BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Kinh An vui lâu dài

Hòa thượng Thích Thiện Châu


Chánh Kinh

Ðiều này do Thế Tôn và các Alahán nói và tôi được nghe.

Các Tỳ kheo, Ta thấy các chúng sanh thành tựu thân làm việc lành (1), thành tựu miệng nói lời lành (2), thành tựu ý nghĩ điều lành (3), không phỉ báng thánh hiền (4), có chánh kiến (5), thọ trì các hành nghiệp thuộc chánh kiến (6), sau khi thân hoại mạng hết sanh vào nơi an lành: cảnh trời (7), cõi này (8).

Các Tỳ kheo, sau khi không nghe Sa môn, Bà la môn nào nói đến, Ta mới tuyên bố: Các Tỳ kheo, Ta thấy các chúng sanh thành tựu thân làm việc lành, thành tựu miệng nói lời lành, thành tựu ý nghĩ điều lành, không phỉ báng thánh hiền, có chánh kiến, thọ trì các hành nghiệp thuộc chánh kiến, sau khi thân hoại mạng hết sanh vào nơi an lành: cảnh trời, cõi này.

Vả lại, các Tỳ kheo, bởi vì tự biết, tự thấy, tự tìm ra như thế (9) nên ta tuyên bố: Các Tỳ kheo, Ta thấy các chúng sanh thành tựu thân làm việc lành, thành tựu miệng nói lời lành, thành tựu ý nghĩ điều lành, không phỉ báng thánh hiền, có chánh kiến, thọ trì các hành nghiệp thuộc chánh kiến, sau khi thân hoại mạng hết sanh vào nơi an lành: cảnh trời, cõi này.

Thế Tôn đã nói ý nghĩa này, ở đây điều này lại được nói như sau:

Dẫn ý vào nẻo chánh,
Miệng nói lời chân chánh,
Thân làm việc chân chánh,
Người đời nên làm vậy.
Nghe nhiều làm công đức (10)
Ðời sống này ngắn ngủi,
Thân hoại với trí tuệ,
Người ấy sanh cảnh trời.

Ý nghĩa này Thế Tôn nói và tôi được nghe.

 

Chú Thích

(1) - Thân làm việc lành:

a - tôn trọng sự sống không giết hại
b - tôn trọng tài sản của người không trộm cướp
c - tôn trọng hạnh phúc gia đình mình và người , không tà hạnh

(2) - Miệng nói lời lành:

a - nói đúng đắn, có nói có, không nói không
b - nói đàng hoàng không thêu dệt, thêm bớt
c - nói hòa giải, không làm cho người thù ghét nhau
d - nói dịu dàng dễ nghe

(3) - Ý nghĩ điều lành:

a - nghĩ điều san sẻ, xả bỏ (không tham lam)
b - nghĩ điều thương giúp không tàn bạo (không giận hờn)
c - nghĩ điều chân chánh, không sai lầm tà vạy

(4) - ARIYA: Thánh hiền dịch từ chữ Pâli: ARIYA , chỉ cho các bậc sáng suốt đạo đức; rõ hơn, là những vị đã đoạn trừ tà kiến và phiền não như Tu đà hoàn, Tư đà hàm, Anahàm và Alahán

(5) - Có chánh kiến: hiểu biết phù hợp với 4 chân lý vi diệu như khổ, nhân khổ, khổ diệt và con đường đến khổ diệt

(6) - Thọ trì các hành nghiệp thuộc chánh kiến: sống theo 8 chánh đạo, nhất là chánh mạng- sinh sống với nghề chân chánh và chánh định: tu luyện tâm ý theo những phương pháp thiền định chân chánh

(7) - Cảnh trời: gồm có 6 cõi trời thuộc dục giới, 16 hay 17 cõi sắc giới và 4 cõi vô sắc giới. Các cõi này vẫn còn nằm trong vòng luân hồi, nghĩa là còn chịu sống chết lên xuống. Tuy nhiên so với cõi người thì cảnh trời có nhiều an vui hơn, nhất là phương diện vật chất (nhất là các cõi thuộc dục giới)

(8) - Cõi này: Chỉ cho thế giới loài người, mặc dù cõi người có nhiều khổ đau song so với những cõi thấp như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thì cõi người là cõi có nhiều an vui; vả lại nếu đứng về phương diện tinh thần thì cõi người là nơi có nhiều cơ hội để học hỏi, tu dưỡng, làm việc công đức vì ở đây có Phật ra đời, có Chánh Pháp và nhất là nhờ hoàn cảnh không quá đau khổ và không quá vui sướng nên người ta có thể tu hành được. Trong khi đó ở các cảnh trời, vì quá vui sướng và nhất là không có Phật Pháp nên chúng sanh không thể tu hành được.

(9) - Có nhiều học giả phương tây cho rằng sở dĩ Phật nói đến tái sanh và nhân quả ba đời là vì chịu ảnh hưởng Ấn độ giáo. Ở đây Phật minh xác là Phật tự biết, tự thấy và tự tìm ra. Vả lại trong lúc giác ngộ, Phật chứng được "thiên nhãn minh" tức là Phật thấy rõ chúng sanh sống chết qua lại lên xuống tùy theo "nghiệp" (karma)

(10) - Nghe nhiều làm công đức cũng có nghĩa là có đủ trí tuệ và đạo hạnh

 

Giải thích

Bài kinh này trích từ "Phật nói như vậy" (Itivuttaka), một trong các quyển thuộc Tiểu bộ (Khuddakanikâya), số 71 (TIK III 2) trang 59 (Pâli Text Society).

Nội dung kinh có thể tóm tắt trong những ý sau đây:

Ðạo lý nhân quả - Phật thấy rõ đạo lý nhân quả và chỉ dậy chúng ta nên làm điều lành, kính trọng thánh hiền, có chánh kiến và sống theo chánh kiến để được an vui lâu dài. Những người trước Phật và cùng thời với Phật chắc chắn có "răn ác khuyến thiện" song thường hay xen lẫn với thần quyền, thưởng phạt của thần linh. Ngay trong thời đại này vẫn còn nhiều người, kể cả những kẻ tự nhận là Như lai sứ giả, vẫn không dám tin chắc đạo lý nhân quả như sự thật khách quan; người ta vẫn dùng những lời và ý lập lờ để chứng minh, khuyến dụ, an ủi và mưu lợi như:

"Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên"
"Aides toi, le ciel t'aidera"
"Có trời mà cũng có ta"
"Có nhân quả song năm xui tháng hạn cũng có"

Trong khi đó, Phật xác định rằng quy luật nhân quả vốn diễn biến một cách khách quan, không liên hệ gì với thần linh mà cũng không cần sự can thiệp của thần linh. Làm ác thì chịu khổ mà làm lành thì được vui vậy thôi. Sự thật hiển nhiên như thế song mấy ai dám thừa nhận, ngay những người tự cho mình có sứ mạng "khai đạo".

Ðạo lý nhân quả thể hiện trong sự sống và cuộc sống con người tuy phức tạp và tinh tế hơn trong thiên nhiên song vẫn diễn biến một cách không hề thiên vị. Bất cứ ai (không kể là người có đạo hay không) nếu làm lành, kính trọng thánh hiền, có chánh kiến và sống đúng theo chánh kiến thì được an vui không những trong đời này mà cả những đời sau nữa.

Lành và ác - Con đường đưa đến Niết Bàn gồm có 8 chánh đạo, tóm thâu vào 3 điều tu học: Giới, Ðịnh, Tuệ. Giới là căn bản để tu Ðịnh và phát Tuệ. Mà giới là bỏ ác làm lành. Ác và lành thể hiện qua việc làm nơi thân, lời nói ở miệng, và sự suy nghĩ ý. Những gì tốt đẹp lợi ích cho mình, cho người trong hiện tại và tương lai thì gọi là lành. Như thế lành hay ác là những gì cụ thể nơi sự sống con người và trong cuộc sống loài người chớ không phải những điều do thần linh phán định, lại càng không phải là những kiêng cử mơ hồ phỏng theo mê tín dị đoan. Việc làm, lời nói và ý nghĩ lành tự chúng đã là tốt đẹp, lợi ích; do đó chúng là nguyên nhân của sự an vui lâu dài cho những người đã tạo chúng.

Kính trọng thánh hiền - Thánh hiền dịch từ chữ Pali ARIYA, chỉ cho người sáng lành cao đẹp. Thánh hiền là người có khả năng hướng đạo và làm gương mẫu cho chúng ta trong cuộc sống giác ngộ giải thoát. Không nên lầm lẫn thánh hiền với thần linh. Có thể có người làm lành nói đạo song vẫn khinh dễ thánh hiền vì kiêu căng, ngạo mạn; nhất định những người này không thể đi lâu và tính xa trên đường đạo bởi vì thiếu thầy tốt bạn lành, và chính sự kiêu mạn sẽ đưa họ đến nơi sai lầm đau khổ. Trong tinh thần "trọng thầy mới được làm thầy", kính trọng thánh hiền là nhân tố giúp chúng ta hướng thiện và hướng thượng. Do đó, người kính trọng thánh hiền sẽ hưởng được an vui lâu dài.

Có chánh kiến và sống đúng theo chánh kiến- Làm lành, kính trọng thánh hiền chưa đủ để được an vui lâu dài bởi vì nếu không có chánh kiến và sống đúng theo chánh kiến thì sự làm lành và kính trọng thánh hiền sẽ nằm mãi mãi nơi mức độ "tín ngưỡng"; vì thế sự tu học sẽ không vững chắc và lâu dài vì thiếu trí tuệ và đạo hạnh được hướng dẫn bởi trí tuệ: ví dụ những người mê tín tà kiến vẫn có thể "làm lành" và kính trọng thánh hiền. Song vì không có chánh kiến nên có thể bị lạc đạo. Có chánh kiến là giác ngộ chân lý - thấy rõ sự thật cuộc đời - khổ và nhân khổ. Sống theo chánh kiến là sống theo con đường diệt khổ (8 chánh đạo) với mục đích giải thoát đau khổ (Niết bàn) - khổ diệt và đạo. Nói cách khác, có chánh kiến và sống theo chánh kiến là hiểu và tu theo bốn chân lý vi diệu. Có thể nói rằng không hiểu và không theo bốn chân lý vi diệu tức là ở ngoài Chánh Pháp của Phật.

An vui lâu dài- Phật thừa nhận rằng trong vòng tương đối, con người vẫn có thể tìm được ít nhiều thú vui. Song cuộc đời vốn là vô thường và mạng sống con người cũng rất ngắn ngủi. Vì thế Phật khuyên dạy chúng ta không nên say đắm thú vui nhỏ ngắn mà nên xây dựng nếp sống cao đẹp để được an vui lâu dài trong hiện tại cũng như trong tương lai. Cũng vì thế, nếu chỉ mong được an vui nhỏ và ngắn trong đời này thì không có đủ đại nguyện để thực hiện lý tưởng cao đẹp. Ấy là chưa nói đến sự thấy biết hạn cuộc về sự sống (đoạn kiến) luôn luôn thúc đẩy con người ham muốn hưởng thụ một cách hối hả:

"Hẹn lấy tuổi để mà chơi lấy,
Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đãy,
Nếu không chơi thiệt ấy ai bài" (Nguyễn công Trứ)

Trái lại, nếu hiểu rõ đời người chỉ là một hình thái trong một giai đoạn của quá trình sống chết - chết sống của một chúng sanh và quy luật nhân quả diễn biến liên tục một cách khách quan, cho nên làm lành thì an vui; nghĩa là những gì tốt đẹp lợi ích mà mỗi chúng sanh tạo ra trong đời này là nhân của quả trong đời này và cả đời sau. Do đó, làm lành, kính trọng thánh hiền, có chánh kiến, sống đúng theo chánh kiến, thì được an vui lâu dài trong đời này và sau khi chết cũng được an vui trong cảnh trời hay cõi người.
Trong sự tiến hoá trên đường Ðạo, từ cõi người hay cảnh trời, chúng ta có thể tu học lần lần để đạt được giác ngộ giải thoát hoàn toàn.

 


Source: Người Cư Sĩ, France, https://www.multimania.com/cusi/


[Trở về trang Thư Mục]