Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font

Chuyện Của Muôn Người

Bạch Tuyết


Bạn thân mến,

Có những gút mắc vẫn thường xuyên hiện diện trong đời làm trở ngại, lao tâm khổ tứ cho con người; mà hoặc vì xem nhẹ hoặc vì không có thời gian, không có cơ hội để nêu ra để luận bàn, lý giải tìm cách làm cho nó bớt đi, phai đi, ngay cả biến mất đi để trả lại cho con người bản tánh chơn như... như trong giáo lý của đức Phật dạy.

Chúng ta đọc sách báo, nghe những lời thị phi trong đời thường; ở đâu đó cô dâu tự tử vì gặp phải bà mẹ chồng khắc nghiệt; ở đâu đó người chồng xua đuổi hành hạ vợ vì nghe lời của mẹ ruột; nơi đâu đó mẹ chồng bị cô con dâu bỏ đói... Còn rất nhiều những cảnh ngộ thương tâm, nhưng bản chất của vấn đề chúng ta muốn đề cập đến đó là sự thiếu hiểu biết, thiếu cảm thông giữa hai người đàn bà của hai thế hệ trong cùng một tổ hợp gia đình. Sự thiếu này phải chăng bắt nguồn từ trí và đức như đức Phật đã từng nói trong kinh Ưu Bà Tắc Giới (*) ("kinh Ưu Bà Tắc Giới",Thích Quảng Ninh, PL 2534), như chúng ta vẫn thường xem kinh, nghe thuyết giảng.

Ðạo Phật chú trọng đến con người, huấn luyện con người có đủ Bi (lòng thương người); Trí (sự sáng suốt) và Dũng (chí khí quyết tâm tiến thủ); bởi vì con người tốt thì xã hội tốt. Muốn cho xã hội tốt đẹp, an lạc hòa bình, phải đào tạo con người trong mỗi gia đình được đầy đủ hai điều quan trọng, đó là sự hiểu biết và tình thương nhân loại. Ðào tạo con người là khó, tự sửa mình để trở nên người tốt càng khó hơn. Nhưng lại có câu "ở đời việc gì khó làm mà làm được thành công, việc ấy mới cao quí". Chúng ta cố gắng học hỏi để nâng mình lên để sống vui.

Các trí thông thường dành để suy xét phân biệt phải quấy, đúng sai, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa, biết rõ ưu điểm của mình, của người hầu dễ phát huy. Còn lại cái đức dùng để dung người, tha cho người, giúp đỡ người trong cơn khốn cùng, dạy cho người kém hơn mình, thấp hơn mình, giúp người thay đổi tánh xấu, tánh ác mà không khiến họ giận dữ hay tủi thân, tủi phận hoặc gieo hờn chuốc oán với mình.

Mẹ chồng và nàng dâu là hai người phụ nữ một già, một trẻ cùng thương cùng muốn dành trọn đời mình, hy sinh cả đời mình để chăm sóc một người đàn ông. Khi người đàn ông này còn là một đứa trẻ thì người đàn bà nuôi nấy dạy dỗ, thương yêu chìu chuộng y đang ở cương vị cô dâu; khi người đàn ông này lớn lên đi cưới vợ thì cô dâu đã ở vai trò bà mẹ chồng và cứ như vậy... Người đàn bà trẻ khi là cô dâu trong gia đình bị ức chế đủ cách, đủ kiểu, cô phải ở làm sao cho vừa lòng mẹ chồng, cha chồng, anh chồng, em chồng, chị chồng, chú chồng, cô chồng v.v... Nếu ở chung với đại gia đình thì quả tình cô khó mà ở cho tất cả mọi người vừa lòng. Muốn ăn phải đợi người lớn ăn trước, muốn ngủ phải canh người lớn ngủ trước và phải thức dậy trước khi người lớn dậy, muốn chăm sóc cho chồng phải chờ lúc vào phòng riêng khi chỉ có 2 người, người chồng muốn bày tỏ tình yêu đối với vợ phải kín đáo khéo léo, nếu không sẽ không tránh khỏi lời bấc tiếng chì, lời ong tiếng ve: "Thằng này bây giờ nó chỉ còn biết có vợ nó thôi!". Nặng hơn một chút thì: "Phải dè tao biết mầy bất hiếu như vầy hồi đó tao đã bóp mũi cho mày chết phứt"... Còn nhiều, rất nhiều những câu nói khó nghe tất cả bắt nguồn từ lòng ganh tỵ, ích kỷ...

Người mẹ nào cũng muốn đứa con tỏ lòng hiếu thảo, thương mẹ, lo cho mẹ, chăm sóc mẹ, xem mẹ là người duy nhất. Ganh tỵ là vì thấy tình thương bị chia sẻ, thậm chí bị chiếm đoạt, bị thay thế bởi một đối thủ mà theo chủ quan của bà "thứ đồ con nít miệng còn hôi sữa", "không biết được bà đã cực khổ hy sinh như thế nào". Bà tức giận đứa con trai lớn lên bỗng nghe lời người khác, vừa nhỏ tuổi, vừa xa lạ mà lại được chiếm hữu hoàn toàn đứa con (người đàn ông trẻ) rất mực yêu quý của bà, những chi tiết thật bình thường ví dụ người vợ trẻ bận đi làm, tất bật vì công việc ở ngoài, người chồng ở nhà giặt quần áo cho vợ... cũng có thể khiến người mẹ bực tức, nóng giận, buồn khổ; vì theo chủ quan, bà lo cho trai từng cái nút áo, cái khăn, tấm mền, cái gối thật sạch sẽ, thật phẳng phiu, bà nhận về hết cho mình sự hy sinh, cực khổ, bà muốn con bà sung sướng, vậy mà: "Nó lại đi giặt quần áo cho vợ nó". Mỗi hành động được hiểu một chiều là mỗi lần trái tim bà bị vò xé, gặm nhấm, sự tự suy gẫm đi đến giận dữ, sinh phiền não, không trút được thì đi đến giận hờn, hờn không giải quyết được công khai tạo nên sân hận và "chiến tranh bùng nổ".

Lúc bấy giờ cả ba đều khổ, người đàn ông đứng giữa 2 người đàn bà, một là lòng hiếu thảo, công đức sinh thành, bên kia là tình cảm vợ chồng, nghĩa ái nguồn ân. Cả hai bên, bên nào cũng nặng. Bà mẹ chồng ngày càng uất ức, muốn đuổi con dâu đi cho khuất mắt nhưng sợ con trai buồn, mà để nhởn nhơ trước mặt thì không chịu nổi, phần cô dâu thương chồng thì phải thương người đàn bà lớn tuổi xa lạ này, bởi nếu không có bà thì làm sao có người đàn ông để cho mình thương yêu, âu yếm. Nghĩ thì tốt đẹp nhưng hành động thế nào cho đúng thì quả thật trăm đắng ngàn cay. Bởi vì cùng một thế hệ mà sự cảm thông hiểu biết còn có lúc quá nhiêu khê, huống hồ hai thế hệ cách xa nhau, khác tuổi tác, sức khỏe, tâm lý, sinh lý, thói quen, nếp nghĩ, trình độ, quá khứ (nơi đến của mỗi người)... Lúc cô dâu muốn bày tỏ thì bà mẹ chồng mệt không muốn nghe. Khi cô dâu chọn thái độ yên lặng thì bà mẹ chồng nghĩ rằng: "Con này nó ghê lắm, lầm lầm lỳ lỳ, giả mù sa mưa, cốt làm sao nắm được mũi con tao".

Trên đây phần nào chúng ta đã phân tích tâm lý -- tình cảm của mẹ chồng, nàng dâu, những bi kịch khó tránh của mỗi người phụ nữ chúng ta dù sang hay hèn, giàu hay nghèo, ngu hay trí, đẹp hay xấu, già hay trẻ. Con đường, quang cảnh mà đa số chúng ta trải qua không ai giống ai, mà ai cũng giống khi "đi lấy chồng", khi là mẹ chồng. Muốn tránh hoặc làm giảm bớt đi nỗi khổ đau, niềm ân hận, chỉ có cách duy nhất là tự sửa mình, tự xoay tấm gương ngược trở vào để ngắm mình, nhận ra từng vết thương, vết sẹo của mình, trước khi phán xét, nhận định và kết án người khác. Nhà Phật có 4 chữ "phản quang tự kỷ".

Trong "phẩm Thọ Giới" của quyển "Kinh Ưu Bà Tắc Giới", Phật dạy Phật tử chúng ta, nếu làm cha mẹ phải hết lòng thương yêu con cái, không dối gạt con cái, khi con lớn giao hết của cải cho con, lựa giòng họ đạo đức, đàng hoàng, sang cả mà cưới hoặc gả con. Dạy cho con biết phải quấy, thấu hiểu việc trong ngoài. Biết cách cư xử ở đời. Làm vợ phải tận tâm lo sự nghiệp, không biếng nhác. Thay cha mẹ chồng chăm nom bạn, khách, giữ sạch sẽ nhà cửa cũng như phòng riêng, đồ dùng của cha mẹ chồng; kính mến, dịu dàng với cha mẹ chồng, nhã nhặn dạy dỗ tôi tớ, sáng sớm dậy trước, đêm đi ngủ sau cùng, học nấu ăn cho khéo khiến cha mẹ chồng an ngon, nhẫn nhịn nghe những lời dạy bảo; giữ kín những chuyện trong gia đình, chăm sóc nuôi nấng cha mẹ chồng, dạy dỗ con cái. Làm chồng phải xử tròn đạo hiếu với cha mẹ của hai bên, trên kính dưới nhường, thủy chung, tin yêu hòa thuận, làm gương tốt cho con, tận tâm kinh doanh sự nghiệp để giữ gìn sự an vui thịnh vượng cho gia đình... Ðối với vợ không để thiếu thốn, đối với cha mẹ luôn ấp lạnh quạt nồng.

Nếu như mỗi chúng ta được các bậc thiện tri thức nhắc nhở, thuộc nằm lòng những lời đức Phật dạy, chắc chắn chúng ta sẽ tạo được cho mình thân tâm an lạc, gia đình hạnh phúc, xã hội yên bình. Lúc bấy giờ chúng ta có thể tự hào mình là người tốt, chẳng những được con cháu yêu quí kính trọng trong hiện tại, mà còn thanh thản, sung sướng làm cái gạch nối đáng tin cậy cho những thế hệ mai sau, là những thành viên không thể thiếu trong dòng sống tiếp nối miên viễn của nhân loại.

(*) Ưu Bà Tắc: chỉ người nam cư sĩ, Phật tử tại gia.

Nghệ sĩ Bạch Tuyết
Sài Gòn 1997


Chân thành cám ơn anh Nguyễn Quang Trung đã có thiện tâm giúp đánh máy lại bài viết nầy (11/97)