BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Phật và Thánh chúng
Thích Minh Tuệ
Sài Gòn, 1990


BÀI 8

PHẬT NIẾT BÀN

-ooOoo-

Sau 45 năm thuyết pháp giáo hóa, tuổi đã 80, thấy cơ duyên đã mãn, giáo pháp tự lợi, lợi tha đã truyền giảng đầy đủ, sức khỏe cũng suy giảm, Phật quyết định nhập Niết Bàn. Phật thông báo ý định đó cho A Nan biết. Tại thành Tỳ Xá Ly, Phật nhận một hoa viên rộng rãi đẹp đẽ để lập Tinh Xá. Do Kỳ Nữ Am Ma La (Ambapala) hiến cúng. Nhận xong, Phật giao lại cho Tăng đoàn lo tiếp tục thuyết pháp độ sinh, rồi Phật cùng với A Nan rời Tỳ Xá Ly đi về hướng Bắc Ấn Ðộ.

I- THUẦN ÐÀ CÚNG DƯỜNG PHẬT

Trên đường tiến về huớng Bắc, gần thành Câu Thi Na (Cusinagara), Phật và A Nan gặp Thuần Ðà (Cunda), người làm nghề thợ rèn thuộc gia cấp Phệ Xá. Cầu Thi Na cách Patna, thủ phủ tiểu bang Bihar ngày nay 180 dặm (phỏng 300 cây số) về hướng Bắc. Tại nơi này Thuần Ðà bái yết Phật, tiếp nhận lời Phật giảng dạy xin qui y và phát nguyện cúng dường Phật và A Nan một bữa ngọ trai. Sẵn có nấm chiên đàn nhỉ và thịt heo rừng khô, Thuần Ðà nấu cháo dâng hiến Phật. Nấm và thịt heo là thức ăn khó tiêu. Bởi thế, đêm đó, Phật thấy trong người khó chịu.

Nghe Phật nhuốm bịnh, do chính mình cúng dường, Thuần Ðà vô cùng lo lắng, nét mặt u sầu. Biết được tâm trạng của Thuần Ðà, Phật khuyên:

- Thuần Ðà hãy vui sướng lên, vì người đã vinh dự được cúng dường ta ăn bữa cuối cùng. Trong đời ta, có hai bữa ăn đáng ghi nhớ nhất. Ðó là bát sữa của nàng Tu Xá Ðề và bữa do người cúng dường. Cách đây 45 năm, sau 6 năm ăn khổ hạnh, kiệt lực, nếu không nhờ bát sữa, sự sống của ta đâu còn để tìm ra chân lý soi đường cho con người tiến tới chân trời giác ngộ và giải thoát. Hôm nay, ta thọ dụng bữa cơm cuối cùng do người hiến dâng. Ta chúc ngươi được nhiều phước lộc.

Sáng hôm sau, mặc dù cơ thể bất an, Phật vẫn từ giã Thuần Ðà rồi dũng mãnh lên đường, tiếp tục sự nghiệp hóa đạo.

II - ÐỆ TỬ CUỐI CÙNG CỦA PHẬT

Khi đến rừng Sa La, thấy trong người khó chịu, mệt mỏi... Phật bảo A Nan treo võng giữa hai cây Sa La để nằm nghỉ.

Biết nhân duyên đã hết và sắp vào Niết Bàn Phật bảo A Nan thông báo cho các đệ tử ở rải rác trong thành Tư Xá Vệ (Vaisali). Nghe tin Phật sắp Niết Bàn, đạo sĩ Bà La Môn tên là Tu Bạt Ðà La (Subhadra) vội vã chống gậy đến xin yết kiến Phật. Ðạo sĩ tu gần rừng Sa La, tuổi đã trên 100, nhưng thể lực còn cường tráng, tinh thần còn minh mẫn và học vấn rất uyên bác. Khi đến rừng Sa La, đạo sĩ bị A Nan chận lại, với lý do Phật đang cơn mệt, không nên làm bận rộn Phật. Ðạo sĩ tỏ lời năn nỉ A Nan. Nghe lời qua tiếng lại Phật bảo A Nan hãy cho đạo sĩ vào. Gặp Phật, Tu Bạt Ðà sụp lạy và quì thưa: - Bạch Thế Tôn! Từ lâu con đã nghe kể đạo của Ngài vô cùng vi diệu, nhưng con cũng nghe bọn ngoại đạo cho đạo của họ là hay hơn hết. Thế con biết tin theo ai?

- Tu Bạt Ðà La! Người đừng tin theo ai cả. Phật nói: Người hãy dùng lý trí xét đoán thật rõ ràng, đạo nào nói đúng sự thật của cuộc đời và có thể hướng dẫn người đến chân trời giác ngộ và giải thoát rồi hãy tin. Dù bất cứ một vấn đề do tập tục lưu lại hay do thánh nhân nói ra v.v... ngươi cũng chớ vội tin, nếu chưa được phán đoán chi ly. Ngươi chỉ tin những điều hợp lẽ phải, có lợi cho mình và tha nhân.

Nghe Phật nói: Tu Bạt Ðà La lại thưa: - Bạch Thế Tôn! Từ trước đến giờ, con chưa bao giờ nghe ai nói như thế. Ðức Thế Tôn xứng đáng là một đạo sư của nhân thế. Nhưng hỡi ôi! Thật bất hạnh cho con, vì con đến quá chậm, Ðức Thế Tôn sắp Niết Bàn, con biết nhờ ai hướng dẫn đ? tu tập.

Phật dạy: - Này Tu Bạt Ðà La! Ngươi không nên ưu sầu hãy giữ tâm bình thản. Các đệ tử ưu tú của ta sẽ chỉ giáo cho ngươi. Hơn nữa dù ta Niết Bàn, giáo pháp của ta vẫn còn lưu tồn đầy đủ. Ngươi hãy lấy giáo pháp ta làm thầy. Ngươi hãy nhận chân sự thật của cuộc đời là vô thường, khổ và vô ngã rồi tiến tu theo giới, định, huệ, qua 8 con đường chân chính, đó là hiểu biết chân chính tư duy chân chính, siêng năng chân chính, nhớ điều chân chính, và thiền định chân chính. Sau khi Phật thuyết giảng, Tu B?t Ðà La lòng rất hoan hỉ, tin nhận lời Phật và xin qui y.

Tu Bạt Ðà La là vị đệ tử sau cùng của Phật.

III- PHẬT NIẾT BÀN

Tại rừng Sa La, thành Câu Thi Na, giữa đêm trăng tròn của tháng Vesaka, bảy chúng đệ tử của Phật vân tập đông đảo. Tất cả đều mang nặng tâm tư buồn thảm. A Nan than khóc, Phật khuyên A Nan không nên bi lụy, thực tại của cuộc đời, cái gì có hình tất sẽ có hoại, có hợp sẽ có tan. Bởi thế chớ nên tham luyến hình hài. Vì đó là thân giả hợp, do 5 uẩn hội tụ. Dù thân ta không còn nhưng giáo pháp của ta đã truyền lại đầy đủ. Các người hãy lấy giáo pháp làm thầy. Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi! Vì nếu ta còn ở lại, các người cứ ỷ lại, không chịu tiến tu đạo nghiệp thì cũng chẳng ích lợi gì. Các ngươi siêng năng thực hành giáo pháp tự lợi lợi tha thì thế là pháp thân ta vĩnh viễn tồn tại trên cuộc đời này.

Tuy đã nghe Phật giảng giải, tâm hồn đã lấy lại bình thản, nhưng đầu óc vẫn chưa hết thắc mắc, đặc biệt là muốn Phật công bố từng điểm một xác thật, A Nan quì hỏi: - Kính bạch Thế Tôn! Sau khi Thế Tôn Niết Bàn, ai là Thầy chúng con? Nương tựa vào đâu để tu tập? Ðiều phục kẻ dữ như thế nào? Về kiết tập Kinh điển mở đầu như thế nào? Ðó là 4 vấn đề xin Ðức Thế Tôn xác minh để thêm Ðức tin cho mọi người.

Phật dạy: - Này các đệ tử - Hãy lấy Ba La Ðề Mộc Xoa (giới làm Thầy.) Hãy nương vào "Tứ Niệm Xứ để tu tập. Ðó là nhớ thân bất tịnh, thọ là khổ, tâm vô thường và pháp vô ngã.

Hãy điều phục kẻ dữ bằng pháp " Mặc tần" (làm lơ, không giao thiệp không trao đổi ý kiến và cãi vã).

Hãy bắt đầu bằng từ "Như thị ngã văn" (tôi nghe như vầy) mà kiết tập kinh điển.

Sau khi Phật trả lời 4 câu hỏi của A Nan, từ trong 7 chúng đệ tử, A Nậu Lâu Ðà đứng lên lễ Phật rồi quì và nói lớn:

- Thưa toàn thể đại chúng! Ai còn thắc mắc nên bày tỏ để được Phật giáo huấn.

Tất cả đều im lặng, A Nậu Lâu Ðà nói tiếp: Như thế không ai còn gì thắc mắc. Giả sử mặt trăng có thể nóng, mặt trời có thể lạnh, giáo pháp của Ðức Thế Tôn là một chân lý không bao giờ có thể thay đổi. Tất cả đại chúng hãy hướng về Ðức Thế Tôn, quì gối chắp tay, phát nguyện "Y giáo phụng hành".

Bấy giờ, đúng vào lúc nữa đêm, dưới ánh trăng tỏa rạng, đầu quay về hướng Bắc, chân xuôi về hướng Nam, cơ thể nằm nghiêng về phía tay phải, mặt quay về phía Tây, lưng xoay về hướng Ðông, Phật từ từ vào Niết Bàn.

Bấy giờ Phật đúng 80 tuổi thọ.

Nghe tin Phật đã Niết Bàn, các thanh niên xứ Câu Thi Na thuộc bộ tộc Mạt La (Malla) đến cùng với chúng đệ tử lo tắm rửa, tẩn liệm và làm lễ trà tỳ Phật.

Lễ trà tỳ xong, thanh niên bộ tộc Mạt La Lưu giữ Xá lợi, đợi phân chia, Tám quốc vương lân cận vùng sông Hằng cất binh đến Câu Thi Na với ý định chiếm đoạt Xá Lợi Phất. Nhưng nghe thanh thế của A Xà Thế nước Ma Kiệt Ðà, tất cả đều không dám khởi sự, án binh bất động. A Xà Thế đứng ra điều giải, phân chia Xá lợi thành 8 phần. Mỗi vương quốc lãnh 1 phần, mang về xây tháp tôn thờ. (Tám quốc vương là Câu Thi Na, Ba Kiên La, Sư Già Na, A Lặc Già, Tỳ Nệu Tỳ Gia Ly, Ca Tỳ La Vệ, Ma Già Ðà tức A Xà Thế).

Sau Phật Niết Bàn được bảy ngày, suốt ba tháng, Ca Diếp mở cuộc kiết tập Kinh điển lần đầu tiên tại động Kỳ Xà Quật, núi Linh Thứu có 1.250 thánh chúng tham dự. Ca Diếp chủ tọa, A Nan tụng kinh, Ưu Ba Ly tụng luật. Cuộc kiết tập chỉ tụng có 2 tạng là Kinh và Luật. Ngoại hộ đắc lực cho cuộc kiết tập là vua A Xà Thế.

IV- NHẬN THỨC VÀ KẾT LUẬN

Nhìn chung, bối cảnh thời đại của xã hội Ấn Ðộ cách đây hơn 2.500 năm không thể không cần có một con người như Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. Từ tổ chức chính trị xã hội đến tư tưởng tôn giáo thời bây giờ đã đi đến vữa nát cực điểm, đành rằng vương quốc Kosala rất thịnh vượng nhờ lòng nhân từ ưu việt của vua Tịnh Phạn. Trong xã hội đó, Ðức Phật sinh ra giữa vườn hoa, nhìn rõ thực chất của cuộc đời, cắt tóc cởi hoàng bào bên dòng A Nô Ma, tu tập trong rừng rậm, thành đạo dưới gốc cây Bồ Ðề, giáo hóa khắp đó đây và cuối cùng nhập Niết Bàn nơi rừng Sa La trên đường đi hóa đạo. Ðức Phật xứng đáng là một đạo sư vô ngã, vị tha, không chỉ riêng của Ấn Ðộ mà cả nhân thế. Ðạo của Ðức Phật được thiết lập giữa bình địa, giữa xã hội quần sinh, không ở trong danh lợi phù hoa, hay từ trên trời rơi xuống. Nói theo Hòa thượng Narada, Ðức Phật trải qua một "Quá trình bất định" - Phật đã trải qua nhiều giai đoạn tích lũy suy tư, đi vào cuộc sống xã hội để nhìn rõ thực trạng sâu thẳm của con người, của tư tưởng bấy giờ và nhiều mối quan hệ khác suốt 35 năm. Sau cùng, Phật nhận thức rằng chỉ có con đường trung đạo và tự mình thắp đuốc lên mà đi. Quả thế, Phật đã thành đạo và với đức từ bi bao la, Phật đem ánh sáng trí tuệ soi sáng cho trần gian. Suốt 45 năm, Phật thuyết pháp trên 300 lần, đặt chân khắp hang cùng ngõ hẻm một cách tận tụy và rộng rãi. Phật đã dừng chân bên vệ đường, xâu kim cho một bà già hành khất, săn sóc, dọn dẹp đồ ô uế cho người bệnh. Vì từ bi và bình đẳng, Phật cũng đã nhận cát của em bé cúng dường, nhận thức ăn dư thừa do một tiện nữ hiến dâng. Phật còn cho cả người dâm nữ vào trong giáo hội, đó là Ma Ðăng Già. Với hiếu đạo, Phật đã đích thân khuân quan tài vua Tịnh Phạn. Phật đã giáo hóa không lúc dừng nghĩ. Phật làm tất cả mọi việc, dù là việc rất nhỏ. Từ đó, vừa khen nhưng cũng hàm ý chê hàng ngoại đạo đã phát biểu.

"Như cơn gió lốc thổi dồn tất cả thứ lá lại một chỗ, Ðức Cù Ðàm giáo hóa tất cả. Trí thức ngu si, vương giả bần cùng, nghèo hèn giàu sang, già cả, niên thiếu, đàn bà đàn ông, kẻ ác người thiện, tất cả và hết thảy, Ðức Cù Ðàm đều đem vào chính pháp và xem như nhau: Ðạo của Ðức Cù Ðàm là cái đạo không phân biệt". (Kinh Ðại Báo Ân) Vì tất cả việc làm của Phật chỉ có một mục đích duy nhất là "Khai thị ngộ nhập Phật trí kiến" cho chúng sinh. (Kinh Pháp Hoa).

Từ cái cốt lõi bất biến đó, về sau, môn đệ của Phật tiếp tục triển khai phương tiện để truyền thừa chính pháp khắp các quốc độ, rộng dần cho đến bên Âu Mỹ ngày nay. Ở thời xứ nào, Phật giáo cũng đã dung nhiếp được tất cả tư tưởng truyền thống của các dân tộc, qua "B?n nhiếp pháp". Tại Trung Quốc và Việt Nam, có thời Phật giáo đã sống chung hòa bình với Lão và Khổng, gọi là Tam giáo đồng nguyên. Vì thế, đối với Lão và Khổng là 2 triết thuyết cao siêu của Ðông độ, thời Ðường, Tống vẫn không đánh ngã được Phật giáo. Ở Việt Nam thời Trần, các nhà nho văn thơ lỗi lạc cũng không xóa được ảnh hưởng của Phật giáo.

Lúc bấy giờ, các thiền sư cũng là những thi sĩ độc đáo. Các thiền sư không chỉ lim dim trầm tư mặc tưởng mà luôn luôn năng động, thích ứng với mọi môi trường xã hội. Bởi thế, vào những lúc Tổ quốc cần bảo vệ, nhà đạo sĩ cũng trở thành nhà chiến sĩ. Tại nông thôn xa xôi, nhà sư hòa hợp với dân làng trên đồng áng và sẵn sàng hiện diện khi dân làng cần đến bất cứ lúc nào, như cấp cứu, chích lễ, cho thuốc bệnh nhân v.v...

Qua lịch sử, từ thời Phật còn tại thế cho đến ngày nay, Giáo hội Phật giáo chưa làm lịch sử hoen ố và tách rời nhân quần, xã hội...

* * *

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1) Tại sao Phật lại ăn thịt?

2) Phật dạy về đức tin cho Tu Bạt Ðà La như thế nào?

3) A Nan hỏi Phật những điều gì và Phật đáp như thế nào?

4) Xá Lợi của Phật được phân chia như thế nào?

5) Ðức Phật và đạo Phật xuất pháp từ đâu?

6) Trên đường hóa đạo, ngoài thuyết pháp, Phật còn làm những gì?

7) Thái độ Phật giáo với các đạo giáo? Với quốc gia xã hội như thế nào?

-ooOoo-

Ðầu trang | 1.01 | 1.02 | 1.03 | 1.04 | 1.05 | 1.06 | 1.07 | 1.08 |
| 2.01 | 2.02 | 2.03 | 2.04 | 2.05 | 2.06 | 2.07 | 2.08 | 2.09 | 2.10 | 3 | Mục lục

Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 07-2001)


[Trở về trang Thư Mục]