BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật giáo Nguyên thủy

PHÁP TRÍCH LỤC - 2

Huỳnh Văn Niệm soạn dịch

Phật Bảo Tự tái bản
Pagode  Buddharatanarama
3, Rue Broca
91600  Savigny Sur Orge - France
Tel: 01 69 96 49 34


Tập III

-ooOoo-

Những nguyên-tố:

Ta có nghe như vầy:

Thuở nọ, Ðức Thế Tôn hành-trình đơn-độc trên đường dài đi vào xứ Magadha (Ma Kiệt Ðà). Khi tới thành Radjagaha (Vương Xá), Ngài đến xin nghỉ đêm tại nhà người thợ làm đồ gốm tên Bhaggava. Ông này nói: "Chẳng có gì làm phiền tôi cả nếu Ngài muốn nghỉ tạm tại đây. Nhưng nhà tôi hiện nay có một chàng trai đi hành-hương xin vào trọ. Vậy xin Ðức Thế Tôn tùy-tiện thương-lượng với người thanh-niên ấy và muốn ở lại đây bao lâu tùy thích".

Cùng lúc đó, chàng thanh-niên Pukkusati, với đức tin nhiệt-thành, muốn tìm phương giải khổ, cũng rời bỏ gia-đình đi sống cảnh không nhà. Chàng phát-động một cuộc hành-hương trên đường dài để tìm theo vết chân của Ðức Như Lai.

Khi Ðức Phật xin ở trọ, Pukkusati nhã-nhặn đáp: "Kính bạch Ðại Ðức[1], nhà ông thợ đồ gốm rộng-rãi mát mẻ. Vậy xin ông cứ việc xử dụng, chẳng có gì làm phiền tôi cả".

Ðức Thế Tôn bước vào trong, trải chiếc đệm rơm, ngồi kiết già, thân hình ngay thẳng, chú tâm về phía trước và giữ oai-nghi đó suốt đêm dài khuya-khoắt. Chàng trai Pukkusati cũng trải chiếu, ngồi kiết già, thân hình ngay thẳng, chú tâm về phía trước và giữ oai-nghi đó suốt đêm.

Bỗng Ðức Phật hỏi: "Này chàng thanh-niên, hiện nay người đang đi kiếm ai và ai là thầy tổ của người? Chàng nương theo giáo pháp nào để tìm đường thánh thiện?"

- "Bạch Ðại Ðức, bậc đáng kính Gotama rời bỏ gia-tộc Thích Ca đi tìm phương cứu khổ, đã trở-thành một vị A La Hán. Danh thơm của Ðức Gotama bay đến tận phương xa và đâu-đâu cũng có tiếng đồn hoan-lạc rằng Ngài là Ðấng Thế Tôn, là bậc A La Hán, là Ðấng hoàn-toàn giác-ngộ, có sự hiểu biết siêu-nhân. Ngài là Ðấng Trọn Lành suốt-thông tam-giới, là Bậc Ðại Giác, là Thầy cả chư-thiên và nhân-loại".

Ðức Phật hỏi: "Này chàng tu-sĩ, vậy chớ hiện nay Ðức Thế Tôn, Bậc A La Hán Ðại Ngộ đó đang ngự tại đâu?".

- "Kính bạch Ðại Ðức, hiện nay Ðức Thế Tôn, Ðấng Trọn Lành, Ðấng Ðại Giác đang ngự trong mấy tỉnh miền Bắc, tại một kinh-đô gọi là Savathi (Xá Vệ)".

- "Này chàng thanh-niên, vậy chớ người có gặp Ðức Thế Tôn lần nào chưa?"

- "Bạch Ðại Ðức, tôi chưa hân-hạnh được thấy Ngài bao giờ".

Khi biết Pukkusati chưa nhận-diện ra Ngài, Ðức Thế Tôn ôn-tồn khuyến hóa chàng tu-sĩ: "Hỡi này chàng thanh-niên đi hành-hương! Người hãy chú-tâm ráng nghe đây:

"Trong mỗi con người có sáu nguyên-tố, sáu sự tiếp-xúc, mười tám cái tâm tìm kiếm, và bốn sự quyết-tâm. Khi người nào thấu-đáo và điều-ngự được chúng, không để cho những ý nghĩ vu-vơ, huyễn-hoặc, xâm-nhập, thì người ấy được gọi là bậc Ðại Hiền Thanh Tịnh. Chừng đó, người an trú vững-vàng trong chánh kiến, người cố bảo-trì chân-lý, thỏa-thích với sự dứt bỏ và chẳng làm gì khác hơn là củng-cố sự yên-lặng an vui".

"Này chàng thanh-niên đi hành-hương, đây là sự thuyết-minh nhất-trí về sáu nguyên-tố".

"Ta nói mỗi con người có sáu nguyên tố, là: đất, nước, lửa, gió, hư-không và tâm thức".

"Ta nói trong mỗi con người có sáu sự tiếp-xúc với sáu trần, là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp".

"Ta nói trong mỗi con người có mười tám cái tâm tìm kiếm, là sáu cái tâm vui thích trong lục-trần, sáu cái tâm nhờm chán sáu trần, và sáu cái tâm trung-lập về các trần đó (không vui, không khổ)".

"Ta cũng nói trong mỗi con người có bốn sự quyết-tâm, là: hiểu biết chân-chánh (chánh kiến), bảo-tồn chân-lý, rán dứt bỏ và cố gắng thành-đạt sự yên-tĩnh".

"Ta cũng nói con người cần phải cứng rắn sống trong chánh kiến, bảo-tồn chân-lý, giữ mình chân-thật, thỏa-thích trong sự dứt bỏ và chẳng làm gì khác hơn là an trú trong trạng-thái yên lặng".

"Nhưng thế nào là người cứng rắn trong chánh kiến?".

"Trước nhất là sáu nguyên-tố mà bản-chất có thể được mô-tả như sau:

"Chất đất có thể là chủ-quan (ở trong xác thân) hay khách-quan (ở ngoài xác thân). Nên ở bên trong thì nó thuộc về một cá-nhân, mang tính-cách cá-nhân và tùy theo sở-hữu của mỗi con người. Ðất có tính-cách cứng, rắn chắc hoặc những tính-cách tương-tợ. Ðó gọi là nguyên-tố "đất" trong con người. Ðem nó ra so-sánh với chất đất bên ngoài thì chúng ta thấy rằng đó chỉ toàn là đất mà thôi".

"Tư-cách hiểu biết chân-chánh đúng theo thực-tế như vậy khiến chúng ta nhận định rằng đó không phải là Ta, không phải của Ta và cũng chẳng phải là bản Ngã. Khi biết nhận xét đúng theo chân-lý như thế, con người không quan-tâm gì tới chất đất và chẳng còn ngã chấp".

(Những nguyên-tố: nước, lửa, gió, hư-không, cũng được giải-thích theo thể-thức kể trên).

"Ngoài năm nguyên-tố trên đây, cái tâm được thanh-lọc trở nên trong sạch, cao-thượng, đưa con người tới trình-độ hiểu thấu rõ-rệt mọi vật và biết phân-biệt cái chi là vui, cái gì là khổ và cái gì không vui không khổ".

"Sự tiếp-xúc vừa lòng làm phát-sinh cảm-giác vui thích. Khi vui thích, người biết rõ mình đang trắc-nghiệm niềm vui và người cũng biết rằng lúc nào sự tiếp-xúc thích thú không còn nữa, thì niềm vui cũng biến tan. Ðối với những sự tiếp-xúc chán-chê sầu-não hoặc không vui không khổ, người cũng biết nhận định rõ-rệt đúng theo chân-lý".

"Hỡi này chàng thanh-niên đi hành-hương! Như hai khúc gỗ được cọ xát với nhau trở nên nóng làm tung-toé ra những đóm lửa, và khi chúng bị tách rời ra thì sức nóng biến tan. Thì cũng như thế ấy, sự tiếp-xúc vừa lòng làm phát-sinh cảm-giác an vui, thích thú. Khi trắc-nghiệm cảm-giác đó, người biết mình đang hưởng lạc-thú và cũng biết rõ khi sự tiếp-xúc vừa lòng chấm dứt, thì niềm vui cũng chẳng còn. Ðối với sự tiếp-xúc khổ sầu, hoặc không vui không khổ, người cũng biết rõ".

"Này người thanh-niên, sự thản-nhiên, thanh-tịnh, được thanh lọc cao-thượng, nó sẽ trở nên mềm dịu, sáng chói. Như nén vàng chưa tinh-luyện (vàng đồ) được để vào khung đốt lửa lên cho cháy đỏ. Thỉnh-thoảng, người thợ kim-hoàn dùng ống đồng thổi tạt ngọn lửa lên bề mặt cục vàng rồi gấp nó đem nhúng vào nước để quan-sát coi công việc mình làm có chu-đáo không? Vàng bị đốt cháy ra và được thanh lọc tách rời các loại kim xấu khác như thế nào, để nó trở nên tinh-vi, mềm dẻo, sáng chói, rồi đem làm ra nhiều món nữ-trang như vòng, bông tai, giây chuyền cổ ... và được kết-quả tốt đẹp. Cũng như thế ấy, sự an-tĩnh, thản-nhiên, được thanh lọc, trau-giồi cao-thượng, trở nên mềm dẻo, sáng ngời".

"Chừng đó, sự hiểu biết rõ-rệt phát-sinh đến cho người (hành-giả) như vầy: "Vậy ta thử tập-trung cái tâm được thanh lọc, trau-giồi cao-thượng này và hướng nó về lãnh-vực: Không Vô-Biên, Thức Vô-Biên hoặc Vô Hữu Sở, rồi làm phát-triển cái tâm trở nên rộng lớn bao-la trong các lãnh-vực và an trú trong trạng-thái ấy một thời-gian khá lâu. Quả thật, ta đã thành-tựu, nhưng đây cũng chỉ là những hiện-tượng được chế-tạo. Chúng chỉ có tính-cách tạm thời thoáng qua mà thôi".

"Như vậy, hành-giả chẳng phí-công tìm tòi về tư-cách sanh diệt của những vật cấu-tạo và chẳng thiết-tha gì với chúng. Người được hoàn-toàn tự-do và chẳng còn chi ràng buộc trên thế-gian này nữa".

"Ðược tự-do rồi, người không còn sợ-hãi lo-âu, nội-tâm không xao-xuyến và tin chắc rằng mình chẳng còn tái-sinh nữa, mình đã sống tròn đủ cuộc đời cao-thượng, các việc mình đã làm xong và không còn dính mắc với bất cứ việc gì trên cõi thế".

"Khi có cảm-giác vui, khổ, hoặc không vui không khổ phát-sinh, người biết rõ đó là những tình-cảm tạm-thời, không xem chúng là quan-trọng và chẳng quyến-luyến ôm-ấp niềm vui".

"Khi có cảm-giác rằng xác thân mình sắp kết-liễu, người cũng biết rõ. Người biết đời sống chấm dứt như thế nào? Người biết sau khi cơ thể rã rời, tất cả những cảm-giác và niềm vui đều hòa-đồng vào cõi hoàn-toàn tịch-tịnh".

"Chẳng khác nào cái đèn cháy được là nhờ chất dầu và cái tim của nó. Nhưng khi dầu hao, tim lụn mà người không châm dầu khơi tim, thì cái đèn phải tắt. Cũng như thế ấy, kẻ nào hiểu biết sự kết-liễu của xác thân và kiếp sống, biết luôn cả tư-cách hòa-đồng những niềm vui khổ vào cõi tịch-tịnh khi xác thân tan rã, kẻ đó an-toàn thoát-ly ra khỏi bánh xe sanh tử".

"Thầy tỳ-khưu thuần-thục như thế là người có sự "Quyết-tâm cao cả về chánh kiến". Vì sự hiểu biết cao-siêu cùng tột là tư-cách thấy rõ trạng-thái kết-thúc nguồn thống-khổ".

"Tư-cách giải-thoát căn-cứ vào chân-lý. Sự dối-trá tự nó đã là xấu-xa, lầm-lạc. Chân-lý là Niết-Bàn, là nơi chẳng còn sự dối-trá nào cả. Lẽ đó, thầy tỳ-khưu biết trau-giồi phẩm-hạnh thêm cao-thượng đã thành-đạt sự "quyết-tâm cao cả về chân-lý". Vì chân-lý cao-siêu cùng tột là Niết-Bàn, nơi chẳng còn điều chi dối-trá".

"Khi đôi mắt (tuệ giác) chưa bừng sáng, con người bị trói chặt vào cuộc sống và tha-thiết ấp yêu nó. Giờ đây, màn vô-minh bị vẹt, nhường chỗ lại cho ánh-sáng cao-siêu. Những sự-vật nhận-định do cặp mắt phàm-phu khi trước, hiện nay đã thay đổi. Thầy tỳ-khưu đi tới trình-độ "quyết-tâm cao cả về sự dứt bỏ". Vì tư-cách dứt bỏ cao-siêu cùng tột là giải-thoát (con người ra khỏi những sợi giây trói chặt vào đời sống)".

"Khi đôi mắt chưa bừng sáng, con người hằng làm mồi cho si-mê ái dục. Giờ đây, chúng đã bị diệt tận gốc rể, nhường chổ lại cho sự thông-minh sáng-lạng. Những sự nhận-định với cặp mắt phàm-phu lúc trước, hiện nay đã thay đổi. Những sự tối-tăm, sân-hận, oán-thù, tàn-bạo, lầm-lạc, bị diệt tận gốc rể, nhường chỗ lại cho sự thông-minh sáng-lạng. Ðược trau-giồi thuần-thục như thế, thầy tỳ-khưu đi tới trình-độ "quyết-tâm cao cả về sự an-tĩnh". Vì sự an-tĩnh cao-siêu cùng tột là dập tắt lòng tham-dục, sân-hận, si-mê".

"Ta nói kẻ nào an trú vững chắc trong trạng-thái yên-tĩnh, không còn bị những ý nghĩ vu-vơ, lầm-lạc, không lợi-ích xâm-nhập, kẻ đó đáng được gọi là bậc Ðại Hiền Thanh Tịnh. Nhưng thế nào là ý nghĩ không lợi-ích?".

"Nói rằng: "Ta đây" là một ý nghĩ vô-ích. Nói rằng: "Không phải Ta đây" là một ý nghĩ vô-ích. "Ta sẽ tái-sinh hay không tái-sinh ra nữa? - Ta sẽ có xác thân hay vô-hình? Hữu-tri hay vô-tri? vân-vân...", đều là những ý nghĩ vô-ích. Chúng giống như một chứng bệnh, như ung-nhọt, như cái gai nhọn".

"Khi vượt qua khỏi các ý nghĩ vu-vơ không lợi-ích, người ấy được gọi là bậc Ðại Hiền Thanh Tịnh, không còn sinh-trưởng nữa, không còn sợ-hãi và chẳng tham muốn gì nữa. Người đó không còn yếu-tố gì để tái-sinh. Không sinh-trưởng thì sự già nua làm sao đến được? Mà không già thì khỏi chết. Nếu không chết thì còn sợ chi nữa, và chẳng sợ-hãi thì cần gì tham muốn?".

"Hỡi chàng thanh-niên đi hành-hương! Ðó là sự thuyết-minh nhất-trí về những nguyên-tố mà người cần ghi nhớ trong tâm".

Nghe xong Chánh Giáo, Pukkusati nhận ra người khuyến hóa mình chính là Ðức Thế-Tôn, là Ðấng Ðại Giác. Chàng liền vén y bên vai phải, mọp xuống chân Ngài: "Kính bạch Ðức Thế-Tôn, vì lỗi-lầm điên-dại nên con đã vô-ý xưng hô với Ngài như đối với một đạo-sĩ tầm thường. Vậy xin Ðức Thế-Tôn nhận lời sám-hối tội-lỗi và con nguyện sẽ không tái-phạm nữa trong buổi tương-lai".

Ðức Phật nói: "Lành thay! Ðó là triệu-chứng tấn-hóa trong giới bổn, khi người tự biết lỗi mình, ăn-năn sám hối và nguyện giữ gìn không cho tái-phạm sau này".

- "Bạch Ðức Thế-Tôn, vậy xin Ngài cho phép con xuất-gia thọ cụ-túc giới để gia-nhập vào tăng-hội".

- "Này chàng thanh-niên đi hành-hương, vậy người có tam y quả bát rồi chưa?".

- "Bạch Ðức-Thế-Tôn, chưa có".

- "Này chàng thanh-niên, Ðức Chánh-Biến-Tri không thể ban cụ-túc giới xuất-gia cho kẻ nào không có y bát đặng".

Rất thoả-thích về lời giáo đạo, chàng tu-sĩ Pukkusati tỏ lòng tri-ân, vái chào Ðức Thế-Tôn rồi đi tìm y bát. Nhưng lúc đi trên đường, chàng rủi bị bò húc chết. Các tỳ-khưu được tin đến hỏi Ðức Phật tại sao Pukkusati vừa mới nghe Ngài thuyết-minh chánh giáo lại mang họa như thế? Vậy chớ người sẽ tái-sinh về đâu và số phận ra sao?

Ðức Phật thuyết:

"Này các tỳ-khưu, chàng thanh-niên Pukkusati rất thông-minh học rộng, đã thông-suốt giáo-lý khắp các ngành, từ thô-thiển đến vi-tế. Như Lai chẳng gặp khó-khăn gì khi giáo hóa người. Pukkusati đã chặt đứt hoàn-toàn năm giây trói buộc vào kiếp sống. Chàng được sanh về cảnh giới an vui cao cả và không còn trở lại thế-gian này nữa (đắc quả thánh thứ ba, là A Na Hàm)".

Chư-Tăng đồng-thanh hoan-hỷ về lời giải-thích của Ðức Thế Tôn.

-- MAJJHIMA NIKAYA 141

Lời của soạn-giả:

Trên đây là bài pháp có tầm quan-trọng, đặc-biệt dành riêng cho những bậc thượng căn. Lời lẽ rất cao-thâm, tế-nhị, khó hiểu, mang tính-cách "Siêu Thế-Gian pháp" (Lokuttara Dhamma) diễn-tả trong mỗi con người có sáu nguyên-tố. Năm cái đầu: đất, nước, lửa, gió, hư-không, thuộc về Sắc pháp. Nhưng đặc-biệt là nguyên-tố "Tâm" thuộc Danh pháp, là yếu-tố nồng cốt cho sự giải-thoát hay sa đọa. Tâm có năng-lực đưa con người tới nơi dứt khổ, là Niết-Bàn, nếu biết điều-khiển nó đúng theo lời dạy của Ðức Như-Lai. Trái lại, tâm cũng có thể xô đẩy chúng-sinh vào vòng si-mê ái-dục, gây nhiều nghiệp dữ, sa vào cạm bẫy của ma-vương để, rốt cuộc, phải bị luân-hồi khổ-não triền-miên trong tam-giới.

Chúng ta nên tìm hiểu nguyên-nhân nào khiến Ðức Phật thuyết-minh cho chàng thanh-niên Pukkusati nghe những điểm diệu thâm sau đây về bốn sự quyết-tâm:

Quyết-tâm thành-đạt chánh kiến;
Quyết-tâm bảo-tồn chân-lý;
Quyết-tâm thỏa-thích trong sự dứt bỏ;
Quyết-tâm củng-cố sự thản-nhiên, an-tĩnh.

Ðó là những huấn-từ có tính-cách siêu-thế, chớ chẳng phải tầm-thường. Ðức Thế-Tôn dùng tuệ nhãn đoán biết rõ trình-độ và phẩm-hạnh của người thanh-niên Pukkusati là thế nào? Một chàng tu-sĩ trẻ trung giữa lúc xuân thời, đang sống cuộc đời nhàn-nhã, buông lung, lại dũng-mãnh rời khỏi gia-cư thân-thuộc, đi sống đời hành-khất cô-đơn, cắt đứt những tình-cảm thông-thường, phát-động một cuộc hành-hương diệu-vợi, xuyên qua rừng núi hiểm nguy theo dõi dấu chân của Ðức Thế Tôn để xin xuất-gia tu theo chánh giáo ... chỉ vì được nghe qua danh-tiếng của Ðức Như Lai mà thôi. Một con người, tuy còn trai trẻ, nhưng mang lòng nhiệt huyết như vậy, thế nào cũng có bộ óc thông-minh xuất chúng, thích nghe, thích hiểu, thích làm. Pukkusati là con người thực-tế dám hành-động theo lẽ phải, không do-dự, không thối-chuyển.

Vì thấu rõ tâm địa của Pukkusati, Ðức Thế Tôn biết thế nào người cũng liễu-ngộ sau khi nghe pháp và chính Ngài đã cho chư-tăng biết rằng Pukkusati rất thông-minh, học rộng, nên Ngài khuyến hóa dễ-dàng.

1. Về điểm "Quyết-tâm thành-đạt chánh kiến", ở đây không phải là sự hiểu biết thông-thường của hạng phàm-nhân, biết nhận-định phải quấy, tốt xấu, lành dữ, xuyên qua các sự-việc biểu-lộ bên ngoài bản-thân, mà là sự trắc-nghiệm, quán-xét đúng theo chân-lý nội-tâm về những nguyên-tố tùy-thuộc Sắc pháp và Danh pháp ẩn sâu trong mỗi cá-nhân.

Khi tuệ-giác bừng sáng sau thời-gian hành đạo nhọc thân, kham-khổ, bậc siêu-nhân nhìn thấy rõ-rệt thân mình chỉ là sự phối-hợp của những nguyên-tố: đất, nước, lửa, v.v. và các Sắc pháp đó, tự chúng cũng không bền vững, lâu dài. Lẽ ấy, hành-giả chẳng còn tưng-tiu, ôm-ấp, quí-trọng xác thân nữa.

Trên các nguyên-tố thô-sơ đó, Ðức Phật cho Danh pháp là những trạng-thái do tâm cấu tạo, rất tế-nhị, nhưng cũng đều là vô-thường biến-đổi.

Sự hiểu biết cùng tột như vậy gọi là "Chánh Kiến Siêu Thế-Gian".

2. "Quyết-tâm bảo-tồn chân-lý" có nghĩa là giữ vững lập-trường đạo-đức của mình luôn-luôn vững chắc, dứt-khoát. Ðức Phật nói Niết-Bàn là chân-lý cùng tột và chân-lý cùng tột là Niết-Bàn. Lẽ đó, các bậc hành-giả trong Phật-Giáo phải cố gìn giữ chân-lý không hề chinh-lịch để nhắm thẳng mục-đích cuối cùng là Niết-Bàn. Trên đường tu tập, người không nên thỏa-thích, toại-nguyện ôm-ấp vài thành quả phi-thường có tính-cách huyền-bí tạm-thời như đắc phép thần-thông, được sống lâu, biết ấn chú, v.v. ... Luôn cả trường-hợp đắc bốn bậc Thiền Vô Sắc để hưởng phước hằng vạn triệu năm trên thiên giới, cũng không đáng say-mê ôm-ấp. Sự quyết-tâm này cũng thuộc lãnh-vực Siêu Thế.

3. "Quyết tâm dứt bỏ".

Người đời có thể vì hoàn-cảnh, vì uất-hận hoặc tự-ái cá-nhân, dám bỏ địa-vị, danh-vọng, tài-sản, xa lìa quyến-thuộc. Thỉnh-thoảng, có vài kẻ chán-đời khi nghe được đạo-lý, rồi bỏ nhà cửa, vợ con, ra đi tìm đường thánh thiện. Nhưng đây cũng là trường-hợp dứt bỏ của hạng phàm-phu do những động-cơ bất-thường thúc-đẩy, chớ không phải do sự xét đoán thông-minh. Vì chí-hướng con người luôn-luôn thay đổi vô chừng.

Lẽ đó, phát-sinh ra nhiều trường-hợp các nhà tu-hành, lúc đầu rất hăng-hái, dám ly gia cắt ái, kham-khổ hành đạo. Nhưng thời-gian sau, hoặc bị Tà Tư Duy khuấy rối, hoặc bị tiền-tài danh-lợi cám-dỗ nên sa-ngã, không tìm cách "tự giác - giác tha" trước cứu mình sau độ người, để nắm tay nhau thoát ra khỏi sông mê biển khổ.

Trên đây, Ðức Phật dạy hành-giả cần phải dứt bỏ những gì quí-báu nhất của chính mình, dù là bản-thân đi nữa. Dứt bỏ những thành quả tạm thời trên đường tu tập như đắc phép mầu, ếm quỉ trừ ma, bùa mê thuốc lú ... và dứt bỏ luôn cả bốn bậc Thiền Vô Sắc, thì mới mong thấu rõ chân-lý cùng tột là Niết-Bàn. Ðây là tư-cách dứt bỏ Siêu Thế-Gian mà người phàm-tục ít khi biết tới.

4. "Quyết-tâm củng-cố sự thản-nhiên an-tĩnh."

Theo kinh-điển, đạo quả thánh-nhân có thể thành-đạt do hai đường lối: là "Minh Sát" (Vipassanã) và "Tịnh Tâm" (Samatha). Người không có thiền-định, nhưng đắc một trong bốn quả thánh gọi là "Sukkhavipassaka", nghĩa là dùng Tuệ Giác soi thấu tất cả để làm khô cạn phiền-não.

Người đắc quả thánh do Pháp Thiền-Ðịnh gọi là "Samaka Yãnaka", nghĩa là dùng pháp Tịnh Tâm làm lắng dịu phiền-não.

Chúng ta thường có dịp gặp những con người hay trầm-tư mặc-tưởng, dáng-điệu trang-nghiêm, ít nói năng, nhưng thật-sự tâm-trung của họ chưa nhất-thiết là yên-tĩnh.

Một nhà tu-hành ngồi ngay-thẳng, đôi mắt lim-dim, tính-tình hòa-huởn với nụ cười kín-đáo trên đôi mép, hoặc tịnh khẩu như bình, cũng chẳng có gì đảm-bảo rằng nội-tâm của người là yên-tĩnh. Lời nói hàm-hồ viễn-vong của người thế là điều vô-ích trong cuộc sinh-hoạt hằng ngày, nhưng cũng không mấy tai-hại.

Ðối với bậc hành-giả, tình-thế lại tế-nhị tâm-lý hơn nhiều. Chẳng những bên ngoài người phải luôn-luôn thu-thúc, gìn giữ oai-nghi phong-độ chỉnh-tề, mà cốt-yếu là phải điều ngự nội-tâm cho an-tĩnh, thanh-cao, không cho những tư-tưởng tà tây, chẳng lợi-ích xâm-nhập, khuấy rối, làm ô-nhiễm, thì mới mong tìm thấy đạo quả. Các ý nghĩ bông-lông, vô-ích, hay Tà Tư-Duy gây trở-ngại lớn-lao cho người hành đạo. Chúng là ma-vương, là tùy phiền-não, ẩn sâu trong tiềm-thức đã lâu đời, luôn-luôn ám-ảnh theo dõi hành-giả tận chốn núi cao rừng thẳm, cản ngăn bước tiến.

Bởi vậy, Ðức Phật dạy người giới-tử phải cương-quyết gạt bỏ các ý nghĩ không lợi-ích, ráng giữ lòng thanh-tịnh để thấu rõ chân-lý tuyệt-đối, là Niết-Bàn, và trở thành bậc Ðại Hiền Thanh-Tịnh (Muni). Nghĩa là luôn-luôn sống trong sự yên lặng và chẳng làm gì khác hơn là bảo-trì thân tâm yên-tĩnh, an vui.

Nói tóm lại cho dễ hiểu, Ðức Phật mô-tả con người như một Tiểu Càn Khôn (thế-giới nhỏ) được cấu-thành bởi tinh-thần và vật-chất (Danh Sắc - Nãma Rũpa). Ðạo giải-thoát chỉ tìm ra nội bên trong bản-thân, chớ không thể có ở bên ngoài. Hành-giả cần phải trắc-nghiệm các hiện-tượng tâm-lý (Danh pháp) và vật-chất (Sắc pháp) để tìm ra chân-lý.

Người hành đạo chỉ hoàn-tất con đường thánh-thiện khi nào tuệ-giác bừng sáng cho thấy rõ Danh và Sắc pháp đều là vô-thường, biến-đổi, cần phải loại trừ.

 

Những phép mầu

"Hỡi các tỳ-khưu! Ba phép mầu đó là thế nào?

- Phép mầu về thần-thông biến-hóa.
- Phép mầu về Tha Tâm Thông (đoán biết tư-tưởng kẻ khác).
- Phép mầu về giáo pháp.

1) "Ðây là phép mầu thứ nhất nói về trường-hợp một đạo-sĩ có năng-lực phi-thường, biết biến-hóa ra thiên hình vạn trạng lạ đời. Từ một, người biết phân thân ra làm nhiều người, và từ nhiều người biến lại thành một. Từ hiện-diện, người biến mất rồi tái xuất-hiện. Người có thể đi ngang qua một tường thành, hay xuyên qua đỉnh núi, như đi trên khoảng trống. Người chui xuống đất rồi trở lên dễ-dàng, như lao mình xuống nước. Người đi trên nước bằng-phẳng như trên mặt đất. Người ngao-du trên hư-không, ngồi tréo chân như chim bay. Người có thể sờ mó mặt trời hay mặt trăng theo ý muốn. Người có thể điều-khiển thân mình cho tới cõi trời Phạm Thiên. Ðó là phép mầu về thần-thông biến-hóa".

2) "Còn đây là phép mầu về Tha Tâm Thông. Một đạo-sĩ có năng-lực huyền-bí đoán biết: "Anh đang suy tính thế này hoặc thế khác". Dù tư-tưởng kẻ khác rắc-rối mấy, người cũng đoán không sai. Chỉ nắm được một triệu-chứng do tiếng nói của người, của hạng phi-nhân hay chư-thiên, người cũng đoán được tư-tưởng của họ, không sai chạy mảy-may, dù đoán bao nhiêu lần cũng không trật. Hoặc giả, ông thầy bói có hành thiền-định cũng biết được tư-tưởng kẻ khác không cần bắt được triệu-chứng nào, bằng cách điều-khiển tâm mình xuyên qua tư-tưởng kẻ khác. Dù đoán bao nhiêu lần cũng không sai. Ðó là phép mầu về Tha Tâm Thông".

3) "Còn phép mầu về giáo pháp là thế nào?"

"Trong trường-hợp này, một ông giáo-chủ dạy giới-tử: "Ngươi nên học hỏi như thế này, chớ chẳng phải như thế kia. Ngươi phải thực-hành như thế này, chớ không phải như thế khác. Ngươi hãy cố gắng thành-tựu phẩm-hạnh như vầy và ráng bảo-tồn mức-độ ấy". Ðó là phép mầu về giáo pháp".

-- ANGUTTARA NIKAYA I

Ðức-Phật chê những phép thần-thông và tha tâm thông

"Này các tỳ-khưu, nhưng có trường-hợp một kẻ vô tín-ngưỡng phanh-phui châm-biếm như vầy: "Nào lạ gì? Có một thứ bùa chú gọi là Gandhari. Nhờ bùa chú đó mà ông đạo-sĩ mới biến-hóa được ra thiên hình vạn trạng, biết phân thân, chui xuống đất, đi trên nước, bay trên hư-không ..."

"Này các tỳ-khưu, vì nhận thấy sự vô-ích, bất-hảo của các phép thần-thông nên Như Lai nhờm chán không muốn chúng được phô-trương. Về phép Tha Tâm Thông cũng thế, nó chẳng tốt đẹp gì. Vì đôi khi kẻ vô tín-ngưỡng nói: "Nào lạ gì? Có một loại ngọc kim cương". Nhờ thứ ngọc đó mà ông đạo-sĩ đoán được tư-tưởng kẻ khác, nào là: "Anh đang suy nghĩ thế này, toan tính thế kia ..." Vì nhận thấy sự vô-ích bất-hảo của phép Tha Tâm Thông nên Như Lai nhờm chán, không muốn chúng được phô-trương".

-- DIGHA NIKAYA I

Ðức Phật trách phạt Tỳ-khưu Pindola Bharadvaja

Ngày kia, một thương-gia giàu có tại thành Vương-Xá (Radjagaha) cho treo một cái bình bát bằng cây trầm hương trên ngọn cây tre và tuyên-bố: "Nếu có thầy đạo-sĩ hay sa-môn nào tài giỏi biết phép thần-thông, lên tới ngọn tre lấy được bình bát, thì nó sẽ thuộc về phần vị đó". Sáu ông giáo-chủ nhóm ngoại-đạo đến thử tài, nhưng không xong. Khi đó, thầy tỳ-khưu Pindola Bharadvaja dùng thần-thông bay lên lấy bát. Dân chúng thành Vương Xá reo hò, vỗ tay hoan-nghinh, trong lúc thầy tỳ-khưu Pindola Bharadvaja ôm bát bay quanh thành Vương Xá ba vòng, rồi theo yêu cầu của người thương-gia, ông đáp xuống sân nhà.

Nghe tiếng reo hò của dân chúng, Ðức Phật hỏi.
Đại đức Ananda thưa: "Bạch Ðức Thế Tôn, chính ngài Pindola Bharadvaja đã lấy được cái bình bát của người thương-gia, nên dân chúng mới reo hò như thế".

Ðức Phật liền quở trách Đại đức Pindola Bharadvaja như vầy: "Này Pindola, hành-động đó thật chẳng xứng-đáng chút nào. Hành-động đó không hợp lẽ, không tốt đẹp đối với một sa-môn. Là việc chẳng nên làm. Tại sao với cái bình bát không ra gì, ngươi lại phô-trương cho người đời biết những việc phi-thường, những phép thần-thông? Như vậy, chẳng khác nào một phụ-nữ vén khố lên cho người xem để được một Mãsaka mẻ góc".

Sau khi quở trách Đại đức Pindola Bharadvaja xong, Ðức Phật thuyết: "Này các tỳ-khưu, các ngươi không nên biểu-diễn những chuyện phi-thường, những phép thần-thông trước công-chúng. Tỳ-khưu nào bất tuân sẽ bị phạt theo điều luật "Hành ác" của giới bổn. Này các tỳ-khưu, hãy đập bể cái bình bát đó, đem cán ra thành bột phấn rồi các ngươi chia nhau để thoa tay".

-- VINAYA II

Lời của soạn-giả:

Nói về bản-chất, phép thần-thông là con dao hai lưỡi, lợi ít hại nhiều, không thể đưa tới giác-ngộ, nên Ðức Phật cấm-đoán các đệ-tử không cho biểu-diển trước công chúng. Thật ra, nó chỉ là thành quả của bốn năng-lực căn-bản "Iddhi pãdas" (Tứ Chánh Cần): Tập-trung ý muốn, tập-trung nghị-lực, tập-trung tư-tưởng và tập-trung sự quan-sát trong pháp hành thiền-định. Một đôi khi, Ðức Phật và Đại đức Mục Kiền Liên cũng thi-thố phép mầu, nhưng với  mục-đích cứu độ kẻ khác. Phần đông hành-giả đắc Phàm Ðịnh thường ưa thích phép thần-thông, ôm-ấp bám dính nó rồi trở nên cống-cao, ngã mạn, để sau cùng phải mang họa, như trường-hợp ông Ðề Bà Ðạt Ða.

Trong ba phép mầu kể trên, Ðức Phật chỉ khuyến-khích về cái thứ ba, là phép mầu về giáo pháp. Ðấy là uy-lực tuyệt-đối, phi-thường, về nội-tâm để chế-ngự tư-tưởng của đối-phương, mà chỉ các Ðấng Toàn Giác mới có. Ðức Thế Tôn đã bắt buộc phải áp-dụng phép mầu này trong hai trường-hợp làm cho 5 ông Kiều Trần Như và Ðức Ca Diếp (Uruvela Kassapa, giáo-chủ nhóm thờ thần lửa Djatilas) phải vâng lời và xin thọ giáo với Ngài:

1) Chỉ sau khi nghe Ðức Phật tiết-lộ rằng Ngài đã thành bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác, năm ông Kiều Trần Như mới thôi gọi Ngài là bạn và chịu tiếp rước.

2) Dù Ðức Thế Tôn đã thi-thố đến 3.500 phép lạ, nhưng Ðức Ca Diếp vẫn cho mình là tài giỏi cao-thượng hơn Ðức Phật. Ông chỉ chịu phục-tùng khi nghe Ðức Phật cho biết rằng ông chưa đắc đạo quả gì cả.

 

Lời giáo-đạo của Đức Thế Tôn cho ngài Rahula nghe

Ta có nghe như vầy:

Thuở nọ, Ðức Thế Tôn đang ngự tại rừng tre gần thành Vương Xá. Cùng lúc đó, Đại đức Rahula cũng an-trú hành đạo tại Ambalatthika. Sau khi xuất định, Ðức Phật lên đường đi về phía Ambalatthika. Từ xa thấy dạng Ðức Thế Tôn,
Đại đức Rahula vội-vã sắp đặt chỗ ngồi và mang nước đến cho Ngài rửa chân. Ðến nơi, Ðức Phật an-tọa và rửa chân xong, Đại đức Rahula đảnh lễ rồi ngồi kế bên.

Ðức Phật để dư lại dưới đáy ô chút ít nước và hỏi: "Này Rahula, ngươi có thấy chút nước dưới đáy ô không?"

- "Bạch Ðức Thế Tôn, thấy".

- "Cũng như thế đó, Rahula, đời đạo-đức của kẻ xuất-gia thật mỏng-manh, ít ỏi, khi người không hổ-thẹn, tha-hồ dối-trá và không chân-thật".

Ðổ hết nước trong ô rồi Ngài hỏi: "Này Rahula, ngươi có thấy nước trong ô đã đổ hết ra ngoài không?"

- "Bạch Ðức Thế Tôn, thấy".

- "Thì cũng như thế đó, Rahula, đời đạo-đức của kẻ xuất-gia bị vất bỏ khi chẳng biết hổ-thẹn, tha-hồ dối-trá và không chân-thật".

Úp ô xuống, Ngài hỏi: "Này Rahula, ngươi có thấy cái ô úp xuống không?"

- "Bạch Ðức Thế Tôn, thấy".

- "Thì cũng như thế đó, Rahula, đời đạo-đức của kẻ xuất-gia bị đảo-lộn khi chẳng biết hổ-thẹn, tha-hồ dối-trá và không chân-thật".

Lật ngửa ô lên, Ngài hỏi: "Này Rahula, ngươi có thấy cái ô lật ngửa trống trơn không?"

- "Bạch Ðức Thế Tôn, thấy".

- "Thì cũng như thế đó, Rahula, đời đạo-đức của kẻ xuất-gia thật rỗng-không, khi người chẳng biết hổ-thẹn, tha-hồ dối-trá, thiếu chân-thật".

- "Hỡi này Rahula! Cũng như thớt voi trận của đức vua có cặp ngà dài, cứng chắc, thuộc loại voi giống, được huấn-luyện để xông-pha chiến-địa. Nhưng lúc lâm trận, nó chỉ làm phận-sự với hai cẳng trước, với hai cẳng sau, với thân-hình phía trước, thân-hình phía sau, với cái đầu, với hai vành tai, với cặp ngà, với cái đuôi ..., nhưng vẫn lo bảo-vệ cái vòi của nó để khỏi thương-tổn".

"Tên nài nghĩ rằng: "Ðây là thớt voi trận của nhà vua có cặp ngà dài, cứng chắc, thuộc loại voi giống, được huấn-luyện để xông-pha chiến-địa. Nhưng khi lâm trận, nó làm phận-sự với hai cẳng trước, với hai cẳng sau, với thân-hình phía trước, thân-hình phía sau, với cái đầu, với hai vành tai, với cặp ngà, với cái đuôi, song vẫn lo bảo-tồn cái vòi của nó để khỏi thương-tổn. Như thế, con voi không chịu hy-sinh hết mình cho đức vua". 

"Này Rahula, nhưng nếu thớt voi trận của nhà vua có cặp ngà dài, cứng chắc, thuộc loại voi giống, được huấn-luyện để xông-pha chiến-địa. Lúc lâm trận, nó làm phận-sự với hai cẳng trước, với hai cẳng sau, với thân-hình phía trước, thân-hình phía sau, với cái đầu, với hai vành tai, với cặp ngà, với cái đuôi và luôn cả cái vòi của nó".

"Tên nài nghĩ rằng: "Ðây là thớt voi trận của nhà vua có cặp ngà dài, cứng chắc, thuộc loại voi giống, được huấn-luyện để xông-pha chiến-địa. Khi lâm trận, nó dám hy-sinh hết mình cho đức vua, thì chẳng có việc gì nó không làm được". 

"Này Rahula, cũng như thế đó, kẻ nào không biết hổ-thẹn, tha-hồ dối-trá, thì không có việc gì xấu-xa tội-lỗi mà người chẳng dám làm. Lẽ đó, ngươi hãy cố luyện-tập như vầy: "Dù trong lúc nói chuyện vui đùa, tôi nhất-quyết không hề dối-trá".

Phật hỏi tiếp: "Rahula, vậy ngươi biết cái gương dùng để làm gì?".

- "Bạch Ðức Thế Tôn, gương dùng để soi thấy mặt, để phản-chiếu mọi vật".

- "Cũng thế ấy, Rahula, con người cần soi sáng, nghĩa là phải suy đi nghĩ lại kỹ-càng trước khi hành-động bằng thân, suy đi nghĩ lại kỹ-càng trước khi hành-động bằng khẩu, suy đi nghĩ lại kỹ-càng trước khi hành-động bằng ý".

"Này Rahula, dù muốn làm bất cứ việc gì bằng thân, ngươi phải suy-nghĩ kỹ-lưỡng về hành-vi đó. Ngươi tự hỏi rằng: "Hành-động bằng thân này sẽ mang lại hậu-quả xấu-xa tai-hại cho ta không? Có tai-hại cho kẻ khác không, hoặc có tai-hại cho cả hai? Hành-động đó sẽ gây ra nghiệp dữ và đến khổ đau không?" Nếu ngươi suy-nghĩ thấy: "Hành-động bằng thân mà ta định làm đây là xấu-xa nguy hại cho ta, nguy hại cho kẻ khác, hoặc nguy hại cho cả hai. Hành-động đó sẽ gây ra nghiệp dữ, đưa đến khổ đau". Rahula, chừng đó ngươi phải cố-gắng gạt bỏ ý nghĩ muốn làm việc đó".

"Này Rahula, nhưng nếu ngươi suy-nghĩ: "Hành-động bằng thân mà ta định làm đây không mang lại hậu-quả xấu-xa cho ta, không mang lại hậu-quả xấu-xa cho kẻ khác, hoặc cho cả hai. Ðó là hành-động tốt tươi cao-thượng sẽ đưa đến hạnh-phúc an vui". Chừng đó ngươi nên làm việc ấy".

"Này Rahula, khi đang hành-động bằng thân, ngươi cũng nên suy-nghĩ: "Vậy chớ việc ta đang làm bằng thân đây sẽ mang lại cho ta những hậu-quả xấu-xa tai-hại chăng? Hoặc tai-hại cho kẻ khác hay cả hai? Việc đó có xấu-xa tội-lỗi và sẽ đưa đến khổ đau không?" Này Rahula, nếu suy-nghĩ thấy việc đang làm bằng thân là xấu-xa đê-tiện, nó mang lại hậu-quả tai-hại cho ta, cho kẻ khác, hoặc cho cả hai, và sẽ đưa đến khổ đau, chừng đó ngươi nên đình-chỉ ngay việc làm đó".

"Này Rahula, nhưng nếu ngươi suy-nghĩ: "Hành-động bằng thân mà ta đang làm đây không mang lại hậu-quả xấu-xa tai-hại cho ta, cho kẻ khác, hoặc cho cả hai và nó chẳng đưa đến khổ đau". Chừng ấy ngươi nên tiếp-tục làm việc đó".

"Này Rahula, khi một việc làm bằng thân đã thực-hiện rồi, ngươi nên suy-nghĩ: "Vậy chớ hành-động bằng thân vừa rồi sẽ mang lại cho ta những hậu-quả xấu-xa tai-hại chăng? Nó sẽ tai-hại cho kẻ khác hoặc cả hai không?" Này Rahula, nếu suy-nghĩ thấy việc đã làm bằng thân đó là tai-hại cho mình, cho kẻ khác hoặc cả hai, thì ngươi nên sám-hối tội-lỗi với Như Lai hay các vị cao-tăng và nguyện sẽ chẳng tái phạm về sau".

"Này Rahula, nhưng nếu ngươi suy-nghĩ: "Hành-động bằng thân vừa rồi không mang lại hậu-quả xấu-xa tai-hại cho ta, cho kẻ khác, hoặc cho cả hai. Ðó là hành-động tốt tươi cao-thượng sẽ đưa tới hạnh-phúc an vui". Chừng đó ngươi nên phát tâm hoan-hỉ thỏa-thích và ráng ghi nhớ, niệm tưởng phước báu về việc lành đã làm xong bằng thân".

(Những hành-động do khẩu, do ý, cũng được giải-thích như thể-thức kể trên).

"Này Rahula, bất cứ là trong thời quá-khứ, trong buổi tương-lai, hoặc hiện nay, các đạo-sĩ hay Bà La Môn muốn cho những hành-vi về thân, khẩu, ý của mình được đứng-đắn thanh-cao, cho ngày thêm trong sạch, cần phải suy đi nghĩ lại kỹ-càng trong mỗi việc làm, mỗi lời nói, mỗi ý nghĩ, cân phân, tính-toán ... và luôn-luôn suy-nghĩ".

Ðức Thế Tôn dứt lời, Đại đức Rahula phát tâm hoan-hỷ thỏa-thích về sự khuyến-hóa của Ðức Như Lai.

-- MAJJHIMA NIKAYA 61

Lời của soạn-giả:

Trong cuộc lễ xuất-gia, với sự chứng-minh của chư cao-tăng đại-đức, thầy tỳ-khưu long-trọng nguyện vâng giữ những điều học ghi trong giới bổn của Ðức Phật.

Ngoài giới cấm Bất Cộng Trụ (bị trục-xuất ra khỏi giáo-hội) và Tăng Tàn (cấm-phòng) thì các giới khác có thể được ân-xá sau khi người phạm giới biết ăn-năn, sám-hối và cam-kết không tái phạm. Ðúng theo tinh-thần của Tạng Luật, sự chân-thật của bậc xuất-gia là yếu-tố tối-trọng để bảo-trì giới hạnh của người tu-sĩ cho mau tiến hóa, và sự dối-trá là điều nguy hại làm tắt nghẽn đường đạo-đức.

Thầy tỳ-khưu không những gìn giữ giới hạnh trang-nghiêm bên ngoài, mà cần nhất là phải thành-thật với chính bản-thân, ráng tránh xa, ghê sợ các điều quấy do thân, khẩu, ý, và biết hổ-thẹn tội-lỗi.

Cũng như quả địa-cầu nâng đỡ vạn-vật, giới-luật có tính-cách bảo-trì, nâng đỡ, người tu-hành đi tới mục-đích cao cả và kẻ nào chẳng biết hổ-thẹn, tránh xa tội-lỗi, cố tâm ém nhẹm việc làm bất chánh, không chịu sám-hối, chừa cải, mà vẫn duy-trì tăng tướng giả-dối bên ngoài, Ðức Phật nói:

- Ðời đạo-đức của người đó rất ít, cũng như chút nước còn đọng dưới đáy ô;

- Ðời đạo-đức của người đó bị vất bỏ, cũng như chút nước bị tạt hết ra ngoài;

- Ðời đạo-đức của người đó đảo-lộn như cái ô úp xuống;

- Ðời đạo-đức của người đó rỗng-không như cái ô lật ngửa trống trơn.

-ooOoo-

Đầu trang | 00 || 11 | 12 | 13 | 14 | 15 || 21 | 22 | 23 | 24 | 25 || 31 | 32 | 33 | 34 | 35


[Trở về trang Thư Mục]

updated: 19-04-2002



[1] Chàng Pukkusati chưa nhận ra Ðức Phật nên xưng hô như vậy.