BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Những gì Ðức Phật dạy về thế giới ngày nay

Hòa thượng Walpola Rahula

Quang Bảo dịch


Một số người tin rằng Phật giáo là một hệ thống giáo lý quá cao siêu và vi diệu mà những người nam nữ bình thường trong thế giới của chúng ta không thể thực hành được. Và họ cũng quan niệm rằng người ta muốn trở thành một Phật tử chân chánh thì phải xa lìa thế gian này để trú ẩn vào một nơi tự viện, hoặc một nơi yên tịnh nào đó để tu tập.

Ðây là một quan niệm sai lầm đáng buồn, do sự thiếu hiểu biết về lời dạy Ðức Phật. Một số lại vội vàng đi đến một kết luận hấp tấp và sai lạc do kết quả chỉ nghe người ta nói hoặc đọc lấy lệ một tác phẩm Phật giáo do một số tác giả viết, mà những người này do vì không hiểu vấn đề trên mọi phương diện của nó, cho nên chỉ đưa ra một quan điểm phiến diện và hời hợt. Giáo pháp của Ðức Phật không chỉ dành riêng cho giới cư sĩ tại gia sống với gia đình; bánh thánh đạo, một quy tắc, triết lý sống của Phật giáo dành cho tất cả mọi người để hành trì, mà không có một sự phân biệt về chủng loại.

Song, không phải đại đa số chúng ta đều có thể xuất gia, hoặc là ẩn tu trong những hang động. Giáo lý của đạo Phật cho dù có cao thượng hay thanh tịnh như thế nào đi nữa, nó sẽ trở nên vô ích đối đại đa số nhân loại trên thế gian này nếu họ không thể thực hành những lời dạy ấy trong cuộc sống thường nhật đối với thế giới đương đại. Nhưng nếu các vị hiểu được tinh thần của Phật giáo đúng như bản chất của nó (và không chỉ ở ngôn từ hình thức), thì chắc chắn các vị có thể thực tập và hành trì những lời dạy ấy khi đang hiện hữu như một con người bình thường.

Cũng có thể có một vài người cảm thấy dễ dàng hơn và thuận tiện hơn để chấp nhận Phật giáo, nếu họ sống ở một trú xứ xa xôi; cách ly với đời sống của mọi người khác trong xã hội. Một số khác lại cảm thấy rằng sự ẩn dật, tránh né như thế là một sự ngu xuẩn, và áp chế toàn bộ con người họ về mặt vật lý lẫn mặt tâm linh. Do vậy, lối sống đó không thể đưa đến sự tiến bộ về đời sống tinh thần và trí tuệ của họ.

Chân chánh xuất gia không có nghĩa là lánh xa cuộc đời về mặt vật chất. Ngài Xá Lợi Phất (Sàriputra), vị đệ tử chính của Ðức Thế Tôn, nói rằng một con người có thể sống trong rừng, chú tâm vào việc thực hành những hạnh khổ hạnh, nhưng trong tâm vẫn chứa đầy tư tưởng bất tịnh và nhiễm ô, cấu uế; trong khi đó một người khác có thể trú tại một ngôi làng hay nơi thành thị, không thực hành hạnh khổ hạnh, song tâm của anh ta có thể được thanh tịnh, và không có nhiễm ô, cấu uế. Trong hai loại người này, Xá Lợi Phất nói, người sống một cuộc đời thanh tịnh ở nơi làng mạc hay thành thị thì rõ ràng cao thượng hơn và vĩ đại hơn người sống ở nơi rừng núi.

Tín ngưỡng thông thường rằng để thực hành lời Phật dạy, con người phải trốn tránh cuộc đời, ẩn tu ở một nơi nào đó là một quan niệm sai lầm. Ðó thật sự là một sự chống lại lời dạy của Ðức Phật một cách vô thức. Trong nền văn học Phật giáo có vô số trường hợp liên hệ đến giới cư sĩ tại gia (ưu-bà-tắc, ưu-bà-di) sống một cuộc sống bình thường, nhưng họ có thể thực hành lời dạy của Ðức Phật trong đời sống thường nhật của gia đình họ một cách thành công và kết quả là họ chứng đắc sự an lạc, Niết bàn. Trường hợp chàng tu sĩ Vacchagotta, một lần chất vấn thẳng với Ðức Phật rằng liệu người cư sĩ tại gia thực hành giáo pháp của Ngài một cách thành công và chứng đắc những trạng thái tâm cao chăng. Ðức Phật phát biểu một cách quả quyết rằng không phải duy chỉ có một, hoặc hai, một trăm, hai trăm, hoặc năm trăm, mà có nhiều hơn nữa giới cư sĩ sống tại gia thực hành lời dạy của Ngài thành công và chứng đắc những trạng thái tâm cao thượng.

Ðối với một số người nào đó họ có thể chấp nhận sống một cuộc sống yếm thế ở một nơi yên tịnh cách ly với tiếng ồn và cảnh náo nhiệt. Song chắc chắn đáng được tuyên dương, và can đảm hơn nếu họ thực hành theo lời Phật dạy trong lúc đang sống chung với đồng loại của mình, giúp đỡ họ và sẵn sàng phục vụ họ. Ðối với một số trường hợp, có lẽ lợi ích hơn đối với một ai đó sống trong một môi trường yếm thế trong một thời gian nhằm mục đích phát triển tâm và nhân cách của mình, như là sự tu tập giới luật và định để trở nên mạnh mẽ hơn sau này để nhập thế giúp đỡ và phục vụ cho đời. Nhưng nếu anh ta sống cả cuộc đời viễn ly, độc cư và yếm thế, chỉ nghĩ về lợi lạc và hạnh phúc của bản thân và sự giải thoát cho riêng mình, mà không hề bận tâm lo lắng cho đồng loại, thì chắc chắn đây không phải là phù hợp với lời dạy của bậc Ðạo sư được căn cứ trên cơ sở tình thương, từ bi và sự phục vụ tha nhân.

Bây giờ người ta có thể thắc mắc: "Nếu một ai đó có thể tu tập theo Phật giáo giữa lúc đang sống một cuộc sống trần tục, thì tại sao Tăng già, Giáo hội, Tăng đoàn được Ðức Phật thành lập?" Giáo hội Tăng già tạo cơ hội cho những ai sẵn sàng dâng hiến cuộc đời mình không chỉ vì nhu cầu tiến bộ về mặt tâm linh mà còn là sự phục vụ cho tha nhân, chúng sanh. Một người cư sĩ tại gia không thể hi vọng để hy sinh cả cuộc đời mình nhằm mục đích phục vụ chúng sanh, trong khi đó một người xuất gia không bị ràng buộc bởi trách nhiệm của gia thất và những mối quan hệ ngoài đời khác thì không ở vào thế mắc kẹt để dâng hiến, tận tụy cả cuộc đời mình vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc, an lạc cho quần sanh, theo lời khuyên của Ðức Phật. Chính vì thế mà trong suốt tiến trình lịch sử, tự viện Phật giáo đã trở thành không những là một nơi trung tâm đời sống tâm linh mà còn là một trung tâm giáo dục và văn hoá.

Kinh Thiện Sinh (Sigala Sutta -Trường Bộ, Kinh số 31) cho thấy rằng Ðức Phật rất tôn trọng cuộc sống của cư sĩ tại gia, gia đình anh ta và những mối tương quan trong xã hội.

Một chàng thanh niên trẻ tuổi tên là Thiện Sinh (Sigala) thường đảnh lễ sáu phương hướng: Ðông, Nam, Tây, Bắc, trên và dưới theo di chúc của người cha anh ta trước khi ông qua đời. Ðức Phật dạy chàng trai thanh niên trẻ tuổi rằng "Giới luật thánh thiện" của lời dạy của Ngài thì sáu phương đó là: phương Ðông chỉ cho cha mẹ; phương Nam chỉ cho sư trưởng; phương Tây chỉ cho vợ con; phương Bắc chỉ cho bằng hữu, họ hàng và láng giềng; phương trên chỉ cho Sa môn, Bà la môn và bậc Thánh; phương dưới chỉ cho đầy tớ, người giúp việc. Ðức Phật dạy: "lễ lạy", rất là đặc trưng và có ý nghĩa, bởi vì anh ta lễ lạy một điều gì thiêng liêng, một điều gì xứng đáng được tôn trọng và kính ngưỡng.

Sáu nhóm quan hệ đối với gia đình và xã hội được đề cập ở trên, trong Phật giáo, được xem là thiêng liêng đáng được tôn kính và lễ lạy, tôn thờ. Nhưng người ta phải lễ lạy, tôn thờ những mối quan hệ ấy như thế nào? Ðức Phật dạy rằng người ta có thể lễ lạy và tôn thờ những điều ấy chỉ thông qua việc thực thi trách nhiệm và bổn phận của anh ta đối với những điều ấy. Những trách nhiệm và bổn phận này được giải thích trong bài pháp của Ngài cho chàng thanh niên Thiện Sinh.

Trước tiên, cha mẹ là thiêng liêng đối với con các. Ðức Phật dạy: Cha mẹ được gọi là Phạm Thiên (Brahma). Từ "Phạm Thiên" (Brahma) ám chỉ một quan niệm cao nhất và linh thiêng nhất đối với tư duy Ấn Ðộ thời bấy giờ và Ðức Phật liệt bố mẹ vào trong đó. Do đó, trong một gia đình Phật tử thuần tín, đối với thời đại ngày nay, đúng là con cái tôn thờ bố mẹ của chúng mỗi ngày, sáng lẫn tối. Họ phải làm một số nhiệm vụ và bổn phận đối với bố mẹ của họ theo giới luật thánh thiện: họ phải quan tâm chăm sóc bố mẹ của họ ở độ tuổi xế chiều, phải làm bất cứ những gì họ phải làm vì nhu cầu của bố mẹ, phải duy trì danh dự của gia đình và tiếp tục phát huy truyền thống của gia đình, phải bảo vệ tài sản, của cải do bố mẹ của họ kiếm được và lo tổ chức tang đám khi bố mẹ qua đời. Bố mẹ, ngược lại, phải có một số trách nhiệm đối với con cái của họ. Họ phải giáo dục con cái tránh xa những việc làm xấu xa, tội lỗi; hướng chúng vào những nghề nghiệp lành mạnh và có lợi lạc; cho con cái ăn học đến nơi đến chốn dựng vợ, gả chồng cho chúng ở những nơi gia đình tốt và giao của cải tài sản cho chúng đúng lúc.

Thứ hai, mối quan hệ giữa thầy và trò: học trò phải cung kính và vâng lời thầy, phải hỗ trợ thầy lúc cần thiết, phải siêng năng học tập. Và ngược lại thầy đối với trò; phải rèn luyện và dạy dỗ học trò nên người tốt; giới thiệu học trò cho bạn bè của chúng và cố gắng tạo việc làm đảm bảo sau khi học trò học xong.

Thứ ba, mối tương quan giữa vợ và chồng; tình yêu giữa vợ và chồng được xem như rất là tôn giáo và thiêng liêng. Nó được gọi là "Sadara-Brahmacariya" (đời sống gia đình thiêng liêng). Ở đây cũng vậy, ý nghĩa đặc trưng của từ "Brahma" nên được hiểu là: sự tôn trọng cao nhất đối với mối quan hệ này. Vợ và chồng phải chân thành tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng và hết mình vì nhau và họ có một số trách nhiệm đối với nhau: người chồng phải tôn trọng vợ và không bao giờ thiếu sự tôn trọng đối với vợ; anh ta phải yêu thương vợ và chung thủy, chân thành với cô ta; đảm bảo vị trí và tiện nghi của vợ và làm cho vợ vui lòng bằng cách thường mua áo quần và nữ trang cho cô ta. (Sự kiện Ðức Phật đề cập những món quà như thế do người chồng tặng cho vợ, chứng tỏ Ngài hiểu và thông cảm những cảm xúc và tình cảm thế gian của Ngài đối với tình cảm bình thường của con người). Ngược lại, người vợ nên giám sát và chăm lo công việc nội trợ nhà cửa; đón tiếp khách khứa, bạn bè, bà con họ hàng và người làm thuê; thương yêu và trung thành với chồng mình; bảo vệ của cải do chồng kiếm được và phải sáng suốt và nhiệt tâm trong tất cả các công việc.

Thứ tư, mối quan hệ giữa bạn bè, họ hàng quyến thuộc và hàng xóm: họ phải hiếu khách và nhân từ đối với nhau, nói lời vui vẻ và dễ chịu, làm việc lợi lạc cho nhau, đối xử bình đẳng với nhau, giúp đỡ nhau trong những lúc cần thiết và cưu mang lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn.

Thứ năm, mối tương quan giữa chủ và tớ: người chủ phải có một số trách nhiệm đối với người giúp việc của mình: công việc được giao cho phải phù hợp với khả năng và năng lực của họ; trả tiền công thích đáng; điều trị người giúp việc khi họ có bệnh hoạn, ốm đau, thỉnh thoảng cho nghỉ phép. Người giúp việc trở thành bạn của mình. Nếu không đối xử đúng đắn thì người giúp việc sẽ trở thành người thù của chủ. Ngược lại, đối với chủ, người giúp việc hay người làm thuê phải thức khuya dậy sớm, siêng năng và không giải đãi; trung thành, vâng lời chủ và không phản bội chủ mình; tự bằng lòng với những gì chủ cho; khéo đảm đang công việc và đem danh tiếng tốt về cho chủ.

Thứ sáu, mối quan hệ giữa Sa môn, Bà la môn và cư sĩ tại gia: người cư sĩ phải quan tâm chăm lo những nhu cầu về đời sống vật chất của các bậc Ðạo sư, Sa mônẨvới tình thương và sự kính trọng. Sa môn, Bà la môn thương xót chúng sanh với tâm từ bi, dạy dỗ những điều chưa biết và ngăn không cho làm điều ác, khuyến khích làm điều thiện, và làm cho thanh tịnh những điều đã nghe.

Như vậy chúng ta có thể thấy rằng cuộc sống tại gia của người cư sĩ, với những quan hệ gia đình và xã hội trong"giới luật thánh thiện" và nằm trong khuôn mẫu của một lối sống theo tinh thần Phật giáo như Ðức Phật đã vạch ra.

Cũng thế, trong Kinh Trường Bộ, một trong những bộ kinh bằng ngữ hệ Pàli cổ nhất, Sakkra, vua của cõi trời (devas) tuyên bố rằng Ngài tôn kính không chỉ những người xuất gia sống một cuộc đời phạm hạnh mà còn những người đệ tử tại gia (upàsaka), gieo trồng những công đức, phước điền, có phạm hạnh, và duy trì gia đình sống theo lối chân chánh.

Nếu một ai muốn ước ao trở thành một Phật tử, thì sẽ không có một buổi lễ kết nạp (hoặc lễ rửa tội nào) mà anh ta phải trải qua. Nhưng để trở thành một Tỳ kheo (Bhikkhu), một thành viên của Tăng già, thì anh ta cần phải trải qua một quá trình tu tập và học hỏi lâu dài. Còn nếu ai muốn tìm hiểu lời Phật dạy và tin chắc rằng giáo pháp của Ngài là chân đạo và nếu cố gắng thực hành những lời dạy đó, thì lúc đó anh ta trở thành một người Phật tử. Nhưng theo phong tục và truyền thống xưa ở các nước Phật giáo, một người được coi là Phật tử, nếu người ấy quy y Phật (Buddha), quy y Pháp (Dhamma), quy y Tăng (Sangha) - gọi chung là Tam bảo (The Triple Gem). Khi thọ lễ quy y, người ấy lãnh thọ Ngũ giới (Pânca -Sila) -trách nhiệm về mặt luân lý đạo đức tối thiểu của một người cư sĩ tại gia.

Năm giới đó là: 1. Không được sát hại sinh mạng, 2. Không được lấy của không cho, 3. Không được tà dâm, 4. Không được nói láo, 5. Không được rượu chè say sưa. Vào những buổi lễ truyền giới, Phật tử tại gia vân tập và thường đọc tụng những giới điều dưới sự hướng dẫn của một vị thầy xuất gia.

Không có hình thức lễ nghi bên ngoài mà một người Phật tử phải thực hành. Ðạo Phật là một triết lý, con đường sống và những gì quan trọng và cần thiết là việc thực hành Bát thánh đạo. Tất nhiên, tại các quốc gia Phật giáo, vào những dịp lễ có những hình thức lễ nghi giản đơn nhưng đẹp và mang ý nghĩa thiêng liêng. Có những điện thờ hình tượng của Ðức Phật, bảo tháp (stupa) và cây bồ đề trong các tu viện nơi mà giới Phật tử chiêm ngưỡng dâng hương hoa cúng dường. Ðiều này không giống với sự cầu nguyện trong các tôn giáo hữu thần, đó chỉ là một cách đảnh lễ thành kính để tưởng nhớ một bậc Ðạo sư - Người đã chỉ ra con đường đưa đến giác ngộ. Những sự biểu hiện này, mặc dù không quan trọng và không cần thiết, song có giá trị của chúng trong việc làm thoả mãn những cảm xúc tôn giáo và nhu cầu của những ai hơi kém về mặt tri thức và tinh thần và hỗ trợ họ từng bước từng bước thực hành theo con đường.

Những ai nghĩ rằng Phật giáo chỉ quan tâm về mặt ý tưởng cao cả, tư tưởng triết lý và luân lý cao siêu và cho rằng Phật giáo làm ngơ trước những lợi ích về mặt kinh tế và xã hội của con người thì hoàn toàn sai lầm. Ðức Phật rất quan tâm đối với mưu cầu hạnh phúc an lạc của con người. Theo Ngài, hạnh phúc an lạc không thể đạt được nếu như không sống một cuộc đời thanh tịnh phạm hạnh dựa trên những nguyên tắc luân lý đạo đức và tâm linh. Song Ngài biết rằng sống một cuộc đời như thế thì sẽ gặp khó khăn, không gặp những thuận duyên về những điều kiện vật chất và xã hội.

Ðạo Phật không xem lợi ích vật chất như là một sự cưú cánh giải thoát tự thân. Nhưng đó chỉ là một phương tiện đưa đến sự cứu cánh giải thoát -một sự giải thoát cao hơn và thánh thiện hơn. Nhưng đó là một phương tiện kiên quyết không thể thiếu được trong sự thành đạt một mục tiêu cao hơn cho hạnh phúc của con người. Vì vậy, đạo Phật nhận diện nhu cầu của những điều kiện vật chất tối thiểu nào đó tạo thuận duyên cho sự thành đạt về mặt tâm linh -thậm chí những nhu cầu của một tu sĩ thực hành thiền định ở một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó.

Ðức Phật không tách rời cuộc sống khỏi bối cảnh nền tảng xã hội và kinh tế. Ngài xem xét nó như là một tổng thể, nhìn về tất cả mọi mặt như xã hội, kinh tế và chính trị. Những lời dạy của Ngài về những vấn đề đạo đức luân lý, tâm linh và triết học rất là nổi tiếng. Nhưng con người thời đại, đặc biệt trong xã hội phương Tây, biết rất ít về giáo lý của Ngài về những vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, có một số bài pháp đề cập đến những vấn đề này rải rác khắp các bài kinh cổ xưa. Chúng ta hãy lấy một vài ví dụ để minh chứng.

Kinh Cakkavattisihanada thuộc Trường Bộ kinh (kinh số 26) khẳng định rõ ràng nghèo khổ là nguyên do của hành động phi luân lý đạo đức và các tội ác như: trộm cắp, lừa đảo, bạo lực, thù oán, tàn ác... Các vị vua thuộc các triều đại xưa cũng như chính phủ ngày nay cố gắng trừ diệt tội ác thông qua những hình phạt. Kinh Kutadanta thuộc Trường Bộ kinh giải thích sự vô hiệu đối với biện pháp như thế. Phương pháp này không bao giờ có thể có hiệu quả được. Thay vì, Ðức Phật đề nghị rằng, để diệt trừ tội ác, điều kiện kinh tế đời sống của người dân phải được cải thiện và nâng cao. Cung cấp các thứ hạt giống và phương tiện canh tác cho nhà nông, cung cấp vốn cho những người kinh doanh đầu tư, trả lương thích đáng cho người công nhân làm thuê. Do vậy khi mà dân chúng được tạo ra cho những cơ hội để đạt được đủ lợi tức, thì họ sẽ vừa lòng, sẽ không sợ hãi hay lo lắng và kết quả là xứ sở được an bình ra khỏi tội ác.

Do lý do này mà Ðức Phật dạy cho giới cư sĩ tại gia thấy được tầm quan trọng của việc cải thiện đời sống kinh tế của họ. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là Ngài tán thành việc tích trữ của cải với tâm ham muốn và chấp thủ, trái lại với lời dạy cơ bản của Ngài, Ngài cũng không tán thành mỗi một phương cách sống của con người. Có một số nghề nghiệp như sản xuất và buôn bán vũ khí giết người, điều đó Ngài lên án gắt gao và cho đó như là một cách sống ác độc và tội lỗi.

Một người đàn ông tên là Dighajanu một hôm viếng thăm Ðức Phật và nói: Bạch Ngài, chúng con là những cư sĩ taĩi gia sống đời thường với vợ con mong Ðức Thế Tôn có thể dạy cho chúng con một số bài pháp khiến cho chúng con đạt được hạnh phúc, an lạc trong kiếp này và hậu kiếp.

Ðức Phật dạy anh ta rằng trên đời này có 4 điều đưa đến hạnh phúc của con người. Một là: anh ta phải thiện xảo, kỹ năng, hiệu quả, siêng năng và nỗ lực trong bất cứ công việc gì anh ta làm. Hai là: anh ta phải bảo vệ nguồn thu nhập đã kiếm được một cách chính đáng bằng mồ hôi nước mắt của mình (Arakkha -sampadhà) (điều này có nghĩa là bảo vệ gìn giữ tài sản của cải khỏi bị trôĩm cắp v.v... Tất cả những ý tưởng này phải được xem xét trong bối cảnh xã hội.). Ba là: phải có những người bạn tốt, trung thành, có học thức, có phạm hạnh, phóng khoáng, độ lượng và thông minh, những người sẽ giúp anh ta đi đúng chánh đạo, tránh xa các tội lỗi. Bốn là: phải chi tiêu một cách hợp lý tương ứng với nguồn thu nhập của mình, không quá nhiều mà cũng không quá ítẨ Không được tích trữ tài sản một cách hà tiện, cũng không tiêu xài quá xá - nói cách khác, phải sống theo phương tiện của mình.

Sau đó Ðức Phật thuyết giảng bốn đức hạnh đưa đến hạnh phúc của một người sau khi chết:

1. Saddha: phải có niềm tin vào những giá trị của Giới -Ðịnh -Tuệ;
2. Sila: Tránh không được hủy hoại và làm hại mạng sống; tránh trộm cắp, chôm chỉa, tránh hành tà dâm, nói dối và tránh rượu chè say sưa;
3. Càga: phải làm từ thiện, hành hạnh bố thí, độ lượng không chấp thủ và tham ái tài sản của mình;
4. Pannà: phát triển trí tuệ -đưa đến sự đoạn trừ hoàn toàn khổ đau, chứng đắc an lạc, Niết bàn.

Ðôi khi Ðức Phật thậm chí còn lý giải xa hơn, chi tiết về việc dành dụm tiền bạc và chi tiêu nó. Chẳng hạn khi Ngài dạy chàng thanh niên trẻ tuổi Thiện sanh (Sighala) rằng anh ta nên chi một phần tư nguồn thu nhập của anh ta cho việc chi tiêu hàng ngày, đầu tư một nửa cho công việc làm ăn buôn bán và để dành một phần tư cho những lúc cần thiết khẩn cấp.

Một hôm Ðức Phật dạy trưởng giả Cấp Cô Ðộc (Anàthapinadika), một trong những vị đệ tử thuần thành nhất của Ngài - người đã cúng dường cho Ngài một tịnh xá nổi tiếng tại Kỳ Ðà lâm, tại Sàvathi, rằng một người cư sĩ sống tại gia có 4 loại hạnh phúc:

- Hạnh phúc thứ nhất là sự hưởng thụ sự an ổn về kinh tế hay đầy đủ tài sản có được bằng chánh mạng (atthi-sukha);
- Hạnh phúc thứ hai là sự chi tiêu tài sản đó một cách phóng khoáng thoải mái, cho chính bản thân, gia đình họ hàng và bằng hữu và chi tiêu vào việc làm phước bố thí (bhoga-sukha);
- Hạnh phúc thứ ba là không có nợ nần (anana-sukha);
- Hạnh phúc thứ tư là sống một cuộc sống chân chính và phạm hạnh, không phạm các điều xâú ác trong thân, khẩu và ý (anavajja-sukha).

Ở đây chúng ta cần phải chú ý rằng ba trong bốn loại hạnh phúc này mang bản chất kinh tế và rằng Ðức Phật cuối cùng nhắc nhở người chủ cho vay rằng hạnh phúc về kinh tế và vật chất không xứng đáng một phần 16 của hạnh phúc tinh thần phát sinh từ một cuộc sống phạm hạnh không tội lỗi.

Qua một vài trường hợp ví dụ được nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng xem lợi ích kinh tế như là một điều kiện cho sự hạnh phúc của con người, nhưng rằng Ngài không thừa nhận sự tiến bộ như là thực sự và chân xác, nếu nó chỉ là vật chất, trống rỗng những cơ sở về luân lý đạo đức và tâm linh. Trong khi khuyến khích sự tiến bộ về mặt vật chất, Phật giáo luôn luôn nhấn mạnh vào sự phát triển và tiến bộ về yếu tố luân lý đạo đức và tâm linh nhằm thiết lập một xã hội an bình, hạnh phúc và thỏa mãn.

Ðức Phật cũng rất thông hiểu về vấn đề chính trị, về chiến tranh và hoà bình. Ở đây rất rõ ràng được lập đi lập lại rằng Phật giáo ủng hộ và nói về thái độ phi bạo lực và hoà bình như là thông điệp toàn cầu của Phật giáo. Và hẳn nhiên là Phật giáo không tán thành bất kỳ hình thức bạo lực hay sự huỷ diệt sự sống.

Theo quan điểm của Phật giáo, không có một cái gì mà có thể được gọi là một cuộc chiến tranh hợp lý công bằng -đó chỉ là một thuật ngữ sai lầm được đặt tên và đưa vào lưu hành nhằm làm thoả mãn và bào chữa sự thù địch, thô bạo, bạo lực và sự tàn sát giết chóc.

Ai là người có thẩm quyền quyết định những gì là công lý và không công lý? Kẻ quyền thế mạnh hơn và kẻ chiến thắng là hợp lý, công bằng và kẻ yếu, phe đại bại là bất hợp lý và không công bằng. Cuộc chiến tranh của chúng ta thì luôn luôn hợp lý và chiến tranh của tha nhân thì luôn luôn phi lý. Ðạo Phật không chấp nhận quan điểm này.

Ðức Phật không những dạy về bất bạo lực và hoà bình, nhưng Ngài còn thậm chí còn đích thân xông pha ra chiến trường và đích thân ngăn chặn một cuộc chiến tranh, như trong trường hợp xung đột và tranh cãi giữa hai bộ tộc Sakyas (thuộc dòng họ Thích Ca) và Koliyas (dòng Câu Lợi) những người đang chuẩn bị tiến đánh nước Bạt Kỳ (Vajji). Và Thế Tôn cũng đã gián tiếp trả lời một số câu hỏi mà sứ thần của vua A Xà Thế đặt ra để thăm dò ý kiến Thế Tôn về việc có nên tiến quân đánh nước Bạt Kỳ. Kết quả là lời dạy của Thế Tôn đã ngăn chận được cuộc chiến tranh ấy của vua A Xà Thế.

Vào thời Ðức Phật cũng như ngày nay có những vị cai trị quốc gia của mình không hợp lý. Dân chúng bị áp bức và bị bóc lột, hành hạ và bị ngược đãi; những khoản thuế tăng quá đáng đươc đặt ra và những hình phạt tàn bạo được giáng cho. Ðức Phật rất là xúc động trước những cách đối xử vô nhân đạo ấy. Do vậy, trong Dhammapadatthakathà có ghi rằng Ngài đã chú ý đến việc cai trị một quốc gia hợp lý. Quan điểm của Ngài nên được đánh giá trong bối cảnh xã hội, kinh tế chính trị thuộc thời của Ngài. Ngài chỉ ra cách mà toàn bộ đất nước có thể trở nên lạm phát, thoái hoá và bất hạnh khi mà những vị đứng đầu của một quốc gia, chính phủ là vua chúa, thủ tướng và nhân viên quản lý v.v... trở nên lạm phát và không công bằng. Ðể cho một quốc gia được an lạc, hạnh phúc, điều này cần thiết là phải có một chính phủ hợp lý công bằng. Cách để nhận diện ra một hình thức nhà nước công bằng như thế được Ðức Phật giải thích trong lời dạy của Ngài về "Mười bổn phận của một vị vua", được trình bày trong kinh Bổn Sanh (Jàkata).

Tất nhiên từ vua (Ràja) trong các chế độ nhà nước xưa, ngày nay nên được thay thế bằng từ "chính phủ". Do đó, "Mười trách nhiệm của một vị vua" ngày nay được ứng dụng tất cả cho những ai hình thành nên chính phủ như: chủ tịch nước, các thủ tướng, giới chính khách, nhân viên lập pháp và quản lý... Mười điều mà nhà vua và triều thần cần thực hiện để đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

1. Vua độ lượng, bác ái, bố thí, không khát ái, không tham lam tiền của, tài sản, nhưng ngược lại nên phục vụ vì lợi ích của nhân dân.

2. Giữ nước, không sát sanh, không bóc lột, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say sưa. Có nghĩa là vị vua ấy phải giữ ít nhất ngũ giới của một người cư sĩ tại gia.

3. Hy sinh tất cả cho lợi ích của dân chúng. Vị vua ấy sẵn sàng từ bỏ mọi tiện nghi cá nhân, danh tiếng và tất cả, vì lợi ích nhân dân.

4. Thành thật và liêm khiết. Vị ấy phải tự do không sợ hãi và ưu đãi khi thực hành những bổn phận của mình, phải thành thật trong ý định và không được đánh lừa công chúng.

5. Nhã nhặn và hoà ái. Vị đó phải có tính khí vui vẻ chan hoà.

6. Khắc khổ trong lối sống. Vị ấy phải sống một cuộc sống giản đơn và không nên tham đắm một cuộc sống xa hoa phú quý. Vị ấy phải tự chủ bản thân.

7. Không được sân hận, không được tư thù. Vị ấy không được thù oán với bất cứ ai.

8. Không bạo lực, nghĩa là không những không hại người khác mà còn cố gắng đẩy mạnh sự hoà bình an lạc bằng cách tránh né và ngăn chận chiến tranh, và bất cứ điều gì liên quan đến bạo lực và hủy hoại sự sống.

9. Nhẫn nhục, độ lượng, khoan dung, hiểu biết. Vị ấy phải có khả năng kham chịu mọi khó khăn, chỉ trích mà không để mất bình tĩnh.

10. Không chống đối, không trù dập, có nghĩa là vị ấy không nên chống lại ý muốn của nhân dân, thuận theo ý dân, không được cản trở bằng các biện pháp mà có thể đưa đến phúc lợi cho dân chúng. Nói cách khác vị ấy phải cai trị trong sự hài hoà với dân chúng.

Nếu một quốc gia được cai trị với những con người có đầy đủ những phẩm chất như thế thì không cần phải nói nhiều rằng quốc gia ấy được hạnh phúc biết bao. Thế nhưng đó không phải là một điều không tưởng, bởi vì có những vị vua trong quá khứ như Asoka (A Dục) của Ấn Ðộ, người đã hình thành nên một vương quốc căn cứ trên những ý tưởng này.

Thế giới ngày nay đang sống trong tình trạng luôn luôn sợ hãi, nghi ngờ và căng thẳng. Khoa học đã sản xuất ra các loại vũ khí có khả năng hủy diệt không thể tưởng tượng được; bày ra những công cụ mới của sự chết chóc, đầy khả năng và sức mạnh đe dọa và thử thách lẫn nhau, khoe khoang một cách kiêu hãnh rằng người ta có thể khiến cho sự huỷ hoại và khổ nhiều hơn cho nhân loại trên thế gian này so với những kẻ khác.

Họ đã đi suốt con đường của sự điên rồ để đạt đến một điểm mục tiêu như thế mà ngày nay, nếu họ tiến tới thêm một bước nữa theo khuynh hướng đó thì kết quả sẽ là không điều gì hơn là sự huỷ diệt lẫn nhau cộng với sự hủy diệt hoàn toàn nhân loại. Nhân loại trong tình trạng sợ sệt những gì chính bản thân họ đã tạo ra, muốn tìm một lối thoát, và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề. Nhưng không có một giải pháp nào ngoại trừ những lời dạy của Ðức Phật thông điệp của Ngài về từ bi và tình thương, bất bạo lực và hoà bình, khoan dung và thông cảm, chân lý và trí tuệ, kính trọng sự sống giải thoát khỏi tính ích kỷ, thù địch và bạo lực.

Ðức Phật dạy: "Ở thế gian này chẳng phải hận thù trừ được hận thù, nhưng hận thù được trừ diệt bởi nhân từ. Ðó là định luật của ngàn thu". (Pháp Cú, 5)

"Lấy không giận thắng giận
Lấy lành thắng lành
Lấy bố thí thắng xan tham
Lấy chơn thắng hư ngụy". (Pháp Cú, 223)

Sẽ không thể có hạnh phúc về hoà bình cho con người khi nào anh ta còn ao ước và khát ái sau khi chinh phục và qui phục láng giềng của anh ta. Như Ðức Phật dạy:

"Thắng lợi bị thù oán,
Thất bại bị đau khổ
Chẳng màng đến thắng bại
Sẽ sống hoà hiếu an vui" (Pháp Cú, 201)

Sự chiến thắng duy nhất mà có thể mang lại an lạc và hạnh phúc là sự tự thắng mình.

"Thắng ngàn quân giặc ở chiến trường
Chẳng bằng người tự thắng
Người tự thắng là chiến sĩ oanh liệt nhất" (Pháp Cú, 103)

Các vị có thể nói điều này thì rất là hoa mỹ, cao thượng và vi diệu, nhưng phi thực tế. Liệu có thực tế để căm thù lẫn nhau? Chém giết lẫn nhau? Ðể sống trong một sự sợ hãi thiên thu và sự hồ nghi giống như những động vật hoang dã trong rừng? Liệu điều này có thiết thực hơn và thoải mái hơn chăng? Liệu tội ác được chiến thắng bởi tội ác chăng? Song có một vài trường hợp cá nhân ở đó hận thù có thể được trừ diệt bởi tình thương và lòng từ bi, và tội ác được chiến thắng bởi cái thiện. Người ta cũng có thể nói rằng điều này có thể đúng, có thể thực hành đối với trường hơp của các cá nhân, nhưng rằng nó không bao giờ áp dụng có hiệu quả đối với lợi ích của quốc gia và thế giới. Nhân dân bị làm mê mẩn, bị lúng túng và bối rối về mặt tâm lý, mù quáng và bị lừa dối bởi thể chế chính trị và sự tuyên truyền việc sử dụng một thuật ngữ như "tính quốc gia", "quốc tế" hoặc là "tính dân tộc". Như thế nào là một quốc gia có đại đa số khối kết lại của những cá nhân? Một quốc gia hay một đất nước không có hành động, mà đó chỉ là cá nhân hành động. Những gì cá nhân đó suy nghĩ và hành động thì đó là những gì quốc gia và đất nước suy nghĩ và hành động. Những gì có thể ứng dụng cho cá nhân thì có thể ứng dụng cho quốc gia, đất nước. Nếu hận thù có thể tiêu diệt bởi tình thương và từ bi đối với phạm vi cá nhân, thì chắc chắn nó có thể được ứng dụng trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Thậm chí trong trường hợp một cá nhân đơn lẻ, để đáp ứng tình thương nhằm tiêu diệt hận thù, anh ta phải có nhiều can đảm, tự tin và gan dạ, niềm tin tự chủ tự tin ở sức mạnh của luân lý đạo đức.

Hiện nay thật là một sự an ủi và một cảm hứng để nghĩ rằng tối thiểu phải có những bậc cai trị vĩ đại, nổi tiếng trong lịch sử, người đã từng can đảm, tự tin và ứng dụng rộng rãi những lời dạy về phi bạo lực, hoà bình và tình thương ấy vào việc quản lý, cai trị một đế chế rộng lớn, cả về mặt đối nội cũng như đối ngoại. Ðó là vị vua Phật tử vĩ đại của Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ 3 trước TL, "người được các vị thần thương yêu" như người đã gọi Ngài. Thoạt đầu, vua noi theo gương của cha (Bindusàra) và ông (Chandragupta) và ao ước muốn hoàn tất sự chinh phục bán đảo Aán Ðộ. Ngài xâm lăng và chinh phục bộ tộc Kalinga, và thôn tính nó. Hàng trăm nghìn người bị giết và bị thương, bị hành xác và bị bỏ tù trong cuộc chiến tranh này. Nhưng sau này, khi vua trở thành một Phật tử, Ngài được thay đổi và chuyển hoá hoàn toàn bởi những lời dạy của Ðức Phật. Trong một trong những sắc lệnh nổi tiếng của Ngài được khắc trên trụ đá (sắc chỉ 13 trên đá, như hiện nay được gọi) bản gốc của nó có thể đọc được thậm chí cho đến ngày nay, đề cập đến sự chinh phục bộ tộc Kalinga. Ðại để đã bày tỏ một cách rộng rãi công khai về sự "hối hận" của mình và bày tỏ nỗi đau đớn vô cùng khi nghĩ đến cảnh tàn sát ấy. Ngài tuyên bố một cách công khai rằng Ngài sẽ không bao giờ rút gươm ra để tiếp tục những cuộc chinh phục khác, mà chỉ cầu mong tất cả nhân loại, cho thái độ phi bạo lực, được sống tự chủ và thực hành sự yên bình và hoà nhã.

Tất nhiên điều này được xem như là sự chinh phục chính yếu nhất bởi một con người được thần thánh thương yêu như A Dục, đó chính là sự chinh phục bằng lòng kính ngưỡng giáo pháp. Không chỉ chính bản thân Ngài tuyên bố chấm dứt chiến tranh, mà Ngài còn bày tỏ sự mong muốn rằng:"Các vị Thái tử của tôi và thế hệ kế tiếp sẽ không nghĩ tới một cuộc chinh phục mới không xứng đáng để thành công... hãy để cho chúng nghĩ về một cuộc chiến tranh mà cuộc chinh phục đó chỉ bằng sự kính ngưỡng giáo pháp. Chính điều đó là có lợi cho thế giới này và thế giới mai sau"

Trong toàn bộ lịch sử của nhân loại, đây chỉ là một trường hợp điển hình của một người chinh phục chiến thắng, đạt tời đỉnh cao của quyền lực, vẫn còn đủ sức mạnh để tiếp tục những cuộc chinh phục những lãnh thổ khác; song đã từ giã chiến tranh và bạo lực để quay về với tình thương, hoà bình và phi bạo lực.

Ðây chính là một bài học cho thế giới ngày nay. Người cai trị của một đế chế rộng lớn công khai từ bỏ chiến tranh và bạo lực, và thừa nhận thông điệp của hoà bình và phi bạo lực. Không có một bằng chứng lịch sử nào cho thấy rằng bất kỳ vị vua láng giềng nào lợi dụng tấm lòng mến mộ Phật pháp của vua A Dục (Asoka) để tấn công Ngài bằng quân sự, vũ khí, hoặc rằng không có bất cứ cuộc nổi dậy hay phản loạn nào trong suốt thời kỳ Ngài cai trị. Ngược lại, có sự hoà bình ngự trị khắp nơi, và thậm chí những quốc gia bên ngoài sự cai trị của Ngài dường như vui lòng chấp nhận sự lãnh đạo hoà nhã của Ngài.

Nói về sự duy trì nền hoà bình thông qua sự cân bằng của quyền lực, hoặc là thông qua sự đe dọa của sự răn đe bằng vũ khí hạt nhân là một thái độ ngu xuẩn. Sức mạnh của vũ khí hạt nhân chỉ có thể sản sinh ra sự sợ hãi chứ không phải hoà bình. Không thể có một sự hoà bình thực sự và mãi mãi thông qua sự sợ hãi. Thông qua sự sợ hãi chỉ có thể phát sinh hận thù, căm phẫn và hiếu chiến bị đè nén chỉ trong một khoảng thời gian nào đó, mà có thể sẵn sàng trỗi dậy và có thể trở thành bạo lực bất kỳ lúc nào. Hoà bình chân thật chỉ có thể xuất hiện trong một môi trường của tình thương, mối quan hệ thân thiện giữa người với người, thoát khỏi sự sợ hãi, hồ nghi và hiểm nguy.

Phật giaó hướng đến việc tạo ra một xã hội mà ở đó cuộc tranh đấu hủy diệt vì quyền lực không còn hiện hữu, và nơi mà an tịnh hoà bình và hoà bình lan toả khắp, và chiến thắng sự chinh phục và thất bại; một xã hội mà sự hành hạ những người vô tội bị tố cáo, lên án quyết liệt; nơi mà chính người tự chinh phục bản thân mình được tôn trọng hơn những ai chinh phục hàng triệu quân trên chiến trường quân sự và kinh tế, một xã hội mà hận thù được chinh phục bởi tình thương, và ác bị đánh bại bởi thiện; một xã hội mà hiềm khích, thù địch và tham lam không còn làm cho tâm con người bị nhiễm ô; một xã hội mà từ bi là động lực thúc đẩy hành động; tất cả sinh linh bao gồm những côn trùng nhỏ nhít được đối xử công bằng, tôn trọng và thương yêu; một xã hội mà cuộc sống trong hoà bình, hài hoà, trong một thế giới bằng lòng về mặt vật chất, được hướng đến một mục tiêu cao nhất và thánh thiện nhất, sự hướng đến chân lý tối hậu an lạc, hạnh phúc và Niết bàn (Nirvana)./.

(Tuần báo Giác Ngộ, Sài Gòn, số 21-23/ 2000)


Source: LotusNet Production, https://www.lotuspro.net/


[Trở về trang Thư Mục]