạch ... nên phải sợ-hãi kinh-hoàng. Vì chưa sắp đặt thân tâm phù-hạp với cuộc sống cô-đơn nên những kẻ ấy phát tâm sợ-hãi, kinh-hoàng".

"Này người Bà La Môn, còn về phần Như Lai, khi nào ẩn-dật nơi rừng vắng, thì Ta đã vất bỏ tất cả những điều xấu-xa nhơ-nhớp đó, cố gắng giữ mình trong sạch từ hành-động, từ lời nói, từ ý nghĩ, tâm-trí luôn-luôn an-tĩnh, thấm-nhuần từ-bi, nhẫn-nại. Như Lai là một trong số những chàng thanh-niên thuộc gia-đình cao-quý rời bỏ gia-cư đi tìm sống cô-đơn nơi rừng vắng hoang-vu, u-tịch, với phẩm-hạnh trong sạch, thanh-cao, nên Ta rất hoan-hỷ thích-thú sống nơi rừng vắng".

"Này Janussoni, lúc đó một ý nghĩ phát-sinh đến cho Ta: "Tại sao Ta không thừa dịp những đêm trăng khuyết hay trăng tròn, những đêm trăng thượng-tuần hoặc hạ-tuần, tìm rút vào chốn thâm sâu cùng cốc, an-tọa dưới một cội cây, nơi thường phát-sinh nhiều cảnh-tượng rùng mình, rởn gáy, để trắc-nghiệm xem mức-độ kinh-sợ lên cao thế nào?"

"Này Janussoni, rồi thừa dịp những đêm trăng tròn, hay những đêm trăng thượng-tuần hoặc hạ-tuần, ta đi sâu vào rừng vắng, ngồi dưới tàng cây to, nghỉ đêm tại nơi thường phát-sinh nhiều cảnh-tượng rùng mình rởn gáy. Lúc Ta đang tĩnh-tọa, có nhiều giống thú rừng men đến gần. Một con sơn-dương phóng qua phía trước. Một con công làm rớt những cành cây khô. Gió thổi rào rạc xuyên qua những lá vàng. Ta tự nghĩ: "Nỗi lo-sợ kinh-hoàng đã tới rồi! Mà tại sao Ta lại ngồi yên để tiếp đón nó? Biết vậy, Ta cương-quyết sáng-suốt đương đầu với thử-thách và chế-ngự điều sợ-hãi".

"Này Janussoni, lúc Ta đang đi, nỗi sợ-hãi kinh-hoàng lại phát-sinh. Biết vậy, Ta không dừng bước, không ngồi xuống, không nằm, sáng-suốt cương-quyết đương đầu với thử-thách và chế-ngự nó".

"Khi Ta đang đứng, nỗi lo-sợ kinh-hoàng cũng phát-sinh. Biết vậy, Ta không đi, không ngồi, không nằm, sáng-suốt cương-quyết đương đầu với thử-thách và chế-ngự nó".

"Khi Ta đang nằm, nỗi lo-sợ kinh-hoàng cũng phát-sinh. Biết vậy, Ta không đứng dậy, không đi, không ngồi, sáng-suốt cương-quyết đương đầu với thử-thách và chế-ngự nó".

"Này Janussoni, có nhiều đạo-sĩ cho rằng ngày và đêm cũng như nhau, Như Lai lại nói: "Ngày là ngày, và đêm vẫn là đêm".

"Người thức-thời có thể nhận-định về Như Lai đúng theo chân-lý như vầy: "Một con người thoát-ly ra khỏi tham-dục si-mê đã xuất-hiện trên thế-gian vì lợi-ích của phần đông, vì an vui, hạnh-phúc của chư-thiên và nhân-loại".

"Này Janussoni, rồi Ta nhất-quyết, tâm-trí chăm chú không xao-lãng, thân-hình an-tĩnh, không rung-động, tập-trung tư-tưởng".

"Vất bỏ năm pháp chướng-ngại: tham-dục, sân-hận, hôn-trầm, phóng-tâm và hoài-nghi, Ta bước vào Sơ Thiền với tâm: Tầm, Sát, Phỉ lạc, An Vui và Ðịnh".

"Tiếp theo đó, tâm Ta trở nên an-tịnh và tư-tưởng thăng-bằng, không còn Tầm và Sát và Ta nhập vào Nhị Thiền".

"Kế đó, Ta trở nên an vui thơ-thới, thoát-ly ra khỏi tham-dục, tâm-trí yên-tĩnh, ghi nhớ biết mình và bước vào Tam Thiền với tâm: Xả, An Vui và Ðịnh, giai-đoạn mà bậc hiền-triết hằng hoan-hô: Hạnh-phúc thay! Khi con người được an-trú trong sự an-tịnh và ghi nhớ biết mình!"

"Vất bỏ tất cả những nỗi vui buồn, dẹp qua một bên những ký-ức khổ vui quá-khứ, thân tâm an-trụ thơ-thới, nhẹ-nhàng và chỉ còn lại tâm Niệm và tâm Xả, Ta nhập vào Tứ Thiền".

"Này Janussoni, với tâm-trí an-định, sáng-suốt, trong sạch chẳng chút bợn nhơ, Ta tìm nhớ lại những kiếp quá-khứ. Bắt đầu 1 kiếp, rồi 2, 3, 4, 5, 10, 20, 50, 100, 1.000, 100.000 kiếp. Trong mỗi kiếp tái-sinh ra sao? thuộc gia-đình nào? tên họ chi? làm nghề gì? vui khổ ra sao? rồi chết và tái-sinh nữa với định-mệnh như thế nào? mỗi-mỗi Ta đều biết rõ".

"Tiếp theo đó, Ta hướng tâm quan-sát qua lãnh-vực của các chúng-sinh, thấu rõ những tình-trạng sanh diệt, nghiệp-báo, luân-hồi, vận-mạng ... của chúng".

"Sau cùng, Ta chú-tâm quán xét về tư-cách sanh diệt của những Nhân và Duyên đúng theo chân-lý, biết rằng đây là sự khổ, đây là nguyên-nhân của sự khổ, đây là tư-cách diệt khổ và đây là con đường đưa đến nơi dứt khổ. Biết do đâu mà phiền-não phát-sinh và khi tẩy-trừ được: tham-dục, sân-hận, si-mê, màn vô-minh tan biến, Ta biết rằng đã được hoàn-toàn giác-ngộ, đã sống đầy đủ cuộc đời đạo-đức, mọi việc đã làm xong và chẳng còn phận-sự gì trên thế-gian này nữa".

"Này Janussoni, người có thể nghĩ rằng: "Hiện nay, thầy Sa-Môn Gotama cũng chưa diệt được tham-lam, sân-hận, si-mê. Bởi vậy, thầy tìm sống cuộc đời cô-độc nơi hoang-vắng". Nhưng người chớ có ý nghĩ sai-lầm như thế. Sở-dĩ Như Lai thích sống cô-đơn là vì quan-niệm được nhiều điều lợi-ích nơi rừng vắng, âm-u, cô-tịch. Chẳng những giờ đây Ta tìm được sự lợi-ích cho bản-thân, mà cũng vì lòng từ-bi, bác-ái đối với những kẻ nào biết lấy đó làm gương để đến sau".

Tới đây thầy Bà La Môn Janussoni liền mọp xuống kính cẩn: "Thật quả như vậy, Ðức Sa-Môn đáng kính Gotama, vì lòng từ-bi, bác-ái, đã làm gương cho những kẻ đến sau. Thật rất xứng-đáng là cử-chỉ của bậc thánh-nhân (A La Hán) đã đi đến nơi hoàn-toàn giác-ngộ. Tuyệt-diệu thay, Ðấng Chí Tôn Gotama! Cao đẹp thay! Cũng như người ta đỡ đứng vật gì ngã trên mặt đất, như tìm được vật gì bị che giấu, như chỉ nẻo cho người lạc lối, hoặc người ta đem ngọn đèn vào chỗ tối cho những ai có mắt muốn thấy rõ mọi vật. Thì cũng như thế ấy, Ðấng Chí Tôn Gotama đã giải-thích giáo-lý rõ-ràng minh-bạch".

"Vậy tôi xin tôn Ngài là bậc thầy và xin nương nhờ nơi Phật-Bảo, Pháp-Bảo và Tăng-Bảo. Cầu xin Ðấng Chí Tôn nhận tôi làm đệ-tử kể từ nay cho đến trọn đời".

Lời của soạn-giả:

Kinh Mahabharata có chép: "Rừng vắng thu hút những tâm-hồn chán-nản, trầm-tư mặc-tưởng. Lánh xa xã-hội nhơ-nhớp của người đời, thầy đạo-sĩ tìm ẩn-dật nơi cô-tịch, lặng-lẽ, để hủy-diệt lòng tham-dục, si-mê, nguồn gốc của muôn ngàn thống-khổ. Ðược tự-do, chẳng còn bị vật chi ràng buộc, thầy sa-môn có đủ khí-giới để đánh bại chúng bằng cách kiểm-soát thân tâm. Người biết rằng diệt được tham-lam, sân-hận, si-mê, là chiến-thắng cả thế-gian, cả những vùng bao-la, vô-tận, nhất là chiến-thắng được bản-thân. Người hành-trình đơn-độc như loài tê giác, không vợ con, bè bạn, và chỉ nuôi sống bằng thiền-định".

Tự cổ chí kim, các bậc hiền-triết muốn tìm đạo giải-thoát đều lánh xa trần-tục, tìm vào chốn núi cao rừng thẳm để trau-giồi giới đức. Vì núi rừng có nhiều lợi thế cho những ai dũng-cảm như loài chúa sơn-lâm, quyết-tâm trì-chí tìm đến tham-thiền nhập-định. Rừng thẳm rất ít người lui tới, không tiếng tăm, náo-nhiệt, ồn-ào, như cuộc sinh-hoạt, vật-chất, tội-lỗi chốn thị-thành. Nhưng người thế vẫn trớ-trêu bịa đặt ra những châm-ngôn: "Nhất tu thị, nhị tu lâm, Nhất tu tâm, nhì tu giới", trong khi mình đang quây-quần giữa giòng đời, không ngớt bận-rộn về gia-đình tài-sản.

Nếu đúng như vậy thì Ðức Bồ Tát Sĩ Ðạt Ta đã chẳng dại gì trốn vợ, lìa con, đem chiếc ngai vàng đổi lấy cuộc đời hành-khất, trải qua biết bao gian-khổ, chết sống nhiều phen nơi rừng vắng, âm-u, mới tìm ra đạo giải-thoát. Những vương-tôn công-tử, những chàng thanh-niên con nhà cao-quý, cũng chẳng điên gì bỏ cha mẹ, nhà cửa, ra đi theo vết chân của Ðức Phật vào tu tập kham-khổ chốn rừng sâu. Ðạo-Phật là đường lối dứt bỏ các vật cấu-tạo vô-thường, để thành-đạt những gì trường-tồn vĩnh-cửu. Vì sớm muộn gì, thân xác này cũng trở về với đất.

Ðức Phật thấu rõ tâm-địa và hành-vi của chúng-sinh nên chẳng hề chống đối. Ngài chỉ nêu gương đức-hạnh cao cả cho những kẻ thức-thời, có mắt muốn thấy, có tai muốn nghe, để chọn giữa hai con đường: sanh tử khổ đau và an vui tuyệt-đối.

Cũng như phần đông chúng ta hiện nay, thầy Bà La Môn Janussoni xưa kia cũng nghi-ngờ về sự lợi-ích của cuộc sống nơi hoang-vắng nên đến hỏi Ðức Phật như thế.

Riêng phần Ðức Thế Tôn, tuy chẳng còn bị sắc trần lung-lạc, nhưng vì lòng từ-bi, bác-ái đối với chúng-sinh, nên vẫn tiếp-tục sống nơi rừng vắng chỉ nhằm mục-đích làm gương cho những kẻ hậu-lai. Chúng ta chớ quá ngây-thơ trước những trò chơi ngôn-ngữ của thế-gian: "Nhất tu thị, nhị tu lâm" để tiếp-tục con đường vô-vọng.

Cảnh-giới vắng-lặng làm cho thân yên-tĩnh. Thân yên-tĩnh khiến tâm trở nên thanh-tịnh, sáng-suốt, để thấy rõ trạng-thái vô-thường, mộng-ảo của thế-gian, thấu rõ đâu là cõi sống và đâu là cõi chết.

Chân-lý tuyệt-đối này đã được các bậc hiền-triết khắp thế-gian chấp-nhận tự ngàn xưa.

-ooOoo-

Đầu trang | 00 || 11 | 12 | 13 | 14 | 15 || 21 | 22 | 23 | 24 | 25 || 31 | 32 | 33 | 34 | 35


[Trở về trang Thư Mục]

updated: 19-04-2002



[1] Người ngoại-đạo thường xưng-hô vô-lễ như vậy