Niem an duc Phat - 00

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


NIỆM ÂN ÐỨC PHẬT

Susanta Nguyễn
Montreal, Quebec, 2002


LỜI TỰA

Tâm nguyện viết tập sách nầy thành hình trong những ngày đầu xuân năm 2002 khi chúng tôi đến chùa Bát Nhã ở Montreal nghe Ðại đức Upatissa giảng về Chín Ân Ðức Phật. Ðây là những bài giảng nằm trong loạt hàng chục bài giảng pháp rất hệ thống và chặt chẽ của Ðại đức về Pháp Thanh Tịnh Tâm.

Là Phật tử, khi lễ Phật ở nhà hoặc ở chùa, chúng tôi đều tụng đọc chín ân đức của Phật. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi xúc động như khi nghe những lời giảng sâu sắc, súc tích, và đầy oai lực của Ðại đức Upatissa về ân đức của Phật. Chúng tôi cảm thấy mình quá nhỏ nhoi như một hạt cát trong sa mạc mênh mông, một giọt nước trong đại dương bao la, trước những ân đức vi diệu và bao la của Ðức Phật. Và từ đó, chín ân đức Phật không còn chỉ thuần là những lời đọc tụng trong khi hành lễ. Ân đức Phật đã đi sâu vào lòng chúng tôi và khắc ghi một hình ảnh vô cùng trong sáng, sinh động, và tuyệt đẹp về Ðức Phật. Mỗi lần hiện lên trong tâm, hình ảnh tràn đầy lòng từ bi và trí tuệ siêu việt của Ðức Thế Tôn luôn khơi dậy trong chúng tôi một nguồn sống mới, nhắc nhở và khuyến khích chúng tôi hãy cố gắng tinh tấn tu tập và tiến bước trên con đường giải thoát.

Với niềm hạnh phúc được sống trong ân đức bao la của Ðức Phật, chúng tôi phát tâm biên soạn một tập sách có hệ thống và hoàn chỉnh về ân đức Phật. Tập sách nầy có ba mục đích. Thứ nhất là để giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về nội dung ân đức Phật mà khuôn khổ những bài giảng pháp ở chùa không cho phép. Chúng tôi hy vọng là những hiểu biết nầy sẽ giúp chúng tôi nhiều hơn nữa trong việc tu tập. Thứ hai là để chia sẻ kiến thức về ân đức Phật mà chúng tôi nghĩ là vô cùng quý báu với các thiện tri thức hữu duyên. Thứ ba là để đền đáp phần nào công ơn của Ðức Phật, các bậc thầy và thiện tri thức đã hướng dẫn và giúp đỡ chúng tôi trên đường tu học.

Về học thuật, tập sách nầy không phải là một công trình nghiên cứu sáng tạo mới mẻ về ân đức Phật. Nó là một tập sách hướng dẫn tu tập, chủ yếu góp nhặt, ghi chép lại, và tổng kết những hiểu biết và kinh nghiệm tu tập của các bậc đại đức chuyên về pháp môn niệm ân đức Phật. Là người mới chập chững đi vào đạo, hiểu biết về pháp học và kinh nghiệm pháp hành của chúng tôi là ở trình độ vở lòng. Chúng tôi rất mong được các bậc đại đức và thiện tri thức góp ý về những thiếu sót và sai lầm của tập sách nầy để tập sách có chất lượng tốt hơn và qua đó, có thể giúp chúng tôi tu tập tốt hơn. Ðặc biệt, chúng tôi cám ơn Ðại đức Upatissa, Ðại Ðức Khánh Hỷ, Chị PannaNgọc Thành, anh Lương Châu Phước đã giúp đỡ tài liệu để chúng tôi hoàn thành tập sách nầy.

Nguyện cầu cho tất cả chúng sanh được an vui và hạnh phúc.

Susanta Nguyễn

-ooOoo-

NIỆM ÂN ÐỨC PHẬT

Namo tassa Bhavagato Arahato Sammasambuddhassa
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn, bậc A la hán, bậc Chánh Ðẳng Giác

Là Phật tử, khi lễ Phật ở chùa hay ở nhà, chúng ta thường niệm 9 ân đức Phật. Ðó là Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế tôn [i]. Trong truyền thống Phật giáo nguyên thủy, niệm 9 ân đức Phật là một trong những cách hữu hiệu nhất giúp hành giả định tâm trước đi vào thiền minh sát. Ðối với tất cả Phật tử nói chung, niệm 9 ân đức của Phật là một trong những cách niệm Phật có nội dung nhất. Mỗi lần niệm ân đức Phật, sự hiểu biết về Ðức Phật, lòng thành kính, thương quý, tin tưởng, biết ơn, khiêm hạ, và tâm nguyện đi theo con đường của Ðức Phật được nhắc nhở, khơi dậy, củng cố, và tăng trưởng trong tâm chúng ta. Những tâm sở thiện nầy chính là nguồn sức mạnh tâm linh giúp chúng ta tinh tấn và kiên trì tiến bước trên đường tu tập giải thoát.

Trong tiếng Pali, Ân đức Phật là Buddha Guna. Niệm ân đức Phật là Buddha-nussati. "Anu" có nghĩa là lặp đi lặp lại. "Sati" có nghĩa là niệm. Buddha-nussati có nghĩa là niệm nhiều lần và quán tưởng sâu sắc về các ân đức của Phật. Mỗi ân đức Phật có 2 ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất có tính trừu tượng. Nó hàm ý về những trạng thái tâm sinh khởi trong tâm thức của Ðức Phật. Ý nghĩa thứ hai có tính cụ thể. Nó nói về quá trình vận hành liên tục của ngũ uẩn xảy ra cùng lúc với những trạng thái tâm kể trên[ii].

Như chúng ta biết, pháp hành thiền chỉ (Samatha) trong đạo Phật có tất cả 40 đề mục. Trong đó có 4 đề mục cơ bản cho tất cả thiền sinh tiến hành thiền chỉ và thiền minh sát (Vipassana):

1. Ðề mục niệm ân đức Phật giúp hành giả tăng trưởng đức tin trong sạch nơi Tam Bảo.

2. Ðề mục bất tịnh giúp hành giả nhàm chán thân ô trược và tiến đến diệt trừ tâm tham ái.

3. Ðề mục niệm sự chết giúp hành giả không dễ duôi, cố gắng tinh tấn tiến hành thiền chỉ và thiền minh sát.

4. Ðề mục niệm rải tâm từ giúp hành giả tâm được an lạc, diệt tâm sân hận, nóng giận khó chịu, đồng thời làm cho tất cả mọi chúng sinh cũng được an lạc dễ chịu, thương quý lẫn nhau, không làm cản trở việc tu tập của hành giả.

Trong 4 đề mục nầy, Ân đức Phật là đề mục hàng đầu của các pháp hành thiền chỉ và thiền minh sát.[iii]

Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn-- Chín ân đức nầy chỉ có nơi Ðức Phật. Ngoài Ðức Phật ra, không có một Sa môn, Bà la môn, Chư thiên, Phạm thiên nào có thể có đủ những ân đức nầy. Chín ân đức nầy không phải do nhân vật nào trong cõi trời và người tự ý xưng tán để diễn tả lòng kính phục và biết ơn của họ đối với Phật. Chín ân đức nầy tự phát khởi lên đến chư Phật quá khứ, hiện tại, và vị lai cùng lúc với Trí tuệ hoàn toàn sáng suốt thông hiểu các pháp không dư sót (Sabbannutanana) khi Ngài vừa thành đạo dưới cội bồ đề. Chín danh hiệu nầy đã được Ðức Phật khẳng định là danh hiệu của Ngài khi Ngài giảng pháp cho chư thiên và loài người. Ðiêàu này đã được chính thức ghi chép lại trong các kinh điển đạo Phật.

Tập sách nhỏ nầy gồm hai phần. Phần I viết về Nội dung 9 ân đức Phật. Phần II viết về Ba cách niệm ân đức Phật và Lợi ích của việc niệm ân đức Phật.

-ooOoo-


[i] Có sách ghi là 10 ân đức bằng cách tách Vô thượng sĩ và Ðiều ngự trượng phu ra làm 2 (Kinh Nhật Tụng của Cư Sĩ, Chùa Kỳ Viên, Washington, D.C. trang 11) hoặc bõ ân đức Vô thượng sĩ và thêm ân đức Như lai (HT Thích Thanh Từ, trích từ Những cánh hoa đàm). Có sách ghi 11 ân đức bằng cách tách Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu ra làm hai, và thêm ân đức Như lai (Từ điển Phật học hán Việt, 1994). Ông Ðoàn Trung Còn (Tự Ðiển Phật Học) gộp Vô thượng sĩ và Ðiều ngự trượng phu thành một nhưng giữ danh hiệu Như Lai. Kinh Ðại Biết bàn - Hán tạng, tập 1, trang 585, Phẩm Phạm hạnh, HT Trí Trịnh dịch, 1996, gộp Phật và Thế Tôn thành một. 9 ân đức của Phật thường thấy trong nhiều kinh điển Phật giáo như Trường Bộ, quyển 1, Kinh Ðại Niết bàn, trang 573- 574, HT Minh Châu dịch, 1991. Tăng Chi Bộ, quyển 4, trang 252 và trang 489, HT Minh Châu dịch, 1994. (Chú thích nầy phỏng theo và có bổ sung chú thích của Bình Anson trong bài "Mười danh hiệu của Phật". Xin xem Website BuddhaSasana, www.budsas.org) .

[ii] Mingun Sayadaw. The Great Chronicles of Buddhas. Tập 6. Ti-Ni Publishing Center, Yagoon, Myanmar, 1997. Trang 369.

[iii] Ðaị đức Hộ Pháp. Tìm hiểu pháp môn niệm Phật. NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 2002. trang 1

-ooOoo-

Ðầu trang | 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 01-2004)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 18-01-2004