Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Phật Ngôn Diễn Giảng

Tỳ khưu Padhānakāmo Dũng Chí

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


 CHƯƠNG I

ATTAVAGGA: PHẦN BẢN NGÃ

1.- ATTĀ HAVE JITAṂ SEYYO:
CHIẾN THẮNG ĐƯỢC CHÍNH MÌNH LÀ MỘT CHIẾN CÔNG OANH LIỆT.

Chiến thắng tức là kết quả của sự tranh đấu, hay khắc phục đối phương, đem lại sự thành công toại nguyện trên hai phương diện: nội tâm và ngoại cảnh.

Sự đánh bại kẻ địch bằng mưu trí, võ lực hoặc khí giới v.v…gọi là Ngoại cảnh chiến.

Cái kết quả của sự chiến thắng nầy hằng đem lại cho kẻ thành công sự vinh dự hay hãnh diện, trước cuộc đón rước sôi nổi của mọi người hay những tràng pháo tay vang dậy. Kẻ chiến thắng càng sung sướng, vinh dự bao nhiêu, thì người chiến bại càng cảm thấy bực tức, hổ thẹn bấy nhiêu. Và họ luôn luôn tìm cơ hội thuận tiện để rửa hận. Như thế sự chiến thắng nầy còn đem lại cho ta một cái họa là oan trái và oán thù. Vì vậy, cứ mỗi lần ta gặt hái được một chiến công là mỗi lần ta tạo cái nhân để sau nầy phải nhận lấy một lần chiến bại. Tóm lại, sự chiến thắng ngoại cảnh không bao giờ đem lại cho ta sự hạnh phúc tuyệt đối.

Còn sự làm chủ được con tâm không để cho nó suy nhược, yếu hèn chạy theo ác pháp, trái lại có thể điều khiển, sai khiến nó làm những việc thiện, những việc lợi ích chung đồng thời ngăn ngừa không cho một vọng tưởng xấu xa nào phát sanh lên, như thế gọi là Nội cảnh chiến hoặc tự chiến thắng vậy.

Nói thực tế hơn, là ta đã chiến thắng các phiền não như: Tham, sân, si, hằng làm cho tâm ta nhơ đục. Đó mới là sự chiến thắng không bao giờ bại, vì nó không phải là một nguyên nhân oan trái với kẻ khác. Hơn nữa, sự hạnh phúc và sự an vui vĩnh viễn chỉ đến với những kẻ nào đã tự chiến thắng được tâm mình.

2.- ĀTTĀ HI KIRA DUDDAMO:
CÁI TA NẦY THẬT KHÓ NGỰ TRỊ.

Theo Phật ngôn trên đây, Đức Từ Phụ có tôn ý nói về sự giáo hóa cái "ta" (ATTA). Tiếng "ta" nầy ám chỉ cái bản ngã tức là ngũ uẩn [*] của con người. Nói cho dễ hiểu tức là xác thân nầy vậy. Cái ta nầy rất khó giáo dục, nếu không rèn luyện, uốn nắn cho chu đáo, cứ để nó buông lung thì chắc chắn ta sẽ gặt lấy một kết quả vô cùng đen tối.

[*] NGŨ UẨN (Pancakhandha): Sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Lại nữa tiếng "ta" Đức Phật còn ám chỉ cái tâm, bởi tâm là chủ động của tất cả hành vi. Sự hành động tốt đẹp hay xấu xa của xác thân nầy đều do tâm sai khiến cả, và kết quả của những hành động ấy sẽ là cái năng lực bất di bất dịch để đưa ta tới cảnh an nhàn hay đày đoạ ta vào con đường khổ ải. Chẳng hạn như câu Phật ngôn trong Pháp cú kinh: MANO PUBBAṂ GAMĀ DHAMMĀ - Tất cả tâm sở pháp do tâm là chủ. Những hành động lành hoặc ác của xác thân đều do tâm điều động và cái kết quả sẽ tùy theo những hành động tốt và xấu ấy mà thành tựu rất trung thành.

Một điều mà chúng ta cần hiểu rõ và chú ý là tâm trạng của kẻ phàm nhân lúc nào cũng thiên về phương diện tình cảm nhiều hơn lý trí. Nếu tư tưởng của con người thiên hẳn về mặt tình cảm thì chắc chắn các hành động và ý nghĩ đều nằm trong ác pháp. Vì trong tình cảm đã có ẩn sẵn một ác pháp vô cùng lợi hại và vị kỷ. Một khi đã bị ác pháp vị kỷ [*] lung lạc thì tất cả tư tưởng và hành vi đều trái ngược với chân lý [*]. Như bảo đánh ÁI, HẬN là anh của ÁI, thấy vậy không chịu dùng lý trí suy xét xem tại sao em mình bị đánh, liền xông vào đánh BẢO, cuối cùng cả ba đều bị điệu về bót. Vì tâm của HẬN lúc ấy thiên hẳn về mặt tình cảm nên anh ta phải gặt lấy một kết quả đáng tiếc. Bởi thế cho nên phần đông nhân loại bị ác pháp làm mê muội nên không phân biệt được giả, chân, ác, thiện. Vì vậy nên Đức Thế Tôn thuyết: tự giáo hóa là một vấn đề khó khăn nhứt.

[*] VỊ KỶ: Chỉ lo làm lợi cho mình, mặc dầu phải thiệt hại kẻ khác. CHÂN LÝ: Một diệu lý đúng đắn, một con đường đi ngay thật, trong sạch.

3.- ĀTTĀ SUDANTO PURISASSA JOTI:
NẾU CÁI TA ĐÃ ĐƯỢC UỐN NẮN RỒI. THÌ ĐÓ LÀ ÁNH SÁNG CỦA NGƯỜI QUÂN TỬ TRỌN VẸN.

Kẻ nào đã thực hành đúng đắn lời Phật dạy thì tất cả hành động ấy bao giờ cũng lợi lạc cho chính họ (attahitasampatti) và cho kẻ khác (Parahitasampatti). Thân tâm ta khi nào hành động tốt đẹp trên hai phương diện như thế, gọi là người đã làm chủ được mình và đã được giáo hóa toàn vein. Thông thường, người được phần đông ca ngợi là đẹp. Lẽ dĩ nhiên, người ấy cần phải có một làn da trắng mịn, một nét mặt tuấn tú khôi ngô. Ngoài ra, họ còn phải nhờ những đồ phục sức và trang sức. Tuy nhiên, các bậc thượng trí thức, không bao giờ khen ngợi cái đẹp thể xác, cái đẹp giả tạo ấy. Trái lại các Ngài hằng ca ngợi cái đẹp dịu dàng ở trong con người có một tâm hồn cao thượng, có lời ăn tiếng nói khiêm tốn và có cử chỉ khả ái. Chúng tôi ai lại không muốn trở thành một con người tốt đẹp, vì vậy, vấn đề trọng yếu nhất là phải tự tạo cho mình một tâm hồn cao thượng, một cử chỉ dịu dàng, một cách ăn nói hòa nhã.

Thật vậy, cái đẹp toàn vẹn là một đóa hoa thơm bay tỏa khắp muôn phương và sống mãi trong tư tưởng của mọi người.

4.- ATTĀ HI ATTANO NĀTHO:
TA LÀ NƠI NƯƠNG NHỜ CỦA TA.

Bất cứ một dân tộc nào trên thế gian nầy cũng không thể sống lẻ loi một mình được, mà cần phải có sự tương thân tương trợ trên hai phương diện: Vật chất và tinh thần. Chẳng hạn như khi ta còn bé, ta cần phải nương nhờ nơi cha mẹ hay người dưỡng mẫu mới có thể sống an vui và lớn khôn được. Cũng như trong trường hợp một người nghèo nàn yếu đuối bao giờ cũng cần có sự giúp đỡ của người có thế lực giàu sang, hay người tuổi tác giàu kinh nghiệm ở đời. Nhưng nếu muốn nương nhờ bất cứ ai, ta cũng phải tỏ ra là một con người nghiêm trang, dễ dạy, ngay thật từ hành vi đến cử chỉ. Như thế ta mới hưởng được cái ân huệ của người giúp đỡ hoặc của kẻ bề trên. Nếu là người thiếu tư cách, thiếu nhã nhặn và ôn hòa thì ta không bao giờ hưởng được sự giúp đỡ ấy.

Như chúng ta thường trông thấy, mặc dù là tình máu mủ ruột thịt, nhưng nếu đứa con nào cứng đầu khó dạy và ngoan cố, thì cha mẹ còn bỏ bê không ngó ngàng. Huống hồ ta là người dưng, nếu thiếu lễ độ, thiếu tư cách làm người thì không một ai giúp đỡ ta cả.

Những biện chứng vừa kể trên cho chúng ta thấy rằng: sự nương nhờ nơi kẻ khác chỉ là một điều kiện phụ thuộc, nó chỉ là cái kết quả của những hạnh kiểm tốt đẹp. Như thế, nếu muốn được sự nương nhờ nơi người khác, vấn đề trọng yếu là ta phải tự tạo cho có những hạt giống tốt để được nương nhờ, nghĩa là ta tự tạo cho ta trở thành con người có đầy đủ nhân cách và đạo đức. Bởi thế, nên Đức Phật thuyết rằng: Ta là nơi nương nhờ của ta.

Nói một cách khác là trước hết ta phải có một đức độ tốt đẹp, sau đó ta mới có thể đem mình vào nương nhờ một người khác được, bởi họ chỉ là một nhân vật phụ thuộc mà thôi.

Vậy, chúng ta không nên quên mình, trao trọn tâm hồn cho một người nào, hay một đấng thiêng liêng nào để mà cầu cạnh. Chính ta phải tự tạo cho ta trở thành một con người trọn vẹn, có một đời sống tự lập. Theo Phật giáo, chúng ta muốn tự nương nhờ, cần phải có muời giải pháp sau đây:

1) Phải có đức.
2) Phải tự học, học để hiểu rộng thấy xa.
3) Năng thân cận với bạn lành.
4) Phải tỏ ra dễ dạy.
5) Phải siêng năng làm việc.
6) Phải ưa thích pháp.
7) Phải cố gắng đoạn tuyệt các điều ác và hành theo những pháp lành.
8) Phải có lòng từ bi.
9) Luôn luôn ghi nhớ và biết mình.
10) Phải có trí tuệ.

Người nào có đầy đủ 10 pháp trên đây mới gọi là người có nơi nương nhờ cao thượng và vĩnh cửu.

5.- ATTĀ HI ATTANO GATI:
HÀNH ĐỘNG CỦA TA NHƯ THẾ NÀO, NÓ SẼ ĐƯA TA ĐI ĐẾN KẾT QUẢ NHƯ THẾ ẤY.

Tất cả những hành động của nhân loại trên thế gian, bất luận tốt xấu; đều chắc chắn sẽ có kết quả tùy theo năng lực của việc làm. Nếu muốn tự đưa mình đến nơi thành tựu tươi sáng, ta cần phải có những hành động cao thượng, đúng với chân lý. Chẳng hạn như ta phải luyện tập thế nào để hành vi và ngôn ngữ của ta bao giờ cũng đúng đắn, hiệp với lẽ đạo. Như thế ta mới có thể hưởng được những kết quả vừa với nguyện vọng .

Người dễ duôi hằng làm những điều tội lỗi, dầu cho cầu khẩn một đấng thiêng liêng nào có nhiều oai lực đi nữa, họ vẫn bị quả báo như thường.

Người trí thức đúng đắn, không phải chỉ có một số vốn học thức uyên thâm, mà họ cần phải hiểu rõ sự kết cấu giữa nhân quả liên quan để làm thế nào rèn luyện cho thân tâm được hoàn toàn tốt đẹp.

Cái trí tuệ sáng suốt được ca ngợi phải là cái trí tuệ thấu rõ mọi sự biến chuyển của con tâm, nhận định được giá trị của vạn pháp, chẳng hạn như vô thường, khổ não và vô ngã. Tất cả sự nhận định của con người sẽ nảy ra hành động theo sự nhận xét tốt hay xấu.

Rồi trái lại, cái hành động ấy sẽ đưa đến kết quả và sanh ra sự nhận định thứ hai.

Cứ như thế, nếu không tìm hiểu, ta không thể biết được nhân và quả. Vì cái quả nầy sẽ là trợ duyên để gây ra một nhân khác và nhân quả cứ làm trợ duyên cho nhau.

Sở dĩ ta than thở khi ta gặp một nghịch cảnh vì ta đã không hiểu được sự luân chuyển của vạn pháp. Nói một cách khác, cái chi ta làm, cái ấy sẽ đưa đến cho ta.

Tóm lại, tất cả hành vi đều do ta chủ động, nhưng ta cũng sẽ bị động do hậu quả của những hành vi ấy. Vì vậy ta có thể nói rằng: "Cái gì của ta làm nhất định ta phải thọ chịu". Đó là câu Phật ngôn và cũng là câu kết luận vậy.

6.- ATTĀ HI PARAMAṂ PIYO:
NHÂN VẬT ĐÁNG CHO TA THƯƠNG YÊU NHẤT LÀ TA .

Trong tâm hồn của chúng ta, ai cũng có một tình thương bất diệt; nhờ vậy mà nhân loại mới sống yên vui và cảm thấy cuộc đời đầy hạnh phúc.

Tuy thế, lắm lúc ta vẫn thấy có những con người gần như không có tình thương, lòng dạ họ chẳng khác nào sắt đá. Vì những người nầy đã đặt tình thương của họ không đúng chỗ. Họ chỉ biết thương vàng, ngọc, hay hột xoàn quí giá v.v…

Nếu xét lại thì ta thấy dù cho vàng ngọc có quí báu đến đâu, chúng ta cũng không thể hy sinh cho nó hơn là cho ta, nếu phải đương đầu với những sự nguy hiểm rùng rợn. Như một người đang ngủ trong nhà bỗng giựt mình vì thấy lửa cháy, thử hỏi có bao giờ người ấy chỉ lo nghĩ đến đồ đạc trong nhà mà không sợừinh sẽ bị chết cháy hay không? Thế là dù phải vượt qua bao nhiêu khó khăn đi nữa, họ cũng cố hết sức mình để nhảy ra ngoài…

Căn cứ theo đây, ta thấy vật mà ta thương yêu nhất là cái "ta" nầy vậy.

Sau khi đã ý thức được sự quan trọng của cái "ta" chúng ta cần phải làm thế nào để trau giồi cái "ta" cho trọn vẹn. Hiện nay, biết bao người chỉ lo cái "ta" mà phải dầm mưa dãi nắng và đương đầu mọi khó khăn hiểm trở.

Mặc dù nhân loại đã tìm đủ mọi giải pháp để đem lại sự an vui cho cái "ta", nhưng kết quả như thế nào chắc ai ai cũng dư hiểu.

Theo Phật giáo, muốn cho cái "ta" được hạnh phúc an vui, ta cần phải có những giai đoạn thực hành căn bản. Chẳng hạn như thuở ta còn niên thiếu, ta cần phải cố gắng học hành, phải trau giồi đức hạnh và phát triển tài năng riêng biệt của mình .

Ở giai đoạn nầy khó nhứt vì con người thường có những tâm tánh bồng bột nông nổi và mau chán. Nếu ta không cố gắng để đoạn trừ những cái tật nguy hiểm nầy thì chắc chắn ta sẽ khó trở thành một con người đứng đắn và không thể nào tự gọi là ta đã thương ta.

Đến giai đoạn thứ hai là lúc ta trưởng thành, đời của ta lại bắt đầu sống trong những giờ phút gay go. Ta phải tranh đấu để tạo cho có cơm ăn áo mặc và phải cố hết sức khai thác trí tuệ ta để theo kịp đà tiến triển của nhân loại. Trong thời gian nầy, nếu không có những đức tánh nhẫn nại, chuyên cần, tiết kiệm, khiêm tốn, và nhã nhặn thì ta khó mà thâu thập được kết quả tốt đẹp. Đời sống của ta không thoát khỏi cảnh khổ sở đau thương.

Đến giai đoạn thứ ba là giai đoạn lão thành, nhìn lại mái tóc đã điểm sương, làn da bắt đầu nhăn nheo, má cóp, lưng cong biểu hiện cuộc đời sắp tàn và chắc chắn sau khi chết, ta phải thụ hưởng những cái gì mà khi còn sống ta đã tạo. Do đó, ta cần phải bố thí, ngày đêm ta phải cố gắng tu tâm dưỡng tánh theo lời Phật dạy. Có như thế, may ra chúng ta mới hưởng được một phần nào hạnh phúc ở kiếp nầy và kiếp sau.

Nếu đã hiểu rõ những nhiệm vụ tối cần trong đời ta như thế, ta cần phải xem lại để biết rõ: ta đang ở trong giai đoạn nào hầu ta có đủ sáng suốt để hành động và chỉ có sự thực hành theo lời dạy của đấng Chí Tôn, cuộc đời ta mới có nhiều hạnh phúc.

7.- NATTHI ATTASAMAM PEMAM:
KHÔNG THƯƠNG CHI CHO BẰNG THƯƠNG TA.

Sự thương yêu trìu mến tiền tài, danh vọng, bất động sản hay động sản, ta cũng chỉ thương mến bằng sự thương vì lợi dụng thôi, chứ không thể so sánh bằng là thương chính bản thân ta.

Ở đời, ai cũng chỉ thương yêu cái "ta" là hơn cả. Một bằng chứng hết sức cụ thể như có một số người vì yêu vợ thương con hoặc anh, chị, em, họ có thể đổi mạng sống được: hoặc giả họ dầm sương dãi nắng, làm lụng vất vả nhưng đó cũng là chính họ tìm phương tiện để bảo vệ lấy họ vậy. Lại còn có những hạng người vì sân hận, giận hờn đến cực điểm, hay vì sợ sệt thái quá mà treo cổ tự tử, hoặc mượn dòng sông bạc để gởi mình, hoặc mượn chung thuốc độc để kết liễu cuộc đời…cũng chỉ vì quá mê chấp và coi trọng cái "ta".

Theo lý luận trên chứng minh cho ta thấy: người đời vì quá thương yêu cái "ta" mà cố chấp cả mọi sự và mọi việc dầu sự việc ấy, phải hay trái, chánh hay tà, họ không ngần ngại hay ân hận và bắt tay vào việc một cách hăng hái ví như người chiến binh xông pha vào chiến trường nguy hiểm cũng do lòng thương ta muốn bảo tồn giang sang, nòi giống của ta. Bậc thiện trí thức biết suy nghĩ chánh đáng rằng: thương ta phải lo cho ta thoát ra vòng khổ não, sanh tử luân hồi, như thế mới gọi là thương ta thật sự.

Nói tóm lại, ở trên đời nầy, ta chỉ xem ta là trọng hơn cả. Đã xem trọng và muốn bảo tồn cho sự thương ta được vĩnh viễn, ta phải cố gắng lo cho ta mau giải thoát là thượng sách.

8.- ATTANĀYA KATAṂ PĀPAṂ ATTANĀ SAṄKILISSATI:
TA ĐÃ GÂY RA TỘI ÁC, CHÍNH TA PHẢI CHỊU QUẢ KHỔ.

Tội lỗi là một điều rất nhờm gớm mà hàng trí thức hằng chê bai và xa lánh như một vật thối tha hôi hám. Tội lỗi ở đây, chúng tôi có thể tóm tắt chia ra làm 3 loại: Tội gây ra bằng thân, bằng khẩu, bằng ý. Tội bằng thân như sát hại chúng sanh là loài có tâm linh, hiểu biết sự đau đớn. Trộm cắp tài sản của người đã đổ mồ hôi nước mắt tạo ra. Tà dâm vợ con người làm cho phải mất trinh thất tiết. Nói lời dối trá, dã man, nói lời độc ác bạo tàn, nói lời đâm thọc chia rẽ, và nói lời vu vơ vô ích làm tổn phí thời giờ, ấy là tội gây ra bằng khẩu. Sự tham vọng tiền tài và thế lực của kẻ khác, sự thù oán manh tâm hãm hại, sự ngộ nhận sai lạc chân lý là tội phát sanh do ý.

Người nào cố ý gây ra tội lỗi bằng thân, khẩu và ý, người ấy chắc chắn phải chịu sự đau khổ ở kiếp hiện tại và vị lai. Vậy muốn lánh xa điều khổ là sự đau đớn triền miên, ta phải tự tìm một phương thuốc để đoạn trừ những điều ác do thân, khẩu, ý gây ra vậy.

9.- ATTANĀ AKATAṂ PĀPAṂ ATTANĀ VA VISUJJHATI:
TA KHÔNG LÀM TỘI THÌ ĐỜI TA ĐƯỢC TRONG SẠCH.

Tiếng nói "trong sạch" mà trên thế gian nầy ai cũng ca ngợi, tức là sự thanh liêm của con người. Chẳng hạn có một người suốt đời chỉ lo làm ăn không bao giờ lường gạt cướp giựt của ai cả, như thế sẽ được mọi người tặng cho cái tiếng trong sạch.

Tuy nhiên, nếu ta đi xa hơn đó một chút nữa thì ta sẽ thấy hai tiếng trong sạch có một ý nghĩa rất rộng.

Theo Phật giáo thì cái ý nghĩa của hai tiếng trong sạch nầy thường căn cứ trên hai điều kiện thực tế và dễ hiểu: trong tức là không nhơ đục, sạch tức là tinh khiết, không bị bám những cái gì xấu xa. Ví như một tấm kính, chất kính đã được gạn lọc trắng tinh mà ta còn phải giữ gìn kỹ lưỡng không cho những hạt bụi bám vào. Nói tóm lại là sự tinh khiết của vật chất lẫn tinh thần.

Như thế, con người trong sạch chẳng những hoàn toàn trên hành động mà luôn cả lời nói và ý nghĩa nữa.

Nếu phân tách ra, ta nhận thấy sự trong sạch thường ở trong con người có 3 đặc điểm:

A)- KĀYASUCARITA: THÂN PHẢI CAO THƯỢNG.

Tất cả hành động do thân phải luôn luôn đúng đắn, hợp đạo; chẳng hạn như không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Có nhiều người lầm tưởng: ta chân chánh, không giựt của người, sống một cuộc đời "tay làm hàm nhai", là trong sạch rồi. Chứ còn thú vật thì tạo hóa sinh ra để dưỡng nhơn; nếu ta không giết nó để ăn thì làm sao mà sống?

Thưa các bạn! Chúng tôi trộm nghĩ quan niệm ấy có thể sai. Vì nếu nói như các bạn thì chúng ta cũng là nhơn dưỡng hổ hay sao? Thử hỏi nếu trong gia đình ta có người bị cọp bắt, ta có thù oán nó không? Nếu ta thù oán nó thì trong khi ta giết chúng sanh tuy không biết nói chứ nó cũng căm giận, khổ sở như ta.

Một khi đã làm cho chúng sanh khác phải khổ, phải oán hận, thì ta làm sao cao thượng được?

Thế là về phương diện "thân cao thượng" trong Phật giáo thật là tế nhị.

Đây là một bằng chứng hết sức cụ thể, chúng ta cứ lấy đó mà suy ra những điều kiện khác nữa, chẳng hạn như trộm cắp hay là tà dâm…

B) VACĪSUCARITA: KHẨU PHẢI TRỌN LÀNH.

Chúng ta đừng tưởng rằng lời nói của ta rất tầm thường, không có sự hư hại; sự thật thì có nhiều lời nói rất ác độc, chỉ thốt ra một câu, kẻ khác có thể bị hại rồi.

Một vấn đề hết sức thực tế mà chúng ta thường thấy như hiện nay thiếu chi người chỉ dùng những lời nói gạt gẫm làm cho người phải đau khổ, có khi phải thất vọng hủy hoại cả cuộc đời.

Nói tóm lại, hành động còn có thể phân biệt, còn lời nói không thể phân biệt tường tận được vì lẽ lời nói có khi ngọt nhưng rất thâm độc, có khi cộc cằn thô lỗ nhưng lại chứa đựng sự hiền từ.

Vậy thay vì dùng khẩu để nói những lời độc ác cộc cằn làm giảm giá trị của khẩu lại còn gây nên tội ác ta nên dùng khẩu để nói những lời đạo đức hiền lành thì khẩu của ta có giá trị và cao quí biết bao.

C)- MANOSUCARITA: Ý PHẢI TRONG SẠCH.

Chúng ta đã nhận biết rằng nhiều khi hành động và lời nói tuy rất nhã nhặn, đàng hoàng nhưng thâm ý rất xấu, họ tìm mưu nầy kế nọ để sát hại hoặc nhục mạ người. Muốn thân và khẩu được trọn lành, thì ta cần phải chuyên trì nghiêm giữ tâm ý cho trong sạch, đừng cho phóng túng theo ngoại cảnh để phải rơi vào ác pháp là sự tối tăm mê muội.

Xét như thế, nên thay vì để tâm ý phóng túng và suy nghĩ điều độc ác, ta phải điều động bắt nó luôn luôn quay về chân thiện. Có như thế đời ta mới trong sạch cao thượng.

Vậy người Phật tử sau khi đã hiểu rõ sự lợi hại của tam nghiệp thì phải luôn chuyên tâm giữ gìn ngõ hầu trở thành một con người đáng kính và đáng mến.

10.- ATTATTHAPAÑÑĀ ASUCĪ MANUSSĀ:
BỌN NGƯỜI CHỈ VÌ TƯ LỢI, GỌI LÀ NGƯỜI HÔI HÁM.

Theo Phật giáo, con người sống trên thế gian nầy phải thực hành hai điều cần yếu: ATTAHITO lợi cho mình, PARAHITO lợi cho mọi người. Người đã thực hành tròn vẹn hai điều kể trên gọi là người đã làm tròn phận sự của con người cao thượng, và rất đáng được nhân loại ca ngợi ngàn đời như câu: Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Riêng về người chỉ biết tư lợi, không chia sớt miếng cơm manh áo cho mọi người trên hai phương diện vật chất và tinh thần, dầu là của tư hoặc của công, họ cũng giành cho kỳ được cái lợi về mình, ai mất, ai còn, ai đau khổ mặc ai, thậm chí đến các bậc ân nhân của họ như Ông, bà, cha, mẹ…họ cũng không màng.

Chẳng những thế, họ còn sanh lòng tham lam tài sản của kẻ khác, muốn chiếm đoạt địa vị của người về cho mình. Họ đê hèn đến đỗi mọi người đều trông thấy cái cử chỉ đê tiện của họ mà họ chẳng chút hổ thẹn. Hạng người như thế là hạng người sống thừa trong xã hội. Tiếng xấu đồn khắp bốn phương, mọi người nghe đến đều phỉ nhổ và nhờm gớm. Khi họ chết, thỉnh thoảng cũng có người nhắc đến để chưởi rủa hoặc để răn đời, ví như vua Trụ, vua Tần bên Trung Quốc. Vì vậy cho nên đấng Đại giác thuyết: Bọn người chỉ vì tư lợi, gọi là hạng người hôi hám nhất.

11.- ATTTĀNAṂ DAMAYANTI PANDITĀ:
BỰC TRÍ THỨC LUÔN TỰ GIÁO HÓA LẤY MÌNH.

Bực trí thức rất sáng suốt trong việc làm của cá nhân hoặc của đoàn thể. Hành vi của các Ngài rất quý báu minh quang và hợp lý.

Các Ngài luôn luôn đặt sự giáo hóa lấy mình là trọng và trên hết. Nhờ vậy mà thân, khẩu, ý các Ngài rất trong sạch, có đức tin chơn chánh, chẳng hạn như tin nhân loại có nghiệp là của mình; đồng thời không bỏn xẻn trong việc nghĩa, và làm những điều thiện. Bởi thế, những pháp chướng ngại của thân tâm như tham lam, sân hận, si mê không còn là quan trọng đối với các Ngài, và cuối cùng chúng bị tiêu diệt. Thế là con đường đạo quả đã khai mở, chân lý giải thoát viên thành, các Ngài không còn phải trầm mình trong biển luân hồi nữa vì các Ngài đã thoát khỏi vòng vô minh nguy khốn.

Bậc nào có những hành vi cao thượng như trên, Đức Thế Tôn gọi là biết tự giáo hóa lấy mình vậy.

12.- ATTĀNAṂ DAMAYANTI SUBBATĀ:
NGƯỜI CÓ HÀNH ĐỘNG ĐÚNG ĐẮN GỌI LÀ TỰ GIÁO HÓA LẤY MÌNH.

Hành động thế nào gọi là đúng đắn? Ở đây xét theo kinh luật, thì chúng ta thấy việc làm chơn chánh tức là tránh xa điều ác, không bao giờ làm tổn thương đến quyền lợi, hạnh phúc của kẻ khác. Hành động như thế gọi là hành động cao thượng đúng đắn.

Người có hành động đúng đắn tức là đã chế ngự con tâm và đầy đủ uy quyền để điều chỉnh, sai khiến nó làm các điều thiện.

Thói thường, người ta nói hành động và lời nói là phản ảnh của tâm hồn, bởi thế người dễ duôi không giáo huấn con tâm để phải sa vào ác pháp, thì hành động của kẻ ấy rất đê tiện, đốn hèn, phần đông ai cũng chê bai, khinh ghét.

Người nào đã nhận biết sự lợi hại của hành động thì phải lo đào luyện con tâm trở nên chân, thiện, mỹ.

Ta phải tự cải tạo để trở thành một con người cao thượng. Không một đấng tạo hóa, chí tôn nào có đủ năng lực, quyền thế để cứu vớt tội lỗi của ta, nếu ta không biết thương ta và lo cải tạo. Ví như kẻ cắp bị chánh quyền bắt được và buộc tội phải vào tù, thì người thân hay bạn bè không thể nào xin thế tội cho người ấy được, nghĩa là ta phải tự đem ta đến nơi an vui, như Đức Phật đã thuyết: "Phải tự thắp đuốc lên mà đi", hay "Như Lai đã chỉ cho các con một con đường, còn đi hay không là quyền hạn của các con vậy, Đức Phật không cứu vớt những con người ỷ lại và ngoan cố làm điều tội ác mà cũng không rửa tội cho những người chẳng biết ăn năn và bất cần ác thiện.

Sự giáo huấn lấy mình là một điều rất khó nhưng Đức Phật cũng như các bậc Thánh Hiền rất ca ngợi.

Sở dĩ con người hơn loài vật là nhờ trí khôn và sự hiểu biết thiện, ác. Nếu con người không hành theo điều thiện tức là không dùng trí khôn hoặc sự hiểu biết của mình để điều chỉnh hành động, thì con người chẳng khác nào con vật.

Ta hành động đúng đắn thì tâm hồn rất trong sạch, minh mẫn và nhẹ nhàng lương tâm không bị cắn rứt và xấu hổ. Ta luôn luôn hãnh diện với đời vì hành động của ta không bao giờ bất chánh.

Người như thế là người tự giáo huấn lấy mình và biết tôn trọng mình thật sự.

13.- ATTANĀ SUDANTENA NĀTHAṂ LABHATI DULLABHAṂ:
BẬC TỰ GIÁO HÓA LÀ BẬC ĐÃ TẠO CHO MÌNH MỘT NƠI NƯƠNG NHỜ TUYỆT ĐỐI.

Phàm là con người, ai cũng có hai phần: thể xác và tâm thức. Sự quán xét thiện, ác, suy nghĩ tìm tòi hay dở là Tâm. Còn sự hội họp của đất, nước, lửa, gió, gồm có 32 tướng và 12 căn trần, gọi là thân. Nếu Thân và Tâm họp lại thì gọi là cái ta. Bậc nào biết thu thúc cái "ta trở nên chân chánh, có đức tin vững chắc, tâm rộng rãi, hằng giúp đỡ bố thí cho các bậc Sa môn hoặc Bà la môn, cứu vớt người ra khỏi cơn tai biến khủng hoảng và luôn luôn nghiêm trì giới đức, hầu diệt tận phiền não và các pháp chướng ngại, người ấy gọi là đã biết tự giáo hóa.

Bậc có hành động cao thượng như trên, sự tốt đẹp của họ chiếu khắp muôn loài, gần họ ta cảm mến sự dịu dàng khả ái, chơn thiện của họ ngay, họ là mục tiêu gương mẫu xứng đáng, sự cao đẹp của họ có ảnh hưởng lợi ích lớn cho mọi người.

Người biết tự giáo hóa chẳng những đem mình đến nơi cao quý tuyệt đối mà lại còn là một đấng đáng tin cậy của mọi người.

14.- YO CA RAKKHATI ATTĀNAṂ RAKKHITO TASSA BĀHIRO:
NGƯỜI BIẾT GÌN GIỮ THÂN TÂM, THÌ HÀNH ĐỘNG BÊN NGOÀI CỦA NGƯỜI ẤY CŨNG GỌI LÀ ĐÃ ĐƯỢC GÌN GIỮ.

Tất cả loài hữu hình có tâm linh hiểu biết như con người chẳnh hạn, đều có nhiệm vụ cao cả là tự mình phải biết sửa trị huấn luyện lấy mình, còn nếu ta buông lung cẩu thả mặc cho sự đòi hỏi thấp hèn của thể xác hoặc con tâm thì hậu quả chắc chắn là tai hại không ít.

Tất cả những vấn đề xấu xa hay cao quý đều do chính tâm ta gây ra, vì tâm là chủ tể có quyền năng sai khiến.

Người biết giữ gìn thân tâm cao thượng là lánh xa điều ác, chuyên làm điều thiện, tham gia các việc lành, năng tham thiền niệm Phật. Khi tâm đã trong sạch, yên tịnh thì tất nhiên hành động và lời nói không bao giờ gây ra khuyết điểm đáng tiếc. Vì thánh nhân thường nói: "Cử chỉ và hành vi là phản ảnh của tâm hồn. Tâm hồn trong sạch thì cử chỉ và hành vi trong sạch, tâm hồn bợn nhơ ắt hẳn nó sẽ lộ chân tướng đê hèn ra ngoài".

Bởi thế nên khi con người đã tôn nhận câu Phật ngôn vi diệu trên, cần phải cố công giữ gìn bản tâm nếu như ta muốn cho hành động và lời nói khỏi bị người khác chê bai và khinh bỉ.

15.- ATTĀNAÑCE PIYAṂ JAÑÑĀ RAKKHEYYĀNAṂ SURAKKHITAṂ:

NGƯỜI NÀO BIẾT THƯƠNG CÁI TA THÌ PHẢI GÌN GIỮ CHO NÓ ĐƯỢC TRONG SẠCH.

Trên thế gian nầy, không một ai có thể phủ nhận rằng không thương ta. Nếu không thương, tại sao ta lại lo cho ta đầy đủ mọi phương diện vật chất cũng như tinh thần. Không thương cái ta, tại sao mỗi khi không khỏe trong mình là ta lo tìm thầy chạy thuốc? Như vậy chứng tỏ ai cũng thương cái "ta" cả. Nhưng thương cần phải hiểu cho tường tận sự thương ấy. Đành rằng sống trên đời đã có xác thân thì phải lo cho xác thân được đầy đủ sự nhu cầu. Nhưng chúng ta cũng nên hiểu rằng thương ta chẳng phải chỉ lo cho ta được đầy đủ trên phương diện vật chất như ăn sung mặc sướng, hoặc thỏa mãn trò ái dục thường tình, ái ân vị kỷ mà gọi là thương ta thì chưa hẳn là đúng. Người nào quan niệm sự thương ta như thế là giết ta chớ chẳng phải là thương ta.

Vậy phải thương ta bằng cách nào để hợp theo chân lý hầu tránh cái hậu quả khốc hại. Đức Phật dạy: Muốn thực hiện sự thương ta cho hoàn mỹ là phải lo cho ta trở thành một nhân vật cao thượng đúng đắn, nghĩa là phải đào luyện tâm ta mai kia thoát ra vòng trầm luân khổ ải, như vậy mới đáng gọi là biết thương ta và lo cho ta.

16.- PARIYODAPEYYA ATTĀNAṂ CITTAKILESEHI PAṆDITO:
BẬC TRÍ THỨC HẰNG TRAU GIỒI THÂN TÂM CHO ĐƯỢC TRONG SẠCH KHÔNG NHƠ ĐỤC.

Bậc trí thức là bậc anh minh sáng suốt, luôn luôn tìm lợi lạc cho mình và cho cả mọi người, trên hai phương diện vật chất và tinh thần.

Câu Phật ngôn trên đây, Đức Phật có tôn ý dạy các hàng trí thức cần phải tinh tấn thêm, để tẩy trừ những nhơ nhớp của nội tâm ngỏ hầu được trong sạch, hoàn hảo hơn.

Theo kinh luật thì nhơ nhớp kể ra rất nhiều, nhưng nơi đây chúng tôi có thể tóm tắt ba điều chính là: LOBHA. Tâm hằng dính mắc trong cảnh giới: DOSA sự sân hận oán thù; MOHA, sự vô minh lầm lạc, không phân biệt được chính tà, ba điều nầy hằng làm cho thân tâm nhơ nhớp.

Muốn tiêu diệt nó phải dứt bỏ lòng keo kiệt, năng tham thiền niệm Phật, thu thúc thân, khẩu, ý cho được trong sạch tinh nghiêm.

Bậc tri thức nào đã uốn nắn thân tâm được như thế thì sẽ đạt đến đạo quả, đoạn tuyệt phiền não, thoát khỏi vòng tử sanh luân hồi, không còn khổ não nữa.

17.- ATTĀNAÑCE TATHĀ KAYIRĀ YATHAÑÑAMANU-SĀSATI:
NẾU MỖI KHI TA ĐÃ DẠY NGƯỜI ĐIỀU GÌ, THÌ CHÍNH TA PHẢI THỰC HÀNH TRỌN VẸN ĐIỀU ẤY.

Câu Phật ngôn trên Đức Phật có tôn ý hướng dẫn ta đến một con đường chân chánh. Như chúng ta đã nhận thấy cổ nhân cũng như danh nhân đều hòa vào nhip cầu đạo đức, mà con đường chỉ dạy của các vị ấy không khác với Ngài.

Sống trên đời không một nhân vật nào dám tự kiêu, vỗ ngực cho ta có đức hạnh vẹn toàn và sự hiểu biết uyên thâm hơn chúng. Nếu biết rằng ai cũng có lỗi, không lỗi nầy cũng lỗi nọ là chân lý, và nhận sự tương thân tương ái để chia sớt sự hiểu biết cho nhau là tối thượng thì chúng ta phải thực hiện chân lý ấy.

Đã biết là phải chỉ dạy người và chia sớt sự hiểu biết cho nhau là tối trọng, nhưng muốn chỉ dạy người, tốt hơn ta nên chỉ dạy ta trước đã. Khi nào tự nhận thấy là hoàn hảo thì chừng ấy ta mới đáng mặt chỉ dạy sự khôn dại cho mọi người. Tự độ rồi mới độ tha, chớ chẳng phải như một vài quyển kinh viết rằng: chưa độ mình mà độ người là hạnh Bồ tát. Thật ra thì chính Đức Thế Tôn khi còn ở chức vị Bồ tát trải qua 20 A Tăng Kỳ và 100 ngàn đại kiếp, Ngài cũng chưa thiệt thọ thực hiện câu dạy trên, mãi đến khi đạo đầy, quả đủ, trí tuệ đã viên thông, Ngài mới tự lượng là đáng duyên độ đời.

Bởi thế, muốn chỉ dạy người, trước hết ta hãy xét xem ta đã hoàn toàn chưa, còn như chưa thì đừng dạy người là hay hơn cả. Cũng như câu: "Không dòm lỗi mình mà lại dòm người".

Tóm lại, muốn chỉ dạy người thì ta phải thực hành trọn vẹn những điều ta chỉ dạy. Nếu chưa trọn vẹn mà chỉ dạy người thì không ai chịu nghe và tin cả, vì chính thân ta chưa sạch mà đi tắm thân người thì thật là một điều trái với lẽ phải.

18.- ATTANĀ CODAYATTĀNAṂ:
TA PHẢI BIẾT TỰ CẢNH GIÁC.

Công việc mà người làm hằng ngày đều do thân, khẩu và ý điều khiển gọi là nghiệp (KAMMA). Nghiệp chia ra làm hai: nghiệp thiện (KUSALAKAMMA) và nghiệp ác (AKUSALAKAMMA).

Thiện nghiệp cho ta sự hạnh phúc yên vui, còn Nghiệp ác đem đến những hậu quả não nề, đau đớn.

Phần đông con người sợ quả mà không sợ nhân, nên cứ nhẫn tâm làm những điều ác đức, đến khi mang lấy hậu quả tai hại đau khổ thì than trời trách đất. Cho nên muốn thoát khỏi sự khổ, ta phải tạo nghiệp thiện và luôn luôn vun trồng phước đức, thì ác cảnh thương đau sẽ không bao giờ có.

Còn như hiện tại, mỗi khi nghiệp ác phũ phàng kéo đến vây ta, ta phải tự cảnh giác rằng: Xưa kia, ta làm nhiều điều xấu xa, hèn hạ, cho nên hôm nay ta phải bị đày đọa thương đau. Vậy thì từ đây, nếu muốn hết khổ, ta phải chuyên cần tu tập và hành theo thiện nghiệp. Có như thế ta mới được sự an vui vĩnh cửu.

19.- PATIMAṂSE TAMATTANĀ:
PHẢI LUÔN LUÔN CHUYÊN CẦN QUÁN XÉT LẤY TA.

Con người vì phải lăn lộn trong trường đời để mưu cầu sự sống nên gần ác hơn là thiện. Nếu không chuyên cần quán xét sự lợi hại, phải trái, thì thường phải sa vào khuyết điểm đáng tiếc. Trong lúc thế sự quay cuồng như tình trạng hiện nay, ta cần phải giữ gìn cho chu đáo, nếu cứ để cho thân tâm điên đảo, không chịu quán xét để chế ngự những hành vi, ngôn ngữ bất chánh thì ắt là ta phải lâm vào cảnh đau khổ hãi hùng.

Chúng ta phải giữ gìn thân tâm cho kỹ lưỡng ví như người trèo lên đèo cao nguy hiểm, nếu không cẩn thận thì sẽ bị rớt xuống hố tan xương nát thịt.

Chúng ta chẳng nên để cho tâm tự do lung lạc mà phải quán xét như vầy: Ta đã làm gì đây, lành hay dữ, thiện hay ác. Nếu như ác thì ta phải diệt nó ngay, bằng như thiện thì ta phải nung đúc và tinh tiến thực hành thêm. Có như thế đời sống của ta mới hạnh phúc bảo đảm, hằng được mọi người kính yêu. Sống trên đời, ta được hưởng hạnh phúc, đến khi chết chắc chắn ta được sanh nơi nhàn cảnh chẳng sai.

20.- DUGGĀ UDDHARATHATTĀNAṂ PAṄKE SANNOVA KUNJARO:
PHẢI TỰ MÌNH THOÁT KHỎI SỰ PHIỀN NÃO VÍ NHƯ VOI BỊ SA LẦY MÀ THOÁT LÊN KHỎI VẬY.

Phiền não là một chướng ngại rất nguy hiểm, hằng trú ẩn trong tâm trí của con người, khiến cho tâm phải bị nhơ đục để rồi lâm vào sự tham vọng, sân hận, thù hằn, vị kỷ, không nhận biết đường chánh nẻo tà.

Nếu đã lâm vào những điều kể trên, con người không bao giờ được sự an vui. Biết như thế nên Đức Đại bihằng khuyên chúng sanh mau thoát ra khỏi xích xiềng của phiền não ma vương ngỏ hầu tiến đến nơi an vui là NIẾT BÀN tuyệt đối.

Chúng ta đã nhận biết rằng: Phiền não có một mãnh lực vô biên hằng lôi cuốn con người sa vào vô minh và đau khổ. Mãnh lực của phiền não tuy là hùng hậu thật đấy, nhưng chẳng phải không có biện pháp để diệt trừ mà ta đành thúc thủ bó tay quy hàng, để mặc cho phiền não tự do lôi cuốn. Chính Đức Thế Tôn đã dạy rất nhiều phương pháp thần hiệu để tiêu trừ nó.

Chúng ta muốn an vui cần phải phá tan phiền não ví như voi bị sa lầy, khi nghe tiếng trống quân thúc giục hình như có một sức mạnh vạn năng, khiến nó cố gắng thoát khỏi nơi tử địa.

Muốn phá tan phiền não, ta cần phải tiêu diệt tham vọng ích kỷ, thực hành từ bi và nghiêm trì giới đức, cần mẫn tham thiền niệm Phật. Nếu đã thực hành trọn vẹn những phương pháp nầy thì chắc chắn phiền não phải bị tiêu diệt một cách dễ dàng.

Nói tóm lại, chúng ta ai cũng nhận biết rằng phiền não rất nguy hiểm hằng làm cho đời ta đen tối, ta phải diệt tận nó, mặc dù ta mất nhiều công phu vì lực lượng hùng hậu của nó.

21.- ATTĀNURAKKHĪ BHAVA MĀ ADALHI:
NGƯỜI PHẢI LUÔN LUÔN GÌN GIỮ MÌNH, KHÔNG NÊN TỰ THIÊU ĐỐT LẤY MÌNH.

Cái ta rất khó dạy bởi nó hằng bị phiền não và ái dục lôi cuốn vào con đường vô minh tội lỗi. Sức lôi cuốn ấy rất đáng sợ thường đánh bại ta một cách dễ dàng. Phiền não và ái dục nguy hiểm như thế, để kịp thời đối phó ta phải áp dụng mọi biện pháp thích ứng của nhà Phật chận đứng nó lại ngõ hầu khỏi phải sa vào ác pháp. Muốn tảo trừ phiền não và ái dục cho có hiệu quả chắc chắn, ta cần phải hành theo những phương pháp thích ứng sau đây: Phải quán tưởng về tử thi (ASUBHAKAMMATTHĀNA) hay niệm thân (KĀYAGATĀSATI) hầu trừ bớt ái dục. Niệm tâm từ để dập tắt lửa sân hận, oán thù. Suy xét pháp vô thường, khổ não, vô ngã để thấu hiểu kiếp tử, sanh hầu đánh tan màn vô minh đen tối.

Nếu không dùng những biện pháp trên, ta không bao giờ nắm được kết quả vì phiền não và tham vọng là chất lửa rất kỳ quái, không phải như ngọn lửa thường. Mãnh lực thiêu đốt của nó còn hơn ngọn lửa tận thế. Lửa phiền não không có ngọn và cũng chẳng có khói, tóm tắt có 3:

1. RĀGAGGI: Lửa ái dục.
2. DOSAGGI:Lửa sân hận.
3. MOHAGGI: Lửa si mê.

Chúng tôi chỉ giải tóm tắt ba thứ lửa nầy cực kỳ nguy hiểm hằng thiêu đốt người từng phút từng giây, nó có mãnh lực lôi cuốn ta vào con đường vô minh và kết quả là bao sự đau khổ.

Phương pháp diệt tắt phiền não, chúng tôi đã có giải ở đoạn trên. Vậy ai là những bậc trí thức không muốn để cho vô minh làm mờ ám thì phải chuyên cần diệt tắt những ngọn lửa nguy hiểm nầy.

22.- ATTĀNAÑCA NA GHĀTESI:
ĐỪNG TỰ GIẾT TA.

Trong Phật giáo, điều quan trọng nhất là phải tránh xa tội lỗi vì tội lỗi hằng đem con người đến nơi vô minh mờ ám. Người nào dễ duôi, không có lòng từ bi bác ái đối với chúng sanh, rồi hành động điên cuồng, tội lỗi, hoặc nhìn chúng sanh như loài vật phải có trên thế gian nầy để trợ giúp cho ta trong lúc hữu sự; chẳng hạn như các loài gia súc mà chúng ta nuôi nấng trong nhà. Cứ mỗi khi trong gia đình hữu sự, hoặc đến ngày kỵ cơm, giỗ tổ thì ta cứ lôi chúng ra cắt cỗ, nhổ lông để làm mâm cao cổ đầy thiết đãi ông bà. Ta không bao giờ có lòng từ bi đối với chúng sanh mà còn cho đó là lòng hiếu đễ của con cháu đối với tổ tiên.

Những kẻ ấy, Đức Từ Phụ gọi là "Ta tự giết ta". Trái lại, chúng sanh nào muốn hưởng sự an vui, lợi mình và lợi người thì phải biết yêu chuộng tinh thần cao thượng, đừng bao giờ hành động theo lòng dục vọng. Ta không suy xét cho thấu đáo lý nhân quả: trộm cướp của người khi bị bắt phải bị pháp luật trừng phạt, đến kiếp vị lai, phải trả nợ cho người gấp bội v.v…đó là một định luật.

Sự tôn trọng kẻ tu hành như SA MÔN, BÀ LA MÔN, hoặc thương xót kẻ bần hàn, biết dứt bỏ lòng keo kiệt để bố thí, đồng thời ta không khinh bỉ người hoặc giết hại chúng sanh. Đức Phật gọi là Ta không tự giết ta.

23. ATTĀNAṂ NA DADE POSO:
KHÔNG NÊN ĐỂ THÂN TA CHO NGƯỜI SAI KHIẾN.

Đã là người, ai cũng tự túc trong địa vị hiện tại dù là thượng, trung hoặc hạ lưu, đều biết áp dụng tư tưởng để phán đoán sự lợi, hại. Và không bao giờ để cho người thân yêu của ta bị kẻ khác lợi dụng. Nhất là nam nhi thì càng có một tinh thần dũng cảm hơn, lúc nào cũng tỏ ra là người có chí khí và quân tử.

Nhưng Đức Thế Tôn không bao giờ dạy loài người ngã mạng tự cao, không chịu sống hệ thống hoặc đoàn thể, để công tác học hỏi điều hay lẽ phải. Trái lại, lúc nào Ngài cũng dạy dùng lý trí xét đoán, cho thấy rõ đường lối ấy sẽ mang đến lợi lạc thế nào, trước khi ta chịu dưới quyền hướng đạo của người. Bằng không, ta phải gánh lấy sự hối hận đáng tiếc mai hậu.

Do đó, trước khi bắt tay vào việc, ta phải quan sát chu đáo nếu nhận thấy đủ nghị lực để làm tròn nhiệm vụ, thì ta không nên viện lý do gì để cầu cạnh hay nương nhờ kẻ khác.

Ta phải tự hiểu rằng ta cũng là người, nếu người làm việc ấy được ắt ta cũng làm được. Cớ sao ta không làm, ta lại đi cầu cạnh người giúp đỡ. Trí óc ta thua kém người hay sao?

Nói một cách khác, sở dĩ ta có địa vị cao sang không phải ta cầu cạnh ở một cá nhân nào, mà do khả năng đạo hạnh, hành vi tốt đẹp của ta hiện tại đã tạo được đấy thôi.

Tất cả khả năng đạo hạnh đúng đắn ấy chứng tỏ ta đã sáng suốt nhận định, không phú thác thân mình cho kẻ khác một cách vô lý.

Tóm lại, vì người không hiểu được giáo lý nhiệm mầu của Đức Phật nên bị màn vô minh ám ảnh, không thể xét đoán sự lợi hại, mù quáng tin bướng, nghe càn để phải ân hận suốt đời vì không có một ngày mai tươi sáng.

24.- ATTĀNAṂ NA PARICCAJE:
LÀM NGƯỜI KHÔNG NÊN BỎ QUÊN THÂN MÌNH.

Ta đã được sanh làm người, thật là một diễm phúc vô cùng quý báu. Theo Phật giáo thì chúng sanh khó sanh làm người, làm người khó gặp Phật pháp và thực hành theo chánh lý. Như thế ta đã là người và đang sống trong thời kỳ giáo pháp của Đức Thế Tôn còn thạnh hành. Vậy chúng ta chẳng nên dễ duôi hủy bỏ đời mình, trái lại nên tạo cho mình có một đời sống đạo đức, đừng lặn lội theo đường tội lỗi nếu ta vô tình bỏ quên ta, cứ lo tạo những nghiệp ác, không chịu vun bồi cội phúc thì chắc chắn lúc chết phải bị sa đọa vào bốn đường ác khổ. Còn hiện tại ta cũng chỉ là một cây thịt sống thừa trong xã hội.

Người thức thời hiểu rõ được chân lý nhận được giá trị của con người sẽ luôn luôn tự tạo cho mình một đời sống đạo đức; vì chỉ có đạo đức mới là cái nghiệp chắc chắn để giữ vững kiếp người tiến lên trên con đường cao thượng. Bởi thế cho nên dù trước một cảnh ngang trái nát lòng họ vẫn xem thường để vượt qua, hay trước một tai nạn bất ngờ đem đến, họ vẫn tươi cười đón lấy, không ươn hèn bạc nhược chiều theo dục vọng mà quên cả phận sự của chính mình.

Nói tóm lại, ta đã được sanh ra ở đời dù là nam hay nữ ta nên hiểu rõ cái quý báu của kiếp người mà lo vun bồi thiện nghiệp để khỏi bị đọa đày mà muôn đời vạn kiếp khó trở về được.

25.- ATTĀNAṂ NĀTIVATTEYYA:
KHÔNG NÊN HÀNH ĐỘNG QUÁ SỨC.

Con người ai ai cũng có giới hạn về năng lực trên hai phương diện thể xác và tinh thần. Hai năng lực nầy luôn luôn phụng sự cho đời sống của chúng ta. Vì vậy chúng ta chẳng nên tiêu diệt hay làm giảm bớt sức mạnh của năng lực ấy. Kết quả của năng lực nầy là sự an vui của chúng ta. Bởi thế chúng ta cần phải nuôi dưỡng nó, không nên bắt buộc nó phục vụ cho chúng ta quá sức. Nếu dùng nó quá sức, chúng ta phải bị hư hại, như cổ nhân thường nói: "Cái tốt mà muốn làm cho nó tốt quá thường trở nên xấu".

Năng lực của ta cũng vậy, nếu ta lợi dụng nó quá độ chắc chắn sẽ bị nguy hiểm ví như chiếc ô tô nếu chạy nhanh quá sẽ bị lật.

Lại nữa, khi chúng ta muốn hành động một điều gì, ngoài sự suy nghĩ xem có lợi ích cho chính ta và cho chúng sanh khác ra, chúng ta cần phải xem xét lại trường hợp, hoàn cảnh và địa vị của ta đây có đủ để bảo đảm việc làm của ta không. Nếu trường hợp chúng ta làm việc quá sức, ngoài sự suy xét, ngoài sự phán đoán, chẳng những phải gặt lấy sự thất bại mà còn bị người đời chê trách và phỉ nhổ.

26_ ATTADATTHAṂ PARATTHENA BAHUNĀPINAHĀ-PAYE:
KHÔNG VÌ SỰ LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI MÀ ĐỂ MẤT ĐI SỰ LỢI ÍCH CỦA TA.

Đức Phật có dạy các hàng Phật tử rằng: nếu được an vui, ta mới có thể chia sớt sự an vui cho kẻ khác. Vì vậy trước hết ta phải tìm sự lợi ích cho ta. Nghĩa là mọi việc làm của ta đều phải hợp theo lẽ đạo. Như thế ta mới có thể trở thành một người gương mẫu mà dìu dắt kẻ khác. Nếu vì người khác mà ta quên đi sự lợi ích của ta như anh BI có một hạt bí rất tốt, anh có thiện tâm muốn cho mọi người cùng được trồng loại bí này, nên anh không trồng để rút kinh nghiệm và sau này anh có nhiều hạt giống tốt để cho kẻ khác, anh lại đem cho một người khác trồng, đến sau đơm bông kết quả, chưa chắc kẻ ấy đã có lòng rộng rãi như anh mà trái lại họ cứ bo bo giữ lấy giống. Như thế cái mộng muốn đem lợi ích cho mọi người của anh bị thất bại.

Cho nên chúng ta là hàng Phật tử, chúng ta cần phải đắn đo và sáng suốt trong mọi hành động của ta nhất là ta nên làm thế nào đem lại sự lợi ích cả hai mặt: lợi người và lợi mình. Có như như thế ta mới xứng đáng là một Phật tử vẹn toàn.

27.- ATTAÑANGE PI YAṂ JAÑÑĀ NANAṂPĀPENA SANYUJE
NẾU BIẾT THƯƠNG TA THÌ TA KHÔNG NÊN HÀNH ĐỘNG TỘI ÁC.

Ta thương yêu thân này nhất đời, vì nó là nguồn sống duy nhất của ta. Con người sở dĩ phải tảo tần, kinh doanh, thương mãi, cũng chỉ vì muốn chu cấp cho cái thân này đầy đủ để được an vui hạnh phúc.

Tuy nhiên, trên phương diện phụng dưỡng ta phải biết rõ các hành vi của ta có thực hành đúng theo lẽ phải không.

Sự thương ta chẳng phải chỉ cung phụng một cách đắc lực cho xác thân mà phải cố gắng tạo cho ta trở thành một con người trong sạch. Nghĩa là ta phải xa lánh những điều tội lỗi, sống theo chánh nghiệp và chánh mạng. Nếu cứ hành động ác thì ta sẽ trở thành một con người xấu xa, đê tiện, tâm hồn ta lúc nào cũng đầy ác vọng. Do đó khi chết, ta phải sa đọa vào cảnh khổ muôn đời. Như thế nghĩa là ta không thương ta.

Ai là người hiểu rõ chân lý và biết tự thương mình thì hành động của kẻ ấy sẽ không bao giờ độc ác. Chỉ có sự xa lánh nghiệp ác mới là giải thoát pháp duy nhất đưa ta đến con đường cao thượng.

28.- YADATTAGARAHI TADABHUBBAMĀNO:
VIỆC NÀO HẰNG BỊ CHÊ TRÁCH, VIỆC ẤY TA KHÔNG NÊN LÀM.

Các việc làm của con người luôn luôn do thân, khẩu, hành động và ý sai khiến, theo Phật giáo gọi là KĀYAKAMMA: thân nghiệp, VACĪKAMMA: khẩu nghiệp, và MANOKAMMA: ý, nghiệp.

Nói về cái nghiệp (KAMMA) nầy, có hai là: KUSALAKAMMA - thiện nghiệp và AKUSALAKAMMA - ác nghiệp.

Hành động nào không làm cho tâm ta bị cắn rứt, bối rối, lo lắng, các hàng thiện trí thức thường gọi là thiện nghiệp. Ngoài thiện nghiệp ra có biết bao là ác nghiệp. Ai muốn trở thành một con người đạo đức cần phải xa lánh các ác nghiệp ví ác nghiệp hằng bị người chê bai, khinh bỉ. Người hành động theo thiện nghiệp hằng được nhiều người thương mến và kính phục. Lại nữa, tâm của người sống theo thiện nghiệp lúc nào cũng được an vui thư thả, không bao giờ thấy ân hận bởi một hành động hay lời nói nào cả, trái lại còn thấy thỏa thích khi xét kỹ hành động của mình làm là hợp lý.

Như thế sự an vui chỉ đem lại cho người nào có thân, khẩu, ý trong sạch và đoạn trừ các ác nghiệp. Người đã được trong sạch rồi chẳng những hưởng an vui trong kiếp này, còn được hạnh phúc ở kiếp sau.

Tóm lại, chỉ có sự xa lìa những hành động lời nói xấu xa, độc ác mới là nhân đem lại sự an vui tuyệt đối.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05

 

Chân thành cám ơn đạo hữu Huyền Thanh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 07-08-2004