BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Bốn đối tượng Thiền quán

Thiền Sư Buddhadasa


Giới thiệu: Cố Hoà Thượng Buddhadasa (Bút-tha-thát), Viện chủ Thiền viện Wat Suan Mokh, là một vị thiền sư nổi tiếng ở Thái Lan.

-oOo-

Bốn đối tượng Thiền quán là "Kàya" (Thân thể), "Vedanà" (cảm Thọ, cảm giác, cảm xúc), "Citta" (tâm), và "Dhamma" (Pháp). Các đối tượng này được đặt vào lộ trình theo dõi (Thiền quán) trong tâm.

Những đối tượng này quan trọng đến nỗi bạn cần phải thuộc lòng tên nó bằng tiếng Pali để hiểu chúng một cách thấu đáo, các từ đó là: kàya, vedàna, citta dhamma (thân, thọ, tâm, pháp). Hãy nhớ chúng như là bốn chủ đề quan trọng nhất. Chúng ta phải sử dụng bốn đối tượng này nhuần nhuyễn hơn bất cứ loại đối tượng nào khác trong việc huấn luyện và phát triển tâm, vì bốn loại đối tượng này đang tồn tại trong chúng ta và là nguồn gốc của tất cả vấn đề nẩy sinh trong cuộc sống. Do ta không hiểu chúng và do ta không thể kiểm soát chúng, chúng trở thành nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Vì thế cần phải phân biệt và hiểu một cách rõ ràng bốn đối tượng: thân, thọ, tâm và pháp.

Giai đoạn 1: Thân-vật-lý và Thân-thể-khí

Bắt đầu bằng kàya- thân. Từ Pali "kàya" có nghĩa là "nhóm họp" và được ám chỉ cho bất cứ một sự tập hợp của một vật thể nào. Trường hợp này kàya có nghĩa là một tập hợp các vật chất được kết hợp với nhau thành một thân thể có máu và thịt. Thật sự, từ "body" trong tiếng Anh -- dùng để dịch chữ kàya -- cũng có nghĩa là nhóm họp.

Ðể tiếp cận một cách sâu sắc, bạn nên nhìn lại mình xem thân thể này được tạo bởi cái gì. Có những cơ quan gì bao nhiêu loại? Loại nguyên tố nào? Các thành phần tạo nên cơ thể thuộc loại gì? Hơn nữa, có một thành phần tối quan trọng đã nuôi dưỡng tất cả các thành phần còn lại của cơ thể, thân-vật-lý, đó là hơi thở. Hơi thở cũng được gọi là "kàya", hay thân-thể-khí trong đó nó là sự nhóm họp nhiều nguyên tố. Chúng ta sẽ tìm hiểu thân-vật-lý này được cấu tạo như thế nào và nó có liên hệ ra sao với hơi thở.

Thân thể nói chung, thân-vật-lý, là một cái gì mà ta không thể kiểm soát trực tiếp được. Ðiều này không nằm trong khả năng của ta. Tuy nhiên, có một cách để kiểm soát chúng, làm chủ được chúng, gián tiếp thông qua hơi thở. Nếu bằng cách nào đó ta tác động một lực lên thân thể (thể khí) này thì lập tức thân (vật lý) kia sẽ nhận được một kết quả. Ðây là lý do tại sao ta dùng hơi thở làm đối tượng tu tập. Giám sát hơi thở đến một mức độ nào đó có nghĩa ta đã kiểm soát được thân thể ở một mức độ tương đương như vậy. Bạn sẽ cảm nhận được điều này một cách rõ ràng khi bạn đã tu tập đến một trạng thái đặc biệt của Anàpànasati (minh sát - tỉnh thức trong từng niệm lự).

Bước đầu thực hành, ta quan sát những gì liên quan đến kàya (thân), chúng ta sẽ tìm hiểu hơi thở theo một phương pháp đặc biệt. Chú ý đến từng hơi thở đang vào ra và tìm hiểu xem mỗi hơi thở có đặc điểm gì. Hơi thở dài hay ngắn, nhẹ nhàng hay dồn dập, nhanh hay chậm: ta phải biết rõ chúng. Với mỗi loại hơi thở khởi lên, ta phải biết bản chất của nó và các chức năng của nó.

Hơi thở có ảnh hưởng rất lớn trên thân-vật-lý và ảnh hưởng này cần được thấy rõ ràng. Quan sát hai mặt của mối quan hệ này cho tới khi bạn thấy hiển nhiên rằng chúng có mối liên hệ qua lại chặt chẽ không thể tách rời được. Thấy rằng thân-thể-khí nuôi dưỡng và là nhân duyên tạo thành thân-vật-lý. Ðó là bước đầu. Hãy nghiên cứu hơi thở sâu hơn nữa để biết những đặc trưng của từng loại hơi thở. Thì bạn sẽ hiểu rằng nó cũng được kết dính vào thân-vật-lý này. Ðiều này giúp bạn kiểm soát thân vật lý nhờ vào việc điều hòa hơi thở.

Ý nghĩa của những bước đầu của sự thực tập này biết được bí ẩn của kàya, thân. Ta biết rằng, hơi thở là thức ăn của thân-vật-lý. Bí ẩn quan trọng này là chìa khóa mở cửa những bí ẩn khác về thân, như sự kiện ta có thể dùng hơi thở để đạt được trạng thái làm chủ thân hoàn toàn. Chúng ta biết rằng ta có thể thư giãn thân-vật-lý bằng cách làm cho hơi thở an tịnh. Nếu hơi thở an tịnh thì thân-vật-lý sẽ an tịnh. Ðây là một cách gián tiếp điều khiển thân. Hơn nữa, cần ghi nhận rằng, ở đây tồn tại một nguồn hạnh phúc, an lạc và các lợi ích giá trị khác trong việc làm lắng dịu hơi thở và thân-vật-lý.

Giai đoạn 2: làm chủ Cảm Thọ

Vedanà - thọ - có một năng lực ảnh hưởng rất lớn lên con người, lên tất cả mọi hình thái sống. Toàn bộ thế giới này - loài vật, loài người, và tất cả những loài hữu tình - đều bị chi phối bởi vedanà. Tất cả đang hiện hữu bằng cảm giác. Nghe có vẻ buồn cười và khó tin, vì thế bạn hãy tự trầm tư về điều này. Thật sự rằng chúng ta - tất cả các chủng loại trên trái đất này - đang bị thúc ép bởi vedanà để thi hành những mệnh lệnh của nó. Khi gặp sukha-vedanà (cảm giác thích thú, lạc thọ), ta cố nắm giữ và tìm cầu nhiều thêm nữa những cảm giác này. Cảm giác thích thú luôn lôi kéo tâm vào một chiều hướng nào đó và là điều kiện để phát khởi một hành động nào đó. Dukkha-vedanà (cảm giác khó chịu, không hài lòng, khổ thọ) tác động lên tâm và ảnh hưởng lên cuộc sống theo chiều ngược lại, nhưng cũng vẫn đưa đến các đáp ứng theo thói quen. Tâm ta chống cự lại chúng và biến chúng thành những vấn đề, và những vấn đề này thì gây ra khổ đau (dukkha). Cảm giác có một năng lực rất lớn lên những gì chúng ta làm. Toàn thể thế giới này nằm dưới mệnh lệnh của cảm giác (vedanà), mặc dù cũng có những yếu tố liên hệ khác nữa. Ví dụ, trong khi tâm có thể bị chi phối bởi tanhà (tham ái, khao khát) thì chính cảm giác là thức ăn đầu tiên nuôi dưỡng lòng khao khát. Vì thế cảm thọ có ảnh hưởng mạnh nhất và lớn nhất lên toàn bộ tâm ta.

"Nếu ta làm chủ được cảm giác thì ta làm chủ được cả thế giới". Ta sẽ có khả năng kiểm soát thế giới khi ta có thể kiểm soát được những cảm thọ theo như mình muốn. Hiện nay không ai quan tâm đến việc kiểm soát cảm thọ, vì vậy thế giới này đã bị mất quyền kiểm soát. Bạn có thấy những khủng hoảng, những vấn đề khó khăn đang xảy ra liên tục không? Chiến tranh, nạn đói, tham nhũng, ô nhiễm môi trường, tất cả những thứ này, là những hành động bắt nguồn từ việc chúng ta đã thất bại ngay từ đầu trong việc kiểm soát cảm thọ. Nếu ta đã có thể kiểm soát được cảm giác của mình thì ta đã có thể kiểm soát được cả thế giới này rồi. Ðây là vấn đề bạn cần phải suy nghiệm kỹ.

Có vô số hành động xảy ra trên thế giới này do vì cảm giác vedanà thúc bách chúng ta khao khát và chính sự khao khát này đã biến thành các hành động. Ngay cả những mong muốn được tái sanh, được đầu thai cũng do vedanà làm điều kiện phát khởi. Nếu khao khát, chúng ta sẽ bị cuốn trôi theo vòng luân hồi, vòng tròn của sinh và tử, của thiên đàng và địa ngục. Mọi thứ bắt nguồn từ cảm giác. Kiểm soát vedanà là kiểm soát cái gốc, cái mầm mống sanh ra mọi thứ. Ðây là lý do tại sao cần thiết phải hiểu rõ những cảm giác một cách đứng đắn và sâu sắc nhất.

Có ba điểm chính để nhận rõ vedanà. Thứ nhất, hiểu rõ chính bản thân vedanà, những cái gây ra cảm giác trong tâm. Thứ hai, biết được vedanà đã nuôi dưỡng tâm như thế nào. Chúng khuấy dựng lên những tư tưởng, hồi ức, lời nói và hành động ra sao. Thứ ba, khám phá ra rằng ta có thể kiểm soát tâm bằng cách kiểm soát vedanà, cũng giống như thân-vật-lý được kiểm soát nhờ sự điều hòa hơi thở. Chúng ta có khả năng làm chủ tâm nhờ sự kiểm soát cảm giác. Ba điểm này chính là những ẩn nghĩa của vedanà.

  1. Hiểu rõ bản thân của cảm giác.
  2. Biết rõ những gì là điều kiện, là thức ăn của cảm giác.
  3. Biết cách kiểm soát những thức ăn này, cũng như biết cách kiểm soát chính các cảm giác.

Ðây là 3 điều quan trọng để tu tập thọ niệm xứ (vedanà).

Trong giai đoạn liên hệ đến thân, ta tìm xem cái gì là nhân duyên, là thức ăn của thân-vật-lý, ta sẽ nghiên cứu cái thức ăn đó cho đến khi ta biết tường tận từng chi tiết một của nó. Ta tìm hiểu xem nó đã nuôi dưỡng thân ra sao. Và rồi nhờ kiểm soát được những cái đó, ta có thể kiểm soát được thân. Ðây là cách làm cho thân được an tĩnh và hạnh phúc. Tương tự cho tâm, thức ăn của nó là cảm giác. Kiểm soát cảm giác sao cho chúng không tạo điều kiện khuấy động tâm, sao cho chúng tạo ra tâm theo như mình mong muốn là ta đã có khả năng làm an tịnh tâm. Ðây là cách mà ở giai đoạn một tu tập kàya (thân niệm xứ) giai đoạn hai tu tập vedanà (thọ niệm xứ) theo cùng một nguyên lý cơ bản là quán sát hay còn gọi là Thiền quán.

Giai đoạn 3: Tâm vi tế

Sau khi đã nhuần nhuyễn cả hai giai đoạn trên ta tiếp tục thực tập để biết rõ những bí ẩn của tâm (citta). Tâm là người đạo diễn và hướng dẫn cuộc sống. Tâm chỉ đạo và thân chỉ là công cụ tuân theo sự chỉ đạo đó. Ðể cuộc sống được dẫn trên một con đường tốt, ta phải hiểu rõ citta cho tới khi ta có thể kiểm soát được nó. Ðiều này đòi hỏi một sự tìm hiểu đặc biệt nghiêm túc, vì cái mà ta gọi là "tâm" rất là tế nhị, phức tạp và thâm sâu. Ta không thể nhìn nó bằng mắt, mà chỉ có thể "nhìn" nó bằng một cách đặc biệt khác. Với sự tu tập sati đầy đủ như trên thì việc tu tập nằm trong khả năng của ta, nhưng ta phải vận dụng một nỗ lực lớn. Không nãn lòng hay bỏ cuộc. Tất cả chúng ta đều có khả năng học hỏi citta để biết được những bí ẩn của nó.

Người ta không thể biết trực tiếp citta, không thể chạm vào hoặc liên lạc trực tiếp với nó được. Tuy nhiên, có thể biết được nó thông qua tư tưởng. Nếu ta biết tư tưởng vận hành như thế nào, ta sẽ biết được tâm ta. Ví dụ, trong thế giới vật chất này ta không thể biết được chính bản thân điện lực, nhưng ta có thể biết được nó thông qua các tính chất như: dòng điện, điện thế, điện lượng ... Cũng vậy đối với citta, ta không thể trực tiếp kinh nghiệm nó, nhưng ta có thể kinh nghiệm nó thông qua các hiệu năng của nó. Có bao nhiêu loại tư tưởng khởi lên mỗi ngày? Hãy quan sát như vậy. Ðây là cách ta có thể biết được citta.

Ta bắt đầu học hỏi tâm bằng cách quan sát sự khởi lên của những loại tư tưởng. Theo cách nào thì đó là những tư tưởng sai lạc và theo cách nào thì nó đúng? Chúng là những tư tưởng trong sáng hay u ám? Nó suy tư theo đường lối đúng hay sai, thiện hay ác? Quan sát cho tới khi citta được nhìn rõ qua mọi loại tư tưởng mà nó có thể khởi lên. Nhờ chính điều này ta biết được bản thể tự nhiên (dhamma-jàti) của tâm. Ở giai đoạn này, tùy theo sự tu tập kàya và vedanà (thức ăn của tâm), ta có khả năng hướng dẫn tâm theo như mong muốn. Ta có thể khiến tâm suy nghĩ theo những cách khác nhau hoặc giữ nó yên lặng. Ta có thể khiến tâm an ổn hoặc bất ổn nếu ta muốn. Tâm có thể kinh nghiệm mọi loại hạnh phúc và niềm vui khác nhau. Nó có thể được làm cho an tịnh, vắng lặng, và tập trung theo nhiều cách và ở nhiều mức độ khác nhau. Cuối cùng, tâm có thể được giải thoát, được tự tại với tất cả những thứ mà nó đã từng yêu, ghét và dính mắc. Tâm được giải thóat khỏi tất cả mọi thứ này. Ðây là bài học về những bí ẩn của tâm mà ta phải tu tập trong giai đoạn ba của ànàpànasati-bhàvana.

Biết tất cả các loại citta khác nhau. Là có khả năng làm cho tâm hỷ lạc và hài mãn. Kế đó có thể khiến tâm dừng lại và tĩnh chỉ. Cuối cùng, có thể khiến tâm giải thoát khỏi mọi dính mắc. Khiến nó được tự do với tất cả những gì nó dính mắc và bị dính mắc. Ðây là phương pháp tu tập liên hệ đến tâm mà ta cần phải nắm vững, thuần thục trong bài học thứ ba của Anàpànasati.

Giai đoạn 4: Trực nhận Dhamma (Pháp) rốt ráo

Sau khi đã biết ẩn nghĩa của thân, cảm thọ và tâm, ta tiến đến giai đoạn 4 là dhamma- pháp. Như đã được đề cập trước đó, Dhamma là bản thể tự nhiên với tất cả những giá trị của nó. Ta hãy xét đến chân lý của tất cả sự vật, chân lý tối hậu của tự nhiên, của thực tại, của sự kiện được gọi là ẩn nghĩa tuyệt đối của bản thể tự nhiên. Có được tri thức đó ta mới có thể sống bình an trên cõi đời này. Sự thật đang điều hành cuộc sống này là aniccam (vô thường), dukkham (khổ đau), anattà (vô ngã), sunyatà (tánh không), và tathatà (Như Lai tính).

Ðây là chân lý rốt ráo. Ta phải nhìn các sự vật cho tới khi chúng được trực nhận một cách đầy đủ để tâm không còn bị đánh lừa nữa. Khi đã hiểu được sự thật về thực tại, thì sẽ không còn tạo lỗi lầm và khổ đau.

Bạn nghe có vẻ buồn cười khi Chân lý - aniccam, dukkham, anattà, sunyatà - lại kết thúc bằng tathatà. Rằng Chân lý Rốt Ráo của mọi sự trong vũ trụ, cuối cùng không là gì cả mà chỉ là như thị (là chính nó). Tathatà trong tiếng Thái được dịch là "như thế đó". Thực tại được hiểu một cách đơn giản và điển hình là "mọi thứ là như thị". Khi ta nhận ra mọi sự là như thế, Dhamma rốt ráo thì ta sẽ thấy không có gì tốt hay xấu, đúng hay sai, được hay mất, thắng hay bại, đức hạnh hay tội lỗi, hạnh phúc hay đau khổ, thừa hay thiếu, có hay không. Dhamma rốt ráo ở ngay đây và bây giờ, vì pháp nhĩ như thị, vượt qua tất cả có và không, lạc quan và bi quan, vượt qua nhị nguyên tính. Chân lý được học ở giai đoạn 4 là những bí ẩn của bản thể tự nhiên, ẩn nghĩa này nói rằng "mọi sự là như thế, như thị".

Nhận ra Dhamma một cách đầy đủ chỉ là bước đầu tiên. Bây giờ, ta sẽ thấy rằng tâm bắt đầu tự do, bắt đầu giải thoát khỏi các dính mắc. Những dính mắc sẽ tan biến dần. Ðiều này sẽ được kinh nghiệm ngay lúc mọi dính mắc được buông xả. Và cuối cùng là kinh nghiệm rằng "tâm được tự do, mọi thứ được tự do". Tuy nhiên trong kinh điển gọi là "trở về". Phật nói rằng cuối cùng ta trả mọi thứ về bản nguyên của nó. Nghĩa là ta đã đánh cắp các sự vật của tự nhiên làm thành cái "tôi" và cái "của tôi". Ta đã mê mờ và đau khổ vì nó. Giờ ta trở nên thông thái hơn và có khả năng không chấp trước sự vật. Ta sẽ trả chúng về bản thể của nó và không bao giờ đánh cắp nó nữa. Ở bước tu tập cuối cùng này ta sẽ nhận ra "-, đó là bản thể của tự nhiên, không phải của tôi". Và ta có thể trả mọi thứ về bản nguyên của nó.

Cuối cùng thì không còn kẻ cắp nữa, tự do thoát khỏi tất cả những hậu quả và ảnh hưởng của sự dính mắc. Sự tu tập Anàpanasati kết thúc ở đây. Học về bí ẩn của Dhamma là biết rằng không có gì dính mắc và bị dính mắc. Tất cả đều tự do.

Nếu muốn chọn một cái tên, ta có thể gọi là "giải thoát". Cần phải diễn giải thêm - chấm dứt dính mắc và trả mọi thứ về cho bản nguyên của nó - là ý nghĩa của giải thoát. Trong Phật giáo, giải thoát nghĩa là tự do thoát khỏi mọi hình thức dính mắc để sống một cuộc sống vượt trên trần gian. Mặc dù thân ở trong trần gian này, nhưng tâm siêu thoát khỏi chúng. Vì thế, mọi khó khăn đều biến mất. Ðây là cách thăng hoa cuộc sống bằng một tiềm lực đầy đủ nhất.

Nguyên Thụy lược dịch
("Mindfulness with Breathing", Bhikkhu Buddhadasa, Thailand)
NSGN, Tháng 11-1996.


Chân thành cám ơn anh Nguyễn Quang Trung đã có thiện tâm giúp đánh máy lại bài viết nầy.


[Trở về trang Thư Mục]