BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Đạo đức và hạnh phúc

Thích Viên Giác


Đời sống đạo đức là nền tảng của sự ổn định xã hội, cho nên xây dựng các nguyên tắc đạo đức chung cho xã hội là điều quan tâm của các nhà đạo đức, chính trị, tôn giáo...

Các tiêu chuẩn đạo đức và các hành vi đạo đức phải nhằm mục đích đem đến cho con người và xã hội một cuộc sống hạnh phúc. Banzeladze, một nhà tư tưởng phương Tây, đã viết: "Vấn đề lý tưởng tối cao và ý nghĩa của cuộc sống thực chất là vấn đề hạnh phúc. Con người là giá trị cao nhất, là cơ sở, là ngọn nguồn của mọi giá trị; mọi thứ đều là phương tiện cho con người và cuộc sống của con người" (Đạo đức học, Nxb Hà Nội).

Những quan điểm và hành vi đạo đức nếu không đáp ứng được mục tiêu hạnh phúc cho con người thì không thể coi là đạo đức được; không thể chấp nhận các tiêu chuẩn đạo đức mà đưa đến sự áp bức, hãm hại, bất công và đau khổ. Như vậy, mục tiêu của đạo đức là hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Có người quan niệm rằng hạnh phúc đến từ vật chất như tài sản, sắc đẹp, danh vọng hoặc đến từ sức khỏe của cơ thể, đến từ tình yêu hoặc đến từ cảm thụ thẩm mỹ nghệ thuật hay ngay cả sự ân sủng của Thượng đế...

Mặc dù quan niệm về hạnh phúc khác nhau nhưng có một kinh nghiệm chung về hạnh phúc, đó là một cảm thọ có điều kiện, nghĩa là cảm giác thoải mái sung sướng vui tươi do các điều kiện phù hợp có mặt. Những cảm giác ấy đạo Phật gọi là Lạc thọ, một trong ba cảm giác: Lạc, Khổ, và Trung tính. Đã là cảm thọ thì nó vô thường. Vì vậy có những cảm thọ thoáng qua nhanh, có những cảm thọ tồn tại lâu dài; có những cảm giác hạnh phúc nhưng sâu xa hơn nó lại là nguyên nhân của cảm giác khổ đau; có những cảm giác hạnh phúc là nền tảng cho những cảm giác hạnh phúc cao hơn.

Nhìn chung, hạnh phúc đến từ yếu tố tinh thần được nhiều người chấp nhận hơn; ít người cho rằng hạnh phúc đến từ vật chất. Aristote, triết gia Hy Lạp cổ đại, cho rằng: "Mặc dù tiện nghi vật chất cần thiết cho đời sống hạnh phúc nhưng yếu tố chính là sự sáng suốt của tâm hồn. Những khoái lạc giác quan không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc phải là sự khoái lạc của tâm trí" (Câu chuyện triết học). Ông công nhận giá trị của vật chất nhưng coi hạnh phúc thuộc giá trị tinh thần cao hơn, đây là cái nhìn được nhiều triết gia chia sẻ. Banzeladze viết: "Trong lĩnh vực khoái cảm vật chất, khoái cảm càng mạnh thì càng ngắn ngủi. Cường độ khoái cảm tỷ lệ nghịch với độ dài thời gian của nó... trong lĩnh vực những khoái cảm về tinh thần, nhân tố thời gian có một vai trò hoàn toàn khác, thời gian tác động có lợi cho con người. Ở đây, không có quy luật tỷ lệ nghịch, ngược lại cường độ khoái cảm càng cao trong lĩnh vực này thì nó càng kéo dài" (Đạo đức Phật giáo, Thích Chơn Thiện).

Đức Phật có lần so sánh hạnh phúc của vua Bimbisara và hạnh phúc của Ngài, Ngài dạy rằng hạnh phúc mà vua Bimbisara hưởng thụ không kéo dài trong một ngày một đêm, còn hạnh phúc mà Ngài hưởng thụ một cách thuần túy kéo dài 7 ngày 7 đêm vì đó là hạnh phúc của tâm linh [thiền định] (kinh Tiểu Khổ Uẩn, Trung Bộ I). Đức Phật thường dạy đệ tử phải biết rõ bản chất của lạc thọ (cảm thọ hạnh phúc), sau khi biết rõ hãy an trú vào nội lạc [hạnh phúc tâm linh] (kinh Trung Bộ).

Đề cập đến hạnh phúc của một con người bình thường trong xã hội, Đức Phật dạy có bốn loại hạnh phúc:

1. Hạnh phúc khi có được tài sản sở hữu hợp pháp,
2. Hạnh phúc của sự hưởng thụ hợp lý tài sản ấy,
3. Hạnh phúc của sự không vướng mắc nợ nần của ai.
4. Hạnh phúc của sự không có tội lỗi (tâm hồn trong sáng thanh thản).
(Kinh
Tăng Chi, chương 4 pháp)

Loại hạnh phúc thứ tư được coi là căn bản và cao nhất; nếu nó không có mặt thì 3 loại hạnh phúc trên trở nên vô nghĩa. Một người có nhiều tội lỗi không thể sống hạnh phúc được, ngược lại một người không gây tạo tội lỗi thì có thể sống hạnh phúc, nghĩa là tâm hồn thanh thản, lương tâm trong sạch không có lo âu, sợ hãi hay ân hận... Một người như vậy phải là một người sống có đạo đức, sống không bị chi phối, thúc bách bởi tham lam, sân hận và tà kiến.

Quan niệm hạnh phúc theo Phật giáo đồng nghĩa với giải thoát. Như vậy, toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo nói chung và hệ thống giới luật nói riêng là con đường xây dựng đạo đức và hạnh phúc. Sự giải thoát hay hạnh phúc của một con người nhiều hay ít, cao hay thấp tùy thuộc vào hành vi đạo đức của người ấy, nghĩa là tùy thuộc vào sự chế ngự dục vọng nhiều hay ít, nhất thời hay triệt để. Người Phật tử xuất gia hay tại gia không phải sống hai lối sống khác nhau mà chính là sống trên một lộ trình giải thoát khỏi dục vọng và đau khổ, tùy theo điều kiện và cấp độ tu tập mà có sự khác nhau giữa hai đời sống xuất gia và tại gia.

Đạo đức phải được xây dựng trên cơ sở những tiêu chuẩn phù hợp với thực tiễn của con người và hoàn cảnh xã hội mà con người đang sống. Có những tiêu chuẩn được coi là đạo đức nhưng nó không thực sự cần thiết và phù hợp với quy luật hạnh phúc. Cũng có những tiêu chuẩn đạo đức chỉ phù hợp với một giai đoạn lịch sử nhưng không có tính phổ quát và không đạt chuẩn mực đạo đức toàn diện.

Vì vậy, thiết lập nền tảng đạo đức phải mang tính phổ quát, phù hợp với chân lý và thực tiễn đời sống con người. Đạo Phật có thể cung cấp một hệ thống đạo đức như vậy.

Một người muốn trở thành Phật tử, tự nguyện đặt mình vào kỷ luật tâm linh mà Đức Phật đã thiết lập, họ phải tuân thủ 5 giới, 10 giới hay nhiều giới hơn nữa như 250 giới của Tỳ kheo, 48 giới của Bồ tát... Những giới luật ấy là những nguyên tắc hành trì để sống có phẩm chất hơn, có tác dụng hướng thượng, hướng thiện tâm lý và hành vi của con người chứ không phải những nguyên tắc bất di bất dịch hoặc cứng nhắc giáo điều. Giới luật ấy giúp con người nhận ra được một cách sâu sắc hơn về bản chất của cuộc sống và rút ra được hệ quả đạo đức, nuôi dưỡng niềm tin vào cuộc sống hiện tại và hướng đi của đời sống trong tương lai.

Nếu một người hành trì các nguyên tắc đạo đức hay những giới luật này mà họ không cảm thấy một sự bình an, thanh thản nào thì họ đã hiểu và hành trì không đúng. Trong thực tế, có những người tuân thủ các nguyên tắc của giới (về mặt hình tướng) nhưng mối tương hệ của họ với tha nhân bất ổn, các mối quan hệ khác bị khủng hoảng. Đức Phật dạy đấy là rơi vào giới cấm thủ, một trong những kiết sử, những ức chế tâm lý.

Nguyên tắc hành trì mà Đức Phật thiết lập cho các đệ tử khép mình vào đó để đình chỉ dục vọng bản năng có thể nói đó là những nguyên tắc khách quan và phổ quát. Đó là 5 giới của người Phật tử:

(1) Không giết hại,
(2) Không trộm cắp,
(3) Không quan hệ tình dục phi pháp (tà dâm),
(4) Không nói dối,
(5) Không rượu chè say sưa và sử dụng các chất gây nghiện.

Một nhà trí thức phương Tây nhận định: "Năm giới này cho thấy 5 hướng chính mà người Phật tử tự mình kiểm soát để tri hành. Đó là giới thứ nhất răn người Phật tử kiềm chế nóng giận, giới thứ hai kiềm chế tham đắm vật chất, giới thứ ba kiềm chế nhục dục, giới thứ tư kiềm chế sự khiếp nhược và ác ý (nguyên nhân không chân thật) và giới thứ năm kiềm chế lòng ham muốn các sự kích thích nhơ bẩn" (Edmond Homs, Tín điều của Đức Phật). Dù Phật tử hay không là Phật tử, các nguyên tắc đạo đức này cần phải được thực hành, dù trong điều kiện thời gian hay không gian nào, nếu không muốn đời sống của cá nhân và gia đình, xã hội có hậu quả xấu. Đức Phật xác định rằng: "Một người nếu có hành vi sát sinh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo và đắm say rượu men rượu nấu thì sẽ có một cuộc sống sợ hãi và hận thù, đồng thời cõi ác đau khổ đang chờ đợi họ; ngược lại một người từ bỏ sát sinh... thì cuộc sống không có sợ hãi, hận thù và cõi thiện đang chờ đợi họ". Giá trị của một con người không phải đánh giá qua tài sản, thân tướng, dòng họ, địa vị... mà được đánh giá qua 5 nguyên tắc đạo đức trên. Đức Phật dạy thêm rằng: "Một người mà hành vi của họ được bảo vệ bởi năm nguyên tắc (giới) trên thì người ấy có thể thành tựu một cách nhanh chóng bốn tăng thượng tâm hiện tại lạc trú" (Tăng Chi III).

Đi sâu hơn các nguyên tắc căn bản trên, Đức Phật thiết lập 10 giới (10 điều thiện) nhằm nâng cao hơn nữa hành vi và tâm lý đạo đức của con người. Mười điều thiện ấy được thiết lập trên cơ sở hành vi, ngôn ngữ, tâm lý.

Hành vi gồm có: Không sát sinh, không trộm cắp, và không quan hệ tình dục phi pháp (tà dâm).

Ngôn ngữ gồm có: Không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, và không nói lời phù phiếm ba hoa.

Tâm ý gồm có: Không tham lam, không sân hận, và không si mê tà kiến.

Mười giới điều này là con đường đưa hành giả thực sự bước vào lộ trình của giải thoát, đây là giới căn bản cho cả tại gia và xuất gia, khác với 5 giới là bước đầu, chỉ quy định trong phạm vi hành vi và ngôn ngữ, là những biểu hiện đạo đức cụ thể gây hậu quả trực tiếp, tuy vậy vẫn chưa thể hiện được nguồn gốc, động cơ bên trong. Đức Phật dạy rằng một người thực hành 10 điều bất thiện thì cuộc sống của họ là phi đạo đức, đồng thời không đạt được mục tiêu hạnh phúc. Phật dạy:"Này các Tỳ kheo, sát sinh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận và tà kiến, đây gọi là phi pháp và phi mục đích" (kinh Tăng Chi III). Ngài khuyên mọi người nên sống đúng theo điều thiện, như vậy phù hợp với nguyên tắc đạo đức và quy luật của hạnh phúc.

Tóm lại, đạo đức Phật giáo được xây dựng trên cơ sở giới luật mà những giới luật ấy là những nguyên tắc đưa đến hiệu quả chế ngự dục vọng bản năng, thiết lập các mối quan hệ tích cực giữa con người với con người, con người với thiên nhiên một cách hòa điệu; xa hơn nữa có thể tịnh hóa tâm thức thoát ly các chướng ngại và các ức chế tâm lý để sống một đời sống hạnh phúc chân thực.

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 20-05-2003