BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Thể thức Tự tứ

Thích Phước Sơn


An cư là nếp sinh hoạt rất thiết thực trong đời sống của Tăng đoàn mà Ðức Phật đã quy định. Nếp sinh hoạt này đã được chư Tăng tuân thủ nghiêm túc từ thời Ðức Phật còn tại thế cho đến ngày nay, và sau 3 tháng an cư kết thúc, chư Tăng sẽ làm lễ Tự tứ. Tự tứ là dịch nghĩa chữ Phạn Pravàrana, được phiên âm là Bát-hoà-la. Từ này còn được dịch là Tùy ý, Thỉnh thỉnh. Nghĩa là sau khi an cư kết thúc, mỗi Tỷ kheo phải tự nguyện đưa mình ra trước đại chúng, nhờ các vị đồng phạm hạnh chỉ cho biết những lỗi lầm ta đã phạm phải (nếu có) mà các vị ấy đã thấy nghe hoặc nghi, thế rồi, tự mình kiểm điểm, nếu thâý đúng sự thật, ta sẽ thành khẩn sám hối để tiêu trừ tội lỗi, hầu hoàn thiện phẩm hạnh của một Tỳ kheo chân chính.

1. Ðịnh kỳ Tự tứ:

Hiện nay đoàn thể Tăng già đệ tử Phật áp dụng hai truyền thống giới luật: truyền thống Bắc truyền theo Luật Tứ phần, truyền thống Nam truyền theo Luật Pà li. Theo Luật Tứ phần, chư Tăng bắt đầu an cư ngày 16 tháng 4 âm lịch và sau 3 tháng, làm lễ Tự tứ vào ngày rằm tháng bảy âm lịch. Theo Luật Pà li, chư Tăng bắt đầu an cư ngày 16 tháng 6 âm lịch và tự tứ vào ngày rằm tháng chín âm lịch. Ðịnh kỳ tự tứ này có thể du di trong hai ngày: ngày Rằm hoặc ngày 14.

Nếu tại một trú xứ có một Tỷ kheo tiền an cư, nghĩa là nhập hạ ngày 16/4 âm lịch, thì tất tả Tăng chúng của trú xứ ấy theo vị này Tự tứ ngày 15 /7 (sau đúng 3 tháng an cư). Nhưng những người an cư sau, khi tự tứ rồi, phải ở lại an cư đủ 3 tháng , mới được rời khỏi trú xứ.

Nếu tại một trú xứ, tất cả Tỷ kheo đều hậu an cư - nghĩa là nhập hạ 16/ 6 âm lịch, thì tất cả phải tự tứ ngày 15/8 âm lịch.

2. Thể thức tự tứ:

Khi tự tứ , vị Tỷ kheo trưởng lão cao hạ nhất trong đại chúng nói lời tự tứ trước nhất với một vị Tỷ kheo tương đương với mình. Nhưng vị Tỷ kheo thứ hai này chỉ là đối tượng để hành lễ, còn nội dung lời tự tứ thì nhằm đến toàn thể đại chúng. Sau khi vị trưởng lão nói lời tự tứ xong, thì tự mình làm người nhận tự tứ để cho đại chúng tuần tự từ lớn đến nhỏ tự tứ với mình. Tuy nhiên, nếu đại chúng đông đúc thì có thể cử ra 1 hay 2 người làm người nhận tự tứ.

Người nhận tự tứ phải hội đủ 5 đức tính: 1/Không thiên vị; 2/ Không tức giận; 3/ Không khiếp sợ; 4/ Không ngu si; 5/ Biết ai tự tứ rồi, ai chưa tự tứ.

Người tự tứ - dù là hàng Thượng tọa, trưởng lão - cũng không được ngồi trên ghế tự tứ, mà phải đến trước vị nhận tự tứ, rồi tùy theo địa vị của mình hoặc đứng hoặc quỳ gối tự tứ. Nếu Thượng tọa đã rời toà, quỳ xuống tự tứ, thì tất cả Tăng chúng cũng phải làm theo như thế.

Luật quy định không được làm yết ma tự tứ trước mặt Tỷ kheo ni, Thức xoa ma na, Sa di, Sa di ni hay bạch y. Nếu một lý do nào đó mà bảo họ không đi, thì các Tỷ kheo phải rời khỏi nơi ấy, đến chỗ họ không thấy, không nghe, làm yết ma tự tứ. Trừ loài người chưa thọ đại giới, còn các loài khác thì tự tứ trước chúng không có tội.

Ðây là trường hợp một trú xứ có từ 5 Tỷ kheo trở lên đủ điều kiện để làm yết ma chúng pháp tự tứ. Ngoài ra nếu một trú xứ chỉ có từ 4 Tỷ kheo trở xuống 2 Tỷ kheo thì phải áp dụng thể thức đối thủ tự tứ.

Sau cùng nếu một trú xứ có một Tỷ kheo thì thực hiện thể thức Tâm niệm tự tứ, tức là tâm nghĩ miệng nói: "Hôm nay ngày chúng Tăng tự tứ, tôi Tỷ kheo mỗ giáp thanh tịnh".

3. Gởi dục tự tứ

Trên nguyên tắc, khi đến ngày tự tứ, những Tỷ kheo bị bệnh được quyền gởi dục cho Tỷ kheo khác, nhưng nếu Tỷ kheo nhận dục (nhận chúc thọ) rồi mà rời khỏi trú xứ, hoặc hoàn tục, hoặc đến chỗ ở của ngoại đạo, hoặc gia nhập vào nhóm phá Tăng, hoặc tự nói mình phạm Biên tội (4 tội Ba la di) hoặc xâm phạm tịnh hạnh của Tỷ kheo ni, hoặc đi tu với tâm trộm pháp, hoặc từ trong hàng ngũ ngoại đạo trở về, hoặc là kẻ hoàng môn, hoặc phạm tội ngũ nghịch v.v..hoặc là đối tượng mà Tăng sắp cử tội, thì sự gởi dục ấy coi như bất thành.

Nếu người nhận dục ấy thanh tịnh, nhưng khi đến giới trường vì nhập định, hoặc quên không trình bày, thì sự gởi dục ấy vẫn hợp lệ. Tuy nhiên, người nhận dục này phạm tội Ðột cát la, trong trường hợp, người nhận dục rồi mà có lý do chính đáng không thể đến giới trường, thì được phép chuyển dục của người kia, đồng thời gởi dục của mình cho một người khác.

Người nhận dục sau khi đến giữa chúng Tăng, nếu nhớ tên người gởi dục thì nói tên, nếu không nhớ tên mà nhớ họ thì nói họ, nếu không nhớ họ thì mô tả tướng mạo, nếu cũng không nhớ tướng mạo thì có thể nói:"Tôi nhận dục của nhiều Tỷ kheo, những người ấy gởi dục tự tứ đúng theo Tăng sự"

Người nhận dục có thể nhận sự gởi dục của bao nhiêu cũng được, không hạn chế số lượng. Tuy nhiên, Luật quy định, số người gởi dục không bao giờ được phép nhiều hơn, hoặc bằng s? người tập họp. Nêú số người gởi dục nhiều hơn số người tập họp, thì pháp yết ma ấy bất thành.

4. Hai chúng cùng tự tứ một chỗ.

Nếu 2 chúng cùng dự định tự tứ tại một địa điểm, mà cựu Tỷ kheo định tự tứ ngày 14, khách Tỷ kheo định tự tứ ngày 15, thì chúng nào ít người phải tuỳ thuận theo ngày quy định của chúng nhiều người. Nếu số người của 2 chúng bằng nhau thì khách Tỷ kheo phải tùy thuận theo ngày quy định của cựu Tỷ kheo. Nếu như khách Tỷ kheo không muốn tùy thuận thì phải cùng nhau đem ra ngoài trú xứ kết tiểu giới để tự tứ, nếu không làm như vậy thì phạm tội Việt tì ni.

Nêú trong khi cựu Tỷ kheo đang tự tứ mà khách Tỷ kheo đến tham dự với số người ít hơn cựu Tỷ kheo, thì thượng tọa tự tứ theo thượng tọa, hạ tọa tự tứ theo hạ tọa.

Nếu cựu Tỷ kheo tự tứ vừa xong, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc nhiều người đã đứng dậy, hoặc tất cả đều đã giải tán, rồi khách Tỷ kheo mới đến, thì có 2 trường hợp:

a. Nếu khách Tỷ kheo ít hơn cựu Tỷ kheo, thì phải nói lời tùy hỷ với cựu Tỷ kheo.
b. Nếu khách Tỷ kheo nhiều hơn hoặc bằng cựu Tỷ kheo, thì cựu Tỷ kheo phải cùng tự tứ lại với khách Tỷ kheo, nếu không tuần hành thì căn cứ theo luật định mà cử tội.

Khi cựu Tỷ kheo tự tứ xong, nếu có công việc gấp, tất cả phải rời khỏi trú xứ, thì phải dặn lại tịnh nhân, cư sĩ nói với khách Tỷ kheo đến sau biết rằng nơi này đã tự tứ rồi để họ khỏi phải tự tứ tại đó. Vì tại một trú xứ, trong một ngày không được phép làm yết ma tự tứ 2 lần.

5. Người bệnh tự tứ.

Khi tự tứ, nếu Tỷ kheo bệnh cố gắng đến được giới trường để tự tứ thì có thể miễn giảm một số nghi pháp, như: khỏi trật vai áo phải. cởi bỏ giầy dép, quỳ gối chắp tay, vì sợ bệnh tình sẽ gia tăng. Do đó, Tỷ kheo bệnh có thể tùy nghi giữ gìn thân thể an ổn mà tự tứ.

Trong trường hợp Tỷ kheo bị bệnh nặng mê man không thể gởi dục được, thì Tăng phải khiêng giường người ấy đến giới trường để tham dự tự tứ, nếu khiêng giường đến sợ bệnh nặng thêm, hoặc nguy hiểm đến tính mạng, thì tất cả Tăng phải đến bên giường người ấy làm yết ma tự tứ.

Nếu có nhiều người bệnh, khiêng giường đến không tiện, thì các Tỷ kheo mạnh phải ngồi tiếp nối nhau giữa các giường tạo thành một giới trường, rồi tác yết ma tự tứ, nếu làm như vậy cũng không được, thì các Tỷ kheo mạnh phải ra ngoài cương giới kết tiểu giới để tự tứ, chứ không được tự tứ biệt chúng.

6. Ngăn cản tự tứ

Luật quy định người bệnh không được ngăn cản người bệnh tự tứ. Người bệnh không được ngăn cản người mạnh tự tứ. Người mạnh cũng không được ngăn cản người bệnh tự tứ. Chỉ có người mạnh mới được ngăn cản người mạnh tự tứ, nhưng phải có lý do chính đáng. Nếu người mạnh muốn ngăn cản người khác tự tứ mà một trong 3 nghiệp thân khẩu ý không thanh tịnh, thiếu trí tuệ, không thông luật, không thạo vấn đáp, thì vị yết ma nên nói với thầy: "Trưởng lão hãy thôi đi, không nên làm phát sinh sự tranh cãi vô ích". Thế rồi không cần quan tâm đến lời nói của thầy ấy, Tăng cứ việc tiến hành tự tứ.

Nếu người ngăn tự tứ mà 3 nghiệp thanh tịnh, có trí tuệ, biết cách vấn đáp, thì vị yết ma nên chất vấn ngược lại thầy vì sao mà ngăn cản, người kia phạm tội gì, thầy thấy, nghe hay nghi phạm tội. Nếu trình bày ấp úng, không trôi chảy, mâu thuẫn, thì bấy giờ vị yết ma phải kết tội ngược lại thầy này. Nếu thầy tố cáo người kia phạm tội Ba la di vô căn cứ, thì giờ đây kết tội thầy phạm tội Tăng tàn. Nếu thầy tố cáo người kia phạm tội Tăng tàn, thì giờ đây kết tội thầy phạm tội Ba dật đề. Nghĩa là kết tội thầy phạm một tội danh thấp hơn một bậc đối với tội mà thầy tố cáo người khác.

Thế nhưng nếu thầy tố cáo người khác phạm tội Ba la di chẳng hạn, mà có chứng cứ xác thực, thì bấy giờ Tăng phải làm yết ma diệt tẫn kẻ phạm tội rồi mới tự tứ.

Nếu tố cáo người khác phạm tội Tăng tàn mà phú tàng, có bằng chứng xác thực, thì Tăng phải làm yết ma phú tàng cho kẻ phạm tội. Hoặc người phạm tội cần làm yết ma Bản nhật trị, Ma na đỏa, xuất tội, thì Tăng phải làm yết ma xử lý xong, mới tự tứ. Hoặc người phạm các tội khác cần phải sám hối, thì bắt sám hối xong mới tiến hành tự tứ.

Ngoài ra nếu tự tứ kết thúc mới phát hiện một người nào đó đã phạm tội, thì coi như thông qua, nghĩa là áp dụng nguyên tắc bất hồi tố. Nếu ai còn khơi lại tội phạm của người ấy thì Tăng căn cứ theo luật mà trị tội người sinh sự này; ngoại trừ người kia phạm tội trầm trọng để lại hậu quả xấu đối với Tăng đoàn thì Tăng mới xử lý.

7. Tự tứ giản lược

Trong khi chuẩn bị tự tứ mà gặp các chướng nạn xảy ra thì Tăng có thể tự tứ giản lược. Các chướng nạn này bao gồm 8 việc:

1. Nạn vua xâm phạm;
2. Nạn giặc cướp phá hoại;
3. Nạn hoả hoạn;
4. Nạn nước lụt;
5. Nạn bệnh dịch;
6. Nạn kẻ cường bạo phá rối;
7. Nạn loài phi nhân (ma quỷ) quấy phá;
8. Nạn độc trùng gây trở ngại.

Ngoài ra nếu gặp các trường hợp: chúng Tăng đông mà chỗ ngồi chất hẹp; có nhiều người đau ốm; Tăng có sự lục đục; luận bàn về giáo pháp, giới luật hoặc thuyết pháp đã khuya, thì có thể tự tứ giản lược.

Nếu gặp một trong tám nạn kể trên xảy ra, không đủ thì giờ để nói 3 lần tự tứ, thì có thể nói 2 lần hay một lần. Nếu cũng không đủ thì giờ thì toàn thể Tăng chúng đều đồng loạt nói 3 lần tự tứ. Nếu vẫn không kịp thì có thể nói 2 lần hay 1 lần. Nếu vẫn không kịp thì chỉ cần tuyên bố:"Vì có tai nạn xảy ra cấp bách, xin Tăng chúng giải tán", cũng hợp pháp.

8.Triển hạn tự tứ

Ðến ngày tự tứ mà gặp trong 1 trong 2 trường hợp sau đây thì có thể hoãn ngày tự tứ.

a. Nếu tại trú xứ nào có thí chủ cúng dường tứ sự đầy đủ, Tăng chúng sống an lạc, tinh cần hành đạo, đạt nhiều tiến bộ, mà toàn thể Tăng chúng muốn kéo dài thêm thời gian tu học, thì Tăng nên làm yết ma bố tát, rồi triển hạn thêm nửa tháng hoặc tối đa là một tháng nữa mới tự tứ; miễn là thời gian an cư không kéo dài hơn 4 tháng là được.

b. Trong trường hợp nội bộ Tăng chúng đang có sự bất hòa, nếu cứ tiến hành tự tứ thì không những bất thành, mà còn có thể dẫn đến sự phá Tăng, khi ấy Tăng nên triển hạn thêm nửa tháng hay một tháng để giải quyết sự bất hoà rồi mới tự tứ. Nếu đã hoãn đến 2 lần bố tát, tức là một tháng, mà Tăng vẫn chưa hoà hợp, thì những Tỷ kheo thanh tịnh cùng chí hướng nên dẫn nhau ra ngoài trú xứ, kết tiểu giới để tự tứ.

Ðó là những lý do để triển hạn tự tứ.

* * *

Tóm lại người xuất gia mang hoài bão phát túc siêu phương, thượng cầu, hạ hoá, tự nhận mình là con Phật, mà đức Phật là bậc Ðiều ngự sư, lẽ đương nhiên mình phải cố gắng làm sao để xứng danh là một Ðiều ngự tử. Do vậy, phải luôn luôn kiểm điểm chính mình, khắc phục nội chướng, ngoại ma trong từng hơi thở, chứ không phải đợi hết 3 tháng Hạ mới thỉnh cầu các pháp hữu chỉ điểm những sai trái mà mình đã vấp phải. Bởi thế, phương thức tự tứ, ngoài ý nghĩa biểu thị tinh thần tương ái tương thân, đồng cam cộng khổ, sách tấn lẫn nhau, còn là một khẳng định thành quả tu học của bản thân mỗi người, nên lòng đầy dũng cảm, không e ngại sự phê phán hay chỉ trích của bất cứ một ai. Vì lẽ, trong những ngày qua mình đã tỏ ra khiêm hạ, chân thành, nỗ lực vượt qua mọi chướng ngại của nội tâm cũng như ngoại cảnh để tiến đến chỗ hoàn thiện, tự tại-mục đích mà mọi người con Phật đều khát khao trông đợi.

(Nguyệt san Giác Ngộ, số 53-54, 2000)

-ooOoo-

Source: LotusNet Production, https://www.lotuspro.net


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 01-11-2001