Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Thiền Tại Công Sở: Lối Vào "Siêu" Quản Lý

Gerry Shishin Wick Sensel

Khi đất nước phát triển thịnh vượng thì tên tuổi của các nhà lãnh đạo ít được mọi người chú ý. Chỉ khi nào các vấn đề xã hội nảy sinh, lúc đó người ta mới tìm hiểu về người có trách nhiệm để mà trách cứ. Ðó là nhà Vua, Tổng thống hay một nhà điều hành.

Nếu quyền lợi cá nhân của giới lãnh đạo được đặt trên lợi ích của đất nước thì nước đó sẽ rất khó phát triển. Cũng vậy, khi quyền lợi cá nhân của nhà điều hành trở nên quan trọng hơn vận mệnh của công ty thì công ty của ông ta dễ dàng đi đến chỗ thất bại. Một nhà điều hành thực hiện đúng vai trò của mình thì mọi công việc trong công ty sẽ được tiến hành một cách trôi chảy. Cá nhân của nhà điều hành hòa vào thành quả chung của công ty. Ðó là điều mà bất kỳ một nhà điều hành giỏi nào cũng phải ý thức và thực hiện cho bằng được. Có quá nhiều nhà điều hành tin tưởng rằng họ có thể tìm ra tất cả các giải pháp để giải quyết mọi vấn đề trong mọi tình huống.

Thiền sư Jiso có dạy rằng: "Không định kiến là điều uyên ảo nhất". Không định kiến nghĩa là cởi mở đối với tất cả các sự kiện, đừng vội phán xét một người hay một tình huống nào đó. Bởi nếu tâm trí bạn chứa đầy các định kiến thì sẽ không còn chỗ cho một ý tưởng hay nữa. Ví như khi hai tay bạn đã nắm đầy đồ vật thì bạn không thể nhặt thêm được cái gì. Một đầu óc định kiến sẽ gây nên sự chia rẽ và nghi ngờ. Như cái dù, đầu óc chỉ hữu ích khi nó được cởi mở. Ðể có một đầu óc cởi mở, điều đầu tiên là phải nhận thức được bản chất của nó, hay nói đúng hơn là phải hiểu được bản chất của bản ngã là gì.

Trong tác phẩm "Công án thiền" (Genjo xoan), Thiền sư Dogen đã viết: "Học Phật chính là học về cái ngã. Học cái ngã tức là hãy quên cái ngã ấy đi". Quên đi cái ngã nghĩa là hãy cởi mở tất cả những dự kiến nhằm phát triển hay chấp thủ bản ngã. Những dự kiến này quá mênh mông và tinh tế đến nỗi đòi hỏi chúng ta phải kiểm nghiệm cẩn thận. Bằng cách nghiền ngẫm về bản ngã, chúng ta sẽ nhận thức được rằng tất cả những dự kiến của chúng ta thực chất chỉ là ý nghĩ viễn vông xuất hiện và mất đi trong từng ý niệm, những vọng tưởng này không được cấu tạo bằng một chất liệu nào cả, cũng như những cảm giác, những suy nghĩ, những trạng thái tình cảm và những quan niệm của mỗi chúng ta.

Gần đây, tôi có gặp một nhà quản lý cao cấp dày dạn kinh nghiệm. Ông ta đang điều hành các cơ sở có đến hàng trăm nhân viên của một nghiệp đoàn với số vốn lên tới hàng triệu mỹ kim. Qua cuộc trao đổi, ông ta đã bộc lộ niềm say mê đối với Thiền và sự hành Thiền. Sau khi ông ta thực tập thiền một thời gian, tôi đã đọc cho ông ta nghe một công án nổi tiếng của Lục Tổ Huệ Năng: "Không phải thiện, không phải ác. Vậy cái gì là bản lai diện mục của con người?". Ông ta bị tác động rất nhiều bởi công án này trong suốt thời gian chừng một năm, và sau đó, những cư xử của ông ta đối với cấp trên cũng như đối với nhân viên của ông ta đã thay đổi một cách khác hẳn. Ông ta không còn là một người quá bảo thủ nữa. Những cuộc trao đổi của ông ta với mọi người trở nên thoải mái nhẹ nhàng, và do đó ông ta có thể đưa ra những ý kiến của mình mà rất ít bị những phản kháng ngược lại.

Nếu bạn "không nghĩ thiện, không nghĩ ác" thì bạn đã ý thức được thực tại và cởi mở chân trí của bạn. Nếu bạn thường xuyên quan tâm về việc các đồng nghiệp và "sếp" của bạn đánh giá như thế nào về bạn thì bạn đang tự tạo ra những mâu thuẩn trong chính mình và ranh giới giữa bạn với những người chung quanh. Bạn sẽ không tiếp xúc được với chính mình và hoàn cảnh của mình. "Không nghĩ thiện, không nghĩ ác" chính là quên cái bản ngã đi. "Quên bản ngã tức là tâm trí được bừng sáng". Khi chúng ta thực sự cởi bỏ sự chấp thủ của chúng ta vào bản ngã thì mỗi hành động của chúng ta là một hành động của tỉnh giác, và mỗi nơi mà chúng ta đang hiện hữu sẽ là một cõi Niết bàn, dù cho nơi đó là phòng làm việc hay tiệm giặt ủi.

Một nhà điều hành giỏi cũng là một vị Bồ Tát

Tôi mãi không thể hiện được ý nghĩa thâm thúy về sự cao cả và vĩ đại của một vị Bồ Tát cho đến khi tôi được nghe Ngài Trungpa Rinpoche dạy rằng: Một vị Bồ Tát không bao giờ dành cho mình một khoảng thời gian nào. Thậm chí một vị Bồ Tát cũng không tự cho phép ngồi đọc tạp chí "Time" trên một chiếc ghế đắt tiền. Ðó là một cách nói đáng để cho chúng ta suy ngẫm.

Theo Thiền sư Dogen, có bốn phương pháp mà vị Bồ Tát sử dụng để đem lại hạnh phúc cho chúng sinh. Ấy là Bố thí (trao tặng), Ái ngữ (lời nói hòa nhã), Lợi hành (hành động lợi người) và Ðồng sự (hòa đồng cùng mọi người). Bồ Tát là một người luôn sống vị tha. Và một phần của đời sống vị tha đó là bố thí. Có rất nhiều hình thức bố thí. Nhà quản lý là người rất có điều kiện để thực hành bố thí. Ðiều đầu tiên ông ta có thể bố thí là vật chất và tiện nghi. Lương bổng mà mỗi nhân viên nhận được giúp họ trang trải những nhu cầu sinh hoạt trong đời sống bình thường. Một nhà điều hành giỏi là một người luôn đảm bảo cho nhân viên của ông ta một hệ thống trang thiết bị làm việc hiện đại tối thiểu, và một không gian thoải mái để họ có thể hoàn thành công việc của họ. Ðó cũng là một phương diện của bố thí.

Một phương diện khác của bố thí là pháp thí - pháp chính là những lời dạy của đức Phật - pháp thí có rất nhiều hình thức. Tạo điều kiện để nhân viên có được một nền tảng giáo dục cần thiết giúp họ thành công trong công việc, ủy quyền cho nhân viên để họ có được những quyết định của riêng họ, giúp nhân viên học hỏi qua việc sửa chữa các lỗi lầm, đó cũng là những hình thức của pháp thí. Làm thế nào để nhân viên ngày càng phát huy được tài năng của họ và để nhân viên ý thức được rằng họ đang được động viên và khuyến khích bởi ông chủ của họ, vì thế họ luôn mong muốn được tiến bộ.

Phương diện cuối cùng và cũng là phương diện quan trọng nhất của bố thí là "Vô úy thí" (ban tặng sự không sợ hãi). Một nhà điều hành không thể ban tặng "sự không sợ hãi" trừ phi ông ta có được "sự không sợ hãi". "Không sợ hãi" chính là "quên bản ngã đi". Nếu không có một bản ngã để nâng niu và chấp thủ thì có gì để mà sợ hãi?

Phương pháp thứ hai mà Bồ Tát sử dụng để độ nhân là "Ái ngữ". Khi một vị Bồ Tát nhìn thấy tha nhân thì lòng từ bi bỗng nhiên được khơi dậy và Ngài luôn nói bằng những lời êm ái hòa dịu. Từ bi chính là một năng lực tự nhiên của trí tuệ. Người càng thâm hiểu thì càng muốn nói những lời nói hòa nhã. "Ái ngữ" cũng có nhiều hình thức. "Ái ngữ" không có nghĩa là luôn luôn ngọt ngào và mềm mỏng. Ðôi khi "Ái ngữ" cũng có thể là một lời cứng rắn. Tùy từng hoàn cảnh cụ thể.

Phương pháp thứ ba là "Lợi hành". Lợi hành nghĩa là luôn quan tâm săn sóc đến mọi người, bất kể đó là cấp trên hay nhân viên của mình. Có một số người rất khéo léo trong việc ứng xử với thượng cấp, một số khác thì lại khéo léo trong việc điều hành nhân viên. Nhưng một nhà quản lý giỏi thì phải có được cả hai phương diện đó. Một trong những lý do dẫn đến sự chia rẽ, bất đồng trong công ty là vì người ta thường nghĩ rằng, nếu có một ai đó được cất nhắc thì mình sẽ bị mất chức. Thực hiện "Lợi hành" chắc chắn bạn sẽ luôn thắng lợi. Nếu bạn nâng đỡ cho đồng nghiệp thì họ sẽ nâng bạn lên. Nếu bạn ủng hộ cấp trên của bạn, bạn sẽ được tiến thân.

Phương pháp thứ tư là "Ðồng sự" (hòa đồng với mọi người). Mỗi khi bạn cảm thấy xa lạ với hoàn cảnh và những đồng nghiệp mới, bạn hãy nghĩ về triết lý "không hai". Trời, đất và ta có cùng một nguồn gốc, ta và tha nhân vốn không hai. Không có sự phân biệt giữa ta với mọi người. Ðấy là một trong những phát minh vĩ đại của đức Phật.

Không có một công thức chung nào để trở thành một nhà điều hành giỏi. Ðức Phật gọi sự thực hiện công thức này, nhất định này là Upaya, hay "phương tiện thiên xảo". Mỗi người có một cá tính và mỗi hoàn cảnh mỗi khác. Upaya được các vị Bồ Tát sử dụng để hoằng hóa. Nhà điều hành cũng rất cần có Upaya - phương tiện thiện xảo để đem lại những gì tốt đẹp nhất cho nhân viên của mình.

Cách đây ba năm, một bậc thầy của tôi đã cho tôi ba lời khuyên về việc làm thế nào để ứng dụng Phật pháp trong đời sống hằng ngày.

Lời khuyên thứ nhất là hãy tôn trọng mọi người như tôn trọng đức Phật. Ở đây không hẳn phải là đức Phật mà có thể là bất cứ vị giáo chủ nào mà bạn tôn thờ và tin kính.

Lời khuyên thứ hai là hãy lắng nghe âm thanh quanh mình như đang nghe pháp. Pháp trong nghĩa này là những lời dạy của đức Phật.

Lời khuyên thứ ba là hãy biến mọi nơi trở thành những cõi Niết bàn. Niết bàn là nơi tràn đầy ánh sáng của trí tuệ tỉnh giác, thanh tịnh, an vui và hòa bình.

Chúng ta làm thế nào để ứng dụng được những lời khuyên trên vào đời sống thường nhật?

Về lời khuyên thứ nhất: Khi bạn bị kẹt xe trên xa lộ Los Angeles chẳng hạn, bạn có thể nhìn vào các tài xế khác, đặc biệt những người đang luồn lách qua lại giữa các làn xe, và có thể xem họ như một đức Phật? Tại nơi làm việc, nếu bạn có một ông chủ cực kỳ nóng tính, mặt mày luôn quạu quọ, bạn có thể xem ông ta như một đức Phật không?

Theo tôi, không nhất thiết chúng ta buộc phải cư xử với mọi người với một cách thức như nhau, mà nên đối xử với mọi người một cách có trí tuệ. Trí tuệ của con người phát triển theo thời gian và nó chi phối mọi hành vi của chúng ta. Ðạo Phật dạy rằng, con người hãy cân bằng giữa trí tuệ và từ bi. Từ bi không có nghĩa là luôn luôn dịu dàng với mọi người. Trong một tình cảnh nào đó, cách cư xử cứng rắn lại là điều tốt nhất. Ðiều quan trọng là chúng ta phải luôn luôn xử sự một cách linh hoạt tùy vào mỗi hoàn cảnh cụ thể.

Một nhà quản lý giỏi cần phải nhận định đúng hoàn cảnh để ứng xử cho phù hợp. Một quyết định có thể đúng ở hôm nay nhưng không đúng vào ngày mai. Một quyết định có thể đúng với người này nhưng không đúng với người khác. Mỗi quyết định tùy thuộc vào mỗi hoàn cảnh, thời gian, không gian và người liên quan, nó cũng tùy thuộc mức độ căng thẳng của từng tình huống.

Về lời khuyên thứ hai: Hãy nghe các âm thanh chung quanh như đang nghe Pháp. Ở Trung Hoa có một Thiền sư nổi tiếng tên là Joshu, ở vào tuổi 60, ngài là một Thiền sư uyên bác và cực kỳ tài năng. Tuy vậy, ngài tự thấy còn nhiều điều phải học hỏi. Vì thế ngài quyết định thực hiện một cuộc hành hương. Trên đường, nếu gặp một cụ 80 tuổi muốn học Thiền, ngài liền dạy Thiền cho người đó, nếu ngài gặp một em bé 8 tuổi, ngài cũng sẵn sàng học hỏi những điều nơi em bé mà ngài nghĩ có thể học được. Với phương pháp cởi mở ấy, hai mươi năm sau khi ở tuổi 80, ngài trở nên uyên thâm và dày dạn kinh nghiệm. Ðến lúc đó ngài mới quyết định quay trở về để truyền thừa Thiền học cho các đệ tử. Ngài dạy Thiền được 20 năm nữa.

Nghe các âm thanh như đang nghe Pháp nghĩa là bạn hãy luôn lắng đọng tâm tư và tập trung tư tưởng, hãy chú ý đến những gì mà người khác đang đối thoại với bạn. Chúng ta thường quá huyên thuyên đến nỗi khiến cho người khác cảm giác là chúng ta không hề nghe họ nói. Nếu chúng ta biết lắng nghe thì chúng ta dễ dàng có được những cuộc trò chuyện thú vị và hữu ích.

Khi thực tập Thiền định, bạn có thể thấy sự tập trung tư tưởng là một điều rất khó. Việc tập trung tâm ý vào hơi thở thôi đã là một điều không đơn giản chút nào. Chỉ khi nào bạn lắng đọng tâm tư của mình thì bạn mới có thể lắng nghe được những đối thoại một cách đầy dủ và chính xác.

Người ta thường thích đi xa thành phố và đến những miền rừng núi để hành Thiền vì họ nghĩ rằng đó là một nơi yên tĩnh. Tuy nhiên, khi có một chú chim hay một con thú rừng xuất hiện thì sự yên tĩnh của núi rừng cũng bị phá vỡ. Và sự huyên náo này cũng chẳng có gì khác sự huyên náo ở thành thị. Chúng ta thường nghĩ rằng, có những âm thanh nghe êm tai và có âm thanh nghe choáng tai. Ở núi rừng, thực ra có nhiều điều hấp dẫn như màu xanh của cỏ cây, không có sự ồn ào náo nhiệt của đám đông người và xe cộ như ở thành thị. Xét cho cùng, phải chăng đó chỉ là những hiện tượng sinh học đơn thuần hay là những gì đang diễn ra trong tâm của chúng ta? Nếu bạn thích nghe tiếng suối reo thì tiếng suối trở thành một âm thanh dễ nghe. Nếu bạn nghĩ tiếng động từ động cơ xe cộ là ồn ào thì âm thanh đó trở nên chói tai. Vấn đề ở chỗ, đầu óc chúng ta đã chứa quá nhiều sự chọn lựa và sàng lọc mang tính định kiến. Nếu chúng ta vứt mớ bòng bong ấy đi để sống với hiện tại thì mỗi âm thanh trong cuộc sống đều có thể là một nhân tố đưa ta đến giác ngộ.

Về lời khuyên thứ ba: Hãy biết mọi nơi chúng ta đang hiện hữu thành một cõi Niết bàn. Bất cứ ở đâu và ngay bây giờ bạn đang hiện hữu thì ở đó là một cõi Niết bàn. Một vị Tổ sư đã từng dạy: "Không xua đuổi vô minh, không truy tìm giác ngộ. Vì vô minh, đúng như nó đang là, chính là bản chất của giác ngộ". Ðích thị cái thân thể ô trược này, hiện hữu và tan biến như hoa đốm giữa hư không. Khi chúng ta thực sự tỉnh giác được chân lý của vạn hữu, chúng ta không tìm thấy điều gì đặc biệt để bảo rằng "Ðây là chân lý".

Ở đây, có một điều mà chúng ta cần phải suy ngẫm. Con người thường hay cố gắng để tự thay đổi chính mình. "Nếu tôi là một người khác", "Giá mà tôi có thể tự thay đổi được thì mọi việc sẽ rất đẹp hơn"... Ðiều đó cũng chẳng khác gì khi bạn nghĩ rằng, nếu bạn có một cái máy hát mới, hoặc một chiếc ô tô với sắc màu và kiểu dáng ưng ý thì sẽ tốt hơn cho bạn nhiều. Nỗ lực của chúng ta là thực tập để trở thành con-người-chúng-ta-đang-là chứ không phải để lột xác thành một người khác.

Cái ngã vô minh đầy si vọng này, đúng như nó đang là, đồng nhất với cái ngã giác ngộ. Nếu bạn nhận ra điều đó thì việc thực tập sẽ trở nên dễ dàng hơn. Khi chúng ta tự chối bỏ bản thân mình, thì ngay lúc đó, chúng ta cũng đang tự chối bỏ chính cái phương tiện có thể khai mở thật ngã của chúng ta. Thật ngã đó không tồn tại ngoài thân thể và tâm trí này. Chính thân thể và tâm trí này, ở ngay nơi đây, là thân thể và tâm trí của giác ngộ. Nếu bạn chối bỏ nó trong bất cứ hình thức nào, có nghĩa là bạn đang chối từ chân ngã - giác ngộ của chính bạn. Cho nên, thay vì nỗ lực xua đuổi vô minh thì chúng ta nên trở về sống tỉnh thức trong mỗi giây phút hiện tại.

oOo

(Tác giả: Shishin Sensel, Thiền sư đồng thời là giám đốc của một công ty phát triển nhu liệu vi tính tại Merriam-Webster.)

Thích Nguyên Hạnh dịch (TBGN, 11-1996)


Sincere thanks to anh Nguyen Quang Trung for re-typing this article.