BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Kỹ Thuật Thiền Vipassanà

H.T.


 

Thiền sư Dhammarakhita là một vị cao tăng tinh thông Tam tạng, nhưng Ngài lại ưa thích pháp hành thiền nên thường đi một mình vào rừng hành đạo. Ngài được các vị Thiền sư tiền bối khen ngợi là người giàu ý chí, kiên nghị, dũng cảm và có khả năng về cả pháp học lẫn pháp hành. Ngài được Phật tử Thái Lan mời làm viện chủ một thiền viện nổi tiếng theo truyền thống của Thiền Sư Achan Nep lỗi lạc, nhưng thỉnh thoảng Ngài chỉ đến dạy thiền rồi thong dong tự tại, như cánh hạc ngàn. Ðặc biệt là cuối năm nay Thiền sư Khippapanno (Sư Kim Triệu) ở chùa Jetavana Vihara, Washington D.C., đến hướng dẫn chúng tôi một khóa thiền Vipassana trong vòng một tuần.

Ngài Khippapanno xuất thân là tiến sĩ triết học từ trung tâm Phật học Ðại học Nalanda, Ấn Ðộ. Sau đó Ngài đến Miến Ðiện hành thiền với một vị danh sư là Ngài Mahasi Sayadaw, và chính tại đây Ngài đã đắc pháp. Ngài rất hiền lành đôn hậu, chỉ dạy tận tình. Ðến với Ngài chúng tôi cảm nhận được một lòng từ ngọt dịu bao dung.

Nếu Thiền sư Dhammarakhita thông minh, thích dí dỏm, hùng hồn thì Thiền sư Khippapanno lại từ tốn, nhu mì, dịu dàng, trầm tĩnh. Thiền sư cho biết trong các thiền viện ở Miến Ðiện và Thái Lan, thiền sinh hành thiền 20 giờ mỗi ngày, chỉ trừ lúc ngủ khoảng 4 tiếng đồng hồ, hay đôi khi một vài thiền sinh hành luôn không ngủ. Tuy vậy Ngài biết ở đây có chương trình sinh hoạt riêng, nên sau khi hội ý với thầy, Ngài quyết định cho hành 10 tiếng mỗi ngày theo cách hướng dẫn của Ngài, thì giờ còn lại tùy ý mỗi người.

Thiền sư Khippapanno chỉ cách hành thiền tại chỗ rồi từ từ hành tới đâu giảng tới đó. Cứ một tiếng ngồi thiền xen kẽ một tiếng kinh hành liên tục, trừ giờ ăn uống, ngủ nghỉ, tắm rửa, vệ sinh v.v... Trong những sinh hoạt này chỉ cần giữ chánh niệm tỉnh giác niêm mật là được.

Dĩ nhiên trong lúc ngồi thiền và đi kinh hành cần phải giữ sự chú tâm trong chánh niệm tỉnh giác cao hơn để có thể soi chiếu minh bạch những diễn biến tinh vi của đối tượng thiền quán, vì đó chính là tinh yếu của Thiền Vipassanà.

Một hôm tôi đang ngồi thiền đến khoảng 45 phút tôi bắt đầu cảm thấy chân đau nhức khó chịu, cảm giác nhức nhối cứ tăng dần và đầu óc tôi bắt đầu căng thẳng vì tranh đấu chống lại sự đau nhức mà trước đây tôi chưa bao giờ biết đến.

Tôi đang phân vân không biết nên đổi oai nghi hay cứ ngồi mà chịu trận, và cứ thế sự căng thẳng dâng lên tột độ, hết chịu nổi rồi! Bỗng nghe văng vẳng giọng nói của Thiền sư thật dịu dàng như chính Ngài đang chia sẻ với tôi cơn đau trầm trọng đó.

Ngài nói : 'Các hành giả gắng giữ chánh niệm. Khi đau hãy sáng suốt trầm tĩnh ghi nhận trạng thái đau một cách trung thực, đừng sợ hãi, lo âu và chống lại. Cứ giao phó thân xác này cho cơn đau, đó là "Bố thí Ba la mật". Cứ ngồi yên, đừng chìu theo thói quen dễ dãi của bản năng, đó là "Trì giới Ba La Mật". Cứ duy trì đề mục thiền quán không xao lãng, đó là "Tinh tấn Ba La Mật". Cứ thản nhiên chịu đựng cơn đau, đó là "Nhẫn nại Ba La Mật". Cứ nhất tâm chuyên niệm, đó là "Ly dục Ba La Mật". Cứ sáng suốt tỉnh giác, đó là "Trí tuệ Ba La Mật". Cứ trả cơn đau về với bản chất đơn thuần của một cảm thọ trong tự tánh Paramattha của nó, đó là "Chơn thật Ba La Mật". Cứ dũng mãnh quyết tâm, không chần chừ ngần ngại, đó là "Quyết định Ba La Mật". Cứ rải tâm mát mẻ vô sân cho chính cơn đau, đó là "Tâm Từ Ba La Mật". Cứ để cơn đau đến tự nhiên, không giữ lại, không loại trừ, đó là "Tâm Xả Ba La Mật". Vậy nhờ cái đau mà Ba La Mật được tròn đầy, thì chịu đựng cơn đau còn xứng đáng hơn là đắm chìm trong dục lạc'.

Lời nói dịu dàng như một làn gió mát, đánh thức tôi về với thực tại, xóa mất lằn ranh của sự đấu tranh giữa năng và sở như một sự sống tròn đầy, thâm sâu và trọn vẹn. Ngay khi tôi đang tràn ngập trong sự hoan hỉ của một trạng thái an bình viên mãn như kẻ khát khô đang hân hoan thưởng thức một bát nước đầy, thì chợt nghe tiếng Ngài vọng lại nhẹ nhàng nhưng vô cùng sắc bén:

-- "Khi quán chiếu thân này, hơi thở vô ra hay cơ bụng phồng xẹp, đó chỉ là phong đại tính chất lưu chuyển của sắc pháp mà thôi. Cảm giác cứng mềm trong sự tiếp xúc giữa chân và tay, giữa bàn tọa và chỗ ngồi v.v... đó chỉ là địa đại, tính chất thô trương của sắc pháp mà thôi. Cảm xúc nóng lạnh phát ra trong cơ thể, đó chỉ là hỏa đại, tính chất thành thục của sắc pháp mà thôi. Và chúng ta có thể ngồi yên trong tư thế này mà không bị rã rời, chính là do thủy đại, tính chất liên kết các phần tử của sắc pháp mà thôi. Thân này chỉ là các đại hợp thành, vô thường, trống không và chẳng thể tìm đâu ra các ngã".

Tôi như người chợt tỉnh. Khi đau không thấy chỉ là một cảm thọ khổ đang sinh diệt trên thân mà lại thấy là "tôi đau". Ðến khi nhất tâm an lạc lại không thấy chỉ là một cảm thọ hỷ đang sinh diệt trên tâm, mà lại thấy là "tôi hoan hỷ". Dù đã vượt qua ranh giới của năng sở để đạt đến trạng thái tâm nhất như, nhưng bản ngã, một ảo giác về sở đắc, vẫn còn nguyên vẹn. Cái mê lầm của tôi là ở chỗ đó. Tôi cúi đầu lạy tạ Thiền sư.

Một tiếng chuông vang lên báo hiệu giờ kinh hành đã đến. Tôi làm một vài động tác nhẹ nhàng chậm rãi rồi từ từ đứng dậy. Một giờ ngồi thiền đã qua. Tôi thường đi kinh hành trong rừng cây thoáng mát, và thú thật tôi thích đi kinh hành hơn ngồi thiền vì cái nạn đau chân như tôi vừa kể. Vừa đi chậm rãi vừa chú tâm vào những cử động toàn thân khi bước đi: Chân giở lên, đưa tới, đạp xuống và cảm giác chạm đất dưới bàn chân dễ làm cho tôi lắng dịu. Nếu ngồi thiền dễ đau chân, dễ buồn ngủ hay dễ phóng tâm thì khi đi kinh hành làm tôi định tĩnh, sáng suốt dễ dàng hơn. Khi chánh niệm tỉnh giác trên những diễn biến của toàn thân, tôi dễ dàng thấy những cảm thọ phát sinh từ sự tiếp xúc của thân. Rồi trạng thái tâm phát sinh từ cảm thọ.

Nhờ đi kinh hành, tôi dễ dàng phát hiện được sự tương quan nhân qủa của ý muốn đi và hành động đi, của ý muốn đứng và hành động đứng lại - của ý muốn quay và hành động xoay người trên đường đi kinh hành mà bình thường tôi không thấy được. Tôi thường đi như một cái máy bị lôi cuốn về phía trước đến một đích mà ý muốn vô hình đã quy định. Ðúng là "mộng tử túy sinh".

Tôi cũng thấy chỉ có "sắc" đi và "danh" nhận biết hay thúc đẩy hành động đi đó. Cái gọi là "con người tôi" chỉ là sự tương quan nhân quả của danh và sắc. Rồi vi tế hơn, tôi bắt đầu thấy sự tập khởi của sắc uẩn qua sự tiếp xúc của nội căn và ngoại trần, sự tập khởi của thọ uẩn qua sắc, sự tập khởi của tương uẩn qua thọ, sự tập khởi của hành uẩn qua tưởng và sự tập khởi của thức uẩn qua hành. Ðó cũng chỉ là sự tương quan nhân quả của danh sắc được nhìn một cách minh bạch hơn mà thôi. Không tìm thấy cái gì ngoài tính chất vô thường, trống không, vô ngã! Cho đến lúc đó tôi mới hiểu thế nào là "Chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách". Và cũng nhờ vậy tôi mới thấy ra Tứ diệu đế trong chính bài tập thiền quán này: Chiếu kiến chính là Ðạo đế, ngũ uẩn là Tập đế, giai không là Diệt đế, nhất thiết khổ ách là Khổ đế. Ðó là những sự thật mà mỗi người có thể thấy được khi thực hành Thiền Vipassanà, tức tuệ quán mà Tâm kinh gọi là "Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Ða" vậy.

Cuối khóa thiền, trước khi Thiền sư từ giã, Ngài đã ngâm cho chúng tôi nghe bài Metta Sutta (Từ bi kinh) và ba bài kệ nói về quán chiếu Bát Nhã (Pannaya passati) với một giọng ngâm trầm ấm, nhẹ nhàng nhưng đã để lại trong tâm khảm mọi người một ấn tượng sâu lắng.

H.T., 1998


[Trở về trang Thư Mục]