BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Cuộc đời Ðức Xá-lợi-phất (Sarìputta)
Nguyễn Ðiều (1966)


  

[02-a]

PHẦN THỨ HAI

TRÍ DUYÊN VIÊN MÃN TÌNH BẰNG HỮU

Nếu Ðại Ðức Sàrìputta nổi tiếng về đức tính biết ơn sâu dày, thì tình bằng hữu của Ngài đậm đà cũng không kém. Với Ðại Ðức Mahà Moggallàna, một người bạn cũng là một đồng chí trong thuở thiếu thời của Ngài. Ngài luôn luôn giữ chặt tình bằng hữu. Và những bằng chứng khác nữa là sau khi xuất gia, họ đã tìm đến nhau để đàm luận về Pháp bảo rất nhiều. Nhờ thế mà có lần khi Ðại Ðức Sàrìputta còn đang tiến triển trên con đường đạt đến đạo quả, sự luận pháp đã giúp cho Ngài nhiều tia sáng hữu dụng đặc biệt. Ðiều đó đã được ghi lại trong kinh Anguttara Nikàya Catukka Nipàta số 167.

Ðoạn ấy thuật rằng: Một lần nọ, Ðại Ðức Mahà Moggallàna đến gặp đạo huynh của Ngài là Sàrìputta và nói: "Này sư huynh Sàrìputta. Có bốn con đường tiến hóa là:

1/ Tiến hóa khó khăn mà chậm chạp thì trực tiếp hiểu biết.

2/ Tiến hóa khó khăn mà nhanh chóng cũng được trực tiếp hiểu biết.

3/ Tiến hóa dễ dàng mà chậm chạp thì được hiểu biết trực tiếp.

4/ Tiến hóa dễ dàng mà nhanh chóng thì cũng được hiểu biết trực tiếp.

Thế thì cái nào trong bốn cách tiến hóa này đã cho tâm trí của đạo huynh thoát khỏi những điều xấu xa không còn dư sót?".

- Này đệ Mahà Moggallàna. Chỉ có cách thứ tư là "Tiến hóa dễ dàng nhanh chóng và hiểu biết trực tiếp".

Cắt nghĩa như đoạn trên chính là dập tắt các nhơ bẩn trong tâm rồi, chuẩn bị cho sự chấp nhận hay sáng suốt, đó là một việc làm không khó khăn lắm (Ðây là theo căn duyên của những ai có trí tuệ phi thường như Ðại Ðức Sàrìputta. Theo kinh điển Phật giáo thì Ðại Ðức Sàrìputta có trí tuệ bậc nhất trong các đệ tử Phật.) nên được gọi là Dễ (Sukha Patipadà), ngược lại tức là Khó hay Khổ sở (Dukkha Patipadà). Nếu sau khi dập tắt hết các nhơ bẩn nơi nội tâm rồi, con đường hành đạo để tiến tới giác ngộ dù khó khăn đến đâu với Sa-môn loại này cũng trở thành dễ dàng và nhanh chóng. Do đó họ vẫn có thể chứng đạt một cách thiết thực và vững chắc.

Ở đây sự hiểu biết trực tiếp (hay còn gọi là trạng thái nối liền với đạo quả) được gọi là nhanh chóng (Khippabhinnà) còn ngược lại là chậm chạp (Dandàbhinnà).

Trong kỳ luận đạo này, những câu nói của Ðại Ðức Sàrìputta ám chỉ đến sự đạt được quả vị A-la-hán của Ngài. Tuy nhiên khi nói đến ba đạo Thánh đầu tiên, vấn đề cắt nghĩa còn tùy theo các chú giải trong kinh điển. Nhất là để luận về câu "Tiến hóa dễ dàng, chậm chạp thì được hiểu biết trực tiếp".

Nhờ những cách đàm luận như thế, đôi bạn Sàrìputta và Mahà Moggallàna đã hiểu biết nhau và trao đổi cho nhau những kinh nghĩa, những nhận định về Pháp bảo. Họ cũng thường lui tới hội họp để tham dự những vấn đề bàn cãi giữa Tăng chúng.

Có một dịp khác, nhằm khi họ hợp tác với nhau trong việc thức tỉnh những vị Tỳ-khưu đã lầm lạc nghe theo lời xúi dại của ông Devadatta (Ðề Bà Ðạt Ða). Thái độ rất ý nghĩa của Ðại Ðức Sàrìputta là ngẫu nhiên khen ngợi một cách nhân từ những thật quả của ông Devadatta đã đạt được, khiến ông quá tự đắc với những thành công ấy mà lâm vào tình trạng chia rẽ Tăng chúng, gây một biến cố làm suy đồi Phật giáo ngay khi đức Thế Tôn còn tại tiền. Kết quả những Tỳ-khưu lầm lạc đã được tỉnh ngộ.

Căn cứ theo Cìlavagga, Sangha Bhedaka Khandhaka, Sanghabheda Kathà thì có một đoạn thuật lại rằng:

"Khi ấy đức Phật bảo Ðại Ðức Sàrìputta vào công bố trong thành Ràjagaha là tất cả những hành vi và ngôn ngữ của ông Devadatta sẽ không còn liên hệ vì không được đức Phật, đức Pháp và đức Tăng nhìn nhận nữa..."

Ðại Ðức Sàrìputta nói:

- Trước đây đệ tử đã từng tán dương vài khả năng tu tập của ông Devadatta bây giờ đệ tử tuyên bố ngược lại sợ rằng sẽ gây hoang mang trong dân chúng chăng?

Ðức Phật bèn dạy:

- "Này Sàrìputta. Khi ông ca ngợi khả năng của ông Devadatta, ông có nói một cách thực thà không?".

- Vâng. Bạch đức Thế Tôn.

- Thế thì bây giờ, này Sàrìputta. Ông cũng chỉ nói một sự thực về Devadatta (Ðề Bà Ðạt Ða) mà thôi.

Do đó, sau khi được Tăng chúng công cử Ðại Ðức Sàrìputta cùng vời một số Tỳ-khưu đã vào thành Ràjagaha (Vương Xá) truyền rao như lời Phật dạy.

Ông Devadatta khi đó đã công khai chia rẽ Tăng chúng bằng cách tuyên bố là ông có thể hướng dẫn mọi hoạt động của chư Tăng một cách riêng rẽ. Ông bèn dắt năm trăm vị Tỳ-khưu trẻ tuổi lên núi Linh Thứu (Ðỉnh núi có nhiều giống kênh kênh chuyên ăn xác người chết ở) lập đoàn thể riêng.

Ðể gọi họ trở về, đức Phật đã sai hai Ðại Ðức Sàrìputta và Mahà Moggallàna đến đó. Trong khi ông Devadatta đang an nghỉ thì hai vị Ðại đệ tử Phật này liền giảng giải cho các vị Tỳ-khưu lầm lạc ấy nghe về Pháp bảo khiến họ đắc quả Nhập Lưu (Tu Ðà Hườn) và đồng kéo nhau về với đức Bổn Sư.

Có một lần khác, khi Ðại Ðức Sàrìputta và Ðại Ðức Mahà Moggallàna đang cùng hợp tác hướng dẫn Tăng lữ thì khi đó có một số Tỳ-khưu do Ðại Ðức Assàji làm thầy (Không phải Trưởng lão Assàji đã nói trên) và Ðại Ðức Punabbasu đang ngụ tại Kìtagiri bỗng làm những điều đáng chê trách, mặc dù đã được các hàng huynh đệ khả kính khuyên nhủ nhiều lần, những vị Tỳ-khưu này vẫn không sửa đổi tư cách. Do đó hai Ðại Ðức Sàrìputta và Mahà Moggallàna lại được phái đi để phân xử. Hai vị tôn túc này đã phải dùng đức kiên nhẫn vô biên mới giải quyết được vấn đề. Kết quả những vị Tỳ-khưu phạm lỗi vào chịu nghiêm phạt đúng theo giới luật. Nhất là họ phải sám hối với nhau về tội công kích cá nhân lẫn công kích Tăng Già. (Theo Cùlavagga Kammakkhadhaka Pabbàjaniya Kamma Pàràjika Pàli Sanghàdisesa Kanda Kuladùsaka Sikkhàpada).

Thế nhưng chẳng có gì làm chia rẽ tình bằng hữu của Ðại Ðức Sàrìputta được. Và căn cứ theo chú giải của bộ kinh Mahàgosinga Sutta thì cũng có một sợi dây cảm mến sâu đậm giữa Ngài và Ðại Ðức Ànanda, người luôn luôn hầu cận đức Phật. Sở dĩ như thế là vì Ðại Ðức Sàrìputta nghĩ rằng "Phận sự chăm nom Bổn Sư là việc lẽ ra chính mình phải lo mỗi ngày. Còn sự cảm mến của Ðại Ðức Ànanda đối với Ðại Ðức Sàrìputta là bởi Ðại Ðức được đức Phật tuyên bố Ngài là một đệ tử ưu tú. Khi Ðại Ðức Ànanda (A Nan) làm lễ xuất gia bậc thấp (Sa Di) cho một người học trò trẻ. Ngài đã dẫn ông ấy đến Ðại Ðức Sàrìputta để thọ giới bậc cao (Tỳ-khưu). Ðại Ðức Sàrìputta đã hoan hỷ đáp ứng lời yêu cầu của Ðại Ðức Ànanda... Cứ như thế cả hai đã có tới năm trăm học trò chung.

Bất cứ khi nào Ðại Ðức Ànanda được y phục tốt hay những vật dụng tốt khác, Ngài thường đem biếu cho Ðại Ðức Sàrìputta, và ngược lại khi Ðại Ðức Sàrìputta có bất cứ những đồ dâng hiến đặc biệt nào phát sinh đến Ngài, Ngài cũng đem biếu lại Ðại Ðức Ànanda. Một lần nọ, Ðại Ðức Ànanda được một bộ y rất quí do một người Bà-la-môn dâng cúng. Sau khi được đức Phật cho phép Ngài đã giữ bộ y đó đến mười ngày, cho Ðại Ðức Sàrìputta trở về vì Ngài đang đi vắng. Trong Tiểu chú giải còn nói rằng:

"Các học giả Phật giáo sau này biết đâu sẽ chẳng bình phẩm: - Ðại Ðức Ànanda vì chưa đắc đạo quả A-la-hán nên cảm tình cá nhân vẫn còn nhưng Ðại Ðức Sàrìputta là một vị A-la-hán tại sao cũng có những hành động tương tự?".

Và Tiểu chú giải đã phân tích rõ:

"Sự kính mến của Ðại Ðức Sàrìputta nào phải giống như một tình cảm ràng buộc của người đời mà là một lòng thương do đức hạnh của Ðại Ðức Ànanda. Trong Phật giáo gọi là Ðức cảm (Guna bhatti)".

Có một lần đức Phật dạy Ðại Ðức Ànanda: "Này Ànanda! Trong hàng tứ chúng có rất nhiều người cảm mến Ðại Ðức Sàrìputta. Còn ông, ông có bằng lòng vị Sa-môn ấy không?".

Ðại Ðức Ànanda cung kính trả lời:

- "Bạch đức Thế Tôn! Dường như tất cả mọi người đều bằng lòng Ðại Ðức Sàrìputta, chỉ trừ những kẻ còn ấu trĩ, hư hỏng, ngu muội hoặc ở trong một tinh thần bại hoại. Bạch đức Thế Tôn! Ðại Ðức Sàrìputta là một vị toàn học, có một trí tuệ vô biên, bạch đức Thế Tôn! Trí tuệ ấy còn quảng bác, trong sáng, nhanh nhẹn, sắc bén và tiềm ẩn chẳng khác nào ánh sáng phản chiếu ra từ một tảng pha lê. Ðại Ðức Sàrìputta là một người ít đòi hỏi, tri túc, vắng lặng, không thích đông đảo và giàu nghị lực. Ngài còn có tài biện luận, có nghệ thuật nghe để thanh lọc và thu thập. Thật là một bậc luôn luôn chỉ lo tự kiểm soát để loại trừ những gì là tội lỗi (căn cứ theo kinh Devaputta. S. Susimasutta).

Trong kinh Thera Gàthà (N. V-1034) chúng ta thấy Ðại Ðức Ànanda diễn tả sự cảm mến của Ngài khi Ðại đức Sàrìputta lên đường về quê để tịch diệt. Ngài kêu lên:

- Khi người bạn cao thượng Sàrìputta đã ra đi cuộc đời này đối với tôi như chìm vào đêm tối.

Ngài cứ nhắc đi nhắc lại như thế phía sau: Ðoàn người tiễn biệt mà chân không buồn bước, đến nỗi họ và ngay cả Ðại Ðức Sàrìputta đã bỏ Ngài một khoảng rất xa. Sự mến tiếc đã làm cho những người xung quanh hầu như chỉ biết có Ngài. Nét ưu buồn của Ðại Ðức Ànanda khi Ðại Ðức Sàrìputta lên đường nhập diệt cũng được diễn tả rất cảm động trong kinh Cunda Sutta.

Ðại Ðức Sàrìputta là một người bạn thật, có ngôn ngữ rất trong sáng và đầy đủ. Ngài thông hiểu nhiều phương pháp để khai triển những cái đẹp, những cái cao thượng ở những người xung quanh. Và trong khi làm như thế Ngài đã không chần chờ, đôi khi còn tích cực một cách thẳng thắn xây dựng bất cứ ai có dịp thân cận với mình. Chính đức Bổn Sư cũng nói: "Chỉ có những người như vậy mới dám vạch rõ những lỗi lầm của bạn".

Nhờ vậy mà Ngài Sàrìputta đã từng giúp Ðại Ðức Anuruddha (A Nậu Lâu Ðà) bẻ gãy hết những chướng ngại sau cùng để tiến tới phẩm vị A-la-hán. Câu chuyện này được ghi lại trong kinh Tikanipàta số 128 thuộc bộ Anguttara Nikàya.

Kinh ấy thuật như sau:

"Có một lần nọ, Ðại Ðức Anuruddha đến gặp Ðại Ðức Sàrìputta. Sau khi chào hỏi và an tọa hợp lễ rồi, Ngài bèn hỏi Ðại Ðức Sàrìputta:

- Này đạo huynh Sàrìputta. Với đôi mắt tinh tường nhờ thanh tịnh, với một sự nhận xét không còn phàm tình, tôi có thể nhìn thấy giòng đời muôn mặt. Sự vững chắc và nghị lực của tôi thật là bất tuyệt. Tôi lúc nào cũng ghi nhớ và không bị nhầm lẫn. Thể xác yên tịnh và không bị xáo trộn. Tâm trí của tôi được tập trung vào một điểm (đề mục). Thế mà thần thức tôi dường như không được thoát khỏi những nguyên nhân bại hoại, nhất là không được tự do lạc trụ, ngược lại còn bị vướng mắc.

Ðại Ðức Sàrìputta trả lời:

- "Này Ngài Anuruddha. Chính vì Ngài đã nghĩ như vậy về đôi mắt tinh tường, về sự nhận xét thoát tục, về trình độ vững chắc, về trạng thái không nhầm lẫn của mình v.v... mà Ngài tự động dính mắc. Ðó là pháp ngã mạn còn ẩn phá trong Ngài. Rồi Ngài càng biết rằng mình đang có những khả năng ấy mà vẫn không được tự tại là Ngài càng thắc mắc, và còn thắc mắc là không có tiến hóa. Sự tự phụ, một hình tướng của ngã mạn (Màna) và hoạt ý thắc mắc (Uddhacca) là hai trong ba chiếc xiềng (Samyojana) hằng đeo dính theo hành giả cho đến phẩm A-la-hán mới bị bẻ gãy.

- Này Ngài Anuruddha. Thực ra, đó là một điều tốt đẹp nếu Ngài từ bỏ những tư tưởng tự phụ này, ấy chính là Ngài đang vững tiến trên con đường giải thoát.

Sau đó Ðại Ðức Anuruddha đã xa lìa ba trạng thái chướng ngại ấy, chẳng màng nghĩ đến chúng nữa và Ngài đã thấy được yếu tố bất tử. Từ ấy, Ðại Ðức Anuruddha tìm sống riêng rẽ tách rời khỏi mọi sinh hoạt bận rộn, chăm chú hăng hái với một tư tưởng quyết định: "Trước khi đạt được đời sống thực sự này, Ngài phải hiểu và kinh nghiệm được nó. Ðối với Ngài mục tiêu cao nhất là kiếp sống cao thượng đó". Là thể hiện đầy đủ ý nghĩa: "Những đứa con trọn đời đi khỏi gia đình để góp mặt vào một đại gia đình". Ngài lại còn biết rằng: "Còn lười biếng là còn tái sinh. Bất tử là phải vĩnh cửu. Giải thoát là không còn dính mắc vào bất cứ cái gì nằm trong vòng sinh diệt này". Vì thế Ðại Ðức Anuruddha đã trở thành một trong những vị Thánh A-la-hán.

Ðại Ðức Sàrìputta đã gây quảng kiến cho đồng đạo và đã được khám phá ra nhiều thiện pháp mới lạ: Mỗi người có một bẩm tính trong khả năng tiến hóa. Những bẩm tính ấy có khi giống nhau, có khi khác nhau, có khi biến thành thiện pháp, có khi biến thành ác pháp. Theo kinh Mahà Gosinga Sutta thuộc Majjhima Nikàya số 32 thì một buổi chiều kia, khi các Trưởng lão Mahà Moggallàna, Mahà Kassapa, Ngài Anuruddha, Ngài Revata và Ngài Ànanda đồng đến Ðại Ðức Sàrìputta để nghe pháp. Ðại Ðức Sàrìputta đã tiếp họ và nói:

- Thật hân hạnh cho rừng cây Sàlagosinga này. Ðêm nay có trăng. Tất cả những cây Sàla trổ đầy hoa và tỏa hương thơm như mùi hương từ cung trời bay xuống, thoang thoảng đâu đây. Này đạo huynh Ànanda! Theo Ngài thì vị nào sẽ làm cho rừng Sàla Gosinga này rực rỡ hơn lên?

Cùng câu hỏi đó, Ngài cũng đem hỏi những vị kia, và mỗi vị đã trả lời khác nhau tùy theo cá tính của họ. Sau cùng Ðại Ðức Sàrìputta nói lên câu trả lời của riêng Ngài như sau:

- Chỉ có vị Tỳ-khưu nào đã kiểm soát được tư tưởng mình, không còn lệ thuộc dưới sự sai khiến của phóng tâm nữa. Bất cứ ý nghĩ nào có tính cách lâu bền và đạt được đạo quả mà Ngài hằng ao ước để nghiền ngẫm về buổi sáng, Ngài có thể suy gẫm đúng trong khoảng thời gian ấy. Bất cứ kiến thức nào có tính chất lâu bền hay đạt được quả vị mà Ngài hằng mong muốn để nuôi dưỡng chơn tâm vào buổi trưa Ngài cũng có thể gìn giữ được vào lúc đó. Và bất cứ nhận thức nào bền vững hữu đạt mà Ngài ưa thích để nhiếp giữ đề mục vào buổi tối, Ngài cũng có thể làm được trong thời gian đó.

Vì thế như một chiếc tủ đựng quần áo, đựng đồ trang sức của một ông vua hay một quan đại thần, dù có chứa đầy những loại phục sức nhiều màu sắc đi nữa, khi được sử dụng nhà vua hay một quan công thần sống có thứ tự cũng ăn mặc hợp thời, hợp cách theo từng mỗi khung cảnh, mỗi thời gian của nó. Những hạng vua chúa hay vương thần hằng giữ đúng phong ngoại của mình như thế thường được mọi người chiêm ngưỡng và có mãi vẻ uy nghi.

Với một Sa-môn, khi đã kiểm soát được tâm tính rồi, không còn bị lệ thuộc dưới sự thống trị của ái dục nữa, thì mọi hành vi, cử chỉ cũng điều độ như thế. Nghĩa là tâm nào phải bền vững, tâm nào tự phát sinh mọi biến chuyển được nhiếp nhận một cách thuần thục, thoải mái, không dư sót, đúng thời điểm chắc chắn.

- Này đạo huynh Moggallàna. Một Sa-môn như thế thì chỉ có Ngài, vị có thể ban cho khu rừng Sàla Gosinga này sự trong sáng đó.

Sau đó các Ngài cùng đến đức Phật bạch lại mọi việc. Và đức Thế Tôn đã tán dương đồng ý hết thảy những lời đàm luận của họ.

Ngài còn tiếp:

- Các ông có thể nhận thấy trong lời nói của ông Sàrìputta: Với tất cả sức thông minh và địa vị của ông trong hàng Tăng lữ. Ông đã dẹp bỏ được những khuôn mẫu độc tôn của kẻ thường cố gắng đặt kiến thức của mình lên trên những kẻ khác. Làm thế nào mà ông đã hiểu một cách dễ dàng phương pháp tiêm nhiễm những ý thức riêng của ông vào những bậc đồng đạo trong một nghệ thuật tự nhiên và huyền dịu đem đến cho họ một sự thấm nhuần lồng trong một khung cảnh vui tươi như vậy.

- Ðây quả thực là bản thức của ông đã phản ảnh ra, và đã lôi cuốn những người đồng đạo với ông hưởng ứng để đối đáp một cách tương tự.

Ngoài các vị Ðại Ðức vừa kể trên ra, Ðại Ðức Sàrìputta còn luận đạo với những vị Tôn giả khác nữa. Chẳng hạn như các Ngài Kotthita, Upavàna, Samiddhi, Savittha, Bhùmija và một số vị nữa.

Riêng đức Phật, theo kinh điển chúng ta thấy Ngài rất thường đích thân nói chuyện với Ðại Ðức Sàrìputta. Và ngược lại có khá nhiều bài pháp mà đức Bổn Sư thuyết cho những đệ tử thông luật của Ngài nghe, đã được Ðại Ðức Sàrìputta dùng làm đề tài để học hỏi...

Có một lần, Ðại Ðức Sàrìputta đã lập lại những lời dạy mà đức Phật thuyết cho Ngài Ànanda nghe vào một dịp nọ: "Những đối xử làm cho đời sống trong sạch (Brahmacariyà) gọi là tình bằng hữu, tình đồng đạo và tình đoàn thể cao đẹp" (theo Kinh Magga SAMYUTTA Khandha -No. 2).

Không có gì hoàn hảo hơn là những thí dụ cắt nghĩa về giáo lý mà chính một Ðại đệ tử của một bậc Tôn Sư đã thể hiện được.

MỘT KẺ ÐỠ ÐẦU TĂNG LỮ

Sự nổi bật của Ðại Ðức Sàrìputta trong hàng môn đồ của đức Phật là đức tính chăm lo giúp đỡ những vị khác. Chúng ta tìm thấy thuật sự này trong kinh Devadaha Sutta:

"Những vị khách Tăng khi sắp trở về chốn cũ của họ, đến từ giã đức Phật, Ngài thường khuyên các Tỳ-khưu ấy đến chia tay với Ðại Ðức Sàrìputta. Phật bảo:

- Này các đệ tử! Sa-môn Sàrìputta thật không những là một người thông thái hằng giúp đỡ huynh đệ trên phương diện tinh thần, mà ông còn có khả năng cung ứng những nhu cầu vật chất cho đồng đạo nữa". (Kinh gọi hai sự giúp đỡ đó là Àmisànuggaha: Vật dụng và Dhammà nuggaha: Pháp dụng).

Chú giải còn nói: Vị Trưởng lão này không đi khất thực trong lúc sáng sớm như những vị Tỳ-khưu khác. Thay vì thế, khi các vị đã đi rồi, Ngài bèn thả bước xung quanh tịnh xá. Và bất cứ ở đâu nếu Ngài tìm thấy đồ đạc không thu xếp, chỗ ngụ không sạch sẽ, Ngài liền dọn dẹp quét hốt mọi rác rưới, và sửa soạn ngay cả giường chiếu, bàn ghế, chén bát, bình nước, thứ tự và sẵn sàng để cho những vị kia đi về sẽ dùng. Ngài làm như thế, ngoài đức tính chăm sóc chư Tăng, còn nghĩ rằng: "Những đạo sĩ khác, không phải người trong Phật giáo khi viếng thăm tịnh xá, có thể thấy được sự vô trật tự rồi chỉ trích chư Tỳ-khưu hoặc coi rẻ Tăng chúng".

Sau đó Ngài thường đi đến bệnh xá và an ủi những bệnh nhân bằng cách tìm hiểu xem họ cần những gì. Ðể đáp ứng các nhu cầu của họ, Ngài đã dắt các vị Sa Di cùng đi với Ngài để tìm thuốc men dưới hình thức đi khất thực như thường lệ. Hay Ngài dẫn họ đến những nơi thích hợp (tức thí chủ đã yêu cầu Ngài trước) để kêu gọi thuốc men. Khi đã được thuốc, Ngài bèn giao lại cho các vị Sa Di và bảo:

- Này các ông! Chăm sóc cho những người bệnh là một điều mà đức Bổn Sư hằng khen ngợi. Bây giờ các ông hãy trở về và phải luôn luôn làm việc hết lòng.

Rồi Ngài tiếp tục khất thực hoặc đến dùng bữa tại một nhà thí chủ. Ðây là một thói quen của Ngài trong khi ở chung với cộng đồng Tăng chúng.

Nhưng khi Ngài có một cuộc hành trình cùng với đức Thế Tôn, Ngài thường không đi chung với những vị dẫn đầu, hay không tỏ ra kiểu cách cho người ta biết Ngài là một Ðại đệ tử. Trái lại Ngài chỉ giao y bát cho các vị Sa Di mang hộ, rồi đích thân trước tiên chăm sóc những Tăng sĩ già yếu, thứ đến là những vị không được khỏe mạnh và những vị mới xuất gia hay những đệ tử mới bước chân vào đường đạo. Trong nhiều trường hợp Ngài phải ở cạnh họ trong nhiều giờ, tự tay thoa bóp vào những chỗ đau đớn trên thân thể bệnh nhân và phân lượng thuốc uống cho từng người một. Chỉ khi nào Ngài thấy họ thuyên giảm Ngài mới từ giã đi săn sóc chỗ khác.

Có một lần, khi cũng vì những lý do như vậy mà Ðại Ðức Sàrìputta đã đến nơi rất trễ, lúc đó những vị kia đã ngơi nghỉ. Ngài không tìm được một chỗ vừa phải để nghỉ lưng qua một đêm. Ngài phải ngồi dưới một mái lều làm bằng những lá y. đức Bổn Sư rõ như vậy, nên ngày hôm sau Ngài triệu tập Tăng Chúng và thuật cho họ nghe câu chuyện đối xử của một con voi, một con lừa và một con chim đa đa. Phật kể: "Ba con thú này cảm thấy muốn được an ninh phải sống nương dựa lẫn nhau. Chúng quyết định tôn một con lên làm anh cả để tạo trật tự rồi từ đó sống chung hòa thuận: nhỏ kính lớn, lớn thương nhỏ" (Truyện số 67, ghi trong Tittira Jàtaka).

Sau đó đức Phật chế ra điều luật rằng: "Chỗ nghỉ ngơi phải được sắp đặt theo thứ bậc". (Theo Vinaya Cùlavagga, Senàsanà Khandhaka).

Còn về việc tiếp độ các hàng Tăng lữ trên phương diện tinh thần, Ðại Ðức Sàrìputta cũng tích cực không kém. Căn cứ Kinh Thera Gathà và chú giải thì khi Ngài đến thăm ông Samittigutta, người đang bịnh cùi hoành hành trong một bịnh xá, Ngài đã thân mật giảng cho ông Samittigutta nghe rằng:

- Này bạn! Ðã lâu lắm rồi, pháp tập hợp (Khandha) hằng tiếp diễn. Và cảm nghĩ chỉ là sự đau khổ. Chỉ khi nào Ngũ uẩn không còn hoạt động liên tục nữa thì sẽ dứt khổ.

Khi nghe xong những lời này, sự quán tưởng về những cảm nghĩ đã trở thành một đề mục cho bịnh nhân. Lúc Ðại Ðức Sàrìputta đi rồi, ông Samittigutta theo những lời chỉ dạy của Ngài đã phát triển được nội thức và đạt tới Lục thông (Chalabhinnà) của một bậc A-la-hán (theo Thera Gathà.).

Lần khác khi ông Anàthapiịđika (Cấp Cô Ðộc) đang hấp hối nằm trên giường bịnh thì Ðại Ðức Sàrìputta đã cùng với Ðại Ðức Ànanda tới thăm, Ngài đã thuyết vào tai cho người sắp chết một phần pháp nói về sự ra đi không dính mắc, và ông bá hộ Anàthapiịđika đã thức tỉnh do bài pháp thâm thúy này (trong Majjhima Nikàya, Số 143.).

Có một bài pháp khác cũng do Ngài Sàrìputta thuyết cho ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc) nghe khi ông này ở trong giường bịnh đã được ghi lại trong kinh Sotàpatti SAMYUTTA, đoạn III câu số 6 như sau:

"Những động lực đưa đến sự tái sinh trong trạng thái thống khổ là ba gốc chướng ngại, năm sợi dây thằng thúc, và mười điều bất thiện".

Pháp này được thấm nhuần khi ông Anàthapiịđika đang bước vào trong lãnh vực Thánh Lưu nên sự đau đớn thể xác không còn lung lạc ông ta được nữa. Kết quả ông đã thấy rõ bốn uẩn như không và bốn Quả, bốn Ðạo không còn dư sót.

Lại một lần đức Trưởng lão Channa đang ngã bịnh, bị một nỗi đau đớn vô biên. Ðại Ðức Sàrìputta đến thăm Ngài, cùng đi với Trưởng lão Mahà Cunda. Khi trông thấy vị Sa-môn bị bịnh hoạn dày vò, Ðại Ðức Sàrìputta lập tức tình nguyện đi tìm thuốc men và vật thực thích hợp cho Ngài. Nhưng Trưởng lão Channa vội cho biết Ngài quyết định chấm dứt cuộc đời. Nên sau khi họ đã đi rồi Ngài liền nhập diệt.

Kế đó đức Phật đã giảng giải về hành động của Trưởng lão Channa. Ngài xác nhận đó không phải là một điều quyết định sai lầm vì Trưởng lão Channa đã đắc A-la-hán trước khi dứt khoát an nghỉ.

Nghệ thuật tiếp độ của Ðại Ðức có thể tìm thấy trong kinh Channovàda Sutta thuộc bộ Majjhima Nikàya số 144. Ðoạn ấy nói rõ:

"Bất cứ khi nào Ðại Ðức Sàrìputta làm bổn phận đạo sư đến những người sắp trút hơi thở cuối cùng, Ngài cũng luôn luôn tỏ ra là một người kiên nhẫn phi thường. Ngài cứ khuyên nhủ và khai ngộ dồn dập cả đến trăm ngàn lần, cho đến khi nào bịnh nhân phát khởi thiện tâm Ngài mới an lòng chấm dứt.

Nghệ thuật ấy cũng được Ðại Ðức Sàrìputta áp dụng để dạy dỗ học trò. Bất cứ người nào mới bước chân vào đạo mà được Ðại Ðức Sàrìputta hướng dẫn, Ngài cũng đều làm cho người ấy đắc quả Nhập Lưu (Tu Ðà Hườn), sau đó Ngài mới chịu thả lỏng để đi dạy dỗ các vị khác.

Số Tăng lữ dưới sự dạy dỗ của Ngài nhờ thu thập được giai đoạn căn bản vững chắc ấy đã tiếp tục thực hành đến lúc đạt được quả vị A-la-hán nhiều vô số kể".

Trong kinh Sacca Vibhanga Sutta thuộc bộ Majjhima Nikàya số 141, đức Phật đã nói:

"Ðại Ðức Sàrìputta như một người mẹ nuôi nấng các con, trong khi Ðại Ðức Mahà Moggallàna như là một người vú hằng nâng niu các con. Ðại Ðức Sàrìputta hướng dẫn cho đến quả Nhập Lưu còn Ðại Ðức Mahà Moggallàna thì nâng đỡ hành giả đến mục tiêu cao nhất".

Ðể bổ túc về nghệ thuật dẫn đạo của Ðại Ðức Sàrìputta, Chú giải còn nói thêm:

"Ðiểm đặc biệt của Ðại Ðức Sàrìputta là không phân biệt học trò mình hay học trò người. Hễ ai chịu sự dạy dỗ của Ngài, Ngài luôn luôn hướng dẫn bằng tất cả sự sốt sắng, luôn luôn giúp đỡ trên mọi phương diện vật chất lẫn tinh thần nhất là chọn cho họ đề mục Thiền Ðịnh cùng thường xuyên khai triển trí thông minh của họ, cho đến khi nào họ thấu triệt được Thánh Lưu và tiến lên khỏi sự nguy hiểm của dục trần thấp thỏi. Khi nào Ðại Ðức Sàrìputta tách rời học trò khi ấy Ngài biết chắc rằng: "Giờ đây, với sức trưởng thành của họ, họ có thể tự tiến hóa để nhường tay cho những vị cần hướng dẫn khác".

Nhưng Ðại Ðức Mahà Moggallàna thì khác. Ngài cũng huấn luyện học trò cùng phương pháp như vậy, nhưng Ngài không thả lỏng họ, dù cho họ có vững chắc trong giai đoạn đầu. Ðại Ðức Mahà Moggallàna có vững chắc trong giai đoạn đầu. Ðại đức Mahà Moggallàna có một đức thận trọng vô song, Ngài quan niệm như một lần Phật đã thuyết:

"Chỉ một mầm móng vi tế của tội lỗi còn ngấm ngầm trong tâm, Như Lai cũng không khen ngợi. Dù cho hành giả có được pháp Hữu tịnh trong một thời gian nào đó đi nữa mà gốc rễ của tội lỗi vẫn còn thì pháp Hữu tịnh ấy có thể tan biến dễ dàng như một cái búng ngón tay".

Nhắc đến nghệ thuật huấn đạo của Ðại Ðức Mahà Moggallàna khác với Ðại Ðức Sàrìputta như vậy không có nghĩa là nói rằng phương pháp của Ngài Mahà Moggallàna tỏ ra chắc chắn hơn phương pháp của Ðại Ðức Sàrìputta, mà chỉ có thể chứng minh tại sao hai vị đã theo đức Phật cùng một lần, mà về sau học trò của Ðại Ðức Sàrìputta lại nhiều hơn học trò của Ðại Ðức Mahà Moggallàna.

Mặt khác, Chú giải ghi lại những lần Ðại Ðức Sàrìputta đã dắt dẫn nhiều huynh đệ đạt đến đạo quả A-la-hán không phải là ít.

Chẳng hạn như có một đoạn nói: "Vào lúc ấy có chư Tỳ-khưu trong giai đoạn huấn luyện tâm thức bậc cao (Sekhà) thường đến gần Ðại Ðức Sàrìputta để nhờ chọn đề mục Thiền Ðịnh. Trong số đó có Sa-môn Trưởng lão tên Lakuntika Bhaddiya đã đắc được quả A-la-hán nhờ sự hỗ trợ của Ðại Ðức Sàrìputta" (Theo Kinh Udana VII-1).

Với những đóng góp như vậy, Ðại Ðức Sàrìputta đã có công trong việc phát triển Pháp Bảo rất nhiều. Ngài là một bậc lãnh đạo vĩ đại của Tăng Già, và là một tấm gương sáng trong hàng Tứ chúng. Những bài học mà Ngài đã lưu lại cho ta sau này không những chỉ bén nhọn và cho ta sau này không những chỉ bén nhọn và sáng tỏ, thức tỉnh được tâm tánh của con người mà còn là một sự lợi ích thiết thực, trong đó cái tên Sàrìputta giống như một bàn tay nâng niu, một bóng mát vĩ đại cho những ai ngưỡng mộ muốn bước theo dấu chân của Ngài.

Lại nữa, trong kinh còn ghi nhận những tiểu tiết về cách thưởng thức Pháp bảo của Ðại Ðức Sàrìputta trước những Sa-môn mà Ngài chưa có dịp thân cận. Chẳng hạn như chuyện Ngài Punna Mantàniputta, một Cao Tăng mà Ðại Ðức Sàrìputta chỉ nghe danh chứ chưa được làm quen. Khi hay tin Trưởng lão này muốn đến thăm, Ngài đã vui vẻ tiếp đón và chăm chú thưởng thức một bài pháp của vị khách Tăng một cách kính phục khi bài pháp chấm dứt, Ngài đã vô cùng khen ngợi (theo Trung A Hàm ( Majjhima Nikàya) số 24.).

Sự làm chủ được thể xác cũng như đối với những nhu cầu tinh thần của chư Tỳ-khưu dưới sự đảm trách của Ngài. Ngài đã không kềm chế họ bằng những lời quở dạy hiền từ, và làm cho họ trở nên quả cảm bởi sự khen ngợi về những cố gắng xứng đáng, hướng dẫn họ trên con đường tiến hóa, cùng chỉ cho họ tất cả những gì mà họ cần làm để xứng đáng là đệ tử của Phật. Những gì Ngài nói ra tự Ngài đã thực hành được. Ðó là mãnh lực lôi kéo và làm biểu lộ những đức tánh tốt nhất của các hàng học trò.

Ðại Ðức Sàrìputta đã hòa hợp những phẩm tính của một ông thầy hoàn toàn với đức hạnh của một người bạn trọn vẹn. Ngài như một ánh đèn, vừa là một vật dụng hằng ngày, cần thiết của Giáo Hội Tăng Già vào thời đức Phật.

Vị đã được trọn đủ những đức tánh của một kiếp sống đầy phẩm Thánh của chính mình nên Ngài rất tinh tường trong khi nhận thấy giới đức nơi những vị khác. Ngài là chuyên viên để phát triển nó trong những ai đang ngấm ngầm chứa đựng nó. Và trong số những người ca ngợi khi giới đức của một vị nào bộc lộ ra ngoài như một cánh hoa đến kỳ khai nở thì Ngài là người đầu tiên làm việc đó. Sự ca ngợi của Ngài là một sức mạnh che chở cho đóa hoa tiếp tục nở rộ, chứ không phải gây kinh động cho nó dừng lại ở đó. Ðức tính hoàn toàn riêng biệt này của Ngài không phải vô tình hay giả tạo, mà là một sự hòa hợp súc tích bên trong, về sự tán dương tinh thần với những phẩm tính tốt nhất và huyền dịu nhất của một Thánh nhân.

-ooOoo-

 Ðầu trangMục lục | 1 | 2a | 2b | 2c | 3 | 4 | 5


Chân thành cám ơn Ðại đức Giác Ðồng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 04-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 07-04-2001