BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


TẠNG VI DIỆU PHÁP
(Abhidhamma Pitaka)

DIỆU PHÁP LÝ HỢP
(Abhidhammatthasangaha)

Hòa thượng Tịnh Sự soạn dịch
Mùa An cư năm Mậu Thân
DL 1968 - PL 2511


Phẩm Thứ Nhất
(Phẩm Tâm Vương)

1) Cuối đầu làm lễ Phật Đà
Lạy ngôi Pháp Bảo luôn và Thánh Tăng
Tôi xin bày tỏ luận phần
Diệu Pháp Lý hợp sẽ phân nhiệm mầu.


2) Bốn Pháp Siêu lý cao sâu
Tính theo tóm tắt ban đầu Tâm Vương
Tâm Sở Sắc Pháp còn nương
Níp Bàn vô thượng là phương tuyệt đoàn.


3) Mười hai Bất Thiện sẽ toan
Tâm Tham có tám chứa chan theo phần
Tâm Sân hai thứ khó dằn
Tâm Si một cặp cộng bằng mười hai.


4) Vô Nhân mười tám chẳng sai
Quả Bất Thiện bảy, quả Lành tám Tâm
Tâm Hạnh ba thứ đồng lâm
Cộng chung mười tám chẳng cầm nổi nhơn.


5) Trừ trên ba chục gọn trơn
Năm mươi lẻ chín hẹp đơn dón phần
Rộng thời chín chục một tăng
Là Tâm Tịnh Hảo xét phân biết rành.


6) Tính theo Thọ, Trí trợ lành
Dục Giới Tịnh Hảo kể thành hăm tư
Đại Thiện có tám chẳng dư
Đại Quả, Đại Hạnh đều như tám lòng.


7) Dục Giới mười một cõi trong
Năm mươi lẻ bốn tánh mong dục nhiều
Nhị thập: Thiện, Bất Thiện nêu;
Mười một Giống Hạnh; quả nhiều hăm ba.


8) Những Tâm Sắc giới như là
Tính theo Thiền Định thời mà năm Tâm
Chia phân thiện, quả chớ lầm
Với cùng Giống Hạnh kể nhằm mười lăm.


9) Cõi Vô Sắc Giới những Tâm
Bốn Thiện, bốn quả hiệp lâm cộng cùng
Giống Hạnh bốn thứ kể chung
Thành mười hai thứ hoành tung vô hình.


10) Bốn Tâm Thánh Đạo nhơn linh
Quả màu cũng bốn phát minh Thánh Đoàn
Cộng chung tám bậc tính toán
Đó là Xuất Thế, Níp Bàn cảnh qui.


11) Lấy trên chia gống bốn chi
Mười hai bất Thiện, Thiện thì hăm dư
Tâm quả ba chục sáu cư
Giống Hạnh hằng số hai mươi đủ tròn.


12) Dục Giới năm chục bốn son
Mười lăm Sắc Giới nước non y phần
Mười hai Vô Sắc thường năng
Xuất thế có tám cận thân Níp Bàn.


13) Tâm Vương hẹp rộng hai đàng
Hẹp thời tám chục lại tràn chín dư
Rộng thời trăm với hai mươi
Lại thêm lẻ một, cả chư Thánh Thoàn.


14) Rộng theo Thiền Định phân ban
Mỗi tâm Xuất Thế thiền thang năm từng
Năm lần cái tám là chừng
Nhơn rồi cộng lại số ngừng bốn mươi.


15) Tính theo Sắc Giới chẳng dư
Sơ Thiền tới Ngũ sắp như của phàm
Tâm Vô Sắc Giới đã hàm
Khép vào Thiền Ngũ kể làm thứ năm.


16) Vậy nên mới đếm tới hăm
Và ba số lẻ cao thâm Ngũ Thiền
Sơ, nhị, tam tứ mỗi riêng
Điều là mười một rộng tuyên số nầy


17) Tính theo bốn giống đủ đầy
Ba mươi lẻ bảy Thiện gây nhơn lành
Năm mươi hai lẻ Quả rành
Hai mươi Giống Hạnh chẳng lành mười hai.


Tâm Vương lượt tỏ gọn thay
Diệu Pháp Lý Hợp nghĩa này Pa-li
Đây là phẩm Nhứt sơ chi
Phân bày mười bảy kệ thì nghĩa suông.


Phẩm Thứ Hai
(Tâm Sở Phối Hợp và Tâm Vương hợp
đồng)

1) Pháp chi phụ thuộc Tâm Vương
Đồng sanh, đồng diệt, đồng căn, cảnh đồng
Năm mươi hai lẻ Pháp Tông
Ấy là Tâm Sở bởi vòng tứ chung.


2) Nêu danh tùy trạng lập dùng
Mười ba Vô Ký, chẳng lành mười tư
Hai lăm Tịnh Hảo chẳng dư
Ba phần hiệp lại đủ như số kìa.


3) Sau đây bày tỏ hiệp chia
Tâm Sở Phối Hợp đem về Tâm Vương
Ở nhiều, ở ít tùy phương
Năm mươi hai lẻ, chung đường hoặc riêng.


4) Biến Hành bảy thứ khắp liên
Biệt Cảnh sáu thứ tùy duyên hiệp vào
Mười bốn Bất Thiện hiệp nhau
Hai lăm Tịnh Hảo tương giao ít rời.


5) Biệt Cảnh thứ lớp chừa nơi
Sáu mươi lẻ sáu, năm mười lẻ năm
Mười một, mười sáu phân nhầm
Bảy mươi, hai chục là Tâm không hòa.


6) Về phần hiệp đặng tính ra
Năm mươi lăm lẻ, sáu và sáu mươi
Bảy chục tám lẻ ba dư
Năm mươi lẻ một, sáu mười chín riêng.


7) Si Phần Bất Thiện hiệp nguyên
Tham ba, hiệp tám, Sân phiền có tư
Hiệp Sân hai thứ chẳng dư
Hôn thùy hiệp với năm lười trợ duyên.


8) Hoài nghi hiệp với nghi chuyên
Bất Thiện mười bốn theo nguyên chẳng lành
Mười hai Bất Thiện vương đành
Tâm Sở Phối Hợp, chẳng lành Phân năm.


9) Mười chín Tịnh Hảo biến Tâm
Hiệp năm mươi chín Tâm Vương Thanh nhàn
Giới Phần mười sáu hiệp chan
Đẳng Phần hăm tám hiệp đoàn chẳng dư.


10) Trí Huệ hiệp với bốn mươi
Và thêm lẻ bảy cả chư Thánh Phàm
Hai lăm Tịnh Hảo phân làm
Bốn phần trợ hiệp phụ hàm Phối Ưng.


11) Bất Định mười một sẽ trong
Ngã, Tật, Lận, Hối, Thủy Miên, Hôn Trầm
Vô lượng hai thứ Sở Tâm
Giới Phần ba thứ hoặc lâm hoặc về.


12) Dư ra bốn chục một kê
Vê phần nhứt định hằng kề chẳng ly
Từ đây trái lại vậy thì
Các Tâm chủ hiệp mỗi kỳ bao nhiêu?


13) Xuất Thế băm sáu sở nêu
Đại Hành băm bảy, hiệp nhiều băm lăm
Dục Giới Tịnh Hảo bốn hăm
Đặng ba mươi tám là Tâm Sở nhiều.


14) Bất Thiện hăm bảy sở chiêu
Vô Nhơn mười tám sở nêu thập nhì
Tâm Vương hẹp rộng cũng thì
Sở Ngũ thập nhị hợp nghi năm dài.


15) Xuất thế Thiền rộng ngũ bày
Ba mươi lẻ sáu, năm ngoài bốn, ba
Thứ năm, thứ bốn cũng là
Ba mươi ba lẻ đủ ra ngũ phần.


16) Đại hành cũng hiệp năm lần
Băm lăm, băm bốn giữa cần băm ba
Thiền tứ băm nhị đủ ra
Thiền ngũ ba chục bớt mà số hai.


17) Dục Giới Tịnh Hảo ít sai
Đôi thời thập nhị, sắp bày hạnh trung
Ba mươi mỗi cặp phải dùng
Sau bày số lẻ đặng tùng lớp chia.


18) Thiện tám, bảy, bảy sáu kìa
Hạnh năm, bốn, bốn ba lìa Quả tam
Hai, hai chót một đủ hàm
Dục Tịnh Vương Chủ phân làm mười hai.


19) Đại Hành Dục hạnh đã bày
Giới Phần không hiệp, Thánh đây chẳng lìa
Đại Qủa, Giới, Lượng rẻ chia
Đều không đặng hiệp sớm khuya chút nào.


20) Xuất Thế bởi Thiền khác nhau
Đại Hành do bậc thấp cao phân từng
Dục giới Tịnh Hảo chia xưng
Giới Phần, Trí Huệ, Hỉ mừng mới ra.


21) Mười hai Bất Thiện bảy là
Mười chín, mười tám với mà hai mươi
Hăm mốt, hai chục chẳng dư
Hăm hai, thập ngũ hiệp như bảy phần.


22) Biến Hành Bất Thiện bốn thân
Với mười Vô Ký có hằng bất Lương
Trừ Dục, Thắng Giải, Hỉ phương
Ba Tâm hoặc ở theo phường tùy duyên.


23) Vô Nhân mười tám bốn thiên
Mười hai, mười một kế liền thập trơn
Chót thời có bảy ít hơn
Vô Nhân Vương chủ hiệp đơn bốn phần.


24) Biến Hành bảy thứ mỗi hằng
Biệt cảnh sáu thứ giúp làm vừa công
Hợp Đồng theo rộng đã xong
Tâm Vương phân đoạn dắn chồng băm ba.


25) Tùy theo bày tỏ hiệp hòa
Phối Đồng hai cách đã vừa cân phân
Năm mươi hai lẻ sở phần
Đều chia theo trợ nên cần hiểu thông.


Đây là phẩm Nhị vừa xong
Diệu Pháp Lý Hợp của trong Sở Đoàn
Hăm lăm bài kệ hoàn toàn
Ai là học giả luận bàn xét suy.


Phẩm Thứ Ba
(Tạp Hợp
Đồng)

1) Đã bày chơn tướng phần danh
Năm mươi ba lẻ chỉ rành rộng phân
Về phần tom góp tỏ lần
Hợp Đồng sáu đoạn ân cần kể ra.


2) Thọ, nhân, với sự, môn và
Lại thêm cảnh giới cùng là Phù Căn
Nương theo thứ lớp của văn
Hợp Đồng tom góm sáu phần biểu ghi.


3) Tam Thọ: Lạc, Khổ, Xả chi
Ngũ Thọ: Ưu, Hỉ thêm thì đủ năm
Hiệp chia khéo tính chớ lầm
Phân bày Ngũ Thọ đã hàm cả ba.


4) Mỗi Thọ có mấy kể ra
Khổ một, Lạc một, Ưu mà đặng hai
Lục thập nhị Hỉ rộng thay
Năm mươi lăm lẻ Xả đầy chẳng hơn.


5) Tham, Sân, Si Bất Thiện nhơn
Vô-Tham, không giận, với dơn chẳng mờ
Là ba Nhân Thiện đáng mơ
Trạng ra sáu thứ căn cơ của lòng.


6) Vô-Nhân mười tám long đong
Một nhân một cặp ở trong si lòng
Hai Nhân hai chục, hai tồn
Ba Nhân bốn chục thêm dồn bảy rơi.


7) Việc làm mười bốn thập nơi
Tục sinh, hộ kiếp, lìa đời vân vân
Một việc một sở lên dần
Tới năm công chuyện sở bằng cũng năm.


8) Một công một sở những Tâm
Sáu mươi lẻ tám, đôi công hai lòng
Chín Tâm ba Sở làm xong
Tám Tâm bốn chuyện năm Công hai chàng.


9) Tâm nương sáu cửa ngũ ban
Hoặc là một cửa năm màn sáu môn
Cả hai sáu cửa ngoài khôn
Có phần chẳng dựa nương Môn cửa nào.


10) Một cửa ba chục sáu tao
Ngũ môn ba thứ, lục hào băm dư
Hoặc sáu hoặc khỏi có mười
Không nương cửa nẻo lối từ chín Tâm.


11) Trọn quớ cảnh Dục hăm lăm
Đại Hành có sáu, hơn hăm chế bày
Níp Bàn có tám quyết nay
Ăn chừa Xuất Thế đặng rày hai mươi.


12) Chỉ trừ La Hán đạo cư
Cùng là Quả tội nữa mười là năm
Nuốt trọn đặng có sáu Tâm
Hợp Đồng cảnh giới gom trong bảy phần.


13) Dục Giới mười một cõi gần
đủ bảy Giới tùy cần sáu Căn
Bốn Giới, Sắc Giới ba Căn
Một Giới Vô Sắc không thân phù trần.


14) Bốn mươi ba lẻ hằng hằng
Nương nhờ Căn Sắc làm bằng chỗ mong
Bốn mươi hai lẻ hoặc không
Tứ Quả Vô Sắc khỏi vòng dựa ai.


Tới đây vừa chấm dứt bài
Diệu Pháp Lý Hợp nêu hài phẩm Ba
Hợp Đồng thu tóm chỉ ra
Nhiếp thâu để nhớ giải mà sẽ thêm.


Phẩm Thứ Tư
(Lộ Tâm Hợp
Đồng)

1) Lộ trình tâm thức Hợp Đồng
Là Tâm sanh diệt phân lòng trước sau
Phân theo Thế Giới thấp cao
Với cùng người hạng, Tâm vào bấy nhiêu.


2) Tâm sanh hai lúc theo chiều
Tục Sinh lại với biểu nêu hằng ngày
Tùy theo sau trước hiện bày
Đều nương phải phép chẳng thay khác ngoài.


3) Tâm sanh năm cửa đường dài
Lộ thời bảy chặn, mười gia thất lòng [1]
Thứ thời kể hết cho xong
Năm mươi bốn lẻ làm công ngũ đàng.


4) Về phần Lộ Ý ngắn thang
Đường ba khoảng chặng, Tâm sang có mười
Thứ thời bốn chục một dư
Sẽ bày Kiên Cố đặng như nối chuyền.


5) Sau Thiện thọ Hỉ Huệ liền
Nhị Tâm nối đặng Hỉ Thiền băm hai
Sau đôi Thiện Xả Trí giai
Thập nhị Định Xả Thánh thay với phàm.


6) Sau hai Hạnh Huệ vui hàm
Tám Tâm Thiền Hạnh Hỉ làm nối sanh
Sau hai Tâm Hạnh Xả lành
Sáu tâm La Hán Thiền thanh hiện bày.


7) Dục Giới nhơn cảnh Thực đầy
Rất trường rất rõ việc đây dư làm
Mới là phải có Mót kham
Vậy thêm hai cái hưởng dùng cảnh dư.


8) Việc Thực Dục Giới bảy người
Thần Thông một lược cả chư phép mầu
Bao nhiêu Thực khác tùy lâu
Rất nhiều cũng đặng biết đâu tại phần.


9) Lộ Tâm La Hán đặng cần
Bốn mươi lẻ bốn sau phần trung sơ
Thời đặng năm chục đủ cơ
Lộ phàm ngũ thập lẻ lơ bốn chừ.


10) Lộ tâm Dục Giới tám mươi
Lộ Tâm Sắc Giới sáu mười bốn hơn
Lộ Vô Sắc Giới gọn trơn
Bốn mươi hai lẻ theo dơn vô hình
Đây là phẩm Tứ của kinh
Diệu Pháp Lý Hợp phân minh mẫu đề
Lộ Tâm tương hợp các bề
Chỉ bày tóm tắt đầu đề bấy nhiêu.

[1] 17 Sát na tâm


Phẩm Thứ Năm
(Phi Lộ Hợp
Đồng)

1) Lộ Tâm vừa đã tỏ bày
Phi Lộ sẽ nói sau đây hai phần
Tục Sinh là sự rất cần
Với cùng Bình Nhựt lần lần chỉ ra.


2) Sơ Quả, Nhị Quả, phàm gia
Đều không sanh đặng đến mà Thánh Cư
Bao nhiêu tâm Thánh trọn như
Vô Tưởng thời chẳng ác tư không vào.


3) Ngoài đây các cõi nêu sau
Hai mươi mốt cõi ra vào tùy duyên
Thánh phàm cao thấp thường thân
Do căn quá khứ đắc Thiền hoặc không.


4) Số thọ Tha Hóa tính xong
Chín Tỉ cai nhị với chồng một kinh
Lại thêm sáu triệu tuế linh
Của năm nhân loại, phàm tình cộng cân.


5) Tục Sinh, Hộ Kiếp, Xả thân
Ba Tâm một thứ mỗi lần in nhau
Vẫn đồng làm việc chung trào
Cảnh thời giống Cảnh trước sau cũng là.


6) Bốn Tâm Hiệp Trí Huệ mà
Cho mười sáu Quả đó là bực cao
Mười hai bởi thấp khác nhau
Tục Sinh, Bình Nhựt tính vào kể chung.


7) Bốn Tâm không hiệp Trí cùng
Cho mười hai quả cũng tùng theo cao
Thấp thời có tám như sau
Về phần quả Thiện, kể vào Vô Nhân.


8) Đại hành cho Quả đồng dơn
Tục Sinh, Bình Nhựt tùy nhân của mình
Phân ra cao thấp tợ in
Nhân nào Quả nấy chẳng chinh khác từng.


9) Cõi Vô Sắc Giới tử luân
Tái Sinh đặng tám, Thiền từng chẳng lui
Bốn Quả Vô Sắc giữ nuôi
Bốn Tâm Đại Quả Trí luôn không Thiền.


10) Sắc Giới mãn kiếp sanh liền
Đặng mười bảy Quả Phật truyền chẳng sai?
Trừ ra Tâm Quả có hai
Vô-Nhân lòng đấy Đầu Thai bực hèn.


11) Lẽ thường luân chuyển hằng phen
Tục Sinh, Hộ Kiếp lên thang lộ trình
Nối nhau cho đến bỏ mình
Liền như nước chảy tợ in xe vòng.


12) Vậy nên hiền trí xét xong
Vô Thường, Khổ Não, Ngã không quyết hành
Trau giồi tu niệm đành rành
Trừ Phàm chứng Thánh cao thanh Níp Bàn.


Đây là phẩm Ngũ rõ ràng
Diệu Pháp Lý Hợp phi đàng đồng chung.


Phẩm Thứ Sáu
(Sắc Pháp Hợp
Đồng)

1) Trước kia bày tỏ Sở, Vương [1]
Với cùng nhiều thứ bình thường Đầu Thai
Đã bảy năm phẩm các bài
Sau đây Sắc Pháp theo loài tỏ ra.


2) Hợp Đồng của Sắc năm là
Tóm thâu chia chẻ với mà căn cơ
Phân bọn nhiều ít theo thơ
Lại thêm thứ lớp tính sơ năm phần.


3) Kinh năm, đại tứ, cảnh bằng
Trạng hai, Ý một, Mạng Căn, Thực đoàn
Cũng là chung một cộng toan
Cả đây mười tám của ban rõ bày.


4) Đặc Ba, Hư một, tiêu vài
Tứ Tướng có bốn cộng lại nên mười
Đó là phần Sắc ngoại tươi
Kêu rằng không rõ ít người quan tâm.


5) Cả trên hăm tám chớ lầm
Nương nhờ trí giả thậm thâm phân bày
Trong ngoài nhiều cách hơn đây
Theo vừa phải lẽ đặng rày chia ra.


6) Sắc Nghiệp mười tám tối đa
Sắc tâm thập ngũ cũng là ít hơn
Âm Dương sắc có thập tam
Vật-Thực rất ít gọn trơn thập nhì.


7) Bốn Sắc Tứ Tướng cũng thì
Cố nhiên phải có khỏi ghi để vào
Chẳng chung nền tảng cùng nhau
Hoặc khi phải kể đến cao hơn thường.


8) Căn cơ phân Bọn cho tường
Nghiệp chín, Tâm sáu, Âm Dương bốn mùa
Vật Thực hai Bọn kéo thua
Cộng phần hăm mốt chẳng đua thường hòa.


9) Các hàng Trí thức chỉ ra
Hư không, Tứ Tướng đâu mà hiệp chung
Chỉ làm cho rõ bọn cùng
Hai phần nầy chẳng chịu hùn với nhau.


10) Chúng sanh chết đổi thân sau
Kẻ từ kiếp mới khi vào bào thai
Đều là Sắc mới không sai
Hiện bày ra có không xài cũ đâu.


11) Hăm tám Dục Giới trọn sâu
Hăm ba Sắc Giới chớ đâu đặng nhiều
Vô Tưởng mười bảy Sắc nêu
Cõi Vô Sắc Giới phiêu phiêu không hình.


12) Đặc biệt, Tiêu Biểu với thinh
Dị-Diệt chẳng có đang hình Hóa sanh
Còn khi Bình Nhựt đủ rành
Bao nhiêu các Sắc không đành bớt ra.


13) Các ngôi Đại Giác bởi mà
Tìm đường diệt khổ ấy là Vô Vi
Chẳng sanh chẳng diệt hằng thi
Cho nên đều gọi tên ghi Níp Bàn.


14) Như Lai thành đạo các hàng
Chơn Đế Bốn pháp chỉ đàng chúng sanh
Tâm Vương, Tâm Sở nêu danh
Với cùng Sắc pháp, cao thanh Níp Bàn
Đây là phẩm Sáu hoàn toàn
Diệu Pháp Lý Hợp khai đoan sắc hình
Giúp cho người học phát minh
Pháp mầu quý báu hãy tinh tấn hành.

[1] Tâm, Sở hữu tâm


Phẩm Thứ Bảy
(Cộng Hòa Hợp
Đồng)

1) Bao nhiêu chơn Tướng đã bày
Bảy mươi hai lẻ với rày các phương
Sau đây hòa cộng hợp tương
Gồm chung những Pháp trạng mường tượng Nhau.


2) Kể theo thể tướng Pháp cao
Lậu, Bộc, Phối, Phược mỗi nào cũng ba
Thủ hai, cái tám đây mà
Tính theo Siêu Lý phân ra Pháp mầu.


3) Căn bản Phiền Não sáu lâu
Thập Triền có tám chớ đâu đủ mười
Phiền não thập trọn chẳng dư
Hợp Đồng bất thiện là như chín phần.


4) Sáu Nhân Thiền nhánh năm thân
Đạo thời thập nhị cả Phần hai bên
Căn nền mười sáu vững bền
Lực mà có chín cũng nên mạnh rồi.


5) Pháp Trưởng có bốn đủ thôi
Tứ-Thực cũng bốn gốc chồi in nhau
Thiện cùng Bất Thiện tính vào
Hợp đồng bảy đoạn lưỡng tao cộng hòa.


6) Dục, Tâm, Hàn, Xả, Tín và
Hỉ mừng, Chánh Kiến, tịnh mà Tư Duy
Thật chơn Tinh Tấn với thì
Ba phần về giới cũng ghi để vào.


7) Với cùng Chánh Niệm quý cao
Lại thêm Chánh Định sái nào mười tư
Bảy phần tương hợp chẳng dư
Thành ba mươi bảy đồng cư trợ đường.


8) Giới Phần, Hành Xả, Tâm Vương
Tịnh Dục với Hỉ, chỉnh nương một phòng
Cần Niệm, Định, Huệ suông vòng
Cửu, Bát, Tứ, Ngũ, Tín công hai nền.


9) Trợ đạo hiệp cả Thánh trên
Nhưng tầm với Hỉ chẳng lên cao Thiền
Người hành Lục Tịnh tùy duyên
Pháp nào hợp đặng đàng yên nương nhờ.


10) Sắc Pháp, Thọ, Tưởng dón sơ
Phần hành năm chục dưới cờ Tâm Vương
Phân làm Ngũ Uẩn cho tường
Sắc, Thọ, Tưởng với Hành trương Thức rành.


11) Phân ra tùy sự lập danh
Phàm phu Thủ uẩn bởi sanh trong đời
Níp Bàn ngoại Uẩn vơi vơi
Trái cùng tương đối hữu thời vân vân.


12) Cũng vì bởi có Lục căn
Với cùng Lục Cảnh nhập bằng mười hai
Sanh thêm Lục Thức trong ngoài
Thời mười tám Giới hiệp bày có ra.


14) Luân Hồi ba lẽ toàn khoa
Gọi rằng Khổ Đế, Ái là Tập nhân
Níp Bàn Diệt Đế, tuyệt căn
Tâm Sở Bát Thánh, Chánh Chơn Đạo Đề.


TâmVương Đạo Quả Đồng nề
Bao nhiêu Tâm Sở chung bề với nhau
Hiệp cùng Bát Chánh sanh vào
Đều ngoài Tứ Đế thấp cao cũng tr
Đây là phẩm Thất lời dư
Diệu Pháp Lý Hợp đồng như Cộng Hòa.


Phẩm Thứ Tám
(Duyên Hợp
Đồng)

1) Sanh ra những Pháp Hữu Vi
Ắt là phải có cái chi trợ cùng
Vậy nên bày tỏ nương chung
Các duyên Quả hợp sẽ tùng theo đây.


2) Năm nhân Quá Khứ lớn thay
Năm quả Hiện Tại đời nầy có ra
Bây giờ Nhân đặng năm mà
Vị lai quả cũng thời là có năm.


3) Nếu mà hai gốc bặt tăm
Luân Hồi ba lẽ nương nằm ở đâu
Chúng sanh già chết khổ sầu
Bởi do Pháp Lậu khởi đầu Vô Minh.


4) Luân Hồi ba lẽ đã trình
Vô chung vô thủy thường tình xoay lăn
Cho nên Chư Phật gọi rằng
Mười hai luân chuyển kêu bằng Liên Sinh.


5) Danh phò danh đặng sáu thiên
Danh phò, danh Sắc Phật truyền có năm
Danh phò Sắc một chớ lầm
Sắc phò Danh một nghĩa nhằm kệ trên.


6) Chế Định cùng với Sắc danh
Trợ cho danh Pháp đặng nên hai phần
Danh Sắc đồng trợ chín nhân
Giúp nhau tính cả gồm phân sáu miền.


7) Bất ly, Hiện Hữu hai Duyên
Chia năm Duyên nhỏ Sanh Tiền, Đồng Sanh
Thực duyên sanh Hậu phân rành
Lại thêm Sắc Mạng Căn thành là năm.


8) Bao nhiêu những Pháp thường tầm
Thời gian, nội, ngoại theo lầm Hữu Vi
Với cùng tuyệt đối cả thì
Hay là các Pháp chẳng chi phân thời.


9) Chế Định, danh Sắc nơi nơi
Và ba phần Pháp bày lời trong kinh
Tức là Đại Xứ Luận minh
Đều trong hăm bốn thoang thinh duyên nầy.


10) Nối sau Nhãn Thức lộ đây
Đường Tâm Ý Thức nhì rày kể ba
Thỉnh Danh Chế Định đặng mà
Vừa phân biệt tiếng chẳng ra lý gì.


11) Thứ tư Lộ Ý nối đi
Tướng-Nghĩa Chế Định vậy thì sẽ ra
Văn chương ý nghĩa cả là
Trong đời các vật biết mà tùy duyên.


Đây là phẩm Tám vừa yên
Diệu Pháp Lý Hợp tỏ duyên Tương Đồng.


Phẩm Thứ Chín
(
Đề Mục Chỉ Quán)

1) Sẽ bày Tịnh Tuệ hai phần
Pháp Chỉ, Pháp Quán là căn tu hành
Phân ra thứ lớp rõ rành
Nương nhờ Thiền Định đắc thành tiêu diêu.


2) Thần Thông Thiên Nhãn phép nhiều
Phải lên Lộ Định đến nêu Ngũ Thiền
Vọng cầu xuất Định vừa yên
Nhập vào các phép mới liền có ra.


3) Hào Quang, Hỉ, Tịnh, Tín đa
Cần, Vui, Huệ, Niệm, Xả, và Ái thương
Trong mười, một mạnh quá cường
Thành ra Phiền Não của đường quá chơn.


4) Níp Bàn, Đạo, Quả Thánh Nhơn
Đắc rồi suy xét nghiệp duyên đã trừ
Cùng bao Phiền Não còn dư
Có người chẳng xét thiệt hư chi nào.


5) Nương theo thứ lớp tu trau
Lục Tịnh mới đến Đạo cao Thánh từng
Bởi nên bốn Đạo gọi xưng
Kêu là Huệ thấy cảnh trưng Níp Bàn.


6) Phần sau Đề Quán rõ ràng
Luân Hồi sẽ khỏi ai màng tu theo
Sẳn cây đặng quả lúc trèo
Không căn thì cũng đặng gieo giống lành.


Đây là phẩm Chín lược rành
Diệu Pháp Lý Hợp thực hành nương theo.

-- HẾT --


Kệ Cầu Chư Thiên

Chí thành miệng vái tâm cầu,
Chư Thiên lớn nhỏ bất câu bậc nào.
Bốn tầng Sắc Giới rộng cao,
Xin nghe hiểu biết hiện vào trợ duyên.
Đặng tâm sáng kiến phát liền,
Biết nơi đáng sắp bày tuyên vừa người.
Dầu ai cản sái luận dư,
Chuyển lòng tinh tấn ngăn trừ sự lui.
Chư Thiên Dục Giới hưởng vui,
Vừa nghe cầu khẩn, tạm ngừng xét qua.
Từ trời Tha Hóa cao xa,
Đến cung Đao Lợi bao la năm tầng.
Giàu lòng bác ái thọ xưng,
Thảy đều bố cáo chuyển luân sắp bày.
Vị nào hoan hỷ cầu đây,
Ra ân trợ giúp chẳng chầy mau xong.
Hiện nay con rất hết lòng,
Mong cho Thiên Tướng oai phong Bốn Ngài.
Thường luôn an lạc vui thay!
Tránh xa khổ não hằng ngày tiến lên.
Đặng ngôi Nguyên Soái vững bền,
Lòng từ ủng hộ các nền Giáo chân.
Chẳng nài khó nhọc ra ân,
Chúng con hữu sự có nhân nên cầu.
Vì e công chuyện trể lâu,
Làm cho nhiều kẻ hao sầu thân tâm.
Nhờ Ngài xuống lịnh quyền thâm,
Chư Thiên lòng tốt quang lâm giúp thành.
Rất là ân trọng cao thanh,
Chúng con hồi hướng phước lành kính dâng.
Chư Thiên lớn nhỏ các tầng,
Tùy hỷ công đức đồng mình trợ chuyên.

Bhikhu SANTAKICCO TỊNH SỰ

-ooOoo-

Ðầu trang | Trang Vi Diệu Pháp | Vi Diệu Pháp Toát Yếu | Thắng Pháp Tập Yếu Luận

Chân thành cám ơn đạo hữu VĐT đã giúp đánh máy vi tính (Bình Anson, 03-2004)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 13-04-2004