This article is written in Vietnamese, using Unicode Times font

Sự Truyền Bá của Phật Pháp

Tỳ Kheo Anoma Mahinda

(Tôn Thất Ðào dịch từ "The Blue Print of Happiness")


Sự hưng thịnh và truyền bá của nhiều tôn giáo thường được đi kèm với sự giết chóc và hành quyết những người đã không sẵn sàng tin theo một tín ngưỡng đến với họ từ nước ngoài. Ðạo Phật thì chẳng viết một trang sử nào như vậy trên thế giới. Ðã chẳng có một giọt máu nào, một áp lực nào được dùng để truyền bá đạo Phật đến các vùng đất khác. Công trình truyền bá đạo Phật trong an bình và tuy rằng không có một hậu ý chính trị hay kinh tế nào đi kèm vẫn có một thành tích vẻ vang. Ánh đạo vàng này soi sáng trên những xứ sở mà một thế hệ trước đây đã không biết tới.

Những người Tây phương trở về với đạo Phật đầu tiên là phần lớn thuộc giới có học và thành phần trí thức. Ðiều này là do Phật pháp không dễ gì có sẵn cho mọi người ngoài đường mà trước hết chỉ phải được nghiên cứu bởi những người có khả năng đọc được ngôn ngữ Ðông phương. Trong những năm gần đây, tình trạng đó đã được thay đổi toàn diện. Không những người Tây phương có thể đọc về Phật pháp bằng ngôn ngữ xứ mình mà đã có rất nhiều tài liệu được xuất bản làm cho việc học hỏi nghiên cứu của người phương Tây được dễ dàng hơn.

Một học giả bắt đầu phiên dịch Kinh Luật từ tiếng Pali sang Anh ngữ là con của một nhà truyền giáo nổi tiếng. Ý định của ông ta khi bắt tay vào việc này là muốn chứng tỏ rằng là Thiên Chúa giáo là hơn hẳn đạo Phật. Ông ta không thực hiện ý định đó nhưng lại hoàn thành một chuyện không ngờ trước: ông trở thành một Phật tử. Chúng ta không bao giờ nên quên cái duyên may đưa đến giúp ông ta làm công việc phiên dịch và đã phổ biến được Phật pháp quí hoá cho đến hàng ngàn người Tây phương. Tên của vị học giả này là Tiến sĩ Rhys Dadids, ông ta đã nói về Phật pháp như sau: "Tôi đã tham khảo mọi tôn giáo lớn trên thế giới và không có một tôn giáo nào có gì hơn được sự hay ho và thấu đáo của Tứ Diệu Ðế mà đức Phật đã giảng dạy. Tôi rất thoả mãn sự chọn cho đời mình con đường đó."

H.G. Wells, khoa học gia và cũng là sử gia, ca ngợi đạo Phật như là một hệ thống đạo đức cao cả và coi đức Phật như vị cao cả nhất trong các vị cao cả từng ra đời. Trong cuốn "Outline of History", ông ta đã viết: "Trên những vùng rộng lớn của thế giới, đạo Phật vẫn tồn tại. Khi tiếp xúc với khoa học Tây phương và được khơi dậy bởi tinh thần sử học, giáo pháp nguyên thủy của đức Phật được sống động và trong sáng trở lại và rất có thể rằng sẽ đóng vai trò lớn trong vận mệnh của nhân loại.

Khoa học gia nổi tiếng người Anh Thomas Huxley, tuy không phải là một Phật tử nhưng chịu nhiều ảnh hưởng của Phật pháp đã tóm lược Con Ðường Giải Thoát của đức Phật một cách ngắn gọn và rõ rệt như sau: "Ðạo Phật là một hệ thống tư tưởng không chấp nhận Thượng Ðế theo ý nghĩa Tây phương, phủ nhận con người có một linh hồn và tin tưởng vào sự trường sinh bất tử, cho rằng cầu nguyện và cúng tế chẳng ích lợi gì mà phải cố gắng tự giải thoát, không dựa vào sự giúp đỡ của tha lực. Tuy vậy đạo Phật đã được phổ biến một cách mau lẹ trên một phần rộng lớn đáng kể của thế giới và đang là tôn giáo chế ngự phần lớn nhân loại.

Swami Vivekănanda, nhà truyền giáo lỗi lạc đã giới thiệu triết lý Ðông phương cho phương Tây, đã nói như sau: "Hãy chỉ cho tôi trong lịch sử một nhân vật mà danh tiếng nổi bật hơn tất cả. Toàn nhân loại chỉ có một vị với triết lý cao siêu và lòng từ bi rộng lớn đến như vậy. Một triết gia vĩ đại thuyết giảng một triết lý cao siêu mà lại có lòng từ bi vô lượng cho đến cả loài súc vật thấp hèn nhất và chẳng bao giờ nói tới chính mình. Ngài là vị Karma Yogi lý tưởng, hành động hoàn toàn không có hậu ý và lịch sử nhân loại đã chứng tỏ ngài là con người vĩ đại nhất không ai so sánh được, một tổ hợp của con tim và khối óc chưa từng có." (Trích từ Lectures on Karma Yoga)

Ta hãy nhắc lại lời của Tiến sĩ Graham Howe, một trong những nhà tâm lý học hạng nhất của nước Anh: "Ðọc một ít Phật pháp thì hiểu được rằng những Phật tử từ hai nghìn năm trăm năm về trước đã biết hơn quá xa những vấn đề tâm lý học hiện đại của chúng ta và biết thật nhiều hơn là ta tưởng. Họ đã nghiên cứu những vấn đề này trước đây rất lâu và đã tìm ra giải đáp cho những vấn đề đó. Chúng ta bây giờ đang đi khám phá lại những kiến thức cổ của Ðông phương.

Giáo sư Karl Gustav Jung từ Zurich, được kể như là một trong nhữnh nhà tâm lý học nổi tiếng trên thế giới, có nói: "Là một người nghiên cứu những tôn giáo, tôi tin rằng Phật giáo là tôn giáo hòan hảo nhất trên thế giới. Triết lý của đức Phật với lý nhân duyên và luật nhân quả thật là cao hơn hết thảy mọi tôn giáo khác.

Tuy đọc để biết quan điểm của người khác là hữu ích như trên đây, nhưng phải chính mính chứng nghiệm mới là thử thách thực sự. Có thể không cần một thời gian lâu dài để một người trung bình tìm hiểu và yêu thích Ánh Ðạo Vàng này. Trong số những vị giáo chủ của những tôn giáo lớn, đức Phật thăng hoa tất cả với lòng từ bi rộng lớn, không những cho tất cả con người thuộc mọi chủng tộc, màu da và giai cấp mà đến cả những loài sinh vật nhỏ bé. Thật không ai xứng đáng bằng ngài với danh hiệu Ðức Từ Bi Vô Lượng. Về trí tuệ cũng vậy, không có ai ngang hàng với Ngài, đức Phật vượt bực hẳn ra như đứng giữa đám đông người lùn. Ngài đã giảng dạy những dữ kiện thực tế của thiên nhiên hai mươi lăm thế kỷ trước, những điều mà các nhà khoa học chỉ mới khám phá trong thập niên vừa qua. Ðức Phật là người đầu tiên đã đưa lên đúng phẩm giá xứng đáng của phụ nữ và chính trong đạo Phật Ngài đã đặt phụ nữ ngang hàng với nam giới. Ðức Phật không chấp nhận sự phân chia giai cấp căn cứ vào sự sinh trưởng trong gia đình quyền quý hay nghèo hèn. Ðối với đức Phật, một người trở nên cao quý là do đời sống đạo đức của người đó chứ không do sự giầu có của cải hoặc địa vị xã hội của cha mẹ. Phật pháp này là sinh lực mạnh mẽ nhất có thể mang lại cho con người và các quốc gia trong thế giới ngày nay.

Làm thế nào để gia nhập vào gia đình vĩ đại và thân ái này? Chẳng có một thể thức "rửa tội" hay nghi lễ huyền bí nào để đi vào đạo Phật. Chúng ta trở thành Phật tử ngay giờ phút mà ta chấp nhận đức Phật như là Thầy (Teacher), là người chỉ đường. Quá khứ của ta có thể lâu dài mòn mỏi, nhưng nay đã có giáo pháp mà ta có thể theo một cách vững lòng. Chúng ta không bị đòi hỏi phải chấp nhận gì cả, chỉ cần có lòng tự tin, hãy tự mình tìm tòi, căn cứ trên sự hiểu biết và lý luận của chính mình. Ba đặc tính của đời sống (Vô thường, Khổ não, và Vô ngã) có đó cho ta suy nghiệm. Thắng pháp (Abhidhamma) hay Tâm lý học đạo Phật có đó cho to học hỏi về tiến trình của tâm. Bát chính đạo có đó cho ta thực tập hàng ngày. Thiền tập sẽ làm cho ta thức tỉnh, cho ta thấy được mọi thực tại của đời sống và vén màng vô minh cho ta ra khỏi ảo tưởng. Sự tinh tấn trong công phu thiền tập sẽ cho ta thấy được hiện tượng tâm và vật lý phát khởi, diễn tiến, tan đi và hiểu được liên hệ Danh, Sắc, Nhân Quả... Pháp có nhiều nghĩa, nghĩa thông thường là giáo pháp và ngoài ra còn có nghĩa là dòng pháp hay luật thiên nhiên. Nếu ta thực tập Phật pháp tinh tấn hết sức mình, ta đặt mình hoà nhịp với] luật thiên nhiên điều khiển vũ trụ. Phật pháp cho ta một khuôn mẫu sống có thể gọi là một Họa Ðồ của Hạnh Phúc (The Blue Print of Happiness).