Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Tìm hiểu PHÁP HÀNH THIỀN TUỆ - Tỳ khưu HỘ PHÁP

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


PHẦN I

BẮT ÐẦU VÀ CUỐI CÙNG CỦA PHÁP HÀNH THIỀN TUỆ


Pháp hành thiền tuệ (Vipassanābhāvanā) bắt đầu từ khi Ðức Phật xuất hiện trên thế gian này, và tồn tại trong khi giáo pháp của Ngài đang lưu truyền. Nhưng đến khi giáo pháp của Ðức Phật từ từ bị tiêu hoại, thì pháp hành thiền tuệ này bị tiêu hoại trước tiên. Bởi vì các hàng Phật tử là Bậc xuất gia và tại gia cư sĩ không còn ai hiểu rõ phần lý thuyết của pháp hành thiền tuệ và dĩ nhiên cũng không còn ai thực hành đúng theo pháp hành thiền tuệ nữa. Ðó là lúc cuối cùng của pháp hành thiền tuệ, mặc dầu giáo pháp của Ðức Phật có thể còn lưu truyền trên thế gian đến 5.000 năm.

I.1 SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA ÐỨC PHẬT GOTAMA

Tiền thân của Ðức Phật Gotama là Ðức Bồ Tát Setaketu ở cõi trời Tusita (Ðâu xuất đà thiên). Khi ấy, chư thiên, Phạm thiên trong 10 ngàn thế giới đến kính thỉnh Ðức Bồ Tát rằng:

- Kính bạch Ðức Bồ Tát Setaketu, nay đã đến lúc, đúng thời, chúng con xin kính thỉnh Ngài giáng sanh làm người, để trở thành Bậc Chánh Ðẳng Giác tế độ chúng sinh.

Ðức Bồ Tát Setaketu quán xét 5 điều:

- Thời kỳ tuổi thọ con người: Khoảng 100 năm.
- Châu để tái sanh: Nam thiện bộ châu.
- Quốc độ tái sanh: Trung Ấn Ðộ, kinh thành Kapilavatthu.
- Dòng dõi tái sanh: Hoàng tộc Sakya.
- Thời gian tuổi thọ Phật mẫu: Chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī có tuổi thọ còn đúng 10 tháng lẻ 7 ngày.

Ðức Bồ Tát quán xét thấy đầy đủ 5 điều như trên, nên Ngài nhận lời thỉnh cầu của chư thiên, Phạm thiên.

Ðức Bồ Tát sau khi chuyển kiếp từ cõi trời Tusita, do thiện nghiệp cho quả tái sanh vào lòng Phật Mẫu Mahāmāyādevī, là chánh cung Hoàng hậu của Ðức vua Suddhodana trị vì xứ Kapilavatthu, nhằm vào ngày rằm tháng 6 (âm lịch). Lúc ấy, Hoàng hậu Mahāmāyādevī ở độ 55 tuổi 6 tháng 20 ngày. Hoàng hậu mang thai tròn đúng 10 tháng, đến ngày rằm tháng tư (âm lịch), Ðức Bồ Tát đản sanh tại vườn Lumbinī.

Sau khi Ðức Bồ Tát đản sanh, Ngài bước đi bảy bước [1], mỗi bước đi có một đóa hoa sen nâng đở dưới bàn chân, đến bước thứ bảy Ngài dừng lại rồi dõng dạc tuyên bố cho khắp mười ngàn thế giới chúng sinh biết rằng:

"Aggo’ham’asmi lokassa,
Jeṭṭho’ham’asmi lokassa,
Seṭṭho’ham’asmi lokassa,
Ayamantimā jāti,
Natthi dāni punabbhavo".
[2]

"Ta là bậc cao cả nhất trong toàn thế giới chúng sinh,
Ta là bậc vĩ đại nhất trong toàn thế giới chúng sinh,
Ta là bậc tối thượng nhất trong toàn thế giới chúng sinh,
Kiếp hiện tại này là kiếp chót của ta,
Ta không còn phải tái sanh kiếp nào nữa".

Ðức Bồ Tát được đặt tên là "Siddhattha", Ngài có đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Sau khi Ðức Bồ Tát đản sanh được bảy ngày, thì Hoàng hậu Mahāmāyādevī quy thiên, được tái sanh lên cõi trời Tusita, trở thành thiên nam Santussita.

Khi Thái tử Siddhattha trưởng thành, năm lên 16 tuổi, được Ðức Phụ Vương truyền ngôi báu và thành hôn cùng công chúa Yasodhara. Ðức vua Bồ Tát trị vì thiên hạ, đem lại sự an lạc hạnh phúc cho mọi người.

NGUYÊN NHÂN ÐỨC BỒ TÁT ÐI XUÁT GIA

Những sự kiện xảy ra theo tuần tự thời gian, khiến Ðức Bồ Tát quyết định đi xuất gia.

* Lần đầu tiên vào ngày rằm tháng 6, Ðức vua Bồ Tát đi du ngoạn vườn Thượng uyển. Trên đường đi, bỗng nhiên Ngài nhìn thấy một người già, do chư thiên biến hóa để làm cho Ngài phát sanh động tâm (saṃvega). Thật vậy, Ngài chưa từng nhìn thấy người già như thế bao giờ, cho nên Ngài suy tư: "Chắn chắn ta cũng có sự già như thế, không thể tránh khỏi sự già được", nỗi ưu tư tràn ngập trong lòng, không còn muốn đi nữa, Ngài truyền bảo người đánh xe đưa Ngài hồi cung.

* Lần thứ nhì, cách 4 tháng sau, vào ngày rằm tháng 10, Ðức vua lại đi du ngoạn vườn Thượng uyển. Trên đường đi, lần này Ngài nhìn thấy một người bệnh, cũng do chư thiên biến hóa. Cũng như lần trước, Ngài suy tư: "Chắc chắn ta cũng có sự bệnh như thế, không thể tránh khỏi sự bệnh được", tâm trạng u buồn, Ngài truyền lệnh bảo người đánh xe đưa Ngài hồi cung.

* Lần thứ ba, cách 4 tháng sau, vào ngày rằm tháng hai, để vơi bớt nỗi buồn, Ðức vua lại muốn đi du ngoạn vườn Thượng uyển. Trên đường đi, bất chợt Ngài nhìn thấy một người chết, cũng do chư thiên biến hoá. Cũng như hai lần trước, Ngài suy tư: "Chắc chắn ta cũng có sự chết như thế, không thể tránh khỏi sự chết được", nỗi lo sợ phát sanh trong lòng, Ngài truyền lệnh bảo người đánh xe đưa Ngài hồi cung.

Từ đó, Ðức Bồ Tát lúc nào cũng suy tư về sự già, sự bệnh, sự chết. Ngài tự hỏi, có con đường nào giải thoát sự già, sự bệnh, sự chết hay không? Sở dĩ có sự già, sự bệnh, sự chết là vì có sự tái sanh. Ôi! Sự tái sanh đáng kinh sợ thật!

* Lần thứ tư, sau 4 tháng, vào ngày rằm tháng sáu, để khuây khỏa nỗi u buồn, lo sợ trong lòng, một lần nữa, Ðức vua đi du ngoạn vườn Thượng uyển. Trên đường đi, Ngài nhìn thấy một bậc Xuất gia đang tĩnh tọa dưới cội cây tỏ vẻ an nhiên tự tại, cũng do chư thiên biến hóa, để làm cho Ngài nghĩ đến việc xuất gia. Thật vậy, khi Ðức Bồ Tát nhìn thấy Bậc xuất gia liền trút bỏ mọi nỗi ưu tư nặng trĩu trong lòng về sự già, sự bệnh, sự chết. Ngài quyết định xuất gia ngay đêm ấy để tìm con đường giải thoát sự tái sanh, là giải thoát khổ lão, bệnh, tử... Hôm ấy, Ðức Bồ Tát cảm thấy vô cùng hoan hỷ, nên Ngài vẫn tiếp tục đi du lãm vườn Thượng uyển.

Khi Ðức Bồ Tát hồi cung, trong đêm ấy nghe tin Hoàng hậu Yasodhara hạ sanh Hoàng tử, tình thương con trỗi dậy trong lòng, Ngài than rằng: "Sự ràng buộc lớn!". Do đó, Hoàng tử được đặt tên là "Rāhula". Mặc dù vậy, chí nguyện xuất gia của Ðức Bồ Tát vẫn không thay đổi, đêm ấy Ngài đến tìm Channa, người cận thần thân tín, bảo:

- Này Channa, đêm nay ta sẽ rời hoàng cung đi xuất gia, ngươi hãy sửa soạn cho ta con ngựa Kaṇṇaka (Kiền-trắc) ngay bây giờ, không cho một ai hay biết.

Bỗng nhiên Ngài thoáng nghĩ: "Trước khi xuất gia, ta nên đến nhìn mặt Hoàng nhi". Ngài lén vào phòng Hoàng hậu Yasodhara, dưới ánh đèn mờ nhạt, Hoàng hậu đang nằm nghiêng, choàng cánh tay trái qua Hoàng tử, vì đứng đằng sau nên không thể nhìn rõ mặt, Ngài thầm nghĩ: "Nếu ta đến gần e Hoàng hậu sẽ thức giấc làm trở ngại việc xuất gia của ta trong đêm nay. Bây giờ, ta chưa nhìn thấy mặt hoàng nhi, thì chờ sau khi ta chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác, ta sẽ trở về gặp sau cũng không muộn".

Ðức Bồ Tát nhẹ nhàng bước ra, lên ngựa Kaṇṇaka, còn Channa theo sau, vào lúc nửa đêm ngày rằm tháng sáu âm lịch, trốn khỏi hoàng cung đi xuất gia. Mỗi vó ngựa đều có bàn tay chư thiên nâng đỡ, không phát ra một tiếng động, nên không một ai hay biết. Ðến cửa thành có chư thiên mở cửa cho ngựa Kaṇṇaka phi nhanh qua.

Ðức Bồ Tát từ bỏ ngôi vua, trốn đi xuất gia năm 29 tuổi, làm vua được 13 năm. Ðêm rằm tháng 6 ấy ánh trăng sáng tỏ lạ thường, Ðức Bồ Tát đi qua khỏi ba xứ: xứ Sakya, xứ Koliya và xứ Malla khoảng 30 do tuần chỉ trong một đêm. Ðến bờ sông Anoma, Ngài ra hiệu cho ngựa Kaṇṇaka bay sang bờ bên kia rồi Ngài nhẹ nhàng xuống ngựa bảo Chanda rằng:

- Này Channa, ta sẽ xuất gia tại nơi đây, con hãy mang hết đồ trang phục trở về cung điện tâu cho phụ hoàng ta biết.

Ðức Bồ Tát lấy thanh gươm bén cắt tóc, chừa lại khoảng 2 lóng tay. Tất cả những sợi tóc còn lại tự xoắn vòng xoáy theo khu ốc sang bên phải nằm sát trên da đầu và Ngài cạo sạch râu. Chỉ một lần ấy thôi, từ đó về sau suốt cả cuộc đời, Ngài không phải cắt tóc, cạo râu nữa.

Sau khi cắt tóc xong, Ðức Bồ Tát cầm nắm tóc trên tay phát nguyện rằng:

- Nếu tôi trở thành Bậc Chánh Ðẳng Giác, thì xin cho nắm tóc này ở trên hư không, nếu tôi không đạt thành Bậc Chánh Ðẳng Giác, thì nắm tóc này sẽ rơi xuống đất.

Ðức Bồ Tát ném nắm tóc lên hư không. Thật phi thường thay! Nắm tóc bay bổng lên trên hư không khoảng một do tuần rồi ở nguyên một chỗ. Lúc ấy, Ðức vua trời Sakka nhìn thấy bèn đem cái hôïp bằng ngọc tôn trí nắm tóc của Ðức Bồ Tát, về tôn thờ ở ngôi tháp Cuḷamanī tại cung Tam thập tam thiên.

Khi ấy, vị Ðại Phạm thiên Ghatikāra, là bạn thân cũ từ tiền kiếp của Ðức Bồ Tát trong thời kỳ Ðức Phật Kassapa, biết Ðức Bồ Tát hôm nay xuất gia, nên mang 8 thứ vật dụng của bậc Sa môn là tam y, bình bát, dao cạo, kim chỉ, dây thắt lưng và đồ lọc nước đến dâng cúng Ngài.

Ðức Bồ Tát mặc y vàng màu lõi mít, tượng trưng như lá cờ chiến thắng của bậc Thánh Arahán, trở thành bậc Xuất gia.

ÐỨC BỒ TÁT THỌ GIÁO PHÁP HÀNH THIỀN ÐỊNH

Ðức Bồ Tát tìm đến vị Ðạo sư Ālāra Kālāmagotta xin thọ giáo. Vị Ðạo sư hân hoan thu nhận Ngài, rồi truyền dạy pháp hành thiền định. Trải qua một thời gian tiến hành thiền định không lâu, Ðức Bồ Tát đã chứng đắc được 4 bậc thiền sắc giới, và chứng đắc đến đệ tam thiền vô sắc giới gọi là "Vô sở hữu xứ thiền" (Akiñcaññāyatanajjhāna) ngang bằng với bậc thiền mà vị Ðạo sư Ālāra Kālāmagotta đã chứng đắc.

Vị Ðạo sư Ālāra Kālāmagotta tán dương ca tụng tài đức của Ðức Bồ Tát rằng:

- Tôi đã chứng đắc bậc thiền vô sắc nào, thì hiền giả cũng chứng đắc được bậc thiền vô sắc ấy. Hiền giả đã chứng đắc bậc thiền vô sắc nào, thì tôi cũng chứng đắc được bậc thiền vô sắc ấy.

Này hiền giả, từ nay hai chúng ta cùng làm Ðạo sư dạy dỗ nhóm đệ tử này.

Ðức Bồ Tát nghĩ rằng: "Ðệ tam thiền vô sắc giới Vô sở hữu xứ thiền này sẽ cho quả tái sanh lên cõi phạm thiên vô sắc giới, Vô sở hữu xứ thiên, có tuổi thọ sống lâu đến 60.000 đại kiếp; không phải là pháp dẫn đến sự nhàm chán ngũ uẩn, không diệt tận được tham ái, không đoạn tuyệt được phiền não, không chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, không chứng ngộ Niết Bàn, không giải thoát khỏi mọi cảnh khổ sanh, lão, bệnh, tử luân hồi trong tam giới".

Ðức Bồ Tát không bằng lòng với sở đắc của mình, nên Ngài xin từ giả vị Ðạo sư Ālāra Kālāmagotta khả kính, để đi tìm pháp môn khác hầu mong giải thoát khổ sanh, lão, bệnh, tử.

Sau khi từ giả vị Ðạo sư Ālāra Kālāmagotta, Ngài tìm đến vị Ðạo sư Udaka Rāmaputta xin thọ giáo. Vị Ðạo sư hân hoan thu nhận Ngài, rồi truyền dạy pháp môn thiền định. Trải qua thời gian không lâu, Ngài đã chứng đắc 4 bậc thiền sắc giới và chứng đắc đến đệ tứ thiền vô sắc giới gọi là "Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền" (Nevasaññānāsaññāyatanajjhāna), là bậc thiền tột cùng của thiền vô sắc giới, ngang bằng với bậc thiền mà vị Ðạo sư Udaka Rāmaputta đã chứng đắc.

Vị Ðạo sư tán dương ca tụng Ngài rằng:

- Tôi đã chứng đắc bậc thiền vô sắc tột cùng nào, hiền giả cũng chứng đắc bậc thiền vô sắc tột cùng ấy. Hiền giả chứng đắc bậc thiền vô sắc tột cùng nào, tôi cũng đã chứng đắc bậc thiền vô sắc tột cùng ấy.

Này Hiền giả, tôi xin thỉnh hiền giả làm Ðạo sư dạy dỗ nhóm đệ tử này.

Ðức Bồ Tát suy xét rằng: "Ðệ tứ thiền vô sắc giới Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền này sẽ cho quả tái sanh lên cõi trời Phạm thiên vô sắc giới, Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên có tuổi thọ sống lâu đến 84.000 đại kiếp, không phải là pháp dẫn đến sự nhàm chán ngũ uẩn, không diệt tận được tham ái, không đoạn tuyệt được phiền não, không chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, không chứng ngộ Niết Bàn, không giải thoát khỏi mọi cảnh khổ sanh, lão, bệnh, tử luân hồi trong tam giới".

Ngài xin từ giả Ðạo sư Udaka Rāmaputta khả kính, để đi tìm pháp môn khác, hầu mong giải thoát khổ sanh, lão, bệnh, tử.

ÐỨC BỒ TÁT HÀNH PHÁP KHỔ HẠNH (DUKKHARACARIYĀ)

Sau khi từ giả vị Ðạo sư Udaka Rāmaputta, Ðức Bồ Tát đi đến khu rừng Uruvela gần con sông Nerañjarā, nơi đây có nhóm 5 Tỳ khưu: Ngài Koṇṇañña là trưởng nhóm cùng các Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji, xin theo hộ độ Ðức Bồ Tát.

Ðức Bồ Tát tinh tấn hành pháp khổ hạnh (dukkaracariyā), phương pháp nín thở ra - vô bằng miệng và mũi, hơi thở thoát ra ở hai lỗ tai, rồi tiếp tục nín thở ra - vô bằng miệng, bằng mũi và ngăn không để hơi thoát ra hai lỗ tai, hơi đâm lên trên đầu đau dữ dội, hơi đâm xuống bụng đau tức tối, hơi phát nóng toàn thân kinh khủng đến nỗi làm cho Ngài chết ngất.

Có số chư thiên tưởng rằng: "Sa môn Gotama đã chết rồi!".

Số khác tưởng rằng: "Sa môn Gotama đang gần chết!".

Số khác cho rằng: "Sa môn Gotama không phải chết, cũng không phải đang gần chết, mà Sa môn Gotama đang hành pháp bậc Thánh Arahán".

Ngài tiếp tục giảm vật thực dần dần, ban đầu độ vật thực chỉ vừa lòng bàn tay, từ từ giảm xuống chỉ còn bằng hạt sen... Do đó, kim thân của Ngài gầy ốm còn da bọc xương, đến nỗi sờ da bụng thì đụng phải đường xương sống. Trước kia kim thân của Ðức Bồ Tát có đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp với làn da màu vàng sáng ngời, đến nay các tướng tốt và vẻ đẹp đã biến mất còn làn da trở thành màu đen sẫm.

Ðức Bồ Tát đã hành pháp khổ hành ròng rã suốt 6 năm trường mà vẫn chưa chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác.

Một hôm Ðức Bồ Tát suy xét: "Ta đã hành pháp khổ hạnh đến chỗ cùng tột rồi. Trong quá khứ, chưa từng có Sa môn, Bà la môn nào đã hành pháp khổ hạnh đến mức như ta đang hành. Hiện tại và vị lai cũng không có Sa môn, Bà la môn nào có thể hành pháp khổ hạnh như ta; thế mà ta không thể chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác. Như vậy, chắc chắn phải còn có một pháp hành nào khác".

Ðức Bồ Tát hồi tưởng lại rằng: "Khi còn nhỏ, cùng phụ vương ra đồng làm lễ hạ điền, phụ vương để ta ngồi trong một chiếc lều vải dưới gốc cây Mận (Trâm). Ta ngồi niệm đề mục hơi thở vô - hơi thở ra, ta đã chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới. Vậy chắc chắn pháp hành thiền định này làm nền tảng để ta có thể chứng đắc thành Bậc Chánh Ðẳng Giác cũng nên".

Ðức Bồ Tát xét thấy rằng: "bây giờ, thân thể của ta gầy ốm, sức khoẻ yếu đuối, ta không thể tiến hành thiền định đề mục niệm hơi thở vô - hơi thở ra được. Vậy điều tốt hơn hết, ta nên thọ thực trở lại, cho có sức khỏe rồi ta mới có thể tiến hành thiền định được".

Nghĩ xong, Ðức Bồ Tát mang bát vào xóm Senā đi khất thực. Thọ thực được ít lâu, sức khoẻ của Ngài được hồi phục trở lại. Trong thời kỳ hành pháp khổ hạnh, 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp biến mất. Nay kim thân Ngài hiện rõù lại 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, có nước da màu vàng sáng ngời như trước.

Vào ngày 14 tháng tư âm lịch, canh chót đêm ấy, Ðức Bồ Tát nằm thấy 5 đại mộng (mahāsupina). Qua 5 đại mộng này, Ngài đoán mình chắc chắn sẽ chứng đắc thành Bậc Chánh Ðẳng Giác.

Sáng hôm rằm tháng tư âm lịch, Ngài đi đến ngồi dưới gốc cây da, chờ đến giờ đi vào xóm khất thực. Tại nơi đây hằng năm vào ngày rằm tháng tư này, nàng Sujātā thường đem lễ vật đến cúng dường, tạ ơn chư thiên, theo lời nguyện của nàng.

Nàng Sujātā là con gái của ông phú hộ Mahāsena ở làng Senā gần khu rừng Uruvela, khi nàng trưởng thành có đến tại gốc cây Da này cầu nguyện rằng:

- Kính thưa chư thiên tại nơi đây, nếu tôi có chồng cùng dòng Bà la môn và có đứa con trai đầu lòng, thì hằng năm, vào ngày rằm tháng tư, tôi sẽ đem cơm nấu bằng sữa bò đến đây cúng dường quý Ngài.

Lời cầu nguyện của nàng được thành tựu như ý, cho nên hằng năm vào ngày rằm tháng tư, nàng đem cơm sữa đến cúng dường tạ ơn chư thiên.

Từ sáng sớm, nàng Sujātā thức dậy vắt sữa tinh khiết 8 con bò, khi nàng đem nồi đựng sữa để gần vú con bò thứ nhất, dòng sữa chảy ra một mạch. Thật là một việc lạ thường chưa từng có bao giờ! Lần lượt 7 con bò còn lại, dòng sữa cũng chảy một mạch như vậy. Khi nàng đổ sữa vào nồi nấu cơm, nước sữa sôi xoay tròn bên phải, không một giọt nào chảy tràn ra bên ngoài, còn lửa củi cháy đều không có một làn khói nào bốc lên. Sở dĩ, có những việc lạ thường như vậy, là vì sáng nay có Tứ đại thiên vương trông coi lò lửa, vua trời Sakka lấy củi bỏ vào lò, Phạm thiên che dù, tất cả chư thiên đem những chất bổ dưỡng do năng lực của mình bỏ vào nồi cơm sữa.

Nàng Sujātā gọi tớ gái tên Puṇṇā bảo rằng:

- Này Puṇṇā, hôm nay chư thiên của ta thật đáng kính, trước đây ta chưa từng chứng kiến những hiện tượng lạ thường như thế này!

Con hãy mau đến cội cây da quét dọn cho sạch sẽ, để chúng ta mang cơm sữa đến dâng cúng, tạ ơn chư thiên.

Người tớ gái Puṇṇā vâng lời đến gốc cây Da để quét dọn, cô nhìn thấy Ðức Bồ Tát đang ngồi quay mặt về hướng Ðông, từ kim thân của Ngài phát ra hào quang sáng ngời toả khắp quanh vùng, cô nghĩ rằng: "Sáng hôm nay, vị Thiên thần của chúng ta hiện xuống ngồi đợi thọ nhận cơm sữa cúng dường", nên cô vô cùng hoan hỷ vội vàng trở về báo tin mừng cho bà chủ biết.

Nàng Sujātā nghe lời tường trình rõ ràng của người tớ gái, trong lòng cảm thấy vui mừng khôn xiết và bảo rằng:

Này Puṇṇā, kể từ hôm nay con trở thành con gái lớn của ta. Nói xong, nàng ban cho những đồ trang sức quý giá, xứng đáng với địa vị con gái lớn của mình.

Nàng Sujātā đem chiếc mâm bằng vàng để đựng cơm, khi nàng đặt mâm gần nồi cơm, cơm sữa trong nồi tự nhiên viên lại thành vắt bằng trái thốt nốt lăn tuần tự từ nồi sang mâm đúng 49 vắt thì vừa đầy. Nàng lại chứng kiến thêm một việc lạ thường chưa từng có bao giờ. Nàng lấy một chiếc mâm khác đậy lại rồi phủ lên một lớp vải trắng tinh.

Hôm ấy, nàng Sujātā trang điểm bằng những đồ trang sức quý giá rồi đội mâm cơm sữa cùng người con gái lớn Puṇṇā đi theo sau đến gốc cây Da. Nhìn thấy Ðức Bồ Tát có đầy đủ tướng tốt và các vẻ đẹp, hào quang tỏa ra từ kim thân của Ngài sáng khắp vùng, làm cho nàng phát sanh đức tin trong sạch và vô cùng hoan hỷ chưa từng có bao giờ, vì nàng tưởng rằng Ngài là một vị thiên nam hiện xuống thọ nhận phẩm vật cúng dường tạ ơn của nàng.

Nàng Sujātā cung kính đến gần Ðức Bồ Tát, đặt chiếc mâm vàng đầy cơm sữa cùng bình nước, hoa quả, vật thơm... cung kính dâng lên Ngài, cái bát của Ngài bỗng nhiên biến mất, nên Ngài đưa hai tay ra nhận lấy chiếc mâm vàng đầy phẩm vật quý giá rồi nhìn nàng Sujātā. Nàng liền bạch rằng:

Kính bạch Ðức thiên thần, con thành kính dâng Ngài chiếc mâm vàng đầy phẩm vật này, kính xin Ngài từ bi hoan hỷ thọ nhận, để cho con được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài; con được toại nguyện như thế nào, kính xin Ngài cũng toại nguyện như thế ấy. Nàng Sujātā vô cùng hoan hỷ.

Sau khi thọ nhận xong, Ngài đứng dậy rời gốc cây Da, tay cầm chiếc mâm vàng đầy cơm sữa đi đến bến sông Nerañjarā, nơi mà chư Bồ Tát quá khứ, trước khi chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác cũng đều ngự đến đây để tắm, nên bến sông này gọi là bến Supaṭitthita; Ngài đặt mâm ở bến Supaṭitthita, rồi xuống dòng sông Nerañjarā tắm. Khi tắm xong, Ngài mặc y cà sa tượng trưng lá cờ chiến thắng của chư Thánh Arahán; đoạn Ngài ngồi quay mặt về hướng Ðông, độ hết 49 vắt cơm, rồi uống hết bình nước (từ đó về sau suốt 7 tuần lễ (49 ngày), Ðức Phật không độ vật thực và nước, chỉ an hưởng hương vị giải thoát Niết Bàn).

Sau khi độ cơm xong, Ngài cầm chiếc mâm vàng phát nguyện rằng:

- Nếu hôm nay ta được chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác, thì xin cho chiếc mâm vàng này sẽ trôi ngược dòng nước; nếu không, thì chiếc mâm vàng này sẽ trôi xuôi theo dòng nước.

Nguyện xong, Ngài ném chiếc mâm vàng xuống dòng sông. Thật phi thường thay! Chiếc mâm vàng cắt dòng nước đang chảy trôi ra giữa sông, rồi từ đó trôi ngược dòng nước một cách vô cùng mau lẹ, một đoạn khá xa, chiếc mâm vàng chìm sâu xuống đáy nước, đụng phải ba chiếc mâm vàng của ba Ðức Phật quá khứ là Ðức Phật Kakusandha, Ðức Phật Koṇāgamana Ðức Phật Kassapa, phát ra một âm thanh vang dội, làm cho Long vương Kālanāga tỉnh giấc nghĩ rằng: "Hôm qua một Ðức Phật đã xuất hiện, hôm nay sẽ có một Ðức Phật nữa xuất hiện", rồi thức dậy tán dương ca tụng hằng trăm bài kệ.

Trưa hôm ấy, Ngài nghỉ trong một khu rừng Sāla, những cây Sāla đua nhau nở hoa khắp cả khu rừng, bên bờ sông Nerañjarā. Buổi chiều Ngài ngự đến cội cây Assattha, dọc theo hai bên đường, chư thiên trang hoàng những đoá hoa trời rất xinh đẹp, các hàng chư thiên ở các cõi trời đua nhau cúng dường hương thơm cùng với thiên nhạc vang rền khắp 10 ngàn thế giới chúng sinh. Cùng lúc ấy, một người cắt cỏ tên Sotthiya, trên đường đi ngược chiều lại phía Ngài, nhìn thấy Ngài, liền phát sanh đức tin trong sạch, nên dâng cúng Ngài tám nắm cỏ, Ngài cầm tám nắm cỏ ngự thẳng đến cội cây Assattha.

Khi đứng hướng Nam của cội cây, Ngài nhìn thẳng về hướng Bắc, Ngài có cảm giác mất thăng bằng, như toàn cõi thế giới hướng Nam bị chìm sâu xuống cõi địa ngục Avīci, còn toàn cõi thế giới hướng Bắc được nổi lên đến cõi trời sắc giới Phạm thiên tột đỉnh. Ngài nghĩ rằng: "Ðây không phải là chỗ ngồi để ta có thể chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác". Ngài ngự đi sang hướng khác.

Khi đứng hướng Tây của cội cây, Ngài nhìn thẳng về hướng Ðông, cũng như vậy, Ngài có cảm giác mất thăng bằng, như toàn cõi thế giới hướng Tây bị chìm sâu xuống cõi điạ ngục Avīci, còn toàn cõi thế giới ở hướng Ðông được nổi lên đến cõi trời sắc giới Phạm thiên tột đỉnh. Ngài nghĩ rằng: "Ðây cũng không phải là chỗ ngồi để ta có thể chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác". Ngài ngự sang hướng khác.

Khi đứng hướng Bắc của cội cây, Ngài nhìn thẳng hướng Nam, cũng như vậy, Ngài có cảm giác mất thăng bằng, như toàn cõi thế giới hướng Bắc bị chìm sâu xuống điạ ngục Avīci, còn toàn cõi thế giới ở hướng Nam được nổi lên đến cõi trời sắc giới phạm thiên tột đỉnh, Ngài nghĩ rằng: "Ðây cũng không phải là chỗ ngồi để ta có thể chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác". Ngài ngự sang hướng khác.

Sau cùng, đứng hướng Ðông của cội cây, Ngài nhìn thẳng về hướng Tây, thật phi thường thay! Ngài có cảm giác toàn cõi thế giới thăng bằng, Ngài nghĩ rằng: "Chính đây là chỗ ngồi để ta có thể chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác". Ngài trải tám nắm cỏ tại hướng Ðông của cội Assattha. Thật phi thường thay! ngay khi ấy trở thành ngôi bồ đoàn quý báu, có chiều cao 14 hắc tay thật nguy nga lộng lẫy, không có một nhà kiến trúc mỹ thuật nào có thể tạo nên một bồ đoàn tuyệt đẹp như vậy! Bởi vì ngôi bồ đoàn quý báu này phát sanh do phước báu ba la mật trọn đủ của Ðức Bồ Tát sắp trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác.

Ngài ngồi kiết già vững vàng trên ngôi bồ đoàn quý báu, quay mặt về hướng Ðông rồi phát nguyện rằng:

- Dầu cho thịt và máu trong thân ta khô cạn hết, dầu sắc thân này chỉ còn da bọc xương đi nữa, nếu ta chưa chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác, ta quyết không bao giờ rời khỏi bồ đoàn này.

Lúc ấy, từ cung Tha hoá tự tại thiên, Ác Ma Thiên hoá ra ngàn cánh tay đều cầm khí giới, cỡi voi Girimekhala cầm đầu đoàn thiên ma binh, thiên ma tướng rầm rộ hiện xuống vây quanh cội Assattha, kéo dài 12 do tuần, bên trên hư không dày đặc 9 do tuần, chúng la hét âm thanh vang dội kinh khủng làm chấn động khắp mọi nơi, quyết tranh giành ngôi bồ đoàn của Ðức Bồ Tát. Vừa rồi, có chư thiên, phạm thiên từ 10 ngàn thế giới đến cung kính cúng dường, tán dương ca tụng Ðức Bồ Tát, nhưng khi thoáng nhìn thấy Ác Ma Thiên cùng với thiên ma binh, thiên ma tướng trùng trùng điệp điệp từng đoàn, từng lớp hiện xuống; tất cả chư thiên, phạm thiên đều bay xa lánh mặt, trở về chỗ ở của mình, chỉ còn một mình Ðức Bồ Tát đang điềm nhiên ngự trên ngôi bồ đoàn.

Ác Thiên Ma đã sử dụng đủ mọi loại khí giới và phép thuật cực kỳ nguy hiểm, quyết sát hại Ðức Bồ Tát để chiếm đoạt ngôi bồ đoàn với mục đích ngăn cản, không để cho Ðức Bồ Tát chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác. Do oai lực 30 pháp hạnh ba la mật trọn đủ của Ðức Bồ Tát sắp chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác, vì thế, không có một loại phép thuật khí giới nguy hiểm nào có thể sát hại được Ngài.

Quả thật như thế, do oai lực pháp hạnh ba la mật của Ðức Bồ Tát, các loại khí giới và phép thuật của Ác Ma Thiên trở thành những vật cúng dường Ngài.

Cuối cùng, Ðức Bồ Tát đưa bàn tay phải ra dùng ngón trỏ chỉ xuống mặt đất phát nguyện bằng lời chân thật vừa chấm dứt, lập tức mặt đất chuyển mình rung động, hư không phát ra những tiếng sấm sét long trời lỡ đất, Ác Ma Thiên kinh hoàng khiếp đảm giục voi bỏ chạy về cõi Tha hoá tự tại thiên, còn đám ma binh hỗn quân hỗn quan vô cùng khiếp đảm bỏ khí giới hốt hoãng chạy tán loạn để thoát thân theo chủ soái của mình.

Ðức Bồ Tát ngự trên bồ đoàn quý báu dưới cội cây Assattha đã toàn thắng Ác Ma Thiên vừa đúng lúc mặt trời sắp lặn hướng Tây, mặt trăng ló dạng hướng Ðông. Khi ấy, 10 ngàn thế giới, chư thiên cõi trời dục giới, phạm thiên cõi trời sắc giới, long vương dưới thủy cung... toàn thể chư thiên, phạm thiên vui mừng reo hò vang dội khắp các tầng trời, tán dương ca tụng oai lực ba la mật của Ðức Bồ Tát rằng:

Ðức Bồ Tát Siddhattha đã toàn thắng rồi!
Ác Ma Thiên đã hoàn toàn thất bại rồi!

Do đó, ngôi bồ đoàn quý báu này gọi là "Aparājitapallaṅka" ngôi bồ đoàn quý báu nơi toàn thắng Ác Ma Thiên.

Chư thiên, phạm thiên đem những đoá hoa trời xinh đẹp, hương thơm đến cúng dường, tán dương ca tụng ba la mật của Ngài.

ÐỨC BỒ TÁT CHỨNG ÐẮC TAM MINH, THÀNH BẬC CHÁNH ÐẲNG GIÁC TỐI THƯỢNG

Sau khi Ðức Bồ Tát đã cảm thắng Ác Ma Thiên, vào canh đầu đêm rằm tháng tư âm lịch, Ngài tiến hành thiền định (samathabhāvanā) với đề mục niệm hơi thở vô - hơi thở ra (anāpānassati) tuần tự chứng đắc 4 bậc thiền sắc giới như sau:

- Ðệ nhất thiền sắc giới: Có 5 chi thiền: hướng tâm, quan sát, hỉ, lạc, định, do chế ngự được 5 pháp chướng ngại: tham dục, sân hận, buồn chán- buồn ngủ, phóng tâm- hối hận, hoài nghi.

- Ðệ nhị thiền sắc giới: Có 3 chi thiền: hỉ, lạc, định, do chế ngự được hai chi thiền: hướng tâm, quan sát.

- Ðệ tam thiền sắc giới: Có hai chi thiền: lạc, định, do chế ngự được 1 chi thiền: hỉ.

- Ðệ tứ thiền sắc giới: Có 2 chi thiền: xả, định, do chế ngự được một chi thiền là lạc, thay chi thiền xả.

Ðó là 4 bậc thiền sắc giới làm nền tảng để chứng đắc tam minh.

TAM MINH

1- Túc Mạng Minh (Pubbenivāsānussatiñāṇa)

Ðức Bồ Tát có đệ tứ thiền sắc giới, định tâm trong sáng thanh tịnh, thiền tâm không lay động, làm nền tảng, Ngài hướng tâm đến chứng đắc "Túc Mạng Minh", trí tuệ nhớ rõ lại tiền kiếp, từ 1 kiếp đến hàng trăm kiếp, hàng ngàn kiếp, hàng vạn kiếp, hàng triệu kiếp, hàng triệu triệu kiếp... cho đến vô lượng kiếp không giới hạn [3].

Túc mạng minh nhớ rõ tiền kiếp thuộc loại chúng sanh nào, tên gì, thuộc dòng dõi nào, tạo thiện nghiệp, bất thiện nghiệp, ba la mật, thọ lạc, thọ khổ, tuổi thọ... đều ghi nhớ rõ ràng mọi chi tiết.

Túc mạng minh minh thứ nhất mà Ðức Bồ Tát đã chứng đắc vào canh đầu đêm rằm tháng tư (âm lịch).

2- Thiên Nhãn Minh (Dibbacakkhuñāṇa)

Ðức Bồ Tát có đệ tứ thiền sắc giới, định tâm trong sáng thanh tịnh, thiền tâm không lay động, làm nền tảng, Ngài hướng tâm đến chứng đắc Thiên nhãn minh: là trí tuệ thấy rõ biết rõ như mắt của chư thiên, phạm thiên, có khả năng thấy rõ, biết rõ kiếp quá khứ, kiếp vị lai của tất cả chúng sinh.

Thiên nhãn minh có 2 loại:

- Tử sanh minh: là trí tuệ thấy rõ biết rõ sự tử, sự tái sanh của tất cả chúng sinh; sau khi chết, do nghiệp nào cho quả tái sinh cảnh giới nào, khổ, lạc như thế nào...

- Vị lai kiến minh: là trí tuệ thấy rõ những kiếp vị lai của tất cả chúng sinh.

Chư Phật dùng vị lai kiến minh này để thọ ký chúng sinh trong những kiếp vị lai xa xăm, còn thời gian bao nhiêu đại kiếp trái đất sẽ trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác, Ðức Phật Ðộc Giác, bậc Thánh Thanh Văn Giác...

Thiên nhãn minhminh thứ nhì mà Ðức Bồ Tát đã chứng đắc vào canh giữa đêm rằm tháng tư (âm lịch).

3- Lậu Tận Minh (Āsavakkhayañāṇa)

Ðức Bồ Tát dùng đệ tứ thiền sắc giới làm nền tảng, để tiến hành thiền tuệ, quán xét thập nhị duyên sanh (paṭiccasamuppāda) là đối tượng thiền tuệ của chư Bồ Tát để chứng đắc thành Bậc Chánh Ðẳng Giác.

Ðức Bồ Tát quán xét thập nhị duyên sanh [4] theo chiều thuận như sau:

- Do vô minh làm duyên, nên hành sanh.
(Avijjāpaccayā saṅkhārā).
- Do hành làm duyên, nên thức sanh.
(Saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ).
- Do thức làm duyên, nên danh sắc sanh.
(Viññāṇapaccayā nāmarūpaṃ).
- Do danh sắc làm duyên, nên lục nhập sanh.
(Nāmarūpapaccayā saḷāyatanaṃ).
- Do lục nhập làm duyên, nên lục xúc sanh.
(Saḷāyatanapaccayā phasso).
- Do lục xúc làm duyên, nên lục thọ sanh.
(Phassapaccayā vedanā).
- Do lục thọ làm duyên, nên lục ái sanh.
(Vedanāpaccayā taṇhā).
- Do lục ái làm duyên, nên tứ thủ sanh.
(Taṇhāpaccayā upādānaṃ).
- Do tứ thủ làm duyên, nên nhị hữu sanh.
(Upādānapaccayā bhavo).
- Do nhị hữu làm duyên, nên tái sanh sanh.
(Bhavapaccayā jāti).
- Do tái sanh làm duyên, nên lão tử... sanh.
(Jātipaccayā jarāmaraṇaṃ...).

Ðức Bồ tát quán xét thập nhị duyên sanh theo chiều thuận, chiều sanh để trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ "Sự sanh" của mỗi pháp, trí tuệ thiền tuệ chứng ngộ chân lý Khổ thánh đếNhân sanh Khổ thánh đế hay Tập thánh đế.

Ðức Bồ Tát quán xét thập nhị nhân diệt theo chiều nghịch, chiều diệt như sau:

- Do diệt tận vô minh, nên diệt hành.
(Avijjāyatveva asesavirāganirodhā saṅkhāranirodho).
- Do diệt hành, nên diệt thức.
(Saṅkhāranirodhā viññaṇanirodho).
- Do diệt thức, nên diệt danh sắc.
(Viññāṇanirodhā nāmarūpanirodho).
- Do diệt danh sắc, nên diệt lục nhập.
(Nāmarūpanirodhā saḷāyatananirodho).
- Do diệt lục nhập, nên diệt lục xúc.
(Saḷāyatananirodhā phassanirodho).
- Do diệt lục xúc, nên diệt lục thọ.
(Phassanirodhā vedanānirodho).
- Do diệt lục thọ, nên diệt lục ái.
(Vedanānirodhā taṇhānirodho).
- Do diệt lục ái, nên diệt tứ thủ.
(Taṇhānirodhā upādānanirodho).
- Do diệt tứ thủ, nên diệt nhị hữu.
(Upādānanirodhā bhavanirodho).
- Do diệt nhị hữu, nên diệt tái sanh.
(Bhavanirodhā jātinirodho).
- Do diệt tái sanh, nên diệt lão tử...
(Jātinirodhā jarāmaraṇa... nirodho).

Ðức Bồ tát quán xét thập nhị nhân diệt theo chiều nghịch, chiều diệt để trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ "Sự diệt" của mỗi pháp, trí tuệ thiền tuệ chứng ngộ chân lý: Diệt khổ thánh đếPháp hành chứng ngộ Niết Bàn, diệt Khổ thánh đế hay Ðạo thánh đế.

Ðức Bồ tát quán xét thập nhị duyên sanh - thập nhị nhân diệt theo chiều thuận - theo chiều nghịch, chiều sanh - chiều diệt trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ sự sanh - sự diệt của mỗi pháp, thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt 4 pháp trầm luân (āsava) bằng 4 Thánh Ðạo Tuệ tuần tự như sau:

- Nhập Lưu Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt được 1 pháp là tà kiến trầm luân (diṭṭhāsava), đồng thời các tà kiến khác.

- Nhất Lai Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt được 1 pháp là tham dục trầm luân (kāmāsava) trong ngũ trần loại thô (còn loại vi tế chưa diệt được), đồng thời các tâm tham loại thô khác.

- Bậc Bất Lai Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt được 1 pháp là tham dục trầm luân (kāmāsava) trong ngũ trần loại vi tế không còn dư sót, đồng thời các tâm tham loại vi tế khác.

- Arahán Thánh Ðạo Tuệ diệt đoạn tuyệt được 2 pháp là: kiếp trầm luân (bhavāsava) vô minh trầm luân (avijjāsava), đồng thời diệt đoạn tuyệt được hoàn toàn mọi tham ái, phiền não, ác pháp không còn dư sót. Ðặc biệt Ðức Bồ Tát diệt đoạn tuyệt được tất cả mọi tiền khiên tật (vāsanā) [5] từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ.

Như vậy, Ðức Bồ Tát đã tự mình chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng đầu tiên trên thế gian.

Do đó, Ðức Thế Tôn có danh hiệu là "Sammāsambuddha: Ðức Chánh Ðẳng Giác".

Lậu tận minhminh thứ 3 mà Ðức Bồ Tát đã chứng đắc vào canh chót của đêm rằm tháng tư (âm lịch), lúc rạng đông. Ngài đã trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác cao thượng trong toàn cõi thế giới chúng sinh, tại cội cây Assattha. Do đó, cây Assattha này gọi là Bodhirukkha [6]: cây Bồ Ðề, đối với Ðức Phật Gotama của chúng ta.

Mười ngàn thế giới chúng sinh từ mặt đất lên đến cõi sắc giới Phạm thiên tột đỉnh, chư thiên, Phạm thiên vô cùng vui mừng hoan hỉ thốt lên lời:

- "Sādhu!" "Sādhu!". Lành thay! Lành thay!

- Buddho uppanno! Ðức Phật xuất hiện trên thế gian rồi!

- Dhammo uppanno! Ðức Pháp xuất hiện trên thế gian rồi!

- Saṃgho uppanno! Ðức Tăng cũng sẽ xuất hiện trên thế gian này!

Tiếng tung hô vang dội khắp toàn cõi mười ngàn thế giới chúng sinh.

Ðiều phi thường chưa từng có trên thế gian này là:

* Tất cả các loài hoa đều đua nhau nở để cúng dường Ðức Phật.

* Tất cả các loại cây ăn trái, đều cho quả ngon ngọt.

* Tất cả những người mù từ lúc đầu thai, khi sanh ra không thấy được gì, thì nay có đôi mắt sáng, có thể nhìn thấy mọi vật trên đời.

* Tất cả những người điếc từ lúc đầu thai, khi sanh ra không nghe được âm thanh gì, thì nay hai tai có thể nghe rõ mọi thứ âm thanh.

* Tất cả những người què, bại liệt từ lúc đầu thai, khi sanh ra không đi lại được, thì nay có thể đi lại dễ dàng.

* Ðặc biệt nhất, ở địa ngục Lokantarika rộng lớn tối tăm, nơi giáp ranh với 3 thế giới, dành cho những chúng sinh có tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhi) hoàn toàn không tin nghiệp quả. Ở địa ngục rất tối tăm đó, dầu ánh sáng của 7 mặt trời mọc lên cùng một lúc, cũng không thể chiếu thấu đến tận nơi; song ánh sáng hào quang của Ðức Phật tỏa khắp 10 ngàn thế giới, chiếu sáng đến tận địa ngục Lokantarika. Cho nên, những chúng sinh ở nơi đó có thể nhìn thấy lẫn nhau.

Toàn thể 10 ngàn thế giới, chư thiên, Phạm thiên cúng dường đến Ðức Phật bằng những đoá hoa xinh đẹp, những vật thơm, vật thoa thượng hạng..., và tán dương ca tụng Ân Ðức Phật bằng hằng ngàn bài kệ.

Khi ấy, Ðức Thế Tôn tự thuyết ở trong tâm bằng 2 bài kệ rằng:

153- "Anekajātisaṃsāraṃ, sandhāvissaṃ anibbisaṃ.
Gahakāram ïgavesanto, dukkhājāti punappunaṃ.

154- Gahakāraka diṭṭho’si, puna gehaṃ na kāhasi.
Sabbā te phāsukā bhaggā, gahakūtaṃ visaṅkhataṃ
Visaṅkhāraṃ gataṃ cittaṃ, taṇhānaṃ khayamajjhagā".
[7]

153- Này người thợ "tham ái" xây nhà "thân",
Như Lai cố tìm ngươi mà chưa gặp,
Nên tử sanh luân hồi vô số kiếp,
Tái sanh mãi trong tam giới là khổ,
154- Này tham ái, người thợ xây nhà "thân"!
Bây giờ Như Lai đã gặp ngươi rồi!
Tất cả sườn nhà, "phiền não"
của ngươi, [8]
Như Lai đã hủy hoại sạch cả rồi.
Ðỉnh nhà "vô minh", cũng bị tiêu diệt,
Ngươi không còn xây nhà Như Lai nữa.
Tâm Như Lai đã chứng ngộ Niết Bàn,
Diệt đoạn tuyệt tất cả mọi tham ái [9]
 ,
Như Lai đã chứng đắc A- ra- hán".

Hai bài kệ cảm ứng tự thuyết ở trong tâm, đó là Phật ngôn đầu tiên của Ðức Phật (paṭhamabuddhavacana).

ÐỨC PHẬT HƯỞNG QUẢ VỊ GIẢI THOÁT NIẾT-BÀN

Sau khi Ngài đã chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng đầu tiên trong 10 ngàn thế giới chúng sinh; Ðức Phật thọ hưởng vị giải thoát Niết Bàn suốt 7 tuần lễ, gồm có 49 ngày như sau:

1- Tuần lễ thứ nhất: Ðức Thế Tôn ngự tại bồ đoàn quý báu, tại cội Bồ Ðề, ban ngày nhập Arahán Thánh Quả định, ban đêm quán xét thập nhị duyên sanh theo chiều thuận, chiều sanh; quán xét Thập nhị nhân diệt theo chiều nghịch, chiều diệt. Và tiếp theo 6 ngày sau, Ðức Thế Tôn nhập Arahán Thánh Quả định, thọ hưởng quả vị giải thoát Niết Bàn, suốt thời gian kể từ ngày 16 tháng 4 đến ngày 22 tháng 4, gọi là tuần lễ "Pallaṅkasattāha".

2- Tuần lễ thứ nhì: Ðức Thế Tôn rời khỏi bồ đoàn quý báu, ngự về phía Ðông Bắc, cách cội Bồ Ðề 14 sải tay, Ngài đứng nhìn về bồ đoàn quý báu, nơi mà Ngài đã toàn thắng 5 loại Ma (Māra), đã trở thành Bậc Chánh Ðẳng Giác. Ðức Thế Tôn đứng nhìn bồ đoàn quý báu không nháy mắt, suốt 7 ngày đêm, kể từ 23 tháng 4 đến ngày 29 tháng 4, gọi là tuần lễ "Animisasattāha".

3- Tuần lễ thứ ba: Ðức Thế Tôn đi kinh hành trên đoạn đường dài 60 hắc tay, được làm bằng 7 loại châu báu, do chư thiên hóa ra để cúng dường Ngài. Ðoạn đường này ở phía Bắc gần cội Bồ Ðề theo chiều Ðông Tây. Ðức Thế Tôn vận dụng thần thông Yamakapaṭihāriya hóa thành 2 dòng nước và lửa song song phát ra từ nơi kim thân của Ngài, rồi Ngài ngự đi kinh hành, quán xét về chánh pháp, suốt thời gian kể từ ngày 30 tháng 4 đến ngày 6 tháng 5, gọi là tuần lễ "Caṅkamasattāha".

4- Tuần lễ thứ tư: Ðức Thế Tôn ngự tại lâu đài bằng vàng, ở phía Tây Bắc của cội Bồ Ðề do chư thiên hóa ra để cúng dường Ngài. Ở đây, Ngài quán xét về Vi diệu pháp tạng: (Abhidhammapiṭaka) gồm có 7 bộ: Dhammasaṅganī, Vibhaṅga, Dhātukathā, Puggalapaññatti, Kathāvatthu, Yamaka và Mahāpaṭṭhāna. Suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 7 tháng 5 đến ngày 13 tháng 5, gọi là tuần lễ "Ratanagharasattāha".

5- Tuần lễ thứ năm: Ðức Thế Tôn ngự đến cội da ở phía Ðông, cách cội Bồ Ðề 32 sải tay, lúc thì Ngài quán xét chánh pháp, lúc thì Ngài nhập Arahán Thánh Quả định.

Khi ấy, có 3 cô thiên nữ: Taṇhā, Aratī Rāgā là những công chúa của Ác Ma Thiên, từ cõi Tha hóa tự tại thiên hiện xuống để quyến rũ Ðức Phật, với lời nói lẳng lơ và bằng điệu bộ gợi tình. Ðức Thế Tôn không quan tâm đến lời nói và điệu bộ của ba nàng, Ngài vẫn an nhiên tự tại nhập Arahán Thánh Quả định, thọ hưởng vị giải thoát Niết Bàn.

Ba nàng đã dùng hết khả năng gợi tình của người nữ, nhưng đành bất lực, vì Ðức Thế Tôn là bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt tất cả mọi tham ái, phiền não, nên không một ai trong tam giới này có thể làm cho tâm Ngài xao động.

Ba cô thiên nữ không quyến rũ được Ðức Thế Tôn, nên hồi tâm tán dương ca tụng Ngài rồi từ giả trở về cõi Tha hóa tự tại thiên.

Ðức Thế Tôn ngự tại cội da này nhập Arahán Thánh Quả định suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 14 tháng 5 đến ngày 20 tháng 5, gọi là tuần lễ "Ajapālasattāha".

6- Tuần lễ thứ sáu: Ðức Thế Tôn ngự đến cội Me gần hồ Mucalinda, cách xa cội Bồ Ðề 51 sải tay, ở về phía Ðông Nam, Ngài ngồi nhập Arahán Thánh Quả định.

Khi ấy trời mưa lớn, Rồng Chúa Mucalinda hiện ra dùng thân mình cuộn thành vòng tròn, chồng lên 7 lớp để bao bọc xung quanh kim thân Ðức Phật, và phồng mang che trên đầu Ngài, để mưa không làm ướt và lạnh, tỏ lòng thành kính cúng dường Ðức Phật.

Ðức Thế Tôn nhập Arahán Thánh Quả định suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 21 tháng 5 đến ngày 27 tháng 5, gọi là tuần lễ "Mucalindasattāha".

7- Tuần lễ thứ bảy: Ðức Thế Tôn ngự đến cội cây gọi là Rājāyatana cách xa cội Bồ Ðề 4 sải tay, ở về phía Nam. Ngài nhập Arahán Thánh Quả định suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 5 tháng 6, gọi là tuần lễ "Rājāyatanasattāha".

Như vậy, Ðức Thế Tôn đã thọ hưởng vị an lạc giải thoát Niết Bàn suốt 7 tuần lễ, gồm 49 ngày xung quanh cội Bồ Ðề.

ÐỨC PHẬT SUY TƯ VỀ SIÊU TAM GIỚI PHÁP

Ðức Thế Tôn suy xét về 9 siêu tam giới pháp (lokuttaradhamma) mà Ngài đã chứng đắc:

- Là pháp vô cùng vi tế, vô cùng sâu sắc, khó chứng ngộ: đó là Tứ thánh đế.

- Là pháp diệt đoạn tuyệt mọi tham ái, phiền não, ác pháp: đó là 4 Thánh Ðạo.

- Là pháp làm vắng lặng mọi tham ái, mọi phiền não, ác pháp: đó là 4 Thánh Quả.

- Là pháp giải thoát mọi cảnh khổ: đó là Niết Bàn.

- Là pháp mà chỉ có bậc Thiện trí, xa lánh ngũ dục, tiến hành thiền tuệ để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn. Còn chúng sinh thì đang bị dính mắc trong ngũ dục, bị say mê trong ngũ dục, bị đắm chìm trong ngũ dục, làm tôi tớ của 108 loại tham ái làm nô lệ bởi 1500 loại phiền não, thì khó mà chứng ngộ được chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

Ðức Phật nghĩ rằng: "Nếu Như Lai thuyết pháp mà chúng sinh không thấu hiểu chánh pháp, không chứng đắc chánh pháp cao thượng, thì chỉ làm cho Như Lai vất vả, mệt nhọc, hoài công vô ích mà thôi!".

Do vậy, Ðức Phật chưa muốn thuyết pháp tế độ chúng sinh.

Theo truyền thống, Chư Phật thuyết pháp phải có đầy đủ 2 lý do:

1- Nội tâm: Ðức Phật có tâm đại bi (mahākaruṇā) muốn tế độ chúng sinh giải thoát khỏi mọi cảnh khổ. Lý do này đã sẵn có nơi Ngài.

2- Ngoại cảnh: Phải có Ðại Phạm thiên thỉnh cầu thuyết pháp tế độ chúng sinh.

Vì rằng, các đạo sĩ, tu sĩ, Sa môn, Bà la môn, vua chúa, dân chúng, kể cả chư thiên, Phạm thiên, đều tôn kính Ðại Phạm thiên. Nay Ðại Phạm thiên tôn kính Ðức Phật, thỉnh cầu Ðức Phật thuyết pháp tế độ chúng sinh, thì ắt hẵn phần đông chúng sinh nhân loại, chư thiên, Phạm thiên,... cũng tôn kính Ngài. Từ sự tôn kính ấy, mới có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng. Khi có đức tin nơi Tam Bảo, Ðức Phật thuyết pháp thì tất cả chúng sinh, nhân loại, chư thiên, Phạm thiên... mới lắng nghe chánh pháp và thực hành theo chánh pháp của Ngài.

ÐẠI PHẠM THIÊN THỈNH ÐỨC PHẬT THUYẾT PHÁP

Ðại Phạm thiên Sahampati biết Ðức Phật nản lòng chưa muốn thuyết pháp tế độ chúng sinh, Ngài bèn tuyên bố cho toàn cõi Phạm thiên, chư thiên 10 ngàn thế giới hay biết rằng:

- Nassati vata Bho loko! Vinassati vata Bho loko! [10]

- Này chư vị, toàn thế giới chúng sinh sẽ hủy hoại!
Này chư vị, toàn thế giới chúng sinh sẽ tiêu diệt!

Bởi vì, Ðức Phật đang do dự chưa muốn thuyết pháp tế độ chúng sinh, cho nên Ðại Phạm thiên Sahampati cùng chư thiên, Phạm thiên khắp 10 ngàn thế giới hiện xuống, đồng kính cung thỉnh Ðức Thế Tôn rằng:

- Desetu Bhante Bhagavā dhammaṃ. Desetu Sugato dhammaṃ. [10]

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, Chúng con hết lòng thành kính, xin thỉnh Ðức Thế Tôn mở tâm đại bi thuyết pháp tế độ chúng sinh.

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, Chúng con hết lòng thành kính, xin thỉnh Ðức Thiện Ngôn mở tâm đại bi thuyết pháp tế độ chúng sinh.

Có số chúng sinh nào phiền não nhẹ, có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn; nếu số chúng sinh ấy, không có được cơ hội lắng nghe chánh pháp của Ðức Thế Tôn, thì sự thiệt hại sẽ lớn lao biết dường nào!

Nghe qua lời thỉnh cầu của Ðại Phạm thiên Sahampati, với tâm đại bi, Ðức Thế Tôn quán xét bằng Phật nhãn (Buddhacakkhu) thấy rõ có số chúng sinh có phiền não nhẹ, có số chúng sinh có phiền não nặng, có số chúng sinh có 5 pháp chủ (tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ) đủ năng lực, có số chúng sinh có 5 pháp chủ ít năng lực; có số chúng sinh dễ dạy; có số chúng sinh khó dạy...

Ví như có 4 loại hoa sen [10].

* Có loại vượt qua khỏi mặt nước, chờ tiếp xúc ánh sáng mặt trời liền nở ngay ngày hôm nay.

* Có loại vươn lên, nằm ngang tầm mặt nước, sẽ chờ nở vào ngày mai.

* Có loại còn ở dưới mặt nước, sẽ chờ thời gian 3, 4 hôm nữa mới nở được.

* Có loại còn non vừa mới tượng hình ở dưới nước sâu. Những mầm sen non ấy sẽ làm vật thực cho loài rùa, cá...

Bốn loại hoa sen này so sánh như 4 hạng người ở trong đời:

1- Ugghāṭitaññū: Hạng người có trí tuệ bậc thượng, bén nhạy. Khi được nghe tiền đề của chánh pháp, chưa cần khai triển, hay trong một bài kệ có 4 câu, chỉ được nghe 2 câu đầu; bậc ấy có thể chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn ngay tức khắc.

2- Vipaccitaññū: Hạng người có trí tuệ bậc trung. Khi được nghe tiền đề của chánh pháp và khai triển, hay được nghe một bài kệ đầy đủ 4 câu; người ấy có thể chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn.

3- Neyya: Hạng người có trí tuệ bậc thường. Khi được nghe tiền đề của chánh pháp và khai triển xong, nhưng cần phải có thời gian thân cận gần gũi với bậc Thánh nhân, bậc Thiện trí hướng dẫn chỉ dạy thêm, mới có thể chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn trong kiếp hiện tại này.

4- Padaparama: Hạng người có trí tuệ kém. Dầu được nghe nhiều, học nhiều đi nữa, hay dầu thân cận với bậc Thiện trí, họ cũng chưa có thể chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả ngay trong kiếp hiện tại này. Nhưng đây là một cơ hội tốt, một dịp may, để bồi bổ pháp hạnh ba la mật, để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn trong kiếp vị lai.

Ðức Phật quán xét thế gian bằng Phật nhãn thấy rõ có 4 hạng người như vậy, cho nên sự thuyết pháp của Ngài sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho 3 hạng người trước ngay trong kiếp hiện tại, và cũng đem lại lợi ích cho hạng người thứ tư (padaparama) ở kiếp vị lai.

Nhận lời thỉnh cầu của Ðại Phạm thiên Sahampati, Ðức Phật thuyết pháp tế độ chúng sinh.


Chú thích:

[1] Bảy bước tượng trưng cho Thất giác chi. (Chú giải Dī. Mahāvagga kinh Mahāpadānasutta).

[2] Dīghanikāya, Bộ Mahāvagga, kinh Mahāpadānasutta.

[3] Đối với Đức Phật Độc Giác, bậc Thánh Thanh Văn Giác Túc mạng minh có giới hạn.

[4] Muốn tìm hiểu rõ, chi tiết xin xem Phần III-10 "Tử sanh luân hồi".

[5] Vàsanà: tiền khiên tật chỉ có bậc Thánh Arahán Chánh Đẳng Giác diệt đoạn tuyệt được; còn chư bậc Thánh Arahán Thanh Văn không thể diệt được.

[6] Dưới cội cây nào mỗi Đức Bồ Tát chứng đắc thành bậc Chánh Đẳng Giác, cây ấy gọi là Bodhirukkha: cây Bồ Đề.

[7] Dhammapadagāthā số 153, 154.

[8] Phiền não có tất cả 1.500 loại.

[9] Tham ái có tất cả 108 loại.

[10] Bộ chú giải Majjhimanikàya, Mūlapannāsa, kinh Pāsarāsisutta.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 1.3 | 1.4 | 1.5 | 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 |
 4.1 | 4.2 | 4.3 | 4.4 | 4.5 | 4.6 | 5.1 | 5.2 | 5.3 | 5.4 | 5.5

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 05-2003).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 30-05-2003