BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Ðại Tạng No. 1451

CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
- Mùla-Sarvàstivàda -

TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ
- Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu -
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)

Hán dịch: Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường, Trung Quốc
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 - TL 1998


Thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn, Ngài là bậc Ứng Cúng, Ðấng Chánh Biến Tri.

Quyển thứ hai mươi bốn

--- ooOoo ---

Khi ấy, đang ở trong nhà của dâm nữ tại thành Ðắc Xoa Thi La, thấy Tăng Dưỡng đến, vua Mãnh Quang hỏi:

- Ngươi đến đây làm gì?

Sau khi Tăng Dưỡng trình bày đầy đủ, vua nói:

- Ðể ta hoan lạc, đợi hết bảy ngày sẽ cùng nhau về.

Qua bảy ngày, vua đi đến núi Thạch-Chữ, tự cỡi voi đi. Voi liền rống lên to tiếng. Cách đó không xa, có người biết xem tướng nghe tiếng voi rống, nên nói rằng:

- Tôi nghe tiếng voi hiểu được ý của nó, ngày đi trăm trạm phải trở lại biển Nam để uống nước cho no.

Nghe nói như vậy, Tăng Dưỡng cùng vua cỡi voi lên đường. Ðến chỗ nhà làm đồ gốm. Thấy có các đồ gốm bị voi đạp bể, thợ gốm buồn rầu. Tăng Dưỡng nói:

- Có những kẻ sống nhờ đất nên như vậy.

Nghe nói, vua có ý ngờ vực, im lặng đi với suy nghĩ: "Lời nói này của Tăng Dưỡng rõ là chê ta vì chỉ một mình ta sống nhờ vào đất nước. Lời này còn có nghĩa gì nữa, sau này sẽ nhớ lại".

Trên đường đi lại thấy voi đạp bể trứng chim chìa vôi đẻ trên đường, làm chim kêu bi thảm, Tăng Dưỡng nói:

- Không nên làm việc đưa đến bi thương.

Ði theo đường, vua suy nghĩ: "Lời nói này lại nhắm chê vào ta, đi đến nhà dâm nữ là việc không nên làm, sau đó sẽ nhớ lại".

Khi voi đi qua dưới một tàng cây bên lề đường, trên nhánh cây có một con rắn đen đong đưa thân xuống muốn mổ vua. Thấy vậy, Tăng Dưỡng rút đao chặt rắn từng đoạn rơi lăn lộn trên đất. Tăng Dưỡng nói:

- Việc không làm được lại cố làm.

Vua lại suy nghĩ: "Lời nói này lại chê vào ta. Ðã ba lần rồi, sau này sẽ nhớ lại".

Một hôm, voi bỗng tốc hành không chịu đi chậm, vừa sắp đến thành. Tăng Dưỡng tâu vua, trước đây có thầy tướng nói rằng voi đi trăm trạm phải đến biển Nam để uống nước cho no. Xem nó đi vội, chắc không chịu ở lại, nên đu nhánh cây để xuống.

Vua và Tăng Dưỡng đu nhánh cây leo xuống, vào một vườn kia, để mặc voi đi tùy ý. Vua bảo Tăng Dưỡng:

- Ngươi hãy đi báo riêng với An Lạc rằng ta đang ở trong vườn cây thơm.

Tăng Dưỡng vội đi báo đầy đủ. Nghe báo, phu nhân vui mừng vô cùng. Nhà vua xấu hổ không đi vào bằng cửa lớn, mà đến cửa nhỏ lấy nước để vào trong cung. Có hai người phụ nữ không biết là vua, nói với nhau:

- T a nghe vua đã về đến.

Người kia nói:

- Theo ý tôi suy đoán hay là vua vào bằng cửa nhỏ này.

Nghe hai người kia nói, vua suy nghĩ " Ta sai Tăng Dưỡng báo riêng cho phu nhân, hắn lại tự ý loan báo khắp cả thành".

Một hôm, không nhịn được trong lòng, vua bảo Tăng Dưỡng:

- Ðối với ta, ngươi đã từng nói ra những lời ác để chê bai, gây bất lợi cho ta. Chẳng phải ta là một người xử dụng cả mặt đất hay sao mà ở chỗ ... ngươi lại nói rằng những kẻ thế này xử dụng mặt đất để sinh sống? Chỗ ... ngươi lại nói rằng làm việc không nên làm đến nỗi bị buồn thương, tức là đến nhà dâm nữ, ta không nên đi. Lại ở chỗ ... ngươi nói rằng việc không nên làm lại cố làm, chẳng phải là nói ta đến gặp dâm nữ là việc không nên làm hay sao?

Lại nữa, khi ta và ngươi ở trong vườn thơm, sai ngươi đến báo riêng với phu nhân, nói ta đã về đang ở tạm trong vườn. Ngươi tự tiện báo khắp cả thành phố. Chính là gây việc bất lợi cho ta.

Tăng Dưỡng kinh hoàng tâu:

- Xin thần kỳ làm chứng soi xét lòng tôi là thật không có chê bai vua.Trước đây, tại nhà thợ gốm, thấy voi đạp bể đồ gốm làm họ buồn rầu nên thần nói rằng những người này sống nhờ vào đất nên như vậy.

Lần sau, trên đường thấy chim nhỏ đẻ trứng trên lối đi, bị voi đạp nát làm chim mẹ kêu bi thương, nên thần nói rằng: Ðây là việc không nên làm vì sinh con trên đường đi.

Sau đó, thấy rắn đu trên nhánh cây muốn mổ vua nên bị chặt mấy đoạn rơi trên đất, thần nói rằng đối với chỗ không nên làm lại cố làm. Ðối với những việc ấy, thần chỉ nói thẳng vào việc đó, chẳng phải chê bai vua.

Lại nữa, việc vua sai vào cung nói riêng với phu nhân mà tự ý đem báo khắp thành cũng không phải như vậy. Thần đi một mình vào báo riêng cho phu nhân, nào dám gây việc bất lợi cho vua.

Vua nói:

- Tuy rằng ngươi phân giải cho là không có lỗi nhưng khi tại cửa nhỏ, ta muốn đi vào thành, chính mắt thấy hai người nữ nói chuyện với nhau. Một người nói vua về, người kia nói đi bằng ngõ này. Nếu không ai nói, làm sao họ biết?

Ðáp:

- Họ là yêu nữ Phi Hành ẩn thân lén nghe tiếng nói của vua chứ thật không phải thần gây việc bất lợi cho vua.

Vua nói:

- Ngươi không có lỗi, hãy an tâm không nên sợ hãi.

Lại nữa, sau khi ta ra đi, có Bà-la-môn nào nói vua không trở lại nên lập vua khác. Nay đúng lúc giết hết bọn chúng.

Ðáp:

- Tạm thời để Bà-la-môn lại, giết kẻ ác Phi-Hành trước.

Vua hỏi:

- Làm sao giết họ?

Ðáp:

- Ta lập mưu kế hy vọng giết được.

Vua nói:

- Trừ kẻ ác là việc tốt.

Ðến gặp người thông hiểu chú thuật con của đại thần trong thành,Tăng Dưỡng hỏi:

- Yêu nữ Phi-hành tàn hại sinh linh, phải lập kế gì để trừ diệt hết.

Ðáp:

- Thưa cha, con có thể bắt được.

Anh ta liền chặt lấy tay người chết biến hóa thành hoa sen xanh, giao cho người đi bán, bảo:

- Ngươi hãy đem hoa này đến chợ bán, nhưng không được bán cho người đếùn mua bằng tiền, nếu họ mỉm cười thì hỏi tên và ghi nhớ lấy hình dáng.

Người ấy làm theo đúng lời dặn, ghi tên được năm trăm người mỉm cười.

Nghe như vậy, vua bảo Tăng Dưỡng:

- Có nhiều người như vậy làm sao giết hết được?

Ðáp:

- Thần đã biết cách, ngài chẳng cần lo.

Ngươi tùy ý làm. Vua nói.

Sau khi chọn một chỗ bên thành, dọn dẹp sạch sẽ, Tăng Dưỡng ra lệnh tuyên bố:

- Vua muốn tổ chức đại hội Vô Già, cầu nguyện chư thần, các chị em nên tập họp lại.

Nghe vua ra lệnh, các cô gái muốn kiếm tài sản nên tụ tập lại. Tuy không tên họ nhưng đều vì tham mà đến, có hơn năm trăm người.

Bấy giờ, người con đại thần dùng chú thuật trói họ lại. Tăng Dưỡng sai người cầm đao giết hết.

Yêu nữ đã hết nhưng còn các Bà-la-môn.Vua nói xong sai người báo khắp nơi, ta đã gây vô số nghiệp bất thiện là giết năm trăm yêu nữ Phi-hành, để cứu giúp cho ta mong các vị hằng ngày nên đến một nơi để thọ thực.

Nghe như vậy, họ rất vui mừng,tập trung lại để thọ nhận. Vua ra lệnh cho môn nhân:

- Ngươi nên đếm kỹ những Bà-la-môn thọ thực, đến báo cho ta biết.

Môn nhân vâng lệnh. Nhà vua lại ra lệnh:

- Những nguời trong thành phố xóm làng nên làm thức ăn ngon cúng dường Bà-la-môn.

Vì tham ăn ngon, các Bà-la-môn vâng lời vua thỉnh, đều tập họp đến. Ăn xong, sắp ra về, môn nhân đếm tổng số có tám vạn người, liền tâu lên vua số lượng ấy.

Cách nào có thể giết được nhiều người trong một lúc.Nghe tâu, vua suy nghĩ như vậy xong, ra lệnh cứ sau lưng một Bà-la-môn đang ngồi ăn, bố trí một đao phủ, khi nghe vua lên tiếng nói lấy lạc thì nhất thời chặt đầu họ.

Sau khi vua ra lệnh, họ làm đúng như vậy, chặt đầu hết số người ấy.

Sau khi đã giết chúng Bà-la-môn, ngay đêm ấy nhà vua mộng thấy đất rung chuyển phát ra sáu tiếng, hư không phát ra sáu tiếng, lại có tám điều mộng khác. Ðất chấn động phát ra sáu tiếng là: Lục, Vô, Ngã, Bỉ, Tâm, Nhược.

Hư không phát ra sáu tiếng là: Chư, Thùy, Bình, Kim, Bỉ, Ngã.

Tám mộng là:

Một: Khắp thân thể được thoa bằng bột thơm chiên đàn trắng.
Hai: Thân thể được rưới bằng nước thơm chiên đàn đỏ.
Ba: Thấy lửa cháy trên đầu.
Bốn: Thấy dưới hai nách thò ra rắn độc lớn.
Năm: Thấy hai cá lý-ngư liếm hai chân mình.
Sáu: Thấy hai ngỗng trắng từ trên không bay đến.
Bảy: Thấy núi đen lớn chạy đến trước mặt.
Tám: Thấy chim bạch-âu phóng uế trên đầu.

Thấy các cảnh mộng như vậy, nhà vua rất sợ hãi, toàn thân nổi ốc, suy nghĩ: "Phải chăng việc này liên hệ đến suy sụp vương vị, thân mạng tổn thất?".

Các vị Bà-la-môn giải mộng được triệu đến hỏi. Họ suy nghĩ: "Mộng tốt này của vua, ta sẽ nói xấu, nếu nói tốt thì ông ta sẽ thêm cao ngạo, tăng thêm ác kiến, các Bà-la-môn khác lại bị giết chết".

Sau khi suy nghĩ, bàn bạc với nhau, họ tâu vua:

- Ðại vương, đấy không phải là mộng lành.

Vua hỏi:

- Hãy nói sẽ có quả báo gì?

Ðáp:

- Mộng này biểu hiện vương vị sắp suy sụp, vua sẽ qua đời.

Nghe như vậy, vua rất buồn rầu ... lại suy nghĩ:"Có phương pháp nào làm cho thân ta an ổn, vương vị vững bền không? Ta hãy đến gặp Tôn giả Ca Ða Diễn Na thưa hỏi việc lành dữ, lẽ nào điềm xấu lại đến với ta?".

Ðến nơi, vua lạy sát chân Tôn giả rồi ngồi qua một bên, kể lại đầy đủ giấc mộng. Tôn giả nói:

- Ðại vương, ngài có hỏi nơi khác về việc này chưa?

Ðáp:

- Thánh Giả! Con đã hỏi nơi khác.

- Hỏi với ai? Tôn giả hỏi.

Ðáp:

- Với các vị Bà-la-môn.

Hỏi:

- Họ nói thế nào?

Vua thưa lại đầy đủ lời họ nói.

Tôn giả đáp:

- Ðại vương! Những kẻ ấy thường hưởng thụ dục lạc, chỉ cầu sinh thiên, ngoài ra nào biết gì. Giấc mộng của vua là điềm lành, không nên sợ hãi. Không phải do việc này mà mất ngôi bỏ mạng. Vì sao? - Như vua được nghe đất có sáu tiếng; đó là điềm báo trước chuyện gì?

- Nên biết đó là lời cùng nhau khuyên răn nhà vua hãy bỏ ác làm thiện. Ngày xưa, có sáu vị vua dùng phi pháp trị đời, sau khi qua đời bị đọa địa ngục. Ðấy là vị vua thứ nhất ở trong địa ngục đang bị cực kỳ đau khổ nên nói kệ với chữ "Lục" đứng đầu:

Lục vạn sáu ngàn năm,
Thiêu nấu trong địa-ngục,
Ðang chịu rất cực khổ,
Không biết khi nào hết?

Vị vua thứ hai nói kệ tức chữ "Vô" thứ hai:

Vô lượng khổ không bờ,
Chẳng biết ngày nào hết,
Chúng ta đều bị đốt,
Do nghiệp ác đã làm.

Vị vua thứ ba nói kệ tức chữ "Ngã" (ta)thứ ba:

Ta được ăn và mặc,
Hợp lý hoặc phi lý,
Người khác ăn, hưởng lạc,
Riêng ta bị khổ đau.

Vị vua thứ tư nói kệ tức chữ "Bỉ" thứ tư:

Thô bỉ thay thân ta,
Có vật không thể bỏ,
Ăn uống không cho người,
Khiến thân không lợi ích.

Vị vua thứ năm nói kệ tức chữ "Tâm" thứ năm:

Tâm thường dối gạt ta,
Trấn áp, ngu si kéo,
Chịu khổ nơi địa ngục
Không ai thay thế được.

Vị vua thứ sáu nói kệ tức chữ "Hoặc" (nếu)thứ sáu:

Nếu ta sinh làm người,
Thường tu tập việc thiện,
Do sức phước nghiệp ấy,
Chắc chắn sinh thiên thượng.

Thế nên sáu tiếng ấy nêu rõ nghiệp trước đây của họ.

- Lại nữa, này đại vương! Sáu tiếng trong không trung là điềm báo trước điều gì? - Nên biết thế này, trong cung của vua có cây tre lớn. Nhiều trùng nhỏ ở trong đó ăn phần mềm đã hết, lan đến phần cứng. Các trùng không vui, sợ không sống được nên cùng nhau nói kệ để báo chủ nhà, tức là chữ "Chư" (những)đầu tiên.

Ăn hết những phần mềm,
Chỉ còn phần vỏ cứng,
Mong vua biết không vui,
Nên thay cho cây khác.

Vua nên bỏ cây tre cũ thay bằng cây mới, làm cho nhiều trùng giữ được mạng sống.

- Lại nữa,vua có người giữ ngựa tên là Cận Thân, trước đây mù một mắt. Hằng ngày người ấy đập phá trứng con trong tổ quạ. Quạ thấy con chết nên oán hận cùng nhau kêu la lên kệ này, tức là chữ "Thùy" (ai) thứ hai.

Ai có thể làm giúp,
Ðâm kẻ kia mù mắt,
Ðể không giết con ta,
Ðể ta không đau buồn.

Vua nên ngăn kẻ kia đừng cho làm vậy nữa.

- Lại nữa, này đại vương! Trong vườn vua, trước đây có ao du ngoạn, mực nước vừa đầy, nhiều cá rùa tôm ếch sống nơi đó. Có một con cò thường bắt cá ăn làm cho ao khô cạn hết nước. Chim thấy như vậy, than thở nói kệ, tức là chữ "Bình"(bằng) thứ ba.

Nước bằng ngang mặt đất,
Có nhiều loại cá rùa,
Bị cò ăn nuôi thân,
Nên nay nước cạn hết.

Vua nên cho nước vào và đuổi cò đi nơi khác.

- Lại nữa, này đại vương! Trong nước của vua có một núi lớn tên Khả Úy.Có hai vợ chồng voi đều bị mù, chỉ nhờ voi con thường xuyên nuôi dưỡng. Voi con đi ra ngoài tìm thức ăn cho cha mẹ, gặp phải voi cái đến kèm nhau đi, dần dần dụ dỗ đem về trói trong vườn. Nó nhớ cha mẹ đau khổ vô cùng, không ăn cỏ nước, nói kệ tức là chữ "Kim"(nay) thứ tư.

Nay cha mẹ cô độc,
Mù, không ai dẫn dắt,
Sống trong chốn rừng sâu,
Ai săn sóc cho ăn.

Vua nên thả voi ấy ra cho về với cha mẹ để vui mừng.

- Lại nữa, trong cung vua có con nai bị nhốt phải xa bầy cũ, lòng nó buồn bã, nói kệ tức chữ "Bỉ" (kia) thứ năm.

Bầy kia đều vui sướng,
Cỏ, nước, đi tùy ý,
Riêng ta bị trói nhốt,
Ngày đêm riêng ưu buồn.

Vua nên thả nó trở lại rừng.

- Lại nữa, trong cung vua có con thiên nga bị nhốt, nhìn lên bầu trời thấy bầy nga bay qua, trong lòng ưu buồn nên nói kệ là chữ "Ngã" (ta) thứ sáu.

Bạn ta đã bay rồi,
Ăn uống tùy ý thích,
Ta có tội nghiệp gì,
Bị trói không muốn sống.

Vua nên phát tâm từ thả cho nó đi.

Lại nữa, vua thấy tám cảnh mộng là điềm báo trước việc gì?

- Như thấy dầu chiên đàn trắng thoa khắp thân thể là điềm báo trước có quốc vương Thắng Phương đem thảm trắng lớn đến dâng cho đại vương, đang đi nữa đường, bảy ngày nữa sẽ đến đây.

- Vua thấy nước chiên đàn đỏ rưới trên người là điềm báo trước có quốc vương Kiền Ðà La đem tấm nỉ lông đỏ đến dâng đại vương, đang đi nữa đường, bảy ngày sau cũng sẽ đến đây.

- Vua thấy lửa cháy trên đầu là điềm báo trước có quốc vương Bàn-Na đem vòng hoa bằng vàng đến dâng lên đại vương, đang đi trên đường, bảy ngày sau cũng sẽ đến đây.

- Vua thấy dưới hai nách thò ra hai rắn độc lớn là điềm báo trước có quốc vương Chi Na đem đến hai bảo kiếm dâng lên đại vương, đang đi trên đường, bảy ngày nữa sẽ đến đây.

- Vua thấy hai cá lý-ngư liếm hai gót chân là điềm báo trước có quốc vương đảo Sư-Tử đem đến một đôi gìày quý báu dâng lên đại vương, đang đi trên đường, bảy ngày nữa sẽ đến đây.

- Vua thấy hai con Bạch-nga từ không trung bay đến là điềm báo trước có vua nước Thổ-Hỏa-La đem đến cặp tuấn mã dâng lên đại vương, đang đi trên đường, bảy ngày nữa sẽ đến đây.

- Vua thấy núi đen lớn tiến đến trước mặt là điềm báo trước có đại vương nước Yết Lăng Già đem voi chúa hai đầu dâng lên đại vương, đang đi trên đường, bảy ngày nữa sẽ đến đây.

- Vua thấy chim Bạch Âu phóng uế trên đầu là điềm báo trước về mẹ Ngưu Hộ và phu nhân An Lạc, tự vua sẽ biết, nhưng không nên có ác tâm với Bà-la-môn nữa.

Nghe giảng giải như vậy, vua Mãnh Quang vui mừng vô cùng như chết sống lại, càng thêm tín ngưỡng, lạy sát chân Tôn Giả từ giã. Về đến cung, vua thi hành đúng như lời tôn-giả dạy bảo, thay cây tre lớn, ngăn cấm người chăn ngựa, đổ nước vào đầy hồ đang khô, thả voi cùng nai và thiên nga. Sau bảy ngày, đúng như lời dự đoán, tất cả các nước đều đến.

Thấy như vậy, đối với tôn-giả, vua càng thêm kính trọng, suy nghĩ: "Những điều may mắn xuất hiện trong cung ta đều nhờ vào phúc lực của Tôn giả vậy ta nên đem tấm thảm lớn cúng dường và sau đó đem vương vị truyền lại tôn gia".

Vua bảo sứ giả:

- Hãy đem tấm thảm này dâng lên Tôn giả Ca Ða Diễn Na.

Sứ giả tuân lệnh đem thảm dâng lên Tôn giả.

Sau đó, vua lại bảo phu nhân An Lạc, thứ phi Tinh Quang, thái tử Ngưu Hộ, Tăng Dưỡng và Ðại thần:

- Các ngươi nên biết, đại vương của các nước đều đem tín vật của nước họ đến hiến cho ta. Các ngươi thích món gì, tùy ý lấy dùng.

An-lạc phu nhân lấy vòng hoa bằng vàng. Thứ phi Tinh Quang lấy tấm nỉ báu lông đỏ. Ngưu Hộ lấy hai tuấn mã. Tăng Dưỡng lấy cặp kiếm. Ðại thần lấy đôi giày báu. Riêng voi quý, vua lấy dùng.

Sau khi vua Mãnh Quang đem phân chia năm vật quý của các nước khác dâng hiến xong, đến gặp Tôn giả, lạy sát dưới chân, ngồi qua một bên, bạch:

- Ðại đức! Việc làm do từ tâm thật rộng sâu khó nói cho hết, con xin kính cẩn đem vương vị dâng lên Tôn Giả, xin ngài từ bi thương xót nhận cho.

Tôn giả nói:

- Thế Tôn có dạy, ngăn các Bí-sô không cho nhận vương-vị.

Vua thưa:

- Như vậy, xin ngài nhận cho nữa nước.

Ðáp:

- Cũng không được.

Vua nói:

- Nếu làm vua là điều Phật không cho vậy hưởng thụ năm dục thật là hợp lý; con xin dâng hiến.

Ðáp:

- Ðại vương! Ðức Phật không cho hưởng thụ các dục.

Vua nói:

- Ðiều này không được vậy xin ngài nhận những vật thọ dụng và thượng thọ dụng để tùy ý xử dụng cho thân thể.

Ðáp:

- Ðại vương chờ tôi thưa với Phật.

- Tùy ý ngài thưa với Phật. Vua nói.

Bấy giờ đang ở tại rừng Thệ Ða, thành Thất La Phiệt, Ðức Phật Ðại Sư biết hết tất cả nên suy nghĩ: "Giả sử Ca Ða Diễn Na không cần dùng đến các vật thọ dụng và thượng thọ dụng nhưng vì những Bí-sô trong tương lai nên nhận lấy.

Sau khi suy nghĩ như thế, đức Như Lai vận dụng tâm thế tục. Theo thường pháp của chư Phật, khi Ngài vận dụng tâm thế tục thì cho đến côn trùng cũng biết ý của Phật. Khi Ngài dùng tâm xuất thế thì Thanh-văn, Duyên-giác còn không thể biết, nói gì đến súc-sinh.

Vì sự việc ấy, biết được ý hướng của Ca-đa-diễn-na nên Thế Tôn vận dụng tâm thế tục khiến cho vị này dùng thiên nhĩ thiên nhãn nghe thấy tất cả.

Tôn Giả bạch Phật:

- Thế Tôn! Bí-sô được phép nhận lấy vật thọ dụng và thượng thọ dụng không?

Phật dạy:

- Vì muốn thương tưởng đến các Bí-sô trong đời tương lai và muốn cho phước báo của thí chủ tăng trưởng nên Ta cho phép được nhận lấy vật thọ dụng và thượng thọ dụng cho Tứ Phương Tăng, chứ không cho cá nhân.

Trong này, vật thọ dụng là ruộng vườn; thượng thọ dụng là bò dê ...

Sau khi thỉnh ý Thế Tôn, Tôn giả thưa với vua Mãnh Quang:

- Vì thương tưởng đến các Bí-sô trong đời vị lai và làm cho thí chủ tăng thêm phước báo, Thế Tôn cho phép tứ phương Tăng nhận vật thọ dụng và thượng thọ dụng.

Nhà vua liền làm chùa lớn, đầy đủ tứ sự cúng dường dâng lên tôn-giả; cúng dường ruộng vườn bò súc vật cho tứ phương Tăng.

Phật bảo các Bí-sô:

- Vào lần đầu tiên Ta cho phép vị Ô Ba Sách Ca cúng dường vật thọ dụng cho tứ phương tăng Thanh văn, đứng đầu là vua Mãnh Quang thành Ôn-Thệ-Ny.

Vào lần đầu tiên Ta cho phép vị Ô Ba Sách Ca cúng dường bánh cho tứ phương Tăng Thanh-văn, đứng đầu là vua Aûnh Thắng, núi Thứu Phong, chúa Ma-yết-đà.

Vào lần đầu tiên Ta cho phép vị Ô Ba Sách Ca cúng dường ngọa cụ cho tứ phương Tăng Thanh văn, đứng đầu là Cấp Cô Ðộc, thành Thất La Phạt.

Vào lần đầu tiên Ta cho phép vị Ô Ba Sách Ca cúng dường Tỳ Ha La (tinh-xá) cho tứ phương tăng Thanh văn, đứng đầu là trưởng giả Thiện Hiền ở Ba Na Ny Tư ...

Nội nhiếp tụng ở trước:

Mãnh Quang nhất thiết thí,
?nh Thắng thí bỉnh sơ,
Ngọa cụ vị Cấp-cô,
Hiền Thiện tạo tăng tự.

Một đêm nọ, vua Mãnh Quang cùng phu nhân An Lạc đang ngồi ăn. Tính vua thích bơ, phu nhân đem một chén bơ để trước mặt vua. Khi ấy, Tinh Quang mặc tấm nỉ quý báu đang đi qua trước hiên. Ánh sáng của tấm nỉ chiếu vào trong phòng như điện quang làm cho vua và phu nhân đều sáng rực lên.

Thấy ánh sáng, phu nhân rất kinh ngạc, hỏi:

- Ðại vương! Cái gì chiếu sáng vậy, là điện quang hay là ánh đèn?

Ðáp:

- Không phải điện quang hay ánh đèn, chính là ánh sáng chiếu ra từ tấm nỉ báu mà Tinh Quang đang mặc.

Vua nói:

- Tấm nỉ báu như vậy mà nàng bỏ ra để lấy vòng hoa vàng, thật không biết xem xét. Chẳng lẽ trong cung ta không có vòng hoa vàng hay sao? Vậy ai nói rằng phụ nữ ngoại quốc biết được vật tốt xấu!

Ðáp:

- Ðại vương! Cô ấy làm sao có trí tuệ này, chẳng phải là ngài đã bảo lấy nỉ báu hay sao?

Vua nói:

- Cô ta tự lấy không phải ta bảo.

Vua và phu nhân vì việc ấy khinh thường nhau, nỗi sân lên, phu nhân ném chén bơ vào đầu vua .

Lấy tay xoa vầng trán rộng bị thương, vua kêu lên:

- Ðầu ta bị vỡ, máu não chảy ra, chắc chết ngay hết đường sống rồi nhưng khi chưa chết hãy giết con ấy trước.

Vua ra lệnh cho Tăng Dưỡng:

- Ngươi hãy giết con An Lạc vô dụng này đi.

Nghe phán, Tăng Dưỡng suy nghĩ: "Vua rất yêu mến bà này, do quá tức giận nên nói vội như vậy, không nên vội vã giết ngay, chờ vua hết giận xem ý của ngài, giết cũng không khó; tạm an trí bà ấy vào chỗ khuất không cho vua thấy".

- Ðúng vậy, thần sẽ giết ngay. Tăng Dưỡng tâu vua rồi đem phu nhân dấu đi.

Sau khi hết giận, vua hỏi Tăng Dưỡng:

- Phu nhân An Lạc đang ở đâu?

Ðáp:

- Ðại vương ra lệnh giết, thần tuân lệnh vua đã giết chết rồi.

Vua nói:

- Ðó là việc lạ, vậy nên giết ta cùng Tinh Quang, Ngưu Hộ, đại thần, ngươi tự quán đảnh làm vua cả nước. Tuy cô ấy có hành động khinh thường ta, hãy răn dạy thì sau đó thay đổi tốt đẹp lại, lẽ nào vì thế mà tử hình ngay!

Tăng Dưỡng nói:

- Vua hãy nghe ví dụ, những người có trí nhờ vào ví dụ mà hiểu được sự việc.

Nội tổng nhiếp tụng:

Văn cưu tử xích thể,
Tam chủng nạn bất ưng,
Quán vô yểm bất miên,
Tổng thu kỳ thất tụng.

Nội nhiếp tụng thứ nhất:

Lâm nội văn cưu tử,
Thọ hạ di hầu vong,
Thử thế tha thế trung,
Tứ manh ám ưng thức.

Ðại vương! Ngày xưa có một danh sơn suối chảy trong mát, cây trái xum xuê. Trên ngọn cây đại thụ có hai chim cưu làm tổ ở đó, hái trái ngon chất đầy tổ mình. Chim trống bảo mái:

- Không nên ăn trái cây trữ ở đây, nên tìm vật khác để tạm nuôi thân. Nếu gặp lúc gió mưa, ta không tìm được thức ăn mới dùng đến chúng.

Chim mái đáp:

- Rất đúng.

Gặp những ngày gió nóng thổi làm cho trái cây trong tổ bị khô nên nhỏ lại.Chim trống hỏi:

- Ta đã nói với em không nên ăn trái này, chờ khi mưa gió mới đem ra ăn. Vì sao em lại tự ý ăn trái vậy?

Ðáp:

- Em không ăn!

- Trước đây, ta chất trái đầy tổ, nay bị khiếm khuyết, không ăn vậy nó đi đâu?

Ðáp:

- Em cũng không biết vì sao bị khuyết giảm.

Hai con chim đều nói không ăn, phân vân tranh cãi nhau đến nỗi chim mái bị chim trống mổ trên đầu mà chết.

Chim trống ở một bên nhìn đống trái, bỗng gặp trời mưa trái nở lớn đầy tổ. Chim trống suy nghĩ: "Nay tổ đầy kín lại, rõ ràng không phải cô ấy ăn".

Nó đến chỗ chim mái, nói lời sám hối:

Cưu đẹp khả ái mau sống lại,
Em không ăn trái làm khuyết tổ,
Nay thấy chổ hở, kín trở lại,
Xin em tha thứ tội cho anh.

Trên không, chư thiên thấy như vậy, nói kệ:

Ngươi cùng chim xinh đẹp,
Vui sống trong núi rừng,
Vì ngu si vô trí,
Giết rồi, mãi khổ đau.

Khi ấy, Tăng Dưỡng lại nói kệ thứ hai:

Như chim cưu ngu kia,
Vô cớ giết đồng loại,
Nào biết bạn chết rồi,
Phải hối hận, buồn khổ.
Ðại vương cũng như vậy,
Vô cớ giận người yêu,
Ðã ra lệnh hành hình,
Rồi tự sinh ưu não.

Thần xin nói ví dụ khác, xin vua biết cho. Xưa có trưởng giả vào mùa thu mang đậu nành giống ra ruộng để trồng, để dưới gốc cây, trở lại chỗ cũ để mang ra tiếp. Trên cây, con khỉ leo xuống lấy trộm đậu. Lấy được một nắm, nó lại leo lên đọt cây. Trong khi chuyền đi trên nhánh, làm rơi một hạt, nó liền thả nắm đậu kia ra theo cây leo xuống tìm kiếm một hạt kia. Trưởng giả thấy vậy, dùng cây đánh nó chết.

Thấy vậy, thần cây nói kệ:
Như con khỉ ngu kia,
Ném nắm, tìm một hạt,
Nên bị người đánh chết,
Ðau khổ đến bỏ mạng.

Trước đây vua sai thần giết phu nhân, vì chút giận nhỏ mà quên đi lợi lớn.Nay muốn gặp lại, việc này làm sao được?

Vua hỏi Tăng Dưỡng:

- Vì sao chỉ một lời nói, lại giết phu nhân đi.

Ðáp:

- Lẽ nào vua không nghe:
Ðại sư không có hai,
Nói ra chỉ một lời,
Quyết định không sai chạy,
Lời của vua cũng vậy.

Vua nói:

- Lòng ta mê mờ rối loạn nên mới sai giết phu nhân, ngươi lại làm theo, nào đúng đạo lý? Chẳng lẽ vua không nghe trên đời có hai việc tối tăm hay sao.

Tăng Dưỡng thưa và nói kệ :

Nay đại vương nên biết,
Ðời có hai việc tối,
Một là mắt bị mù,
Hai là không biết pháp.
Ðời này và đời sau,
Lại có hai loại tối,
Một là tội ác-kiến,
Hai là phá tịnh-giới.

Nội nhiếp tụng thứ hai:

Xích thể không vô dụng,
Chùy cữu duy ưng nhất,
Hoạn hại khởi si tâm,
Khinh tiện sự tu giảm.

Vua nói với Tăng Duỡng:

- Ngươi đã giết phu nhân An Lạc, thân ta như trống trơn.

Ðáp:

- Há vua không nghe trên đời có ba trường hợp trống trơn, chẳng phải là tướng trạng tốt; đó là:

- Sông không nước: trống trơn. Quốc không chúa cũng vậy. Ðàn bà bị chồng chết, không biết hướng về đâu.

Vua nói:

- Ngươi giết phu nhân làm cho trong cung chỉ thấy hoàn toàn trống rỗng.

Ðáp:

- Há vua không nghe trên đời có ba việc hoàn toàn trống rỗng ; đó là:

Ngựa dỡ đi đường chậm,
Dọn ăn không gia vị,
Trong nhà có dâm nữ,
Là ba việc trống rỗng.

Vua nói:

- Phu nhân tốt đẹp kia, chưa hưởng thụ hết năm dục, bị ngươi giết rồi.

Ðáp:

- Há vua không nghe trên đời có ba việc không nên dùng; đó là:

Áo đẹp, kẻ bán than,
Giày dép, người giặt áo,
Gái ở trong cung vua,
Không nên dùng, phải biết.

Ðại vương chẳng phải chỉ có ba, lại có ba loại không nên dùng; đó là:

Hoa nở trong khe tối,
Thiếu nữ giữ trinh tiết,
Chồng đi viễn chinh xa,
Suốt ngày không dùng đến.

Vua nói:

- Ngươi quá vội vàng, giết mất phu nhân tội đáng bỏ vào cối giã.

Ðáp:

- Há vua không nghe có những người khác đáng bỏ vào cối giã.

Thợ mộc không nhắm kỹ,
Thợ may dùng chỉ cũ,
Người lái không nhìn xe,
Cả ba đáng bị giã.

Ðại vương chẳng phải chỉ ba hạng người này đáng bị giã còn có ba loại khác; đó là:

Sứ giả sai sứ khác,
Khiến làm lại sai chuyền,
Gái thích hát vu vơ,
Cả ba đáng bị giã.

Ðại vương chẳng phải chỉ ba hạng người này đáng bị giã còn có ba loại khác; đó là:

Thả bò chạy trong ruộng,
Tà kiến sống rừng sâu,
Thường trong nhà phụ nữ,
Cả ba nên bị giã.

Vua nói:

- Ta chỉ nói một lời, ngươi liền giết phu nhân, thật quá đau khổ.

Ðáp:

- Há vua không nghe trên đời lại có một lời là chắc chắn nhưng có đến ba hạng; ba hạng là:

Vua chỉ nói một lời,
Gái xuất giá một lần,
Thánh giả một lần hiện,
Ba hạng, một lần thôi.

Vua nói:

- Ngươi tự gây việc tai hại, chỉ nghe một lời của ta đã giết chết phu nhân.

Ðáp:

- Há vua không nghe trên đời có ba kẻ tự gây việc tai hại; đó là:

Kẻ yếu lại mang giáp,
Không bạn, có nhiều tiền,
Già yếu lấy thiếu nữ,
Ba việc này tự hại.

Vua nói:

- Ta nghi ngờ ngươi có ý đồ, vì sao chỉ một lời nói mà giết phu nhân.

Ðáp:

- Há vua không nghe rằng trên đời có ba hạng người mà khi gặp người ta sinh nghi ngờ; đó là:

Thấy kẻ ít trí tu hạnh cao.
Thấy kẻ không sẹo xưng dũng mãnh.
Thấy gái già suy nói còn trinh.
Ba hạng này khiến người nghi ngờ.

Vua nói:

- Ngươi rất khinh thường ta, vì sao vội vàng giết chết phu nhân?

Ðáp:

- Há vua không nghe trên đời có ba việc bị người khác khinh thường; đó là:

Ở không, lại nói nhiều,
Mặc y phục cũ dơ,
Người không mời,vẫn đến,
Ba hạng này bị khinh.

Vua nói:

- Ngươi muốn từ từ phát triển kẻ oán với ta, giết phu nhân yêu quý rồi, ta còn gì nữa.

Ðáp:

- Há vua không nghe rằng có những việc cần phải từ từ; đó là:

Ăn cá phải từ từ,
Leo núi cũng như vậy,
Ðại sự không thành ngay,
Ba việc này tiệm tiến.

Nội nhiếp tụng thứ ba.

Tam chủng ngu si nhân,
Ly gián hữu tam biệt,
Hạ phẩm ưng xa liệt,
Gian trá sự ưng tri.

Vua nói:

- Ngươi là kẻ ngu si, vì sao giết phu nhân yêu dấu của ta?

Ðáp:

- Há vua không nghe thế gian có ba tướng ngu si; đó là:

Gửi cho người không biết,
Phục vụ người nóng tính,
Vội làm rồi bỏ ngay,
Là ba tướng ngu si.

Vua nói:

- Ngươi vì chia ly bạn thân của ta nên giết phu nhân.

Ðáp:

- Há vua không nghe có ba loại bị chia ly; đó là:

Bạn nhưng không thân cận,
Thân mật bạn thái quá,
Cầu xin không đúng lúc,
Ba việc sẽ chia ly.

Vua nói:

- Người là hạng người hạ lưu, giết phu nhân của ta.

Ðáp:

- Há vua không nghe có ba hạng người hạ lưu; đó là:

Tham muốn vật của người,
Mến giữ vật của mình,
Vui khi thấy người khổ,
Là hạng người hạ lưu.

Vua nói:

- Ngươi đáng bị xe cán nát vì giết phu nhân của ta.

Ðáp:

- Há vua không nghe có ba hạng đáng bị xe cán chết; đó là:

Vụng dại mà làm máy,
Vẽ không biết màu sắc,
Trẻ khỏe không nghề nghiệp,
Ba hạng này đáng chết.

Vua nói:

- Ngươi rất gian trá, giết phu nhân của ta.

Ðáp:

- Há vua không nghe có ba vật gian trá; đó là:

Gái lấy chồng ba lần,
Xuất gia sống thế tục,
Chim bị bẫy thoát lồng,
Ba hạng biết gian trá.

Nội nhiếp tụng thứ tư.

Nan đắc vi tha sự,
Cô độc sự đa hư,
Tương vi hợp trọng đả,
Thất khứ hành vô ích.

Vua nói:

- Phu nhân khó có, đã bị ngươi giết rồi.

Ðáp:

- Há vua không nghe, thế gian có bốn việc khó có; đó là:

Ðầu thỏ khó có sừng,
Lưng rùa khó có lông,
Dâm nữ khó một chồng,
Trẻ xảo khó nói thật.

Vua nói:

- Ngươi vì người khác, giết phu nhân của ta.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bốn hạng người vì người khác; đó là:

Nhận vật gửi của người,
Bảo hộ, làm chứng người,
Ði đường không lương thực,
Kẻ ngu làm việc này.

Vua nói:

- Ngươi giết phu nhân làm ta sống một mình.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bốn việc một mình; đó là:

Khi sinh, một mình đến,
Khi chết, một mình đi,
Gặp khổ, một mình chịu,
Luân-hồi, đi một mình.

Vua nói:

- Ngươi làm việc hư nhiều thật ít, giết phu nhân của ta.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bốn việc hư nhiều thật ít; đó là:

Nghèo khổ xin với người,
Trứng cá và hoa táo,
Mùa Thu nổi nhiều mây,
Hư nhiều mà thật ít.

Vua nói:

- Hành động của ngươi thật là trái nghịch nhau, giết phu nhân của ta.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bốn việc trái nghịch nhau; đó là:

Hình, bóng và sáng, tối.
Ngày, đêm cùng thiện, ác.
Trên đời bốn việc này,
Chúng thường trái nghịch nhau.

Vua nói:

- Ngươi đáng bị đánh thêm, giết phu nhân của ta.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bốn việc đáng đánh đập; đó là:

Vải đánh đập thêm láng,
Lừa có đánh mới đi,
Vợ bị đánh nghe chồng,
Trống phải đánh mới kêu.

Vua nói:

- Giết phu nhân ta, ngươi hãy đi mất đi.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bốn việc đi mất; đó là:

Gió thổi bụi bay mất,
Tiếng ồn mất giọng ca,
Phục vụ người vô dụng,
Nghịch lại bậc có đức.

Vua nói:

- Ngươi làm việc không thích hợp, giết phu nhân của ta.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bốn việc không thích hợp; đó là:

Làm vua mà nói dối,
Y sĩ bệnh dịch tả,
Sa-môn nỗi phẫn nộ,
Bậc trí làm việc ngu.

Vua nói:

- Ngươi làm việc vô ích, giết phu nhân của ta.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bốn việc vô ích; đó là:

Thắp đèn dưới mặt trời,
Mưa rơi xuống biển lớn,
Ăn no lại ăn thêm,
Phục vụ người ở không.

Nội nhiếp tụng thứ năm.

Bất ưng sự bất quán,
Bất thiện hợp khu khước,
Kinh bố bất hân xả,
Khát ức nan tư ưu.

Vua nói:

- Ngươi làm việc không nên, giết phu nhân của ta.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bốn việc không nên làm; đó là:

Người không thưa, cố dạy,
Thuyết pháp cho kẻ ngủ,
Xin không được, cố xin,
Ðấu sức với trẻ mạnh.

Vua nói:

- Ngươi không chịu xem kỹ, giết phu nhân của ta.

Ðáp:

- Tuy thần không xem kỹ nhưng có bốn việc nên xem kỹ; đó là:

Dũng sĩ đánh nên xem,
Chú trừ độc nên xem,
Thân tộc họp nhau ăn,
Giảng nghĩa hay, nên xem.

Vua nói:

- Ngươi giết phu nhân là việc bất thiện.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bốn việc bất thiện; đó là:

Tại gia không siêng làm,
Xuất gia có tham dục,
Vua không biết mưu tính,
Ðại đức bị nổi sân.

Vua nói:

- Ngươi giết phu nhân ta, thật đáng đuổi đi.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bốn việc đáng đuổi đi; đó là:

Lái xe làm xe đổ,
Không lường được sức bò,
Bò cái nhiều sữa cặn,
Phụ nữ sống nhà cha.

Vua nói:

- Giết phu nhân ta, thấy ngươi thật đáng sợ.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bốn việc không nên sợ mà sợ; đó là:

Chim ri và chìa vôi,
Cò trắng và nhạn xanh,
Cả bốn loại chim này,
Thường có tâm sợ hãi.

Vua nói:

- Ta không có phu nhân, lòng không vui thích nữa; vì sao ngươi giết đi.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bốn việc không vui thích; đó là:

Vượn không thích xóm làng,
Cá rùa trên núi đá,
Trộm chẳng thích thiền thất,
Cuồng phu chán vợ mình.

Vua nói:

- Giết phu nhân của ta, ngươi đáng vứt bỏ đi.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bốn việc đáng bỏ; đó là:

Vì nhà, bỏ một người.
Vì làng, bỏ một nhà.
Vì nước, bỏ một làng.
Vì thân, bỏ cả nước.

Vua nói:

- Ngươi giết phu nhân, ta khao khát nhớ, biết bao giờ thỏa mãn.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bốn việc không sao thỏa mãn; đó la ø:

Cỏ không thỏa mãn lửa.
Dâm vợ người không thỏa.
Khát uống một bụm nước.
Uống rượu người khó thỏa.

Vua nói:

- Ngươi giết phu nhân của ta là việc khó suy lường.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bốn việc khó lường; đó là:

Vua chúa giận khó lường.
Giữa đường bỗng gặp giặc.
Phụ nữ đánh trong nhà.
Suy nghĩ đến vật cho.

Vua nói:

- Ngươi giết phu nhân thật đáng thương xót.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bốn việc đáng thương xót; đó là:

Già cả lòng dâm dục.
Ác phụ bị chồng đuổi.
Dâm nữ tuổi già suy.
Xuất gia có sân hận.
Như vậy bốn việc này,
Ðều thật đáng buồn thương.
Nội nhiếp tụng thứ sáu:
Vô yếm khả ái sự,
Bất cộng tiếu đoạt tài,
Bất cộng tranh ác tâm,
Vô y bạn bất tín.

Vua nói:

- Ta nhìn phu nhân An Lạc không chán, ngươi lại giết đi.

Ðáp:

- Há vua không nghe có năm việc không chán; đó là:

Vua chúa và voi chúa.
Danh-sơn và biển lớn.
Tướng hảo của Thế Tôn.
Nhìn mãi không biết chán.

Vua nói:

- Phu nhân đáng yêu, ngươi lại giết đi.

Ðáp:

- Há vua không nghe có năm việc đáng yêu; đó là:

Tướng đẹp, nhà danh giá,
Nhu hòa, không làm ác,
Ðủ đức hạnh phụ nữ,
Người ấy thật đáng yêu.

Vua nói:

- Ta không cùng ngươi vui chơi vì giết phu nhân.

Ðáp:

- Há vua không nghe có năm việc không nên cùng nhau vui chơi; đó là:

Trẻ con và rắn độc,
Trẻ hoạn, người bất thường,
Kẻ tùy tiện vô trí,
Không nên chơi cùng họ.

Vua nói:

- Ngươi giết phu nhân là đoạt tài vật của ta.

Ðáp:

- Há vua không nghe có năm việc đoạt tài vật của người; đó là:

Ca múa và uống rượu,
Kẻ trộm và cai ngục,
Vương gia thường qua lại.
Năm loại cướp của người.

Vua nói:

- Ngươi giết phu nhân của ta, nay không thể tranh cạnh với ai được.

Ðáp:

- Há vua không nghe có sáu việc không nên tranh cạnh; đó là:

Ðại phú và quá nghèo,
Hạ tiện, cực cao quý,
Quá xa và quá gần,
Sáu việc không nên tranh.

Vua nói:

- Ngươi có ác tâm giết phu nhân của ta.

Ðáp:

- Há vua không nghe có sáu hạng người ác tâm; đó là:

Tuy gặp không nhìn nhau,
Chống trái không thân cận,
Ua nói lỗi của người,
Cho chỉ mong báo đáp,
Bố thí tính chuyện đòi,
Là tướng trạng tâm ác.

Vua nói:

- Ngươi giết phu nhân, ta không có nơi nhờ cậy.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bảy việc không nên nhờ cậy; đó là:

Lão tăng bệnh,vua ác,
Gia trưởng già, ác khẩu,
Không hiểu rõ pháp luật,
Bệnh nặng không thầy thuốc,
Không nghe tôn trưởng dạy,
Bảy việc không nương tựa.

Vua nói:

- Ngươi giết phu nhân, không xứng là bạn.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bảy hạng không xứng là bạn; đó là:

Người chơi đùa, trẻ cười,
Kẻ cờ bạc, dâm nữ,
Mê rượu, giặc, hoàng-môn,
Bảy hạng không là bạn.

Vua nói:

- Ngươi giết phu nhân, không nên tin tưởng.

Ðáp:

- Há vua không nghe có bảy hạng khó tin ; đó là:

Nước sâu bằng cổ họng,
Khỉ vượn và voi, ngựa,
Rắn đen, trẻ để chỏm,
Mặt gầy ít râu tóc,
Bên bảy hạng thế này,
Không nên tin tưởng lắm.
Nội nhiếp tụng bảy:
Bất thùy cập bất dục,
Cửu não vô bi tâm,
Thập ác bất tương vi,
Thập lực phu nhân hiện.

Vua nói:

- Ngươi giết phu nhân, ta không ngủ được.

Ðáp:

- Há vua không nghe trên đời có tám việc làm người ta không ngủ được ; đó là:

Bệnh sốt, bệnh gầy và ho hen.
Bệnh nghèo, suy nghĩ và quá giận,
Tâm đang kinh sợ, bị giặc bắt.
Gặp tám việc này không ngủ được.

Vua nói:

- Ngươi giết phu nhân, ta không ưa ngươi nữa.

Ðáp:

- Há vua không nghe trên đời có tám việc không nên ưa muốn; đó là:

Bệnh, già, chết, đói, nghèo,
Ái biệt ly, oán hội,
Mưa đá phá cả nước,
Tám việc người không muốn.

Vua nói:

- Ngươi gây ưu buồn cho ta vì giết phu nhân.

Ðáp:

- Há vua không nghe trên đời có chín việc ưu buồn ngay trong hiện tại phải chấp nhận; đó là:

Ai yêu kẻ thù ta,
Ghét bạn tốt của ta,
Và ghét bản thân ta,
Ðã làm, đang, sẽ làm.
Nếu có chín việc ấy,
Cần phải giải tỏa ngay,
Không được sinh thù hận,
Tự khổ, gây khổ người.

Vua nói:

- Ngươi không có tâm bi, giết phu nhân của ta.

Ðáp:

- Há vua không nghe trên đời có mười hạng người không có tâm bi ; đó là:

Ðồ tể giết heo, bò, dê, gà,
Bắt chim, bắt cá, săn cầm thú,
Bẫy thỏ, ăn cướp, làm hàng thịt.
Mười việc ác này không tâm bi.

Vua nói:

- Ngươi là kẻ hung ác, giết phu nhân của ta.

Ðáp:

- Há vua không nghe con người có mười điều ác; đó là:

Tiếng ác, miệng ác, không xấu hổ,
Bội thân, vong ân, không từ bi,
Giặc cướp, trộm cắp, ăn một mình,
Nói lời tà kiến, là mười việc.

Vua nói:

- Ngươi làm việc mâu thuẫn, thật không đáng tin vì giết phu nhân của ta.

Ðáp:

- Há vua không nghe có mười việc mâu thuẫn; đó là:

Mặt trời, trăng, lửa, nước,
Ðồng nữ và phụ nữ,
Bí-sô, Bà-la-môn,
Kẻ lõa hình, phân người.

Mặt trời mâu thuẫn: Là mùa Ðông mặt trời gần nhưng không nóng lắm, mùa xuân ở rất xa nhưng rất nóng độc.

Mặt trăng mâu thuẫn: Những ngày đầu còn nhỏ mọi người đều lễ bái, đến khi tròn lớn, chẳng ai lễ nữa.

Tướng lửa mâu thuẫn: Khi bệnh nhiệt lại cần hơ nóng, bị mụt nóng phải hơ lửa mới bớt.

Tướng nước mâu thuẫn: Vào tháng mùa Ðông, nước ao hồ lạnh ngắt, không ai múc uống cả, nước giếng ấm nhưng ai cũng uống. Tháng mùa Xuân nóng, nước ao ấm nóng, mọi người đều uống, nước giếng mát lạnh, người không thích uống.

(Ðây là căn cứ theo sự việc của các nước phương Tây mà luận về mâu thuẫn).

Ðồng nữ mâu thuẫn là khi chồng chưa cưới thường nhớ đến nhà chồng, ngay khi đám cưới, thường khóc lóc và nhớ nhà mình.

Phụ nữ mâu thuẫn là khi còn trẻ tuổi ai cũng ưa nhìn, khi đi lại mặc quần áo che dù kín thân thể, khi già cả không ai muốn nhìn nữa lại bày đầu mặt ra đi trên đường.

Bí-sô mâu thuẫn là khi còn trẻ tuổi ăn uống biết ngon, ăn xong tiêu hóa ngay nhưng khó có thức ăn. Khi già cả ăn uống không biết ngon, ăn khó tiêu hóa nhưng được cúng dường phong phú.

Bà-la-môn mâu thuẫn là nếu trẻ con lên bảy tuổi chưa phát dục lại bắt chúng thọ giới trong năm năm chuyên cần tu tập phạm hạnh. Ðến tuổi thanh niên, dục tình mạnh mẽ lại không ngăn cấm nên buông lung làm sai quấy.

Lõa hình mâu thuẫn là như ngoại đạo lõa hình mặc y phục khi trong phòng, khi ra ngoài trái lại không mặc mà lõa hình.

Phân người mâu thuẫn là khi còn ướt nổi trên mặt nước, khi khô cứng lại chìm dưới nước.

Ðây là mười việc mâu thuẫn nhau.

Vua nói:

- Này Tăng Dưỡng! Hãy bỏ qua việc này không cần nói nữa, ta hỏi lại phải nói thật, dựa vào thế lực nào giết phu nhân của ta?

Ðáp:

- Ðại vương! Tôi dựa vào đâu để có thế lực để dám hại phu nhân. Ðại vương nên biết, Thầy của Tôn giả Ca-Ða Diễn Na là đức Phật, Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn có trí lực tự tại, là vua chánh pháp, thành tựu mười lực thù thắng, trí tuệ viên mãn chuyển bánh xe đại phạm, rống lên tiếng rống của sư tử, ấy mới gọi là có đại thế lực. Mười lực là:

Một: Trí lực biết rõ xứ và phi xứ. Vì có thể thành tựu được trí lực thù thắng về xứ như vậy, nên đầy đủ trí tuệ chuyển đại Phạm Luân, rống tiếng sư tử giữa bốn chúng.

Hai: Như thật tri nghiệp báo ba đ?i các chúng sinh, nhân duyên dị thục của xứ hay sự.

Ba: Biết như thật về thanh tịnh và phiền não của các tịnh-lự, giải thoát, tam-ma-địa, tam-ma-bát-đề.

Bốn: Như thật tri về căn tính sai khác của chúng sinh.

Năm: Như thật tri về sự thắng giải khác nhau của chúng sinh.

Sáu: Như thật tri về các loại thế giới.

Bảy: Như thật tri về các hành nghiệp đưa đến tất cả cảnh giới.

Tám : Nhớ rõ các chỗ đã sinh từ một đời hai đời cho đến 10 đời, 20, 30, cho đến trăm ngàn đời, vô lượng đời; thành kiếp hoại kiếp cho đến vô lượng kiếp thành hoại, đều nhớ rõ hết chủng loại như vậy, chúng sinh như vậy ... ta ở nơi ... tên ... giòng họ ... ăn uống ... như vậy, khổ vui ... như vậy, thọ sinh như vậy, tuổi thọ dài ngắn, chết đây sinh kia, những đất nước nơi chốn đã từng sinh đến, đều nhớ hết cả ...

Chín: Lại được thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân thấy rõ sự sinh tử, hình thể với màu sắc xấu đẹp, giòng họ sang hèn, sinh đến các nẻo thiện ác đều tùy theo nghiệp của chúng sinh.

Lại như thật tri những chúng sinh nào có hành động ác về thân, ngữ, ý, phỉ báng hiền thánh, tâm sinh tà kiến, do nghiệp ác này làm nhân duyên, sau khi qua đời sinh vào địa-ngục. Nếu có chúng sinh có hành động thiện về thân ngữ ý, không phỉ báng hiền thánh có chánh kiến, do thiện nghiệp này làm nhân duyên sau khi qua đời sinh vào thiên giới.

Mười: Như thật tri về được các lậu đã hết, tâm giải thoát khỏi các lậu, tự mình giác ngộ chứng pháp viên mãn: "Ta sinh đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau".

Thành tựu mười lực này là bậc thù thắng, đầy đủ đại trí tuệ chuyển đại phạm luân, rống lên tiếng sư tử giữa bốn chúng.

- Này đại vương! Ðây là đức Như Lai có đại thế lực không ai hơn được nên gọi là có thế lực.

Nghe Tăng Dưỡng thuyết giảng các yếu nghĩa xong, vua Mãnh Quang im lặng không đáp được.

Vua đã im lặng không đáp được lời nào, cần gì đùa gạt với nhau thêm nữa, ta nên đưa phu nhân ra.

Tăng Dưỡng suy nghĩ như vậy rồi đưa phu nhân xuất hiện nước mắt tràn mi, cung kính lạy sát hai chân vua, nói kệ trần tình tạ lỗi:

Xin vua nhờ đây, rõ vô thường,
Lần lượt truyền nhau theo gia-pháp.
Vương pháp thấy ác, không thi hành,
Phu nhân An Lạc mong được tha.
Lời hay trên đời, vua đã nghe.
Thần nhờ hỏi đáp để trần thuyết,
Sức vua điều được voi dữ lớn,
Huống chi vợ yêu làm việc trái,
Biết tôn trọng chồng, vợ đủ đức,
Thủy chung đoàn tụ, chỉ lần này.
Thần thấy đại vương còn trầm ngâm.
Hiện nay, phu nhân mong dung thứ.
Trông thấy phu nhân, vua rất vui mừng, nói kệ hay đáp lời Tăng dưỡng:
Khanh nói lời hay đẹp như vậy,
Ðều vì lòng thương đối với ta,
Nay ban cho khanh thành Khúc Nữ,
Ta tha thứ tội cho phu nhân.

CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ

TỲ-NẠI-DA-TẠP-SỰ

Quyển hai mươi bốn hết.

-ooOoo-

Ðầu trang | 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 |
 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 |

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Tâm Hạnh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 03-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 01-03-2002